.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I : Chúng ta không thể không thuyên giải

Chương I, 1 : Giai đoạn Cửa Vào

Chương I, 2 : Giai đoạn Biến Chế

Chương I, 3 : EROS, THANATOS và ANANKÉ (6)

Chương I, 4 : Mẹ thuyên giải con theo D.W. Winnicott

Chương I, 5 : Thuyên giải là gì ?

Chương I, 6 : Điểm bế tắc

Phần II : Tư duy cấu trúc

Chương II, 1 : Nhân và quả giao thoa chằng chịt, qua lại

Chương II, 2 : Khả năng định hướng cuộc đời

Chương II, 3 : Chia sẻ, đồng hành : Một con đường tất yếu Anankè

Chương II, 4 : Mở đường cho vô thức đi ra vùng ánh sáng

Chương II, 5 : Lắng nghe, học hỏi, nhìn nhận để "Tái sinh nhau, nhờ nhau".

Phần III : Những vấn đề của chúng ta

Chương III, 1 : Ngôn ngữ của giấc mơ cần lắng nghe và phát hiện

Chương III, 2 : Khám phá ba loại vấn đề trong mỗi câu chuyện trao đổi hay là trong mỗi giấc mơ

Chương III, 3 : Hóa giải

Phần kết luận : Giấc Mơ của người Việt Nam

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
PHẦN KẾT LUẬN : GIẤC MƠ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

 Những điều về giấc mơ và thể thức hóa giải, được tôi trình bày trên đây, bắt nguồn từ Phân tâm học của Freud, cùng với những đóng góp mới mẻ của Tư duy Cấu trúc. Một cách đặt biệt, tác giả Peter SENGE đã mang tới nhiều ánh sáng, từ nhiều gốc độ khác nhau, khả dĩ cung ứng cho chúng ta một lối nhìn vừa bao quát, vừa sâu sắc, vừa toàn diện.

Bao nhiêu dụng cụ ấy, được sáng chế trong nền văn hóa Âu Mỹ cho phép tôi trở về với gốc rễ sâu xa, thăm thẳm của mình. Tôi nghe lại những câu truyện Cổ tích mà mẹ đã kể ra mỗi hôm, trước khi tôi đi vào giấc ngủ. Những mẫu huyền sử nhiệm mầu và kỳ vĩ, sống lại một cách tưng bừng, chói sáng trong tâm hồn của tôi. Thì ra, ngày hôm nay, ở vào thời đại Nhìn Năm Thứ Ba, tôi vẫn còn mơ, với giấc mơ của Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ. Hy vọng, trong tương lai, tôi có dịp đánh sáng toàn bộ giấc mơ của Huyền sử và chuyện Cổ tích Việt Nam.

Với khuôn khổ của "Khung Trời Mở Rộng" tôi chỉ muốn khảo sát :

- Người Việt Nam hôm nay cần thức tỉnh trước những vấn đề nào ?

- Đâu là con đường tất yếu Anankè của chúng ta?

Câu trả lời đã có sẵn trong lối trối trăn của Cha Ông, Tổ Tiên. Chúng ta hãy thuyẻn giải giấc mơ của quí ngài. Và đó cũng là giấc mơ của chúng ta.

 

******

1- Ba vấn đề của con người Việt Nam là gì ?

Trong "Một trăm chuyện cổ tích Việt Nam" do Thái Đắc Xuân sưu tầm và Nhà Xuất bản Hà Nội ấn hành, số 83 kể lại sự tích Lạc Long Quân và Âu Cơ.

"Đến vùng bờ biển Đông Nam, Lạc Long Quân gặp một con cá rất lớn. Con cá này đã sống từ lâu đời, mình dài hơn 50 trượng, đuôi như cánh buồm, miệng có thể nuốt chửng mười người một lúc. Khi nó bơi, thì sóng nổi ngất trời, thuyền bè qua lại đều bị nó nhận chìm, người trên thuyền đều bị nó nuốt sống. Dân chài rất sợ con quái vật ấy. Họ gọi nó là Ngư Tinh."

· Đó là vấn đề thứ nhất của người Việt Nam.

Biển Đông là quê hương của Lạc Long Quân. Ngài cũng như con cái Ngài "có tài đi lại dưới nước".

Nước có mặt khắp muôn nơi trên Đất Nước Việt Nam,đến độ "Nước" Việt Nam có nghĩa là quê hương, xứ sở Việt Nam.

