PHẦN BA: DÂNG HIẾN VÀ PHỤC VỤ
Sống giữa lòng dân tộc, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, tuy âm thầm nhưng đã phục vụ quê hương dân tộc rất nhiều, qua cuộc đời dâng hiến của các nam nữ tu sĩ bằng chính đời sống thánh hiến của họ hay qua những giáo dân sống Tin Mừng giữa dòng đời.
Các tu sĩ, dù sống đời chiêm niệm trong các tu viện và đan viện hay lăn lộn giữa đời để băng bó vết thương đau, cùng với các giáo dân tự nguyện: tất cả chỉ nhằm mục tiêu phục vụ tha nhân – nhất là những người khổ đau – bằng cách nầy hay cách khác. Những sự phục vụ đó vô số kể. Tôi chỉ ghi lại đây những gì tôi đã tiếp cận trong thời gian hai tháng rưỡi ở Việt Nam mà thôi.
CHƯƠNG XII: NHÀ TRUYỀN THỐNG /VĂN HÓA & ĐỨC TIN
Ngay giữa trung tâm TP Saigon, trong khuôn viên Đại Chủng Viện Thánh Giuse, gần đây xuất hiện một cơ cấu được gọi là “Nhà Truyền Thống Văn Hóa và Đức Tin”. Tôi ghé lại thăm nơi đây hai lần và được một em tiếp tân dẫn đi viếng các phòng ốc. Khi thăm viếng lần thứ hai, trước khi ra về, em trao tặng tôi một bài báo viết về cơ quan đó, nhưng không ghi rõ xuất xứ cũng như tác giả.
Vào ngày 4-12-2005, một công trình rất có ý nghĩa đối với người Công Giáo Việt Nam mang tên là Nhà Truyền Thống /Văn Hóa và Đức Tin (NTT/VH/ĐT) đã được khánh thành tại số 6 Cường Để (tên mới là Tôn Đức Thắng). Đồng cắt băng khánh thành có Đức Hồng Y Crescenzio Sepe – Bộ Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo đến từ Vatican, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn – Tổng Giám Mục Saigon và Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống – Giám Mục Phụ Tá Saigon.
Tòa nhà nầy nằm giữa Đại Chủng Viện Thánh Giuse ở bên trái và Học Viện Mục Vụ ở bên phải. NTT/VH/ĐT gồm ba kiến trúc chính: Nhà Trưng Bày, Nhà Nguyện Cổ và Mộ Phần Vị Sáng Lập là cha Wilbaux. Nhà Trưng Bày (NTB) chính là Chủng Viện Saigon ngày xưa được cha Wilbaux và Hội Thừa Sai Paris xây dựng vào năm 1863. Khu nhà nầy được trùng tu lần cuối vào năm 1960.
Đầu năm 2003, cả ba cơ sở nói trên được trùng tu toàn diện để trở thành NTT/VH/ĐT do sáng kiến của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Công tác trùng tu được trao cho Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, người giữ vai trò chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa và Truyền Thống trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
TIẾT MỘT
CHỨNG TÍCH ĐỨC TIN
Bức phù điêu “Chứng Tích Đức Tin”
Toàn bộ NTT/VH/ĐT rộng 56 mét, dài 192m. Bước vào cổng chính là bức phù điêu mang tên “Chứng Tích Đức Tin”. Đó là sản phẩm tinh thần của điêu khắc gia Phạm Văn Hạng, gồm năm khối đá trắng đặt cạnh nhau. Tảng đá chính giữa tạc Đức Mẹ ôm xác Con Thiên Chúa. Bốn mảng phù điêu đặt hai bên diễn tả những tín hữu VN đang quằn quại trong gông cùm xiềng xích. Điêu Khắc Gia Phạm Văn Hạng đã trải qua nhiều ngày miệt mài cưu mang tác phẩm và nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền đã dùng bàn tay tài hoa của mình đẽo tạc.
Bức phù điêu “Chứng Tích Đức Tin” đã ra đời, thoát lên lời chứng sáng tỏ cho khách hành hương và du khách đến tham quan. Bức phù điêu chọn lối lược nét ấn tượng diễn tả niềm tin sắt son của các tín hữu VN bất chấp mọi khổ hình hay chết chóc. Sau những lần tiếp xúc với Ban Giám Đốc NTT/VH/ĐT, anh Phạm Văn Hạng đã xúc động thổ lộ tâm tình: “Không phải dễ dàng gì tác phẩm của mình được đặt ở nơi trang trọng thế nầy”.
