.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I : Chúng ta không thể không thuyên giải

Chương I, 1 : Giai đoạn Cửa Vào

Chương I, 2 : Giai đoạn Biến Chế

Chương I, 3 : EROS, THANATOS và ANANKÉ (6)

Chương I, 4 : Mẹ thuyên giải con theo D.W. Winnicott

Chương I, 5 : Thuyên giải là gì ?

Chương I, 6 : Điểm bế tắc

Phần II : Tư duy cấu trúc

Chương II, 1 : Nhân và quả giao thoa chằng chịt, qua lại

Chương II, 2 : Khả năng định hướng cuộc đời

Chương II, 3 : Chia sẻ, đồng hành : Một con đường tất yếu Anankè

Chương II, 4 : Mở đường cho vô thức đi ra vùng ánh sáng

Chương II, 5 : Lắng nghe, học hỏi, nhìn nhận để "Tái sinh nhau, nhờ nhau".

Phần III : Những vấn đề của chúng ta

Chương III, 1 : Ngôn ngữ của giấc mơ cần lắng nghe và phát hiện

Chương III, 2 : Khám phá ba loại vấn đề trong mỗi câu chuyện trao đổi hay là trong mỗi giấc mơ

Chương III, 3 : Hóa giải

Phần kết luận : Giấc Mơ của người Việt Nam

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
PHẦN II : TƯ DUY CẤU TRÚC

Trong phần I, chúng ta đã đề cập vấn đề thuyên giải. Và như tôi đã trình bày, đây là một đề tài đã có mặt từ ngàn xưa, trong lòng nhân loại. Tuy nhiên, từ ngày Freud thuyên giải những giấc mơ, khi các bệnh nhân tâm thần đến khám bệnh, thuyên giải đã từ từ được đánh sáng trở lại và trở thành có tầm cở quan trọng trong nhiều địa hạt khoa học nhân văn.

Giữa lúc khoa thuyên giải được các nhà phân tâm nghiên cứu, học hỏi, vì lý do chuyên môn nghề nghiệp, nhiều khám phá mới càng ngày càng xuất hiện. Những công trình sáng tác của D.W. Winnicott ở Anh, của B.Cramer ở Genève, Thụy Sĩ và bao nhiêu tác giả khác... đã mang tới những ánh sáng mới lạ và độc đáo cho phép những nhà tâm lý và sư phạm đào bới và hiểu rõ hơn tư tưởng của Freud. Cũng như để ứng dụng Phân tâm học vào cuộc sống và nghề nghiệp của mình.

Thêm vào đó, nhiều phương pháp và chủ thuyết mới đã xuất hiện trong địa hạt tâm lý và xã hội, như "Chương trình sinh hoạt thần ngữ", "Tư duy cấu trúc", "Khoa trị liệu gia đình" ... cũng mang tới những đóng góp phong phú, khả dĩ bổ túc, kiện toàn những lối nhìn đã có mặt trong các tác phẩm của Freud. Nhưng Freud đã không đào sâu. Hay là vì không nằm trong địa hạt ưu tiên của Freud, những lối nhìn ấy chưa được khai phá và khai thác một cách đầy đủ, đến nơi đến chốn.

Chẳng hạn, Freud đã phân biệt ba cấu trúc tâm linh : Thứ nhất là tự ngã - ça trong tiếng Pháp hay là Es trong tiếng Đức. Thứ hai là bản ngã - Moi hay Ich. Thứ ba là siêu ngã - Surmoi hay Super-Ich. Thế nhưng, cấu trúc là gì ? Phải chăng mỗi cấu trúc là một thực thể riêng biệt, một phương diện hay là một giai đoạn ? Tất cả còn rất mơ hồ, bấp bênh !

Tư duy cấu trúc hay là tư duy về cấu trúc do Peter SENGE nghiên cứu, ứng dụng và trình bày sẽ trang bị thêm cho chúng ta nhiều dụng cụ độc đáo và sắc bén, để thuyên giải bao nhiêu vấn đề càng ngày càng phiền toái, dồn dập kéo tới áp đảo cuộc sống ngày hôm nay của chúng ta.

