Khi trả lời câu hỏi :" Đâu là nhân, đâu là quả , tôi có mặt trong thực tại như thế nào, với tư cách làm sao?", chúng ta đã làm công việc đào bới, giống như những chuyên viên khảo cổ. Tuy nhiên, yếu tố cổ xưa được hiểu ở đây vừa là những tầng lớp của thực tại, có gốc rễ đâm sâu vào quá khứ, nhưng đồng thời cũng là những yếu tố có mặt trong thực tại. Chúng nó đang nuôi dưỡng những quan hệ nhân quả qua lại hai chiều với nhau. Cơ hồ những bộ phận khác nhau, chúng nó đang cùng nhau lập thành một cấu trúc toàn diện, sống động, biến hóa thường xuyên.
Sau giai đoạn, đào bới để tầm nguyên, hướng về quá khứ, chúng ta đã làm công việc phân tích, mổ xẻ : khám phá cấu trúc hiện tại. Nó đang đặt ra cho chúng ta những thách đố nào ... ?
Nhằm vượt qua, chuyến biến vần đề thành cơ may, chúng ta không thể không chủ động, sáng tạo. Tuy nhiên, chúng ta không đuổi bắt ý chí toàn năng, tự suy tôn và tấn phong cho mình tước vị "làm nên tất cả, biến đá thành cơm".
Vấn đề thời gian đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn đợi chờ. Bên cạnh những năng động lớn lao thúc đẩy chúng ta vươn lên, hướng tới, phát triển .. chúng ta cần mở mắt sáng suốt trước những sức mạnh ù lì, nặng nề, kéo chúng ta trở lại đằng sau. Tuy nhiên, đêm và ngày không tương phản nhau. Cả hai mặt lập nên một cuộc sống duy nhất, trong điều kiện làm người. Cuộc sống đa phức và đa cực, muôn vẽ, muôn màu, đa diện. Nhưng cuộc sống ấy không chấp nhận nguyên lý nhị nguyên phân biệt rõ rệt, trắng ra trắng, đen ra đen.
Tôi vừa đưa ra một lối nhìn bao quát nhằm tóm lược những gì đã được khảo sát trong chương II, 1.
Với chương II, 2 này, chúng ta hướng đến tương lai : Viễn ảnh, viễn tượng nào đang đón chờ chúng ta ? Chí hướng của chúng ta là gì ? Làm sao hướng tới đó ?
"Khả năng định hướng" cuộc đời là một bộ môn thứ hai của tư duy Cấu trúc, sau "phân tích hiện tình". Nó sẽ cho phép chúng ta tìm ra câu trả lời cho những vấn nạn vừa được nêu ra. Nói tóm lại, khoa khảo cổ (archéologie) và khoa hướng lai ( téléologie, prospective) đều có mặt trên con đường thuyên giải.
Những chủ điểm sau đây cung ứng cho chúng ta một tầm nhìn toàn diện về con đường định hướng.
1- Con đường ấy phải bắt đầu bằng một khởi điểm. Đó là hiện tình hay là hoàn cảnh hiện thực, hiện tại. Chúng ta đang ở đâu ?
Khi phân tích hiện tình như vậy, chúng ta sáng suốt liệt kê, càng đầy đủ bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu, những gì là năng động, những gì là bị động trong hoàn cảnh hiện thời.
2- Từ khởi điểm ấy chúng ta muốn hướng đến đích điểm nào ? Và để xác định đích điểm, chúng ta tự đặt cho mình những câu hỏi :
- Chúng ta "thực sự muốn gì ?"
- Điều ước muốn ấy "quan trọng" thế nào cho cuộc sống chúng ta ?
- Thiếu nó, chúng ta mất mát những gì ?
- Được nó, chúng ta sẽ thấy mình, nghe mình, cảm nghiệm làm sao ?
3- Đích điểm mà tôi vừa nói tới, mang rất nhiều danh hiệu khác nhau. Mỗi tác giả sử dụng một lối nói riêng biệt của mình, tùy chuyên môn cũng như tùy quan điểm được họ trình bày nhấn mạnh.
Để đừng xẩn vẩn và lạc đường trong vòng mê cung của ngôn ngữ, theo cách đề nghị của R. Dilt, chúng ta hãy nêu ra cho mình năm tầng lớp câu hỏi khác nhau :
· Tầng lớp một : Ai ?
