Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Những Nẻo Đường Việt Nam
Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Trước năm 1975, giáo sư Phan Huy Đức là huynh trưởng của tôi trong Phong Trào Cursillo thời đó tại Tổng Giáo Phận Saigon. Tôi có trao đổi với giáo sư đôi lần qua các buổi họp mặt. Một người con trai của giáo sư tham dự Khóa Cursillo cùng với tôi ở Trung Tâm Betania Chí Hòa. Vì vậy tôi lưu giữ nhiều kỷ niệm thân tình với giáo sư Đức là một người có lòng đạo đức trổi vượt, tuy là một tân tòng.

 

Trong sách “Từ Ánh sáng Mặt Trời Tình Yêu”, Tập II, có trích bài tự thuật của giáo sư Phan Huy Đức, từ quyển sách “Mảnh Xương Khô Trong Sa Mạc”, nguyên tác: Patrick O’Connor, bản dịch: linh mục Jos. Bùi Đức Tiến, được trình bày lại như dưới đây.

 

TIẾT MỘT

LÀ NGƯỜI NGOẠI ĐẠO

 

Đôi nét tiểu sử

 

Giáo sư Phan Huy Đức là một nhân vật nổi tiếng trong lãnh vực giáo dục tại Việt Nam. Giáo sư là sáng lập viên và hiệu trưởng trường trung học tư thục Cửu Long tại Saigon. Giáo sư cũng là cựu Chủ Tịch Nghiệp Đoàn các Trường Tư Thục tại Việt Nam và đã đại diện cho Nghiệp Đoàn tham dự Hội Nghị các Trường Tư Thục trên thế giới lần thứ năm tại Bad Godesberg vào năm 1959.

 

Giáo sư Phan Huy Đức đã xuất bản nhiều sách trong các lãnh vực Giáo Dục, Kinh Tế và Tôn Giáo. Giáo sư còn là Hội Viên của Hội Vệ Sĩ Bảo Vệ Thánh Địa và đã được ban tặng Huân Chương Thánh Giá.

 

Tiếng chuông chùa

 

Tiếng chuông ngân vang từ một ngôi chùa điểm từng canh trường trong đêm thanh vắng, chào mừng bình minh hay giã biệt hoàng hôn đi vào đêm tối, kêu gọi mọi người hãy thinh lặng suy niệm trong bóng chiều tà, đã trở thành một phần của cuộc sống trong thời niên thiếu của cậu bé Phan Huy Đức.

 

Trong suốt quảng đời thơ ấu, tim cậu hòa nhịp với tiếng chuông chùa vang lên trong tĩnh mịch. Cậu bị cuốn hút bởi sự nhiệm mầu và thanh thoát đó như tiếng gọi thân thuộc cận kề.

 

Cầu siêu cho Bà Nội

 

Khi bà nội hấp hối, thân sinh cậu Đức đến chùa Thiên An xin cầu siêu cho vong hồn bà được siêu thoát, lên cõi Niết Bàn. Thân sinh là Bác Sĩ Giám Đốc Bệnh Viện Quảng Ngãi. Lúc đó cậu Đức chẳng hiểu Niết Bàn là gì, nhưng theo trí óc non nớt của mình, cậu nghĩ là cần phải cầu nguyện để vong hồn bà nội được giải thoát.

 

Hai cha con cậu ở lại chùa trong đêm đó. Khi thân sinh cậu vào chùa với nhà sư để tụng niệm, cậu cũng nhảy ra khỏi giường để theo chân bố. Cậu nhận thấy thân sinh ngồi yên lặng, nghiêm chỉnh dưới ánh sáng lung linh mờ ảo của các cây bạch lạp, trong bầu không khí đầy ắp hương trầm, đầu ông cúi xuống thấp trong dáng điệu thành khẩn của một người con van xin cho linh hồn mẹ mình được siêu thoát.

