Gs. Nguyễn Văn ThànhTủ sách tình người
Hè 2000
-----------------------------------------------------------------------------------------
Nội dung
Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải
Lời mở đường : Thuyên giải trong chiều hướng
đồng hành và chia sẻ.
Phần I
Chúng ta không thể không thuyên giải
Chương I, 1. Giai đoạn cửa vào
Chương I, 2. Giai đoạn biến chế
· Cơ chế tổng quát
· Cơ chế chọn lọc
· Cơ chế đảm nhận tính chủ quan
Chương I, 3. Eros, Thanatos và Anankè
Chương I, 4. Mẹ thuyên giải con, theo D.W. Winnicott.
Chương I, 5. Thuyên giải là gì ?
Chương I, 6. Điểm bế tắc
· Không học
· Tập quán
· Khổ đau tràn ngập
Phần II
Tư duy Cấu trúc
Chương II, 1. Nhân và quả giao thoa chằng chịt qua lại.
· " Điểm 1. Thực thể toàn diện
· " Điểm 2. Đại thể và thành tố
· " Điểm 3. Tương tức
· " Điểm 4. Khác biệt nhưng không khai trừ
· " Điểm 5. Bản chất của thực tại
· " Điểm 6. Cách giải quyết
- Ba vùng học tập
- Ba tiến trình
Chương II, 2. Định hướng cuộc đời
Chương II, 3. Chia sẻ, đồng hành
- Trình bày mình
- Tìm hiểu người.
Chương II, 4. Mở đường cho vô thức đi ra vùng ánh sáng
Chương II, 5. Lắng nghe, học hỏi , nhìn nhận
Phần III
Những vấn đề của chúng ta
Chương III, 1. Ngôn ngữ của giấc mơ
Chương III, 2. Ba loại vấn đề
Chương III, 3. Hóa giải
Phần kết luận
Giấc mơ của người Việt Nam
- Ba vấn đề
- Con đường tất yếu
- Giấc mơ bánh dày bánh chưng
Bị Chú & Sách tham khảo
Lời Mở đường
Thuyên giải trong chiều hướng
đồng hành và chia sẻ
Thuyên giải là một đề tài lớn, đang được nghiên cứu, học hỏi trong nhiều địa hạt khác nhau. Từ tôn giáo đến triết học. Từ tâm lý đến nhiều khoa học nhân văn, như lịch sử, khảo cổ, và các bộ môn về thần thoại, nhân chủng, văn hóa và văn minh.
Thậm chí trong cuộc sống hằng ngày, lúc hai người chuyện trò qua lại, tiếp xúc và trao đổi, họ không thể không thuyên giải. Khác với giải thích là tìm ra quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố, thuyên giải có nghĩa là chọn lựa, quyết định, khám phá "những điều quan trọng, có ý nghĩa đối với tôi, cho cuộc đời của tôi", giữa một thực tại bao la, phức tạp muôn màu sắc và luôn luôn động chuyển.
Một đứa bé, từ ba hoặc bốn tuổi trở lên đã bắt đầu học tập, phát huy khả năng thuyên giải, khi nó nhìn đôi mắt của Mẹ, để đọc được tâm tình và ý nghĩa của Mẹ về những điều nó cần làm và những điều nó phải tránh (1). Thiếu cơ bản này, trẻ em sẽ không có khả năng suy luận, bằng cách dựa vào một số sự kiện khách quan để rút ra một giả thuyết, và từ đó tìm cách kiểm chứng giá trị của giả thuyết ấy. Trong những quan hệ hai chiều qua lại giữa người với người, nhờ đọc được tâm tình của kẻ khác, chúng ta mới có khả năng đồng cảm với họ, đi vào bên trong nội tâm của họ, để cố gắng hiểu được họ, như họ hiểu chính mình.
Tuy nhiên, thuyên giải là một con dao hai lưỡi trong cuộc sống của chúng ta. Để làm người, làm chủ bản thân và toàn thể cuộc đời, chúng ta không thể không thuyên giải, bằng cách sáng tạo cho mình và cho người một con đường để đi, một ý nghĩa để sống. Nhưng cũng vì mỗi người có khả năng thuyên giải theo sở trường, sở thích và sở kiến độc đáo của mình, mới có hiện tượng "ông nói gà, bà nói vịt" trong mọi hang cùng ngỏ hẻm của đời sống xã hội. Cách chúng ta độ chừng ba nghìn thế kỷ, với câu chuyện "năm người mù đi xem voi", Đức Bụt đã đo lường được thế nào là hiểm họa của vấn đề thuyên giải, khi hai ba người ngồi lại, làm việc và chung sống với nhau ; cho dù họ là người Mỹ, người Pháp, người Anh hay là người Việt Nam ... Sau khi đã tiếp xúc với voi, người mù thứ nhất "thấy voi như tấm phản". Người mù thứ hai cho rằng "con voi giống cột nhà". Người thứ ba phản đối hai người kia : "Con voi của tôi phất phơ như chiếc quạt". Đối với người thứ tư, "con voi ve vẩy tựa hồ cây roi mây". Và người mù sau cùng "mô tả con voi giống như ống thổi lửa" (2).
Bao lâu năm người mù còn biết nghe nhau, sử dụng ngôn ngữ để chuyện trò, trao đổi, học tập, tìm hiểu nhau... họ sẽ có cơ may đóng góp, xây dựng, làm giàu cho nhau. Nhờ đó, dần dần họ sẽ tiến đến một lối nhìn toàn diện và toàn bộ về con voi.