Trong lối nhìn và thể thức hành động do tác giả này đề nghị, mỗi vấn đề được đón nhận như là một "thách đố", mang lại cho con người ngày nay một cơ may để đồng hành và chia sẻ, nghĩa là để học với nhau và làm người với nhau. Lối nói của ông có vẻ khiêu khích. Ông chỉ dùng một động từ "To have", nhưng chúng ta có rất nhiều cách chuyển ý qua tiếng Việt. Theo ông, "if we don't have them, they'll have us". Tôi có thể thuyên giải tư tưởng của ông, theo chiều kích sau đây : "Nếu chúng ta không tìm cách khắc phục những thách đố đang đến với chúng ta, chúng nó sẽ khống chế chúng ta, nuốt sống chúng ta".

Tôi còn muốn diễn rộng ra tư tưởng của P.Senge: một mình bạn hay một mình tôi không thể nào khắc phục, "Vượt qua" những khó khăn trong cuộc sống. Từng người riêng rẽ sẽ bị thiêu thân. Họp nhau lại, chúng ta sẽ tạo ra cơ may, để cùng nhau tiến tới.

 Theo ngôn ngữ của Phật giáo, khi giúp đỡ và chuyển tải nhau, chúng ta làm "Bồ tát Quan thế Âm": Có trăm con mắt để nhìn đời. Trăm cánh tay để rộng vòng nổi lửa. Trăm đôi chân để cùng nhịp bước hăng say. Trăm quả tim để yêu thương, sáng tạo cuộc đời.

Vậy, đã đến lúc chúng ta có thời cơ thuận tiện, không phải để rêu rao khoác lác, nhưng để thực hiện :

"Một cây làm chẳng nên non,

"Ba cây họp lại, thành hòn núi cao".

*****

Mỗi lần tôi thuyên giải theo chiều hướng của Phân tâm học, tôi đối diện với hai thực tại : Một thực tại khách quan, bên ngoài, vô tâm, lạnh lùng và vô danh, không thuộc về ai cả hay là thuộc về mọi người. Ai cũng có quyền cho ý kiến. Nhưng không một ai có trách nhiệm săn sóc, vun tưới, bồi đắp ...

Lúc tôi còn đi dạy cho trẻ em khuyết tật, tôi có nhận xét rằng : Trẻ em nào có quá nhiều người "can thiệp", dưới nhiều hình thức trị liệu chuyên môn khác nhau, trẻ em ấy có nguy cơ dẫm chân tại chỗ. Em ấy là vấn đề, là đối tượng được rất nhiều người nói tới. Em là hành tinh chuyển vận từ văn phòng tâm lý trị liệu qua văn phòng ngôn ngữ trị liệu. Sau đó, tâm vận động trị liệu. Giờ tiếp theo, vật lý trị liệu. Tôi còn có thể kể thêm : Âm nhạc trị liệu, nghệ thuật trị liệu, vũ khúc trị liệu ... Rốt cùng em ấy càng ngày càng lăng xăng, hiếu động, không tập trung tư tưởng vào một cái gì cả. Hẳn thực, con của mọi người là đứa con mồ côi thiếu tình thương, trong các cô nhi viện to tát vĩ đại về nhà cửa, số lượng và diện tích ...

Khi một thực tại mênh mông, bao la, lạnh lùng ... được tôi nhìn và thuyên giải, được tôi ôm ẳm ưu mang trong nội tâm, thực tại ấy được tôi đặt tên, gọi tên, theo kiểu nói của Paulo Freire (16).

Thực tại ấy, từ vô danh trở thành một tên tuổi. Thực tại ấy, từ vô thức không ai biết tới, biến thành ý thức, có mặt với tôi, nhờ tôi, cho tôi, trong tôi.

