Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Phần I : Chúng ta không thể không thuyên giải

Chương I, 1 : Giai đoạn Cửa Vào

Chương I, 2 : Giai đoạn Biến Chế

Chương I, 3 : EROS, THANATOS và ANANKÉ (6)

Chương I, 4 : Mẹ thuyên giải con theo D.W. Winnicott

Chương I, 5 : Thuyên giải là gì ?

Chương I, 6 : Điểm bế tắc

Phần II : Tư duy cấu trúc

Chương II, 1 : Nhân và quả giao thoa chằng chịt, qua lại

Chương II, 2 : Khả năng định hướng cuộc đời

Chương II, 3 : Chia sẻ, đồng hành : Một con đường tất yếu Anankè

Chương II, 4 : Mở đường cho vô thức đi ra vùng ánh sáng

Chương II, 5 : Lắng nghe, học hỏi, nhìn nhận để "Tái sinh nhau, nhờ nhau".

Phần III : Những vấn đề của chúng ta

Chương III, 1 : Ngôn ngữ của giấc mơ cần lắng nghe và phát hiện

Chương III, 2 : Khám phá ba loại vấn đề trong mỗi câu chuyện trao đổi hay là trong mỗi giấc mơ

Chương III, 3 : Hóa giải

Phần kết luận : Giấc Mơ của người Việt Nam

Sách Tham Khảo

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải
Chương II, 3 : Chia sẻ, đồng hành : Một con đường tất yếu Anankè

 "Chia sẻ, đồng hành" là một con đường tất yếu Anankè trong cuộc sống làm người, nhất là vào thời đại văn minh ngày hôm nay. Xuyên qua những điều được trình bày trước đây, tôi đã lần lượt nêu ra những lý do khác nhau.

Lý do thứ nhất: dù nhìn xa thấy rộng đến đâu chăng nữa, mỗi chúng ta chỉ là thằng lùn, ngồi trên vai kẻ khác, để nhìn đời.

Lý do thứ hai: Thực tại của thế giới ngày nay càng lúc càng trở nên phức tạp và năng động. Mỗi chúng ta sẽ bị ngụp lặn, hoang mang, giằng co, xâu xé, nếu kẻ khác không mang đến cho chúng ta những luồng ánh sáng, những hỗ trợ đa phương, trong đó có vật chất và của cải ... dưới hình thức viện trợ, đầu tư, trao đổi văn hóa...

Lý do thứ ba : đây là lý do cơ bản nhất, thuộc bản chất của con người. Mỗi chúng ta không bao giờ là một cô đảo giữa một Đại Dương, với bao nhiêu đại lộ thông tin. Phải chăng cần lắng nghe một ai khác như một văn sĩ người Nga hay người Mỹ, cách chúng ta hằng ngàn cây số, chúng ta mới có khả năng trở về với lòng mình, hiểu được chính lời trăn trối của tổ tiên đã "có sẵn đó", từ bao nhiêu thế hệ ? Nhờ họ, chúng ta đốt sáng lại lòng tin vào mình.

Vậy thực chất của vấn đề không phải là có nên chia sẻ và đồng hành hay không ! Đó là một tất yếu. Nhưng chúng ta chia sẻ và đồng hành thế nào, cách nào? Trong lòng đất nước, con cái chúng ta được dạy dỗ thế nào về bài học, mà trong bao nhiêu đời chúng ta đã tránh né, dồn nén, vùi dập ?

Trong ba bộ môn sau đây, tư duy cấu trúc dẫn đường chúng ta đến ba chủ đích :

Một, chia sẻ để hiểu biết, trân trọng nhau.

Hai, chia sẻ những gì sâu kín, đang bị chôn vùi trong nội tâm.

Ba, chia sẻ, để bổ túc và kiện toàn.

Ba chủ đích ấy có thể tạo nên một bầu khí an toàn, bắc những nhịp cầu cho người người chia sẻ ngọt bùi, đắng cay, chua mặn ... trong lòng đất nước, quê hương, Phải chăng đó là sứ mệnh lãnh đạo của mỗi người, không trừ sót một ai?

