Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Phần I : Chúng ta không thể không thuyên giải

Chương I, 1 : Giai đoạn Cửa Vào

Chương I, 2 : Giai đoạn Biến Chế

Chương I, 3 : EROS, THANATOS và ANANKÉ (6)

Chương I, 4 : Mẹ thuyên giải con theo D.W. Winnicott

Chương I, 5 : Thuyên giải là gì ?

Chương I, 6 : Điểm bế tắc

Phần II : Tư duy cấu trúc

Chương II, 1 : Nhân và quả giao thoa chằng chịt, qua lại

Chương II, 2 : Khả năng định hướng cuộc đời

Chương II, 3 : Chia sẻ, đồng hành : Một con đường tất yếu Anankè

Chương II, 4 : Mở đường cho vô thức đi ra vùng ánh sáng

Chương II, 5 : Lắng nghe, học hỏi, nhìn nhận để "Tái sinh nhau, nhờ nhau".

Phần III : Những vấn đề của chúng ta

Chương III, 1 : Ngôn ngữ của giấc mơ cần lắng nghe và phát hiện

Chương III, 2 : Khám phá ba loại vấn đề trong mỗi câu chuyện trao đổi hay là trong mỗi giấc mơ

Chương III, 3 : Hóa giải

Phần kết luận : Giấc Mơ của người Việt Nam

Sách Tham Khảo

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải
Chương II, 4 : Mở đường cho vô thức đi ra vùng ánh sáng

(Giai đoạn cửa ra) 

Khi chuyện trò, trao đổi với người khác, tôi mở cửa nội tâm. Tôi đem ra vùng ánh sáng những gì tôi đã ấp ủ, cưu mang trong cõi lòng. Đây là giai đoạn cửa ra. Với hai loại ngôn ngữ "có lời" và "không lời", tôi diễn tả ra ngoài. Tôi chia sẻ, đồng hành với kẻ khác.

Vô thức là gì, ở đâu ?

Qua lời mô tả ấy, công việc bày tỏ xem ra có vẻ đơn sơ, giản dị ở bề mặt. Thế nhưng, trong bản chất và thực tế của nội tâm, nhiều trắc trở rất thường xảy ra ; vì vô thức nằm vùng, len lỏi ở khắp nơi vào trong cuộc sống của mỗi người.

- Thứ nhất, tôi úp mở. Tôi bộc lộ một phần. Và phần ấy không có gì quan trọng. Tôi giữ lại trong mình bao nhiêu ấm ức, khắc khoải ... những điều đang đè nặng, ức chế tâm tư. Hóa ra, tôi làm công việc chia sẻ. Nhưng tôi không muốn chia sẻ. Không dám chia sẻ. Nói đúng hơn, tôi mâu thuẫn với tôi. Hai thành phần trong con người tôi đang đấu tranh kịch liệt với nhau. Tôi hai mặt, hai lòng. Tôi lưỡng năng. Vừa muốn vừa không. Vô thức cản đường ý thức.

- Thứ hai, tôi không trung thực.

Điều tôi nói ra không đúng với điều tôi ôm ấp trong lòng. Tôi tràn đầy xúc động hận thù trong tâm tư. Nhưng khi phát biểu, tôi rêu rao "bốn bể một nhà, tình anh em khắp thế giới".

-         Thứ ba, tôi không biết về tôi.

Theo lối nói của Freud, tôi sống trong vô thức. Nhiều năng động đang khống chế, áp đảo tôi mà tôi không hay biết. Tôi làm nạn nhân cho nhiều vấn đề vượt thoát khỏi quyền làm chủ của tôi.

Trong thực tế, khi có ba vấn đề trên đây đang khống chế bản thân và cuộc đời của tôi ; hai loại ngôn ngữ được tôi sử dụng không ăn khớp với nhau. Điều tôi phát biểu qua lời nói, diễn tả một đường. Đương khi đó, qua tác phong, cử điệu, nét mặt, hơi thở, nhịp tim ... tôi trình bày một con đường ngược chiều. Tôi nói cho mọi người biết tôi không có vấn đề lo âu gì cả. Đang khi đó, tôi nôn nóng, đứng ngồi không yên.

