"Mày sinh tao ? Hay tao sinh mày ? "
Đó là câu hỏi mẹ đặt đi, đặt lại cho tôi, mỗi lần tôi ngang tàng bướng bỉnh, cứng đầu, cãi lại Mẹ. Thế mà mẹ vẫn để cho tôi cãi, khóc lóc, la lối om sòm. Mẹ lắng nghe, cho đến khi tôi yên nguôi, thấy mình cần được mẹ ôm vào lòng và tha thứ.
Sau khi học Thiền đôi chút, tôi mới nghiệm ra rằng câu hỏi ngày nào mẹ đã đặt ra là một "công án". Đó là một bài tính tiến thối lưởng nan. Đi tới thì gặp ngõ cụt. Đi lui thì hố thẳm cản trở bước đường. Đào đất, chui xuống giấu đầu, thì hở "đuôi" ! Chỉ còn lại một cách là học đi lên:
Tìm hướng mặt trời. Theo con đường ánh sáng. "Làm Tiên" như mẹ, như bà ÂU Cơ.
Làm Tiên là có khả năng đi lên, vượt qua nhiều tầng lớp của Bầu Trời.
Hay là đi xuống, buông xả, từ bỏ, chấp nhận mình là số không trọn vẹn, không còn chi hết. Cho nên không mất gì hết. Không sợ gì hết.
Không "chấp" cao hay "chấp" thấp, như một bà tiên, mới khám phá được bao nhiêu tầng lớp của cuộc đời.
Vào mùa đông 1981, tôi bỏ nhà ra đi, trong một ngày gió bão. Sóng đại Dương lồng lộn dâng lên cao cơ hồ từng dãy trường sơn vòi vọi, rồi đổ xuống, nhào lộn như đất lở trời long. Thế mà trong lòng tàu, tôi bình lặng thưởng thức bản hòa tấu bốn mùa của Vivaldi. Cũng nhờ đó, tôi thai nghén được hai câu thơ:
"Trời bão tố, hồn Đại Dương vẫn lặng,
"Ngày sương mù, lòng Trời Cao cứ nắng".
Khả năng thấy được trong cùng một lúc nhiều tầng lớp thực tại khác nhau, có khi rất mâu thuẫn với nhau được đề cập, khảo sát, trình bày trong một bộ môn hay phương pháp mang tên là Tư Duy Cấu Trúc. Tiếng Anh được được chính P. Senge dùng là Systemps Thinking. Lối nói tiếng Pháp là approche systémique hay là analyse structurale. Tổng hợp bao nhiêu tin tức, từ nhiều môi trường sinh thái khoa học của Mỹ và của Pháp, chúng ta có thể đưa ra một định nghĩa như sau :
Tư tưởng cấu trúc là một phương pháp giúp chúng ta phân tích hay là tiếp cận thể thức một thực tại được kết cấu, tổ chức và kiến dựng. Khám phá được cấu trúc cơ bản của một vấn đề như vậy, chúng ta mới có cơ may giải quyết, khắc phục một cách hữu hiệu, tận gốc rễ. Bằng không, chúng ta chỉ giải quyết "lấy lệ". Sau đó, đâu vào đấy. Ngựa chạy đường cũ.
Những lối nói như khắc phục, giải quyết, vượt qua không có nghĩa là làm tan biến. Nếu trong ví dụ trước đây về em bé La, tôi cấm cản "xé giấy", thì chính tôi hủy diệt một nhu cầu, một khả năng của bé La.
Thay vào đó, trách nhiệm làm giáo viên của tôi là giúp bé La xây dựng cuộc đời với, từ, nhờ thực chất, thực trang và thực tại của mình.
Nếu mỗi tháng, lương tôi lãnh 500 nghìn. Tôi tiêu xài 5 triệu. Nghĩa là tôi tự cho mình có quyền phép phù thủy, làm phép lạ, biến 5 nghìn thành 5 triệu. Tự tạo cho mình quyền phép ấy tương đương với thói "ăn hối lộ" trên xương máu của người khác.
Trái lại, sáng tạo từ thực tại hôm nay để dần dần đổi mới thực tại ấy, đó là con đường tất yếu Anankè mà chúng ta đã khảo sát khá chi ly trong phần I trước đây. Và đó là mục đích cuối cùng trong cuộc sống làm người, thành người, theo lăng kính và ý hướng hoạt động của tư tưởng Cấu trúc.
"Mày sinh tao, hay tao sinh mày ?"
Thưa Mẹ, Mẹ đã đặt câu hỏi ấy, hồi con lớn lên độ chừng 10 tuổi.
Sau một cuộc đời phải đi vòng vo tam quốc từ Ấ sang Âu, từ Nam lên Bắc, từ đen qua đỏ, con mới hiểu được một sứ điệp đã có mặt từ bao đời trong máu huyết của con ...
Sau khi thấm nhuần ngôn ngữ của Tư tưởng Cấu trúc, con xin trở về để thuyên giải cho Mẹ nghe "Công Ấn" mà mẹ đã gieo trồng trong tâm hồn của một đứa bé Việt Nam lên 10 tuổi.
