Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Nhà Văn Hương Vĩnh
  Mục Lục
Lời nói đầu
Chương I: Yêu thương kẻ thù (Matthêu 5, 38-48)
Chương II: Bài giảng trên núi: Những mối Phúc Thật (Matthêu 5, 1-10)
Phần thảo luận (I)
Chương III: Bình đẳng (Mac-cô 3, 31-35)
Chương IV: Nước Trời (Mac-cô 4,26-34)
Phần thảo luận (II)
Chương V: Sự Hiển Dung (Luca 9, 28-36)
Chương VI: Sứ vụ Tông Đồ (Luca 9, 2-6)
Phần thảo luận (III)
Chương VII: Đức Tin (Gioan 12, 44-50)
Chương VIII: Sự Phục Sinh (Gioan 20, 10-18)
Phần thảo luận (IV)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

ĐỨC ĐẠT-LAI-LẠT-MA NÓI CHUYỆN VỀ CHÚA GIÊSU

LỜI DỊCH GIẢ

 Từ đầu thu 1994 - tính đến nay hơn một thập niên - Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã được Cộng Đồng Chiêm Niệm Kitô Giáo Thế Giới mời chủ tọa cuộc hội thảo hằng năm được tổ chức ở Luân Đôn với đề tài “ĐỨC TỪ TÂM” (The Good Heart), xoay chung quanh những tiết mục được trích dẫn từ tám đoạn Phúc Âm. 

Những lời bình giải của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma cũng như những điều trao đổi giữa ngài với các tham dự viên đã trở nên mẫu mực cho những cuộc đối thoại liên tôn - đặc biệt giữa hai tôn giáo lớn là Kitô giáo và Phật giáo. 

Trong những năm gần đây, có những cuộc trao đổi trực tiếp hay gián tiếp giữa những cá nhân hoặc tập thể của những tín đồ thuộc hai tôn giáo đó, nhưng thường khi trở nên gay gắt và còn mang tính cách miệt thị nhau nữa. Điều đó hoàn toàn đi ra ngoài cương lĩnh đạo giáo. 

Ước mong những tâm tư phát biểu đầy khoan dung và tương kính của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma – một vị cao tăng được các Phật tử xung tụng là “Thánh Tăng” và được thế giới kính trọng – sẽ có một âm hưởng lớn lao trong tâm thức tín đồ của hai tôn giáo lớn đó, mỗi khi họ muốn dấn thân trên hành trình đối thoại. 

Chúng tôi dựa theo bản tiếng Pháp “Le Dalai-Lama parle de Jésus” dịch từ bản tiếng Anh “The Good Heart” của “Cộng Đồng Chiêm niệm Kitô Giáo Thế Giới” (The World Community of Christian Meditation) để lược dịch ra tiếng Việt dưới nhan đề “ĐỨC ĐẠT-LAI-LẠT-MA NÓI CHUYỆN VỀ CHÚA GIÊSU”. 

Tám đoạn Phúc Âm trích dẫn ở đây được lấy từ cuốn “Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước” do Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Saigon, Việt-Nam, thực hiện năm 1998. 

Chúng tôi xin chân thành cám ơn Giáo Sư Như Hạnh – giáo sư môn Phật học Đại Học Harvard ở Boston Hoa-Kỳ - đã giúp chúng tôi chuyển dịch hầu hết những từ Phật học bằng Phạn ngữ ra Việt ngữ. 

Chúng tôi cũng xin hết lòng cám ơn một bạn đạo Phật tử ẩn danh – một người hơn nửa đời nghiên cứu và thực hành Phật đạo cũng như thiền định – đã đọc lại bản thảo và bổ túc một số điểm thiếu sót. 

Hè 2005

Hương Vĩnh 

LỜI GIỚI THIỆU 

 Một tiếng nói được cất lên. Lời nói của ngài thuộc một truyền thống tâm linh - đó là “Phật Pháp” (Dharma) - do Đức Phật truyền dạy trên hơn hai thiên niên kỷ. 

Những tín hữu của Đức Kitô quây quần xung quanh ngài. Họ đã mời ngài đọc và dẫn giải “Tin Mừng”, tức “Phúc Âm của Chúa Giêsu”. 

Ở giữa họ đã nảy sinh một cuộc đối thoại và còn hơn thế nữa: đó là một thời điểm ân ban mà sự hợp nhất có tính cách cơ bản của nhân loại được củng cố và gắn chặt, bằng ngôn từ cũng như bằng thinh lặng. 

Không có vấn đề tẩy xóa hay che lấp những dị biệt, trái lại được làm sáng tỏ, vì họ biết rằng, qua những dị biệt đó, những điểm hội tụ mới, tức những điểm bổ sung bắt đầu ló rạng. 