Nếu ai ai cũng ý thức mình là một bộ phận, trong toàn cơ thể, như tim, phổi, tay, chân, đầu ... cùng đập một nhịp, cùng thở một không khí, cùng ăn một lương thực ... lúc bấy giờ, non sông của chúng ta là "Trời mới Đất mới". Và mỗi người Việt Nam từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mâu là một "Con Người Mới".

 Vậy chúng ta chia sẻ, để cùng nhau khám phá : Con Dường Mới của chúng ta phải làm bằng chất liệu Tình Thương và Tha Thứ.

 

*****  

Kỹ năng chia sẻ và đồng hành được quy tóm trong một chiều hướng trao đổi và tiếp xúc như sau :

Khi tôi nói, tôi diễn tả một cách trong sáng về chính mình. Tiếp đến, khi phiên kẻ khác nói, tôi lắng nghe, trân trọng và tìm hiểu.

Kỹ năng này tuy rất đơn sơ về mặt hình thức, cần được tập luyện mỗi ngày. Đây là một bài học không bao giờ có "chấm hết", có dứt điểm.

Và để có thể lắng nghe kẻ khác ở bên ngoài, theo Freud, chúng ta hãy lắng nghe ba tiếng nói khác nhau có mặt trong chính mình của chúng ta.

· Tiếng nói thứ nhất là vô thức :

Hãy lắng nghe tôi ! Tôi là những khát vọng âm thầm, sâu kín của anh của chị; từ ngày anh chị có mặt trong lòng cuộc đời. Người ta áp đặt cho tôi nhiều tên. Nhưng tôi chưa có tên.

Tôi muốn sống

Tôi muốn vui tươi.

Tôi muốn hạnh phúc.

Tôi muốn được trông nom, vun tưới.

Tuy nhiên, tôi chỉ là một sức mạnh.

Tôi không biết đường đi.

Tôi là một ngọn lửa thèm khát. Nhưng tôi không biết ai, cái gì ... đâu là đối tượng, tôi cần hướng tới.

Hãy lắng nghe tôi.

Thay vì dập tắt, dồn nén, kiểm duyệt, đàn áp ... hãy hướng dẫn tôi,  hãy giáo hóa tôi.

Tôi cũng là anh chị. Anh chị cũng là tôi.

Nếu tôi bị bẻ gãy, áp chế, vùi dập ...chính anh chị sẽ mang vết thương suốt cuộc đời.

Hãy cho tôi đôi mắt, để dấn bước trên những con đường ánh sáng và Tình thương.

 

· Tiếng nói thứ hai mang tên là siêu ngã

Tôi mang tên là con đường ánh sáng và Tình thương.

Tôi là kết tinh, kết tụ của bao nhiêu bài học mà anh chị đã ghi nhận, trong bao nhiêu cuộc gặp gỡ, từ ngày chào đời cho đến ngày hôm nay.

Đành rằng tôi là con đường ánh sáng và tình thương. Tuy nhiên, tôi nghe làm sao, tôi trùng tuyên lại như vậy.

Tôi nghe từ nhiều người. Họ đến từ nhiều phương. Trong những điều họ phát biểu, có người làm "trống đánh xuôi". Người khác làm "kèn thổi ngược".

Như chiếc máy, tôi đã ghi và bây giờ phát âm lại. Cỏ lùng có, lúa chiên thơm ngon cũng có. Nhiều bài học đã lỗi thời, lạc hậu. Nhiều bài khác là một kho báu không hề cạn vơi. Tiếng nói bạo động hòa lẫn với điệu nhạc "hướng tâm hồn đi lên".

Anh chị hãy chọn lọc, sở hữu hóa những của ăn thần lương, bồi dưỡng. Những gì đã thối úa, bị đầu độc ... hãy can đảm khước từ.

Ngày ngày, hãy làm mới lại con đường của mình. Hãy tiêu hóa, hội nhập.

Đành rằng tôi là con đường vươn lên. Nhưng thực ra, chính bạn là người đi đường. Chính bạn có trách nhiệm chọn lựa những con đường giúp bạn vươn lên. Đừng tin vào những nhản hiệu. Hãy tin vào những điều chính bạn đã thân chứng, cảm nghiệm ...