 

Tiếng tụng kinh của nhà sư hòa vói tiếng của phụ thân trong nhịp điệu êm đềm, thanh thoát quyện lấy tiếng chuông, tiếng mõ đều đặn, trộn vào nhau tạo thành một nhạc khúc hài hòa theo nhịp phách ngân lên hay tắt lịm, ôm lấy tâm hồn người nghe. Đêm càng khuya, âm vang càng ngân vọng, hướng tới bàn thờ nơi Đức Phật đang im lìm an tọa. Ngồi trong một góc tối, sau cây cột lớn, cậu Đức cảm thấy tâm hồn thanh thoát, chan hòa vào bầu khí linh thiêng, rời xa thế giới trần tục.

 

Sau thời gian đó, để báo hiếu cho bà nội, cậu Đức ăn chay hai ngày trong tháng: mồng một và ngày rằm âm lịch. Ăn chay lúc đó chỉ ăn cơm với muối và một ít tiêu. Ngày nay ăn chay, người ta ăn cả “thịt gà”, do đậu xay ra, biến chế và sửa soạn trên bàn ăn như một con gà thật.

 

TIẾT HAI

TIẾP CẬN KITÔ GIÁO

 

Học sinh nội trú

 

Cậu Đức vẫn giữ thói quen ăn chay như thế ngay cả trong thời gian ba năm nội trú tại trường do các Sư Huynh De La Salle thiết lập và điều hành tại Huế. Có nhiều lần, cậu chống lại các giờ học tôn giáo, đặc biệt là giờ giáo lý mỗi ngày trong tuần, viện cớ là cậu không phải tín hữu Công giáo.

 

Cậu không đồng ý với các Sư Huynh về một vài điểm tín lý. Điều làm cậu chống đối nhất là nghĩ rằng hình như các Sư Huynh tán thành việc đô hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam. Cậu cho rằng Kitô giáo phản bội dân tộc.

 

Tuy nhiên, sống nội trú với các Sư Huynh từ năm 1929, cậu Đức cảm thấy vui thích khi tham dự các nghi thức Phụng Vụ Kitô giáo. Thánh Lễ chẳng hạn, khi cử hành trọng thể, thu hút toàn diện con người của cậu. Càng bị cuốn hút bởi Công giáo, cậu càng thấy đau đớn vì những người theo Chúa Giêsu đã hợp tác trong việc đô hộ của thực dân Pháp.

 

Một buổi nọ, gặp Sư Huynh Ignatius, cậu hỏi ngay: “Thưa Sư Huynh, nếu xảy ra chiến tranh giữa chúng ta với quốc gia đang đô hộ chúng ta, Sư Huynh sẽ đứng về bên nào?” Sư huynh trả lời liền, không suy nghĩ: “Thầy sẽ chống lại họ”. Câu trả lời như một phản ứng tự nhiên của Sư Huynh Ignatius khiến cậu Đức suy nghĩ nhiều, đặc biệt vì Sư Huynh Ignatius là một ngươì rất trầm tĩnh, chậm chạp.

 

Thao thức về tôn giáo

 

Từ đó, cậu Phan Huy Đức kiểm điểm lại kiến thức của mình về các tôn giáo, dựa trên tôn giáo của phụ thân là Khổng giáo, của thân mẫu là Phật giáo, của người chú theo Lão giáo và người chị có chủ trương về cách mạng xã hội.

 

Phật pháp cho rằng phải diệt trừ mọi ước muốn. Khổng giáo chủ trương phải nâng cao nhân phẩm. Lão giáo là một hình thức ẩn danh Đông phương. Riêng cậu Đức cảm thấy mình nghiên về thuyết Cộng Sản nhiều hơn, vì có vẻ thực tế và cụ thể bằng phương thế bình đẳng hóa mọi khác biệt xã hội, nhất là lãnh vực vật chất. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, cậu sẽ chọn chủ thuyết nào rõ ràng và dứt khoát.

