Sau chuyến du hành Xuyên Việt và Cao Nguyên, tôi lại tiếp tục một chuyến du lịch khác trong 8 ngày 7 đêm ở Trung Quốc, khởi đầu từ Bắc Kinh, đến Thượng Hải, rồi Thẩm Quyến và Quảng Châu.
Người xưa thường ca tụng Trung Hoa là một quốc gia vĩ đại, xét về mặt địa lý, văn hóa cổ thời, lịch sử các thời đại vua chúa lẫy lừng… Sau đó, Trung Quốc trở thành một con sư tử ngủ yên, như nhận xét của người Âu châu.
Nhưng gần đây con sư tử đó đang vùng mình thức dậy, đổi mới về mặt kinh tế và đưa quốc gia đó vào một sự phồn thịnh nhanh chóng khiến thế giới kinh ngạc! Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, Trung Quốc đang âm thầm trở thành một cường quốc về mặt quân sự. Đó là điều khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại, chắc hẳn trong đó có Việt Nam.
Trong chuyến du lịch nầy, ngoài anh hướng dẫn viên người Việt từ trong nước đi theo đoàn chúng tôi để giám sát, ba anh hướng dẫn viên chính là những người Hoa tại địa phương, nói tiếng Việt thông thạo để hướng dẫn ba nơi: Bắc Kinh – Thượng Hải – Thẩm Quyến và Quảng Châu.
Khi về lại Saigon, tình cờ vảo một tiệm sách, tôi bắt gặp quyển sách “Một Vòng Quanh Các Nước – Trung Quốc” do Trần Văn Bảo biên dịch và được Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin Việt Nam phát hành. Quyển sách nầy chứa đựng số lớn thông tin rất hữu ích đã được ba anh hướng dẫn viên người Hoa chia sẻ cho chúng tôi trên các tuyến du lịch ở Trung Quốc.
Đa số du khách đến Trung Quốc trước tiên là để tham quan “Vạn Lý Trường Thành”. Tầm mức quan trọng của địa điểm du lịch nầy đã được Mao Trạch Đông ca tụng là “bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (“không đến Vạn Lý Trường Thành, không phải là người hảo hán”).
CHƯƠNG IX.- VÀI NÉT LỊCH SỬ TRUNG QUỐC
Khởi đầu cuộc thăm viếng Bắc Kinh, trên những đoạn đường dài băng qua thành phố tấp nập xe cộ qua lại để đến địa điểm tham quan, gần cả tiếng đồng hồ, anh hướng dẫn viên người Hoa sinh trưởng ở đây đã trình bày tóm tắt những nét chính về lịch sử Trung Quốc từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Phần trình bày của anh ngắn gọn và hấp dẫn, giúp chúng tôi ôn lại lịch sử Trung Quốc mà đa số đã biết qua lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, nhất là với những người đã có dịp thưởng thức những bộ truyện Tàu như “Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc…”
Trung Quốc là một trong số những quốc gia có nền văn minh sớm nhất trên thế giới, với lịch sử khoảng 3.600 năm, trải dài từ thời kỳ sơ khai, đến thời kỳ nô lệ, thời kỳ vua chúa. Vào giữa thế kỷ 19, Trung Quốc trở thành một xã hội nửa thuộc địa, nửa vua chúa. Việc thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là bước khởi đầu của “chủ nghĩa xã hội” kéo dài cho đến ngày nay.
Thời kỳ tiền sử (1,7 triệu năm – thế kỷ 21 trước Công nguyên)
Ở Trung Quốc, người ta đã tìm được những hóa thạch 3.000.000 năm tuổi và những dụng cụ lao động thô sơ nhất được làm bằng đá đẻo trong thời kỳ nầy. Đó là Thời Kỳ Đồ Đá Cũ. Và trong thời kỳ cổ xưa nầy, vua Nghiêu đã truyền ngôi lại cho vua Thuấn và vua nầy truyền ngôi lại cho vua Vũ. Đó là Chế Độ Truyền Hiền, chứ không truyền tử.
