Sau ba ngày tham quan ba thành phố Đà Nẵng, Hội An và Thừa Thiên - Huế ở miền Trung, chúng tôi đã đi máy bay ra Hà Nội và đáp xuống sân bay Nội Bài để tiếp tục chuyến du hành Xuyên Việt tới Hà-nội, rồi đi vịnh Hạ-Long và Sa Pa.
TIẾT 1.-
VĂN MIẾU – THÀNH CỔ THĂNG LONG
Địa lý Hà Nội
Hà Nội là thủ đô nước Việt Nam, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ trù phú với khí hậu nhiệt đới. Phía bắc giáp tỉnh Thái Nguyên, phía nam giáp tỉnh Hà Tây, phía đông và đông nam giáp tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên, phía tây giáp tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc.
Đây là thành phố cổ, với lịch sử gần 1000 năm văn hiến, có trên 300 di tích được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Hà Nội được sông Hồng và các phụ lưu bồi đắp tạo nên, do đó Hà Nội gắn bó với sông Hồng mật thiết như con với mẹ. Xưa kia người ta gọi sông Hồng là sông Cái – sông Mẹ.
Tên gọi Hà Nội mang ý nghĩa là “vùng đất bên trong sông”. Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội dài 36 cây số. Đó chỉ là một phần nhỏ chảy trên phần đất Việt Nam vì chiều dài của sông nầy khoảng 550 cây số. Các sông khác chảy qua địa hạt Hà Nội là các sông Đuống, Cầu, Cà Lồ, Đáy, Nhuệ, Tích, Tô Lịch và Kim Ngâu. Sông Tô Lịch được nhắc đến nhiều trong văn chương Hà Nội xưa, như một con sông đẹp chảy trong lòng thành phố.
Ngoài ra, nội thành Hà Nội có 30 hồ, trong đó những hồ nổi tiếng đã đi vào thơ văn như các hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm), hồ Tây, Trúc Bạch, Thiền Quang, Bảy Mẫu, Thủ Lệ, Giảng Võ…Hồ ở Hà Nội còn là những “lá phổi xanh”, cùng với vườn hoa và những hàng cây bên đường tạo cho không khí của thành phố thêm trong lành, tươi mát và vẻ đẹp kiều diễm riêng…
Về mặt hành chánh, Hà Nội chia thành chín quận nội thành và năm huyện ngoại thành.
Lịch sử Hà Nội
Kể từ khi dựng nước, vùng đất Hà Nội vẫn là mảnh đất thiêng, tiêu biểu cho cả nước. Cách đây 23 thế kỷ, Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh) đã là kinh đô nước Âu Lạc của Thục An Dương Vương.
Hơn một ngàn năm tiếp theo, Hà Nội luôn là trung tâm của phong trào đấu tranh chống quân xâm lược phương Bắc, giành độc lập cho dân tộc. Với địa hình và vị trí thuận lợi, trung tâm đồng bằng sông Hồng dần dần được mở mang thành một điểm dân cư trù phú.
Đã có nhiều thời kỳ, thành Đại La được chọn là thủ phủ của quận Giao Chỉ – tức phần đất miền Bắc Việt Nam dưới thời thống trị của Bắc phương. Tuy nhiên, chỉ đến khi Việt Nam giành được độc lập, Thăng Long mới được chọn là thủ đô của nước Đại Việt.
Mùa thu năm Canh tuất (1010), Lý Công Uẩn – tức Lý Thái Tổ, người sáng lập triều Lý – đã dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La. Khi đoàn thuyền của vua Lý vừa cập bến sông Nhị – tức sông Hồng ngày nay, bỗng thấy có Rồng Vàng hiện ra. Nghĩ là điềm lành, vua cho đổi tên Đại La thành Thăng Long (rồng bay), còn cố đô Hoa Lư đổi thành phủ Trường Yên (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Do đó, năm 1010 trở thành năm lịch sử đối với Hà Nội nói riêng và đối với cả nước nói chung.
Ngày đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn đi thăm Văn Miếu, Quốc Tử Giám và Thành Cổ Thăng Long Hà Nội.