Tôi là ai ?
Người tôi nói tới là ai ?
Căn cước, chân tướng hay là nhân cách của họ cũng như của tôi gồm có những tư cách hoặc đặc điểm nào ?
Trong vấn đề định hướng, tôi muốn trở thành ai?
Tôi muốn cho người tôi đang đối diện được gì ?
Lối nói thường được dùng, có ý nghĩa tương đương với nội dung liên hệ là : lý tưởng, chí hướng, sứ mệnh, ơn gọi ...
· Tầng lớp hai : Tại vì sao ?
Tại vì sao điều ấy quan trọng cho tôi ?
Khi trả lời câu hỏi này, chúng ta xác định mục đích tối hậu, lẽ sống, những giá trị cơ bản của cuộc đời.
Khi nói đến mục đích cuối cùng, chúng ta đưa ra một viễn ảnh rộng lớn, xa vời. Nếu chúng ta hạn chế vào một địa hạt cụ thể. Đó là mục tiêu ngắn và dài hạn.
· Tầng lớp ba : Thế nào, cách nào ?
Khi trả lời câu hỏi này, chúng ta xác định chúng ta đang cần những kỹ năng gì, "cách làm" nào, để thành tựu những mục tiêu cụ thể. Rồi từ mục tiêu cụ thể, chúng ta hướng đến mục đích tối hậu rộng lớn. Khi chưa có, tôi tìm học với ai, ở đâu ? ...
· Tầng lớp bốn : Điều gì ?
Để lý tưởng, chí hướng không phải là một mộng mị xa vời, một ảo tưởng hay là "lời nói suông", tôi cần chuyển dịch tầng lớp một và hai thành những động tác cụ thể hay là những điều cần được thực hiện từ ngày hôm nay.
Đê đừng tan loảng, chập chờn, đụng đến mọi cái, nhưng không bao giờ có một kết quả cụ thể, nhỏ mọn, tôi cần xếp đặt theo thứ tự ưu tiên một, hai, ba ... những điều cần làm. Không đem ưu tiên một lên hàng đầu, chúng ta sẽ lẫn lộn điều thiết yếu với điều khẩn trương. Chúng ta sẽ mất an lạc, ngã quÿ vì ngột ngạt, căng thẳng.
· Tầng lớp năm : Ở đâu, khi nào, bao lâu, với
ai ...?
Để cụ thể hóa chương trình hành động, có nghĩa là đem lý tưởng và chí hướng vào trong lòng cuộc đời tôi còn phải môi trường hóa một cách chi ly công việc định hướng.
Môi trường hóa như vậy là xác định rõ rệt : tôi làm với ai, ở đâu, trong điều kiện nào, với phương thức nào ...
Nói tóm lại, nhờ phương pháp xác định năm tầng lớp hoạt động, tôi biến lý tưởng xa vời, rộng lớn thành những đơn vị nho nhỏ : mắt thấy, tai nghe, tay chân tiếp xúc, va chạm, xích lại gần được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Có như vậy, lý tưởng mới đi vào da thịt, hơi thở và nhịp tim của chúng ta. Phương pháp "cháo nóng húp quanh" mà mẹ dạy cho tôi, từ thuở lên ba, có thể áp dụng ở đây.
4- Để công việc định hướng mang lại những thành quả cụ thể, như lòng ước nguyện, chúng ta hãy tiên liệu, thiết kế thể thức và lịch trình đánh giá. Nói cách khác, sau một giai đoạn hoạt động, chúng ta cần dừng lại thẩm định :
- Chúng ta ở đâu trên tiến trình đi tới ?
- Chúng ta cần điều chỉnh điều gì ?
Trong công việc đánh giá này, P. Senge lưu tâm chúng ta đến vấn đề tiên liệu một cách có hệ thống những thách đố đang đợi chờ chúng ta, tức khắc khi chúng ta bắt tay vào việc thực hiện dự án.
Những thách đố ấy gồm có :
1/.- Tôi không có thời giờ,
2/.- Tôi không có phương tiện. Không ai nâng đỡ tôi.
3/.- Chương trình, dự án ấy không thiết thực, xác đáng !