Quang cảnh nơi đặt bức phù điêu
Bức phù điêu nằm cao trên đỉnh đồi cỏ xanh rợp bóng những cây cổ thụ. Dưới đồi là cảnh sắc thiên nhiên “nhân tạo” với hồ ao, thác nước hữu tình. Từ ngoài nhìn vào, bên trái bức phù điêu, cạnh thác Hoành Sơn, giữa vùng cỏ cây hoa lá là quán Càphê Théo (Théologie…), khách tham quan có thể dừng chân vãng cảnh, gặp gỡ nhau trong vòng tròn nhỏ và chuyện trò với nhau dưới bóng một cây si cổ thụ la đà vắt ngang thác nước. Bên phải bức phù điêu là hồ Bánh & Cá. Cả năm chiếc bánh và hai con cá đều bằng đá cuội còn giữ nguyên màu sắc, góc cạnh thiên nhiên, an vị xung quanh bờ hồ.
Ấn tượng về cảnh sắc ở đây có lẽ là những gốc cổ thụ cùng tuổi với Nhà Trưng Bày cổ: tất cả đều trên trăm tuổi. Những cây cổ thụ đó từng chứng kiến bao lớp chủng sinh, bao nhiêu tín hữu đã tới cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, dưới bóng mát của các cành cây cổ thụ nầy. Dọc theo hai hông dãy Nhà Trưng Bày mọc lên những hàng cau với những bụi cau trẻ, vươn cành lá mơm mởn, tỏa hương thơm ngát.
Đối diện núi Đức Mẹ, trước khi bước lên tam cấp, du khách có thể đọc các bia đá khắc tên 117 vị Thánh Tử Đạo VN nằm chững chạc trên lưng những con rùa đá.
Sau khi đi qua nơi trưng bày bức phù điêu “Chứng Tích Đức Tin”, du khách sẽ bước vào “NHÀ TRƯNG BÀY”. Nhà nầy, ngoài Phòng Hướng Dẫn và Lễ Tân, được thiết kế thành hai khu: Khu Về nguồn và Khu Hội Nhập.
TIẾT HAI
KHU VỀ NGUỒN
Khu nầy ở tầng trệt và gồm các phòng sau đây: Phòng Văn Hóa Dân Tộc, Phòng Chứng Tích Đức Tin và Phòng Dấu Ấn Đức Tin.
Phòng Văn Hóa Dân Tộc
Đây là phòng đầu tiên mà nổi bật là bộ sưu tập đèn lớn nhất VN với gần 500 cây đèn cũ và mới từ những cây xuất hiện thời Đồ Đá Cũ đến những cây đèn thời cận đại và hiện đại. Bộ sưu tập được sắp xếp quanh bức phù điêu gỗ rất lớn tạc khuôn mặt Chúa Giêsu đang tỏa sáng, mệnh danh là “Chúa Kitô, Ánh Sáng Muôn Dân”.
Cạnh những cây đèn còn có những bức tranh, tượng thờ, khán thờ, bài vị, những dụng cụ dùng trong các nghi thức tế tự… Tất cả là những vật chứng về bối cảnh tôn giáo tại VN trước khi Kitô Giáo xuất hiện. Rõ nét nhất là dấu vết của Tam Giáo: Phật, Lão, Khổng là ba tôn giáo chính có mặt ở VN từ lâu. Ngoài ra còn có những di vật biểu tượng các sắc thái văn hóa dân tộc từ thời cổ xưa như trống đồng Đông Sơn, nhạc cụ, đồ gia dụng: nồi đồng, cối đá, bình vôi, cơi trầu…
Ở góc cuối phòng có một tam quan thu nhỏ nhưng vẩn đủ mái ngói cong, mái trước, mái hông với cột gỗ tròn sơn son thiếp vàng chạm khắc đầu rồng và tường xây gạch cổ. Tam quan mở ra một bên đón khách và một bên dẫn tới Chúa Kitô, Ánh Sáng Muôn Dân. Rõ ràng cổng tam quan ở đây hình dung con đường hội nhập văn hóa của Giáo Hội VN ngay từ thuở ban đầu lúc mới có mặt.
Phòng Chứng Tích Đức Tin
Đây là phòng kế tiếp Phòng Văn Hóa Dân Tộc. Có thể coi đây là phòng trung tâm đối với các Kitô hữu hành hương. Phòng nầy lưu giữ di tích các Thánh Tử Đạo VN. Những hào quang và những bình gốm chứa đựng di hài các Thánh Tử Đạo được trân trọng đặt trong 10 chiếc tủ kính kê sát hai bên tường.
