.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Phần I : Chúng ta không thể không thuyên giải

Chương I, 1 : Giai đoạn Cửa Vào

Chương I, 2 : Giai đoạn Biến Chế

Chương I, 3 : EROS, THANATOS và ANANKÉ (6)

Chương I, 4 : Mẹ thuyên giải con theo D.W. Winnicott

Chương I, 5 : Thuyên giải là gì ?

Chương I, 6 : Điểm bế tắc

Phần II : Tư duy cấu trúc

Chương II, 1 : Nhân và quả giao thoa chằng chịt, qua lại

Chương II, 2 : Khả năng định hướng cuộc đời

Chương II, 3 : Chia sẻ, đồng hành : Một con đường tất yếu Anankè

Chương II, 4 : Mở đường cho vô thức đi ra vùng ánh sáng

Chương II, 5 : Lắng nghe, học hỏi, nhìn nhận để "Tái sinh nhau, nhờ nhau".

Phần III : Những vấn đề của chúng ta

Chương III, 1 : Ngôn ngữ của giấc mơ cần lắng nghe và phát hiện

Chương III, 2 : Khám phá ba loại vấn đề trong mỗi câu chuyện trao đổi hay là trong mỗi giấc mơ

Chương III, 3 : Hóa giải

Phần kết luận : Giấc Mơ của người Việt Nam

Sách Tham Khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG I, 3 : EROS, THANATOS VÀ ANANKÉ (6)

 Để mô tả ba bộ mặt khác nhau của con đường văn hóa vừa được nêu ra, Freud đã sử dụng trong những tác phẩm cuối cùng, ba từ Hy lạp là Eros, Thanatos và Anankè. Eros có nghĩa là Tình yêu, kết hợp, chia sẻ, đồng hành. Thanatos là khước từ, giả biệt, ra đi. Anankè là con đường tất yếu phải đảm nhận, không thể thoái thác, từ nan.

Đây cũng là ba tiêu chuẩn có khả năng điều hướng công cuộc thuyên giải của chúng ta, mỗi lần  chúng ta phải quyết định, chọn lựa con đường làm người.

Tiêu chuẩn thứ nhất là Eros

Eros ở đây không chỉ mang ý nghĩa Tình dục, sinh lý, quan hệ vợ chồng. Eros đã có mặt khi sự sống bắt đầu trong cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa con tinh trùng của Ba và hạt trứng noãn sào của Mẹ.

Nhờ con tinh trùng, noãn sào bắt đầu tiến trình thành người. Cũng nhờ não soàn, con tinh trùng có thể cho những gì mình có và nhận lại sự sống "làm người".

Trong cuộc gặp gỡ lạ lùng đầu tiên này, không có hơn có thua. Chỉ có cho và nhận, trao đổi, chia sẻ, đồng hành. Trong quan hệ này, cả nam tố lẫn nữ tố đều tác động qua lại, ảnh hưởng trên nhau, một cách hài hòa bình đẳng. Không một yếu tố nào trong hai hoàn toàn chủ động hay là hoàn toàn bị động. Tinh trùng và noãn sào cả hai đồng thời vừa làm nhân vừa làm quả. Vừa cùng nhau đồng hành đi lên phát triển "Tương sinh", có nghĩa là nuôi dưỡng sinh thành cho nhau. Từ được dùng trong tiếng Anh là  Synergizing. Nói cách khác, vừa cho vừa nhận, vừa chủ động vừa bị động, đó là ý nghĩa đầu tiên và cuối cùng của Tình yêu - bất kỳ loại tình yêu nào trong trái đất này, nếu đó là tình yêu đích thực, chưa bị thoái hóa, ô nhiễm, đầu độc vì một não trạng nhị nguyên hơn thua, tốt xấu ... do con người bịa đặt ra.

Đó cũng là mẫu thức nguyên khai , nguyên tượng - Alpha và Omêga, đầu tiên và cuối cùng - cho phép chúng ta thuyên giải đâu là văn hóa, đâu là quan hệ đích thực trong cuộc sống làm người.

Nếu Đưc Bụt hay là Thiên Chúa làm người nói về tình yêu, các Ngài cũng không thể nào "bịa đặt" ra một cái gì khác, ngoài mầu nhiệm sự sống diệu vợi đang có mặt, và hiện hữu, trong lòng cuộc đời.

Những phân biệt như "Từ và Bi", Eros và Agapé, tình yêu có điều kiện và tình yêu vô điều kiện ... chỉ có tính cách sư phạm, cần thiết cho sự hiểu biết hạn hẹp của con người. Trong thực tế, nhận và cho là hai hơi thở ra vào của Tình Yêu. Thiếu một trong hai, không thể có tình yêu đích thực. Tình yêu ấy không có sự sống. Đó là loại tình yêu "bán thân bất toại", đang trên đường đi ra nghĩa địa.

