Tôi tiếp cận với “Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn”, qua linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung, vốn là một bác sĩ Phật Tử chuyên khoa Da Liễu, đã trở lại Công giáo trên 12 năm nay, trong đó có 11 năm tu sĩ và 2 năm linh mục của Tu Hội nầy. Hiện cha Chung là Bề Trên nhà Nguyễn Kiệm Saigon, ở số 479/15 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP Saigon, Việt Nam. Điện thoại: (08) 990-4980. Địa chỉ email: augustinchung@gmail.com.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm góp mặt tại Việt Nam (1955-2005), Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn đã xuất bản tập Kỷ Yếu “Gieo Mầm Tin Yêu” lược tóm hoạt động của Tu Hội trong thời gian đó.
Nhìn lại chặng đường năm mươi năm, các tu sĩ Tu Hội Truyền Giáo Vinh Sơn Miền Nam Việt Nam ôn lại hành trình gắn bó với Giáo Hội Việt Nam và đồng bào thân yêu để tự xét mình hầu dấn thân và nỗ lực hơn nữa trong đời sống thánh hiến, quyết tâm phục vụ theo linh đạo Cha Thánh Vinh Sơn là “rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4, 18).
TIẾT MỘT
THÁNH TỔ PHỤ VINH SƠN PHAOLÔ (24/4/1581-27/9/1660)
Cuộc đời giữa bóng tối và ánh sáng
Cha Luigi Mezzadri, linh mục Tu Hội Lazaristes người Ý và là giáo sư môn sử học đã viết: “Cuộc đời của Cha Vinh Sơn Phaolô bao gồm bóng tối và ánh sáng. Nhờ Ơn Chúa giúp, ngài đã trở thành linh hồn của cả một dân tộc, một người bạn của kẻ bần cùng đói khổ, những người tù chèo thuyền và những tù nhân. Ngài là người mà những bậc vị vọng ngoài đời và những nhân vật đạo đức của thời đại ngài thường tìm đến tâm sự. Ngài là vị sáng lập Tu Hội Lazaristes và cùng với ngài, chị Louise de Marillac thành lập Tu Hội các Nữ Tữ Bác Ái. Gương mặt rạng ngời của Cha Vinh Sơn chiếu sáng Giáo Hội và Âu Châu cả một thế kỷ trước thời Cách Mạng Pháp.”
Tiểu sử Thánh Vinh Sơn
Vinh Sơn Phaolô (Vincent de Paul) sinh ngày 24-4-1581 tại làng Pouy, gần thành Dax, miền Landes, vùng Tây Nam nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo. Ngài là con thứ 3 trong một gia đình gồm 6 anh chị em.
Ngài chịu chức linh mục ngày 23-9-1600 với động cơ có phần ích kỷ, như một phương tiện để thu góp lợi lộc trần gian. Khi làm cha sở ở Châtillon và làm tuyên úy cho gia đình quý tộc De Gond, cha Vinh Sơn khám phá ra dân nghèo miền quê đang bị bỏ rơi về mặt thiêng liêng. Đồng thời ngài nhận thấy nhiều giáo sĩ quá yếu kém về vấn đề học vấn. Cùng với sự hướng dẫn của các vị linh hướng như Đức Hồng Y Bérulle, Francois de Sales và André Duval, ngài đã hoán cải và sống đời tận hiến cho người nghèo khó.
Năm 1617 ngài thành lập các Hội Bác Ái là các tổ chức nam nữ giáo dân thuộc các giáo xứ để trợ giúp những người nghèo nhất về mặt vật chất cũng như tinh thần. Sau đó là Hội Các Bà Bác Ái (“Les Equipes Saint Vincent”) vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay.
Năm 1625 ngài thành lập Tu Hội Truyền Giáo là một cộng đoàn gồm các linh mục và tu sĩ với mục đích: “Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Tu Hội đã được Đức Tổng Giám Mục Paris châu phê năm 1626.
Năm 1632, cha Vinh Sơn nhận tu viện Saint-Lazare ở phía bắc Paris do các tu sĩ dòng Victor trao tặng để làm trụ sở mới của Tu Hội Truyền Giáo nên các linh mục thuộc Tu Hội nầy được gọi là các cha “Lazaristes”.
