.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Những Nẻo Đường Việt Nam
Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
CHƯƠNG 3: ĐÀ NẴNG - HỘI AN

Sau khi thăm viếng hải đảo Phú Quốc, tôi đã tham gia chuyến du lịch Xuyên Việt trong chín ngày tám đêm. Đà-nẵng Hội-an là trạm dừng chân đầu tiên, kế đó là Thừa-Thiên Huế, trước khi ra Hà-nội rồi đi Vịnh Hạ-longTP Sapa.  

TIẾT MỘT

THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG 

Thành Phố Đà Nẵng nằm ở trung độ đất nước, trên trục đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Phía bắc là đèo Hải Vân, giáp tỉnh Thửa Thiên - Huế. Phía tây nam giáp tỉnh Quảng Nam, phía đông là biển Đông.  

Đây là một thành phố được thành lập từ năm 1888. Từ xưa, Đà Nẵng đã là một hải cảng quan trọng của Việt Nam và hiện nay là một trung tâm kinh tế và là một thành phố lớn nhất miền Trung. 

Ngũ Hành Sơn – Non Nước 

Đến Đà-nẵng, chúng tôi đi tham quan Ngũ Hành Sơn – Non Nước. Vùng nầy cách Thành Phố Đà Nẵng khoảng 8 cây số về phía đông nam, bên bờ biển Đông và giòng Trường giang.  

Leo lên năm ngọn núi đứng sừng sững giữa trời mây, tôi chợt nghĩ ra người dân gọi đây là “Non Nước”, vì núi gần biển. Trước đây quần thể nầy được gọi là “Ngũ Uẩn Sơn”, “Ngũ Chỉ Sơn” và khoảng đầu thế kỷ 19 là “Ngũ Hành Sơn” cho đến ngày nay.  

Cô hướng dẫn viên cho biết vào năm 1837, lần thứ ba vua Minh Mạng ngự du và nhận ra thế đứng của 5 ngọn núi ở đây theo phương vị ngũ hành của thuyết kinh dịch Đông phương nên đã đặt tên 5 ngọn núi là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn và cho khắc tên vào núi.  

Ngọn Thủy Sơn đẹp nhất. Nhà vua rất thích cảnh non nước hữu tình của Ngũ Hành Sơn nên đã cho xây hành cung tại núi Thủy Sơn. Có lần vua đến và lưu lại khá lâu, triều thần phải dâng sớ can ngăn, mời vua hồi triều để lo quốc sự. 

Ngũ Hành Sơn có nhiều hang động như Hoa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham…Ngoài ra còn có “Vọng Giang Đài” là nơi có thể nhìn giòng sông uốn khúc chảy quanh co giữa đồng lúa xanh ngắt và làng mạc trù phú, cùng “Vọng Hải Đài” là nơi có thể nhìn ra biển Đông mênh mông xa tít… 

Chúng tôi đi tham quan bãi biển Non Nước, sau trận bão Xangsane (bão số 6) nên quang cảnh có phần tiêu điều, mặc dù đây là một nơi đang được qui hoạch để xây dựng một khu du lịch lớn lao hầu phục vụ du khách quốc tế và nội địa. 

Làng đá mỹ nghệ Non Nước 

Kế đó, chúng tôi đi thăm làng đá mỹ nghệ Non Nước, được hình thành vào thế kỷ 18 do nghệ nhân người Thanh Hóa tên là Huỳnh Bá Quát khai phá. Sang thế kỷ 19 thì cả làng Quan Khải (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đều sinh sống bằng nghề nầy. 

Nguyên liệu để chế biến các sản phẩm mỹ nghệ là đá cẩm thạch trước đây được khai thác ở Ngũ Hành Sơn. Đó là loại đá có nhiều vân ngũ sắc, vẻ đẹp cao sang và mặt hàng được ưa chuộng trong việc kiến trúc. 