Văn Miếu
Văn Miếu được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông (1070), thờ Khổng Tử và các vị hiền Nho. Đó là một trong số những di tích quý báu ở thủ đô Hà nội, được công nhận là di tích Quốc Gia ngày 28-4-1962. Văn Miếu được bao quanh bởi bức tường xây bằng gạch Bát Tràng với bốn phố mà Quốc Tử Giám ở trước cổng chính.
Bên trong Văn Miếu, có năm khu được ngăn bằng những bức tường:
- Khu thứ nhất từ Văn Miếu Môn đến Đại Trung Môn.
- Khu thứ hai từ Đại Trung Môn đến Khuê Văn Các.
- Khu thứ ba từ Khuê Văn Các tới Đại Thành Môn: trong khu nầy đặt 82 bia đá lưu danh những người đỗ tiến sỹ từ khoa thi Đại Bảo thứ ba (1442) đến Cảnh Hưng thứ 40 (1779).
- Qua Đại Thành Môn là khu thứ tư: cuối sân là nhà Đại Bái, kiến trúc đẹp và hoành tráng. Tiếp theo là Hậu Cung, nơi đặt tượng Khổng Tử và bốn môn đệ là Nhan Hồi, Tăng Tử, Mạnh Tử, Tử Tư.
- Cuối cùng là trường Quốc Tử Giám đời Lý.
Quốc Tử Giám
Quốc Tử Giám là một phần trong cụm di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tính từ “Văn Miếu Môn” vào, đây là khu thứ năm, sau “Hậu Cung”.
Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1076. Đây là trường đại học đầu tiên của nước ta. Ban đầu, nơi đây dùng dạy chữ cho các hoàng tử, sau mở rộng ra, thu nhận cả những học trò giỏi trong nước. Năm 1253, Quốc Tử Giám đổi tên là Quốc Học Viện. Năm 1483 đổi thành Thái Học Viện (có nghĩa là học cao).
Đến đời vua Gia Long (Nhà Nguyễn), trường Quốc tử Giám được dời vào Huế nên địa điểm nầy chuyển thành Khải thành. Sau nhiều năm chiến tranh và thiên nhiên tàn phá, công trình đã bị hư hỏng hoàn toàn. Quốc Tử Giám xưa không còn dấu tích nên không có cơ sở để trùng tu, tân tạo. Để thực hiện dự án trùng tu, tái tạo công trình nầy, các nhà khoa học, khảo cổ học đã kiến trúc theo hình mẫu của Thái Học viện, theo phong cách truyền thống, sử dụng vật liệu cổ truyền như gỗ quý, gạch Bát Tràng, ngói mũi hài…
Thành cổ Thăng Long – Hà Nội
Kinh thành Thăng Long – Hà Nội đã từng tồn tại trong nhiều thế kỷ. Thời nhà Lý, thành Thăng Long xây cất trên vị trí thành Đại La. Đến thời nhà Trần, thời Hậu Lê, thành vẫn ở trên vị trí cũ nhưng thay đổi về quy mô và các công trình ở trong thành. Đến thời nhà Nguyễn, kinh đô dời vào Phú Xuân (Huế); thành Hà Nội trở thành Tổng Trấn Bắc, với quy mô nhỏ hơn so với thời trước đó.
Thành Cổ Thăng Long Hà Nội xưa có ba vòng (tam trùng thành quách):
- Kinh Thành là vòng thành ngoài cùng đắp bằng đất. Đó là nơi ở và sinh sống của dân cư. Nối giữa Kinh Thành với bên ngoài có nhiều cửa. Thời Lê, Kinh Thành Thăng Long có 16 cửa ô, đến thời Nguyễn còn lại 12 cửa ô. Đầu thế kỷ 20 vẫn còn 5 cửa ô. Đến nay chỉ còn lại cửa ô Quan Chưởng (tên cũ là “Đông Hà Môn”, nghĩa là cửa sông phía đông).
- Hoàng Thành là vòng thành thứ hai (ở giữa). Đó là khu triều chính, nơi ở và làm việc của các quan lại trong triều. Giữa Hoàng Thánh và Kinh Thành hiện chỉ còn lại một cửa là Bắc Môn.
- Tử Cấm Thành là thành nhỏ nhất ở trong cùng, nơi chỉ dành cho vua, hoàng hậu và số ít cung tần mỹ nữ. Phần thành nầy có nhiều tên gọi qua các triều đại: Cung Thành (thời Lý), Long Phượng Thành (thời Trần), và Cấm Thành (thời Lê). Cửa duy nhất giữa Tử Cấm Thành và Hoàng Thành là Đoan Môn.
