.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I : Chúng ta không thể không thuyên giải

Chương I, 1 : Giai đoạn Cửa Vào

Chương I, 2 : Giai đoạn Biến Chế

Chương I, 3 : EROS, THANATOS và ANANKÉ (6)

Chương I, 4 : Mẹ thuyên giải con theo D.W. Winnicott

Chương I, 5 : Thuyên giải là gì ?

Chương I, 6 : Điểm bế tắc

Phần II : Tư duy cấu trúc

Chương II, 1 : Nhân và quả giao thoa chằng chịt, qua lại

Chương II, 2 : Khả năng định hướng cuộc đời

Chương II, 3 : Chia sẻ, đồng hành : Một con đường tất yếu Anankè

Chương II, 4 : Mở đường cho vô thức đi ra vùng ánh sáng

Chương II, 5 : Lắng nghe, học hỏi, nhìn nhận để "Tái sinh nhau, nhờ nhau".

Phần III : Những vấn đề của chúng ta

Chương III, 1 : Ngôn ngữ của giấc mơ cần lắng nghe và phát hiện

Chương III, 2 : Khám phá ba loại vấn đề trong mỗi câu chuyện trao đổi hay là trong mỗi giấc mơ

Chương III, 3 : Hóa giải

Phần kết luận : Giấc Mơ của người Việt Nam

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG I, 4 : MẸ THUYÊN GIẢI CON THEO D.W. WINNICOTT

  Sau Freud, D.W. Winnicott, một bác sĩ phân tâm chuyên trách về nhi đồng, một người gốc Anh sinh ra tại Ấn Độ, đã cho phép chúng ta thấy được con đường tất yếu để làm người, làm chủ thể phải phát xuất từ quan hệ Mẹ Con.

Người Mẹ là bài học đầu tiên và cơ bản nhất cho phép đứa con kiến dựng một nhân cách vững mạnh. Chính người Mẹ tạo điều kiện thuận lợi cho đứa con chuyển hóa từ từ, trên con đường thành nhân, với bảy hình thái khác nhau vừa được nói tới trên đây.

Tư tưởng của D.W. Winnicott được tóm lược trong những điểm sau đây :

Thứ nhất, sự có mặt tích cực của người Mẹ - hay là một người thay thế Mẹ - bên cạnh đứa con là con đường tất yếu, phải có, trong ba năm đầu đời, để đứa con có cơ năng trở thành một chủ thể tự tồn, độc lập vào tuổi thành nhân. Từ được dùng trong tiếng Anh là "Self" có nghĩa là một nhân cách vững vàng, nguyên chất. "False self", trái lại, là nhân cách "trình diễn", giả tạo, bắt chước. Chỉ là lớp sơn ở bề mặt. Không phải là thực chất, thực hiệu.

Thứ hai, ngay lúc đầu, nhất là vào lứa tuổi từ hai tháng trở lên, khi đứa bé có khả năng "sống một mình, chơi một mình" trong một vài khoảnh khắc, tách rời ra khỏi vòng tay ôm của mẹ, đó là dấu hiệu cụ thể, khách quan và rõ ràng cho chúng ta thấy : đứa bé đang ở trên tiến trình học tập trưởng thành. "Khả năng sống một mình" trong tiếng Anh của D.W. Winnicott là "To BE there". Cách nói này bao gồm hai yếu tố : To be : có mặt, hiện hữu một cách tích cực, như một chủ thể độc lập. Tuy nhiên, khả năng ấy còn rất hạn hẹp, lệ thuộc vào điều kiện thời gian và không gian, được diễn tả trong trạng từ "There", ở đó.

Thứ ba, điều kiện do bà mẹ tạo nên. Sở dĩ đứa con bắt đầu biết sống một mình, làm chủ thể, là nhờ bà mẹ đã và đang có mặt tích cực với nó, từ ngày nó mới sinh ra. Mỗi lần đứa bé sơ sinh từ từ đi ra khỏi giấc ngủ triền miên, suốt ngày ... nó vừa mở mắt, bà mẹ đã có đó, to be there. Nhờ đó, nó học nhìn, học nghe, học tiếp xúc ...Nó đã có khả năng làm người, nó đã có mặt như một chủ thể, trong lúc ấy, trong không gian ấy, với điều kiện ấy, to be there. Nhờ mẹ có mặt với con, cho nên đứa con sẽ từ từ có mặt như một chủ thể sinh động trong cuộc đời làm người. Nhờ mẹ tạo điều kiện cho phép nó chủ động, học làm người, nó mới có khả năng thành người.