Cá bơi lặn sinh sống trong nước

Người Việt Nam cũng "có tài" đi lại dưới nước giống như loài cá.

Cá cũng là của ăn hằng ngày của người Việt Nam, sau cơm gạo và rau cỏ.

Thế mà vấn đề đầu tiên có nguy hại đến sự sống còn của người Việt Nam cũng phát xuất từ nước và cá.

Vậy con Ngư tinh có nghĩa là gì ?

Cha ông chúng ta đã thuyên giải :

"Gà một nhà bôi mặt đá nhau" hay là "nồi da, xáo thịt" đó là những tên tuổi khác của con Ngư Tinh.

Cũng chính Cha Ông đã tìm ra cách hóa giải, qua những câu ca dao :

- "Bầu ơi thương lấy Bí cùng ...".

- "Nhiễu điều phủ lấy giá gương..."

- "Một cây làm chẳng nên non ..."

- "Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn.”

Nhờ Phân tâm học, chúng ta có thể đi xa hơn nữa trong lề lối thuyên giải. Cá là lương thực như chúng ta đã nói. Nước là đời sống tình cảm. Nhờ nước của các lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long ... Nước Việt Nam là một vựa lúa nuôi sống toàn dân. Nhưng mùa màng hư hại cũng tại lũ lụt dâng lên từ những con sông ấy.

Trong đời sống tình cảm và xúc động, con người Việt Nam cũng mang hai bộ mặt tương phản hay là đối kháng lẫn nhau.

Khi chúng ta làm chủ được tình cảm và xúc động, biển đông chúng ta tát cũng cạn. Giặc Mông Cổ phải chăng đã càn quét cả Đông lẫn Tây ? Thế nhưng, Giặc ấy đã tan vỡ trên những dòng sông Việt Nam.

Trái lại, khi người Việt Nam bị khổ đau bủa vây, tràn ngập, khống chế, họ trở nên mù quáng và cư xử tàn ác đối với nhau.

Thần Kim Qui đã nhắc nhở cho người Việt Nam : Kẻ thù của chúng ta ở ngay bên cạnh chúng ta. Nó nằm vùng trong quả tim của chúng ta.

Một khi quả tim không còn biết yêu, quả tim ấy đã trở thành một trái bom nguyên tử, trong lòng quê hương đất nước. Ngược lại, vũ khí có khả năng giải trừ Ngư Tinh là một quả tim "nặng như chì, đỏ hồng như lửa !" Phải chăng G.G. Jampolsky có thể nói thay cho Lạc Long Quân ?

"No matter what the problem,

Love is the answer. "

Bất kể vấn đề là gì, Tình thương là câu trả lời duy nhất và tuyệt vời nhất !

 

*****

"Trừ xong nạn Ngư Tinh, Lạc Long Quân đến Long Biên. Ở đây có con cáo chín đuôi sống hơn nghìn năm, đã thành tinh. Nó trú trong một hang sâu, dưới chân một hòn núi đá ở phía Tây Long Biên. Con yêu này thường hóa thành người trà trộn trong nhân dân, dụ bắt con gái đem về hang hãm hiếp."

· Đó là vấn đề thứ hai của người Việt Nam.

Những lối nói như " Chín đuôi, hang sâu, trà trộn trong nhân dân, bắt con gái đem về hang hãm hiếp" nhằm mô tả những bộ mặt đen tối của vô thức.

Vô thức sợ ánh sáng của mặt trời công chính.

Vô thức len lỏi, nằm vùng trong đáy sâu của tâm hồn.

Khi còn sống trong chế độ của vô thức, chúng ta mang "mặt nạ người", nhưng chúng ta sinh hoạt như loài thú. Chúng ta đàn áp, ức hiếp, kiểm soát, tấn công, chà đạp người anh chị em.

Não trạng "Nhị nguyên" là một tên tuổi khác của chế độ vô thức.

Theo Freud, bao lâu vô thức còn ngự trị trong cuộc đời ; chúng ta chỉ là đồ vật, không có chủ quyền, chưa làm chủ thể. Và người anh chị em còn bị cư xử như một bộ phận, cho dù đó là bộ phận sinh dục, hay là cánh tay làm thuê, làm mướn : Họ là những "dụng cụ" bị bốc lột đến tận xương tủy, để làm thỏa mãn những dục vọng, quyền lực, giàu sang và lạc thú của chúng ta.

Duy chỉ Thanh Kiếm của Lạc Long Quân mới có khả năng "chém đứt đầu" con yêu tinh ấy.