Sản phẩm mỹ nghệ bằng đá cẩm thạch ở đây khá phong phú. Ngoài những pho tượng, còn có những sản phẩm thông dụng trong cuộc sống hàng ngày (như cái chày, cái cối), những vật dụng trong nhà (như bàn, ghế), đồ trang sức (như vòng, nhẫn, chuỗi hạt) và những sản phẩm trưng bày ngoài trời (như những cặp sư tử hí cầu, những con đại bàng với đôi cánh sải rộng, những cặp cá thần tiên).  

Các pho tượng trưng bày có đủ kích cỡ từ vài chục phân đến vài mét được điêu khắc theo cả mô hình cổ truyền và hiện đại.

TIẾT HAI

HỘI AN 

Sau Đà Nẵng, chúng tôi đi thăm Hội An là thành phổ cổ nằm ở phía nam Đà-nẵng, nơi được nhiều du khách ngoại quốc ưa thích vì những nét đặc trưng của thành phố nầy. 

Phố cổ Hội An 

Đó là một đô thị cổ nằm bên Cửa Đại, nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển Đông. Nơi đây vào thế kỷ 16, 17 đã nổi tiếng với tên gọi là Faifoo và rất quen thuộc với các thương gia Nhật Bản, Indônêxia, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Ý Đại Lợi…Thời đó, thương cảng Hội An rất sầm uất, vì là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á. 

Do sự bồi đắp của sông và qua bao biến động lịch sử sau nhiều thế kỷ, Hội An không còn là thương cảng, nhưng dấu ấn một thời vàng son của nó vẫn để lại những giá trị văn hoá vô giá. Đến nay khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc.  

Cuộc sống thường ngày của cư dân với những tập quán sinh hoạt văn hóa lâu đời vẫn được duy trì. Nơi đây là bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị. Chính vì lý do đó, vào tháng 12 năm 1999, phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. 

Ngoài những di sản vật thể, cộng đồng người dân Hội An còn bảo tồn, lưu giữ những vốn cổ trong cuộc sống, hoạt động văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, ẩm thực…Tất cả các yếu tố đó tạo cho phố cổ Hội An dáng vẻ riêng đậm nét xưa. 

Một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo là tại phố cổ Hội An, cứ đến ngày rằm âm lịch hằng tháng, cả thị xã không sử dụng đèn điện. Trên phố, trong nhà đều treo những đèn lồng muôn hình muôn vẻ. Du khách dạo chơi phố cổ dưới ánh sáng huyền ảo muôn màu của đèn lồng, tạo ra một nét riêng độc đáo của văn hóa Hội An. 

Chùa Cầu hay Cầu Nhật Bản 

Cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An là Chùa Cầu hay Cầu Nhật Bản, được xây dựng vào đầu thế kỷ 17, là công trình kiến trúc duy nhất được coi là có gốc tích Nhật Bản còn lại. Cầu do các thương gia Nhật Bản thực hiện, bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn 

Đó là một tài sản văn hóa quý giá, một biểu tượng độc đáo của Hội An. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi ba chữ Hán là “Lai Viễn Kiều”. Chùa không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ là vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gởi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp.  

Chùa Cầu là một di tích có lối kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu dài 18 mét. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu: một đầu là tượng chó và một đầu là tượng khỉ. Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa.  

Sông Thu Bồn 

Đó là một trong những con sông tuyệt đẹp đã từng đi vào thi ca Việt Nam. Sông nầy bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Linh cao 2.598 mét, chảy qua vùng núi phía tây nam, hòa cùng sông Tiên, sông Tranh tại Quế Tân, chảy qua các vùng Quế Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên và Điện Bàn, phố cổ Hội An, rồi đổ ra biển Cửa Đại. Vào những ngày đẹp trời, du khách thường đi du thuyền trên sông và thưởng thức thắng cảnh hai bên bờ cùng các làng trồng cây ăn trái dọc ven sông.

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!