 

Tiêu chuẩn thứ hai là Thanatos (7)

Thanatos có nghĩa đầu tiên là chết, tiêu diệt, hủy hoại, mất mát ... Phát xuất từ đó, nhiều tác giả chú giải đã nới rộng ra : Thanatos có nghĩa là từ bỏ, hy sinh, dứt điểm, chấp nhận rằng một điều đã không thành tựu, một người thân không còn có mặt, đã ra đi, đã qua đời...

Ca dao Việt Nam có câu :

"Bất tài thì chịu bất tài,

"Tài đừng ép uổng mà coi vụng về".

Câu ca dao này có thể được thuyên giải bằng nhiều cách khác nhau. Trong ngữ cảnh này, chúng ta có thể hiểu rằng : nhiều khi trong cuộc sống làm người, chúng ta hãy lắng nghe kinh nghiệm, rút tỉa những bài học từ những thất bại của chúng ta. Thất bại ở đây chưa hẳn là thất bại ở chỗ kia. Tôi có thể bất tài ở trong địa hạt này, nhưng rất hữu hiệu trong địa hạt khác. Do đó, chúng ta hãy can đảm thuyên giải chính mình, đánh giá cuộc đời của mình. Có khi chúng ta hãy kiên trì "có công mài sắt, ắt ngày nên kim". Khi khác, chúng ta hãy buông xã, "vô trước" không cột chặt mình vào vòng mê cung ngột ngạt, xẩn vẩn, tạo khổ đau. Chúng ta hãy chấp nhận một cách hồn nhiên, sáng suốt rằng "chúng ta không toàn năng". Xét lại, trở lui, chấp nhận mình sai lầm, sa ngã, phản bội không phải là hèn nhát, xấu hổ. Trái lại, đó là chứng tích của con người có văn hóa, có can đảm làm người, không chấp nhận ù lì, tê liệt, ngụp lặn trong gian dối và bịa đặt, hai mặt hoặc hai lòng.

Phương pháp "Chương trình sinh hoạt thần ngữ" dạy chúng ta :

"Khi thất bại, chúng ta hãy dùng thất bại làm bài học, để không còn thất bại một lần thứ hai như lần trước. Trái lại, chúng ta làm điều khác. Làm ở chỗ khác. Làm với một tinh thần khác. Làm với một con người khác".

No failure, only  feed-back. Không có thất bại. Đó chỉ là bài học dạy lại cho chúng ta biết thăng tiến bản thân và thường xuyên đổi mới cuộc đời.

Lời người xưa đã nhắn nhủ chúng ta : "Nhật tân", mỗi ngày đổi mới. "Nhật nhật tân", càng ngày càng đổi mới. "Hựu nhật tân", từng  ngày luôn luôn đổi mới.

"Thập tử nhất sinh", mười chết một sống, phải chăng đó là ý nghĩa chủ yếu của Thanatos ? Hẳn thực, để sống cho ra sống, không sống thừa, sống cặn, chúng ta phải từ bỏ rất nhiều điều. Chúng ta hãy trở lại với câu nói "first things first" của St. Covey, để đặt lên hàng đầu những gì nằm trong ưu tiên số 1 của cuộc đời làm người ! Ưu tiên số 1 phải chăng là "có lý, hơn người ..." hay là phát huy quan hệ hạnh phúc và hài hòa giữa người với người, bằng lối sống đồng hành và chia sẻ, tương tức và tương sinh ?

Theo Freud, chỗ nào tình yêu Eros bắt đầu chớm nở, chỗ ấy quy luật từ bỏ Thanatos tự khắc xuất hiện. Hẳn thực, trong hằng triệu con tinh trùng của người Cha, duy có một con có khả năng đi vào bên trong noãn sào của người Mẹ. Chính giây phút ấy, bao nhiêu con khác phải chấp nhận định luật từ bỏ, để rút lui, làm "rác", tan biến trong cuộc đời, để nuôi dưỡng cuộc đời. Chúng nó chấp nhận "chết", từ bỏ cuộc sống làm tinh trùng, để cho một mầm sống làm người xuất hiện và lớn lên.

Nghĩ đến tình huống này, bản thân tôi không ngừng tạ ơn những con tinh trùng đã rút lui, để cho phép tôi làm người hôm nay. Tạ ơn như vậy cũng là tạ ơn Trời Đất, tạ ơn những hiện tượng kỳ diệu trong lòng cuộc đời.

Thay vì sống tinh thần tạ ơn, nếu tôi đặt vấn đề "HƠN THUA" trong cuộc chạy đua của hằng triệu con tinh trùng, cuộc sống làm người đã là một vấn đề nan giải ngay từ đầu. Cuộc sống làm người, trong lề lối thuyên giải "hơn thua" ấy, sẽ trở thành một cuộc đấu tranh sống mái không ngừng. Mors tua, vita mea. Mày phải chết để cho tao sống. Phân biệt bạn thù một cách trắng đen, rõ rệt thuộc về lối thuyên giải nhị nguyên này.

