Mỗi đêm, trong giấc ngủ, giấc mơ "hiện hình" với mỗi người trong chúng ta. Một đôi lần, giấc mơ khoác một bộ mặt quan trọng, vẫn đeo đuổi, ám ảnh chúng ta, sau khi chúng ta thức dậy. Kỳ dư, giấc mơ giống như làn sương, biến tan trong chốc lát, khi những lo âu hằng ngày choán hết mọi chỗ trong tâm hồn.
Tuy nhiên, theo Freud, chúng ta hãy "lắng nghe giấc mơ" một cách cẩn trọng. Chính giấc mơ đang khai mở cho chúng ta một con đường, một lối thoát. Và chính Freud, trong tác phẩm "Thuyên giải giấc mơ", đã đề xuất một loại ngữ pháp hay là văn phạm, nhằm giúp chúng ta tự mình thuyên giải giấc mơ cho mình.
Ngôn ngữ của vô thức
Giấc mơ còn được gọi là chiêm bao. Qua giấc mơ, nội tâm đang sử dụng một ngôn ngữ vô thức, thoát khỏi tầm hiểu biết thông thường của chúng ta. Trong giấc mơ, chúng ta "thấy" hơn là nghe. Vì ngôn ngữ ấy được kết cấu bằng hình ảnh, nó có tên gọi là ngôn ngữ hình tượng.
Theo Freud, có ba qui luật kết cấu hình ảnh khác nhau, trong loại ngôn ngữ nầy.
Qui luật thứ nhất mang tên là Cô đúc. Tiếng Pháp là Condensation. Vì lý do tiết kiệm, mỗi hình ảnh mang trong mình rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Tặng cho ai một đóa hoa có thể mang nhiều ý nghĩa như sau:
- Tôi trân quí người đó,
- Người ấy là một niềm vui cho tôi, tô điểm cuộc đời của tôi,
- Tôi thương người ấy, nhất là khi đóa hoa tôi mang tới là một nụ hồng thắm tươi, cơ hồ một nụ hôn đầy âu yếm,
- Cuộc đời của người ấy là một vườn hoa rực rỡ trong cuộc đời.
Duy một từ " Mẹ " có thể mang trong mình nhiều ý nghĩa và hình ảnh :
"Mẹ già như chuối ba hương,
"Như xôi nếp một, như đường mía lau".
Quy luật thứ hai là dời chỗ. Tiếng Pháp dùng hai từ khác nhau : transfert và déplacement.
Khi một cậu thanh niên lăng lăng xăng, vọng đông, đứng ngồi không yên. Vô tình tay cậu bóp nát một nụ hoa hay vò vụn một tờ giấy ... Qua cử chỉ ấy, cậu đang dời chỗ niềm bực tức của mình. Đối tượng bực tức phải tìm ở nơi khác : một người thân đã viết thư cho cậu ...
Qui luật thứ ba là diễn xuất, có nghĩa là đặt để bên nhau hai hay nhiều hình ảnh. Từ được dùng trong tiếng Pháp là dramatisation vừa có nghĩa là kịch hóa, vừa có nghĩa là bi kịch hóa. Theo Freud trong chiêm bao, khi hai hình ảnh nối đuôi nhau, chúng ta hãy khám phá một quan hệ ở giữa. Thông thường đó là quan hệ nhân quả.
Ví dụ : Một người thanh niên thấy hình ảnh ảnh một người phụ nữ. Sau đó anh ấy thấy mình cúi xuống lượm lên một đóa hoa trên đường đi. Theo tôi, "lượm" có nghĩa là chọn lựa, yêu đương. Đóa hoa tượng trưng người phụ nữ.