Chính mình tôi là "người trong cuộc". Cho nên tôi không ý thức rõ rệt về mình. Tuy nhiên, người đứng ngoài nhìn vào, có thể ghi nhận dễ dàng những biểu hiện tương phản và đối nghịch lẫn nhau như vậy.

*****

Cách tổ chức nội tâm :

Để nhận thức một cách rõ ràng và cụ thể vô thức là gì, nó nằm ở đâu, nó tác yêu tác quái như thế nào, nếu nó không được diễn tả ra ngoài ... Chúng ta hãy khảo sát sơ đồ về sinh hoạt của nội tâm.

Sơ đồ nầy bao gồm những tầng lớp  hay là giai đoạn khác nhau của nội tâm.

Thứ nhất: Qua năm cửa vào là 5 giác quan, nội tâm đón nhận, tiếp thu những tin tức hay là những sự kiện, do thực tại bên ngoài cung cấp.

Duy trong giai đoạn sinh hoạt tiếp thu này, bao nhiêu hiện tượng đang xảy ra. Đa số những hiện tượng này đều ở dưới chế độ vô thức. Tôi chỉ xin đan cử một vài ví dụ quan trọng.

Ví dụ thứ nhất : "Tôi đúng, anh sai"

Thế nào là đúng ?

Thế nào là sai ?

Dựa vào đâu tôi có thể khẳng định rằng tôi có độc quyền về chân lý ? Từ đó, phải chăng mọi người khác đều ở trong vòng sai lạc ?

Ví dụ thứ hai : " Nó có ý định làm hại tôi "

Làm sao tôi có thể biết được những gì đang xảy ra trong nội tâm của người khác, trừ phi khi chính họ bộc lộ một cách trực tiếp cho tôi ?

Trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày giữa người với người, mỗi người trong chúng ta đều có xu thế bói đoán, "đi guốc trong bụng" kẻ khác. Thế nhưng, mấy ai ý thức được điều ấy, để "đánh lưỡi  bảy lần", trước khi "chụp mũ" người anh chị em của mình ?

Xét về mặt chủ quyền, tôi chỉ có thể biết rõ ý định của tôi mà thôi. Thế mà trong thực tế hằng ngày, tôi "xâm lấn" chủ quyền của biết bao nhiêu người, khi áp đặt cho họ một cách tùy tiện những dự tính chỉ có mặt trong đầu não của tôi.

Ví dụ thứ ba : "Chính nó là thủ phạm".

Khi có một vấn đề xảy ra trong bất kỳ một hoàn cảnh hay môi trường nào, xu thế vô thức của chúng ta là "vạch mặt" người có lỗi.

Ở Âu Châu, trong thế kỷ vừa qua, người Đức Quốc Xã đã tiêu diệt, bằng lo hơi ngạt, sáu triệu người gốc Do thái, chỉ vì thái độ qui chụp dã man ấy.

Phải chăng, trong những đợt "suy thoái kinh tế", người Hoa Chợ Lớn cũng luôn luôn bị gắn nhản hiệu "đầu cơ tích trữ" ?

Ai đã ý thức một cách sáng suốt rằng chính lòng sợ hãi đã bày vẽ ra những tâm trạng hoài nghi và những cách vạch mặt chỉ tên đơn phương, độc lộ ấy ?

 

Tư duy xuyên tạc

Càng đào sâu hơn ở bên dưới ba hiện tượng trên đây, chúng ta sẽ dễ dàng phát hiện loại tư duy bóp méo xuyên tạc đang có mặt trong tâm tưởng của mỗi người. Tác giả D.Burns  đã liệt kê và trình bày 10 hình thức khác nhau của loại tư duy xuyên tạc này.

- Hình thức thứ nhất : Tư duy tuyệt đối hoặc có hoặc không, hoặc đen hoặc trắng, hoặc tốt hoặc xấu.

Thực tế của đời sống làm người không bao giờ được tổ chức một cách giản đơn như thế. Giữa trắng và đen, xấu và tốt tuyệt đối, có bao nhiêu sắc độ khác nhau trải dài ra ở giữa.

- Hình thức thứ hai : Tổng quát hóa quá khích. Tư duy này xuất hiện trong những lối nói như : luôn luôn, không bao giờ, mọi người, tất cả, ai ai cũng ...

