Một khi đã được tiếp thu vào trong nội tâm, thực tại tự khắc đi qua một tiến trình biến chế. Cơ hồ lương thực được thay đổi, chuyển hóa, biến thành máu xương, da thịt của chúng ta, suốt thời gian đi qua hệ thống tiêu hóa như dạ dày, ruột non .... Trong lăng kính ấy, biến chế có những ý nghĩa tương đương như sửa soạn, kho nấu, tôi luyện, chuyển đổi và tiêu hóa. Từ chuyên môn được Freud sử dụng trong tiếng Đức là DURCH-ARBEITEN, được chuyển qua tiếng Pháp là perlaborer. Từ được dùng trong địa hạt vi tính là Processing. Đây là một công việc "cưu mang nuôi dưỡng" lâu dài ; trước khi hoàn thành, phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau.
Theo ý nghĩa ấy, thuyên giải thực tại - tìm cho thực tại một ý nghĩa thích ứng với cuộc sống làm người - là một tiến trình luôn luôn tiếp diễn, đổi mới, không bao giờ kết thúc. Ngày hôm nay là hoa trái của ngày hôm qua. Và đồng thời, nó đã cưu mang những ngày sắp tới. Nói khác đi, thuyên giải là một tiến trình học hỏi, lắng nghe, đồng hành, chia sẻ. Trong đó, vai trò trung gian của người khác thuộc địa hạt gia đình cũng như ngoài xã hội, với sự đóng góp của toàn thể cộng đồng nhân loại, không thể nào có thể bị chối từ. Cũng vì lý do đó, thuyên giải đồng hóa với nhu cầu làm người. Đó là chứng tích của con người có văn hóa, đang thành nhân. Họ luôn luôn ý thức một cách sáng suốt : mình chỉ là anh chàng lùn được phép ngồi trên vai kẻ khác, để thấy được nắng mưa trong lòng cuộc đời.
Để hiểu rõ hơn nữa chúng ta phải làm những gì cụ thể, khi thuyên giải; tâm lý học ngày nay đã phân biệt ba cơ chế học tập khác nhau nhưng có quan hệ mật thiết với nhau.
*****
· Cơ chế thứ nhất là khám phá những qui luật thường hằng và bất biến đang có mặt trong một số sự kiện cụ thể và khách quan. Cơ chế này còn mang tên là xu thế tổng quát hóa hay là "vơ đũa cả nắm", khi chúng ta đưa ra những kết luận quá vội vã, thiếu những kiểm chứng vững chắc, rõ ràng và khoa học.
· Cơ chế thứ hai có phần vụ xếp đặt theo thứ tự, chọn lọc những điều ưu tiên và quan trọng hơn hết. Từ đó cuộc sống đòi buộc chúng ta phải từ bỏ, loại thải những gì là phụ thuộc. Thiếu cơ chế chọn lọc và từ bỏ này, cuộc sống làm người sẽ trở thành vô tổ chức, lộn xộn, chắp nối, vá víu, kiểu "bắt râu ông nọ, đặt cằm bà kia".
· Cơ chế thứ ba giúp chúng ta đảm nhận tính chủ quan và độc đáo của mình và đồng thời tôn trọng quyền khác biệt của kẻ khác. Nam và nữ khác biệt nhau. Chấp nhận quy luật khác biệt này, nam và nữ không loại trừ nhau. Trái lại, hai bên bổ túc và kiện toàn cho nhau, bằng cách này hay cách khác, trong cuộc sống thành người.
Theo Kinh Thánh của Kitô Giáo và Do thái giáo, bao nhiêu vấn đề có mặt trong thế giới con người, nhất là trong quan hệ giữa người với người, đều phát xuất từ tình trạng thiếu tôn trọng quyền khác biệt của người khác. Người khác đầu tiên - ba lần khác chúng ta - là Thượng Đế. Khi đã mang trong mình mầm móng xung đột, cạnh tranh với Ngài, chúng ta sẽ từ từ dấn bước vào con đường độc lộ là tiêu diệt người anh chị em, xóa bỏ mọi quyền khác biệt của họ, biến họ thành dụng cụ trong tầm tay toàn năng của chúng ta. Từ đó, họ chỉ là "tạo vật" do chúng ta làm nên. Là vật sở hữu để chúng ta kiểm soát, lèo lái.