TIẾT 2.-
ĐỀN CHÙA – THẮNG CẢNH
Ngày thứ hai chúng tôi đi tham quan những đền chùa và thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Nội như Đền Quán Thánh, Đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, cầu Long Biên, Phố Cổ, chợ Đồng Xuân và những hồ thơ mộng như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Trúc Bạch.
Đền Quán Thánh
Khi bước vào Đền Quán Thánh, người ta thấy ba chữ Hán tạc trên cổng vào là “Trấn Vũ Quán”, nghĩa là quán thờ Thánh Trấn Vũ. Ngôi đền nầy là một trong “Thăng Long tứ trấn”, nằm bên Hồ Tây. Thánh Trấn Vũ là một hình tượng kết hợp giữa một nhân vật thần thoại Việt Nam (ông thánh giúp An Dương Vương trừ ma quỷ quấy rối khi xây dựng thành Cổ Loa) và một nhân vật thần thoại Trung Quốc (một ông thánh coi giữ phương Bắc).
Đền Quán Thánh được xây dựng vào đời vua Lý Thái Tổ (1010-1028). Năm 1893 đền được tu sửa lớn như thấy ngày nay. Di vật quý trong đền là pho tượng Trấn Vũ bằng đồng đen nổi tiếng do phường Ngũ Xã đúc năm 1677-1681. Tượng nặng 3.600kg, cao 3,96m, chu vi 3,48m. Đền Quán Thánh còn có một bức tượng đồng đen cỡ nhỏ, tương truyền đó là tượng ông trùm Trọng, là thợ cả hiệp thợ đúc đồng tài hoa đã chỉ huy đúc tượng Thánh Trấn Vũ và quả chuông trên gác tam quan. Để ghi công ơn của thầy, những học trò đã đúc tượng ông và xin được thờ trong đền nầy.
Đền Ngọc Sơn
Đền nầy được xây cất từ thế kỷ 19, trên đảo ngọc của Hồ Hoàn Kiếm. Lúc đầu gọi là chùa Ngọc Sơn, sau đổi là đền Ngọc Sơn, vì trong đền chỉ thờ thần Văn Xương là ngôi sao chủ về văn chương khoa cử và thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng đã đánh thắng quân Nguyên vào thế kỷ 13. Ngôi đền ngày nay được tu sửa bởi Nguyễn Văn Siêu, một nhà văn hóa lớn của Hà Nội. Ông đã cho xây Tháp Bút bên lối vào. Trên tháp có tạc ba chữ Hán “tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh), nói lên ý chí của những người chân chính.
Chùa Trấn Quốc
Chùa nằm trên một hòn đảo của Hồ Tây, là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được khởi dựng từ thời Lý Nam Đế (544-548). Đứng ở xa đã nhìn thấy nhiều ngọn tháp vươn lên trời xanh. Trong chùa có nhiều tượng, trong đó có pho tượng quý là Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, kiệt tác của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam, 14 tấm bia ghi lại nhiều tư liệu quý. Trong khuôn viên chùa có cây bồ đề cành lá xum xuê. Đó là quà tặng của Tổng Thống Ấn Độ Nehru khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.
Chùa Một Cột
Tên chữ là chùa Diên Hựu (nghĩa là “phúc lành dài lâu”), hoặc Liên Hoa Đài. Chùa ở quận Ba Đình, xây dựng năm 1049, thời vua Lý Thái Tông. Tương truyền vào thời kỳ đó, vua Lý Thái Tông đã cao tuổi mà chưa có con trai nên nhà vua thường đến các chùa cầu tự. Một đêm vua chiêm bao thấy Đức Phật Quan Âm hiện trên đài sen ở một hồ nước hình vuông, phía tây thành Thăng Long, tay bế đứa con trai đưa cho nhà vua. Ít lâu sau, hoàng hậu sinh con trai. Nhà vua cho dựng chùa Một Cột có dáng dấp như đã thấy trong giấc mơ để thờ Phật Quan Âm. Chùa Một Cột nhỏ, nhưng có kiến trúc độc đáo, được tạo dựng theo hình dáng như một bông sen từ dưới nước vươn lên.