Như một trẻ em, thực tại ấy phải mất đi, từ bỏ rất nhiều điều, nhiều tin tức, nhiều đặc tính, nhiều phương diện. Nhưng nó nhận, từ nội tâm tôi, một ý nghĩa, một tên gọi. Nó được thuyên giải.

Văn hào A. de Saint-Exupéry trong tác phẩm lừng danh "Hoàng tử bé", đã mô tả một tình huống tương tự (17). Trên đường viếng thăm các hành tinh khác nhau của vũ trụ, Cậu bé Hoàng Tử đã dừng chân nghỉ ngơi ở một vườn hồng. Cậu đã nhìn ngắm hằng triệu đóa hoa mỹ miều, diễm lệ. Đóa hoa nào cũng "sắc sảo mặn mà". Đóa hoa nào cũng "mai cốt cách, tuyết tinh thần". Thế mà khi ra đi, tiếp tục lên đường, Cậu đã sụt sùi nhớ thương, rơi lệ vì một đóa hoa hồng duy nhất. Xa nàng, cách khoảng bằng bao nhiêu tầng trời thăm thẳm, Cậu vẫn nghe được tiếng nàng ho sụ sị, giữa tiếng gió rì rào, và tiếng côn trùng rên rỉ. Tiếng ho ấy làm cậu hồi hộp, lo sợ. Thế mà cậu cần nghe tiếng ho ấy, để nhức nhối và thổn thức trong quả tim ! Cơ hồ một con thuyền bấp bênh, nhưng lòng thuyền vẫn yên ổn, vì biết rằng một bến đậu đang đợi chờ mình.

Hiểu được hoàn cảnh bí nhiệm ấy, Xuân Diệu đã phân trần (18) :

"Ai đem phân chất một mùi hương,

"Hay bản cầm ca ! Tôi chỉ thương ;

"Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc,

"Như thuyền ngư phủ lạc trong sương.

 

"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu !

"Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều

"Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,

"Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu ...".

 

Tôi đồng ý với Xuân Diệu : Tình yêu không thể được cắt nghĩa. Vì tình yêu là sống . Là một lời thú nhận không ngừng sống lại, đổi mới. Tình yêu không thể giữ kín trong lòng. Tình yêu được gieo vãi, tưới tẩm, đâm chồi nẩy lộc và lớn lên....  Đó là một " loài chim thánh thót " , theo ngôn ngữ hình tượng của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng trong " Tiếng chuông gọi người tình trở về" (19) :

 

"Không phải tình yêu không về cùng với anh, hôm đó, nhưng mà nó đã bỏ đi, từ lâu lắm, khi anh còn ở nhà, những tháng năm cũ kỹ gần nhau. Nó đi, bởi thiếu chất liệu trông nom và nuôi dưỡng. Tình yêu là một loài chim quí kén ăn. Thiếu chất bổ nuôi dưỡng, nó bay đi hay dẫy chết. Nó đã bay đi, phải không anh, và bây giờ, đã dẫy chết, một nơi xa xôi nào (...) Đã là chim, phải cho chim không khí và ánh sáng, sắc màu thay đổi. Cho nó xin khung trời mở rộng để ca hót thảnh thơi. Nó không thể, dù là lồng son, giam hãm hoài trong chừng ấy không gian và khung cảnh. Hết dưỡng khí, nó héo hon và dẫy chết".

Trong lăng kính và ý hướng được các người nghệ sĩ đóng góp, bằng kinh nghiệm sáng tạo ; thuyên giải không phải chỉ là rút tỉa, chọn lọc một ý nghĩa, một chân trời, trong hằng triệu con đường xuôi ngược, dọc ngang. Thế rồi, chúng ta nghỉ ngơi. Toại nguyện. Dứt điểm. Chấm hết. Trái lại, cuối đời con sâu chỉ là đầu đời con bướm.

Chính vì vậy, tư duy cấu trúc của P. Senge và bạn bè đồng nghiệp đã mang đến những hành trang mới, mở ra một khung trời khác biệt ... cho phép chúng ta tiếp tục lên đường.