- Hình thức thứ ba : Sàng lọc cực đoan. Khi sàng lọc, chúng ta có xu thế lựa chọn chỉ một điều. Chẳng hạn trong câu nói "Người Việt rất hiếu khách", chúng ta bịt mắt, không muốn nhìn thấy những tập tục vô lịch sự khả dĩ làm tổn thương người khách, trong cách xử thế của chúng ta.

- Hình thức thứ bốn : Tư tưởng bi quan, tiêu cực. Khi khẳng định " đời là bể khổ ", chúng ta chỉ muốn thấy con đường bùn lầy, khổ đau tràn lan khắp nơi. Chúng ta quên rằng còn có những nụ hoa nở ra đó đây cho chúng ta thưởng thức. Một nụ cười trên môi của em bé, một nắm tay thân ái, một câu nói ấm lòng ... có thể làm vơi nỗi khổ, cho những ai biết nhìn, biết tìm ...

- Hình thức thứ năm : Bói đoán, đi guốc trong bụng, để chỉ thấy ý đồ đen tối trên khuôn mặt của người đối diện.

- Hình thức thứ sáu : Phóng đại hay là tẩy xóa, khước từ. Chúng ta không tôn trọng kích thước của thực tế. Khi bị phê bình, chỉ trích, qui chụp, chúng ta có xu thế đánh mất tất cả lòng tự tin, để ngày ngày nhai đi nhai lại :" Tôi bất tài. Không ai thương tôi. Tôi làm hỏng mọi sự. Tôi vô giá trị ...". Để hóa giải tâm trạng này, chúng ta cần nhận chân rằng lòng tự tin sẽ không bao giờ là một điểm đến nơi. Đó là một tiến trình chúng ta cần liên tục phát huy và xây dựng mỗi ngày.

- Hình thức thứ bảy : Yêu nên tốt, ghét nên xấu. Khi khổ đau, tôi không lý luận một cách chính xác. Tôi đánh mất khả năng nhìn thực tại một cách khách quan. Tình cảm chi phối mọi cách thẩm định người và sự vật.

- Hình thức thứ tám : Qui luật.

Với những cách nói : " Phải, cần, không được " tôi đưa ra những qui luật hạn chế. Làm như vậy, tôi không xác định ai đưa ra qui luật ấy. Họ có thẩm quyền hay không ? Thêm vào đó, qui luật khắt khe ấy dựa vào những cơ sở nào ? Được rút ra từ những sự kiện nào ?

- Hình thức thứ chín : Gắn nhản hiệu.

Dựa vào một tác phong hạn định, tôi đánh giá toàn thể bản chất hay căn cước của một người : " Nó là một thằng nói láo ". Khi gắn nhản hiệu như vậy, chúng ta hồ đồ, vơ đũa cả nắm ; không xác định : nó nói gì, với ai, ở đâu, mấy lần ? ...

- Hình thức thứ mười : Tố cáo, phê phán, trách móc ... Tôi qui định phần lỗi hoàn toàn thuộc về một người.

Trong thực tế, khi một lỗi lầm xảy ra, ít người tự hỏi mình : Phần đóng góp hay là trách nhiệm của tôi nằm ở chỗ nào ? Hẳn thực, mỗi người chúng ta có liên đới với kẻ khác trong cuộc sống làm người.

*****

·  Những cấp thang suy luận

Nhằm hóa giải loại tư duy xuyên tạc, chúng ta hãy khảo sát một cách tường tận bốn bước đi lên chủ yếu, mỗi lần chúng ta suy luận.

- Bước một : Giữa một thực tại bao la, chúng ta ghi nhận một số lượng sự kiện có hạn định, tùy vị trí đứng nhìn hay là tùy hiện trạng của nội tâm, như nhu cầu của đời sống tình cảm. Thêm vào đó, bao nhiêu thành kiến, định kiến cũng đang chi phối tư duy của chúng ta. Đứng trước cùng một thực tại ấy, người khác sẽ thấy những sự kiện có khi hoàn toàn khác biệt.

- Bước hai : Từ những sự kiện được ghi nhận, chúng ta nêu lên một giả thuyết, nghĩa là đề xuất một ý hướng thuyên giải, trình bày một lối nhìn có tầm độ quan trọng đối với chúng ta.