 

· Tiếng nói thứ ba mang tên là bản ngã.

Đó chính là tiếng nói do mình bạn phát ra, như "Tôi muốn, tôi biết, tôi có thể, tôi cần...".

Lẽ đương nhiên, bạn chỉ phát ra những điều bạn đã và đang cưu mang ấp ủ trong lòng mình.

Chừng nào bạn không đảm nhận mình với sứ điệp "Tôi ... " ; bạn muốn đoán mò với sứ điệp ngôi hai, thuộc về người đối diện ... bạn bắt đầu dấn bước vào con đường xung đột. Bạn "xâm lăng, xâm lược chủ quyền của kẻ khác". Bạn làm tên "thực dân", đi lấn đất, giành dân ở nước khác.

Ngoài những ngôi nhà có chủ, còn có rất nhiều con đường, công viên, tòa lâu đài công cọng. Trong những địa điểm này, là con người có văn hóa nghĩa là có tư cách làm người, bạn hãy biết chia sẻ, đồng hành. Có mình, có người. Có tôi, có bạn ... Không ai bị loại trừ hay là "làm con chó bị nhốt vào cũi". Không ai chiếm đoạt của chung, làm của riêng...

Biết lắng nghe, phân biệt và giáo hóa ba tiếng nói ấy, chúng ta sẽ có khả năng lắng nghe ba tiếng nói tương tự, trong lòng quê hương, dân tộc và nhân loại. 

******

Thay vì lắng nghe một cách thành tâm từng người xa gần, lớn bé ... để giáo hóa, bổ túc, kiện toàn, xây dựng ... chúng ta có xu thế vạch lá tìm sâu, để vùi dập, làm tổn thương người anh chị em, bằng rất nhiều cách khác nhau.

 

Cách thứ nhất là xuyên tạc ý kiến của kẻ khác. Chúng ta muốn chiếm đoạt "độc quyền" về sự thật cho chúng ta. Và đẩy xô kẻ khác vào hố thẳm của lầm lạc, trệch đường, bội phản.

Cách thứ hai là gán ghép, qui chụp, "đi guốc trong bụng", phát hiện những ý định phá hoại trên khuôn mặt của tất cả những ai khác chúng ta : khác giọng nói, khác địa phương, khác chính kiến, khác tôn giáo ...

Cách thứ ba là tố giác, kết án trách móc, để cuối cùng đưa ra những biện pháp trừng trị, tẩy chay, cô lập hóa ...

Với ba thể thức "phản ứng máy móc và tự động " trên đây, chúng ta dễ quên rằng giữa chúng ta và người anh chị em, phần "đồng điểm" lớn lao hơn phần "dị điểm". Cho nên, một vài cây đã che lấp rừng, trong mỗi tư duy và hành động hằng ngày của chúng ta.

Một điều cần phải làm nhất, khi tiếp xúc với người anh chị em, chúng ta lại không bao giờ làm ; sợ làm và tránh làm. Đó là nỗ lực lắng nghe những xúc động và tình cảm của họ. Bao lâu chúng ta chưa học bài học lắng nghe và đồng hành, trong địa hạt này, chúng ta đừng hòng có khả năng này, trong các địa hạt khác như chính trị, tôn giáo, xã hội, giáo dục, sư phạm ...

Trong hoàn cảnh kinh tế hiện thời, sau bao nhiêu năm chiến tranh, người dân chưa no cơm, ấm áo và hạnh phúc một cách tương đối, điều ấy có thể hiểu được. Trái lại, nếu mỗi người anh chị em đồng bào còn đói "được lắng nghe", trong địa hạt giáo dục, y tế hay là trong khuôn viên của tôn giáo, đó là tình trạng lạc hậu và thối nát tinh thần không còn chịu đựng được!

Thêm vào đó, thể theo nhận xét của Tư duy Cấu trúc về quan hệ nhân quả hai chiều qua lại, chúng ta cho làm sao, thì chúng ta nhận lại y nguyên như vậy.

