Hai ngày sau đó, chúng tôi đi tham quan thành phố Sa Pa. Khởi đầu, lúc chiều tối, chúng tôi lên xe lửa từ Hà Nội và ngủ đêm trên tàu cho đến sáng sớm hôm sau thì đến thành phố Lào Cai. Đi xe lửa có phần vất vả vì xe chưa được tối tân hóa như ở Âu Mỹ, các tiện nghi rất còn thô sơ. Sau đó, chúng tôi đi xe buýt trên một giờ đồng hồ và xe phải chạy lên dốc xuống ghềnh, để đến thành phố Sa Pa.
Lượt về, khi đến thành Phố Lào Cai lúc xế trưa, trong khi chờ đợi lên xe lửa về lại Hà Nội, chúng tôi được dịp đi tham quan biên giới Việt Hoa. Chúng tôi mong ước được đi thăm Ải Nam Quan, nhưng anh hướng dẫn viên cho biết Ải đó thuộc tỉnh Cao Bằng và hiện nay nằm trong nội địa Trung Quốc.
Nếu Vịnh Hạ-long là thắng cảnh thuộc miền biển thì Sa Pa là thành phố thơ mộng nghỉ mát ở miền núi. Đó là sự quân bình hài hòa về địa lý, giữa biển và núi.
Địa thế Sa Pa
Thị trấn Sa Pa thuộc tỉnh Lào Cai – một tỉnh vùng biên giới Việt Hoa. Sa Pa là một địa danh du lịch xinh đẹp và thơ mộng nằm trên độ cao 1.600m so với mặt biển, cách Hà Nội 370cs và cách thành phố Lào Cai 38cs.
Nhiệt độ trung bình trong năm từ 15 đến 18 độ C. Chúng tôi đến Sa Pa vào mùa thu nên khí hậu dễ chịu. Tuy nhiên, vào mùa hè, khí hậu Sa Pa cũng dịu mát hơn những nơi khác. Vào một ngày mùa hạ, thời tiết ở Sa Pa có bốn mùa: sáng là mùa xuân, trưa mùa hè, chiều mùa thu và đêm là mùa đông. Về mùa đông, thường có mây mù bao phủ và rất lạnh, nhiệt độ đôi khi xuống dưới 0 độ C, có năm tuyết rơi.
Ở trung tâm thị trấn, xen giữa các vườn đào và những hàng samu xanh ngát là những biệt thự cổ kính bên cạnh những công trình hiện đại, màu sắc xinh xắn, hình khối đa dạng, khi ẩn khi hiện, lúc trên cao lúc dưới thấp, ở hai bên đường phố, làm cho thị trấn có vẻ đẹp riêng, đầy quyến rũ, như một đô thị nho nhỏ của châu Âu.
Từ thị trấn Sa Pa nhìn sang phía tây là dãy Hoàng Liên Sơn xanh thẫm, trên đó có đỉnh núi Phan Xi Păng cao 3.143m, bốn mùa mây phủ. Ngoài ra Sa Pa còn có nhiều cảnh đẹp tự nhiên hay nhân tạo như những địa danh du lịch núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây, các bản dân tộc, hang Tả Phìn…
Nhờ khí hậu Sa Pa trong lành, mùa hè luôn dịu mát là điều kiện thuận tiện trồng các loại rau ôn đới như bắp cải, su hào, su su…, nhiều cây dược liệu, gia vị quý như thảo quả và nhiều cây ăn quả như đào, mận, lê…
Dãy Hoàng Liên Sơn
Khi đến Sa Pa, vào chiều ngày hôm đó, chúng tôi đi tham quan dãy Hoàng Liên Sơn với nhiều đỉnh núi cao, tổng cộng chiều dài là 280cs, từ Phong Thổ đến địa phận Hòa Bình. Chiều ngang ở chân núi, nơi rộng nhất là 75cs và hẹp nhất là 45cs. Nhiều du khách muốn chinh phục đỉnh Phan Xi Păng ở cao độ 3.143m.