 

Quyền lực luôn hấp dẫn tuổi trẻ. Những nhà độc tài có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ giới thanh niên. Những ý tưởng nầy khích động cậu Phan Huy Đức rất nhiều. Tuy nhiên, có một điều lạ là mỗi khi tham dự Thánh Lễ của Giáo Hội Công giáo, cậu cảm thấy mình được trợ giúp để trưởng thành hơn.

 

Nếu quyền lực ảnh hưởng mạnh mẽ trên tuổi trẻ, tuổi trẻ lại càng cảm thấy bị thu hút bởi sự hiến thân của Con Thiên Chúa. Ngài là Đấng toàn năng trong sức mạnh đã trao nộp mình làm chứng nhân cho sự công chính.

 

Chúa của đạo Công giáo dạy dỗ nhân loại qua các dụ ngôn. Ngài đã cho kẻ điếc được nghe, người câm được nói. Ngài đã tỏ lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Ngài đã nhận những người đánh cá thất học làm môn đệ… Tất cả những điều nầy đã thu hút tâm hồn cậu Phan Huy Đức.

 

Những khi hồi chuông réo rắt vang lên từ cung thánh lúc vị chủ tế nâng cao Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, chính là những lúc cậu Đức cúi đầu tôn thờ Ngài là Thiên Chúa của Tình Yêu.

 

Gương tốt của bạn

 

Qua đời sống hằng ngày, cậu Phan Huy Đức nhận thấy một điều là học sinh nào cần mẫn luôn có kết quả tốt: được nhiều điểm khi làm bài tập và xếp hạng cao trong lớp. Sự thành công của người bạn tên Lành chẳng hạn (sau nầy là một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế) là bằng chứng cụ thể cho thấy yếu tố cần thiết để đạt tới đích điểm của đời sống là ước muốn.

 

Mãi tới năm 13 tuổi Lành mới bắt đầu đi học, giã từ nếp sống của một trẻ chăn trâu trong làng, chia tay những bạn bè cùng lứa tuổi trong kiếp sống nông thôn. Vốn liếng chữ Nho của Lành lúc đó chỉ đủ để ký các giấy nợ. (Việc sử dụng tín phiếu đã xuất hiện tại Việt Nam từ thời xa xưa, nhưng phần nhiều là giấy nợ hơn là giấy gởi tiền).

 

Nhưng thật may mắn cho Lành, thay vì được gia đình gởi tới một trường làng với ông Đồ Nho, với các bạn học ngồi chiếu mài mực…cha mẹ Lành đã gửi cậu đến một trường tiểu học. Với sự cần mẫn của một trẻ nhà quê, kết quả những năm tiểu học đã giúp Lành vào được trường các Sư Huynh.

 

Tại đây, cậu Lành đã từng bỏ ra hai giờ để học một bài, trong khi các học sinh khác chỉ cần nửa giờ để học. Giờ chơi cũng như giờ ngủ, lúc nào Lành cũng học, học và học. Chẳng ai để ý đến cậu bé nghiện học đó, nhưng đến khi tuyên bố kết quả cuối năm, mọi người đều kinh ngạc: Lành ra trường hạng nhất. Các học sinh thông minh bất bình, còn các học sinh lười biếng ghen tức.

 

TIẾT BA

CON ĐƯỜNG ÂN SỦNG

 

Hạnh tích các Thánh

 

Một ngày nọ, Sư huynh Alphongsô cho cậu Phan Huy Đức một món quà. Đó là cuốn sách nhỏ có tựa đề: “Hạnh tích các Thánh mỗi ngày trong năm” và một cuốn sách giúp trẻ em cầu nguyện. Cậu đọc cuốn sách Hạnh các Thánh mỗi ngày theo ngày kính các vị Thánh đó. Vào mỗi buổi sáng hôm sau, khi tham dự Thánh Lễ, cậu nhớ lại đời sống của vị Thánh được mừng kính trong ngày hôm ấy.