Thanh Kiếm, theo Phân tâm học là hình tượng của một người có chủ quyền, có khả năng làm chủ thể. Thanh Kiếm thường đi đôi với Lời Danh Dự. Đó là hai ấn chứng của Vua và của Con Vua. Khi ai mang trong mình Thanh Kiếm Chủ Quyền và Lời Danh Dự, người ấy có dòng máu bao la của Lạc Long Quân và dòng máu cao cả của Mẹ Âu Cơ.

Duy dòng máu "Lưỡng cực Trời và Biển mới có thể "chém đứt đầu" nghĩa là hóa giải tận gốc rễ con cáo "Nhị Nguyên" : Tao hơn, mày thua. Tao tốt, mày xấu. Tao có độc quyền về chân lý. Mày ngụp lặn trong bóng tối lầm lạc, gian tà.

Theo câu chuyện huyền sử, "Lạc Long Quân sai các loài thủy tộc dâng nước Sông Cái vào phá hang. Nước sông chảy như thác, đánh băng ngọn núi, xoáy hang cáo thành một vực sâu, người đương thời gọi là đầm Xác Cáo. Đời sau mới gọi đó là Hồ Tây".

Lại một lần nữa, chúng ta nhận thấy rằng để hóa giải mọi vấn đề, Lạc Long Quân đã làm chủ đời sống xúc động và tình cảm, được tượng trưng bằng Nước Sông Cái và Hồ Tây.

Thế nhưng, một mình Lạc Long Quân không thể giải quyết mọi thách đố trong lòng quê hương. Từ đời này, qua đời khác, con cái của Lạc Long Quân vẫn còn phải tiếp tục công trình vĩ đại của Ngài, Vì thiếu tỉnh thức, chúng ta đã hai lần đánh mất chủ quyền : lần thứ nhất với chiếc Nỏ Thần tại đền Tháp Cổ Loa. Làn thứ hai với Thanh Kiếm trên Hồ Gươm, thuộc Hà Nội. Con cáo Nhị Nguyên vẫn còn đó. Nó là một thách đố thật lớn lao, cho vận mệnh của Quê Hương, Đất Nước !

 

******

"Thấy dân vùng Long Biên đã được yên ổn làm ăn, Lạc Long Quân đi ngược lên vùng rừng núi, đến đất Phong Châu. Ở vùng này có một cây cổ thụ gọi là cây chiên đàn cao hằng nghìn trượng. Trước kia cành lá sum suê tươi tốt, che kín cả một khoảng đất rộng. Nhưng sau nhiều năm , cây khô héo, biến thành yêu tinh. Người ta gọi là Mộc Tinh.

Con Yêu này hung ác và quỷ quyệt lạ thường. Chỗ ở của nó không nhất định. Khi thì ở khu rừng này. Khi thì ở khu rừng khác. Nó còn luôn luôn thay hình đổi dạng, ẩn núp khắp nơi. Dồn bắt người để ăn thịt. Đi đến đâu, cũng nghe thấy tiếng khóc than thảm thiết."

 

· Đây là vấn đề thứ ba của người Việt Nam.

Với vốn liếng về Phân tâm học, tôi gọi vấn đề thứ ba này "Cây Việt Nam mất gốc", "Cây Văn hóa già cỗi" và "Cây Bản lãnh thiếu Tự tin". Thuật ngữ bằng tiếng Pháp để gọi tình trạng này là "faux-Self", có nghĩa là nhân cách "ăn bám" ; như "Cánh hoa chùm gửi". Theo não trạng lệ thuộc, vọng ngoại này, đồ Mỹ, đồ Tây, đồ Tàu mới có giá trị. Đồ địa phương chỉ là đồ giả.

Câu hỏi chủ yếu cần đặt ra ở đây :

"Tôi là ai ?

Và câu trả lời của con người thiếu tự tin bao gồm ba thành tố : Tôi vô giá trị, tôi bất tài, tôi không đáng được ai yêu và coi trọng.

Trong thực tế, để có thể sống, mỗi loài cây cần bám rễ sâu vào lòng đất. Và để vươn lên sống mạnh, kết sinh hoa trái, cây phải nhận lãnh ánh sáng mặt trời, phải được nuôi dưỡng bằng nước, phân bón và không khí.