Ngày 12-1-1633, Tòa Thánh đã châu phê việc thành lập Tu Hội Truyền Giáo (Congregatio Missionis: CM) với sắc chỉ “Salvatris Nostri” của Đức Giáo Hoàng Urbano VIII.
Năm 1633, ngài cùng với chị Louise de Marillac thành lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái. Đây là một hình thức cộng đoàn mới mẻ vào thời kỳ đó, bởi vì các nữ tu sẽ sống “giữa đời” để phục vụ các bệnh nhân và người nghèo khó về mặt vật chất cũng như tinh thần.
Bận tâm về việc đào tạo hàng giáo sĩ, cha Vinh Sơn đã tổ chức các cuộc tĩnh tâm cho các tiến chức và lập chủng viện trên khắp nước Pháp. Ở Paris cũng như ở những nơi khác, ngài tổ chức các cuộc Hội Thảo Ngày Thứ Ba (“Les Conférences du Mardi”) có đông đảo các linh mục tham dự.
Từ một nông dân gốc Gascon, ngài trở thành vị cố vấn của vua Louis XIII nuớc Pháp và hoàng hậu Anne d’Autriche. Chính ngài là người dọn mình chết lành cho vua Louis XIII trong giờ phút lâm chung.
Trong những người bạn thân và tâm huyết của ngài có các vị Thánh như Francois de Sales, Jeanne-Francois de Chantal, Alan de Solminihac và Louise de Marillac.
Sau một quảng đời hăng say rao giảng Tin Mừng và phục vụ người nghèo, cha Vinh Sơn đã qua đời ngày 27-9-1660 và toàn thể thủ đô Paris đã khóc thương sự ra đi của ngài. Ngài được phong chân phước ngày 13-8-1729 và được phong hiển thánh ngày 16-6-1737.
Ngày 2-5-1885, Đức Thánh Cha Lêô XII đã đặt Thánh Vinh Sơn làm Bổn Mạng đặc biệt của mọi tổ chức từ thiện bác ái trong Giáo Hội và cả những tổ chức không phát xuất từ ngài.
TIẾT HAI
THÀNH LẬP TU HỘI TRUYỀN GIÁO VINH SƠN
Ý hướng truyền giáo
Ngày nay trên khắp thế giới ai cũng biết Thánh Vinh Sơn như là vị Quan Thầy của các tổ chức bác ái. Linh đạo của ngài nuôi dưỡng, động viên hằng trăm ngàn người nam và nữ: giáo dân, linh mục và tu sĩ bước theo chân ngài, với tâm niệm: “Tôi đau khổ vì nỗi khổ của anh em”. Ý hướng của Thánh Vinh Sơn: “Gia nghiệp của chúng ta là người nghèo khó”.
Ngài còn trình bày rõ hơn về nghĩa vụ của ngài: “…Tôi được sai đi không những để yêu mến Thiên Chúa, nhưng còn để làm cho người ta yêu mến Ngài. Một mình tôi yêu mến Thiên Chúa thôi thì chưa đủ, nếu người lân cận của tôi chưa yêu mến Ngài. Tôi phải yêu mến tha nhân của tôi là hình ảnh Thiên Chúa và là đối tượng được Thiên Chúa yêu thương…Và chúng ta cũng phải làm thế nào để họ biết yêu thương nhau vì tình yêu đối với Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương họ đến mức để cho Người Con Một của Ngài chịu chết vì họ. Như vậy, đó chính là nghĩa vụ của tôi.”
Tinh thần truyền giáo
Theo ngài, tinh thần truyền giáo phải dựa trên ba yếu tố là lòng nhiệt thành, đời sống nội tâm và sự hiệp nhất, như ngài đã viết: “Lòng nhiệt thành là sức mạnh của nhà truyền giáo, nó nhằm mục đích mở mang Nước Chúa… Phải có đời sống nội tâm, phải cố gằng đạt tới đó cho bằng được, nếu chúng ta không có đời sống nội tâm, chúng ta chẳng có gì cả…Liên kết và hiệp nhất với nhau để cùng lo việc cứu độ người nghèo”.
Mục Đích Tu Hội
Tu Hội Truyền Giáo nhắm mục đích thánh hóa bản thân qua việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó và cộng tác vào việc đào tạo linh mục, bằng cách:
- Cố gắng mặc lấy tinh thần Chúa Kitô cho phù hợp với ơn gọi của mình.
- Rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, đặc biệt những người bị bỏ rơi nhất.
- Trợ giúp đào tạo hàng giáo sĩ và giáo dân, đưa họ tham gia nhiều hơn vào việc loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó.
Tinh thần Tu Hội
Tinh thần Tu Hội gồm trong ba điểm:
- Yêu mến và tôn thờ Chúa Cha.
- Tình yêu trắc ẩn và thiết thực đối với người nghèo.
- Tuân theo Chúa Quan Phòng.
Cố gắng diễn tả tinh thần đó qua năm nhân đức xuất phát từ Chúa Giêsu: đơn sơ, khiêm nhượng, dịu hiền, hãm mình và nhiệt thành.
Tình hình Tu Hội Truyền Giáo vào năm 2005
Vào năm đó, Tu Hội Truyền Giáo gồm trên 3.441 thành viên, trong đó có 31 giám mục, 3.089 linh mục, 5 phó tế vĩnh viễn, 180 tu huynh, 136 chủng sinh (sinh viên triết thần và tập sinh).
Tu Hội có mặt tại 84 quốc gia trên thế giới, được chia làm 52 tỉnh và phụ tỉnh. Trụ Sở Trung Ương đặt tại Roma, Ý Đại Lợi và Nhà Mẹ ở tại Paris. Trụ Sở Miền Việt Nam ở tại 40 Trần Phú, Đà Lạt, Lâm Đồng. Điện thoại số (063) 823.089
Tu Hội Nữ Tử Bác Ái gồm có 23.000 thành viên.
TIẾT BA
LƯỢC SỬ TU HỘI TRUYỀN GIÁO VINH SƠN TẠI VIỆT NAM
Xuất phát từ Trung Hoa
Trước năm 1950, một số linh mục truyền giáo người Pháp vì lý tưởng sống Linh Đạo Vinh Sơn đối với người nghèo khắp nơi, đã tình nguyện từ bỏ gia đình, quê hương để tìm đến những vùng đất mới, trong đó Trung Hoa là một vùng đất lý tưởng.
Trước đó, từ khi Tu Hội Nữ Tử Bác Ái có mặt tại Việt Nam năm 1928, các cha Vinh Sơn người Pháp vẫn thường xuyên từ bên Trung Hoa qua Việt Nam giảng cấm phòng và linh hướng cho các Nữ Tử Bác Ái.
Năm 1949, đất nước Trung Hoa thay đổi thể chế chính trị (do cuộc Cách Mạng Trung Hoa), các linh mục Truyền Giáo bắt buộc phải trở về Pháp. Trên tàu trở về Mẫu Quốc, các ngài đã ghé vào Việt Nam, như một đoạn dừng chân nghỉ ngơi.
Chỉ sau một thời gian ngắn ngủi va chạm với thực tế tại đây, các ngài đã nhận ra rằng Việt Nam là một vùng đất thuận lợi cho việc truyền giáo. Người Việt tình cảm, sống có tình có nghĩa với lòng đạo đức sâu sắc và triển vọng có nhiều ơn gọi.
Do đó năm 1952, các Cha và các Thầy Trợ Sĩ bị trục xuất ở Trung Hoa đã sang Việt Nam. Đầu tiên, các ngài chỉ ở tại Đà Lạt lo mục vụ cho người Pháp và giúp các Nữ Tử Bác Ái.
Trước 30-4-1975
Năm 1955, Nhà Đà Lạt là ngôi nhà đầu tiên của Tu Hội tại Việt Nam được chính thức thành lập theo giáo luật tại số 42 Yersin (nay là Biệt Thự Thánh Tâm – 40 Trần Phú cũng là nhà Mẹ của Tu Hội tại Miền Việt Nam). Cha René Dulucq là vị bề trên nhà đầu tiên.
Các ngài đã mở trường học, ký túc xá tại số 11 Yết Kiều ngày nay và lấy tên là Foyer Saint Vincent – trường nuôi dạy các em mồ côi lớn tuổi do các Nữ Tử Bác Ái ở Domaine gửi xuống cũng như thu nhận những em nào muốn dâng mình cho Chúa.
Ngoài ra các ngài còn mở trường học cho người Trung Hoa, mở ký túc xá cho trẻ em đồng bào người dân tộc, phụ trách tuyên úy cho các trường Grand & Petit Lycée Yersin Đà Lạt, làm giáo sư tiểu chủng viện và đại học Đà Lạt.