 

Từ đó, cậu ít chống đối hơn trong các giờ học Giáo Lý. Hình như chính các Tiên Tri, những người đã giúp cho dân Israel chuẩn bị đón Chúa Cứu Thế cũng đã giúp cậu chuẩn bị chấp nhận Lời Hằng Sống.

 

Các Tiên Tri qua nhiều thế hệ và thời đại đã dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến. Cho tới giờ phút linh thiêng cuối cùng, những lời tiên tri đã được hoàn tất qua lời của Thiên Thần truyền tin. Sự việc nầy ảnh hưởng mạnh mẽ trên trí óc, hấp dẫn và thu hút cậu Đức. Phải chăng lời các Tiên Tri loan báo nầy đã được thể hiện qua chính đời sống của Con Thiên Chúa nhập thể làm người và sống giữa chúng ta?

 

Sự cứu rỗi

 

Cậu Phan Huy Đức tự hỏi tại sao Chúa không dùng một cách thế khác để cứu nhân loại mà lại dùng con đường Thánh Giá? Người ta cho cậu biết là vì Thiên Chúa không muốn dùng năng quyền Thiên Chúa của Ngài và Ngài muốn dùng con đường đau khổ để cứu chuộc nhân loại. Để diễn tả tình yêu của Ngài, Ngài đã mặc lấy thân xác con người, vác thập tự giá như một ngưòi tội lỗi, hầu những tội lỗi nhân loại được tha thứ và tẩy xóa.

 

Đề tài nầy được cậu Phan Huy Đức và Sư Huynh Ignatius bàn luận vào kỳ tĩnh tâm Tuần Thánh 1928. Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm đó, Sư Huynh Giám Đốc lớn tiếng đọc bài Thương Khó Đức Chúa Giêsu. Sau đó bằng một giọng hết sức cảm động, Sư Huynh đề cập đến việc Chúa đã hiến mình chịu chết một cách nhục nhã vì chính tội lỗi của Sư Huynh và của mọi người. Những người hiện diện trong hội trường bật lên những tiếng khóc nức nở với tâm tình ăn năn thống hối hòa vói tiếng khóc than của những người phụ nữ đang theo Chúa trên đường dẫn tới đồi Can-vê.

 

Cậu Phan Huy Đức cũng thì thầm trong lòng cùng một tâm trạng: “Lạy Đức Trinh Nữ Maria, xin giúp con yêu Chúa như Chúa đã yêu con…

 

Xin được rửa tội

 

Trong suốt Tuần Thánh năm đó, mỗi lần sau khi rời phòng ăn, cậu Phan Huy Đức đều đến quì gối trước tượng Đức Mẹ Chiến Thắng (còn gọi là Đức Mẹ Lavang), xin Đức Mẹ soi sáng và giúp đỡ phụ thân để ông cho phép cậu được gia nhập đạo Công Giáo.

 

Cậu Phan Huy Đức và ba người anh nữa đều viết thư để xin phép phụ thân. Sau ba tháng chờ đợi, với sự cương quyết của phụ thân, ba người anh của cậu bỏ cuộc. Nhưng cậu vẫn tiếp tục, mỗi ngày đều viết thư nài nỉ. Cuối cùng, một tuần trước Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1929, Sư Huynh Anselmô nhận được thư của thân sinh cho phép cậu được Rửa Tội để trở thành “một người Công Giáo đích thực, chứ không phải chỉ để trở thành một người mang danh Công Giáo”.

 

Thân sinh của cậu Phan Huy Đức có thể đọc thuộc lòng một mạch các thư của Thánh Phaolô Tông Đồ, đã chấp nhận lề lối tôn giáo của Chateaubriand, đã nhận thức được thần tính trong con người Chúa Giêsu. Nhưng vì là con đích tôn của gia đình nên ông phải duy trì việc thờ cúng tổ tiên. Ông lên án các tu sĩ Công Giáo đã làm giảm đi sự thánh thiện của Giáo Hội Chúa Giêsu, để tạo sự dễ dàng cho chính họ. Ông không hiểu được tại sao trong mười giới răn, trừ ba giới răn đầu nói về Thiên Chúa, bảy giới răn còn lại nói về con người mà cha mẹ đã được xếp lên hàng đầu trong bảy giới răn đó. Thế nhưng Giáo Hội lại cấm đoán việc thờ cúng tổ tiên.