Thứ bốn, để giúp bà mẹ hiểu được một cách rõ ràng cụ thể bà phải "làm" những gì, khi có mặt một cách tích cực với đứa con, D.W. Winnicott đã đề xuất ba chiều hướng tác động, ba hình thức quan hệ với đứa con. Đó là Holding, Handling và Object presenting. Nói được đây là ba cách bà mẹ thuyên giải cuộc sống làm người của đứa con, để giúp con có khả năng thành người.

Trước hết, Holding là quan hệ tiếp xúc giữa hai làn da, khi mẹ bồng ẳm con, ôm hôn con, vuốt ve, tắm gội, thoa bóp chân tay cho con. Nhờ được tiếp xúc như vậy, đứa con dần dần cảm thấy mình có giá trị, mình là người quan trọng, mình là trọng tâm của đời mẹ. Ý thức này càng ngày càng phát triển và kiến dựng cho đứa con lòng tự tin, một hình ảnh tích cực về bản thân mình. Nhờ đó, cuộc đời trở nên tươi đẹp, hấp dẫn, đáng sống, an toàn.

Thiếu loại quan hệ tiếp xúc này, đứa con sẽ mang tâm trạng nghi nan, hụt hửng, thiếu thốn, trống rỗng, lo sợ, không bao giờ yên nguôi. Cũng từ cuộc sống "thiếu hụt" ấy, đứa con trở nên lệ thuộc, mong manh, một loại "cánh hoa chùm gởi" như chúng ta có thể quan sát nơi những trẻ em mồ côi, sống trong các cô nhi viện quá rộng lớn, không có đủ người chăm sóc.

Trong cuộc sống làm người, mỗi lần chúng ta không được lắng nghe một cách đầy đủ thực sự, chúng ta cũng mang tâm trạng hụt hững thiếu thốn tương tự như thế. Vết thương hôm nay, có thể làm sống lại vết thương quá khứ, nếu vào tuổi thiếu thời, chúng ta không nhận đủ liều lượng hơi ấm và làn da êm ái của mẹ. Vì lý do này, trong một cuốn sách trước đây, tôi đã khẳng định:

 "Lắng nghe ai là cho họ một quà tặng vô giá". Đó là quà tặng làm người, làm chủ thể !

Quan hệ tiếp xúc thứ hai là Handling, khi chúng ta được mẹ đối xử cách trân trọng : nhìn ngắm và khen thưởng. Qua liếc nhìn và giọng nói của mẹ, chúng ta cảm thấy mình đẹp, có duyên, dễ thương và được thương.

Khi ai cho phép chúng ta nói, bộc lộ hết tâm tư đang ngổn ngang trong cõi lòng, chúng ta cũng cảm thấy mình được thương, được coi trọng.

 Nhờ được xử thế và đải ngộ một cách bình đẳng như vậy, chúng ta sẵn sàng chấp nhận lẽ phải, sẵn sàng đón nhận lời đóng góp xây dựng. Sẵn sàng đi vào con đường tất yếu Anankè, để từ bỏ những gì cần và phải từ bỏ. Không có những tranh chấp xung đột. Không có những phản ứng khép kín, tự vệ hay là rút lui, tạo khoảng cách.

Chính vì lý do này, trong những tác phẩm đầu tiên, Freud không sử dụng lối nói Anankè. Thay vào đó, ông đã nói tới nguyên lý vui thích và thực tế. Hẳn thực, để một thực tế, một bổn phận hay một quy luật được chấp nhận, yếu tố vui thích phải có mặt ở trong đó. Một trẻ em chấp nhận đi học, nếu việc đi học mang tới cho nó một niềm vui. Thánh Âu-Cơ-Tinh cũng đã thấu triệt mối quan hệ qua lại giữa thực tế và vui thích, khi ngài khẳng định : Chỗ nào có yêu thương, chỗ ấy không có khổ đau. Cho dù có khổ đau chăng nữa, khổ đau ấy là chứng tích của Tình thương.

Cũng trong tinh thần và ý nghĩa ấy, khi chúng ta đối xử với ai một cách ngang bằng như một chủ thể có lời ăn tiếng nói, có giá trị, có quyền phát biểu và được lắng nghe ; người ấy, đứa trẻ ấy đã và đang ở trên con đường làm người.

Thêm vào đó, bây giờ lúc còn hai hoặc ba tuổi nếu trẻ em được cư xử với tình thương và lòng tôn trọng, nó sẽ cư xử lại như vậy với anh chị em đồng bào, đồng loại, sau khi đã thành nhân. Dù nó làm phu quét đường hay là trong cương vị chủ tịch, thủ tướng của một đất nước. Lối cư xử, đãi ngộ là một bài học chỉ chấm dứt, khi chúng ta lìa đời ! Không học làm sao có thể hành ?