*****
Nói đến thực tại, vấn đề ... hay một khó khăn ... một câu hỏi ... có mặt trong lòng cuộc đời, bất kỳ ở địa hạt nào, chúng ta hãy khảo sát nó như một Cấu trúc. Cách làm của chúng ta lúc bấy giờ mới phong phú, khả dĩ mang lại những thành quả lâu bền. Làm ngược lại, chúng ta chỉ giải quyết vấn đề cho qua lệ, không đúng chỗ. Làm như vậy, thay vì giảm khinh, về lâu về dài, chúng ta càng gia trọng những khó khăn lúc ban đầu.
Để có một cơ bản vững chắc về tư tưởng Cấu trúc, chúng ta cần ghi nhận những trọng điểm sau đây :
Điểm Một : Cấu trúc là một thực thể toàn diện, toàn bích, còn mang tên là Đại Thể hay Tổng thể.
Lối nói thời trang được dùng trong khoa học ngày nay là Hologram, toàn đồ. Cái đại thể đã có mặt, được cưu mang trong mỗi thành tố của Đại Thể ấy. Ban Công An điều tra phạm nhân chỉ cần tìm được trên thực trường, nơi xảy ra vụ án, một sợi tóc. Phân tích những mầm sinh, những gên (gène, trong tiếng Pháp), họ có thể xác định căn cước của người thủ phạm. Chính vì lý do này, vừa rồi đây tòa án ở Pháp đã cho phép Công An mở lại một vụ điều tra, bằng cách phân tích phía sau một con tem, trên một bì thư nặc danh. Họa may phạm nhân hay kẻ đồng tình đã để lại một vết tích ở nơi ấy, bằng nước miếng liếm ướt con tem.
Điểm hai : Đại Thể của một Cấu trúc bao gồm nhiều thành tố. Nhưng chính Cấu trúc hay Đại thể ấy có thể là một thành tố của một cấu trúc rộng lớn hơn.
Cũng vậy, một thành tố của một cấu trúc chưa hẳn là thành tố đơn thuần, một đơn vị cuối cùng, tuyệt đối, không còn có thể phân tích hơn nữa. Trái lại, đó lại là một cấu trúc ở một bình diện khác.
Chẳng hạn mỗi con người là một cấu trúc, bao gồm nhiều cơ quan, bộ phận. Nhưng chính con người lại là một bộ phận nhỏ của môi trường sinh thái, trong đó có mặt trời, bầu khí quyển, nước, đất ....
Thế rồi, chính quả tim, một bộ phận của con người, lại bao gồm rất nhiều cơ phận khác nhau ...
Điểm ba : Giữa các thành tố của một cấu trúc, có những quan hệ tương tức, liên đới với nhau. Có những ràng buộc qua lại hai chiều. Không một thành tố nào hoàn toàn làm nhân sinh ra yếu tố khác, mà không làm quả, nghĩa là chịu ảnh hưởng của yếu tố do mình sinh ra.
Ở đây, nhân cơ hội này, tôi đã có thể trả lời cho Mẹ : Tôi đồng ý rằng Mẹ sinh ra con, nuôi dưỡng con. Nhưng ở một bình diện khác, chính sự có mặt của đứa con tạo cho Mẹ niềm vui, hạnh phúc, khả năng làm Mẹ.
Đâu phải chỉ có Mẹ mới làm chuối ba hương, làm xôi nếp một, làm đường mía lau. Chính đứa con cũng có khả năng nuôi lại mẹ, bằng nụ cười, bằng tiếng líu lo, bập bẹ ... bằng vòng tay ôm, bằng liếc nhìn. Cho nên, khi có một sự xáo trộn xây ra bên này, thì ở bên kia cũng có những hiện tượng xảy ra làm xáo trộn cuộc đời .
Trong cuộc chiến Việt Mỹ, bao nhiêu người Mỹ đã mất tích trên phần đất Việt Nam, làm điêu đứng những bà mẹ Mỹ, ngày ngày đợi con mà không thấy con về... dù chỉ còn là một thi hài lạnh lẽo.
Tuy nhiên, phía bên này, bao nhiêu bà mẹ Việt Nam cũng đã mất tích con, trên chính quê hương đất nước của mình.
Ai thắng, ai thua ?
Tôi chỉ thấy những hòn núi đầy xương ! Những đại dương đầy máu.
Ai đang ca ngợi chiến tranh, người ấy có thấy được rằng chiến tranh đang để lại trong tâm tư của mình và con cháu của mình những vết thương hận thù còn đang rướm máu, rất khó băng bó và chữa trị. Khi chúng ta phóng ra một viên đạn, bằng kim loại, hơi độc... Chính viên đạn ấy sẽ trở lui - như một cây thoi mang tên là "Bum-mơ-răng" - để giết chết nguồn yêu thương và sức mạnh tha thứ trong chính lòng mình!
Và ai sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên và cuối cùng? Không phải là một em bé người Mỹ ở đô thành Nữu Ước ! Nhưng là em bé Việt Nam, hay là vợ con của chính chúng ta.