 

Không hiểu tại sao qua nhiều năm bị dằn vật bởi thắc mắc đó, thân phụ lại cho phép cậu Phan Huy Đức Rửa Tội?

 

Đức Mẹ nhậm lời

 

Sau khi được phụ thân cho phép trong thư gởi cho Sư Huynh Amselmô, cậu Phan Huy Đức viết thư cảm ơn, nhưng phụ thân không trả lời, chị cậu viết thay ông và chúc mừng cậu đã đạt được ước nguyện.

 

Sau đó một thời gian, chị cậu bị bắt và bị giam giữ bởi Phòng Nhì Pháp. (Chị cậu lãnh đạo sinh viên bãi khóa, chống lại việc Pháp xử tử các nhân vật đầu não của Việt Nam Quốc Dân Đảng). Cậu Đức rất hợp với chị cậu, vì mẹ cậu mất sớm, khi cậu lên bốn, nên cậu thường tâm sự với chị như một người mẹ. Trong suốt thời gian tám tháng người chị bị giam giữ, cậu dâng tất cả các việc lành, sự hy sinh và những lời cầu nguyện để xin cho chị sớm được trả tự do. Cậu van nài Đức Mẹ bảo vệ chị, đừng để quân thù hành quyết chị.

 

Cậu Đức không biết sự tra tấn dã man tới mức nào, nhưng qua trí tưởng tượng, cậu thấy quá khủng khiếp cho một người con gái như chị. Cũng có người trấn an cậu, cho rằng Sogny (giám đốc Phòng Nhì Pháp vùng Trung Việt) không thích tra tấn vì ông ta tin rằng với khả năng của mình, ông ta có thể thuyết phục được các tội phạm chính trị. Sự trấn an nầy cũng chẳng làm cậu an tâm. Cậu vẫn tiếp tục cầu nguyện trong tin tưởng và phó thác. Sau tám tháng, chị cậu được trả tự do vào ngày Lễ Đặt Tên Cực Trọng Chúa Giêsu.

 

Tất cả những sự việc nầy vẫn hiển hiện sống động trong trí óc cậu Phan Huy Đức. Cậu tìm được nơi Mẹ Maria một tình mẫu tử êm đềm. Đức Mẹ vẫn chấp nhận lời cậu khi cầu nguyện, hướng dẫn đời sống nội tâm của cậu, nâng đỡ và dắt dìu cậu trên đường đời…

 

Đề tài Pháp Việt

 

Mặc dù cậu Phan Huy Đức đã sống với các Sư Huynh bốn năm trời, mỗi tuần học sáu giờ giáo lý, mỗi ngày có nửa giờ suy niệm, nhưng trong một buổi giáo lý nọ, cậu vẫn hỏi cha Kinh: “Thưa Cha, tại sao các linh mục Việt Nam phải cậy nhờ đến chính phủ Pháp trong những việc tố tụng...?” Cha Kinh trả lời: “Không phải tất cả các linh mục Việt Nam đều làm chuyện đó, như cha chẳng hạn…

 

Chúng tôi thường bắt đầu những giờ của môn giáo lý và gần như khi nào cũng kết thúc giờ đó bằng việc tranh luận đề tài về sự liên hệ Pháp Việt. Gia đình cậu Phan Huy Đức ngay từ năm 1884 đã cống hiến cho quốc gia những nhà ái quốc hy sinh cho dân tộc để chống lại thực dân. “Một người vừa có thể là tín hữu Công giáo, vừa là công dân Việt Nam”. Tư tưởng nầy làm cậu an tâm và chuẩn bị để gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

