Chiều ngày 04/11/2006, tại Nhà Thờ Mai Khôi, số 44 Tú Xương, Q.3, Thành Phố Sàigòn, ban mục vụ chăm sóc người bị bệnh HIV/AIDS của Tổng Giáo Phận Sàigòn đã tổ chức buổi cầu nguyện và Thánh lễ cho các bệnh nhân, cho những anh chị em đang phục vụ và đặc biệt tháng các linh hồn, cầu cho những anh chị em đã qua đời vì căn bệnh thế kỷ. Và đây là lần đầu tiên, một thánh lễ cầu nguyện như thế được tổ chức tại Thành Phố Sàigòn.
TIẾT MỘT : QUANG CẢNH THÁNH LỄ
Thành phần tham dự
Tôi đến lúc 4 giờ chiều, tức 15 phút trước khi Thánh lễ bắt đầu. Trong khuôn viên khá rộng, được bao quanh bởi những bức tường khá cao, những người tham dự đầy ắp: đa số là bệnh nhân, trong số đó, ngoại trừ một ít người lớn tuổi và trẻ em, còn lại là những người trẻ. Lẫn lộn trong số bệnh nhân là những tình nguyện viên gồm giáo dân và tu sĩ – nam cũng như nữ.
Những tiếng nô đùa của những trẻ em làm không khí rộn rã hẳn lên. Người lớn cứ để các em tự do cười nói, la hét. Nếu không biết, người ta cứ tưởng chúng là con cái của những người lớn đang ngồi xung quanh đó. Nhưng thực ra đó là những em bé ở mái ấm Mai Hoà – những bé mồ côi, cha mẹ đã mất vì căn bệnh quái ác của thời đại.
Khuôn viên mỗi lúc trở nên chật hẹp hơn, những anh chị em phục vụ đã mang những chồng ghế cuối cùng chứa trong kho để dành cho mọi người, nhưng vẫn còn nhiều người phải đứng.
Sự hiện diện của anh chị em bệnh nhân của hơn 28 nhóm như: Mai Hoà, Mai Tâm, Mai Anh, Xuân Vinh, Tiếng Vọng, Naza, Thảo Ðàn, Nụ Cười v.v... cũng như của các anh chị thiện nguyện viên, của gia đình thân hữu bệnh nhân còn sống hay qua đời, đã làm cho khuôn viên tu viện Mai Khôi như nhỏ bé lại.
Niềm hy vọng Phục Sinh
Bên cạnh bàn thờ là hai câu Lời Chúa viết thật lớn bằng nét thư pháp mềm mại: "Tôi là sự sống lại và là sự sống, ai tin tôi sẽ không chết đời đời", "Sự sống chỉ thay đổi mà không mất đi" như nhắn nhủ mọi người: Thân xác của tôi cũng như mọi người đều phải theo tiến trình sinh lão bệnh tử. Nhưng nhờ Chúa Kitô Phục Sinh, thân xác này sẽ được sống lại và biến đổi hoàn toàn để mặc lấy vinh quang.
Ðúng 16g15 phút, khi thành phố bắt đầu nhộn nhịp, xe cộ tấp nập trên đường, thì trong khuôn viên tu viện Mai Khôi, cả cộng đoàn cùng cất lên bài ca nhập lễ: "Con hãy nhớ rằng: Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết, Người đã Phục Sinh. Chúa là ơn cứu độ của ta, nguồn vinh quang muôn đời của ta...” Lời ca của mọi người thật hùng hồn sống động và từng lời hát như làm cho mỗi người xác tín hơn vào ơn gọi làm Kitô hữu của mình.
Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Trong lời mở đầu trước thánh lễ, cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp dòng Đa Minh hướng mọi người cầu nguyện cho anh chị em bệnh nhân, vì họ rất cần lời cầu nguyện, cần sự cảm thông nâng đỡ thể xác, tinh thần và sức mạnh tâm linh, đặc biệt là tưởng nhớ những anh chị em bệnh nhân đã về cùng Chúa trước chúng ta. Trong bài giảng, cha chủ tế ngỏ lời với cộng đoàn rằng, đây là lần đầu tiên tổ chức Thánh Lễ cầu nguyện cho những người đã ra đi vì căn bệnh thế kỷ.