4/.- Cấp trên, bạn bè đồng đội không thẳng thắn hết mình. Họ phóng dao mà không theo dao! Họ bỏ rơi tôi hay là vắt chanh bỏ vỏ.
5/.- Những người trong cuộc, đồng đội không tin nhau.
6/.- Điều ấy vô ích, không hữu hiệu.
7/.- Phe đứng ngoài không tin, chỉ trích, tố cáo dự án.
8/.- "Nhóm" ấy thao túng, lủng đoạn, qua mặt.Đó là nỗi lo sợ của cấp lãnh đạo.
9/.- "Họ" làm gì có vẻ bí mật, không ai biết gì cả. Thiếu thông tin rộng rãi.
10/.- Cứ theo đà này, chúng ta sẽ đi về đâu ? Người ở ngoài "nhóm" sợ đánh mất căn cước và vị trí.
Nếu chúng ta không đề phòng, sắp sẵn thể thức đối ứng, khi thách đố xảy đến, chúng ta sẽ không biết xử thế thế nào. Chúng ta bị tràn ngập.
Theo tinh thần và lăng kính của tư tưởng cấu trúc, bao nhiêu thắc mắc ấy của người ở ngoài, là con đường bình thường, tất yếu của cuộc sống. Tiến trình đi lên nào cũng chóng hay chầy phải đối đầu với tiến trình trì trệ, kiểm soát, tạo cân bằng. Chiếc xe nào cũng mang sẵn trong mình bộ phận hãm, thắng tốc độ. Thành phần tiến bộ phải đương đầu với các người bảo thủ. Phe hữu kiểm soát phe tả.
Cũng trong tinh thần vừa đánh giá công việc, vừa tôn trọng những bộ phận tạo quân bình nằm sẵn trong cơ cấu, phương pháp chương trình sinh hoạt thần ngữ đề xuất tiêu chuẩn :"Hòa hợp môi sinh". Chương trình hành động của tôi sẽ làm tổn hại cho ai không ? Nếu có, phương thức đền bù sẽ phải như thế nào cho hợp tình, hợp lý, hợp nghĩa.
Trong hai phương thức đánh giá, do Tư tưởng Cấu trúc và Chương trình Sinh hoạt Thần ngữ đề xuất, một mẫu số chung đáng được chúng ta lưu tâm:
"Không có thành viên hoàn toàn ở ngoài, hoàn toàn xa lạ, hoàn toàn "ăn cơm nguội nằm nhà ngoài". Ở một khía cạnh nào đó, họ và chúng ta đang làm nên một cấu trúc. Chúng ta liên đới, tương tức. Cho nên, trong mọi chương trình, kế hoạch lớn bé, thuộc bất cứ địa hạt nào, người khác phải là người anh chị em có quyền được chúng ta thông tin. Chúng ta có bổn phận lắng nghe phần đóng góp của họ, dù tiêu cực hay tích cực. Học hỏi với họ, tạo cho họ quyền làm người, chúng ta mới có khả năng làm người. Không ai có thể một mình làm người, đang khi người khác còn mang thân phận "chó, mèo, dê, ngựa...!"
4- Điểm quan trọng cuối cùng cần được chúng ta lưu tâm một cách bén nhạy:
Phân biệt rõ ràng hai loại sức ép hay là hai loại căng thẳng.
Loại thứ nhất là căng thẳng nội tâm, do đời sống xúc động tạo nên. Cuộc sống hằng ngày trở nên một khu rừng hỗn độn. Chúng ta lạc đường trong đó, không có ánh sáng nội tâm và động cơ thúc đẩy, để can trường và hăng say bước tới. Về mặt xúc động, chúng ta bị tràn ngập: lo âu, khắc khoải, chán nản, tuyệt vọng hay là trách móc, tố cáo, kết án, mặc cảm tội lỗi, bị mọi người bỏ rơi...
Ba triệu chứng thông thường sau đây diễn tả tình trạng căng thẳng nội tâm ấy.
Thứ nhất là ý chí toàn năng : Ôm đồm tất cả mọi trách nhiệm và không tin vào khả năng của kẻ khác. Loài người này càng làm, càng gặp khó khăn ở khắp nơi. Càng làm, họ càng bị những lực lượng chống đối chận đường. Rốt cuộc, họ xuôi tay, không còn tin vào mình và vào người khác.