- Bước ba : Sau khi khảo sát, lục lọi, tìm tòi, chúng ta chọn lựa một giả thuyết và cố quyết kiểm chứng lối nhìn ấy. Cuối cùng chúng ta rút ra một kết luận : Đó là quan điểm, hay là lối thuyên giải của chúng ta.

- Bước bốn : Dựa vào lối thuyên giải mà chúng ta khẳng quyết là " đúng " và quan trọng đối với chúng ta, chúng ta chỉ chọn lựa một chiều hướng hành động cụ thể, trong bao nhiêu chiều hướng.

Tuy nhiên, như tôi đã nhấn mạnh rất nhiều lần, kết luận của tôi chưa hẳn đồng hóa hoàn toàn với kết luận của một người khác.

Và chương trình hành động của tôi có thể khác biệt với lề lối thực hiện của một người bạn đồng nghiệp hay đồng hương.

 

Sơ đồ : những cấp thang suy luận

Thay vì đi lên từng bước một, một cách có hệ thống, theo ba cấp thang đã được trình bày, chúng ta thường có xu thế " nhảy vọt " một cách vội vã, nhanh chóng từ cấp một đến cấp ba, mỗi lần chúng ta suy luận. Cho nên, người ở ngoài không theo kịp chúng ta. Không hiểu chúng ta.

Và chính chúng ta cũng không ý thức một cách rõ ràng và sáng suốt về thể thức " vượn nhảy cành " đang diễn ra trong tâm tưởng của chúng ta.

 

*****

Gọi ra ánh sáng :

Khi đã phát hiện nguồn gốc thai sinh bao nhiêu nét khác biệt, chúng ta có thể dựa vào đó, để yêu cầu người đối diện gọi ra ánh sáng những gì đang có mặt trong nội tâm. Làm như vậy là kêu mời chia sẻ. Và khi chúng ta làm công việc gọi ra ánh sáng những gì đang ẩn núp trong tâm hồn, chúng ta đang chia sẻ tâm tư của mình cho một người khác chúng ta.

Nhờ vậy, chúng ta sẽ hiểu biết sự khác biệt của nhau, để lắng nghe nhau, tôn trọng nhau và nhìn nhận nhau.

 Quyền khác biệt ấy được thể hiện một cách cụ thể, khi có người đối diện đang khẳng quyết một lập trường, một quan điểm, hay là đang phát biểu một ý kiến, một dư luận ...

Căn cứ vào kết luận rõ ràng và khách quan, do chính họ diễn tả và trình bày, chúng ta có thể yêu cầu họ đem ra ánh sáng những lãnh vực sau đây :

- Lãnh vực 1 : Những sự kiện khách quan mà họ ghi nhận.

" Bạn vừa phát biểu một ý kiến. Ý kiến đó là ...

Xin bạn cho tôi biết thêm : bạn căn cứ vào những sự kiện khách quan nào, để rút ra kết luận ấy ? "

- Lãnh vực 2 : Những xác tín hay là những tin tưởng chủ quan, không được kiểm chứng bằng những sự kiện cụ thể, vững chắc.

Những tin tưởng này do những kinh nghiệm tiếp xúc trong quá khứ để lại. Bây giờ, chúng nó đã có mặt ở đó, chi phối toàn bộ tư tưởng và hành động. Nhưng không một ai khảo sát lại, đặt thành vấn đề. Chính vì vậy, chúng nó còn mang tên là định kiến, thành kiến hay là tiên kiến.

Ví dụ thứ nhất :

" Bạn vừa khẳng định rằng : người nam lạc quan, yêu đời.

Bạn có thể chứng minh bằng sự kiện không ? "

-"Không, tôi không cần chứng minh. Đó là cảm tính của tôi. Nó thuộc trực giác của tôi ".

Một ví dụ thứ hai : " Mẹ tôi còn sống. Nhưng đã từ lâu trong cuộc đời, tôi có cảm tưởng : tôi là một đứa bé mồ côi ".

Định kiến, trong ví dụ thứ nhất, có khả năng giúp tôi có những quan hệ hài hòa với những ai là người Nam. Trái lại, trong ví dụ thứ hai, vì một định kiến "có sẵn đó", tôi không còn thẩm định một cách tích cực, năng động, bao nhiêu việc làm của mẹ tôi đối với tôi. Đây là một định kiến "tê liệt, hạn chế " khả dĩ khép kín khung trời tư duy và hành động của tôi.