Những bộ hài cốt
Hôm nay trước bàn thờ là 6 bộ hài cốt và một di ảnh, nhưng đây chỉ là hình ảnh tượng trưng cho hàng trăm, hàng ngàn người đã chết tức tưởi vì căn bệnh này. Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lời một bài hát đã viết: "người chết nối linh thiêng vào đời". Thường thì người ta cho rằng chết là hết, chết là bi thảm. Nhưng người Kitô hữu biết rằng sự sống thay đổi chứ không biến mất, vì chết là đi về với ông bà tổ tiên, là đi về Nhà Cha.
Trong khi làm công tác thiện nguyện này, các nhóm đã gặp phải nhiều sự từ chối thẳng thừng: nếu có giúp đỡ, chỉ giúp những người cùi, phong... còn AIDS (SIDA) thì không bao giờ. Trong bài giảng, cha Hợp đã làm cho mọi người không còn ấn tượng xấu xa về người mắc bệnh. Họ là những người đáng thương, cần được sự nâng đỡ.
Thiện nguyện viên
Trong các trung tâm, nhiều người ở giai đoạn cuối xin theo đạo. Các anh chị chăm sóc hỏi lại: “Anh có biết đạo gì không mà xin theo?” Anh chị em thiện nguyện nhận được câu trả lời: “Không biết đạo gì, nhưng chắc là đạo Chúa”. Vì trong những lúc con người không còn nơi nào để trông cậy, để bám víu, các anh chị thiện nguyện viên đã hướng dẫn các bệnh nhân kêu cầu lên Chúa.
Anh chị em bệnh nhân cảm nghiệm được rằng trong lúc đau khổ nhất của cuộc đời: gia đình bỏ rơi không màng đến, bạn bè thân hữu chẳng có ai, tương lai mù mịt, không còn nơi nương tựa thì các anh chị em thiện nguyện vẫn sẵn lòng giúp đỡ, không nề hà, đôi khi chính mình có thể mắc phải căn bệnh này nếu lỡ tay vướng vào ống chích dính máu của bệnh nhân... Họ đã xin được làm con của Chúa, và chính Chúa Kitô đã hò hẹn với họ.
Nhóm dự phòng
Một thách đố tương lai cho chúng ta là làm sao càng ít người rơi vào hoàn cảnh của các em càng tốt. Muốn được như vậy, phải có nhóm giáo dục dự phòng, nhóm này gồm các bác sĩ, tâm lý gia, các nhà giáo dục, xã hội học… sẽ cung cấp cho giới trẻ các kỹ năng sống, hướng dẫn các bậc cha mẹ biết cách làm cha làm mẹ. Dự tính năm 2007, nhóm dự phòng chính thức ra đời và bắt đầu hoạt động.
Lạy Cha chúng con
Trong lúc đọc “kinh Lạy Cha”, mọi người được mời gọi nắm tay nhau và cùng đọc. Các tình nguyện viên cảm nhận được sức nóng từ đôi bàn tay thô ráp của các bệnh nhân ngồi kế bên như là lời thì thầm xin cầu nguyện cho họ. Các tình nguyện viên cũng nắm chặt tay các bệnh nhân như là lời nhắn gửi sẽ nhớ đến họ trong lời cầu nguyện hàng ngày. Trong thâm tâm, các thiện nguyện viên đang thiết lập một lời giao ước vô hình. Và có lẽ những người dự lễ cũng có một cảm nghiệm như vậy.
Cảm động hơn hết là khi những bạn trẻ bị bệnh được cả cha lẫn mẹ đưa đi dự lễ. Họ đã yếu, phải ngồi ghế tham dự thánh lễ và trong lúc đọc kinh Lạy Cha, hai bàn tay của họ được cha mẹ nắm chắc, nâng lên cao... còn hình ảnh nào đẹp hơn?
Bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn
Sau thánh lễ, bác sĩ Nguyễn Đăng Phấn, đại diện ban tổ chức nói lên lời tri ân đến quý cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, cha G.B. Phương Ðình Toại, cha Lê Quốc Thăng và quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ các Dòng, quý ân nhân và mọi người tham dự thánh lễ hôm đó.
Ban tổ chức rất vui mừng và ngạc nhiên vì sự hiện diện quá sức tưởng tượng của cộng đoàn. Điều đó cho thấy còn rất nhiều tấm lòng nhân ái bao dung và sẵn sàng cộng tác để giúp đỡ những anh chị em đau yếu vì căn bệnh nầy. Người bệnh cảm thấy được nâng đỡ thật nhiều trong tinh thần và trong sự hiệp thông.
Quà tặng bệnh nhân
Sau thánh lễ, mỗi bệnh nhân được tặng một phần quà, dù chỉ ít ỏi với những tuýp kem đánh răng, những bánh xà bông, những gói mì tôm, những bịch bánh kẹo... nhưng ánh mắt của mọi người như rực sáng hơn, nụ cười như rạng rỡ hơn trên những khuôn mặt gầy gò, hanh hao. Mọi người ra về hoà với dòng người trên đường phố, nhưng không một ai trong chiều hôm ấy lại cảm nghiệm hạnh phúc hơn những bệnh nhân.
Linh mục Robert Vitello
Trên đường về nhà, tôi bước đi chậm rãi và lòng miên man nghĩ ngợi tới căn bệnh quái ác nầy.
Vài ngày sau, tôi được tham dự một buổi nói chuyện của cha Robert Vitello, đại diện Tòa Thánh Vatican tại Unesco, đặc trách về bệnh nhân AIDS. Cha ghé thăm Tổng Giáo Phận Saigon. Nhân dịp nầy, cha đã gặp gỡ và trao đổi với các thiện nguyện viên giáo dân phục vụ bệnh nhân HIV/AIDS. Hôm đó có độ 200 thiện nguyện viên giáo dân tham dự, cùng với vài linh mục và nữ tu, tại Tu Hội các Tiểu Muội ở Thị Nghè.
Theo cha Robert Vitello, số bệnh nhân HIV/AIDS trên thế giới vẫn gia tăng. Đặc biệt Việt Nam là một trong mấy quốc gia có tỷ lệ bệnh nhân HIV/AIDS cao nhất. Tuy nhiên số thiện nguyện viên giúp bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam rất tích cực và năng động nhất. Vì vậy, khi đi thuyết trình bất cứ nơi nào trên thế giới, cha đều đem những thiện nguyện viên Việt Nam làm gương để họ noi theo.
Số người lây lan
Trong những năm gần đây, AIDS – căn bệnh thế kỷ – đang là một thách đố của thế giới và đặc biệt tại những nước nghèo. Theo tổ chức Y Tế Thế Giới, hiện nay trên toàn cầu có 46 triệu người đang sống với HIV/AIDS, trong số đó có 2.9 triệu trẻ em. Trung bình mỗi ngày có trên 12,000 người chết do bệnh AIDS.
Riêng ở Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế (Báo Tuổi Trẻ ngày 27-11-2004) có 86,817 người nhiễm HIV, 13,732 người AIDS, 7,915 người đã chết. Trung bình cứ 75 gia đình thì có một người nhiễm HIV. Ða số người nhiễm bệnh đều rất trẻ (62% ở độ tuổi 20-29). Tốc độ lây lan rất nhanh, gây nguy hiểm cho mọi người, thiệt hại nặng nề cho dân tộc cũng như Giáo hội Việt Nam.