Tôi có thể thêm một ví dụ khác để gây ý thức về quan hệ nhân quả qua lại chằng chịt có mặt trong mỗi hành động hằng ngày của chúng ta.
Cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1999. Miền Trung Việt Nam đã bị ngã quÿ, dưới cơn bão lụt có một không hai, từ trước cho tới nay. Theo nguồn tin được báo chí đăng tải, chính quyền địa phương đã thẩm định rằng Miền Trung đã trở về số không, sau hơn 20 năm xây dựng.
Lời than trách bột phát từ cửa miệng của nhiều người bình dân : "Trời làm khổ cực hại dân".
Thật là tội cho Trời. Trời thinh lặng, không nói tiếng nói của loài người. Cho nên, Trời không biện hộ cho mình. Và cũng không một ai biện hộ cho Trời.
Thực ra, Trời là gì ? Là rừng cây Trường sơn bị đốn phá một cách vô trách nhiệm. Là những con sông trong bao nhiêu năm không có ai khai lạch, vét bùn và bao nhiêu phế liệu chồng chất ở dưới đáy.
Khi một đứa bé khóc, nếu cha mẹ người lớn không nghe, nó sẽ thét la lên càng lúc càng dữ dội. Cuối cùng chịu không được, chúng ta "ban phát" cho nó một vài tát tai, để nó yên thân. Thực ra. nó có yên thân không ? Chúng ta có cách làm nào khác nữa không ?
Bản thân tôi thấy Trời cũng đơn sơ trong trắng như một đứa bé. Cách làm hay nhất đầu tiên và cuối cùng là lắng nghe, tìm hiểu ! Học thuyên giải tiếng khóc của Trời ! Và trả lời với phương tiện sẵn có dưới tầm tay, một cách "nhất trí và liên tục".
Bằng không, chúng ta sẽ "đi câu cá, kho cá, rồi đút cá" vào miệng Trời và Trời sẽ đói hơn. Dân sẽ đói hơn. Chúng ta sẽ đói hơn. Hóa ra, Trời, dân và chúng ta làm thành một Cấu trúc có quan hệ nhân quả, liên đới, qua lại hai chiều.
Quan hệ ấy là một vòng tròn có ảnh hưởng qua lại, lui tới .
Nhờ tư tưởng Cấu trúc, tôi mới có một vài ý niệm về qui luật luân hồi ấy. Freud đã gọi qui luật ấy là con đường tất yếu Anankè.
Một hôm tôi nói chuyện cho một cử tọa bao gồm nhiều cán bộ, về thể thức nuôi dạy trẻ em khuyết tật tâm thần. Tôi đã so sánh bà mẹ với Trời, theo cách tôi thuyên giải trên đây. Tiếp theo đó, tôi yêu cầu nhóm bạn bè sinh viên lớp hè của tôi hát tặng cử tọa bài "Xin Trời đổ mưa", do Ngọc Hoan phổ nhạc.
Sau bài hát, một cán bộ đặt ra cho tôi câu hỏi: “Nghe Anh so sánh bà Mẹ Việt Nam có đứa bé khuyết tật, như ông Trời có khả năng tạo mưa móc cho con, tôi thú thật đã xúc động mạnh và còn hãnh diện. Nhưng xin hỏi Anh phải chăng đó là tư tưởng duy tâm cực đoan".
Câu trả lời của tôi : Trời mà tôi vừa nói tới không dính dáng gì với "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Trời có mặt trong thâm sâu của cung lòng, nơi mỗi người Việt Nam, không trừ sót một ai, nhất là nơi mỗi bà mẹ nuôi con.
Cái sức mạnh lớn lao cho phép bà "múa máy tối ngày", chạy xốc chạy xáo để nuôi con, nhất là khi đứa con ấy mang chứng khuyết tật, đó là Trời. Trời ấy, trong lòng bà, làm bằng xương da máu thịt của bà, mang tên là Lòng Mẹ, là tình thương. Nhờ có Trời ấy, bà mới có khả năng "bên ướt mẹ nằm, bên ráo con nằm".
Cũng nhờ cách chăm sóc của chồng, của bà con xa gần, bà mới có chất Trời trong lòng như vậy. Và Trời cũng có mặt nơi người chồng, khi người chồng ấy thương vợ, thương con, đi làm suốt ngày vì vợ, vì con.
Tôi cũng xin thêm một câu cho hết ý. Nếu tôn giáo đó đây thường nói đến Trời và nếu Trời của tôn giáo không dính dáng gì với tình yêu trong lòng bà Mẹ Việt Nam, trời đó mới được tôi gọi là Trời Duy tâm cực đoan.
Vậy trong bài hát, tôi khẩn nguyện Trời trong lòng bà Mẹ Việt Nam đổ mưa. Trời bà đổ mưa, khi bà nở nụ cười với con bà. Khi bà hôn con. Khi bà hò ca dao, để ru con ngủ ... Khi bà đưa con vào lòng Đại Dương của Lạc Long Quân.