Loại quan hệ tiếp xúc thứ ba mang tên là Object presenting. Trong hai loại quan hệ thứ nhất và thứ hai, mẹ là bàn tay vuốt ve. Mẹ là liếc nhìn, là giọng nói, là nụ hôn, nụ cười. Mẹ đóng vai trò chủ động. Mẹ làm chủ thể, để cho đứa con trở nên ý thức, mở rộng năm giác quan đón nhận thực tại bên ngoài. Nhờ đó đứa con cảm thấy mình có giá trị, được yêu thương :"Tôi là nhân vật quan trọng. Tôi đáng yêu, tôi dễ thương".

Trong loại quan hệ thứ ba, Mẹ đến với con như một đối tượng, một của ăn, một bầu sữa, để thỏa mãn nhu cầu thèm khát của con. Sữa của mẹ làm cho con khôn lớn, no nê. Nhưng sữa của mẹ - nếu mẹ không lưu tâm đến sức khỏe của mình - có thể gây ra tiêu chảy khó chịu cho đứa con và tạo nên những bệnh hoạn. Có những bà mẹ có nhiều sữa cho con bú thỏa thuê. Một vài bà mẹ không có khả năng cung cấp liều lượng đầy đủ.

Ngoài của ăn, lương thực, mẹ cũng còn là đối tượng học tập, hiểu biết cho đứa con. Con khóc, mẹ có hiểu được tiếng khóc mang ý nghĩa gì, để trả lời một cách thích ứng cho nó hay không ? Con líu lo, bập bẹ ... Mẹ có vui sướng hòa nhịp, hòa ứng, bắc cho nó những nhịp cầu trao đổi, đối đáp không ?

Có dịp quan sát, theo dõi nhiều bà mẹ đem con đến khám bệnh, D.W. Winnicott đã ghi nhận những thể thức trả lời của các bà mẹ như sau :

Một, bà mẹ trả lời quá sớm, khi đứa con vừa khóc. Đứa con ấy chưa có thời giờ để hình dung mình đang cần gì, đang muốn gì. Mẹ trả lời quá sớm. Cho nên lớn lên, đứa con sẽ thiếu khả năng hiểu biết về mình. Nó không có khả năng chờ đợi, suy tư, tưởng tượng ...

Hai, bà mẹ trả lời quá chậm. Phản ứng của đứa con là "tôi kêu, không ai nghe. Tôi bất lực. Tôi không có khả năng". Lớn lên, đứa bé ấy không có sáng kiến, không có nghị lực, không có những xác tín vững chắc. Chưa ra tay, nó đã sợ thất bại. Đồng thời, nó rất khắt khe, đòi hỏi. Tâm hồn nó mang nặng những giận hờn, trách móc, đối những người có mặt trong môi trường chung sống.

Ba, bà mẹ trả lời một cách tùy tiện, trước khi kiểm chứng nhu cầu thực sự của đứa con. Con ướt tả,  mẹ cho bú. Con đói, mẹ đặt con vào nôi để ru. Lớn lên, trẻ em này sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở trong vấn đề học hành. Nó không biết dự trù, tiên liệu, phỏng đoán. Suốt đời, nó ngồi chờ may rủi, trúng số độc đắc.

Bốn, bà mẹ thiếu liên tục. Khi vui, bà cưng chiều con một cách quá đáng. Khi buồn, cũng trong một hoàn cảnh tương tự, bà lại gắt gỏng, la mắng, trừng phạt. Khi bà mẹ đã khó hiểu, làm sao đứa con có thể rút tỉa những quy luật thường hằng, để học giải quyết những vấn đề, trong lòng cuộc đời.

Trong ba năm đầu đời, nếu cách trả lời của bà mẹ không thích ứng với nhu cầu thực sự của đứa con, như chúng ta vừa khảo sát, hệ quả tai hại ngày ngày xói mòn, đục khoét  nhân cách, bản lãnh hay là căn cước đang hình thành của đứa con là lối nhìn tiêu cực, tê liệt về mình : "Tôi không có khả năng, tôi bất lực bất tài, tôi không làm nên trò trống gì trong cuộc đời".

Để tóm lược, chúng ta cần ghi nhận ba sứ điệp đang ngày ngày được nhai đi lặp lại trong nội tâm và làm tê liệt mọi sức sống vươn lên của con người.

Sứ điệp thứ nhất :" Tôi là con người không quan trọng. Tôi vô giá trị".

Sứ điệp thứ hai :" Tôi đáng ghét. Không ai thương tôi".

Sứ điệp thứ ba : " Tôi bất tài, bất lực. Tôi đụng đến đâu, mọi cái đều hư hỏng. Tôi vô dụng".

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!