Hẳn thực, khi một người bị phê phán, mạ lị ... như trên đây tôi đã nhấn mạnh, lòng tự tin của họ bị nao núng, tổn hại một cách trầm trọng. Suốt ngày, trong tâm tưởng, họ nhai đi nhai lại ba điệp khúc :

 

- Tôi vô giá trị,

- Không ai thương tôi

- Tôi bất tài, bất tướng.

Tôi gọi đó là những lò "nguyên tử Séc-nô-bin" tâm linh đã bị nổ tung, hư hại ở trong tim não của mình. Tất cả những ai sống chung quanh đều phải bị ô nhiễm. Vùng chung quanh ở đây là cả một dân tộc, bởi không khí hận thù, bạo động, chia rẽ.

Một bà mẹ bị ngộ độc như vậy, không có năng động và sức khỏe tâm thần cần thiết, để nuôi con thành người. Trong phần I, tôi đã nói nhiều về vấn đề tự tin này.

****** 

Để cụ thể hóa vấn đề, Peter Senge còn đưa ra những "cách làm", nhằm hướng dẫn chúng ta, khi tiếp xúc, chuyện trò và trao đổi với người anh chị em. Thứ nhất là trình bày mình. Thứ hai là tìm hiểu người.

· Cách thứ nhất : Trình bày mình

Thể thức trình bày mình bao gồm nhiều giai đoạn.

- Giai đoạn một : Tôi bắt đầu câu chuyện, bằng những sự kiện cụ thể và khách quan mà tôi đã ghi nhận. Sự kiện thứ nhất .... sự kiện thứ hai ... sự kiện thứ ba ...

- Giai đoạn hai : Dựa vào những sự kiện ấy, tôi rút ra những ý nghĩa hay là ý kiến : một ..., hai ..., ba…

- Giai đoạn ba : Tổng hợp hay là đúc kết những ý kiến riêng tư ấy, tôi kết luận ...Ý kiến tổng hợp của tôi là ...

- Giai đoạn bốn : Từ kết luận ấy, tôi đề xuất chương trình hành động :

Tôi quyết định ...

Tôi yêu cầu ...

Tôi mong muốn ...

Tôi đề nghị ...

- Giai đoạn năm : Sau khi trình bày ý kiến, tôi xin mỗi người góp ý, đặt câu hỏi, phê bình, nhận định.

Trước hết về sự kiện, ai thêm ..., ai bớt điều gì ...

Thứ đến về ý nghĩa ...

Thứ ba về kết luận ...

Thứ bốn về quyết định ...

Sau cùng về cách lý luận, suy diễn của tôi ...

-      Giai đoạn sáu : Khi người khác nói, tôi lắng nghe một cách cẩn trọng hết mình. Không làm chuyện khác. Không chuẩn bị, kho nấu câu trả lời. Nghe ai là có mặt tích cực, năng động với người ấy.

 

· Cách thứ hai : Tìm hiểu người đã phát biểu.

- Trước hết về sự kiện :

Tôi có ghi nhận thêm mấy sự kiện mới và  khác này, không biết bạn có quan sát giống tôi không ?

Về sự kiện A, tôi mong được biết thêm bạn ghi nhận ở chỗ nào (môi trường hóa)? ...

- Thứ hai, về ý nghĩa :

Chỗ này, tôi có ý thức khác biệt là ...

Chỗ kia, xin bổ túc thêm chi tiết.

Về sự kiện B, bạn có ý kiến là ...

Còn tôi, tôi thấy thế này ... Theo bạn, chúng ta mâu thuẫn hay là bổ túc nhau ?

- Thứ ba, về kết luận

Cũng dựa trên các sự kiện giống nhau, tôi lại kết luận theo chiều hướng này...

Giữa các sự kiện bạn đưa ra và kết luận, tôi sợ rằng bạn vượt quá xa (diễn tả tình cảm, chủ quan, thay vì tấn công ý kiến). Xin bạn giải thích lại rõ hơn về mối quan hệ ...