*****
Điểm bốn : trong quan hệ nhân quả qua lại ấy, không có vấn đề hơn thua về mặt giá trị. Chỉ có sự khác biệt về chức năng, phần vụ, vị trí trong cơ cấu tổ chức mà thôi.
Điểm này rất khó được chấp nhận, cho những ai còn bị buộc trói vào tập quán của một nền học vấn và tư tưởng duy lý. Lề lối tổ chức xã hội, có phẩm trật giai cấp, luôn luôn đề cao qui luật tôn ti đẳng cấp. Đồng thời, nhân danh qui luật này, người trên áp đặt mệnh lệnh cho người dưới. Cho nên, luôn luôn có hai phe tương khắc lẫn nhau trong lòng một cấu trúc. Khi phe này dành quyền chủ động, phe kia trở thành bị động. Phe này kiểm soát, phe kia càng trở nên ù lì, tìm mọi cách để tự biện hộ, đổ lỗi lại cho phe bên kia.
Qui chụp là lề thói sinh hoạt, là hình thức quan hệ trong loại có tổ chức tôn ti đảng hệ này. Rốt cuộc tinh thần và não trạng nhị nguyên trấn áp mọi cõi lòng. Và trong tình thế hiện nay, đây là điểm thách đố lớn lao đang khống chế sức sống vươn lên của hầu hết mọi tổ chức của con người. Trong đó, có tổ chức tôn giáo. Mặc dù các tổ chức này nhân danh tình thương để hoạt động, họ vẫn ngụp lặn trong hận thù, ghen tương, chia rẽ, bè phái.
Bao lâu não trạng nhị nguyên còn đó, Tình thương và thứ tha không có mặt. Có chăng, đó chỉ là những khẩu hiệu, những lời tuyên truyền bề mặt, che đậy ngụy trang, sơn phết tô điểm cho một thực trạng giả dối, bịa đặt, đúng như nhận xét của Vũ Trọng Phụng, trong "Số Đỏ" :
"Bịa đặt. Bịa đặt mãi. Cuối cùng chúng ta tin vào điều bịa đặt".
Thay vào não trạng "hơn thua", tư tưởng Cấu trúc chỉ thấy một chọn lựa thứ hai : " Chấp nhận sự khác biệt ". Nói đúng hơn, đó là một thực trạng cần khai phá và khám phá. Hẳn thực, mỗi thành tố của Cấu trúc vừa là nhân vừa là quả. Vừa là chủ vừa là bị . Vừa cho vừa nhận. Vừa nói vừa nghe.
- Sau khi phát biểu, đến lượt tôi lắng nghe.
- Sau khi thông tin, trình bày, tôi đón nhận học
hỏi.
- Tôi khẳng quyết quan điểm và lập trường của tôi. Sau đó, tôi tìm hiểu quan điểm, lập trường của người khác, của người đối diện.
Trong lăng kính này không có tư duy hoặc trắng, hoặc đen, hoặc hoàn toàn đúng, hoặc hoàn toàn sai. Trong thân phận và điều kiện làm người, không có xấu hoàn toàn, 100%. Và cũng không có tốt nguyên chất, vàng ròng. Tất cả mọi thành tố trong trời đất đều là một tiến trình di động, trên đường đi, từ bỏ một khởi điểm, và đang hướng tới một đích điểm.
Tôi trở về với động tác hay là nhu cầu "xé giấy" của cháu La, mà tôi đã nhắc lui nhắc tới như một điệp khúc. Nếu tôi thấy tác phong ấy ở trên một tiến trình, tôi sẽ từ từ khám phá ra - hay là có khả năng xác định - mục tiêu học hành của cháu ấy. Tôi sẽ giúp cháu chuyển biến một nhu cầu máy móc, tự động, "nhai đi, nhai lại" từ ngày này qua ngày khác ... thành một hứng khởi, có chủ tâm, có ý hướng, có chọn lựa, có trao đổi, chia sẻ với người khác. Dạy học như vậy là mở ra. Không phải khép kín. Thay vì gắn nhản hiệu rồi phê phán, tôi đã tìm năng động, tìm điểm tựa, sáng tạo đòn bẫy để chuyển hóa.
*****
Điểm năm : bản chất của thực tại :
Thực tại là gì ? Tôi có thể tác động thế nào trên thực tại ? Đóng góp của tôi là gì ?
Thực tại là một thành tố của một cấu trúc. Và tôi cũng là một thành tố của cấu trúc ấy. Hai thành tố của một cơ cấu có khả năng tác động qua lại hai chiều.
Tất cả vấn đề chủ yếu là khám phá : Cấu trúc của thực tại là gì, nằm ở chỗ nào ?
Để đào bới, phát hiện, tầm nguyên như vậy, chúng ta cần ghi nhận ý kiến phong phú của P.Senge về nhiều tầng lớp khác nhau của thực tại
· Tầng lớp bề mặt mang tên là sự cố, bao gồm tất cả những gì xảy ra trước mắt, những sự kiện khách quan, những biến cố mà chúng ta hay người khác có thể đếm, đo, cân, lường ... bằng mắt, bằng tai, bằng tay chân va chạm, tiếp cận.