Ban đầu, Freud chỉ chú trọng vào giấc mơ, hình ảnh và ngôn ngữ hình tượng. Dần dà, Freud đã khám phá ra rằng vô thức có thể xuất hiện, trong lúc chúng ta thức. Vô thức len lõi, nằm vùng khắp nơi, trong những triệu chứng tâm bệnh cũng như trong những hành vi lãng quên, lỡ lời, viết sai chính tả ... Chẳng hạn, khi tôi đi thăm ai, tôi bỏ quên tại nhà họ một vật dụng. Chính vô thức "tạo cơ hội" cho tôi trở lui nhà ấy một lần thứ hai, vì lý do tôi có thiện cảm với những gì có mặt trong ngôi nhà ấy.
Tâm lý ngày nay thấy vô thức có mặt trong hành vi của chúng ta, còn mang tên là ngôn ngữ "không lời", ngôn ngữ tương tự, tương đương, ngôn ngữ đa phương, đa diện, nghĩa là mang nhiều ý nghĩa. Hai loại ngôn ngữ "có lời" và "không lời" hòa hợp, ăn khớp với nhau, khi chúng ta trung thực, không hai mặt, hai lòng.
Trái lại, khi chúng ta nói một đường và làm một nẽo, hai loại ngôn ngữ độc nghĩa (digital) và đa phương (analogique) tìm cách chống đối nhau, cãi chính nhau hay là tẩy xóa nhau.
*****
Ba cơ chế học tập
Với những khám phá mới nhất của "chương trình sinh hoạt thần ngữ" ( Neuro-linguistic programming, trong tiếng Anh, viết tắt là NLP) hai loại ngôn ngữ hình tượng và chính xác đều sử dụng ba cơ chế tâm lý hoàn toàn giống nhau.
- Cơ chế một là cường điệu hay là tổng quát hóa.
- Cơ chế hai là sàng lọc , chỉ chọn lựa những gì là ưu tiên và chủ yếu.
- Cơ chế ba là đảm nhận tính chủ quan.
Ba cơ chế này là điều kiện thiết yếu, để chúng ta tổ chức công việc học hành của mình, từ những năm tháng đầu đời của cuộc sống. René Spitz đã thấy cái "mốc" hay là chuẩn mực đầu tiên, cho phép chúng ta khẳng định rằng "đứa bé đã học". Đó là nụ cười xã hội, lúc đứa bé lên ba tháng. Em biết cười, để đáp lại nụ cười của mẹ. Trước đó, em chỉ cười một mình vì thảnh thơi, no ấm, thoải mái. Đó là nụ cười sinh lý. Theo lối hiểu của bà mẹ Việt Nam, sở dĩ đứa bé cười, là vì "Bà Mụ hay là Bà Tiên" đang hiện về dạy cho em, nhiều bài học làm người trong giấc ngủ.
Nhờ ba cơ chế trên đây, đứa bé có khả năng rút ra những qui luật bất biến. Nó ghi nhận những điều quan trọng, mang tính ưu tiên và loại bỏ những điều không thiết yếu. Sau cùng, nhờ cơ chế thứ ba, nó biết phân biệt mình khác mẹ. Mẹ khác, cha khác. Cũng từ đó, nó mới có khả năng tạo lập quan hệ giữa người với người, để chia sẻ và học nói.
Nội dung học tập đầu tiên bao gồm ba trọng điểm :
- Tính thường hằng, thường trụ của sự vật (permanence de l'objet) : Khi vắng mặt, một sự vật vẫn luôn luôn tồn tại ở một nơi khác, không bao giờ biến mất hoàn toàn.
- quan hệ nhân quả (cause-effet ). Khi kéo sợi dây tôi nghe tiếng chuông. Tôi là nguyên nhân tạo ra âm thanh.
- Đồng cảm, chia sẻ ý nghĩa “shared meaning hay là Theory of mind” (22).
Khi thấy mẹ mang khăn lông ra trước mặt, đứa bé líu lo vui vẽ vì biết mình sắp được tắm mát.