Hẳn thực, suốt một thế kỷ với một loại ngôn ngữ quá chuyên biệt như Ngã, Tự ngã, Siêu ngã ... cùng với lề lối tổ chức trường phái càng ngày càng khắt khe, khép kín ... Phân tâm học đã trở thành một "Biệt thự giàu sang" với tường cao kín cổng, có bảng hiệu treo ở ngoài "chó dữ". Thậm chí các tôn giáo có tên tuổi hơn hai ngàn năm cũng đồn thổi với nhau về loại “chó dữ” ấy, cấm con cái lại gần, nguy hiểm !

Trong bầu khí ấy, "thuyên giải", theo lối tin tưởng dị đoan của nhiều người, chỉ vòng vo, luẩn quẩn trong biệt thự nội tâm. Đó là trò chơi của loài người thời thượng, ăn không ngồi rỗi.

Đối với tôi, trái lại, từ ngày mang Phân tâm học về Việt Nam, tôi đặt nó trong tay mỗi bà mẹ Việt Nam. Phân tâm học, theo lối nhìn của tôi - ngày trước chỉ là một đứa bé chăn trâu - đã có mặt trong nghệ thuật nuôi heo của mẹ. Đã diệu vợi trong tiếng hò ca dao của mẹ, khi mẹ ru tôi vào giấc ngủ mỗi ngày. Mẹ đã thuyên giải một cách tài tình, mỗi khi về đêm, kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích như Tấm Cám, Sơn Tinh và Thủy Tinh, Thần Kim Qui nổi lên trên mặt Hồ Gươm...

 Mẹ không bao giờ cầm roi. Thế mà tôi "sợ" Mẹ vì thương mẹ thường ốm đau, ho suyển, không có tiếng to, để la nạt như sấm sét. Mẹ là bà tiên Âu Cơ, chỉ thánh thót nhẹ nhàng "Thằng Bờm có cái quạt mo".

 Cũng nhờ Mẹ, tôi biết hóa giải những con ngư tinh, hồ tinh và mộc tinh, mỗi khi nó đi ra khỏi vùng bóng tối vô thức, để đe dọa, khống chế tôi. Theo ý Mẹ, tôi chỉ thinh lặng nhìn thẳng mặt, không om sòm, la lối, bạo động. Chỉ mỉm cười với một nụ cười của Di Lạc, của Thằng Bờm ... tự khắc ba con  yêu tinh ấy không còn dám quấy rầy. Mẹ còn dạy tôi làm cành câu và câu nó ra ngoài hang động ở dưới đất. Sau đó,  Mẹ "kho nấu". Thịt mấy con rắn ấy còn ngon lành hơn những món ăn cao lương mỹ vị.

Theo lời khuyên của Mẹ, ăn thịt chúng nó và biết tiêu hóa, tôi sẽ có khả năng đọc được ý trời và nghe được lòng người, ngửi được tiếng gió, tiếng mưa, tiếng côn trùng nỉ non, tiếng trăng sao nhắn gởi, tiếng Mặt Trời chỉ đường.

Mẹ không dùng lối nói "thuyên giải" như Phân tâm học. Mẹ chỉ "nhìn", chỉ "nghe", chỉ "cảm". Thế mà mẹ thấy được, hiểu được, đọc được những điều "vô hình, vô thanh, vô tướng, vô sắc".

Rất lâu về sau, khi mẹ đã ra đi, tôi mới khám phá ra Phân tâm học của bà mẹ Việt Nam cũng có bà con thân thuộc với tư tưởng cấu trúc.

Hẳn thực, Peter Senge không thuyên giải như Freud. Cho nên, tác giả này không phân biệt thực tại bên ngoài, bên trong. Thực tại là thực tại, làm sao chúng ta có tự do chọn lựa ? Ai có thể chọn lựa một người, để làm cha sinh, mẹ dưỡng cho mình ? Cái ly là cái ly, đóa hoa là đóa hoa, làm sao "đặt tên và gọi tên khác" được ? Một con người mang dòng máu Tiên Rồng làm sao có thể hóa thân thành thằng Ngụy ?

