.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I : Chúng ta không thể không thuyên giải

Chương I, 1 : Giai đoạn Cửa Vào

Chương I, 2 : Giai đoạn Biến Chế

Chương I, 3 : EROS, THANATOS và ANANKÉ (6)

Chương I, 4 : Mẹ thuyên giải con theo D.W. Winnicott

Chương I, 5 : Thuyên giải là gì ?

Chương I, 6 : Điểm bế tắc

Phần II : Tư duy cấu trúc

Chương II, 1 : Nhân và quả giao thoa chằng chịt, qua lại

Chương II, 2 : Khả năng định hướng cuộc đời

Chương II, 3 : Chia sẻ, đồng hành : Một con đường tất yếu Anankè

Chương II, 4 : Mở đường cho vô thức đi ra vùng ánh sáng

Chương II, 5 : Lắng nghe, học hỏi, nhìn nhận để "Tái sinh nhau, nhờ nhau".

Phần III : Những vấn đề của chúng ta

Chương III, 1 : Ngôn ngữ của giấc mơ cần lắng nghe và phát hiện

Chương III, 2 : Khám phá ba loại vấn đề trong mỗi câu chuyện trao đổi hay là trong mỗi giấc mơ

Chương III, 3 : Hóa giải

Phần kết luận : Giấc Mơ của người Việt Nam

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG III, 3 : HÓA GIẢI

Hóa giải một vấn đề không có nghĩa là triệt tiêu, dập tắt, làm tan biến, tống khứ ra ngoài địa hạt hiện hữu .

Nhà triệu phú nọ có một hạt kim cương tuyệt vời và quí giá. Cho dù cuộc sống tạo ra những khó khăn, khổ sở đến độ nào, ông chỉ cần ngắm nhìn viên ngọc quí của mình, tức thì ông có thể vượt qua mọi chướng ngại tràn lan trên đường đời.

Một hôm, vì bất cẩn, ông đánh rơi hạt ngọc xuống sàn đá. Một đường nứt nho nhỏ hiện hình trên bề mặt của viên kim cương.

Tức tốc ông bỏ nhà ra đi lặn lội khắp mọi nơi, tìm người có thể làm tan biến vết nứt của hạt ngọc quí yêu. Ông sẵn sàng trả mọi giá hay là thỏa mãn mọi yêu sách.

Thế nhưng, không một ai có khả năng trả về cho ông viên ngọc không tì vết.

Nghe tin, một nhà họa sĩ đến trình diện. Thay vào đường nứt, nhà nghệ sĩ chạm khắc vào một đóa hồng kỳ diệu. Tiếng đồn lan khắp nơi. Nhiều ông to, bà lớn tấp nập tìm đến, từ bốn phương thiên hạ, để ngắm nhìn viên ngọc hoa hồng "có một không hai", trên toàn địa cầu.

Câu chuyện này có thể minh họa cho chúng ta nhận thức thế nào là hóa giải một vấn đề. Hẳn thực, tất cả những gì hiện hữu trong lòng cuộc đời - dù mang nhản hiệu xấu hay tốt, thanh cao hay phong trần  - đều ở trên một tiến trình chuyển biến, nhanh hay chậm, dễ hay khó ... Khi người nghệ sĩ có óc sáng tạo thấy được tiến trình ấy và hợp tác với tiến trình ấy, người ấy có khả năng thực hiện những kỳ công trọng đại trong bản thân và cuộc đời.

Theo FREUD, sáng tạo hay là chuyển hóa, biến vô thức thành ý thức. Biến tình trạng bị động thành chủ động. Biến phiến diện, rời rạc, lẻ tẻ, cục bộ thành toàn diện, toàn bích, toàn bộ. 

"Nếu hạt lúa chối từ hóa thân trong lòng Đất Mẹ

"Đến bao giờ có ngày vui ca mùa gặt mới ?

"Nếu giọt nước chối từ hòa mình vào dòng sông,

"Đến bao giờ mới có một lòng biển mênh mông?