Cầu Long Biên
Khi đi qua cầu Long Biên, tôi nhớ đến tên cũ là cầu Paul Doumer (tên của viên toàn quyền Đông Dương). Cầu nầy bắc qua hai bờ tả và hữu ngạn sông Hồng, khởi công xây dựng tháng 9/1898, khánh thành ngày 28/2/1902, do hãng Eiffel thiết kế, hãng Daydé-pillié thi công. Cầu chính dài 1,682m, cầu dẫn dài 880m. Kết cấu ban đầu 19 nhịp dầm bằng thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m. Trong thời chiến tranh, không quân Mỹ đã ném bom đánh sập nhiều đoạn, trong nhiều lần, phải sửa chữa nên kết cấu ban đầu đã bị biến dạng.
Thoạt đầu, cầu chỉ có đường xe lửa, đến năm 1919 mới mở thêm phần đường bộ ở hai bên. Hiện tại cầu dùng cho xe lửa, xe thô sơ và khách bộ hành. Ngày nay, cùng với cầu Long Biên, bắc ngang sông Hồng còn có cầu Thăng Long hai tầng và cầu Chương Dương được đưa vào sử dụng năm 1985.
Phố cổ – phố nghề
Chúng tôi được dịp đi tản bộ xem phố cổ hay phố nghề. Đặc điểm chung của các phố nầy là tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Tiếp đó là một từ chỉ mặt hàng hay nghề cụ thể. Thí dụ: Hàng Đào, Hàng Chiếu, Hàng Mã, Hàng Thiếc…Hiện còn trên 50 phố như vậy.
Từ phía bắc hồ Hoàn Kiếm, chúng tôi đi bộ qua các phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường rồi đến chợ Đồng Xuân. Phố Hàng Đào hình thành từ thế kỷ 15. Hồi xưa cư dân ở đây làm nghề nhuộm vải với các màu đặc trưng đỏ, hồng là màu của hoa đào nên có tên là Hàng Đào: “Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người” (Ca dao cổ). Hiện nay, phố nầy trở thành phố buôn bán đủ các mặt hàng. Nhà số 10 phố nầy, năm 1907 là trường Đông Kinh Nghĩa Thục, một tổ chức dạy từ thiện của nhóm nhân sĩ yêu nước, đứng đầu là cụ Phan Bội Châu.
Từ đời Lê (thế kỷ 15), nhiều người Hoa được phép cư trú ở Thăng Long. Trên hai đầu một đoạn phố của người Hoa, người ta dựng hai cái cổng chắn ngang đường, tối đến thì đóng lại. Lâu dần thành tên phố Hàng Ngang. Ngoài ra, Hàng Đường cũng như tên gọi, là nơi ngày trước chuyên buôn bán đường, mật, bánh, kẹo…
Gần chợ Đồng Xuân có phố Hàng Mã, chuyên sản xuất và buôn bán mặt hàng truyền thống từ các loại giấy màu. Hằng năm, vào dịp Tết Trung Thu của trẻ em (15/8 âm lịch), cả phố Hàng Mã trở thành một chợ bán đồ chơi muôn sắc màu: đèn ông sao, đèn xếp, đèn kéo quân, đầu sư tử…
Đối diện phố Hàng Mã là phố Hàng Chiếu, nơi chuyên bán các mặt hàng sản xuất từ cói. Qua Hàng Chiếu là ô Quan Chưởng, di tích còn khá nguyên vẹn của Thăng Long – 36 phố phường xưa. Đây là cửa ô duy nhất còn lại tới hôm nay của tòa thành đất đắp năm 1749 và được xây lại năm 1817.
Đến chợ Hàng Thiếc, chúng tôi nghe râm ran tiếng búa gõ vào tôn và nhìn thấy những mảnh thiếc trắng lấp lánh. Những người thợ thiếc ở phố nầy chuyên sản xuất các đồ dùng từ nhỏ đến lớn như thùng, chậu, gáo múc nước, hòm tôn, bể nước…
Chợ Đồng Xuân
Khi đi vào Chợ Đồng Xuân, tôi có cảm tưởng như đi vào chợ Bến Thành (Saigon) hay chợ Đông Ba (Huế). Chợ Đồng Xuân lớn nhất trong các chợ ở thủ đô như chợ Mơ, chợ Hôm, chợ Cửa Nam, chợ Ngọc Hà….Đó cũng là chợ buôn bán lớn nhất ở miền Bắc. Chợ Đồng Xuân được xây cất năm 1889-1890, do hai chợ Bạch Mai và Cầu Đông dồn lại hợp thành, trên địa phận phường Đồng Xuân.