· Tầng thứ hai mang tên là mẫu thức : Đó là một điệp khúc thường hằng, có xu thế lặp đi, lặp lại trong không gian và thời gian với nhiều nội dung thay đổi. Mẫu thức "Sơn Tinh và Thủy Tinh" được diễn tả trong câu nói "bên kia mười lạng bên này nửa cân" thường được diễn lui diễn tới trong lòng dân tộc Việt Nam, từ đời Vua Hùng, đến ngày hôm nay. Chỗ nào có tranh tài, thì chỗ ấy có tai họa chia rẽ xảy ra, cho dù mẫu thức đó đã xảy ra ở bất kỳ thời nào, có nội dung tôn giáo hay là chính trị, tình yêu hay là chức tước, trong khuôn khổ gia đình hay ở ngoài xã hội ...
Mẫu thức mang tên là "leo thang" được gọi là cơ chế "Up-up" trong địa hạt tâm lý. Từ "Up" trong tiếng Anh có nghĩa là đi lên, sôi lên, hăng máu lên, to tiếng lên. Nếu cả hai bên đều kích động nhau, thì đó là mẫu thức "Up-up". Ngược lại, mẫu thức "Up-down" có nghĩa là "Cơm sôi, nhỏ lửa, mấy đời mà khê". Đó là "việc đi xuống có tình có lý". Trong một số trường hợp, vì thiếu tình và thiếu lý, "Down" là xuống dốc, kiệt quệ, tàn gia bại sản.
· Tầng ba còn được gọi là tầng chiều sâu. Tầng này mang tên là Cấu trúc có nghĩa là thực tế và thực tại được tổ chức, sắp đặt, kết dệt như vậy. Nhu cầu hiện tại là như vậy. Thực chất, thực lực ở vào giai đoạn phát triển hôm nay là như vậy. Điều tất yếu, điều kiện hoặc thân phận cụ thể ngày hôm nay là như vậy.
Từ được dùng trong tâm lý phật học là "chân như" cũng mang một ý nghĩa tương đương và tương tự.
Theo tinh thần và ý hướng của tư tưởng Cấu trúc, bao lâu chúng ta chưa tìm ra cái như vậy, trong ý nghĩa, bản chất, giai đoạn phát triển, cách kết cấu, tổ chức hay là nhu cầu hiện tại, chúng ta chưa nhận diện và đối diện vấn đề tận gốc rễ. Trái lại chúng ta còn loanh quanh, vòng vo tam quốc.
Hôm ấy, trên đường dạo chơi, tôi bắt gặp một chú bé đang loay hoay nằm sạt xuống đất, lục lọi tìm tòi một cái gì đó, vào lúc 9 giờ đêm. Mồ hôi toát ra đẫm ướt chiếc áo sơ mi. Đôi mắt diễn tả niềm lo âu.
Tôi hỏi : Em đang tìm cái gì đó, phải không ?
Chú bé trả lời : Dạ, em đang tìm chìa khóa nhà. Em tìm hơn 10 phút rồi. Em lo quá, không vào nhà được.
- Em mất ở đâu ?
- Ở đằng kia kìa, trước cổng nhà. Em đang nhảy giây chơi, thì chìa khóa văng ra. Em tìm hoài mà không thấy đâu cả.
- Sao em tìm ở đây ?
- Ở đây có ánh sáng đèn đường. Đằng kia tối om,
tìm sao thấy !
*****
Nhiều khi trong cuộc đời, chúng ta cũng lý luận như em bé ấy. Cho nên, mặc dù chúng ta tìm mọi cách để giải quyết ; vấn đề vẫn nghìn năm ù lì, y nguyên nằm đó, không động đậy một tấc ly.
Điểm sáu : Cách giải quyết vấn đề.
Trên đây, tôi đã phác họa sơ qua năm tầng lớp giải quyết vấn đề. Tầng nào cũng hệ trọng như tầng nào.
Trong chương II,1 này, tôi chỉ khảo sát quan hệ nhân quả giữa các bộ phận hay thành tố của một cấu trúc toàn diện, đại thể.
Trong khuôn khổ này, theo tinh thần của Tư duy Cấu trúc, tôi phân biệt những giai đoạn đi lên như sau đây :
Giai đoạn một : Sáng suốt ý thức về tính năng động, đa phức, rộng lớn của vấn đề.
Bao nhiêu nhận xét trên đây nhằm chứng minh rằng: một vấn đề, khi nó xuất hiện một cách rõ rệt trước mắt mọi người, ai ai cũng thấy ... đã đi qua một tiến trình lâu dài. Từ mặc nhiên đến minh nhiên. Từ vô thức đến ý thức. Từ bóng tối, ở trong chiều sâu thăm thẳm của tâm hồn đến khi biểu lộ giữa ban ngày, với sự chứng kiến của ba quân thiên hạ.
Nói khác đi, vấn đề có gốc rễ ngọn nguồn rất xa xuôi, trong thời gian và không gian. Trong đáy sâu của vô thức, vô minh.