Thao thức của Giáo Hội Việt Nam
Những con số thống kê trên đây đủ làm nhức nhối tâm hồn những người dân Việt. Giáo Hội Việt Nam cùng thao thức với những khắc khoải của thời đại, cùng chia sẻ những khó khăn của những người con đất Việt đang gặp phải và ban mục vụ chăm sóc người bệnh HIV/AIDS của toà Tổng Giám Mục Sàigòn đã hiện diện và cảm thông cùng anh chị em bệnh nhân.
TIẾT HAI
CĂN BỆNH THẾ KỶ HIV/AIDS
Góp ý của Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh
Gần đây, nhân đọc thư của Đức HY Mẫn gửi cha Nguyễn Thái Hợp, OP, nói về vấn đề Giáo Dục ở Việt Nam hiện nay, Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh đã góp ý chia sẻ về vấn đề Y Tế – bệnh nhân nhiễm HIV – vì Bác Sĩ đã học và chữa trị các bệnh nhân nầy từ hơn 10 năm nay. Hiện Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh hành nghề ở Florida, Hoa Kỳ. Bác Sĩ Cảnh mong muốn nhiều độc giả hiểu biết tường tận về căn bệnh quái ác nầy.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Trước đây Bác Sĩ Nguyễn Tiến Cảnh cũng đã góp ý với Trung Tâm Nguyễn Văn Bình, khi cha Nguyễn Thái Hợp thành lập phòng khám bệnh săn sóc bệnh nhân HIV/AIDS. Nay Bác Sĩ Cảnh góp ý thêm, nhân đọc thư của Đức HY Mẫn nói về vấn đề này, khi ngài nêu thắc mắc: “Hợp tác với cách quản lý giáo dục và y tế xem là bệnh hoạn như thế thì được gì, mất gì? Sự hợp tác đó góp phần lành mạnh hóa nền giáo dục và y tế? Hay tạo điều kiện cho cơn bệnh thêm trầm trọng?”
Theo BS Cảnh, mục đích của Y Khoa là CHỮA TRỊ và PHÒNG NGỪA... trong đó Phòng Ngừa giữ một địa vị không kém quan trọng, nhất là đối với những bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS.
Không rõ chương trình chữa trị và phòng ngừa HIV/AIDS của nhà nước VN bây giờ thế nào? Chữa miễn phí hay bệnh nhân phải trả tiền và cách chữa trị như thế nào, có theo đúng nguyên tắc y khoa hiện đại / cập nhật không?
Ngoài ra những cơ sở bác ái của CG hiện đang được điều hành giúp nhà nước như thế nào, có phần chữa trị bệnh nhân bằng thuốc không? Thiết nghĩ – cứ như thực tế hiện nay ở Việt Nam – chúng ta không có khả năng chữa trị miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS đâu.
Lý do không có khả năng chữa trị miễn phí
Chắc ai cũng biết vi trùng HIV là con vi trùng có khả năng di chuyển, truyền từ người này qua người khác bằng nhiều cách khác nhau: qua đường máu, đường sinh dục, kim chích có nhiễm HIV, mẹ truyền từ máu cho thai nhi v.v….
Vi trùng HIV lại rất khôn, có khả năng biến thái vô lường cho thích hợp với hoàn cảnh để sống còn, nghĩa là biến hình đổi dạng (mutation) để tránh không bị thuốc giết. Mỗi lần tránh như vậy là nó có khả năng đề kháng lại thuốc và thuốc không còn khả năng giết nó / làm nó suy yếu được nữa.
Cho đến nay, con vi trùng HIV đã biến đổi rất nhiều, do đó để chữa trị cho có hiệu quả, ta phải dùng những thử nghiệm để khám phá ra dạng thức biến đổi của nó như thế nào mà dùng thuốc cho trúng thì cơ may làm suy yếu / diệt nó mới có hy vọng. Bằng không thì việc chữa trị trở thành mây khói, tốn tiền mà chẳng mang lại lợi ích gì. Ngoài ra những thử nghiệm để biết nó là loại nào và thuốc nào có thể giết được nó cũng rất đắt.
