Trong phần thứ ba này, tôi đúc kết, tổng hợp tất cả những điều đã được trình bày trong hai phần vừa qua. Tuy nhiên, thay vì lặp đi lặp lại những điều đã được trình bày, tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm một vài điểm sau đây:
· Bao lâu lối nhìn nhị nguyên chưa được hóa giải, hiện tượng "ngựa chạy đường cũ" vẫn tiếp tục bám sát vào con người của chúng ta.
· Không chấp nhận và nhìn nhận quyền khác biệt của người anh chị em, chúng ta vẫn mãi hoài luẩn quẩn trong vòng mê cung kỳ thị, hận thù, chiến tranh và bạo động ...
· Để giải quyết vấn đề tận gốc rễ, chúng ta hãy nhận diện và đối diện một cách sáng suốt và can đảm : gốc rễ ấy ở chính trong con người của chúng ta. Trong đáy sâu của tâm hồn. Trong lối nhìn. Trong cách thuyên giải của chúng ta về người anh chị em hai bên cạnh. Cho nên, bao lâu chúng ta không đổi mới chính con người của mình, những chương trình, kế hoạch chuyển hóa đó đây - trong môi trường chuyên môn nghề nghiệp, cũng như trong lãnh vực tôn giáo, xã hội, chính trị - chỉ là "đội đá vá trời, nước rơi đầu vịt !"
Thay vì lặp lại như vậy, tôi muốn làm theo lời đề nghị của Freud : Lắng nghe giấc mơ của mình. Khi biết thuyên giải những giấc mơ, chúng ta sẽ mở mắt ý thức được rằng : Vấn đề chủ yếu của chúng ta là gì, ở đâu ? Từ đó, con đường tất yếu Anankè sẽ hiện ra, như mặt trời đứng ngọ, trên mỗi bước đi xuôi ngược của chúng ta, trong lòng cuộc đời.
Để biết lắng nghe như vậy, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát bốn câu hỏi :
- Câu hỏi thứ nhất : Giấc mơ nằm ở đâu ?
Ngôn ngữ của nó mang những sắc thái nào, so với ngôn ngữ bình thường được chúng ta sử dụng hằng ngày ?
- Câu hỏi thứ hai : Những giấc mơ ấy đang nhắn gửi cho chúng ta một cách úp mở : Bạn đang có vấn đề. Vậy vấn đề ấy là gì ?
- Câu hỏi thứ ba : Để hóa giải vấn đề ấy, bạn hãy tìm ra gốc rễ nó ở đâu ?
- Câu hỏi thứ bốn : Giấc mơ của mỗi người Việt Nam là gì ? Chúng ta có thể thuyên giải theo chiều hướng nào ?
Nói tóm lại, trong phần III này, tôi ứng dụng vào cuộc sống cụ thể, hằng ngày, những điều tôi đã quảng khai trong phần I và phần II.