Dưới chân núi Phan Xi Păng là quần thể những cây bản địa: thảo quả, gạo, mít, cơi…mọc khá dày. Tiếp đó là những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Nhóm cây họ là kim như: pơmu, lãnh sam, thiết sam, liễu sam, kim sang, thông đỏ, hoàng đàn…
Núi Hàm Rồng
Chúng tôi chỉ có dịp tham quan núi Hàm Rồng mà thôi. Núi nầy cao gần 2.000m, so với mặt biển, nằm ở trung tâm thị trấn Sa Pa.
Anh hướng dẫn viên cho biết sự tích núi Hàm Rồng như sau: từ xa xưa các con vật đều sống hỗn độn. Một hôm Ngọc Hoàng Thượng Đế ban lệnh tất cả các loài vật hãy tự xác lập địa phận của riêng mình. Chúng tranh nhau tìm chỗ trú ngụ.
Lúc nầy ba anh em nhà Rồng đang sống trong một hồ lớn, nghe tin vội chạy sang hướng đông thì đã hết chỗ, chúng bèn chạy sang hướng tây. Hai người anh chạy nhanh hơn nên ở đó chờ người em. Người em chạy chậm, lạc vào đám đông toàn sư tử, hổ báo, sợ quá, rùng mình co người, há mồm để tự vệ. Vừa lúc đó lời ban của Ngọc Hoàng hết thời hạn.
Thế là hai người anh nhà Rồng hoá thành đá quay về hướng Lào Cai, còn người em út hoá đá trong tư thế đầu ngẩng cao, mồm há to, nhe răng hướng về dãy Hoàng Liên Sơn. Từ đó có tên “Hàm Rồng”.
Thác Bạc
Sau núi Hàm Rồng, chúng tôi đi xem Thác Bạc. Thác nầy nằm bên quốc lộ 4D, cách thị trấn Sa Pa khoảng 12cs trên đường đèo vắt qua dãy Hoàng Liên Sơn nên rất thuận tiện cho du khách đến dừng chân tham quan.
Từ trên khe núi cao, dòng nước ầm ầm đổ xuống thành những dải trắng bạc, bọt tung trắng xoá, có lẽ vì thế mà có tên “Thác Bạc”. Khi còn xa xa, đã nghe tiếng thác đổ ào ào, âm thanh vọng lại từ vách núi càng tăng thêm cảm giác hoang dã và huyền bí.
Du khách
Tuy ở vị thế xa xôi, hoang dã, nhưng thị trấn nho nhỏ Sa Pa đã thu hút rất nhiều du khách ngoại quốc. Người Pháp đến đây rất đông để tìm lại những vết tích thuộc địa của một thời xa xưa, đồng thời hít thở chút khí hậu mát mẻ của miền rừng núi Bắc Việt phần nào giống như khí hậu ở Pháp. Người Mỹ thích cảnh hoang dã nên họ đến đây rất đông để đi vào các làng mạc người sắc tộc, quan sát nếp sống của họ.
Trên các nẻo phố Sa Pa, những em nhỏ người sắc tộc – vừa trai vừa gái – chạy theo những du khách ngoại quốc để xin tiền với những câu tiếng Anh bập bẹ, nhưng đa dạng, chứ không đơn thuần “OK! Salem!” như trước 1975. Nhưng cũng có một số em sắc tộc lớn tuổi hơn, nói tiếng Anh thành thạo, đã hướng dẫn những du khách ngoại quốc đi thăm các vùng sinh sống của cư dân bản địa, để được tiền thưởng.
Du khách Việt Nam đến đây, ngoài việc khám phá những phong tục độc đáo trong cuộc sống của cư dân địa phương, ở các thôn bản, như các du khách ngoại quốc khác, người Việt còn thích thú tắm nước lá Sa Pa, giúp bồi bổ sinh lực mà hình như chỉ có ở thị trấn Sa Pa mà thôi.