Bao lâu chúng ta chưa hóa giải vấn đề căn cơ gốc rễ này, chúng ta sẽ chẳng bao giờ hóa giải những vấn đề còn lại trong trời đất này. Đây là vấn đề Mẹ, đẻ ra mọi tranh chấp khác có tính nhị nguyên trong lòng cuộc đời.
Trong tinh thần ấy, để đừng xuyên tạc, bóp méo người anh chị em, chúng ta hãy sử dụng sứ điệp "Tôi" để đảm nhiệm tính chủ quan, và tư cách chủ quyền của mình. Thay vì sử dụng "sứ điệp ngôi thứ hai" để tố cáo, qui lỗi và kết án người khác, chúng ta chỉ trung thực nói về mình. Tuyệt đối tránh "đi guốc trong bụng" của tha nhân. Tuyệt đối không bói đoán ý định của người khác, khi họ chưa trình bày, diễn tả.
Trường hợp chúng ta muốn chia sẻ, thông cảm, chúng ta bộc lộ ra ngoài ý nguyện và lời yêu cầu ấy. Khi họ chưa sẵn sàng, chúng ta chờ đợi, không tự tiện xô cửa bước vào ... Làm như vậy, chúng ta không chối từ, phản bội chính mình. Chúng ta vẫn khẳng định mình và đồng thời cho phép người khác có một không gian và một vị trí chính thức để khẳng quyết lập trường và quan điểm của họ. Khi diễn tả mình, mỗi người có một vận tốc riêng biệt và độc đáo. Không ai giống ai. Thậm chí họ là hai bạn bè tri kỷ, hai vợ chồng hay là hai chị em sinh đôi. Khi hai người đồng tâm, nhất trí, chưa hẳn họ phải mang đồng phục, trở thành đồng dạng, hay là bị ép buộc "Mẹ hát con khen" một cách máy móc và tự động.
Ai là người tôi thương bằng Mẹ ? Nhưng chính Mẹ dạy cho tôi bài học biết thương và biết ghét. Thương mà không qui lụy, luồn cúi, dạ dạ vâng vâng, đánh mất tư cách làm người. Ghét mà không bôi nhọ, biến trắng thành đen. Không thủ tiêu, thanh trừng, "cả vú lấp miệng em". Nhưng vẫn tạo cho người đối phương có điều kiện bênh vực giá trị của mình. Cho họ có một diễn đàn, trên đó họ được lắng nghe, trân trọng, tìm hiểu, đối chất.
*****
Thuyên giải cuộc sống làm người trong tinh thần và chiều hướng hành động như vậy, theo Freud, đó là đỉnh cao của văn hóa. Của con người có khả năng "minh minh đức", nghĩa là đánh sáng cái nguồn lực ánh sáng làm người của mình. Theo giáo lý của Đức Bụt, đó là con đường "trở thành Bụt" có sẵn trong tâm hồn của mỗi người. Đó cũng là con đường "trở nên Đền thờ của Chúa Thánh Thần", theo giáo huấn của thánh Phaolô. Con đường ấy đã mở ra thênh thang bát ngát, từ ngày người Kitô hữu được xức dầu thánh, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Con đường ấy, cho dù mang danh hiệu nào : con đường văn hóa, con đường thành Bụt hay là con đường trở nên Đền thờ Tâm Linh, đều phải đi xuyên qua quả tim "vô úy" của mỗi người.
Không một ai, không một lực lượng quân sự hoặc chính trị nào có thể dựng lên những hàng rào ngăn chận bước tiến của tôi, ngoại trừ chính tôi đích thân cản trở chính mình tôi. Lao tù nào , cho dù kiên cố đến đâu, bít kín đến độ nào... Vẫn còn một vài kẽ hở, để không khí và ánh sáng mặt trời chen chân lẻn vào.
Vô úy trong chiều hướng ấy có nghĩa là thấy mình Bất Diệt, Trường tồn.