Ngôn ngữ của tư duy cấu trúc có hơi khác. Nhưng thực chất và ý nghĩa vẫn là một. Hẳn thực, theo P. SENGE, để có thể tìm ra "điểm tựa và đòn bẫy" khả dĩ dời núi, lấp sông, chúng ta hãy lặn xuống chiều sâu của sự cố, khám phá Cấu trúc của thực tại. Từ bên trong cấu trúc, chúng ta  có thể chuyển đổi cấu trúc. Nhưng đứng ở ngoài, "phán vào", đứng ở trên "rót xuống", chúng ta không thể chuyển đổi một ai hay là một thực trạng.

 

*****

Trong tinh thần và lăng kính vừa được trình bày, chúng ta hãy tổng hợp những phương thức hóa giải và chuyển biến đã được giới thiệu trong những chương trước đây.

 

· Vấn Đề thứ nhất : Ai có lý, ai phi lý ?

Là con người, không ai nắm độc quyền về sự thật. Nói đến sự thật là nói đến lối nhìn về sự thật, về cách thuyên giải, về chiều hướng nhận thức.

Cho nên, tùy vị trí, nhu cầu, kinh nghiệm ... mỗi người có quyền chọn lựa quan điểm độc đáo của mình. Mỗi người có quyền khác biệt.

Thế nhưng, thực chất của vấn đề cần đặt ra: chúng ta là gì, làm gì với bao nhiêu khác biệt độc đáo ấy, trong lòng một quê hương, một đất nước ?

Con đường tất yếu của chúng ta là tình thương hay là diệt vong ? Chừng nào mỗi người quán triệt được rằng chúng ta khác nhau. Khác mà không loại trừ. Nhưng khác để bổ túc, kiện toàn ... lúc bấy giờ, con đường hóa giải ở trong bản chất và căn cước của chúng ta.

Tôi dùng từ Quán ; bởi vì nó thuộc địa hạt tu thân. Kiến thức lắm khi chỉ là một lớp son phấn hoàn toàn bì phu che đậy những vết nhăn xấu xí, hì hợm của tâm hồn !

 

· Thứ hai : Hắn có ý định hại tôi ?

Ý định của tha nhân bao giờ cũng vô hình, huyền bí, trừ phi họ mạc khải mình cho tôi qua lời nói rõ ràng minh bạch, không úp mở hay là vòng vo tam quốc.

Thêm vào đó, ý định dù là của ai, không bao giờ đơn thuần, và trong sáng hoàn toàn, thậm chí đối với chủ nhân của ý định. Vô thức có thể len lõi vào đó. Động cơ thúc đẩy ý định, đôi khi vượt ra ngoài mọi tầm kiểm soát của tác giả. Cho nên lợi hại, xấu tốt, ích kỷ vị tha trà trộn vào nhau, bao lâu chúng ta còn ở trong điều kiện và thân phận làm người.

Mỗi lần tôi nói đến Trần Thủ Độ, tôi nghĩ đến bàn tay đầy máu của vị công thần này. Thế nhưng, không có Trần Thủ Độ, làm sao có Nhà Trần. Và không có Nhà Trần, Đất Nước sẽ không bao giờ có một cơ sở văn hóa như ngày nay !

Sau hết, theo phân tâm học, khi bói đoán kẻ khác  muốn làm hại tôi, tôi đang cưu mang mầm móng hay là chủng tử muốn làm hại người khác, trong đáy sâu của tâm hồn của mình.

 

· Thứ ba : Ai là thủ phạm ? Ai có lỗi ?

Vì nhu cầu học tập và tiếp xúc, do khả năng sắp đặt tổ chức cuộc sống, chúng ta phải đặt tên các sự vật. Đặt tên như vậy là gắn nhản hiệu. Nhờ đó, khi tôi nói đến cái ly, cái chén ... ai ai cũng hiểu tôi và đáp ứng nhu cầu của tôi. Thậm chí một đứa học trò khuyết tật cũng có thể đi lấy giùm cho tôi một cái ly không có mặt ở trong lớp học.

Từ tập quán và nhu cầu học tập ấy, chúng ta có xu thế gắn nhản hiệu trên mặt kẻ khác. Cha ông chúng ta đã nói "xem mặt đặt tên".