Các hốc cửa ở một bên được tái cấu trúc thành những chiếc cổng đậm nét Đông phương với mái cong lợp ngói âm dương xanh xậm và góc mái vuốt đầu đao. Mái cong với hai cột trụ hai bên, kết hợp với ô trũng cửa làm nổi bật những bức phù điêu hỗn hợp màu trắng: bốn bức phù điêu ghi khắc bốn hình phạt thời vua quan Triều Nguyễn thường áp dụng cho các “Tín Đồ Gia-tô Tả Đạo”: Bá đao (phân thây), trảm hình (chém đầu), voi dày và thắt cổ. Đối diện, tại bốn ô cửa bên kia là bốn bức vải nhựa vuông vắn ghi nhận bốn mốc điểm thời gian trên con đường hình thành và phát triển của Giáo Hội VN.
Du khách không khỏi ngạc nhiên vì lừng lững ngay giữa nhà một con tàu biển bằng gỗ cũ kỹ mang đầy dấu vết của những chuyến ra khơi trước đó. Kích thước con tàu dài gần gấp đôi chiều ngang của căn phòng. Điều đó cho thấy không tránh khỏi việc phá tường mới đưa được con tàu vào đậu neo giữa Phòng Chứng Tích Đức Tin.
Trên sàn sau của con tàu là ba tủ gỗ quý đóng theo dạng phòng lái tàu. Tủ cao nhất lưu giữ bản sắc chỉ trảm quyết Thánh Phêrô Tùy, thời vua Minh Mạng, in bẳng chữ nôm trên gỗ và tủ kế bên giữ một đoạn của chiếc gông gỗ từng đeo nặng vai Thánh Anrê Dũng Lạc và một chiếc gông sao bản. Ở tủ cuối cùng có hai chiếc cùm chân bằng gỗ (sao bản) với đủ các khóa chốt.
Phía đằng lái tàu là một bức phù điêu bằng gốm phủ gần hết bức tường hông nhà với đề tài Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt-Nam. Bức phù điêu do điêu khắc gia Lữ Thê thực hiện trên gốm những nét chạm truyền thống màu xậm và bố cục chân phương: các Thánh Tử Đạo Việt Nam đứng thẳng, quay mặt ra, quây quần dưới chân Đức Mẹ với áo lụa dài, khăn đóng. Ở đầu phòng bên nầy là bốn bảng đá xanh chạm sâu bản kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ bằng chữ nôm cổ thời nhất và bản dịch Việt Ngữ.
Những khách hành hương tới kính viếng nơi đầy chứng tích đức tin nầy như hành trình về nguồn và cảm nhận như đã với chạm được những tín hữu tổ tiên của mình đã sống và đã chết anh dũng như thế nào!
Phòng Dấu Ấn Đức Tin
Dọc theo chiều dài, phòng nầy nối tiếp Phòng Chứng Tích Đức Tin. Vừa qua ngưỡng cửa, khách thăm viếng bước lên thềm tấm bản đồ lớn: bản đồ địa lý các giáo phận VN, in màu, dài khoảng 8 mét và ngang gần 4m, đặt dưới kính chịu lực, chịu đựng nổi cả đoàn khách bước lên. Mọi đường nét sáng rực dưới ánh điện rọi lên từ dưới mặt sàn.
Khách thăm viếng được mời bưóc lên trên bản đồ và bước đi thăm mọi vùng đất thuộc các giáo phận. Ai bước lên cũng cảm thấy bước chân rụt rè và có cảm giác rờn rợn như nghe tiếng thủy tinh vỡ dưới chân mình, để cuối cùng nhìn nhận tất cả đều có thể vỡ ra, ngoại trừ tình thương.
Tại phòng nầy, mỗi khách thăm viếng như được dẫn về với quá khứ đầy nước mắt nơi pháp trường Bảy Mẫu (Nam Định), Ô Cầu Giấy (Hà Nội), Cổng Chém (Huế), cửa biển Hội An (Quảng Nam)… Đó là những nơi hành hình tập thể các Vị Thánh Tử Đạo. Tất cả đất, cát, nước biển của những địa danh nầy đã được rước về đây như là “chút gì làm tin”, để trở thành dấu ấn cụ thể ngõ hầu mọi người đừng quên những khuôn mặt đã tin yêu đến chết vẫn còn tin yêu, như Chúa Kitô đã quả quyết: “Không ai yêu bạn bằng người liều mình vì bạn”.