Nhà Hạ (thế kỷ 21 – thế kỷ 16 trước Công nguyên)
Từ đời Hạ trở đi, bắt đầu thực hiện Chế Độ Thế Tập, tức ngôi vua được truyền lại cho con. Nhà Hạ kéo dài 400 năm, có tất cả 17 đời vua. Vua Kiệt là vua cuối cùng đời Hạ, sống trong xa hoa, với những cung phi mỹ nữ và xây cất cung vàng điện ngọc. Thành Thang đã đánh đổ vua Kiệt để lập ra nhà Thương.
Nhà Thương (thế kỷ 16 – thế kỷ 11 trước Công nguyên)
Nhà Thương, kéo dài gần 600 năm với 31 đời vua. Chính nhà Thương đã đánh dấu cho Kỷ Nguyên Đồ Đồng ở Trung Quốc. Vua Trụ cuối đời Thương trở nên sa đọa và độc ác nên Chu Võ Vương đã đánh bại và lập ra nhà Chu.
Nhà Chu (gồm có Tây Chu và Đông Chu)
Tây Chu (thế kỷ 11 – năm 771 trước Công nguyên)
Chu Võ Vương đóng đô ở đất Cảo, tỉnh Thiểm Tây. Đó là thời kỳ Tây Chu. Tất cả đất đai và con người đều thuộc về nhà vua (thiên tử) nên vua đem phân phát cho những người đứng ra thành lập các nước chư hầu. Vì U Vương si mê nàng Bao Tự, bỏ bê việc triều chính, nên đến năm 771 trước Công nguyên, quân Khuyển Nhung đã giết U Vương, chấm dứt nhà Tây Chu. Năm sau, Bình Vương dời đô đến Lạc Dương, mở đầu thời kỳ Đông Chu.
Đông Chu (năm 771 – năm 221 trước Công nguyên). Thời kỳ nầy được chia thành hai giai đoạn: Thời Xuân Thu và Thời Chiến Quốc.
Thời Xuân Thu (năm 771 – năm 476 trước Công nguyên)
Thời kỳ nầy được đặt tên theo một quyển sách của Khổng Tử. Thời Xuân Thu có 150 nước cùng tồn tại với nhà Chu, trong đó mạnh hơn cả là các nước Tề, Tần, Yên, Sở, Ngô…Từ đầu đến khoảng giữa Thời Xuân Thu, năm ông vua sau đây được gọi là Ngũ Bá tranh hùng: Hoàn Công của nước Tề, Tương Công của nước Tống, Văn Công của nước Tấn, Mục Công của nước Tần và Trang Vương của nước Sở.
Để giành quyền thống trị vùng Trung nguyên, hai nước Ngô và Việt nổi dậy. Ban đầu, bị nước Ngô đánh bại, vua nước Việt trở về củng cố binh bị và cuối cùng đánh thắng nước Ngô, trở thành vị vua cuối cùng của Thời Xuân Thu mà trong đó 36 vị vua bị giết và 52 nước chư hầu bị sụp đổ. Kết quả, vài trăm nước đã hợp nhất lại thành bảy nước, khởi đầu Thời Chiến Quốc.
Thời Chiến Quốc (năm 476 – năm 221 trước Công nguyên)
Sau thời gian chiến tranh kéo dài, bảy nước Tề, Sở, Yên, Hán, Triệu, Ngụy và Tần trở thành bảy nước mạnh nhất, được gọi là Thất Hùng. Năm 256 trước Công nguyên, nước Tần đã xuất quân lật đổ nhà Đông Chu. Đến năm 221, vua nhà Tần thống nhất Trung Hoa, chấm dứt thời Chiến Quốc.