Thói quen qui chụp, tố cáo, phê phán, đổ lỗi có mặt trong mọi người, thậm chí nơi trẻ em vừa bập bẹ học nói.

Càng ý thức điều này, chúng ta càng phải dạy con cái tập luyện biết thấy mình trong người và thấy người trong mình.

Khi tôi nhai hạt cơm, tôi ôm vào lòng với tâm tình biết ơn, nhà nông phu, ở Việt Nam, Thái Lan hay ở một miền thuộc Châu Mỹ La tinh. Từ những nơi ấy đến Thụy Sĩ, hạt cơm không có chân biết đi, không có cánh biết bay. Ai chắp cánh cho hạt gạo băng ngàn vượt suối đến trong miệng tôi ?

Khi học chuyện Kiều, tôi cũng mang những tâm tình tương tự. Một cách nào đó, tôi là Tú Bà, tôi là Sở Khanh ... tôi đóng góp phần mình trong việc xô đẩy nàng Kiều vào con đường "bán mình chuộc cha".

Thân chứng được phần đóng góp xa hay gần, nhưng ắt có của chính mình, trong mỗi vấn đề đã và đang xảy ra, trong lòng quê hương, đất nước ... tôi sẽ thức tỉnh hơn, trong lời ăn, tiếng nói, mỗi lần tôi nói về người anh, chị, em ; dù họ là Bắc hay Nam, theo đạo Phật hay là tín đồ của Thiên Chúa Giáo. Về việc lành cũng như về điều dữ, con người không "toàn năng". Không ai làm một mình. Chúng ta liên đới, đồng trách nhiệm.

 

·  Thứ bốn : Tôi là ai ?

Một đứa bé, sau một vài ngày sinh ra, đã biết nhìn mẹ. Nhờ nhìn mẹ, từ ngày này qua ngày khác, nó mới từ từ ý thức về mình : "Tôi là ai ? "

Nếu bà mẹ cảm thấy mình sung sướng, hạnh phúc được làm mẹ, bà sẽ chuyền qua cho con tâm trạng hạnh phúc và sung sướng của mình. Mẹ và con lập thành một cấu trúc "bình thông đáy". Ban đầu, bình chỉ mở ra về phía mẹ : mẹ đầy thì con đầy. Mẹ cạn thì con cạn.

Nếu trong lòng quê hương, ai ai cũng ý thức mình đang làm nên một " bình thông đáy ", với anh chị em, mình chỉ rót đầy cho mình tình tự quê hương, thì không còn ai sẽ "bị khô hạn" về lòng yêu nước.

Đó là cơ bản của lòng tự tin. Người tự tin là người biết mình "làm" kẻ luyện vàng, có khả năng luyện vàng, dù kẻ khác còn là đồng, chì, sắt, kẻm ...

Cơ hồ  bà mẹ tự tin đã thấy đứa con mình chủ động, lúc vừa tuổi đời hai, ba tuần lễ. Nhờ bà thấy được như vậy, đứa con mới dần dần học làm người. Và trở thành người, sau chừng 20 năm học tập !

 

******

Trong cuộc sống làm người, để hóa giải bao nhiêu vấn đề có liên hệ đến lòng tin, chúng ta cần ghi nhận thêm những điều cơ bản sau đây :

1.- Con người thiếu tự tin là con người "hoặc có hoặc không". Trái lại, người có lòng tự tin, thấy mình "vừa có vừa không". Cái gì đã có rồi, tôi kiện toàn. Cái gì chưa có, tôi tự nguyện học tập, rèn luyện cho có. Cho nên, trước một lời nhận định, phê bình của kẻ khác...

- Một đàng tôi không nhắm mắt làm ngơ, khước từ phần đóng góp của họ. Về một phương diện nào đó, họ đang là vị thầy mang đến cho tôi một bài học.

- Đàng khác, điều họ nói ra không phải là câu "sấm" có tất cả mọi giá trị. Tôi không thể hoàn toàn phó thác cho họ toàn quyền xác định về bản chất, hoặc căn cước của tôi. Tác giả của đời tôi vẫn luôn luôn là tôi.