 

Lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội

 

Cậu Phan Huy Đức giúp lễ mỗi Thánh Lễ buổi sáng và sốt sắng kết hiệp với Chúa cách thiêng liêng. Từ tập sách “Viếng Thánh Thể” của Thánh Alphongsô Liguori, cậu tìm được một kho tàng vô biên về Thánh Thể. Đón nhận tình yêu bao la của Chúa một cách khiếm khuyết, cậu cầu cứu Đức Mẹ Maria, xin Mẹ giúp cậu, thêm sức cho cậu để cậu biết yêu một cách toàn vẹn.

 

Cậu Phan Huy Đức không biết phải diễn tả làm sao niềm hạnh phúc trong đời cậu bắt đầu từ ngày 08/12/1929. Cậu chọn ngày nầy – ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội để lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Từ cuốn sách “Mỗi Ngày Một Vị Thánh”, cậu chọn Tổng Lãnh Thiên Thần Micae làm Thánh Bổn Mạng. Đối với cậu, Ngài là hình ảnh của tình yêu trung tín.

 

Khi linh mục dội nước lên trán cậu trong nghi thức Rửa Tội, lòng cậu tràn đầy hạnh phúc. Một niềm vui êm dịu, một bình an thật sự của tâm hồn đang sung sướng trong hy vọng khi ở gần bên Chúa.

 

Đời sống Kitô hữu

 

Năm ấy dù cậu Phan Huy Đức đã được 16 tuổi, nhưng cậu có cảm giác như một trẻ thơ. Phải chăng Kitô giáo đã làm cho cậu trẻ lại và gìn giữ sự trẻ trung như thế mãi mãi?

 

Nhìn lại con đường thiêng liêng mà cậu Đức đã đi qua từ Phật Giáo tới Công Giáo, cậu khám phá ra rằng Thiên Chúa trong sự quan phòng toàn thiện của Ngài đã ban cho bất cứ ai cơ hội để được cứu rỗi.

 

Mỗi tôn giáo đều có những giới luật, nhưng không một tôn giáo nào đã chỉ dạy những cách thế để gìn giữ những giới luật đó. Riêng Công Giáo hướng dẫn con người bằng những cách thế sinh động, cho con người một năng lực, một ý chí, một sức mạnh đặc biệt để đạt mục đích.

 

Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Kitô đã trao tặng con người những Bí Tích để cho linh hồn người ta biết trong đời sống Đức Tin, Thiên Chúa luôn hiện diện. Tiếng của Sư Huynh Cecilius khiến cậu Đức giật mình ngắt ngang dòng tư tưởng miên man: “Nầy! Anh tu sĩ khổ tu kia! Chú ý vào bài học chứ! Điều làm đẹp lòng Chúa nhất bây giờ là chú ý học hành.

 

TIẾT BỐN

ƠN GỌI

 

Ơn gọi linh mục bất thành

 

Rời bỏ cuốn sách “Hạnh Các Thánh” đang cầm trong tay, cậu Phan Huy Đức chú ý đến bài vở. Cậu không nghĩ nhiều đến việc học hành nữa, chỉ nghĩ đến việc đi tu. Hai bạn học của cậu là LànhChuyên đã rời trường để vào Tập Viện của Dòng Chúa Cứu Thế . Họ đã nhanh chân chọn phần tốt nhất.

 

Buổi tối hôm đó, cậu đọc hạnh tích Thánh Bernard. Ngài đã hướng dẫn cả gia đình sống theo đời sống dòng tu. Cậu không biết có nên bắt chước Ngài không? Cậu là người Công Giáo duy nhất trong gia đình, có lẽ cậu phải dẹp bỏ ý nghĩ nầy.