Bao nhiêu vấn đề của người Việt Nam, bất kỳ dưới hình thức nào, thuộc địa hạt nào, đã có mặt từ ngày Lạc Long Quân là Rồng lấy bà Âu Cơ là Tiên. Bên này thích nước. Bên kia thích mây. Cho nên "hai bên khó ở lâu ngày với nhau". Nhưng chính cái khác biệt sâu xa ấy đã tạo nên một cái thách đố lớn lao, kỳ hùng cho mỗi đứa con Việt Nam ra đời. Khác nhau nhưng không loại trừ nhau. Trái lại, tương sinh, tương thành, biết nuôi sống nhau, bổ túc nhau, Rồng và Tiên sẽ đẻ ra một trăm cái trứng trong cùng một lớp da bao bọc. Mỗi đứa con ra đời mang dòng máu cao cả của bầu trời và bao la của Biển Khơi. Một nửa của cha và một nửa của mẹ !
Không chấp nhận và khai phá cái thách đố vĩ đại và diệu hùng đó, người Việt Nam sẽ suốt đời làm "gà một nhà bôi mặt đá nhau". Việc ấy đã xảy ra, đời Trịnh Nguyễn. Con sông Bến Hải đã trở thành ranh giới từ 1954 đến 1975.
Những con sông Nhật Lệ và Bến Hải vẫn còn chảy, ngang qua quả tim của Anh, của Chị, của Em và của tôi. Không cắt đứt vòng vô minh, tối tăm, mù quáng ấy, chính chúng ta cột mình vào lưới Luân Hồi khổ đau, hận thù, chia rẽ.
Không phải tôi bịa đặt. Lạc Long Quân đã thấy điều ấy. Lời của Người đã nhắn nhủ :
"Hãy gọi nhau về với nhau".
Nếu hôm nay chúng ta không cùng nhau trở về với nhau, thì chính chúng ta đã lỗi hẹn với non sông và đất nước. Chứ không phải bên kia. Bên kia cũng là Bên này. Phật cũng là Chúa. Bắc cũng là Nam. Nói như vậy không mang ý nghĩa đồng hóa, giản lược lộn xộn, kiểu "bắt râu ông nọ, đặt cằm bà kia". Lời khả quyết ấy còn mang một tên tuổi khác là thứ tha và bao dung.
"Xin Trời đổ mưa !
"Dẫn Núi sông Em trở về Lòng Biển Cả,
"Hân hoan ngày hội, họp mặt khắp muôn người,
"Tình nghĩa anh em lên đường từ mọi ngã !
"Xin Trời đổ mưa !"
Giai đoạn hai : Đồng trách nhiệm
Khi có một vấn đề xảy ra, phản ứng thông thường được qui góp vào ba thể loại sau đây :
Thứ nhất : "Tôi thấy đúng.
Bên kia sai".
Sự thật thuộc về tôi.
Thứ hai : Tôi bói đoán ý định của bên kia.
"Hắn muốn hại tôi !"
Thứ ba : Tôi qui chụp, đổ lỗi, kết án.
"Lỗi về hắn,
"Hắn bán nước,
"Hắn phản bội !"
Bao lâu chúng ta chỉ thấy nguyên nhân của vấn đề thuộc về phe bên kia, lối thấy ấy là một vấn đề nan giải, bế tắc. Chính vì lý do này, tư duy cấu trúc rèn luyện nơi mỗi người khả năng ý thức rằng phần đóng góp thuộc về mỗi thành tố, mỗi bộ phận của Cấu trúc. Và tôi cũng như người kia thuộc phe bên kia đang là bộ phận thuộc về một cấu trúc ấy. Cho nên, tách mình ra ngoài, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có khả năng giải quyết vấn đề một cách nghiêm chỉnh, tận gốc rễ.
Nhờ làm việc với trẻ em khuyết tật tâm thần trong vòng 20 năm, tôi thân chứng được phần đóng góp của mình, khi mình muốn giải quyết một vấn đề, cho dù vấn đề ấy thuộc về kẻ khác.
Hẳn thực một trẻ em khuyết tật "đã khuyết tật, trước khi tôi đón nhận em ấy vào lớp tôi". Không phải tôi là nguyên nhân tạo ra vấn đề.
Thế nhưng, từ ngày tôi là giáo viên của em ấy, tôi đã làm gì để cho em ấy học hành, tiến bộ ?
Sau một năm học hành, các giáo viên ở Thụy Sĩ, theo phương pháp và cách tổ chức sư phạm, lên lịch trình thẩm định kết quả của mỗi học sinh. Vẫn còn rất nhiều giáo viên thấy rằng trẻ em học sinh càng ngày càng ù lì, dẫm chân tại chỗ, vì cha mẹ không hợp tác. Cũng vì cha mẹ không hợp tác, thầy cô phải chịu bó tay. Lối nhìn ấy đã bám sâu vào tâm tưởng, mặc dù trong môi trường sinh thái sư phạm của Thụy Sĩ, giáo viên có những thuận lợi tối đa, để học hỏi, tu nghiệp, bồi dưỡng, nghiên cứu.