Đã một thời, trước 1975, những cuốn tiểu thiểu của một nữ văn sĩ người Đài Loan đã được đưa vào miền Nam. Trong " Khói lam cuộc tình, Cánh hoa chùm gởi ...",  tác giả Quỳnh Dao thường trình bày những định kiến có khả năng làm khô héo, hao mòn đời sống tâm tư của nhiều nhân vật.

Trên đây, tôi cũng đã nói tới ba thành kiến hay là ba sứ điệp đang ngày ngày xoi mòn lòng tự tin của rất nhiều người : "Tôi bất tài, tôi vô giá trị, tôi đáng ghét ".

-         Lãnh vực 3 : Đời sống xúc động và tình cảm.

 Đây là chiến khu hay là sào huyệt kiên cố của vô thức. Không được diễn tả và trình bày một cách rõ ràng và trực tiếp, loại vô thức thuộc đời sống xúc động và tình cảm phải mượn những con đường "ngụy trang, trá hình" để tác yêu, tác quái trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày.

Thay vì thú nhận mình đang khổ đau, tê tái dưới nhiều thức dạng khác nhau, chúng ta sừng sộ tấn công kẻ khác ... Chúng ta tố cáo, phê phán, gắn nhản hiệu, chụp mũ hay là qui lỗi. Nói tóm lại, người khác là vấn đề. Họ tạo vấn đề cho tôi, trong lòng cuộc sống hằng ngày.

Thông thường, phản ứng của chúng ta là "trả đũa". Vấn đề đã trầm trọng, càng trở nên trầm trọng hơn. Không trả đũa, chúng ta lại muốn biện minh, biện hộ chính mình. Theo lối nói của Phân tâm học, đó là phản ứng tự vệ, đầy nhan nhản khắp nơi, trong mọi quan hệ giữa người với người.

Gọi ra ánh sáng, trong những hoàn cảnh này, là  “gọi tên" những tình cảm và xúc động. Và khi gọi tên ai, tự khắc chúng ta chuyển biến họ thành thân tình, thân ái. Chúng ta tước bỏ khỏi mình mọi vũ khí, mặt nạ. Chúng ta làm người anh chị em.

"Qua những ngôn ngữ và nhận xét của chị, tôi hiểu chị đang có chuyện bực bội với tôi. Tôi muốn lắng nghe và chia sẻ với chị ... có được không ?"

Hay là :

"Qua giọng nói của mẹ, con hiểu được mẹ đang có chuyện lo buồn. Mẹ con mình có thể tâm tình trao đổi với nhau về điều ấy không ?"

Nhờ biết cách "Câu rắn" ra ngoài hang động vô thức, chúng ta biết làm "người dễ thương". Và đồng thời, nhờ lời chia sẻ của chúng ta, người khác cũng đang trở thành dễ thương với chúng ta.

Trong cách xử thế ấy, không có kẻ thắng người thua. Nhưng cả hai cùng thắng, vì cả hai đang giúp nhau làm người.

Trên đây, tôi vừa giới thiệu một vài phương thức hay là những câu hỏi cần đặt ra để yêu cầu người đối diện diễn tả những gì đang có mặt trong nội tâm.

Về phía của chính mình, chúng ta cũng cần rõ ràng, trong sáng và trực tiếp khi tiếp xúc, chuyện trò với kẻ khác.

Hai kỹ năng đơn sơ sau đây cho phép chúng ta gọi ra ánh sáng những xúc động của chính mình.

1.- Kỹ năng  Sứ điệp ngôi nhất "Tôi".

Với sứ điệp " Tôi ", chúng ta thú nhận những xúc động đang xuất hiện trong nội tâm.

- Tôi cảm thấy lo buồn ... sau khi bạn nói rằng "tôi muốn bốc lột học sinh".

- Tôi không an tâm, khi bạn im lặng, suốt ngày, không trao đổi với tôi một lời.

Thay vào đó, nếu chúng ta sử dụng sứ điệp ngôi thứ hai, chúng ta tự khắc trở thành người tố cáo, tấn công, qui chụp. Ngôi thứ hai chỉ được dùng khi tôi nêu lên sự kiện khách quan, nghĩa là những  điều chính mắt tôi thấy, tai tôi nghe.

