.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Những Nẻo Đường Việt Nam
Tác giả: Nhà Văn Hương Vĩnh
CHƯƠNG 26: LM. BỬU ĐỒNG (1912-1968) & BỬU HIỆP (1914-1988)

Xuất thân từ hoàng phái, ngoài cha Bửu Dưỡng là linh mục nổi tiếng thuộc Dòng Đa Minh, còn có hai “linh mục triều” vốn là anh em ruột. Đó là các linh mục Bửu ĐồngBửu Hiệp. Bà ngoại của tôi là chị em chú bác ruột với Cụ Ưng Trạo – thân sinh của hai linh mục Bửu Đồng và Bửu Hiệp. Vì vậy hai linh mục nầy gọi bà ngoại tôi bằng “”, còn tôi gọi các ngài bằng “Cậu”.

Trong quyển sách “Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu”, tác giả Nguyễn Lý Tưởng đã dành một số trang để viết về linh mục Bửu Đồng. Về linh mục Bửu Hiệp, hiện một số nghĩa tử còn sống đã lưu lại một số kỷ niệm về ngài. Đó là nữ tu bác sĩ Bùi Thị Bông ở Phú Xuân Huế Việt-Nam, anh giáo sư Nguyễn Đăng Trúc ở Strasbourg Pháp, chị Bảo thị Sen ở Texas, anh Lê Văn Hiếu và chị Lê Thị Kim Loan ở California, Hoa-Kỳ. Ngoài ra, ông Bửu Sao là bào đệ của hai linh mục Bửu Đồng và Bửu Hiệp hiện sinh sống ở Florida, Hoa Kỳ, còn giữ cuốn gia phả về Đức Ông Trấn Biên Quận Công.

Tất cả những đóng góp trên đây đã giúp soạn lại tiểu sử của hai ngài, một cách manh mún như dưới đây, vì vậy không tránh khỏi nhiều thiếu sót.

 

TIẾT MỘT

GIA ĐÌNH HOÀNG PHÁI ĐẠO ĐỨC

 

Đức Ông Trấn Biên Quận Công (1830-1877)

 

Bà thứ phi của vua Minh Mạng là bà Lê Quý Nhân sinh Hoàng Tử Miên Thanh, em vua Thiệu Trị, được tôn phong làm Trấn Biên Quận Công là vị có thiện cảm với đạo Công giáo. Trong giờ phút lâm chung, Đức Ông trối lại: “Sau nầy nếu Vua bớt cấm đạo, con cháu nên theo đạo Công Giáo”. Do lời trăn trối nầy mà nhiều con cháu của Đức Ông sau nầy đã theo đạo Công Giáo.

 

Đức Ông sinh bảy người con, trong đó có cụ Hường Thuyền sinh ra cụ Phaolô Ưng Trạo là thân sinh hai linh mục Bửu ĐồngBửu Hiệp. Bào huynh của cụ Ưng Trạo là cụ Ưng Đệ. Hai cụ được rửa tội cùng một lúc với cụ thân sinh Hường Thuyền bởi Đức Giám Mục Caspar (Đức Cha Lộc).  Lúc đó thân mẫu cụ Hường Thuyền là một sư nữ tu ở chùa Từ Hiếu. Ngày rửa tội là 30/05/1892, khi cụ Ưng Trạo được 12 tuổi (cụ sinh năm 1880). Cụ Hường Thuyền là cha đỡ đầu của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

 

Mệ Hường Thuyền

 

Mệ Hường Thuyền là con trai thứ 5 của bà thứ nhất, bà này mất lúc mệ 15 tuổi, bà mẹ kế tục nuôi dưỡng. Bà kế có cháu gái gọi bằng dì ruột, thì gả cho Mệ Hường.

 

Mệ từng đậu thủ khoa ở trường quốc tử giám. Mệ làm quan được một thời gian, nhưng buồn chán vì con gái duy nhất chết lúc 4 tuổi, rồi kế đến là 2 con trai sinh đôi chết vừa lúc lọt lòng mẹ.