 

Năm đó, cậu Đức rớt kỳ thi cuối năm. Cha cậu tức giận, không cho cậu đi học nữa. Từ đó, cậu cầu nguyện nhiều hơn, sửa soạn cho con đường tu hành của cậu sau nầy. Trong suốt hai năm trời, cậu ăn chay, cầu nguyện. Mỗi buổi tối, cậu đều đến nhà thờ cầu nguyện chung với những người khác. Ở đó không có linh mục.

 

Năm đó, cậu đi Đà Nẵng dự lễ Giáng Sinh. Có một cha Dòng Chúa Cứu Thế giảng trong Thánh Lễ. Cậu đến gặp ngài và thưa rằng cậu muốn nhập tu Dòng Chúa Cứu Thế. Bề Trên Dòng Khổ Tu đã từ chối không chấp nhận cậu.

 

Trước Tết năm đó, cha cậu nhận được thư của một linh mục viết cho ông. Trong thư đại ý nói xin phép cho cậu đến dạy học tại Nhà Tập của Dòng Chúa Cứu Thế. Cha cậu đoán được ý định của cậu nên hỏi: “Con muốn đi tu phải không?” Cậu đáp: “Thưa Cha, vâng! Nhưng quá khó khăn, con không đủ điều kiện về sức khỏe, học hành….

 

Cha cậu cho phép cậu đi. Một linh mục người Gia-nã-đại đón cậu tại Huế. Ngài nói: “Cha nghe người ta nói con hoạt động chính trị! Điều nầy có thể gây trở ngại cho nhà trường vì tất cả các linh mục ở đây đều là người Gia-nã-đại”. Cậu Đức trả lời: “Thưa Cha! Con nghĩ rằng một Quốc Gia Việt Nam theo Công Giáo sẽ là một Quốc Gia hùng cường và hòa bình”.

 

Ngài ra hiệu cho cậu theo ngài. Cậu sống chung với các thầy trong Nhà Tập. Cậu cảm thấy bình an vui sướng. Nhưng chỉ một tháng sau, cậu ngã bệnh và phải trở về Faifoo. Các cha, các thầy Dòng Chúa Cứu Thế đã cầu nguyện nhiều cho cậu.

 

Ở Faifoo, nơi không có linh mục mà cậu Phan Huy Đức lại lâm bệnh ngặt nghèo. Chị cậu – một người ngoại đạo – đã phải vượt 22 cây số đường bộ để mời một linh mục cho cậu. Cậu không thể chết mà không lãnh nhận Bí Tích Xức Dầu Thánh được. Cậu được xức dầu ngày Lễ Thánh Giuse và dần dần bình phục. Thân sinh cậu vui mầng. Trong suốt ba mươi năm hành nghề y khoa, ông chưa thấy một trường hợp nào bình phục lạ lùng như thế. Chiếc hòm đã mua sẵn cho việc an táng cậu Đức biến thành bệ thờ của bàn thờ Thánh Giuse.

 

Khi cậu còn trên giường bệnh, có lần thân phụ bảo: “Con của ba ơi! Ba biết con sẽ khỏe mạnh ngay nếu ba rửa tội theo đạo! Ba biết, nhưng ai sẽ chăm sóc bàn thờ ông bà trong gia đình?

 

Cô của cậu, rồi anh cậu nữa đều rửa tội theo đạo. Sau đó hai người chị dâu cậu cũng theo chân cùng với một người chị. Người chị nầy về sau đi tu trong một nhà Dòng tại Montréal, Gia-nã-đại.

 

Ơn gọi lập gia đình

 

Hai năm sau, giáo sư Phan Huy Đức mới thật sự bình phục và trở lại Dòng Chúa Cứu Thế. Giáo sư không còn sốt sắng trong ý định đi tu nữa. Giáo sư làm việc như một giám học cho nhà trường trong suốt 12 năm sau đó. Thấy được tình cảm của những tu sĩ trong Dòng dành cho giáo sư, phụ thân nói: “Đức rất đúng khi nói rằng các linh mục trong Dòng Chúa Cứu Thế thương Đức hơn gia đình. Họ yêu Đức bằng tình yêu Thiên Chúa, trong khi chúng ta đôi lúc ép buộc Đức vì lợi ích riêng tư”.