Thay vì chọn lựa con đường hiểu biết, tình thương và hòa bình, năm người mù đã xô đẩy nhau vào vòng ngục tù bạo động, xung đột và chiến tranh. Thay vì đồng hành và chia sẻ, tôn trọng ý kiến riêng tư và độc đáo của mỗi người, họ đã khư khư bênh vực và áp đặt cho người khác lập trường chủ quan của mình : Tao có lý, mày phi lý. Tao hơn, mày thua. Tao đúng mày sai. Tao tốt mày xấu. Tao chính, mày ngụy. Tao có sự thật, mày là gian tà ... Tao đi con đường chính đạo, mày lạc đạo.
Và cứ như vậy, càng sống lâu, chúng ta càng nghĩ tưởng rằng : trong một nước phải có hai phe thù ghét nhau. Trên quả đất, phải có hai khối đe dọa nhau. Trong một tôn giáo, phải có hai giáo phái loại trừ và kết án lẫn nhau. Giáo phái này mang tên là chính qui. Giáo phái kia bị gắn nhản hiệu là phản bội. Trong lòng nhân loại, phải có hai loại con người : tốt và xấu, chủ ông và nô lệ, siêu nhân bá chủ thế giới và hạ nhân phải bị tẩy não và tận diệt trong các nhà tù cải tạo và các trại tập trung Đức quốc xã.
Thay vì vòng vo, luẩn quẩn từ đời này qua đời nọ, trong lề lối thuyên giải có tính nhị nguyên như vậy, cuốn sách này đề nghị chúng ta hãy "Đồng hành và chia sẻ" với người anh chị em, trên khắp mọi nẻo đường của quê hương và nhân loại.
Khi đồng hành và chia sẻ như vậy, nhất là trong vấn đề thuyên giải thực tế và thực tại, chúng ta trân trọng tính khác biệt và quyền khác biệt của người anh chị em.
Nhờ khác biệt, họ mang đến cho chúng ta những gì chúng ta chưa có, không có. Cho nên thay vì đe dọa, giới hạn hoặc khai trừ, họ có khả năng bổ túc và kiện toàn cho chúng ta.
Khi lắng nghe và trân trọng lời thuyên giải của người khác, chúng ta có cơ may học biết về mình, tìm hiểu về người và nhờ đó, chúng ta thăng tiến bản thân, đồng thời góp phần cho cuộc sống thành người của kẻ khác.
Nói tóm lại, thuyên giải chỉ có giá trị, khi nó tạo điều kiện cho chúng ta và kẻ khác cùng làm người với nhau, nhờ nhau. Trái lại, khi thuyên giải cản trở bước đường làm người cho bất kỳ một ai trong cộng đồng nhân loại, nó không phải là chứng tích của con người được giáo hóa, có văn hóa
"Lời nói chẳng mất tiền mua,
"Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
Để quảng diễn những chủ đề trên đây, cuốn sách này sẽ lần lượt trình bày ba phần chính yếu.
Trong phần thứ nhất, mang tựa đề "Chúng ta không thể không thuyên giải", tôi sẽ quảng khai hai ý hướng có quan hệ mật thiết đối với nhau.
Ý hướng thứ nhất : Thuyên giải là chuyển biến vô thức thành ý thức.
Ý hướng thứ hai : Khi thuyên giải chúng ta làm chủ thể, chúng ta sáng tạo cuộc đời làm người. Chúng ta dấn bước vào con đường ánh sáng của Văn Hóa.
Trong phần thứ hai, mang tựa đề "Thuyên giải trong năm bộ môn của Tư Tưởng cấu trúc", tôi sẽ khảo sát "đâu là những tiêu chuẩn cơ bản cho phép chúng ta thuyên giải cuộc đời và thực tại một cách đúng đắn".
Trong phần thứ ba, tôi đi vào địa hạt ứng dụng : xác định đâu là "những vấn đề của chúng ta" và đâu là "những phương thức hóa giải" mỗi lần chúng ta tiếp xúc, trao đổi và chuyện trò với người khác. Qua cách trình bày, tôi muốn nhấn mạnh một điều : Bao lâu chúng ta nuôi ẳm thái độ lắng nghe và học hỏi, nghĩa là đặt trọng tâm vào tư cách làm người của kẻ khác, chúng ta sẽ có khả năng biến vấn đề thành cơ may thăng tiến bản thân và cuộc đời. Làm ngược lại, chúng ta chỉ ngày ngày trầm luân trong kỳ thị, chia rẽ, hận thù, bạo động và chiến tranh.
Trong phần kết luận với tựa đề "Giấc mơ của người Việt Nam", tôi muốn thắp sáng ý thức, để mỗi người con dân Việt Nam cùng với tôi mở mắt nhìn nhận rằng: Con đường tất yếu chúng ta đang đi, đã có mặt trong huyết quản Rồng Tiên của chúng ta. Đó là con đường cao cả của Bầu Trời và đó cũng là tâm hồn bao la của Đại Dương.
Trong tinh thần và lăng kính ấy, mục đích cuối cùng của thuyên giải, trong cuộc sống làm người, phải chăng là ngày ngày giúp nhau khám phá ý nghĩa của giấc mơ đang bị chôn vùi trong đáy sâu tâm hồn của mỗi người : Trở thành sứ giả của Tình Thương. Tình Thương là con đường tất yếu để trở thành Người :
" Em trọng đại ! Vì em là tất cả !
" Là Mẹ, là mảnh Đất của Quê Hương !
" Một khu vườn ươm lại giống Tình Thương,
" Xây Non Sông, làm tươi đẹp khóm phường,
" Em là nước tưới ngày mai Tuổi Trẻ,
" Đem Rừng Xanh phủ hết đất tang thương,
" Mang Mặt Trời chiếu rạng vùng tăm tối,
" Hạt Tình Người gieo vãi khắp mười phương."