 

Đến đời vua Đồng Khánh, mệ được mời vào triều đình làm việc nhưng thấy cảnh hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lộng hành trong Triều, thì mệ lại cáo bệnh mà xin về nhà đi tu ở Chùa do mệ sáng lập và đặt tên là Chùa Thiên Hòa. Lúc ấy mệ có 3 con trai là Ưng Lang, Ưng Đệ và Ưng Trạo.

 

Thời gian ở Chùa, mệ Hường Thuyền có dịp gặp gỡ và đàm đạo với Giám mục Lộc (Caspar), cho nên cả gia đình mệ theo đạo Công giáo, chịu phép rửa tội vào năm 1892 tại nhà thờ Phủ Cam. Mệ bị triều đình chất vấn vì nghi ngờ mệ được Pháp chuẩn bị ngôi vua, nhưng mệ trả lời theo đạo Công giáo chỉ vì tin đạo. Vì vậy mà Tôn Nhân phủ cắt mất bổng lộc 2 năm, giáng tước Công tử xuống hàng Tôn thất.

 

Sau khi vợ mất, mệ đi tu dòng Phước Sơn ở Quảng Trị, nhưng bị nhiễm bệnh sốt rét mà phải trở về gia đình. Cuối đời, mệ sống với gia đình của người con út là Ưng Trạo. Mệ qua đời vì bệnh ung thư cuống họng, vào ngày 5/11/1920, thọ 68 tuổi.

 

Cụ Phao-lô Ưng Trạo

 

Cụ Phao-lô Ưng Trạo sinh ngày 19/4/1880 tại Huế và mất ngày 7/3/1970. Cụ được Đức Giám Mục Allys (Đức Cha ) giới thiệu vào tu học ở Tiểu Chủng Viện An-Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị rồi Đại Chủng Viện Phú Xuân, Kim Long, Huế và đã chịu phép cắt tóc. Sau đó cụ hồi tục và làm việc cho nhà nước dưới thời vua Khải Định và Bảo Đại, với tước Quang Lộc Tự Khanh, hàng Tùng Tam Phẩm của triều đình Huế.

 

Năm 27 tuổi, Cụ Phaolô Ưng Trạo lập gia đình với bà Mađalêna Hồ Thị Nguyệt là cháu ngoại của Thánh Tử Đạo Phaolô Tống Viết Bường. Hôn lễ được cử hành tại nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam Huế ngày 09/08/1911. Năm sau hai Cụ sinh con trai đầu lòng là Linh mục J.B. Bửu Đồng. Hai Cụ có tất cả 7 trai và 9 gái như dưới đây:

 

  1- Linh mục Bửu Đồng

  2- Nữ Tu Công Tằng Tôn Nữ Thị Luyến (Bề Trên Dòng Đức Bà Vô Nhiễm Phú Xuân Huế)

  3- Linh mục Bửu Hiệp

  4- Công Tằng Tôn Nữ Thị Uyên

  5- Bửu Biên

  6- Nữ tu Công Tằng Tôn Nữ Thị Khương

  7- Bửu Dủ

  8- Bửu Thiều

  9- Công Tằng Tôn Nữ Như Xuân

10- Nữ tu Công Tằng Tôn Nữ Tuyệt Diệu

11- Công Tằng Tôn Nữ Ngọc Khuê

12- Công Tằng Tôn Nữ Như Tuyết

13- Bửu Sao

14- Công Tằng Tôn Nữ Thị Duân

15- Bửu Thao

16- Công Tằng Tôn Nữ Tiếu Diện

 

Cụ Phao-lồ Ưng Trạo về hưu năm 1940. Sau hưu trí, cụ vẫn làm việc với ngạch Thư ký thượng hạng, rồi ngoại hạng. Cụ mất vào ngày 7/3/1970 tại Phủ Cam - Huế. Cụ bà Hồ Thị Nguyệt mất ngày 8/7/1989, chôn cất tại San Jose, California, Hoa Kỳ.