Trong thời kỳ hỗn loạn nầy, các nhà cai trị tìm đến các bậc sư phụ và những quân sư. Đó là thời kỳ hoàng kim của Đạo Khổng và Đạo Lão. Người có ảnh hưởng nhất là Khổng Tử (551- 479 trước Công nguyên). Ông giữ một chức quan nhỏ ở nước Lỗ, đã khuyên nhà vua nên tu thân và cai trị bằng đức độ để chinh phụ lòng dân. Ngoài ra còn có Khuất Nguyên là một nhà thơ, đã để lại những tác phẩm bất hủ như Sở Từ và Li Tao.
Nhà Tần (năm 221 – năm 206 trước Công nguyên)
Trong mười năm (230-221 trước CN), Tần Vương đã chinh phục được sáu nước kia và kết thúc thời Chiến Quốc, xây dựng một nước (Tần) thống nhất, độc đoán và trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Mặc dù nhà Tần kéo dài chỉ vỏn vẹn 15 năm, nhưng đã để lại một công trình vĩ đại là xây dựng Vạn Lý Trường Thành, đồng thời thiết lập một hệ thống trung ương tập quyền và những luật lệ nghiêm khắc.
Tần Thủy Hoàng là hoàng đế đầu tiên đời nhà Tần, lên ngôi lúc 13 tuổi nên tể tướng là Lã Bất Vi – tương truyền là cha ruột của nhà vua – nắm quyền nhiếp chính. Nhưng đến năm 22 tuổi, vị vua nầy đã nắm quyền bính trong tay và bắt đầu thống nhất đất nước (từ năm 230 đến năm 221 trước Công nguyên).
Tần Thủy Hoàng là một nhà chính trị đại tài nhưng đã cai trị như một bạo chúa. Ông đã cho đốt hết sách vở, đánh thuế rất nặng và bắt dân đi xây Vạn Lý Trường Thành. Tình trạng nầy gây ra những cuộc nổi dậy liên tục. Năm 208 trước Công nguyên, Lưu Bang đã đứng lên lật đổ chế độ nhà Tần. Về sau xảy ra cuộc chiến giữa Lưu Bang và Hạng Võ. Đến năm 202 trước Công nguyên, Lưu Bang đánh bại Hạng Võ và xưng vương.
Nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên – năm 220 sau Công nguyên)
Dựa trên sự thống nhất do Tần Thủy Hoàng lập ra, hàng loạt việc mở mang khác được đưa vào, làm nền tảng văn hóa của nhà Hán, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, ngoại trừ một số thay đổi theo thời gian. Thời kỳ nầy gồm Nhà Tây Hán và Nhà Đông Hán.
Nhà Tây Hán (năm 206 trước Công nguyên – năm 24 sau Công nguyên)
Vua Hán Cao Tổ (tức Lưu Bang) đã bãi bỏ những luật lê hà khắc và áp dụng những chính sách nhân đạo hơn, trong đó có việc giảm thuế khóa và sưu dịch. Trong thời kỳ nầy, có cuộc “Nổi loạn của Bảy Vương Quốc” nhưng vua nhà Hán đã dẹp được.
Hán Võ Đế tiếp tục làm suy yếu quyền lực các nước chư hầu và đề cao Khổng giáo, mở trường ở Tràng An để dạy Khổng giáo và đào tạo nhân sĩ. Võ Đế đã ba lần sai quân đi đánh rợ Hung Nô ở phía Bắc. Nhà vua còn mở “Con đường Tơ Lụa” để chuyên chở hàng hóa và chuyển tải kiến thức cùng tư tưởng giữa Đông và Tây. Trong thời kỳ nầy, Tư Mã Thiên đã viết bộ Sử ký là bộ sách đầu tiên về lịch sử Trung Quốc từ thời Hoàng Đế đến thời Võ Đế. Ngoài ra, đạo Phật được du nhập từ Ấn Độ.