2.- Nhân cách của con người tự tin bao gồm những đặc điểm cơ bản sau đây:

- Thứ nhất, con người tự tin ý thức mình là một giá trị độc đáo. Giá trị ấy đã có mặt, từ ngày tôi hiện hữu trong lòng cuộc đời. Không một ai, không một quyền lực nào thuộc giới siêu nhiên hay tự nhiên có thể truất phế hoặc tước đoạt giá trị tự tại ấy.

- Thứ hai, lòng tự tin không bao giờ là một tận điểm. Một điểm cuối cùng, chấm hết. Trái lại, đó là một tiến trình học tập, tôi luyện không ngừng, từ ngày tôi sinh ra, từ lòng mẹ.

- Thứ ba, trên tiến trình lâu dài và liên tục ấy, tôi đã vi phạm nhiều lầm lỗi. Ý định của tôi không bao giờ hoàn toàn ngay  chính, trong sáng, không tì vết. Thêm vào đó, tôi ý thức về phần đóng góp của tôi trong việc tốt, cũng như trong điều xấu. Tôi sát cánh với mọi người anh chị em của tôi. Tôi vừa là Mỵ Châu đã đánh mất chiếc nỏ thần của Quê Hương, trong một giây phút thiếu tỉnh thức. Tuy nhiên, tôi cũng đã có mặt trong những chiến công lẫy lừng của Nguyễn Trãi và Trần Hưng Đạo ...

Ba thực tại có liên hệ đến lỗi lầm, ý định và phần đóng góp, luôn luôn có mặt trong bản thân và cuộc đời của tôi.

3.- Ngoài ra, để đánh giá một cách khách quan lòng tự tin, tôi dựa vào bốn tác phong sau đây :

- Thứ nhất, tôi tôn trọng chủ quyền của người khác. Tôi không lèo lái, kiểm soát. Tôi không nuôi ẳm ý đồ thay đổi họ, từ ngoài, một cách độc tài. Tôi không áp đặt từ trên ý chí quyền lực của tôi, cho dù với danh nghĩa nào.

- Thứ hai, trong quan hệ giữa người với người, nếu tôi làm được một bóng mát cho một vài ba lữ khách trên đường họ đi, giữa trưa hè đứng ngọ ... tôi thấy cuộc đời đã đáng sống.

Tôi lắng nghe họ,

Tôi đón nhận họ,

Tôi chia sẻ ngọt bùi, đắng cay ...

Tôi biết rằng khi nào tôi gieo vãi trong vườn lòng của một người, một hạt mầm thứ tha, bao dung, tôi sẽ gặt hái chính hôm ấy một đóa hoa nụ cười hạnh phúc, đâu đó trên những con đường xuôi ngược của cuộc đời.

- Thứ ba, trong những lúc khổ đau kiệt quệ, héo mòn ...tôi chỉ cần hình dung trong 10 năm, 20 năm, 30 năm sắp tới, tôi là tro bụi, là phân bón đang nuôi sống một mầm non, trên cánh đồng bao la của Đất Nước.

Nếu trong lúc nầy, Mẹ Âu Cơ nhìn tôi, mẹ sẽ xin tôi cho mẹ điều gì ...

- Thứ bốn, nếu ngày mai tôi ngã quị trên đường đi, tôi chắc chắn còn có rất nhiều người sẽ dừng lại, đỡ tôi dậy.

Nếu họ chưa đến kịp, "cuối đời con sâu là đầu đời con bướm!"

Ngoài những hoàn cảnh trầm trọng ấy, tôi chỉ cần diễn tả nhu cầu và lời yêu cầu ... một cách rõ ràng, bộc trực, xác tín ... một người anh chị em sẽ đến, bất kỳ với bộ mặt nào ... Cho nên, tôi không "lo sợ" trong lòng cuộc đời. Tôi là con người "bất diệt".

Trong tâm tình ấy, tôi kết luận với lời chú niệm của một tác giả vô danh. Tôi xin tác giả cho tôi nhận lời ấy làm của mình.