 

-         Thứ bốn, về quyết định

Trong phần này, chúng ta cần diển tả tình cảm càng nhiều càng tốt, với sứ điệp ngôi thứ nhất như "tôi sợ, tôi phân vân, tôi lo ngại, tôi cảm thấy mình không thể ..."

 

-"Khi bạn yêu cầu mỗi hội viên đóng 1000 đồng mỗi tháng, trong khi quân bình đồng lương của mỗi người chỉ trên dưới 5000 đồng ; tôi sợ rằng số tiền nguyệt liễm như vậy là quá lớn. Tôi xin ý kiến của các bạn khác !"

Trong khi trao đổi ý kiến qua lại, nếu có người sử dụng ba cơ chế xuyên tạc, chụp mũ hay là kết án, thay vì leo thang, trả đũa, tranh cãi, chúng ta hãy tự khắc phát hiện những triệu chứng có vấn đề tình cảm đang len lỏi, nằm vùng ở bên dưới. Cho nên, một cách nhẹ nhàng, tế nhị, chúng ta tạo điều kiện cho con rắn "xúc động" đi ra vùng ánh sáng. Chúng ta biến vô thức thành ý thức.

"Qua những lời bạn vừa diễn tả như "ai ai cũng ăn hiếp tôi, trong nhóm này" tôi hiểu rằng, bạn có điều buồn bực. Tôi ước ao được bạn chia sẻ nhiều hơn, có tiện cho bạn không ?

Điểm này là trọng tâm của kỷ năng chia sẻ. Tôi sẽ nói rõ hơn trong chương sau II, 4 và trong phần III. 

*****

Trong khuôn khổ của chương này, tôi còn muốn cụ thể hơn nữa ; bằng cách đề nghị vài công thức về mặt ngôn ngữ.

"Lời nói chẳng mất tiền mua,

"Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Một đàng, tôi đề nghị những điều cần phải làm. Và sau mỗi cách làm, tôi đưa ra một vài ví dụ, trong cách đặt câu hỏi hay là diễn đạt lời yêu cầu:

 

Cách thứ nhất: Bốn bước đi lên :

-         Gom góp sự kiện,

-         Đề xuất ý nghĩa,

-         Rút tỉa kết luận,

-         Chọn lựa quyết định.

“Sau khi lắng nghe ý kiến của bạn, tôi yêu cầu bạn cho biết thêm: bạn dựa vào những sự kiện cụ thể và khách quan nào, để trình bày ý kiến ấy? Những sự kiện ấy, bạn đã quan sát ở đâu, khi nào?”

 

Cách thứ hai: Xin kẻ khác khảo sát thể thức lý luận của mình.

Khi kẻ khác chất vấn, tôi can đảm nhìn nhận chỗ yếu của mình, nếu có, một cách cởi mở, thay vì có phản ứng tự vệ.

Chính thái độ lắng nghe của tôi thối thúc họ đóng góp những ý kiến độc đáo và mới lạ.

- “Các bạn có ý kiến gì về điều tôi vừa trình bày? Đâu là những thiếu sót cần phải được bổ túc?”

- “Về lối nhìn vừa được bạn trình bày, tôi xin thú thật, tôi chưa có đầy đủ dữ kiện… tôi chưa có dịp nghiên cứu đến nơi đến chốn…Vậy tôi xin cám ơn bạn và xin bạn cho biết thêm về ý kiến của bạn… Xin bạn bổ túc…Dựa trên những sự kiện mà tôi đã trình bày, bạn rút ra những kết luận nào khác?”

 

Cách thứ ba: Khi kẻ khác phát biểu, tôi thinh lặng lắng nghe, tìm hiểu quan điểm của họ.

Khi đáp lời, tôi tránh tối đa những cách nói có vẽ thách thức: Hảy chứng minh…hãy cho biết một cách khoa học…Cách làm đáng ghi nhận là so sánh hai kết luận của người và của mình:  khác nhau ở chỗ nào, giống nhau ở điểm nào…Khi trình bày lại ý kiến của kẻ khác, luôn luôn kiểm chứng bằng cách họ cho biết chúng ta đa hiểu họ, đúng như họ muốn diễn tả hay không.