Những năm cuối đời Tây Hán, nhiều hoàng đế thiếu nhi ngồi trên ngôi vàng, nên quyền bính nằm trong tay những người nhiếp chính. Đến năm thứ 8 sau CN, Vương Mãng, một người có họ hàng với hoàng hậu đã nổi dậy xưng vương. Năm 17 sau CN, một cuộc nổi loạn xảy ra và sáu năm sau (năm 23 sau CN) Vương Mãng bị quân nổi loạn giết chết. Không bao lâu sau, Lưu Tú, một người dòng dõi nhà Hán, đã tái lập nhà Hán, gọi là Đông Hán.
Nhà Đông Hán (năm 25 – năm 220)
Lưu Tú đóng đô ở Lạc Dương. Trong 32 năm tại vị, Lưu Tú đã thực hiện nhiều cải cách bằng việc khuyến học, giảm bớt quyền lực của các thái giám và một số quần thần trong hoàng tộc. Vào cuối đời Đông Hán có sự hiềm khích giữa phe thái giám và đám quan lại theo Khổng giáo. Thêm vào đó, giặc Khăn Vàng nổi lên quấy nhiễu. Năm 220, con của Tào Tháo là Tào Phi tự xưng hoàng đế của triều nhà Ngụy và từ đó, Trung Quốc rơi vào tình trạng phân chia, gọi là thời Tam Quốc.
Thời Tam Quốc (năm 220 – năm 280)
Tôn Quyền và Lưu Bị hợp lực với nhau đánh thắng Tào Tháo ở trận Xích Bích. Từ đó, Tào Tháo lui về phía Bắc. Lưu Bị chiếm giữ phía Tây và Tôn Quyền nắm phía Đông Nam Trung Quốc. Năm 220, Tào Phi xưng đế nước Ngụy. Năm sau, Lưu Bị xưng đế của Thục Hán. Đến năm 229, Tôn Quyền xưng đế nước Ngô. Trung Quốc chia thành 3 phe đối nghịch, đó là thời Tam Quốc.
Năm 263, nước Ngụy chinh phục được Thục Hán. Năm 265, Tư Mã Viêm, một viên quan cao cấp của nước Ngụy đã lật đổ ngai vàng và thành lập vương triều nhà Tấn. Sau đó, Tấn lật đổ nước Ngô năm 280 và chấm dứt thời Tam Quốc.
Nhà Tấn (năm 265 – năm 420)
(Nhà Tấn trải qua hai giai đoạn: nhà Tây Tấn đóng đô ở Lạc Dương và nhà Đông Tấn đóng đô ở Kiên Khang).
Nhà Tây Tấn (năm 265 – năm 316)
Năm 308, quân Hung Nô tự xưng là vua nhà Hán, đánh chiếm Lạc Dương, bắt nhà vua. Khi những người sống sót trong hoàng tộc lập ra một vua mới ở Tràng An, quân Hung Nô lại tiếp tục đánh chiếm Tràng An năm 316, chấm dứt triều đại nhà Tây Tấn.
Nhà Đông Tấn (năm 317 – năm 420)
Sau khi nhà Tây Tấn tan rã, chính quyền lui về phía Đông Dương Tử. Năm 317, một người trong hoàng tộc xưng đế, lập ra nhà Đông Tấn. Trong thực tế, nhà Đông Tấn chỉ kiểm soát vùng đất phía Nam sông Dương Tử, chừa lại phần phía bắc cho các sắc tộc thiểu số, đánh chiếm lẫn nhau. Các vua nhà Đông Tấn cũng mở nhiều cuộc chinh phạt, nhưng các bộ tộc nầy nổi lên giành lại đất đai. Ngoài ra còn có các cuộc nổi loạn và cuối cùng tướng Lưu Du dẹp được các cuộc nổi loạn của nông dân, nhưng lại giết vua, tự xưng là Tống Vương, lập ra nhà Tống.
Nam Bắc Triều (năm 420 – năm 589)
Sau đời Tấn, Trung Quốc chia ra nhiều chính thể ở phía Bắc và phía Nam, đưa đến tình trạng hưng thịnh và suy tàn nhiều nhất của những nước khác nhau.