Giống như một thân cây, con người cần ba sinh tố : "Thiên thời, địa lợi và nhân hòa", để phát huy bản lãnh và cuộc đời, cũng như để góp mặt với bao nhiêu người khác trong lòng xã hội. Tuy nhiên, ba yếu tố ấy không có sẵn dưới tầm tay. Con người Việt Nam phải biết "tay làm hàm nhai". Nghĩa là phải học. Mở mắt tiếp thu những khung trời xa lạ. Nới rộng vòng tay tiếp xúc những "cách làm mới". Ngày ngày học lại một lối nhìn. Ngày ngày tập nghe với vành tai xôn xao. Ngày ngày đồng cảm với những anh chị em chưa có cơ may ăn được một ngày hai bữa như chúng ta. Đó là nếp sống của con người có văn hóa : vừa có tình vừa có lý, vừa có nghĩa. Không nuôi dưỡng, vun tưới chất liệu văn hóa ấy, chúng ta sẽ trở thành con cái của Mộc Tinh, giao rắc hận thù, bạo động, chia rẽ và chiến tranh ở khắp mọi nơi.

Theo câu chuyện huyền sử, để khử trừ mộc tinh "Lạc Long Quân phải dùng đến những nhạc cụ như chiêng trống ... ". Trước đó, Ngài đã giao chiến với nó trăm ngày đêm, làm cho cây long, đá lỡ, trời đất mịt mù ... mà không thắng được nó. Trong bức tranh  "Chăn Trâu", người mục đồng cũng dùng nhạc cụ để giáo hóa con trâu của mình.

Hẳn thực, để phát huy con đường văn hóa, chúng ta không thể dùng bạo động, ức chế, áp đặt, đe dọa, khủng bố ... Như trong ngày  kÿ giỗ, cúng ông bà, tổ tiên, chúng ta lên chiêng, lên trống, thắp hương, đốt đèn ... Chúng ta xin ông bà tổ tiên trở về, có mặt với chúng ta, ở giữa chúng ta. Trong tiếng Pháp culture, có nghĩa là văn hóa. Culte des Ancêtres có nghĩa là thờ cúng ông bà, tổ tiên. Cả hai đều có chung cùng một gốc rễ nghĩa là vun tưới, nuôi dưỡng hạt giống, mùa màng mà người trước trối trăn lại cho người sau. Văn hóa phải chăng là "minh minh đức" ? Chúng ta đốt lên, thắp sáng cái đức chói sáng đã có mặt từ đời Cha Ông, Tổ Tiên.

Để đốt sáng văn hóa trong lòng mọi người, phương tiện bạo động không thể thành tựu. Chỉ có Đối thoại là con đường cái quan. Đối thoại thực hiện một bản hòa âm, hòa tấu giữa các tâm hồn ... giữa nhiều thế hệ ... Giữa những cây đàn hoàn toàn khác nhau nhưng "tương sinh, tương tác, tương tạo và tương thành ".

 

******

 

2.  Con đường tất yếu của người Việt Nam ?

Sau ba kỳ công vĩ đại, Lạc Long Quân đã tạo thành hôn phối với bà Âu Cơ, đi theo cha là Đế Lai từ phương Bắc đem quân tràn xuống phương Nam. Phương Bắc phải chăng còn được gọi là "Cửa Trời", quê hương của các vì Tiên nữ !

Hai người ở với nhau được ít lâu, thì Âu Cơ có thai, sinh ra một cái bọc có trăm quả trứng. Mỗi trứng nở ra một người con.

Một hôm, Lạc Long Quân từ giả Âu Cơ và đàn con, hóa làm một con rồng vụt bay lên mây trở về Biển Cả. Hết ngày này  qua ngày nọ, Lạc Long Quân không trở về. Nhớ chồng, Âu Cơ đứng trên ngọn núi cao hướng về biển Đông lên tiếng gọi : "Bố nó ơi ! Sao không về, để mẹ con chúng tôi khổ thế này ? ".

Lạc Long Quân trở về ngay tức khắc. Thế rồi, Lạc Long Quân lại ra đi :

"Ta là loài Rồng.

Nàng là giống Tiên

Hai người khó ở với nhau được lâu. (...)

Nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên".

 

Thi sĩ Tản Đà đã thuyên giải :

"Nước non nặng một lời thề

"Nước đi mãi mãi, nước về cùng non".

Hẳn thực, mỗi lần hai người Việt Nam chung sống với nhau, con đường tất yếu là "trở về với nhau".

Nếu họ NHỚ rằng họ mang hai dòng máu Rồng và Tiên, họ có khả năng làm nên đại sự, nhờ sự hôn phối nhiệm mầu này.