Và ai bước vào Phòng Dấu Ấn Đức Tin sẽ không thể thờ ơ với bức tranh ghép gỗ lớn tới mức phủ kín cả ô tường cuối phòng: bức tranh họa màu sắc tự nhiên của những ô gỗ quý, lột tả khá trung thực bức tranh nổi tiếng thế giới của họa sĩ Ruoh. Đặc biệt ngay phía dưới bức tranh là 117 “mộ phần” các Thánh Tử Đạo VN. Đúng ra đây là 117 ô đĩa CD và mỗi đĩa dự tính chứa trong lòng một chút di hài của mỗi Vị Thánh Tử Đạo. (Thực tế đã thu thập được 90 phần di hài). Ai muốn kính viếng vị Thánh nào có thể nhấn nút trên bàn phím, đĩa CD có ghi tên và chứa di hài vị Thánh đó sẽ tự động bật ra cho khách kính viếng.
Phòng Dấu Ấn Đức Tin được dàn dựng chu đáo để khách thăm viếng tự nhiên đồng cảm với nhau và với Thánh Phêrô: “Chúa Kitô là đầu thân thể và mỗi anh em là những chi thể”. Rõ ràng ở đây Giáo Hội được trình bày như nhiệm thể Chúa Kitô, trong đó các Thánh Tử Đạo VN là những chi thể vinh thắng, còn chúng ta là những chi thể đang chiến đấu.
TIẾT BA
KHU HỘI NHẬP
Từ dưới tầng trệt, du khách lên lầu một gọi là Khu Hội Nhập, gồm có 5 phòng: Phòng Nghiên Cứu Mỹ Thuật, Phòng Thư Viện, Phòng Loan Báo Tin Mừng, Phòng Nghệ Thuật Thánh & Phòng Nghệ Thuật Dân Tộc.
Phòng Nghiên Cứu Mỹ Thuật
Lên lầu một, theo chiều kim đồng hồ, khách thăm viếng gặp ngay một gian phòng nhỏ. Đó là Phòng Nghiên Cứu Mỹ Thuật. Có thể nhận ra ngay trong những ô tủ ngăn kính, chồng xếp đầy những sách mỹ thuật cổ kim, đủ khổ, đủ cỡ, đủ thể loại, hứa hẹn cống hiến nhiều cảm hứng mỹ thuật cho các công trình kiến trúc, xây dựng, hội họa, điêu khắc của nền mỹ thuật tôn giáo và mỹ thuật dân tộc đương đại.
Căn phòng nghiên cứu tuy nhỏ, nhưng chắc chắn những công trình nghiên cứu không thể nhỏ. Căn phòng nầy rồi đây sẽ phát đi những lời kêu gọi hợp tác để các tài năng cùng nhau xây đắp nền mỹ thuật đa dạng.
Phòng Thư Viện
Chung vách ngăn với Phòng Nghiên Cứu Mỹ Thuật là Phòng Thư Viện. Có thể nói, thư viện của Nhà Trưng Bày không phải là nơi lưu trữ sách để cung cấp cho người mượn đọc, nhưng là nơi trưng bày sách. Những sách ở đây là chứng từ cho một nền văn hóa Kitô giáo đã phát triển ngay từ những ngày đầu khi các nhà truyền giáo tới Việt Nam.
Trong số những sách báo được lưu giữ và trưng bày tại đây, có khá nhiều cuốn thuộc loại sách quý và cổ, chẳng hạn trọn bộ Nguyệt San Nam Kỳ Địa Phận thuộc thế kỷ trước mà nhiều thư viện muốn có cũng không được, đã đóng bìa cứng và giữ gìn cẩn thận nơi đây. Hơn nữa thư Viện có đủ báo chí tập san của giới Công Giáo cũng như các bản sách chữ Nôm (nguyên bản hay bản sao) thuộc văn chương Công Giáo được lưu giữ trong những bộ tủ kính chuyên dùng trưng bày sách. Ngoài ra dàn tự điển đủ loại trên 500 bộ, trong đó có những bộ xuất bản trên 300 năm trước còn nguyện vẹn cả hình thức lẫn nội dung.