Ở miền Nam cò bốn nước kế tục, đó là Tống, Tề, Lương và Trần trong vòng 160 năm và tất cả đều lấy Nam Kinh làm kinh đô, nên gọi chung là các nước Nam Triều.
Năm 439, Hoàng Đế Bắc Ngụy thống nhất vùng phía Bắc Hoàng Hà, lập ra Bắc Triều. Người Bắc Triều vốn là người Thác Bạt, rất thích văn hóa người Hán. Năm 581, Dương Kiên bắt vua Bắc Triều nhường ngôi, lập ra nhà Tùy.
Nhà Tùy (năm 581 – năm 618)
Dương Kiền gọi là Văn Đế, đóng đô ở Lạc Dương. Năm 589, Văn Đế quét sạch nhà Trần, thống nhất miền Nam và miền Bắc. Văn Đế mở các khoa thi để tuyển mộ người tài và hệ thống thi cử nầy được ứng dụng trong các triều đại về sau, suốt hơn 1.300 năm. Việc kiến thiết lớn nhất là đào kinh Vân Hà, nối liền Hoàng Hà và sông Dương Tử.
Trong thời kỳ nầy, đạo Phật vô cùng phát triển: số lượng chùa chiền và sư sãi gia tăng. Dạng Đế mở lại quan hệ ngoại giao với các nước và đã cử sứ giả sang phương Tây mời các thương nhân sang buôn bán với Trung Quốc. Nhưng vì Dạng Đế ăn chơi xa hoa và thường xuyên tuyên chiến với các nước khác, loạn lạc nổi lên. Đến năm 618, Dạng Đế bị tùy tùng của mình giết chết và Li Uyên bắt đầu xưng đế, lập ra nhà Đường ở Tràng An.
Nhà Đường (năm 618 – năm 907)
Nhà Đường trị vì suốt gần 300 năm, có lẽ là triều đại nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc vì giàu có nhất, lớn nhất và phát triển nhất. Nhà Đường đã ảnh hưởng rộng lớn trên các nước châu Á, châu Âu và châu Phi. Tràng An trở thành trung tâm văn hóa trao đổi giữa Đông và Tây. Hệ thống thi cử được hoàn thiện và mở rộng, tạo điều kiện cho mọi người làm quan. Hệ thống pháp luật cũng được hoàn thiện: Bộ luật nhà Đường được soạn thảo năm 624 là bộ luật hoàn chỉnh đầu tiên của Trung Quốc.
Ngũ Đại và Thập Quốc (năm 907 – năm 960)
Cuối đời Đường, vì sự suy thoái nên có nhiều nhiễu loạn trong triều chính và sự nhũng lạm về kinh tế, Toàn Trung đã sai bộ hạ ám sát vua Chiêu Tôn và đưa Ái Đế lên ngôi, rồi sau đó lại ép Ái Đế nhường ngôi cho mình, làm vua nhà Hán Lương. Trong suốt 50 năm sau đó, miền Bắc được cai trị bởi 5 triều (Ngũ Đại), vua chỉ tồn tại ngắn ngủi. Miền Nam bị chia thành 10 nước nhỏ (Thập Quốc).
Ngũ Đại ở miền Bắc gồm có Hậu Lương (907-923), Hậu Đường (923-936), Hậu Tấn (936-946), Hậu Hán (947-950) và Hậu Chu (951-960). Trong suốt thời kỳ nầy, chiến tranh liên tục và hành chánh thay đổi.
Thập Quốc ở miền Nam gồm có Ngô, Nam Đường, Ngô Việt, Sở, Mân, Nam Hán, Nam Bình, Tiền Thục, Hậu Thục và Bắc Hán. So với Ngũ Đại ở miền Bắc, những nưóc nầy ổn định hơn nhiều, trong đó, nước Ngô Việt tồn tại lâu nhất với 85 năm.
Việc quan trọng trong thời kỳ nầy là sử dụng tiền giấy và phát triển nghề in nên các sách của Khổng Tử đã được Viện Hàn Lâm Hoàng Gia xuất bản. Ngoài ra đồ gốm và nghề vẽ tranh cũng phát triển.