Bệnh nhân một khi đã được chẩn đoán có nhiễm HIV thì phải chữa trị và phải tiếp tục chữa một cách liên tục / không đứt đoạn và đúng nguyên tắc suốt cả đời cho đến khi chết. Nếu ngừng, chữa trị nửa vời thì bệnh sẽ trở lại và còn nguy hiểm hơn.
Khoa trị liệu hiện giờ có mục đích làm giảm số vi trùng HIV trong cơ thể người bệnh xuống thấp nhất có thể được, hầu giúp người bệnh làm việc, sinh hoạt thoải mái và sống cuộc đời an vui hạnh phúc, bản thân bớt lo buồn và không làm phiền hà người khác cùng những người trong gia đình….
Việc chữa trị cho đến chết thì sẽ rất tốn kém, bởi lẽ thuốc chữa HIV rất đắt (không rõ ở Việt Nam hiện nay thuốc chữa HIV có mắc không), các thử nghiệm cũng mắc và phải đi khám bác sĩ thường xuyên, ít nhất 3 tháng một lần, tùy theo bệnh trạng, để được theo dõi.
Vậy vai trò những cơ quan bác ái HIV/AIDS của Công Giáo là phải làm sao để giúp người bệnh khỏi bệnh và những người chưa bị bệnh không bị nhiễm bệnh. Đây là vấn đề lương tâm chức nghiệp của người làm y tế và lương tâm của những người con cái Chúa – người Samaritanô – phải để ý và thực hiện, để vừa giúp người bệnh lẫn người chưa bị bệnh, cả xã hội chúng ta đang sống và toàn thể đất nước, nhân loại nữa được sống an vui hạnh phúc đúng với phẩm giá con người tự do của Chúa. Chúng ta là con cùng một Cha chung ở trên trời.
Những mục tiêu
Các trung tâm phục vụ bệnh nhân HIV / AIDS của Công Giáo nên nhắm NHỮNG MỤC TIÊU dưới đây (ngoại trừ trường hợp chắc chắn có khả năng đầy đủ như tiền thuốc, tiền thử nghiệm, chuyên viên y tế miễn phí cho bệnh nhân đến phút chót cuộc đời của họ…):
a/- Chuyên về PHÒNG NGỪA, nghĩa là cổ động, truyền bá, tuyên truyền dưới mọi hình thức giáo dục các phương pháp giúp cho người dân, nhất là dân ghiền xì ke ma túy, gái ăn sương / đĩ diếm…..biết sự nguy hiểm của bệnh mà xa lánh và khi đã nhiễm bệnh thì phải làm gì, không được làm gì….
b/- Nếu có khả năng, cảm thấy có thể đương đầu, chịu đựng được (có đủ nhân viên y tế, phương tiện chẩn đoán…) thì đặc trách thêm khám bệnh và làm thử nghiệm xem người bệnh có nhiễm HIV không.
c/- Khi biết một người đã nhiễm HIV thì cắt nghĩa cho họ hiểu biết tường tận về con vi trùng HIV phát sinh và cách thức sinh sản, lan truyền cho người khác, phát triển / biến thái cùng cách thức chữa trị nó v.v….
d/- Chẳng lẽ khi đã biết một người bị nhiễm HIV mà ta bỏ lơ không chữa trị sao? Đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ:
*- Cũng phải cắt nghĩa cho người bệnh hiểu lý do không thể chữa trị được vì khả năng vật chất….
*- Chuyển người bệnh đến cơ quan nào của nhà nước có khả năng chữa miễn phí để họ giúp bệnh nhân.
*- Nếu ta không có khả năng chữa miễn phí, (không đủ thuốc chữa họ cho đến cùng, với những thử nghiệm và bác sĩ theo dõi bệnh…) thì đừng nên chữa. Cho vài viên thuốc để làm vừa lòng bệnh nhân hay để tự an ủi mình….thì đó không phải là làm bác ái, không làm đúng lương tâm chức nghiệp chuyên môn…., trái lại chúng ta đã gieo độc thêm cho bệnh nhân và xã hội.