Theo kinh nghiệm dạy học trong vòng hơn 20 năm của tôi, trẻ khuyết tật tâm thần phải học lui học tới ba bài học này. Nếu nhuần nhuyễn được ba bài học này về chất (chiều sâu) và về lượng (chiều rộng), các em sẽ có khả năng tự lập. Tuy nhiên, để hấp thụ ba bài học này, các em cần một quan hệ tiếp xúc có chất lượng giữa mình và người giáo viên. Trong phần I, tôi đã trình bày sáu tiêu chuẩn, để đánh giá chất lượng quan hệ của chúng ta.
Nói tóm lại, những gì một đứa bé bình thường phải học trong ba năm đầu tiên, với người mẹ và anh chị em của mình, trong khuôn khổ đời sống gia đình... đứa bé khuyết tật phải nhuần nhuyễn những bài học ấy, trong quá trình học tập tại trường lớp đặc biệt, nhờ khả năng tiếp xúc và sáng tạo của người giáo viên.
******
Ngôn ngữ hình tượng và ngôn ngữ chính xác
Dựa vào ba cơ chế tâm lý trên đây, chúng ta có thể tôi luyện hai loại ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt với nhau : ngôn ngữ chính xác và ngôn ngữ hình tượng.
Hẳn thực, mỗi khi sử dụng ngôn ngữ hay là tìm hiểu ngôn ngữ của một người đang phát biểu, chúng ta cần phân biệt hai cấu trúc khác nhau. Cấu trúc bề mặt bao gồm những tin tức được trao đổi giữa hai người đang nói chuyện với nhau.
Cấu trúc thứ hai là cấu trúc chiều sâu, đã có mặt chính khi chúng ta tiếp xúc với thực tại. Càng rời xa thực tại, về mặt thời gian, chúng ta càng đánh mất rất nhiều tin tức thu lượm lúc ban đầu. Cuối cùng, khi giữ lại cấu trúc bề mặt, chúng ta chỉ còn những tin tức đại loại, bị sàng lọc và mang nặng sắc thái chủ quan của người phát biểu.
Càng tìm cách giữ lại những tin tức ban đầu, ngôn ngữ càng chính xác, nghĩa là càng sát gần thực tại.
Trong cuốn sách "Phát huy nhân lực" tôi đã trình bày, giới thiệu một bản câu hỏi nhằm tìm lại 5 loại tin tức khác nhau (23):
- Khi có người dùng lối nói “NGƯỜI TA”, tôi cần đặt ra câu hỏi: Người ta, mà bạn vừa nói tới, bao gồm những người nào? Tên họ là gi? Họ ở đâu?...
- Khi có người dùng động từ “LÀM”, lập tức tôi cần yêu cầu họ xác định: Làm bằng cách nào? Làm trong bao lâu? Làm một mình hay là cần có người nâng đỡ, hợp tác?...
- Khi có người dùng lối nói “HƠN THUA”, điều tôi cần khám phá là tiêu chuẩn so sánh: Theo bạn, hơn ở chỗ nào? Hơn vì lý do gì? Hơn trong địa hạt cụ thể nào hay là trên tất cả mọi bình diện?
- Khi có người nhấn mạnh “TẤT CẢ”, câu hỏi sẽ là: Theo bạn, tất cả có nghĩa là mọi người, không loại trừ một ai? Hay là có một vài người có thể đứng ở ngoài, không tham dự?...
- Khi trong câu nói có những động từ mệnh lệnh như “ PHẢI, NÊN, CẦN…”, chúng ta yêu cầu người phát biểu xác định thêm: Theo ý của bạn, AI đã đưa ra mệnh lện ấy? Ai bắt buộc? Qui luật ấy xuất phát từ đâu?...
Nhờ năm cách đặt câu hỏi như vậy, chúng ta có khả năng tìm lại những tin tức ban đầu đã thất thoát, khi được trao đổi từ người nầy qua người khác…
*****
Trên đây, khi khảo sát tư duy xuyên tạc, chúng ta đã nhận thấy mười hình thức bóp méo khác nhau. Rốt cùng, thực tại được trình bày, đã trở thành một thứ thực tại nhợt nhạt, xa lạ, quá giản dị, đến độ tạo ra cho chúng ta nhiều vấn đề hiểu lầm, hơn là có hiệu năng tiếp cận, lại gần, phát huy quan hệ hiểu biết và đồng cảm.