 

TIẾT HAI

LINH MỤC GIOAN BAOTIXITA BỬU ĐỒNG (1912-1968)

 

Tiểu sử

 

Linh mục Gioan Baotixita Bửu Đồng, sinh ngày 29-8-1912 tại Huế lúc 2 giờ ngày thứ năm, tức là ngày 17-7 năm Nhâm Tý. Thuở thiếu thời, cậu Bửu Đồng theo học trường Pellerin do các Sư Huynh Dòng La San hướng dẫn. Sau đó cậu vào Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị ngày 01/09/1927 và Đại Chủng Viện Phú Xuân, Kim Long, Huế, ngày 02/09/1935. Thầy Bửu Đồng lãnh phép Cắt Tóc (04/06/1937), bốn chức nhỏ (18/10/1938 và 16/03/1940). Thầy chịu chức Năm (05/06/1940), chức Sáu (12/06/1940) và thụ phong Linh Mục (07/06/1941) do Đức Cha Lemasle (Lễ) truyền chức.

 

Xin Chúa báo ứng

 

Vào dịp lễ phong chức linh mục của cha Bửu Đồng năm 1941, tại nhà thờ Chánh Tòa Phủ Cam, một biểu ngữ treo trước nhà cụ Ưng Trạo với hàng chữ La-tinh: “Vindicat sanguinem”, có nghĩa là “Xin Chúa báo ứng”. Đó là biểu hiệu của cha Bửu Đồng và đích thân cha đã dịch bằng thơ là “Rưới đổ mưa dào kêu báo ứng”. Cha Bửu Đồng là hậu duệ của vua Minh Mạng – vị vua bách hại giáo hữu dữ dội.  Toàn bài thơ cha Bửu Đồng trước tác như sau:

 

Cách đà trăm năm hóa cành nầy,

Nho nhà, nho rủ chiết thành cây:

Tủi Ông Sơ Nội nghiêm trừ đạo,

Mừng phước Ngoại Sơ hưởng cõi mây.

Rưới đổ mưa dào kêu báo ứng (vindicat sanguinem),

Tạc con bởi đá hóa sum vầy (ngài bị chôn sống về sau).

Đời đời chúc tụng lòng nhân Chúa,

Con hiến thân nầy tế lễ thay.

J.B. Bửu Đồng LM. (1941)

 

Câu thơ thứ 5 trên đây được ứng nghiệm vào cuối đời linh mục Bửu Đồng  “rưới đổ mưa dào” là cha đã chết vì đạo, và “kêu báo ứng” tức là để cùng báo đền ơn Chúa đã cho ông Sơ Ngoại là Thánh Phaolồ Tống Viết Bường, một vị võ quan tại triều vua Minh Mạng, được phúc tử đạo. Như vậy, vua Minh Mạng là ông Sơ Nội của các cha Bửu Đồng và Bửu Hiệp, còn Thánh Phaolồ Tống Viết Bường là ông Sơ Ngoại.

 

Nói tóm lại, về bên Nội: vua Minh-Mạng, tức hoàng đế, sinh Đức Ông Trấn Biên Quận Công. Đức ông sinh Mệ Hường Thuyền. Mệ Hường Thuyền sinh cụ Ưng Trạo là thân sinh của hai linh mục Bửu Đồng và Bửu Hiệp.

 

Về bên ngoại: Thánh Phaolô Tống Viết Bường sinh bà Tống thị Đạm. Bà Đạm kết hôn với cụ Hồ Văn Bảo sinh cụ Hồ Văn Tháp. Cụ Tháp sinh cụ bà Hồ Thị Nguyệt, kết hôn với cụ Ưng Trạo.

 

Đời sống mục vụ

 

Khởi đầu, linh mục Bửu Đồng làm cha phó tại giáo xứ Kim Long từ ngày 26/06/1941, rồi chánh xứ Thần Phù (Thừa Thiên) từ 02/07/1943 và Gia hội (Huế) từ 18/02/1946. Gia Hội là một họ đạo đối diện với Thành Nội Huế, nằm bên bờ sông Gia Hội. Vào năm sau, cha đã rửa tội cho một người tên là Dương Cung Kính, bị Việt-Minh đem xử bắn tại sân vận động Huế. Chính cha đã đến giúp người tử tội nầy trong phút cuối cùng. Và ông Dương Cung Kính đã để lại một bức thư cảm tạ Chúa với lời lẽ rất cảm động.