Năm 1962, Tu Hội đảm trách việc truyền giáo cho người Trung Hoa tại Đà Lạt và trông coi cùng dạy dỗ nhóm người Công Giáo ở chung quanh khu vực của Tu Hội gọi là Xóm Giáo Vinh Sơn.
Khoảng từ năm 1961, được sự hậu thuẫn của Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền, các nhà truyền giáo Vinh Sơn người Pháp được giao phó chăm sóc vùng Đơn Dương khoảng 50 cây số từ Diom (gần Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn) đến Tàin (thuộc huyện Đức Trọng) gồm những buôn làng dân tộc Churu và Koho.
Tại Đà Lạt, ngày 1/7/1963 các cha người Việt mở tiểu chủng viện để chiêu mộ ơn gọi Vinh Sơn người bản xứ. Nhân dịp nầy Tu Hội giải tán Foyer Saint Vincent tại đó.
Năm 1966, Tu Hội mở Nội Chủng Viện (Nhà Tập) đầu tiên tại 11 Yết Kiều cũng được gọi là Xóm Giáo Vinh Sơn. Trong thời gian nầy, Tu Hội cũng gởi một số thầy sang học tại Giáo Hoàng Học viện Piô X.
Sau đó, các cha mang Tiểu Chủng Viện về vùng Hố Nai – Tam Hiệp. Tại đây các cha cho xây một trường thật lớn lấy tên là Vinh Sang Tam Hiệp, bao gồm cả nội trú. Ngôi trường rất nổi tiếng nên phụ huynh Công Giáo từ Biên Hòa, Hố Nai – Gia Kiệm đến tận Saigon cũng như miền Tây đã gởi con em đến học.
Sau 30-4-1975
Kể từ đó, các linh mục và tu huynh người Pháp, người Trung Hoa phải về nước. Một số anh em người Việt cũng di tản. Các trường học bị quốc hữu hóa, các điểm truyền giáo cũng không còn. Tiểu chủng viện bị giải tán, các chủng sinh vì chán nản nên hồi tục dần.
Địa chỉ của Tu Hội duy nhất còn lại ở tại Đà Lạt. Sinh hoạt tông đồ và mục vụ của Tu Hội chỉ tập trung vào 3 họ đạo nhỏ là Thánh Tâm, Xóm Giáo Vinh Sơn và Bạch Đằng.
Từ 1975 đến 1990 là thời gian khó khăn nhất của Tu Hội cả về vật chất lẫn tinh thần vì liên lạc với nhà Mẹ tại Paris bị cắt đứt. Nhân lực ít ỏi, mục vụ cầm chừng, anh em dựa vào nhau sáng chiều lao động vất vả trên những luống rau tìm kế sinh nhai cho Tu Hội.
Năm 1989, với mục đích xây dựng lại dần Tu Hội, các cha đã xin mở thêm một địa sở mới tại Túc Trưng - Đồng Nai hầu tìm kiếm ơn gọi.
Hiện tình Tu Hội
Năm 1997, Nhà Nguyễn Kiệm Saigon được thành lập vì nhu cầu của các thầy thần học. Địa điểm của nhà ở tại số 479/15 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận, Saigon, điện thoại số (08) 990-4980.
Vào năm 2005, Tu Hội đã tăng trưởng, vớì một gia đình khá đông đúc bao gồm 28 linh mục, 15 phó tế, 13 thầy khấn trọn, 3 tu huynh, 7 thầy thần học, 4 tập sinh, 17 sinh viên triết, 10 đệ tử và nhiều sinh viên đang tìm hiểu ơn gọi.
Ngoài nhà Đà Lạt là nhà Mẹ và Học Viện Triết và Túc Trưng, còn có Nagoa. Đức Cha Đà Lạt giao cho nhiệm vụ truyền giáo tại vùng Đơn Dương. Năm 1991, Tu Hội chính thức mở một địa điểm truyền giáo cho người Koho tại Kađon. Năm 1994, mở thêm địa điểm truyền giáo cho người Churu tại Próh. Cả hai địa điểm truyền giáo nầy đều thuộc huyện Đơn Dương, còn được gọi là vùng kinh tế mới vì ngoài người dân tộc ra, còn có cả người kinh di chuyển đến đây để làm ăn sinh sống.