Khác với ngôn ngữ chính xác nhằm phát huy tư duy rõ ràng, trong sáng, để hai người có khả năng tiếp cận càng giống nhau bao nhiêu, càng thích ứng bấy nhiêu ... ngôn ngữ hình tượng kích thích khả năng sáng tạo của người nghe.
Như một mâm cơm của người Việt Nam có rất nhiều món ăn, ngôn ngữ hình tượng chỉ gợi ý và để cho người nghe chọn lựa tùy ý thích, tùy kinh nghiệm, tùy nhu cầu hiện tại. Chủ quyền của người nghe được tôn trọng. Họ không bị lèo lái, đi theo một con đường nhất định.
Ngôn ngữ chính xác thích hợp với não bộ phía trái, chuyên môn về phần vụ phân tích, mổ xẻ, suy diễn.
Ngôn ngữ hình tượng là lương thực bồi dưỡng não bộ phía mặt, chuyên trách về tổng hợp, liên kết, tạo quan hệ (24).
Tâm lý trị liệu sử dụng loại ngôn ngữ này nhằm thôi thúc người thân chủ thoát ra ngoài những khuôn khổ hẹp hòi, bít kín, ngột thở, để vươn mình lên với bầu trời cao cả và tự do vẫy vùng trong Đại Dương bao la hùng vĩ.
Đó là ý nghĩa của bài thơ "Tin Mừng Em sáu màu" được Ngọc Hoan phổ nhạc, vào mùa hè 1998. Chúng ta rời bỏ vùng trời nhị nguyên chỉ có hai màu trắng đen khai trừ, loại thải nhau. Là con của Mẹ Âu Cơ và của Lạc Long Quân, đường chúng ta đi là cầu vòng sáu màu, sau cơn mưa, nối kết biển trời bao la, bát ngát ... Mỗi người chúng ta là một tin mừng cho bà Mẹ Việt Nam, sau bao năm mòn mỏi đợi chờ và đã trở thành ngọn Núi Ấi Tử, trong vùng đất Quảng Trị, thuộc miền Trung.
"Tin mừng Em màu lửa,
"Phản chiếu nắng mặt trời
"Khả lực thấy biển khơi
"Trong cuộc đời nhem nhúa.
…
"Em làm kẻ "luyện vàng",
"Sống giữa đời bôi bác,
"Vẫn nhất quyết xóa tan
"Mọi hận thù, lầm lạc."
Nói tóm lại, với ngôn ngữ hình tượng, chúng ta dựa vào ba cơ chế tâm lý thông thường để sáng tạo những giấc mơ, bất kỳ ở đâu, bất kỳ với ai, bất kỳ ở thời gian nào. Đó là giấc mơ làm kẻ "luyện vàng", theo kiểu nói của văn hào Paulo Cuelho. Ai đụng đến chúng ta, dù họ đang còn là sắt, thép, đồng chì ... bỗng chốc trở thành vàng nguyên chất, trong lòng bàn tay của Mẹ Âu Cơ (25).
*****
Những giấc mơ như vậy không chỉ xuất hiện trong chiêm bao. Trái lại, từng cọng lá, từng nụ hoa, từng hơi thở, từng khuôn mặt, trên mỗi chặng đường của quê hương, đều là chất liệu phát sinh và nuôi dưỡng những giấc mơ “LUYỆN VÀNG” của chúng ta.
Theo Paulo Cuelho, khi chúng ta cưu mang ấp ủ một giấc mơ, toàn thể côn trùng, cỏ cây, trăng sao ... tất cả vũ trụ đều đóng góp phần mình, để giúp chúng ta thực hiện, hoàn thành.
Tuy nhiên, giấc mơ sử dụng ngôn ngữ hình tượng. Chúng ta hãy học tập thuyên giải, bằng cách phát hiện những vấn đề và tìm phương hướng hóa giải.