 

Tiếp theo, cha làm giáo sư Dòng Thánh Tâm (Huế) từ 17/10/1947, sau đó làm chánh xứ Thủy BaCổ Hiên (Quảng Bình). Năm 1949-1952, chánh xứ Phan Xá (Quảng Trị).

 

Sau ngày 20/07/1954, chia đôi đất nước, linh mục Bửu Đồng theo họ đạo di cư vào La Vang và lập ra giáo xứ La Vang Thượng (Quảng Trị) từ 1954-1958. Từ 1958-1963, ngài giúp giáo xứ Phú Cam (Huế). Từ 1963-1968, ngài coi sóc giáo xứ Sư Lỗ kiêm An Truyền (quận Phú Vang, Thừa Thiên).

 

Vào dịp Tết Mậu Thân 1968, ngài bị bắt ngày 08/02/1968, bị đưa đi mất tích và bị chôn sống. Người ta tìm được xác ngài ngày 08/11/1969, chôn chung với linh mục Micae Hoàng Ngọc Bang và hai sư huynh Dòng La San tại Lương Viện Phú Thứ (Thừa Thiên). Ngài thọ 57 tuổi, trong đó 28 năm làm linh mục.

 

Thánh Lễ cầu nguyện cho Linh Mục JB Bửu Đồng, Linh Mục Micae Hoàng Ngọc Bang và hai sư huynh Dòng La San do Đức Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền và 12 linh mục trong giáo phận đồng tế tại nhà thờ Chánh Tòa Phú Cam, nơi sinh quán của ngài, ngày 12/11/1969 và an táng ngày 13/11/1969 cạnh mộ Đức Cha Allys (Lý).

 

Năm 1985, nhà nước ra lệnh dời nghĩa địa để lấy đất nên ngài được cải táng lần nữa và chôn tại núi Thiên Thai (Huế), chung với các linh mục quá cố.

 

TIẾT BA

NHỮNG BÚT TÍCH CỦA LINH MỤC BỬU ĐỒNG

 

Trong dịp Tết Mậu Thân 1968, có hai linh mục ngoại quốc và ba linh mục Việt Nam cùng hai sư huynh Dòng La San, một số tu sĩ và giáo dân đã bị chôn sống. Hai linh mục ngoại quốc thuộc Dòng Biển Đức là cha Urbain và cha Guy. Ba linh mục việt Nam là cha JB Bửu Đồng (Huế), cha Micae Hoàng Ngọc Bang (Huế) và cha Giuse Lê Văn Hộ (Quảng Trị).

 

Các nạn nhân đã chết không để bút tích gì. Riêng linh mục Bửu Đồng khi cải táng, người ta tìm được trong áo của ngài có giấu một bức thư ở trong bao kính đọc sách. Ngài biết trước thế nào cũng bị giết chết nên đã dọn mình và tìm cách để lại những lời cuối cùng gởi cho cha mẹ, anh chị em và bổn đạo của ngài, với nội dung nói lên tinh thần vâng phục Thánh Ý Chúa và sự hy sinh phục vụ tha nhân trong thiên chức linh mục.

 

Thư gởi Thầy Mẹ

 

Lạy Thầy Mẹ quý mến, Thầy Mẹ rất đau khổ khi mất đứa con trưởng nam không được phục vụ Thầy Mẹ trong tuổi già, nhưng Thầy Mẹ sẽ được an ủi và vui mầng khi được tin con đã can đảm vì mến Chúa, yêu người trong chức Linh Mục và nhiệm vụ Tông Đồ.

Xin Thầy Mẹ tha mọi tội lỗi và những gì không làm vui lòng Thầy Mẹ trong 57 năm nay. Xin hẹn gặp nhau trên nước Chúa. Xin Thầy Mẹ ban phép lành cho con”.