Ngoài ra còn có các cứ điểm truyền giáo ở Bàu Sen, Cái Rắn, Đà Nẵng, Đăksông, Bưng Kè, Kon Tum, Nha Trang. Đó là những vệ tinh của Nhà Nguyễn Kiệm Saigon.
Bên cạnh đó, Tu Hội còn được giao phó trông coi một số giáo xứ như Thánh Tâm, Bạch Đằng, Mai Anh, Vinh Sơn, Kađon, Próh (Đơn Dưong), Nagoa (Đồng Nai). Đây là những xứ nghèo nàn, rất phù hợp với Linh Đạo Vinh Sơn.
Vượt qua bao khó khăn trong hơn 50 năm, Tu Hội hôm nay dường như mới chỉ bắt đầu. Cùng với sự đổi mới mạnh mẽ của thời cuộc, Tu Hội cũng đang vươn mình tiến về phía trước, hứa hẹn một cánh đồng sẽ có thật nhiều nguời gieo cũng như thợ gặt.
Thăm viếng Tu Hội
Trong thời gian 10 tuần lễ ở Việt Nam, những khi ở Saigon, tôi thường đến thăm cha Nguyễn Viết Chung nhiều lần ở nhà Nguyễn Kiệm. Tại đây, tôi cũng được tiếp xúc với cha Nguyễn Tri Hùng là cháu bảy đời của quan Tổng Đốc Nguyễn Tri Phương. Cha Chung và cha Hùng là hai linh mục duy nhất ở tại nhà nầy. Ngoài ra còn có mười mấy thầy thần học và một hai tu sĩ không có chức linh mục.
Mỗi lần bước vào căn nhà đơn sơ trầm lắng đó, với những cây kiểng trước sân, lòng tôi cảm thấy lâng lâng nhẹ nhàng. Điều làm tôi cảm động là khi được biết ở đây, ngoại trừ các bữa ăn sáng, các cha và các thầy đều dùng hai bữa ăn trưa và ăn tối tại nhà của một gia đình giáo dân. Gia đình nầy đã giúp việc nấu nướng cho Tu Hội trên mười mấy năm rồi. Gia đình gồm hai cụ đã cao niên – trên bảy mươi tuổi – hằng ngày nấu nướng cho các cha và các thầy suốt năm, ngoại trừ mùa hè, vì các thầy về gia đình nghỉ ngơi.
Vào giữa năm 2006 vừa qua, cụ bà bị tai biến mạch máu não nên được một chị trong giáo xứ thay cụ bà để giúp việc nấu nướng. Mỗi bữa ăn trưa và tối, các thầy chia phiên nhau đến trước, dọn bàn và sau khi ăn xong, các thầy giúp thu dọn cùng rửa chén bát.
Mỗi lần các cha và các thầy đến đây, hai cụ sung sướng, vui vẻ đón tiếp, tưởng chừng như đó là bữa ăn duy nhất mà hai cụ đón mời. Nhưng sự việc đó đã xảy ra từng ngày trong năm học và kéo dài trên mười mấy năm rồi! Thấy gương hy sinh, âm thầm phục vụ của hai cụ, tôi đâm ra nghĩ ngợi, với một nỗi buồn man mác trong lòng… Biết đến bao giờ giáo dân mới ý thức việc phục vụ Giáo Hội theo đúng nghĩa, như hai cụ cao niên âm thầm lặng lẽ kia!
Tôi cũng được cha Chung và cha Hùng cho phép tham dự một vài giờ kinh thần vụ sáng tối, cũng như chầu Thánh Thể và tham dự Thánh Lễ một lần. Không khí thật đơn sơ, nhưng trang nghiêm và đầy sức sống nội tâm. Những câu kinh ngắn gọn, đọc chậm rãi như rót vào lòng người.
Mười lăm phút quì âm thầm với tâm hồn lắng đọng trước Mình Thánh Chúa, thật thanh khiết và sâu lắng làm sao! Trái với những buổi chầu Thánh Thể tại các giáo xứ, có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ, giáo dân liên tục đọc hết kinh nầy, đến hát bài thánh ca kia mà tâm hôn phiêu lãng, không biết mình đang trực diện với ai và với những tâm tình gì? Cảm tạ Chúa cho tôi được hưởng những giây phút sâu lắng với Tu Hội trong tâm tình biết ơn và tạ ơn.