Riêng những bộ sách lễ Roma từ hồi tiền Vatican II cho tới những bộ đã chuyển sang Việt ngữ, mới cũ đều đầy đủ. Về Thánh Kinh bằng tiếng Rađê, Koho, các bản dịch Việt ngữ xuất bản tại miền Bắc, miền Nam không thiếu bộ nào. Nhiều người thích thú để ý tới những cuốn sách kinh, sách bổn được in tại những nhà in Công Giáo xưa nhất như nhà in Tân Định, nhà in Qui Nhơn, nhà in Kẻ Sở cũng không thiếu. Nhiều vị tham quan là thượng cấp của các Giáo Phận đã đứng ngắm nghía say sưa những tập thủ bản huấn đức, những tập soạn bài giảng lễ chép tay hay đánh máy của các chủ chăn thuộc hàng tiên khởi ở Việt Nam như các Đức Cha Nguyễn Bá Tòng, Hồ Ngọc Cẩn, Phạm Ngọc Chi, Simon Hòa Hiền.
Ban Điều Hành cho biết trong tương lai gần tất cả các sách báo quý và cổ thuộc văn chương Công Giáo trong các tủ nầy sẽ được nhân bản cho các nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận nội dung nhưng vẫn tránh cho các nguyên bản khỏi hư hại và thất lạc. Nơi Phòng Thư Viện, du khách hẳn sẽ ngỡ ngàng vì công khó của Giáo Hội Việt Nam đã từ rất lâu góp phần không nhỏ cho cuộc phát triển nền văn hóa dân tộc.
Phòng Loan Báo Tin Mừng
Đối diện Phòng Thư Viện là Phòng Loan Báo Tin Mừng. Bước vào phòng nầy là bước vào giữa một rừng những vật phẩm phụng vụ. Những kiểu áo lễ thời xa xưa, xen lẫn mũ lễ, chén lễ, yên sách, chân nến, bình hương và cả những nhạc cụ truyền thống dùng trong phụng vụ: những bộ bát âm, chiêng trống cồng… Nổi bật là bộ sưu tầm ba quả chuông nam được tạc khắc tinh vi với niên đại trên trăm năm trước. Nhưng bề thế nhất là những bộ kiệu gỗ hai tầng, ba tầng, bộ bát bửu khắc tạc những hình tượng của Đạo Chúa, rực rỡ màu sơn son thiếp vàng chiếm cả phần lớn căn phòng.
Thượng lên tường phủ nền bố màu sậm là hình bán thân của từng vị Giám Mục Việt Nam, xếp theo thời gian thụ phong. Kế tiếp là ba bức hình màu của ba Nhà Thờ Chính Tòa thuộc ba Tổng Giáo Phận Huế, Saigon, Hà Nội. Như thế là cả “Hàng Giáo Phẩm Việt Nam” đều hiện diện ở đây. Phòng trưng bày như muốn nhắc nhở các du khách thăm viếng là đừng quên, dọc theo dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam, các vị chủ chăn nầy đã và đang cùng với anh em giáo dân đổ mồ hôi, sôi nước mắt cho cánh đồng truyền giáo tại quê hương hôm qua, hôm nay và ngày mai nữa “vì Danh Thánh Chúa Giêsu Kitô”!
Phòng Nghệ Thuật Thánh & Phòng Nghệ Thuật Dân Tộc
Đó là hai phòng cuối cùng của Nhà Trưng Bày. Hai phòng nầy có bầu khí mát rượi do hệ điều hòa nhiệt độ được thiết kế để bảo vệ kho tàng những bức tranh quý. Giới chuyên môn đã đánh giá đây đúng là một kho báu về tranh. Kho báu nầy tập trung nhiều họa phẩm của nhiều họa sĩ tiếng tăm, đáng bậc thầy về hội họa VN như Nguyễn Gia Trí, Hoàng Lập Ngôn, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Nguyễn Anh, Trọng Nội, Lê Văn Đệ… Và kho báu cũng góp mặt đủ cả những họa sĩ đàn anh, đàn chị thuở trước và hôm nay.
Những bức tranh ở đây sáng giá không hẳn chỉ vì mang giá trị nghệ thuật cao và được sáng tạo bởi các bàn tay tài hoa nhưng còn vì chuyển tải được dung dạng của Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria và các Thánh, đưa khách thưởng lãm vào huyền đồng, để như được thấy “Đấng vô hình” và cũng chuyên chở được cả những lý tưởng cao cả của Đạo Chúa vào đời sống đạo.
TIẾT BỐN
NHÀ NGUYỆN CỔ & MỘ PHẦN VỊ SÁNG LẬP
Nhà Nguyện Cổ
Hết Nhà Trưng Bày (dài 52,55 mét và rộng 23,4m) là khoảng sân bát ngát nối nhà nầy với Nhà Nguyện Cổ.