 

Thư gởi các em

  

Chào các em thân mến,

Em Gloria, Cha Em, An Uyên, Thiều Tường Anh, Xuân, Raphael, Linh Khuê, Như, Sao Khôi, Chính Luân, Nghi Diện và các cháu cùng bà con xa gần Nội Ngoại. Đây là lần cuối cùng trước khi về cùng Chúa xin tha mọi lỗi và cầu nguyện cho Anh đặng sống chết trong tay Chúa và Mẹ Maria.

Xin thay Anh giúp đỡ Thầy Mẹ trong tuổi già. Xin chúc lành cho các em và bà con. Xin hẹn gặp nhau trên chốn Thiên đàng. Cầu cho Anh khi sống và khi chết. Anh của các em”.

(Ký tên)

(Cha uỷ cho thầy X. xếp đặt với các em cho về tất cả đồ đoàn để phân chia tùy ý. Ba máy may đã định rồi.).

 

Thư gởi cho giáo hữu

 

Các con cái yêu dấu: Đây là bút tích cuối cùng để nhắc cho các con ghi nhớ bài Phúc Âm Thánh Phêrô trên thuyền bão táp…(ba chữ không đọc ra) đức tin.

Lời cầu chúc của Cha ngày đầu Xuân cho mọi công việc Tông Đồ của Cha giữa chúng con, nhớ…(hai chữ không đọc ra) khi sự sống của Cha sắp kết liễu theo Ý Chúa.

Hãy mến Mẹ, sốt sắng lần hạt, tha mọi lỗi lầm của Cha, xin cám ơn Chúa với Cha, xin Chúa tha tội cho Cha và tận tình thương nhớ cầu nguyện cho Cha được sống trong tin tưởng, kiên nhẫn, trong khắc khổ để kiến tạo hòa bình của Chúa Kitô và phục vụ tinh thần Chúa và mọi người trong Mẹ Maria.

Xin cầu nguyện cho Cha bình an sáng suốt và can đảm cùng mọi sự đau khổ tinh thần, thể xác và gởi mạng sống cho Chúa qua tay Đức Mẹ.

Hẹn ngày tái ngộ trên nước Trời.

Chúc lành cho chúng con”.

(Ký tên)

CẦU NGUYỆN CHO LINH HỒN CHA AN NGHỈ ĐỜI ĐỜI TRONG CHÚA.

 

Những câu cuối cùng (nói với Chúa)

 

Xin cầu cho con được thực hiện một cách can đảm:

SACERDOS et VICTIMA

Ad JESUM per MARIAM

Ne rien demander. Ne rien désirer.

Ne rien refuser. Je serai ta force.

Ne crains rien.

In manus tuas sortes meae. Suscipe me Domine.

 

Gương can đảm hy sinh

 

Qua những bút tích của linh mục Bửu Đồng để lại và qua cuộc sống của ngài, nhất là thời gian ngài phục vụ tại giáo xứ Sư LỗAn Truyền (quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên), trong vùng bất an ninh, đã đủ nói lên gương hy sinh, can đảm vô bờ bến của một linh mục. Ngài đã từng chứng kiến cảnh bổn đạo bị chôn sống và những cộng tác viên của ngài bị giết hại. Ngài đã từng chạy xuôi chạy ngược để xin gạo, xin tiền, xin quần áo về giúp bổn đạo vì dân vùng nầy quá đói khổ.

 

Chính Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền ở Huế lúc đó cũng thấy tình hình căng thẳng và đề nghị cho ngài đi phục vụ ở vùng khác để tránh nguy hiểm. Nhưng ngài xin ở lại đó, tiếp tục phục vụ giáo dân và đồng bào. Ngài đã thưa với Đức Cha: “Nếu con ra đi thì cha khác sẽ về đây và tình thế vẫn không có gì sáng sủa hơn. Nếu không có ai đến đây thì con chiên bơ vơ, không người trông coi…” Ngài là mục tử không bỏ đoàn chiên và ngài đã hy sinh vì đoàn chiên của mình.