Nếu họ QUÊN, họ không biết gọi nhau về, để bổ túc và kiện toàn lẫn nhau. Lúc bấy giờ, họ là cặp "gà một nhà bôi mặt đá nhau".

Sau hai nghìn năm xa cách, nhờ ngôn ngữ của Freud và phương pháp phân tâm học, tôi mới hiểu được câu nói của Lạc Long Quân. Nhờ Freud, tôi mới thuyên giải được bao nhiêu vấn đề đã và đang xảy ra trong lòng Quê Hương và Đất Nước.

Thứ nhất, chừng nào chúng ta sống thức tỉnh, chúng ta chấp nhận và nhìn nhận sự khác biệt giữa mình và người.

"Mình với ta tuy hai mà một,

"Ta với Mình sao một mà hai !"

Chúng ta khác biệt nhau, như Rồng và Tiên. Như chim trời, cá biển. Nhưng khác biệt mà không khai trừ nhau. Chúng ta chỉ cần gọi nhau. Tức khắc Rồng Tiên mở hội. Trời chúng ta có Tiên che chở. Biển chúng ta có Rồng ngược xuôi đề phòng.

Thứ hai, Vô thức là lãng quên, mê muội. Vô thức biến chúng ta thành mù quáng. Từ trong vô thức ấy, ngư tinh, hồ tinh và mộc tinh sẽ xuất đầu lộ diện với trăm ngàn thức dạng khác nhau, để trấn áp và khống chế chúng ta.

Thứ ba, " Cá, cây, thú vật " là những gia tài, gia sản. Là những nguồn lực phong phú tạo điều kiện cho chúng ta thành người. Thuật ngữ của Phân tâm học gọi nguồn lực ấy là "Tự ngã". Từ chất liệu ấy, chúng ta thành nhân, làm "bản ngã" ; nghĩa là làm chủ cuộc đời của mình.

Quên đi con đường tất yếu ấy, chúng ta sẽ trầm luân vào con đường thù hận, bốc lột, đàn áp người anh chị em. Nguồn lực lúc bấy giờ sẽ không được phân phối một cách có tình, có lý và có nghĩa. Nguồn lực ấy trở thành yêu tinh, ma quái phá hại chúng ta.

Thứ bốn, theo phân tâm học, yếu tố sau cùng làm nên con đường tất yếu, là Siêu ngã. Siêu ngã vừa ở trên tôi, để soi sáng, chỉ đường. Vừa ở trong tôi, để nâng đỡ, thúc đẩy, nhắc nhở. Vừa ở với tôi để chia sẻ và đồng hành.

Siêu ngã của người Việt Nam là Trời, bắt nguồn từ dòng máu của Bà Âu Cơ. Siêu ngã ấy cũng mênh mông, bát ngát như biển khơi của Lạc Long Quân. Hai dòng máu bao la và trọng đại ấy có mặt trong mỗi người Việt Nam.

Câu nói của triết gia Hy lạp Socrate " Deviens ce que tu es " được tôi chuyển ý: Phát huy tất cả những gì làm nên vốn liếng của đời bạn.

Vậy vốn liếng của người Việt Nam do Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ trối trăn lại, là Trời Biển tràn đầy và thấm nhuần con tim của chúng ta. Chúng ta đừng quên. Hãy gọi trở về con đường Ấnh Sáng và Tình Yêu ấy, để Sống và đễ Thương.

"Hãy gọi Biển về, lòng ai thao thức sóng vỗ.

"Hãy lắng nghe Trời, khi cuộc đời đầy giông tố.

"Con là Nước tưới mát những cánh đồng khô hạn,

"Trời trong con nối kết bao gia đình phân tán.

 

"Con là ai ? Hạt bụi giữa đất trời vũ trụ !

"Nhưng đời con gây động chuyển hằng ngàn tinh tú.

"Con đi ra mở rộng nhiều con đường Tình bạn,

"Con mang về hạnh phúc tròn đầy và viên mãn."

 

3- Giấc mơ "Bánh dày bánh chưng" tại Thiên Đình

Khi viết vừa xong đoạn cuối cùng của cuốn "Khung Trời mở rộng " này, tôi nằm mơ thấy quang cảnh buổi lễ tuyển chọn người đầu bếp được tổ chức tại Thiên Đình như sau :

Sau khi lệnh tuyển người, được yết thị khắp nơi, hôm ấy mọi xứ sở trên hoàn cầu đều gửi đại diện của mình về trình diện trước Thượng Hoàng và thần dân của Nước Trời.