Từ năm 955, đạo Phật ở miền Bắc bị ảnh hưởng nặng nề. Để tránh tình trạng nhiều thanh niên vào chùa tu ngõ hầu trốn lính, khoảng hơn 30.000 chùa chiền đã bị thế tục hóa và sư sãi phải ra đi. Nhưng đạo Lão lại được giới cầm quyền và giới quý tộc trọng vọng.
Đến năm 960, tướng Triệu Khuông Dẫn tiến hành một cuộc bạo loạn và lên ngôi, lập ra nhà Tống. Lần lượt từng nước trong Thập Quốc qui hàng theo Tống và sau cùng, với sự sụp đổ của miền Bắc, Trung Quốc đã được thống nhất trở lại.
Nhà Tống (năm 960 – năm 1279)
Nhà Tống được xếp quan trọng ngang hàng với nhà Đường và nhà Hán. Trong hơn ba thế kỷ, Trung Quốc tăng trưởng về kinh tế, nghệ thuật và trí thức. Thời kỳ nầy được so sánh với thời kỳ Phục Hưng ở Âu châu. Triều Tống được chia thành Bắc Tống và Nam Tống.
Bắc Tống (năm 960 – năm 1127)
Triệu Khuông Dẫn đóng đô ở Biện Kinh. Để tránh đảo chánh, ông thành lập một quân đội chuyên nghiệp trung thành với triều đình, bằng cách những người đứng đầu chịu sự kiểm soát gắt gao của chính quyền trung ương. Việc kiểm soát quân sự và việc thay thế giai cấp quý tộc bằng những người có tài đã mang lại sự ổn định và phát triển về công nghiệp, thương mại và nông nghiệp, kéo dài đến năm 1086.
Từ đó, sự suy thoái bắt đầu, vì tình trạng bất đồng trong tầng lớp cai trị và các cuộc nổi dậy của nông dân. Trong khi đó, tình hình quân sự của ba nước đối địch là Liêu, Kim và Tây Hạ đã hoàn thiện, đe dọa nước Tống nên năm 1126, quân Kim đã bao vây và chiếm Biện Kinh và năm sau nhà Tống bị hạ bệ.
Nam Tống (năm 1127 – năm 1279)
Sau khi vua Khâm Tôn cùng gia quyến bị quân Kim bắt đi, Cao Tôn trốn xuống phía Nam, gọi là Nam Tống, không có quyển lực, không ổn định và chỉ kiểm soát được khu vực phía Nam sông Dương Tử.
Ngoài ra nhà vua phá nổ lực của tể tướng Lý Cương bằng cách chuyển từ chiến thuật chủ động sang chiến thuật bị động. Trong khi đó, quân Kim tiếp tục tấn công vùng phía Nam sông Dương Tử nên hoàng đế Cao Tôn phải nghị hòa với quân Kim, chấp nhận triều cống.
Sau khi quân Mông Cổ xuất hiện, ba lực lượng ở phía Bắc là Mông Cổ, Tây Hạ và Kim luôn tranh chiến với nhau. Khi thôn tính được quân Kim, vào năm 1276, quân Mông Cổ chiếm được Lâm An, chấm dứt nhà Tống.
Nhà Nguyên (năm 1279 – năm 1368)
Vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt lên ngôi, lập ra nhà Nguyên. Các vua Mông Cổ không có tài hành chánh, mặc dù theo đường lối chính trị và văn hóa của Trung Hoa nên không thu phục được lòng dân.
Vào những năm 1340-1350, chính trị nhà Nguyên bất ổn, do triều chính chia rẽ và suy thoái, cộng thêm thiên tai gây ra cảnh bạo loạn nên những công nhân, cướp biển, buôn lậu và nông dân nổi lên lật đổ nhà Nguyên mà người đứng đầu là Chu Nguyên Chương đã trở thành vua đầu tiên của nhà Minh, chấm dứt nhà Nguyên tồn tại được 98 năm với 11 đời vua. Sau đó Bắc Kinh dần dần trở thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Trung Quốc.