“Con bò vẫn là con bò và con cừu phải giữ cái đầu cừu”, như một câu châm ngôn của Tây Tạng mà Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhắc nhở. Nhưng muốn phong phú hóa sự khác biệt, truy tầm sự nhất tính ở giữa cái đa dạng, phác họa một “kỷ nguyên Tinh Thần” xa hẳn những nơi công cộng, óc bè phái hay sự kiểu cách, cùng chung vạch ra những lối mòn xa xưa trên hành trình truy nội, đồng thời không khước từ thế giới tân kỳ, thế giới hiện thực, phải chăng đó chỉ là sự điên rồ? Có thể như thế. 

Nhưng phép lạ đã bắt đầu hình thành, phép lạ của sự giản dị và tính trung thực lướt thắng mọi trở ngại, dù có người quan tâm hay có người do dự. Sản phẩm của phép lạ đó chứng tỏ cho chúng ta thấy sự hiện hữu của tính cách tương phản tuyệt đối giữa những người bảo thủ nguyên vẹn và những người mới cải đạo; một xứ sở mà sự tổng quát hóa không muốn biến thành đồng nhất và những căn tính cho dù bị đe dọa trầm trọng đến đâu vẫn không chấp nhận việc dùng bạo lực như là một phương cách để được sinh tồn. 

Đề tài nầy nhắm trước tiên vào những Kitô hữu và những Phật tử. Tinh thần cuộc gặp gỡ ở Assissi kể từ năm 1986 đã đưa ra một mẫu mực và đây là phương thức áp dụng. 

Nói rõ ràng hơn: sau hai mươi thế kỷ giao hảo tồi tệ khiến chúng ta nhớ lại những điều sai trái và hiểu lầm đối với Phật giáo đã thắng thế từ Rubrouck cho đến thời gian rất gần đây thôi. Người ta sẽ đình chỉ mọi phán đoán tiên thiên, mọi định kiến sẵn có để đọc chung một văn bản nòng cốt là “Phúc Âm”.  

Người ta không để ý mấy đến sử tính của các sứ giả cho bằng hoàn toàn chú tâm đến sứ điệp. Không phải không lợi ích để truy tầm trong lịch sử những tàn tích và dư âm mà những ngôn từ của “Như Lai” (Tathagata) đã khơi dậy trên miền đất Palestine nơi Chúa Giêsu sinh ra sau nầy và nói một cách tổng quát hơn ở vùng Địa-Trung-Hải thuộc Hy-Lạp và La-Mã. 

Những người trẻ tuổi chuyên nghiên cứu lịch sử hay triết học đang bắt tay vào việc. Đó cũng là một việc làm cấp bách khác. Cũng hơi giống dụ ngôn Đức Phật đã dùng, khi đề cập đến một người bị trúng mũi tên ngả lăn ra. Chúng ta sẽ truy tầm danh tánh người xạ thủ? Danh tánh người sản xuất cung tên? Phẩm chất gỗ làm thành mũi tên? Không phải đâu. Chúng ta phải tức tốc kiếm tìm môn thuốc chữa trị vết thương người bị trúng tên. 

Chính đó là điều mà chúng ta có thể nói rằng Kitô hữu và Phật tử gặp gỡ nhau. 

Ở giữa Đấng Cứu Thế đã đến làm vơi đi gánh nặng của nhân loại bằng cách tha thứ mọi tội lỗi của kiếp nhân sinh và Đấng Đại Giác huấn dụ “Tứ Diệu Đế” và “Bát Chánh Đạo” để giúp thoát khỏi vòng khổ đau, ít nhất người ta đã nhận ra một cộng đồng hảo ý nào đó. 

Rõ ràng hơn khi Chúa Giêsu – một người có năng lực phi thường – làm cho kẻ tê liệt chổi dậy hay chữa lành người phong hủi, Ngài chẳng nói với họ “hãy về đi, mọi tội lỗi của bạn đã được tha thứ” sao? 

Nói cách khác: Nầy đây bạn được tái trang bị thần trí tuyệt đối thuần khiết từ khởi thủy, xác thân bạn làm chứng điều đó. Niềm tin ở sự thuần khiết và tự do khởi thủy đó của thần trí là nền tảng của mọi thiền quán Phật giáo. Nhiều Kitô hữu chia sẻ điều đó. 

Cha Thomas Merton - một ẩn sĩ - đã quả quyết: “Ở trong nội tâm con người chúng ta có một nơi chỉ toàn ánh sáng thuần khiết, một nơi mà tội lỗi hay sự hư ảo không thể lui tới được.” 

Độc giả chắc chắn sẽ nhận thấy một cách khẩn khoản rằng Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và các người đối thoại đã chú tâm so sánh một lần nữa nhưng không lẫn lộn, “tia sáng thần linh” đó đang ngự trị trong mỗi sinh vật, ít nhất là đối với những ai quả quyết mình là con cái của một Thượng Đế Sáng Tạo; và “tia sáng tỉnh thức” đó –  tức“giác tánh” (bodhi) đối với các Phật tử -  đều hiện diện nơi mọi sinh vật. 