Ban đầu chợ họp ngoài trời, sau xây dựng nhà bằng sắt, mái lợp tôn tráng kẽm, chiều dài mỗi nhà 52m, cao 19m. Chợ nằm ở gần sông Hồng, gần ga xe lửa, thuận lợi về giao thông nên dễ tiếp nhận hàng hóa từ khắp nơi cũng như chuyển đi nhiều nơi khác. Trong chợ Đồng Xuân hầu như có đủ tất cả các mặt hàng, ngành hàng phục vụ sinh hoạt và đời sống. Ngày nay chợ Đồng Xuân đã được tái thiết với qui mô lớn hơn gồm ba tầng hiện đại, khang trang, rộng rãi, nhưng vẫn giữ lại một phần kiến trúc mặt tiền của chợ Đồng Xuân cũ.
Hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm là hồ đầu tiên chúng tôi đi tham quan. Hồ nầy nằm ở trung tâm thành phố nên được ví như một lẵng hoa giữa lòng Hà Nội.
Hồ gắn với truyền thuyết “trả gươm” như sau: vua Lê Thái Tổ có một thanh gươm quý luôn đeo ở bên mình suốt 10 năm kháng chiến chống quân Minh (thế kỷ 15). Sau khi chiến thắng, lần kia vua Lê du thuyền trên hồ, bỗng có con rùa nổi lên, vua rút gươm báu ra chỉ cho quân sĩ biết thì rùa liền đớp ngay thanh gươm rồi lặn xuống nước. Vua cho rằng trước đây rùa thần đã giúp gươm báu đánh thắng quân Minh, nay đất nước đã thanh bình lấy lại gươm, nên nhà vua đổi tên hồ là Hoàn Kiếm (trả gươm) thay cho tên cũ là Lục Thủy.
Hồ Tây
Đây là một quần thể có nhiều di tích và thắng cảnh đẹp ở phía tây thành phố. Có thể ví đường Thanh Niên (Cổ Ngư) như một cây cầu tạo thành hai hồ nước: một bên là Hồ Tây, bên kia là hồ Trúc Bạch. Đoạn đường đôi nầy dài 992m, dải phân cách là một hàng cây xanh, hai bên đường là những hàng cây phượng, cây liễu, cây bằng lăng…
Hồ Tây ở phía bắc đường Thanh Niên (Cổ Ngư), với diện tích khoảng 500ha, lớn nhất trong số hồ của Hà Nội. Con đường chạy quanh hồ dài 17cs, đi qua các địa danh Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, Bưởi, Thụy Khuê…và nhiều đền chùa đẹp nổi tiếng như Trấn Quốc, Kim Liên, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ, đền Quán Thánh…Từ xa xưa, nhiều triều đại đã xây cất cung điện bên hai hồ nầy làm nơi nghỉ ngơi, hưởng lạc. Ngày nay, xung quanh khu vực Hồ Tây tập trung nhiều khách sạn lớn, cơ sở lưu trú, các dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí…Hồ Tây trở thành trung tâm du lịch quan trọng ở Hà Nội.
Hồ Trúc Bạch
Hồ nầy cách Hồ Tây bởi đường Thanh Niên (Cổ Ngư). Thế kỷ 18, chúa Trịnh Giang cho xây một cung nghỉ mát ở bên hồ gọi là viện Trúc Lâm. Về sau viện nầy trở thành nơi an trí những cung nữ phạm tội, buộc phải tự dệt lụa để nuôi thân. Lụa do các cung nữ dệt rất đẹp, nổi tiếng khắp kinh thành, có tên là lụa làng Trúc. Vì vậy hồ được gọi là Trúc Bạch.
Ven bờ hồ Trúc Bạch còn có nhiều di tích lịch sử và công trình kiến trúc nghệ thuật. Góc phía tây nam hồ là đền Quán Thánh, phía đông có chùa Châu Long, đông bắc là làng đúc đồng Ngũ Xá, góc phía bắc hồ có một đảo nhỏ, trên đảo là đền Cẩu Nhi.