 

Sau đây là những cách đặt câu hỏi cụ thể:

-         “Khi bạn đưa ra kết luận khác biệt ấy, xin bạn cho hay, bạn đã dựa vào những sự kiện cụ thể và khách quan nào?”

-         “Yêu cầu bạn giúp tôi hiểu thêm: lý luận của bạn có những nền tảng nào?”

-         “Tôi chưa thấy rõ mối quan hệ giữa điều bạn kết luận và những sự kiện bạn nêu lên. Xin ban giải thích thêm…

-         “Sau khi lắng nghe bạn, tôi đã hiểu bạn như thế nầy…Tôi nói như vậy có hoàn toàn đúng ý bạn không?”

-         “Phần tôi, tôi thấy vấn đề thế nầy… Và cách giải quyết tôi đưa ra là… Vậy, lối nhìn và cách giải quyết của bạn nhấn mạnh những nét khác biệt nào?”

-         “Tôi diễn tả lại ý kiến của bạn, theo ngôn ngữ tôi dùng….Nói như vậy, tôi có hiểu sai ý của bạn hay không?”

 

 

Cách thứ tư: Khi có sự bất đồng ý kiến,

-         Chúng ta hãy bắt đầu từ sự kiện cụ thể và khách quan, để từ từ đi lên, thay vì nhảy vọt một cách tứ tung lộn xộn…

-         Mỗi khi kẻ khác nói, chúng ta lắng nghe, tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh, thay vi chuẩn bị câu trả lời, khi chưa nắm vững tiến trình suy luận của họ…

-         Sau khi rà soát các sự kiện, ý kiến vẫn bất đồng. Lúc bấy giờ, chúng ta hãy diễn tả một cách trung thực xúc động và tình cảm của mình. Đồng thời, chúng ta khám phá xúc động và tình cảm của kẻ khác. Và khi phản ảnh, chúng ta cần kiểm chứng thể thức ghi nhận của chúng ta có thích ứng với tâm trạng của họ hay không…

Sau đây là những cách diễn tả cụ thể, mà chúng ta có thể chọn lựa, sáng tạo:

-         “Bạn vừa trình bày ý kiến bất đồng của bạn, xin phép bạn cho tôi rà soát lại tiến trình đi lên của bạn từ đầu: Bạn bắt đầu với những sự kiện…Bạn có nhận xét gì đối với những sự kiện cụ thể mà tôi đã trình bày?”

-         “Các sự kiện mà cả bạn lẫn tôi đều ghi nhận, hoàn toàn giống nhau. Vậy ý kiến bất đồng của chúng ta nằm vào giai đoạn thuyên giải. Tôi thử đặt mình vào vị trí của bạn, nhưng tôi vẫn không thấy được như bạn thấy. Nhưng trên địa hạt xúc động và tình cảm, bạn bắt đầu với một nỗi thất vọng… Còn tôi, thay vì thất vọng, tôi cảm thấy cả hai chúng ta đều nhận thấy mình có trách nhiệm…

 

Cách thứ năm: Khi câu chuyện trao đổi đi vào bế tắc.

-         chúng ta vẫn kiên trì trở lại khảo sát các sự kiện khách quan,

-         Sau sự kiện, khảo sát cách thuyên giải,

-         Sau cách thuyên giải, những cách rút tỉa kết luận.

-         Và cho dù câu chuyện đi vào những giai đoạn bế tắc, chúng ta vẫn cố quyết lắng nghe, tôn trọng con người ở trước mặt chúng ta. Họ khác chúng ta trên bình diện tư duy. Nhưng giá trị làm người của họ vẫn nguyên vẹn, trong lối nhìn và cách cư xử của chúng ta.

 

Những câu trao đổi cụ thể:

-         “Hiện thời, trên bình diện sự kiện, chúng ta có ba lãnh vực : Một, chúng ta biết rõ…Hai, chúng ta chưa có phương tiện để biết… Ba, chúng ta sẽ không thể nào biết…”

-         “Trên bình diện kết luận cuối cùng, chúng ta hoàn toàn dồng ý ở những điểm… Chúng ta bất đồng hoàn toàn về…Điểm bất đồng cơ bản nhất là…Nó xuất phát từ… Điều kiện nào có thể thay đổi điều bất đồng ấy? Ai trong những người đang có mặt, có thể thấy và cảm có một LỐI THOÁT… Bằng cách nào?”