Khám phá cơ cấu, chấp nhận cơ cấu là NHƯ VẬY, đó mới là giai đoạn khám phá thực tế ở chiều sâu.
Chấp nhận cơ cấu là như vậy, không có nghĩa là bó tay, đầu hàng, thủ phận.
Sang qua giai đoạn "đồng trách nhiệm", chúng ta đi vào, tham dự, làm nguyên nhân có nghĩa là chủ động, sáng tạo điểm tựa và đòn bẫy, tìm ra một con đường tất yếu, vừa tạo vui thích vừa thuộc về thực tế.
Trong ví dụ làm việc với em La, tôi đã cùng xé giấy, cùng vui nhộn. Cùng chuẩn bị mọi dụng cụ cần thiết trước khi sinh hoạt. Sau khi sinh hoạt, cùng quét dọn sạch sẽ, cùng xếp đặt tươm tất đâu vào đấy. Cùng rửa tay. Cùng thay áo khoác ngoài. Học là học bao nhiêu điều ấy. Rồi một hôm, tôi bận việc không thu dọn được với em La, do hoàn cảnh đột xuất tạo nên, Em La đã tự túc, tự lập, làm một mình.
Tác động, chủ động có nghĩa là chia sẻ, đồng hành.
Nhân dịp bàn đến quan hệ tiếp xúc Mẹ Con, tôi đã nói tới sáu bước đi như: hòa ứng, tiếp cận, tương đồng, điều hướng, vui thích, tự lập. Đó cũng là sáu bước đi của một giáo viên với học sinh khuyết tật của mình. Lợi điểm của một giáo viên là ba bốn học sinh khác cũng có mặt, để bé La bắt chước làm theo. Bên cạnh những quan hệ chiều dọc từ trên xuống, có thêm những quan hệ chiều ngang giữa trẻ em với nhau. Học với thầy, học với bạn, hai cách học bổ túc lẫn nhau. Tạo điều kiện dễ dàng cho nhau.
Theo ý kiến của hai nhà sư phạm là L.S. Vygotsky người Nga và R. Feuerstein người Do Thái, chủ động còn có nghĩa là làm trung gian, sáng tạo vùng tiếp cận hay là chuyển tiếp, để trẻ em có thể tiến bộ.
Vùng tiếp cận (II) ở giữa vùng tự lập (I) và vùng xa lạ (III) (20).
· Để xác đinh vùng thứ I, chúng ta ghi nhận tất cả những gì trẻ em thích làm, làm một mình, làm cách bột phát, không do người lớn hướng dẫn hoặc yêu cầu. Tôi muốn nhấn mạnh :"bất kỳ một điều gì trẻ em làm" đều có thể sử dụng, khai thác. Chúng ta đừng vội gắn nhản hiệu "xấu, tốt, tác phong rối loạn, tác phong nhai lại được gọi là Stéréotypie trong tiếng Pháp".
Tất cả những gì trẻ em tự nó làm được một mình, đều là vốn quí, đều là "Điểm tựa". Đều là năng động có khả năng thúc đẩy trẻ em đi tới, học hành ; nếu chúng ta biết khai thác.
Ví dụ : - Em La xé giấy,
- Em Danh hỏi đi hỏi lại một câu.
- Em Liên lặp lại hai chữ cuối trong mỗi câu giáo viên phát ra.
- Em Linh liệng xuống đất tất cả những gì ở trên bàn học.
· Vùng thứ IIL bao gồm tất cả những gì hiện thời trẻ em không muốn làm, không thể làm. Đặc biệt, đó là điều người lớn như cha mẹ ước muốn, khát khao, chờ đợi, thúc giục nó làm. Nó vẫn không làm, từ chối làm, không có khả năng làm.
Ví dụ : - Cha mẹ chỉ thèm con nói. Nó không bao giờ nói.
- Người mẹ ép con nhìn. Nó ngoảnh mặt nơi khác.
- Cha mẹ chỉ ước mơ con "khô ráo". Nó phóng uế tùy tiện trong quần.
Càng tổ chức việc học hành trong vùng thứ III còn dược gọi là vùng"bất khả xâm phạm", chúng ta càng thất bại, tuyệt vọng, tạo xung đột, căng thẳng. Trẻ em càng ngày càng trở nên chống đối, phản loạn.
· Vùng thứ II là vùng tiếp cận học hành. Chúng ta sẽ dùng một điều trẻ em đã làm. Chúng ta thêm một yêu cầu nho nhỏ vào đó.
Em La xé giấy.
Tôi yêu cầu em xé giấy trong một chỗ nhất định.
Trường hợp em La ra ngoài và xé giấy, tôi hỏi : Xé ở đâu ? Nếu em không hiểu, tôi cầm tay đem em vào và nói : Xé ở đây.
Tôi làm như vậy, cho đến khi em hiểu và làm.
Dần dần, tôi thêm những yêu cầu mới :
Xé với ai ?
Xé cái gì ?
Xé khi nào ?
Loại sư phạm ấy mang tên là sư phạm xây dựng và nới rộng, đặt trọng tâm vào chủ điểm tôn trọng chủ quyền (Centrée sur le sujet, sur la personne) ; được nói tới trong mọi sách vở, tài liệu ngày nay.