 

TIẾT BỐN

LINH MỤC BỬU HIỆP (1914-1988)

 

Cuộc đời mục vụ

 

Linh mục Bửu Hiệp sinh ngày 21 tháng 10 năm 1914, ngày thứ tư, tức là ngày 3 tháng 9 năm Giáp Dần lúc 6 giờ 30. Buổi thiếu thời, cậu Bửu Hiệp theo học tại trường Pèllerin. Năm 1930, cậu vào chủng viện An Ninh và năm 1939 vào Đại Chủng Viện Huế.

Linh mục Bửu Hiệp được phong chức ngày 08/06/1946. Tính tình của cha nghiêm nghị, nếu không muốn nói là khắc khổ. Ít khi thấy cha vui cười lớn tiếng. Ngài dạy bảo các nghĩa tử của ngài là phải hết sức trang nghiêm khi ăn nói, trong cách ăn mặc cũng như khi giao tế.

Trước tiên, ngài được bổ nhiệm làm Phó Xứ Nước Ngọt, rồi làm Chánh xứ Thanh Tân Hà Thanh. Khoảng sau năm 1950, linh mục Bửu Hiệp làm cha xứ Qui Lai trong đó bao gồm hai họ đạo kia nữa là Vĩnh LạiHòa An. Vào trận lụt lớn năm 1953, bổn đạo chèo thuyền kéo nhau vào tạm trú ở nhà thờ họ Qui Lai. Khi cơn lũ lụt dâng cao, ngài đứng trên gác lầu chuông nhìn về phía họ Vĩnh Lại suốt mấy tiếng đồng hồ dưới cơn mưa tầm tã lạnh buốt. Khi được hỏi thì ngài trả lời: “Cha lo cho con cái ở Vĩnh Lại nên hướng về phía đó để cầu nguyện cho họ.”

Sau họ Qui Lai, ngài được thuyên chuyển đến các họ đạo Bố Liêu (Quảng Trị), họ An Truyền, họ Lăng Cô (Thừa Thiên) và họ đạo cuối cùng là Phú Lương, gần Phú Bài Huế. Tới họ đạo nào, ngài đều lo quyên góp tiền bạc để xây dựng nhà thờ, như ở Qui Lai, ngài đã xây một tháp chuông lớn, nhà cha xứ; ở Phú Lương thì xây nhà thờ mới. Ngài đã xây dựng trường Trung học Bố Liêu và Lăng Cô.

 

Đời sống truyền giáo

 

Ngài là một linh mục rất kính mến Đức Mẹ. Ngoài việc lần hạt chung với bổn đạo ở nhà thờ, mỗi tối cha còn lần hạt riêng nữa.

Cha Bửu Hiệp còn là một linh mục truyền giáo. Khi ở Bố Liêu Quảng Trị, những họ đạo chung quanh đều được một nhóm truyền giáo do ngài tổ chức thường xuyên thăm viếng và rao giảng Phúc Âm cho những người không Công giáo ở các làng như Bích La, Bính Khê, Hà Mi, Phú Lưu, Vệ Nghĩa, Đại Hào, An Hòa, chung quanh Bố Liêu.

Nhiều gia đình đã được trở về với Chúa, trong đó có đại gia đình chị Lê Thị Kim Loan, gồm ông bà ngoại là cụ Lê Bá Đoài và người cậu là ông Raphael Lê Bá Lẫm, hiện sinh sống ở San Jose, California. Cha đã nhờ cụ Hội Nghi từ Phủ Cam ra dạy giáo lý tân tòng. Ông Lê Bá Lẫm được cha Bửu Hiệp hướng dẫn giáo lý và đỡ đầu, nên lấy tên thánh của cha là Raphael.

 

Tôn trọng các tôn giáo khác

 

Cha Bửu Hiệp là một linh mục rất tôn trọng truyền thống đạo giáo của các tôn giáo khác. Ngài luôn nhắc nhở đến lai lịch tổ tiên không Công Giáo của ngài.

Vào năm 1963, khi Phật Giáo phát động vụ các nhà sư tự thiêu, ngài thường răn bảo các nghĩa tử: “Người ta là Phật Giáo thì còn tốt lành hơn là không tin vào một tôn giáo nào, lại còn là những người đã hiến đời mình để tu đức thì nên hết sức kính trọng và học hỏi đức hạnh của họ”. Vì vậy cha Bửu Hiệp rất được nhiều người ngoài Công Giáo thương mến.