Nhưng chúng ta hãy đặt câu hỏi : Hẳn thực đấu tranh để sinh tồn, nhưng sinh tồn để làm gì ? Sinh tồn cho đến khi nào ? Những người đã chủ trương đấu tranh đến kỳ cùng, có sinh tồn hay không ? Nếu họ sinh tồn, thì những người bị họ thủ tiêu cũng tiếp tục sinh tồn như họ. Hóa ra cuộc đấu tranh của họ đã bế tắc ngay từ đầu và trở thành vô nghĩa. Thực ra cái vô nghĩa đã bắt đầu xuất hiện khi họ phân biệt trắng đen hai loại người:  Loại người có quyền làm người và loại người không có quyền làm người.

Nói tóm lại, bao lâu trong lòng cuộc đời, lề lối thuyên giải nhị nguyên còn trấn áp con đường tình yêu, chúng ta chưa có thể làm người. Và đồng thời, chúng ta cũng không thể tạo điều kiện thuận lợi cho người khác làm người. Mù đang còn dắt mù. Cả hai có nguy cơ rơi xuống hố.

 

Tiêu chuẩn thứ ba là Anankè

Thuyên giải không thể tùy tiện trong lòng cuộc đời, kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Trái lại, thuyên giải phải đi theo con đường tất yếu. Đó là ý nghĩa của Anankè.

Hẳn thực, đời sống con người sẽ cực kỳ hỗn độn, lộn xộn, vô trật tự, nếu không có những quy luật hay là nguyên tắc điều hợp và định hướng cuộc sống làm người.

Trước hết, chúng ta hãy xác định con đường tất yếu Anankè là gì trong tư tưởng của Freud. Sau đó, chúng ta sẽ khám phá con đường tất yếu trong cuộc đời thành nhân làm bằng những chất liệu nào và bao gồm những chủ hướng nào.

Khảo sát tư tưởng của Freud trong từng bước một đi lên của ông, chúng ta nhận thấy những bước dò dẫm, những khúc quanh vòng vo lúng túng. Thể thức sử dụng ngôn từ cũng rày đây mai đó, không ổn định, nhất là vào những giai đoạn sơ khai của Phân Tâm học.

 Chẳng hạn, tiến trình làm người, thành nhân là gì, từ khi một bào thai bắt đầu có sự sống con người đến lúc làm con người có lời ăn tiếng nói, có quan hệ bình đẳng với người khác ? Trong nhiều tác phẩm khác nhau, chúng ta có thể khám phá những cách trả lời của Freud sau đây :

- Thứ nhất, tiến trình thành nhân của một con người là một cuộc chuyển biến không ngừng từ tình trạng vô thức sang qua tình trạng ý thức. Thức vừa có nghĩa là biết, vừa có nghĩa là tỉnh dậy.

- Thứ hai, từ vùng bóng tối - không được giáo hóa - sang qua vùng ánh sáng của văn hóa, có khả năng sáng tạo.

- Thứ ba, từ một cơ cấu tổ chức của vật thể (đồ vật) sang qua cơ cấu tổ chức của chủ thể (làm người). Từ khi được người khác gọi là "đồ ấy, cái ấy" (ça, es) đến khi có khả năng tự giới thiệu mình là "Tôi" (Moi, Je, Ich).

- Thứ bốn, từ một năng động tự nhiên hay là một sức đẩy bật tự động đến một con người có khả năng điều chế bản thân và định hướng cuộc đời.

- Thứ năm, từ một em bé cần có một bộ mặt, một cơ cấu ở ngoài, ở trên điều chế, điều hợp, đến một con người có cơ cấu điều chế, điều hợp từ bên trong bản thân mình, nghĩa là tự lập, tự do, tự quyết, có "khả năng sống một mình".

Thứ sáu, từ lúc còn làm một đối tượng mơ hồ trong giấc mơ của ai khác, đến khi trở thành chủ thể cưu mang, ôm ẳm một giấc mơ cho đời mình.

 Thêm vào đó, chủ thể ấy có khả năng thuyên giải và thực hiện giấc mơ, nhờ sự đóng góp tích cực của người khác làm trung gian. Trong ngôn ngữ của Paulo Cuelho, tôi trở thành người "luyện vàng". Ai đụng đến tôi, người ấy "thành vàng".

- Thứ bảy, từ một em bé với những đòi hỏi khắt khe xuất hiện ở mỗi bộ phận rời rạc của cơ thể như lỗ miệng, hậu môn, cơ quan sinh dục, làn da .... đến một con người toàn diện nhất thống với những nhu cầu được thương yêu, được coi trọng, được lắng nghe, được phát biểu và đóng góp ý kiến, được thông báo và thông tin ... Tắt một lời, "có khả năng thương và được thương".

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!