- Anh đi làm, về chậm (sự kiện) nghĩa là anh ghét tôi (qui chụp).

Nếu nói với sứ điệp ngôi nhất :

- Tôi buồn và lo vì anh đi làm về chậm như chiều nay.

Tốt hơn nữa là chúng ta thêm ở đằng trước câu nói : " Tôi có vấn đề này ".

- Tôi có vấn đề này cần được chia sẻ. Khi chị phạt và la rầy em B, tôi cảm thấy chị bất công.

Nếu thiếu câu nói "Tôi cảm thấy, tôi có vấn đề", câu trên đây sẽ trở thành một lời phê phán, tố cáo, khai đường cho một cuộc xung đột hoặc ngấm ngầm, hoặc bùng nổ.

 

2.-Kỹ năng X Y Z (21)

Lời phát biểu gồm có ba phần : X là sự kiện khách quan, Y là sứ điệp ngôi nhất diễn tả xúc động ; Z là lời yêu cầu, quyết định, hậu quả .

" Ông đánh em B trước mặt tôi và các bạn bè của tôi chứng kiến. Tôi cảm thấy đau khổ, tức giận, bất mãn. Nếu sự cố nầy xảy lại một lần thứ hai, tôi sẽ đích thân yêu cầu ban Giám hiệu cứu xét".

Với cách làm ấy tôi không "hèn nhát, thinh lặng đồng lõa". Đồng thời, tôi dành cho tha nhân một không gian để "thấy mình" và để thay đổi. 

Hai tên gọi khác nhau

Vô thức là lối nói của Phân tâm học, có nghĩa là những gì bị lắng chìm vào đáy sâu của tâm hồn. Tôi đã kiểm duyệt, dồn nén, không diễn tả ra ngoài. Một trong những lý do cơ bản phát sinh hiện tượng dồn nén ấy là tôi sợ kẻ khác. Nói khác đi, tôi không coi trọng ý kiến và xúc động của chính mình. Kẻ khác, ai đó ... đang được tôi coi trọng hơn chính mình tôi. Họ ở ngoài tôi. Họ mang tên là " Siêu ngã " có nghĩa là “Ở trên tôi”, đang đe dọa tôi. Tôi đang thiếu khả năng đối diện và nhận diện. Tôi chưa phải là người hoàn toàn " Vô úy ". Tôi còn " Sợ chết". Chưa dám đưa đầu, đưa cổ cho người ta "chém".

Peter Senge sử dụng một tên gọi khác là mẫu thức (model trong tiếng Anh) hay sơ đồ của nội tâm. Sơ đồ này bao gồm ba tầng lớp khác nhau.

Tầng một là những kinh nghiệm tiếp xúc trong quá khứ. Nền giáo dục và ảnh hưởng của văn hóa thuộc giai tầng này.

Tầng hai là quan điểm về mình, về người, về vũ trụ, hoặc năng động tích cực hoặc tiêu cực, tê liệt, bị động. Lòng tự tin nằm trong giai tầng này.

Tầng ba là đời sống xúc động và tình cảm.

Cả ba giai tầng tổ chức của nội tâm có quan hệ, ảnh hưởng qua lại, hai chiều. Cho nên, theo tinh thần của tư duy Cấu trúc, thiếu khả năng diễn tả, thiếu tự tin và thiếu văn hóa, giáo dục là ba bộ mặt khác nhau của một con người chưa "làm người".

Khi biết gọi những sơ đồ tâm linh ra vùng ánh sáng như vậy, chúng ta càng ngày càng ý thức về chính mình : "Tôi thực sự là ai, trong cuộc đời này ?"

 

"Em là hạt nước hay Đại Dương ?

"Cả hai là một, Tình thương nối liền !

"Bắc, Trung, Nam Việt một miền

"Núi, sông, đất, nước mãn viên tròn đầy !"

  

Vậy, chúng ta chỉ có một con đường Tất Yếu :

"Gieo Tin Mừng tha thứ,

"Trên quê hương đất Mẹ,

"Lòng thì thầm chia sẻ,

"Gói trọn hết nỗi niềm :

"Giấc mơ tuy chưa tròn,

"Vấn đề còn đây đó,

"Cuộc sống thiếu sum vầy ...

"Mặt Trời Em vẫn sáng ! "



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!