Thứ hai là não trạng chữa lửa : Loại người thứ hai chỉ muốn sửa sai, cải tạo. Họ thấy vấn đề ở khắp nơi. Suốt ngày họ thấy nhà cháy và trời sập. Họ tìm cách giải quyết vấn đề này, thì bao nhiêu vấn đề khác lại xuất hiện một cách trầm trọng hơn.
Cuối cùng họ bị "thiêu thân". Hai lối nói trong tiếng Anh "Stress và Burn-out" diễn tả tình trạng cảm thức này. Stress là căng thẳng nội tâm. Burn-out xảy ra khi chúng ta bị hao mòn, kiệt quệ, mất hết sinh lực.
Thứ ba là tinh thần đấu tranh cực đoan, quá khích.
Đối với loại người thứ ba, cuộc sống là "đấu tranh không ngừng".
Mọi người đều là thù địch ở trong tình trạng năng thể. Cho nên, một đàng họ nghi kị. Một đàng họ tấn công, kết án. Lỗi lầm luôn luôn ở trong kẻ khác. Duy mình họ là vô tội, trong trắng, cao thượng, xã thân vì một lý tưởng vị tha !
*****
Trái với loại căng thẳng tình cảm, do ba loại người trên đây thân nghiệm, trong đời sống và công việc hằng ngày, có một loại căng thẳng khác, do tư tưởng cấu trúc tạo nên.
Nó xuất phát từ khoảng cách đang có mặt giữa hiện trạng và hoài vọng do chúng ta luôn luôn ấp ủ, cưu mang, nuôi dưỡng, vun trồng.
Ai lại không mang hoài bảo cho mọi người anh chị em đồng bào được ấm no, hạnh phúc ?
Ai lại không muốn cho các bà mẹ mai ngày có một khoản lương trợ cấp an sinh xã hội, ít nhất trong vòng ba năm, từ khi một đứa con được cưu mang trong cung dạ ?
Ai lại không mơ ước có những chiếc tàu đại tốc hành xuôi ngược từ Bắc vô Nam hay là lên xuống từ núi Trường Sơn ra bờ biển Thái Bình ?
Ai lại không muốn có một con kênh đào từ Bắc vô Nam có hệ thống mở đóng rất tinh vi, nối kết mọi con sông của Đất Nước, để điều hợp liều lượng nước chảy, mùa khô hạn cũng như mùa mưa bão ?
Ai lại không mơ ước mắt mình sẽ chứng kiến những vườn cam, vườn chè, vườn cà phê trên sườn núi Trường Sơn, chạy dọc hai bên Đại lộ TRƯỜNG SƠN, từ Bình Long ra biên giới Việt Trung ?
Ai lại không mơ ba Đại học Huế, Hà Nội, Sàigòn mở cửa đón nhận sinh viên nước ngoài đến học với người Việt Nam về thể thức tổ chức Đất Nước trong chiều hướng tư duy cấu trúc và đối thoại ?
Ai lại không nuôi hoài bảo có những Đại học Canh Nông sẽ mộc lên ở Bình Long, Kontum, Khe Sanh, Điện biên Phủ, để biến Việt Nam thành một vựa lúa cho hoàn vũ ?
Có mơ như vậy, chúng ta mới tưới tẩm lòng hăng say nghiên cứu, học hỏi.
Hình dung được một chương trình lớn lao đang đón chờ Đất Nước, chúng ta mới nhận thức được rằng: mỗi người Việt Nam, bất phân tôn giáo, chính kiến, địa phương, nguồn gốc xã hội đều là vốn quí có phần đóng góp vào Ngôi Đình Văn Hóa Việt Nam !
Yêu thương, thứ tha và sáng tạo như vậy là chất liệu, và hoa trái do tình trạng căng thẳng về cấu trúc tạo nên.
"Một cây làm chẳng nên non,
"Ba cây góp lại thành hòn núi cao.
"Núi cao vươn tới trăng sao
"Nhờ sức lao động đồng bào dựng nên .
"Núi cao che chở ba miền
"Khung trời mở rộng nối liền non sông.
"Bắc Trung Nam quyết một lòng
"Quê hương đổi mới, từ trong ra ngoài,
"Góp tay xây dựng tương lai,
"Rồng Tiên mở hội ngày mai thái hòa".