Nếu chữa không đúng thuốc, không đúng cách, (chưa nói đến việc bệnh nhân có tuân theo lời bác sĩ dặn uống thuốc thật đúng cách không…) thì chỉ tốn tiền vô ích mà còn làm tình trạng bệnh trở nên khó khăn trầm trọng hơn, chưa nói đến con vi trùng đã biến dạng và nhờn thuốc này được truyền qua người khác thì nó sẽ trở thành một cái ổ mới HIV nguy hiểm, ngoan cố hơn nữa. Cứ thế mà lan truyền – nếu bệnh nhân nào cũng được chữa trị cẩu thả, qua loa cho có vẻ chữa mà thôi để gọi là làm việc “bác ái” để được yên tâm – thì nguy hiểm lắm đó.
*- Nếu có khả năng (đủ tiền, đủ thuốc chữa miễn phí cho bệnh nhân đến suốt đời) thì mới nên bắt tay vào việc chữa trị bằng thuốc và phải chữa trị đúng nguyên tắc y khoa hiện đại và phải theo dõi bệnh nhân đúng hạn kỳ. Cũng nên nhắc lại là cách chữa HIV bằng thuốc hiện nay ở Hoa Kỳ và những nước tiền tiến thay đổi rất nhanh, có thể là từng ngày, vì các chuyên viên theo dõi rất kỹ, sát nút con vi trùng HIV biến dạng và các viện bào chế thuốc cũng thường xuyên sản xuất thuốc mới cho nhu cầu bệnh nhân và sự đề kháng của con vi trùng HIV.
*- Nói tóm lại, chữa trị bệnh nhân nhiễm HIV có MỤC ĐÍCH:
-Làm thuyên giảm bệnh trạng (morbidity) và giảm thiểu số tử vong
-Cải tiến giá trị cuộc sống của bệnh nhân (Quality of life)
-Phục hồi và bảo vệ chức năng miễn nhiễm của cơ thể bệnh nhân
-Giảm thiểu tối đa số lượng vi trùng HIV trong cơ thể và kéo dài tình trạng này càng lâu càng tốt.
Bốn mục đích trên đều liên đới hỗ trợ cho nhau. Chúng ta nên tùy hoàn cảnh, tâm tư của bệnh nhân mà biến hóa sự giúp đỡ của chúng ta để cố gắng đạt những tiêu chuẩn trên. Với địa vị và hoàn cảnh của chúng ta, thiết nghĩ chúng ta nên đặt trọng tâm vào vấn đề tâm lý và bệnh lý HIV. Đến đây, nó lại liên quan đến vấn đề giáo dục bệnh nhân. Để làm việc này, chúng ta phải có những tình nguyện viên được huấn luyện tường tận về bệnh HIV.
*- Thực tế và để phù hợp với hoàn cảnh / địa vị của chúng ta hiện nay và hợp với tinh thần của Mẹ Têrêsa Calcutta, là các trung tâm bác ái HIV/AIDS của chúng ta nên chú trọng đến “Y Khoa Phong Ngừa” và “noi gương Mẹ Têrêsa Calcutta”.
Y Khoa Phòng Ngừa
Dạy cho dân chúng, người bệnh biết cách phòng ngừa bệnh; nếu bị bệnh thì phải chữa trị ra sao và sự nguy hại của bệnh thế nào cho cá nhân, gia đình, xã hội và đất nước cùng toàn thể nhân loại. (In các truyền đơn nói về bệnh HIV/AIDS, cơ chế của bệnh, cách bệnh lan truyền và cách phòng ngừa bệnh…phát miễn phí cho người dân), nghĩa là giúp cho họ ý thức được sự quan trọng và nguy hiểm của vi trùng HIV.
Làm được công tác phòng ngừa này đầy đủ và có hiệu quả cũng là tốt lắm rồi, cũng tốn nhiều tiền lắm rồi. Chúng ta đã góp phần rất lớn trong việc phục vụ tha nhân và đất nước, ghé vai gánh đỡ gánh nặng cho nhà nước nhiều lắm đấy. Chúng ta đã áp dụng châm ngôn: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Giáo dục bệnh nhân nhiễm HIV
Khi một người bị nhiễm HIV, vấn đề tâm lý xã hội, gia đình, học đường rất là phiền toái.