 

Cách thứ sáu: Sử dụng những câu hỏi mở:

-         Khi có những lời quả quyết chắc nịch, không được chứng minh: “Tôi muốn tìm hiểu một cách sâu sát ý kiến của bạn… Bạn dựa vào đâu để khẳng định như thế?”

-         Khi có những nhận xét có vẽ lạc đề: “Tôi chưa hiểu rõ ý kiến của bạn có liên hệ thế nào với đề tài đang được khảo sát… xin bạn nói rõ hơn.”

-         Khi ý kiến còn ngập ngừng, lưỡng lự: “Điều tôi sắp trình bày, có lẽ không thích ứng hoàn toàn…Tôi vẫn bạo dạn nói ra. Xin các bạn cho biết ý kiến.”

-         Khi hai người tranh biện một cách riêng tư với nhau: “Yêu cầu hai bạn chia sẻ ý kiến của mình và cho phép toàn cả nhóm tham gia vào việc trao đổi của hai bạn.”

-         Khi nhiều người đưa ra nhiều ý kiến khác nhau cùng một lúc: “Hiện thời chúng ta có ba ý kiến hoàn toàn khác nhau. Yêu cầu toàn nhóm khảo sát từng ý kiến. Ý kiến thứ nhất là…Bây giờ chúng ta đi qua ý kiến thứ hai…

-         Khi chính bạn đang có những xúc động tiêu cực: “Khi bạn trình bày ý nhìn của bạn, tôi cảm thấy lo sợ, bực bội, buồn phiền…Tôi cần…”

-         Khi có nhiều người lãnh đạm, không tham gia: “Còn phài làm gì, phát biểu làm sao, thay đổi điều kiện làm việc như thế nào… để các bạn đóng góp một cách năng động và hăng say hơn?”

 

*****

Để kết luận chương II, 3 này, tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa : Chia sẻ và đồng hành là con đường tất yếu trong cuộc sống làm người. Chúng ta khác nhau. Khi trăm người phát biểu, chúng ta đưa ra một trăm ý kiến. Đó là lẽ thường tình.

Tuy nhiên, trong một trăm điều ấy, nếu chúng ta bình tỉnh trao đổi, dần dà chúng ta nhận ra chúng ta đang cùng nhau "đứng trên một mảnh đất chung". Với những điều khác biệt còn lại, chúng ta bổ túc, làm giàu cho nhau, thay vì loại trừ nhau.

Với phương pháp chia sẻ và đồng hành như vậy, chúng ta không áp đặt từ ngoài, từ trên. Một chí hướng được hội nhập, trở thành xương da, máu thịt của tôi, mới có cơ năng động viên, hướng dẫn, thúc giục từ bên trong.

Bao lâu chí hướng ấy làm bằng chất liệu sợ hãi, ép buộc, chúng ta sẽ vòng vo, xẩn vẩn ở ngoài suốt đời. Chúng ta không bao giờ dấn thân, nhập cuộc thật sự. Nói cách khác, chúng ta làm "đồ vật", chưa trở thành chủ thể. Chúng ta còn là người làm thuê, làm mướn, làm nô lệ.

Để chúng ta mỗi người có khả năng sáng tạo thực sự, động lực chỉ đạo cho chúng ta nằm "ở trong đền thờ tâm linh của chúng ta".

Đành rằng, như trong phần I đã trình bày, tất cả đều là lối nhìn, cách thuyên giải. Thế nhưng, khi có một vấn đề liên hệ đến nhiều người, đến một lý tưởng chung cho một cộng đoàn ; mỗi người đều đóng góp tiếng nói thuyên giải của mình. Và khi cùng nhau thuyên giải, mỗi người là một chủ thể toàn phần, toàn bích, cần được lắng nghe và trân trọng một cách tuyệt đối và vô điều kiện.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!