Theo lệnh tuyển người, mỗi đại diện mang đến một món ăn soạn trước để đệ trình cho toàn thể Thiên Đình. Trước khi đại biểu của Việt Nam vào yết kiến bao nhiêu của ngon vật lạ được trưng bày cho Thượng Hoàng và ban tuyển người khảo xét. Từ Bơ, phô-mát, thịt bò nhúng, rượu ... đến bánh ngọt đủ mọi loại được trình dâng và bày biện ở phòng họp, trước mắt mọi người.

Đến phiên người Việt Nam vào, Thượng Hoàng bắt đầu đặt câu hỏi :

- Con đem gì lên trưng bày cho Thiên Đình ?

- Dạ, bánh dày, bánh chưng.

- Con giải thích cho Thiên Đình : có những chất liệu gì trong đó !

- Ngoài lớp lá xanh tươi bao bọc ở ngoài, vì lý do mỹ thuật và vệ sinh, nội dung bên trong là gạo nếp, do người dân lao động quanh năm suốt tháng làm nên.

- Đây là loại của ăn thuộc giai cấp nào, được dùng trong tôn giáo nào ?

- Kính tâu Thượng Hoàng, đây là của ăn của mọi người, bất phân tôn giáo, giai cấp, địa phương ...

- Tại sao hình tròn và hình vuông ?

- Dạ hình tròn biểu tượng Trời. Và hình vuông tượng trưng cho Đất, trong lối nhìn của chúng con. Ngoài ra vuông tròn họp lại mang ý nghĩa mối tình vuông tròn của chúng con đối với Trời Đất, Cha Mẹ. Tổ Tiên Ông Bà. Cho nên, vào ngày Tết Nguyên Đán, cũng như ngày lễ kỵ giỗ, chúng con đặt lên bàn thờ, loại của ăn này, để kính nhớ các vị ...

- Có gì ở bên trong nữa không ?

- Thông thường trong dân gian, chúng con thêm rau cỏ, đậu hoa đủ loại ở giữa. Tất cả tượng trưng cho mùa xuân trong tâm hồn chúng con. Nhờ mùa xuân của tâm hồn, chúng con mới sống được hạnh phúc và an hòa từ ngày này qua ngày khác. Cho nên, chúng con gọi quả tim ấy là Nhân.

Người giàu có có thể thêm mỡ và thịt. Nhưng nội dung này không thiết yếu và phổ quát.

- Tại sao đem Trời và Đất vào của ăn ?

- Ăn đối với chúng con là một hành vi mang chiều kích và ý nghĩa văn hóa. Bất kỳ ăn món gì, chúng con đều ý thức rằng : mình đang được Trời nuôi, Đất dưỡng. Cho nên mỗi bữa ăn là một buổi lễ Tạ Ơn Trời, Tạ Ơn Đất. Cũng vì vậy, chúng con không dám phí phạm lương thực hằng ngày của chúng con.

Một tuần sau, lệnh Thượng Hoàng ban xuống : Vị Đại diện người Việt Nam được tuyển chọn làm đầu bếp của Thiên Đình, có trọng trách chuẩn bị của ăn hằng ngày cho mỗi thần dân thuộc Nước Trời.

 

 *****

Em thân mến !

Mỗi đêm giấc mơ đang hiện về và nhắc cho em : Em là của ăn cho mọi người. Của ăn này làm bằng hai chất liệu Trời và Đất trộn lẫn với nhau :

Thiếu Đất, em chỉ là  Sơn Tinh hay là Thủy Tinh. Tuy là anh chị em phát xuất từ cung lòng của một Mẹ, hai con yêu tinh ma quái nầy chỉ ngày ngày tìm cách tàn sát lẫn nhau, từ đời nầy qua đời khác.

Trái lại, khi không có Trời trong tâm hồn và cuộc đời, Em chỉ là tên "đạo tặc", ngang ngược trên mọi nẻo đường của quê hương ...cơ hồ Mộc Tinh, Ngư Tinh và Hồ Tinh.

Vậy, em hãy lắng nghe giấc mơ của mình, để ngày ngày trở thành người Việt Nam thực sự và trọn ven  “Với Nhau, Cho Nhau và Nhờ Nhau”.

 

Lausanne Mùa Xuân, 20 tháng 04 năm 2000

Xem lại và sửa chữa: 20-12-2005

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!