Tư tưởng Cấu trúc bảo chúng ta hãy nhìn thực tại có nhiều tầng lớp tổ chức khác nhau. Khi đi sau lưng một người, tôi khó nhận ra đó là ai, tên tuổi thế nào. Ra đằng trước, nhìn thẳng mặt ... Trong nhiều trường hợp, tôi vẫn còn mơ mơ, màng màng. Tại sao tôi không dám lại gần, chào hỏi, thú nhận nỗi phân vân của mình : Thưa ông, cháu có cảm tưởng đã quen biết ông ? Nhưng cháu không còn rõ ràng về tên tuổi ... Xin lỗi ông, cháu có thể biết ông được không ? Hiện thời, Ông mang kính đen..., tay cầm roi ... cháu sợ quá !

Tư tưởng Cấu trúc giúp chúng ta đặt ra ít nhất năm tầng lớp câu hỏi, để khám phá thực tại là gì ?

Câu hỏi loại một : Thực tại ở đây và thực tại ở đằng kia ... Cái gì là nhân, cái gì là quả !

Câu hỏi loại hai : Thực tại ngày mai và thực tại hôm nay có quan hệ gì với nhau.

Câu hỏi loại ba : Thực tại của tôi và thực tại của bạn bè họp lại với nhau sẽ biến thành cái gì ?

Câu hỏi loại bốn : Thực tại bên trong và thực tại bên ngoài tại sao mâu thuẫn với nhau ?

Câu hỏi loại năm : Để khám phá thực tại toàn diện, chúng ta phải làm gì ?

Trong lăng kính ấy, Cấu trúc bao gồm nhiều thể thức, tầng lớp, giai đoạn, bình diện ... của một sự vật được tổ chức, từ ngày hình thành đến hồi viên mãn, xuyên qua nhiều cấp độ phát triển khác nhau.

Sự có mặt của tôi trên con đường tổ chức, xây dựng, phát triển của sự vật ấy không bao giờ được coi là thừa thải mang sắc thái vô tích sự của một kẻ "ăn cơm nguội, nằm nhà ngoài". Trái lại, tôi có phần đóng góp tích cực, hữu hiệu vào công việc vận hành của trời đất, vũ trụ. Khi một vì sao cảm thấy lòng cô đơn, quả tim tôi đã nhức nhối, cơ hồ một vì vua đời nhà Lý có khả năng thấy được dân đói, dân lạnh, mặc dù giữa ông và tầng lớp quần chúng, bao nhiêu bức tường cao vòi vọi, dày khủng khiếp được đoàn lũ nịnh thần đua nhau kiến dựng lên.

Sau bao nhiêu thế hệ, là cháu chắt của Vua Hùng, tôi cảm thấy có trách nhiệm thống hối về bàn tay gian ác của Trần Thủ Độ đã đào hầm, gài bẫy, chôn sống bà con dòng họ Lý. Thống hối như vậy không phải chỉ là lời tuyên bố có vẻ trình diễn, đóng kịch, hát tuồng. trong mỗi lời ăn tiếng nói, trong từng mỗi hơi thở và cử điệu... HẠNH NGUYỆN của tôi là làm sứ giả của thứ tha, bao dung. Gieo vãi trên từng tấc đất của quê hương hạt giống cao cả của bà mẹ Âu Cơ. Gầy dựng lại những thế hệ mang trong mình quả tim Đại Dương của Lạc Long Quân.

"Ánh mắt em là ngọn lửa đốt sáng cuộc  đời,

"Bàn tay chị mở ra nối lại những vòng  tay,

"Đường anh đi gieo vãi An Lạc tận muôn nơi,

"Quả tim tôi mang nguồn sống mới tặng mỗi người!”

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!