 

Nâng cao dân trí và giáo dục

 

Ngài còn là một linh mục tha thiết với vấn đề nâng cao dân trí và giáo dục. Cha đã cho xây dựng trường trung học Chân LýBố Liêu, Quảng Trị, vào thời điểm mà các trường trung học tư thục ở Quảng Trị chỉ có các dòng tu mới đảm đương nỗi. Đây là trường trung học tư thục đầu tiên cho cả quận Triệu Phong, Quảng Trị. Vào thời kỳ đó, cũng có một trường trung học công lập đệ nhất cấp tại quận lị Triệu Phong, cách Bố Liêu chừng 5-6 km.

Ngài còn cho xây cầu Chợ Thuận bằng bê-tông đầu tiên trong vùng để thay thế cây cầu khỉ bằng tre, bắc qua nhánh sông Chợ Thuận, giúp học sinh qua lại bằng xe đạp dễ dàng hơn, khỏi phải vác xe đạp lên vai mỗi khi qua cầu tre. Trong thời kỳ đó, ngài có chiếc xe Motor Harley dùng để di chuyển từ Bố Liêu lên tỉnh lỵ Quảng Trị, cũng như vào Huế. Vào năm 1972, chiến tranh bom đạn đã tàn phá ngôi trường cùng với nhà thờ Bố Liêu, nơi có lăng các giáo hữu Tử Đạo trước sân nhà thờ.

Ngoài ra, khi ở Lăng Cô, ngài cũng xây trường trung học Nhân Vị. Nói chung, cuộc đời của ngài gắn liền với việc xây dựng trường học và thường ngài là hiệu trưởng, trực tiếp điều hành mọi công việc nhà trường.

Về sau cha làm tuyên úy cho trường Pellerin (tức Bình Linh) ở Huế năm 1972.

 

Nặng tình với các nghĩa tử

 

Năm 1987, chị Lê Thị Kim Loan là một nghĩa tử được cha Bửu Hiệp mời ra giáo xứ Phú Lương để giúp các em học giáo lý Thêm Sức và tĩnh tâm dịp hè. Chị nhận thấy cha Bửu Hiệp tuy thuộc dòng dõi vua quan triều Nguyễn, dáng dấp cao lớn và uy nghi, nhưng cử chỉ lại rất trầm tĩnh, ôn hòa. Cha đã cho chị xem những hình ảnh cha Bửu Đồng bị chôn sống, với tràng chuỗi Mân Côi và lá thư từ biệt giáo dân để trong túi áo dòng.

Cha cũng chia sẻ tâm tình về những nghĩa tử là các linh mục, nam nữ tu sĩ hay giáo dân mà cha đã quan tâm hướng dẫn. Ánh mắt nhìn xa xăm của cha diễn tả tâm tình thương nhớ của ngài hướng về các con thiêng liêng như Sơ Bùi Thị Bông, ông Lê Bá Lẫm, anh Nguyễn Đăng Trúc, chị Bảo thị Sen, chị Lê Thị Kim Loan…mà trên hai thập niên sau những người nầy mới có dịp trao đổi cho nhau những kỷ niệm thân thương về người cha khả kính.

Hiện tại, trong số những nghĩa tử của ngài có người đang sống đời thánh hiến, có người sống đạo giữa đời. Trong bậc thánh hiến có linh mục Thomas Trần Văn Hiệu, hiện là chánh xứ Hòa Do ở Cam Ranh Việt-Nam và nữ tu Bùi thị Bông hiện là Bề Trên Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, Huế.

Khi ở trong dòng, chị Bông đã học hành đỗ đạt bằng cấp y khoa bác sĩ. Vào lễ kỷ niệm 25 năm khấn dòng ngày 8-12-1988 của chị, cha Bửu Hiệp có tham dự, mặc dù hơi mệt và hơn một tuần lễ sau đó ngài qua đời. Trong những năm gần đây, nữ tu bác sĩ Bùi thị Bông đã tích cực cứu trợ nạn nhân bão lụt ở Huế. Gương hy sinh của chị đã được nhiều người lương giáo cảm phục. Hiện chị Bông cùng vài chị khác trong dòng có chuyên môn về y khoa đã lập một phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho dân nghèo tại cố đô Huế.