Giai đoạn ba : Đặt trọng tâm vào con người.
Khi giải quyết một vấn đề, nếu chúng ta cư xử đãi ngộ người đối phương như một chủ thể, chủ động ; dần dần họ sẽ đãi ngộ, cư xử chúng ta cũng giống như vậy.
Thấy thực tại làm sao, thì chúng ta sẽ thực hiện, sáng tạo thực tại đúng như cách chúng ta dự tưởng, tiên liệu.
Trên đây, trong PHẦN MỘT, khi nói đến việc bà mẹ nuôi con, chúng ta đã thấy rõ : bà lợi dụng mọi cơ hội, tổ chức nếp sống hằng ngày, chớp thời cơ, khi con chủ động và nới rộng thêm khả năng chủ động ấy.
Những giây phút thức tỉnh, bình lặng được bà tận dụng, để đứa con học nhìn, học nghe, học tiếp xúc... học làm chủ thể. Những giây phút ấy, lúc đầu, chỉ kéo dài 5 - 10 phút. Dần dà, đứa con càng lúc càng chủ động. Cuối cùng nó có khả năng tự lập, tách rời khỏi mẹ, lúc lên 4 tuổi.
Phân tích thể thức hành động của bà mẹ, chúng ta nhận thấy rằng bà đặt trọng tâm vào con người, giúp đứa con thành người, bằng cách bình tâm, can đảm và sáng suốt chấp nhận thân phận và điều kiện làm người. Bà mẹ kéo dài, mở rộng, đào sâu một cái gì đã có mặt ở thể chủng tử, ở giai đoạn hạt mầm. Bà mẹ trồng trọt, vui tưới, nhạy bén và biết đợi chờ.
Ấp dụng vào cấu trúc của thực tại, của vấn đề, P. Senge khám phá ba bình diện, ba bộ mặt, hay là ba năng động có mặt trong mỗi bộ phận, khi nó tác động. Để giải quyết bất kỳ vấn đề nào, chúng ta cũng cần lưu tâm đến ba tác dụng, ba phần vụ của mỗi thành tố trong một đại thể. Nói đúng hơn, đó là ba tiến trình luôn luôn có mặt.
Thứ nhất là tiến trình đẩy mạnh, gia tăng, phát triển.
Nhờ nước, mặt trời, đất màu, một thân cây ngày ngày lớn lên.
Thứ hai là tiến trình tạo cân bằng.
Một thân cây cho dù đó là loại cây đại thụ, không lớn mãi cho thấu trời xanh, trăng sao ...
Một tiến trình khác ra lệnh cho thân cây "Đủ rồi, dừng lại, tri túc !"
Máy điều hòa nhiệt độ có cây kim chỉ 20 độ. Khi nhiệt độ đạt mức được cây kim chỉ định, máy điều hòa tự động dừng lại.
Trong trường hợp này, cây kim điều hợp do con người thiết định từ ngoài.
Trong cuộc sống tự nhiên, cơ chế điều hợp có mặt trong một cơ cấu sinh động. Cơ chế cân bằng có sẵn trong thân cây cổ thụ, đại bàng, bồ đề ...
Thứ ba là cơ chế tiệm tiến
Từ khi ở thể hạt mầm đến ngày thành cây sum sê, thời gian chờ đợi ít nhất cũng kéo dài vài ba năm.
- Để có lúa mùa, chúng ta cần ba tháng.
- Để có một vườn cây ăn trái, trên dưới 10 năm
là thời gian cần tiên liệu.
- Để có một con người có văn hóa, ít nhất đất
nước cần 100 năm :"Thọ nhân bách tuế".
******
Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ hiểu được con đường tất yếu Anankè, mà Freud đã nói tới cho con người có văn hóa, là "Thiên thời, địa lợi và nhân hòa".
Thiên là thời gian, đòi buộc chúng ta phải chờ đợi.
Địa là kho tàng có hạn, là lòng mẹ chỉ cưu mang bào thai chín tháng. Sau đó, bà có quyền và có bổn phận nghỉ ngơi, để tái sinh, bồi dưỡng. Đó là qui luật Thanatos.
Sau cùng là Nhân. Con đường tất yếu của con người là hòa. Trong lăng kính này, Eros mang ý nghĩa là "Nhân ái, nhân hòa", chứ không phải là sinh lý, tình dục. Ý nghĩa chủ yếu của hòa là "có người có ta".
Đó là con đường thuyên giải, trong môi trường sinh thái văn hóa của người Việt Nam.
Cũng trong chiều hướng ấy, Hòa là điểm tựa kiên vững để chúng ta giải quyết mọi vấn đề to, nhỏ trong cuộc sống làm người, cũng như trong lòng quê hương, dân tộc. Hòa ở đây mang ý nghĩa chia sẻ và đồng hành. "Hòa ứng, hòa điệu" làm bước đầu để chuẩn bị, dọn đường. Rồi từ đó, chúng ta có khả năng hướng dẫn, định hướng.