Trước tiên ta nên giữ kín cho bệnh nhân, đừng nói hay tỏ lộ cho người ngoài biết là họ bị nhiễm HIV, dĩ nhiên vợ con hay người nhà và cơ quan đặc trách HIV của nhà nước (theo luật) thì phải được biết. Cho người nhà biết không có nghĩa là để cho họ xa lánh hắt hủi người bệnh, trái lại để họ giúp đỡ, an ủi, nâng đỡ người bệnh cả về tinh thần lẫn vật chất.
Cả người nhà lẫn bệnh nhân cần phải biết và hiểu rõ bệnh trạng HIV, cách thức phòng ngừa, sự nguy hiểm của bệnh, cách chữa trị cũng như cách lan truyền của vi trùng HIV. Một khi họ hiểu rõ bệnh trạng thì sự tương giao giúp đỡ nhau sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn, tránh những đồn đãi sai lầm về bệnh HIV có thể làm cho tình trạng người bệnh trở thành nan giải hơn.
Đối với trẻ con bị nhiễm HIV đi học ở nhà trường thì lại có vấn đề khác nữa. Học sinh, cô thầy cũng cần phải biết rõ vấn đề để mà giúp đỡ trẻ bị nhiễm HIV.
Tóm lại vấn đề giáo dục quần chúng về ý thức y tế nói chung, về HIV nói riêng cần phải được quảng bá rộng rãi trong dân chúng. Dĩ nhiên đây không phải là bổn phận của chúng ta, mà là công tác của nhà nước. Phải chăng đây là những ưu tư hay bổn phận của người Công giáo, của cơ quan bác ái phục vụ bệnh nhân HIV/AIDS của chúng ta?
Săn sóc bệnh nhân ở thời kỳ cuối cùng: NÊN NOI GƯƠNG MẸ TÊRÊSA CALCUTTA
*- Tiếp nhận vào trung tâm những bệnh nhân AIDS ở thời kỳ cuối cùng, lúc sắp lìa đời, bị gia đình và xã hội ruồng bỏ để săn sóc thể xác, an ủi, nâng đỡ tinh thần họ, giúp họ thoải mái tâm hồn, dễ chịu thể xác, chấp nhận giờ phút Chúa gọi, để họ được chết một cách đúng phẩm giá của con người là con Thiên Chúa, hình ảnh Chúa Kitô như Mẹ Têrêsa đã làm.
*- Tôi không biết rõ các trung tâm phục vụ bệnh nhân HIV/AIDS của Công Giáo hiện nay sinh hoạt thế nào, nhưng được biết qua một bài viết của một linh mục ở hải ngoại về VN đến thăm trung tâm của các sơ bác ái ở Củ Chi mà lòng bùi ngùi cảm thương. Các Sơ Bác Ái đã làm đúng tinh thần của mẹ Têrêsa Calcuta, giúp bệnh nhân chết an bình đúng phẩm giá con người của Chúa.
*- Trong bài viết tả cảnh sinh hoạt của trung tâm Bác Ái Củ Chi, vị linh mục đó viết như sau: Cứ lâu lâu hoặc vô tình ra ngoài cổng – một sơ kể lại – thì lại thấy một bệnh nhân AIDS sắp lìa đời được xe nhà nước chở đến vất ở cổng. Sơ liền mang người bệnh vô nhà, tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ, cho ăn uống no nê và nghỉ ngơi, an ủi họ…Một hai ngày sau, người bệnh xấu số đó trút hơi thở cuối cùng lìa đời trong vòng tay cứu độ nhân từ của Chúa.
Trân trọng góp ý
Bs. Nguyễn Tiến Cảnh
Pace Island , Florida 24-7-2007
Địa chỉ email: Fxavvy@aol.com