Trên khoảng sân có tượng đài Các Thánh Tử Đạo phía phải. Tác phẩm nghệ thuật nầy gồm hình tượng tạc đá của hai thanh niên trẻ đang ghì cột buồm trong gió bão và một thanh niên ngồi trong tư thế giữ lấy tay chèo. Lần giở trang sử Công Giáo Việt Nam, đó chính là Thánh Gẫm và những vị…đi về cửa Thuận An. Đó cũng là hình ảnh giáo dân đang sống đạo giữa đời trên con thuyền Giáo Hội mà hàng giáo phẩm chống chèo trong sóng gió.
Phía bên trái của sân là hình tượng Bó Đuốc Đức Tin. Người vẽ mẫu Đuốc Đức Tin cho biết bó đuốc nầy làm rõ nét cuộc sống của những người Công Giáo Việt Nam: giản dị, chân chất, nhưng niềm tin kiên vững.
Riêng Nhà Nguyện Cổ đã được trùng tu một cách dầy công để không làm mất vẻ cổ kính của kiến trúc nguyên thủy. Khi công trình còn đang dở dang, những phụ nữ đến từ các giáo xứ đã ngồi bệt xuống miệt mài lau chùi nền gạch, vì bên ngoài thợ còn đang xây, đang cưa, đang sơn và bụi tiếp tục đổ trên nền Nhà Nguyện. Những bàn tay vẫn tiếp tục làm việc: nhúng khăn, giặt khăn, lau chùi… Sáng ngày 4-12-2005, cửa Nhà nguyện mở ra đón tiếp Đức Hồng Y Crescenzio Sepe và đoàn thượng khách: mọi người sững sờ trước nền nhà mênh mông sạch bóng.
Mộ Phần Vị Sáng Lập
Phía sau Nhà Nguyện Cổ là Mộ Phần Vị Sáng Lập. Xương cốt Cha Wilbaux nằm tại nơi đây trong ngôi mộ nhỏ. Đức Hồng Y Crescenzio Sepe đã đến cầu nguyện trước mộ phần của Cha Wilbaux trong ngày 4-12-2005.
Bên trái Mộ Phần Vị Sáng Lập có Đài Đức Mẹ Phúc Đức. Đây là tác phẩm nghệ thuật tạc đá xanh. Bức tượng đứng trên đài xi măng cao 1,5 mét. Đức Mẹ mặc áo dài, tóc xõa, trên vai phải có Chúa Hài Đồng. Mẹ và Con trang phục đơn sơ, thật gần với dòng văn hóa Việt Nam.
NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
NTT/VH/ĐT đã chính thức hoạt động. Đức Giám Mục Phụ Tá Giuse Vũ Duy Thống trong tư cách Giám Đốc Trung Tâm Văn Hóa, kiêm Giám Đốc NTT/VH/ĐT đã cho biết: “Nhà Truyền Thống là nơi để bảo tồn, duy trì và giới thiệu những giá trị lịch sử và văn hóa của Công Giáo Việt Nam”.
Thực ra công việc của Đức Cha Giuse đang thực hiện chỉ ở giai đoạn đầu. Nhưng nỗ lực đóng góp và giữ gìn những di tích Tử Đạo, những món đồ cổ giá trị về nghệ thuật tôn giáo và dân gian vẫn còn tiếp tục. Khi được hỏi về điều kiện tài chánh để thực hiện từ trùng tu đến tiếp tục hoạt động, chủ tịch Ban Điều Hành NTT/VN/ĐT là linh mục Giuse Trịnh Tín Ý nhìn xa xôi và nói: “Đã được giúp đỡ rất nhiều, nhưng công việc còn bề bộn, đường còn quá dài”.
NTT/VN/ĐT đang là điểm thu hút và chú ý của nhiều tín hữu Công Giáo ở nước ngoài về Việt-Nam ăn Tết mỗi năm. Đây cũng là nơi rất đông những người yêu chuộng nghệ thuật đến thăm phòng tranh nghệ thuật và sách cổ. Một công trình ý nghĩa như NTT/VN/ĐT đáng được nhiều người biết đến. Một nỗ lực dầy công cho việc chung như thế đáng được nhiều bàn tay đóng góp về vật chất và tinh thần để trở nên một “Thành Phố Trên Nùi”: “Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được” (Mt 5, 14).