Xin cho tôi có lòng can đảm, để đổi thay những gì phải thay đổi. Điều phải thay đổi ấy, chính là con người của tôi !

Xin cho tôi tâm hồn an lạc, để đón nhận người anh chị em trên mỗi chặng đường của cuộc sống và nhìn nhận quyền khác biệt của họ.

Xin cho tôi trí tuệ nhiệm mầu, để thấy được họ đang có mặt trong tôi, và thấy tôi trong bao nhiêu lỗi lầm của họ. Nhờ đó, tôi làm người gieo vãi hạt mầm thứ tha.

 

· Thứ năm : Hóa giải những xúc động

Trên đây, nhất là trong chương II, 4 khi bàn về vô thức, tôi đã chia sẻ nhiều tin tức thiết yếu về xúc động. Và trong gần như tất cả mọi cuốn sách tôi đã ấn hành, luôn luôn có một chương nói về tầm quan trọng của xúc động trong toàn thể cuộc sống làm người, từ lúc đi ra khỏi lòng mẹ đến lúc trở về với lòng Trời Ầất.

Sở dĩ tôi nhấn mạnh lui tới như vậy, vì rất nhiều lý do chính đáng.

- Lý do một : Giáo lý "tứ diệu đế" trong đạo Phật cũng như "Mầu nhiệm Thánh giá" trong Kitô Giáo đều coi trọng vấn đề "Khổ Đau" thuộc đời sống làm người.

Coi trọng không có nghĩa là vòng vo, luẩn quẩn, đắm chìm, trầm luân suốt đời trong đó.

Nhờ chuyển hóa được khổ đau, chúng ta mới thành Bụt, được giải thoát, trở thành con người tỉnh thức,  có khả năng thấy được Con đường Hiểu Biết và Tình Thương.

Tôi chỉ cần thay đổi Bụt thành Đức Kitô, giải thoát thành Cứu Độ, tỉnh thức thành Sống Lại, tôi đã diễn tả Đức Tin của Tôi vào Đức Kitô. Theo thánh Phaolô, nếu Đức Kitô không sống lại và mỗi người Kitô không sống lại với Ngài, Đức Tin tự khắc trở thành vô ích, vô hiệu, trống rỗng, vô nghĩa. Trống rỗng có nghĩa là "thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng".

Chừng ấy nhận xét chỉ muốn nhấn mạnh một điều : Chuyển hóa khổ đau cho mình và cho mỗi người anh chị em đồng bào trong lòng quê hương, dân tộc là một giá trị cơ bản thuộc đời sống làm người. Mỗi người - bất kể là ai, không trừ sót một người nào - đều góp phần vào công cuộc xây dựng hạnh phúc cho anh chị em đồng bào.

Không làm công việc ấy, chúng ta còn làm người nữa không ? Không đảm nhiệm trách nhiệm ấy, tôn giáo còn có lý do tồn tại nữa không ?

- Lý do hai : Những phương pháp có mặt trong lòng xã hội như Phân tâm học, Tư duy Cấu trúc cũng lưu tâm chúng ta đến điều ấy. Hẳn thực, bao lâu chúng ta không có khả năng đem ra ánh sáng những vấn đề có mặt trong địa hạt tình cảm và xúc động, chúng ta sẽ loay hoay, vọng động, bất ổn, không có đầy đủ ánh sáng cần thiết, để khảo sát những vấn đề trong các điạ hạt nhân sinh. Nói cách khác, chúng ta trở nên mù quáng. Bị vấn đề xúc động và tình cảm khống chế, chúng ta mất hết động lực, hăng say, hào hứng. Đời sống trí thức bị khô héo, tê liệt, tàn tạ. Đời sống đạo đức cũng mai một, cùn mòn.

Một người mẹ khổ đau, như tôi đã trình bày trong phần I, không còn "biết" làm những điều, bà đã có khả năng làm trước đây.

Trong một nhóm hay tập thể bị hao mòn, tê liệt vì những tranh chấp, xung đột, những giáo viên mất năng xuất trong công tác dạy học ... những thành viên mất chí khí, khả năng sáng tạo.