 

Giáo sư Đức học hỏi thêm về con đường thiêng liêng Công Giáo, phần lớn từ cuốn sách nói về Thánh Thể của Thánh Alphongsô Liguori và cuốn “Con Đường Hẹp” của Thánh Nữ Têrêxa. Càng đào sâu về đời sống nội tâm, giáo sư Đức càng khâm phục Ơn Gọi tuyệt vời về gương phục vụ của các linh mục.

 

Giáo sư nói với cha linh hướng: “Con buồn lắm! Vì con không được làm linh mục!” Cha linh hướng ngạc nhiên: “Con nói sao? Con muốn làm linh mục hay con muốn làm theo Thánh Ý Chúa? Điều tốt nhất là con hãy sống theo Thánh Ý Chúa!

 

Trong con đường đi tìm Thánh Ý Chúa Quan Phòng cho cuộc đời giáo sư, cha linh hướng đã giúp giáo sư tĩnh tâm một ngày vào lễ Giáng Sinh năm 1938. Sau đó ngài khuyên cậu kết hôn với Maria Anna Tiên. Họ đã gặp nhau, quen biết và có cảm tình với nhau trong nhiều năm.

 

Cha Larouche chủ hôn lễ cưới của họ và dâng gia đình họ cho Trái Tim Cực Trọng Chúa Giêsu trong Thánh Đường Lavang. Qua bao nhiêu thời đại chính trị, với những biến cố đổi dời, họ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nuôi nấng, dạy dỗ 12 người con nên thân nên người.

 

Một trong những kỷ niệm không quên được trong đời giáo sư Phan Huy Đức, đó là lần Fecility – người con gái của họ – lâm bệnh nặng. Các bác sĩ nói rằng không còn hy vọng gì nữa. Hai vợ chồng giáo sư cầu nguyện, chuẩn bị đón nhận Thánh Ý Chúa. Họ cầu nguyện như sau: “Xin Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp giúp sức cho chúng con chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến và nếu đẹp Thánh Ý Chúa, xin Chúa chữa Felicity”. Felicity khỏi bệnh, không ai có thể ngờ được. Bà nội của Felicity – một người ngoại đạo và là kế mẫu của giáo sư – nhìn lên ảnh Đức Mẹ không rời mắt và thốt lên: “Trong suốt đời các con, các con phải nhớ ơn Mẹ Maria, vì đây là một phép lạ Đức Mẹ Maria đã ban cho gia đình các con”.

 

Tám năm sau đó, vốn là chủ tịch Hội Ái Hữu Phật Giáo tại Đà Lạt, khi trên giường bệnh hấp hối, bà yêu cầu mời một linh mục để bà được Rửa Tội theo đạo trước khi nhắm mắt.

 

Lời nguyện

 

Mở đầu bài tự thuật của mình, giáo sư Phan Huy Đức đã cầu nguyện như sau:

 

Lạy Chúa! Nếu như con đã được thừa hưởng sự giáo dục từ người cha Khổng Giáo để trở thành Kitô Giáo,

 

Nếu con đã được học hỏi sự biết ơn đối với Đức Mẹ Maria từ người mẹ Phật tử,

 

Nếu con đã đưọc học biết để gìn giữ sự công bằng xã hội của Chúa Kitô từ người chị theo Chủ Nghĩa Xã Hội,

 

Nếu con đã học được giá trị thật đối với của cải đời nầy từ người chú theo Lão Giáo,

 

Thì xin Chúa cũng ban ơn cứu rỗi cho họ, vì mỗi tia sáng chiếu tỏa từ sự khôn ngoan của Chúa đều có một mục đích duy nhất là diễn tả tình yêu của Ngài cho nhân loại! 



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!