Những nghĩa tử của cha Bửu Hiệp hiện đang sống giữa đời, có anh giáo sư Nguyễn Đăng Trúc (Pháp), anh Lê Văn Hiếu, chị Bảo thị Sen và chị Lê Thị Kim Loan (Hoa Kỳ).

 

Giáo xứ Phú Lương

 

Kể từ năm 1975, Linh mục Bửu Hiệp quản xứ Họ Phú Bài, Phú Lương, Hương Thủy.  Vào thời kỳ đó (1987), nhà thờ nghèo nàn của cha không có đèn điện. Vào mỗi Thánh lễ lúc 7 giờ chiều, trên bàn thờ chỉ thắp ngọn đèn dầu leo lét và cha con dâng Thánh lễ trong bóng tối mờ ảo.

 

Ban ngày, lúc tờ mờ sáng, vị linh mục già nua ra nhà thờ một mình chầu Thánh Thể. Buổi trưa cha vào nhà thờ đọc kinh Truyền Tin. Khi vắng bóng cha ở trong nhà xứ, người ta tìm gặp cha cầu nguyện ở trong nhà thờ, với quyển Kinh Nhật Tụng hay tràng chuỗi Mân Côi trên tay, thay thế cho giáo dân phải đầu tắt mặt tối quanh năm suốt tháng để kiếm sống.

Trong lần mầng lễ sinh nhật cuối cùng của cha ở Phú Lương, đã có mặt nữ tu Benedicte Công Tằng Tôn Nữ Diệu Khánh, dòng Thánh Phaolồ, nữ tu Raphael Tuyệt Diệu, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng ở Bải Dâu và anh chị Thái Sen. Và đó là lần cuối cùng các nghĩa tử nầy gặp mặt người cha khả kính.

 

Về nhà Cha

 

Chiều ngày 15-12-1988, lúc 18:00, linh mục Bửu Hiệp dâng thánh lễ cuối cùng trong đời ngài tại Giáo xứ Phú Lương. Ngài bị bệnh tim tái phát. Sáng hôm sau, ngày 16-12-1988, ngài được gọi về nhà cha lúc 4:00 giữa lòng Giáo xứ Phú Lương. Hưởng thọ 74 tuổi, sau 43 năm phục vụ Giáo phận Huế.

 

Xác ngài được quàn ở nhà xứ, mặt ngài vẫn hồng hào, đầu đội mũ đen của các linh mục khi chịu chức, chân mang đôi giày đen. Cha Bửu Hiệp có dáng dấp to cao nên ngài nằm đó lộ vẻ oai nghi lắm! Người ta có thể hình dung ra quang cảnh nhà thờ Phú Lương với bóng đèn dầu leo lét…Và cha Bửu Hiệp đã từ giã ra đi như trầm hương ban chiều dâng tiến lên Cha trên trời chính bản thân và cuộc đời linh mục sau những năm dài hoàn toàn phụng sự Thiên Chúa, tận tụy phục vụ Giáo Hội và dân Ngài

Linh cửu của ngài được quàn tại nhà thờ Giáo Xứ cho các con chiên thăm viếng và cầu nguyện, và nhiều Thánh Lễ đồng tế tại đó. Đến ngày 20-12-1988, linh cửu được đưa về quàn tại Nhà Chung Địa Phận. Ngày 21-12-1988, lễ quy lăng được cử hành trọng thể tại Nhà Thờ Chánh Tòa Phủ Cam với sự chủ tế của Đức Giám Mục Giáo Phận và hầu hết các linh mục Địa phận Huế đồng tế và sau đó được an táng tại Nghĩa trang Thiên Thai cùng với các linh mục quá cố. Đặc biệt linh cửu của ngài nằm ngay dưới chân Cha anh là linh mục Bửu Đồng.

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!