Nhà Minh (năm 1368 – năm 1644)
Chu Nguyên Chương lên ngôi, ban đầu đóng đô ở Nam Kinh, sau dời tới Bắc Kinh. Đây là triều đại cuối cùng người gốc Hoa trị vì.
Vào khoảng đầu thế kỷ 15, Nhà Minh đạt cao điểm quyền lực vì kiểm soát được quân Mông Cổ ở phía Bắc, chiếm được vùng đất phía Tây, chinh phục vùng Mãn Châu, cai quản vùng Tây Tạng. Đó là một trong những triều đại thịnh vượng nhất ở Trung Quốc. Một thành tựu khác là hoàn tất việc xây Vạn Lý Trường Thành mà hầu hết các phần được nhìn thấy ngày nay đã được xây dựng hoặc sửa chữa từ thời nhà Minh.
Năm 1644, quân nổi dậy của Lý Tự Thành chiếm Bắc Kinh và trong khi đang thương lượng với viên tướng nhà Minh là Ngô Tam Quế thì chính ông nầy đã rước quân Thanh vào và cuối cùng quân đội của sắc dân thiểu số miền Bắc nầy đã thắng được quân nhà Minh là triều đại kéo dài 276 năm với 16 đời vua.
Nhà Thanh (năm 1644 – năm 1911)
Nhà Thanh, vốn người Mãn Châu, là dân tộc thiểu số thứ hai cai trị Trung Quốc. Trong thời kỳ nầy, Trung Quốc đạt tới đỉnh quyền lực và ảnh hưởng. Dưới triều vua Khang Hy, Đài Loan trở thành một phần của Trung Quốc và nước nầy cũng ký với nước Nga hiệp ước Nerchinsk xác định biên giới của hai nước.
Dưới thời vua Khang Hy và vua Càn Long, một số tác phẩm lớn như bộ Bách Khoa và các tác phẩm như Trung Quốc Tứ Khố Toàn Thư, Từ Điển Khang Hy, Tuyển Tập Tân Văn và Cổ Văn Tứ Bộ Bị Yếu đã được biên soạn.
Tuy thế, các vua triều Thanh đều chuyên quyền bạo ngược, bảo thủ và kiêu ngạo. không theo kịp các cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra ở các nước Tây phương, khiến Trung Quốc càng ngày càng tụt hậu. Đến năm 1911, cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên đã giúp nhân dân Trung Quốc lật đổ triều đại nhà Thanh tồn tại cả thảy 268 năm với 10 đời vua, đưa Trung Quốc tiến vào kỷ nguyên mới: Cộng Hòa Trung Quốc (1911-1949).
Nhìn chung, lịch sử Trung Quốc là một sự nói kết những cuộc nội chiến triền miên và mỗi thời kỳ nhiễu nhương đều được kết thúc bằng một cơ chế độc tài. Lý tưởng của thời đại hoàng kim Nghiêu Thuấn xem ra chẳng bao giờ thực hiện được suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa.
Trong buổi tham quan tiếp theo sau đó, nhân khi đi bên cạnh anh hướng dẫn viên người Hoa, tôi đã trình bày nhận xét trên đây với anh. Anh cười và cho biết cảm tưởng như sau: Trung Hoa là một nước đông dân nên có quá nhiều ý kiến, vì vậy khó đồng nhất quan điểm với nhau được. Có thể đó là lý do cho thấy tại sao xã hội Trung Hoa chỉ được trải qua những thời kỳ thanh bình ngắn ngủi, ngoài ra toàn là chiến tranh loạn lạc và được kết thúc bằng những chế độ chuyên chế. Không biết ý kiến của anh hướng dẫn viên người Hoa có phản ảnh thực trạng xã hội Trung Quốc hiện nay hay không?