Bởi đó, nếu chúng ta phải đồng hành trong việc truy tầm Thần Linh, như chúng ta đã biết, việc đọc các văn bản cũng như các chú giải không mang lại một giải đáp trọn vẹn. 

Ấn tín của thần linh ở trong nội tâm thầm kín và sâu thẳm của mỗi cá nhân. Chỉ có thể đạt tới đó bằng “chiêm niệm” mà thôi. 

Rõ ràng Đức Phật Thích Ca cũng như Chúa Kitô, không ai viết lách gì hết; các Ngài trao lại cho các đệ tử trọng trách truyền đạt cho hậu thế sứ điệp như họ đã nhận lãnh. Do đó đến lượt chúng ta, chúng ta phải truy tầm sứ điệp ở nơi chúng ta: ở bên trong lẫn bên ngoài văn bản.  

Giới hạn đối với “Thần Ngôn” (Logos), cho dù có tính cách thần học, mà Kitô hữu chấp nhận sự hiện hữu - bởi vì “Ngôi Lời” đã mặc lấy xác thịt - điều mà người ta gọi là huyền bí, xem ra là một trong những bài học trọng đại của cuộc hội ngộ nầy. Khả năng đánh thức “cái gì đó bên kia ngôn từ” hiển nhiên là một thành phần trong toàn bộ rạng rỡ linh thiêng mà các minh sư đã đạt thành. 

Với rất nhiều khiêm tốn, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma quả quyết ngài học hỏi rất ít nên không thông hiểu Kitô giáo bao nhiêu, cho dù ngài đã gặp gỡ các Kitô hữu nhiều lần trong thập niên trở lại đây. Tuy nhiên người ta thấy ngài đi thẳng vào luận lý của Phúc Âm mà không chút ngại ngùng giả tạo, như thể ngài rất thân quen với những lời nói của Chúa Giêsu và ngôn ngữ của những dụ ngôn đối với ngài không có gì bí hiểm cả.  

Sự dễ dàng đó đánh động thính giả hiện diện một cách mãnh liệt và thật ra đã báo trước rõ rệt ý hướng chung nhằm thúc đẩy những người muốn thực hành một linh đạo chân chính đích thực. Sự tha giác rõ ràng mang lại ở đây điều mà thần ngôn gợi lại trên kia đôi khi có thể bị quên lãng trong bóng tối. 

Đối với tôi là người không tham gia cuộc hội thảo nhưng khi nhớ lại đã trải qua nhiều giờ để nghe vị minh sư Tây-Tạng đó thì tài liệu nầy là một sự hứng khởi thích thú trong sinh hoạt tâm linh. Chiêm niệm là hành động và hành động đôi khi chính là chiêm niệm. Chưa bao giờ điều đó xem ra minh bạch hơn như ở đây. Cũng như xuất thế đôi khi là con đường nhanh nhất và cần thiết nhất để nhập thế, với đầy đủ ý nghĩa, quân bình và thú vị. 

Ý kiến đi hành hương chung ở những nơi nổi tiếng, cũng là một ý kiến hoàn toàn hứng khởi, chỉ có thể đến từ một người con của xứ du mục là Tây-Tạng mà những người đi hành hương đôi khi gập trán xuống đất sau mỗi bước đi. 

Vùng đất của Thần Linh tự do đó ngày nay đã bị héo úa, chiếm đoạt và bị ngột ngạt bởi những “chiến dịch cải tạo” điều khiển bởi những ủy viên Trung Cộng không dung tha sự tự do lương tâm cũng như niềm xác tín vào căn tính Tây-Tạng. 

Nước Tây-Tạng đó với dân cư Tây-Tạng cần sự ủng hộ của chúng ta, Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma đã nhắc nhỡ một cách kín đáo. Ngài còn nói thêm, giá trị tinh thần của ngài nếu tồn tại qua bao hăm dọa thử thách thì sẽ hữu ích không những cho người Tây-Tạng mà thôi “mà còn đóng góp lớn lao cho sự an sinh của dân tộc Trung-Hoa nữa”. “Hãy yêu kẻ thù anh em, hãy cầu nguyện cho những ai bạc đãi và bắt bớ anh em”, Chúa Kitô đã nói như thế (Mat-Thêu 5, 43-48). 

Bên kia sự thực tập đượm tính cách ngoạn mục và thời trang mà ngài cống hiến, chính chúng ta phải đóng góp một cách vui say và yêu đời vào việc thực hành trong cuộc sống chúng ta những điều mà tài liệu nầy sẽ cống hiến. 

Phỏng theo Jean-Paul RIBES

Chủ tịch Ủy-Ban hỗ trợ nhân dân Tây-Tạng tại Pháp

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh


Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!