Một học sinh có vấn đề với cha mẹ trong gia đình, giảm suy dần dần trong lãnh vực học hành. Điều mà em ấy hiểu trước đây, bây giờ bị tẩy xóa hay là biến tan đâu mất.

Để hiểu rõ lý do tại sao có những hiện tượng sa sút, sụp đổ như vậy, tôi yêu cầu độc giả hãy nhìn lại sơ đồ trình bày cách tổ chức của nội tâm (27). Giữa tư duy và xúc động có những ảnh hưởng qua lại hai  chiều. Khi xúc động tràn ngập, đời sống tư duy bị tê liệt, khống chế, suy đồi.

Cơ hồ một đứa bé, khi cha mẹ không lắng nghe và trả lời cho em, em trở nên ồn ào, náo động, gây chú ý bằng những tác phong quấy phá, gây rối ... xúc động cũng có những phản ứng nổi loạn như vậy. Và khi xúc động làm ồn, nổi loạn, chúng ta đừng hồng biết lắng nghe kẻ khác. Hay là biết sáng suốt nhận định điều cần làm, điều phải tránh. Chúng ta mất bình tâm, để suy luận, bằng cách đi lên từng bước một một cách có hệ thống. Trái lại, chúng ta lăng xăng, vong động, nôn nóng, đứng ngồi không yên. Lý trí cũng nhảy vọt một cách rối loạn, như "vượn chuyển cành".

Nói tóm lại, khi vấn đề xúc động không được hóa giải, ba lãnh vực bị tổn thương một cách trầm trọng là :

- Nhận thức về thực tại,

- Lòng tự tin,

- Quan hệ tiếp xúc giữa người với người.

 

*****

Về phương thức hóa giải, tôi xin nhắc lại một cách vắn tắt những bước đi lên, như sau :

· Bước một : Thương lượng

Khi thương lượng, chúng ta cần ghi nhận ít nhất ba điều :

1.-Xúc động  thường ít khi đi một mình. Xúc động này lôi kéo theo mình nhiều xúc động khác. Giận, buồn, sợ ... gắn liền vào nhau, như một "chùm" chìa  khóa.

2.-Xúc động thường ngụy trang, ẩn núp ở dưới những lời phê phán, tố cáo, qui chụp ...

3.-Xúc động có liên hệ gắn bó với nhận thức hay là thuyên giải.

 

· Bước hai : Diễn tả, chia sẻ

Trình bày cho người khác những điều chúng ta đã thương lượng ; một cách đặc biệt với "sứ điệp tôi".

 

· Bước ba : Nhìn nhận, thú nhận

Điều quan trọng được nêu rõ :

- Mục đích của tôi là được bạn lắng nghe ...

- Tôi muốn được nói ra ý kiến của mình ...

- Tôi không muốn làm người bị động, cứ dạ dạ vâng vâng ... hay là được qui chụp, gắn nhãn hiệu ...

Đối với xúc động của người khác, chúng ta cũng không thể bỏ qua giai đoạn này.

· Bước bốn : Yêu cầu, đề nghị, trả lời

Trình bày trong tinh thần "người thắng, tôi thắng".

Trở lui với chương II, 4 và 5, chúng ta có thể tìm lại nhiều chi tiết đầy đủ hơn.

 

******

Một môn đồ, sau một tháng thụ giáo, hỏi vị Thiền sư của mình :

-Thưa sư ông, con nhận thấy sư ông luôn luôn vui tươi, không bao giờ đánh mất giây phút an lạc của mình. Xin cho con biết bí quyết !

-Ông cũng thường đánh mất giây phút an lạc, giống như con. Tuy nhiên, vừa đánh mất giây phút an lạc, ông biết ngay : ông đang đánh mất. Lập tức, ông mỉm cười, dừng lại, thở và trở về với  phút giây an lạc. Đó là bí quyết của ông.

-Thế thì con cũng làm được như ông ?

-Vâng, con cũng làm được như ông.

 Và ai ai cũng làm được, nếu họ khiêm cung học hỏi ... Một ông thầy sẽ xuất hiện đâu đó, khi có người muốn học ...

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!