Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
Nhà Văn Hương Vĩnh
  Mục Lục
Lời Giới Thiệu - Dẫn Nhập
Chương I: Ơn Gọi
Chương II: Hoạt động Giám Mục
Chương III: Cam kết khoa học và mục vụ
Chương IV: Tình phụ tử của Giám Mục
Chương V: Tập thể tính Giám Mục
Chương VI: Thiên Chúa và lòng can đảm

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO! TỰ THUẬT CỦA ĐGH GIOAN PHAOLÔ II.

Lời Dịch Giả

LÊNH ĐÊNH TRÊN MẶT ĐẠI DƯƠNG

Những ai có dịp tham gia một chuyến hải trình bằng du thuyền sẽ đánh giá cao những vị thuyền trưởng cùng nhân viên phục dịch trên những du thuyền đó. Đặc biệt, những du thuyền xuôi ngược theo những hải trình ở vùng Biển Caribbean, thường ghé qua những trạm ngừng tại Cayman Island, Cozumel, Belize city và Costa Maya với cảnh trí thật tuyệt vời!

Trong những trạm trên đây, trạm dừng tại bãi biển COZUMEL là nơi mà tháng 11 năm 2005 vừa qua đã xảy ra một trận bão tố dữ dội khiến sóng biển dâng lên tràn ngập miền duyên hải và cuốn lôi những quán xá xuống biển. Những vết tang thương hiện còn để lại nơi đó. Những hàng dừa cao và cây xanh bóng mát xinh đẹp trước kia nay trở nên hoang tàn.

Qua mạng truyền hình trong thời gian đó, thường xuất hiện hình ảnh những chiếc du thuyền bập bềnh trên sóng nước thật hãi hùng! Chắc chắn các vị thuyền trưởng lúc bấy giờ phải tận dụng hết khả năng để giữ vững con tàu vượt qua mọi cơn phong ba bão táp.

Cương vị của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo cũng tương tự vai trò của vị thuyền trưởng trên một du thuyền ở giữa đại dương. Vị thuyền trưởng đem hết sức mình để cùng với các cấp chỉ huy và thủy thủ đoàn cố gắng lèo lái con tàu an toàn, hầu mọi du khách được vui hưởng những ngày thích thú bình an trong chuyến hải trình. Tương tự, Đức Giáo Hoàng cùng với Giám Mục Đoàn ngày đêm cật lực chèo chống con thuyền Giáo Hội vượt qua đại dương trần thế trong mọi thời kỳ đảo điên ngõ hầu đến bến an toàn.

Ngày 02-04-2006 tới đây kỷ niệm một năm Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II băng hà. Ngài là một vị Giáo Hoàng hiện đại nêu gương “MỤC TỬ CHÂN CHÍNH” cho hết mọi mục tử trong Giáo Hội Công Giáo ngày nay. Những tâm tình mục tử của ngài đã được chính ngài ghi lại trong quyển tự thuật dưới nhan đề “LEVEZ-VOUS! ALLONS!” (ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO!) vào năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 45 năm tấn phong giám mục và 25 năm triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài được yêu cầu viết ra những hoài niệm liên tục kể từ năm 1958 là năm ngài được bổ nhiệm giám mục.

Đức Thánh Cha thuật lại những gì Chúa Quan Phòng đã tiên liệu cho ngài. Độc giả say mê quyển sách đó vì những “TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI MỤC TỬ” tỏ lộ nơi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi Ngài còn là Giám Mục, Tổng Giám Mục, cho đến Hồng Y rồi Giáo Hoàng.

Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, một số giáo hoàng đã trải qua những cơn “phong ba bão táp” kinh hồn của những thời đại tương ứng, như Đức Thánh Cha Piô XII trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Riêng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Đệ Nhị cũng gặp những đại họa không kém phần dữ dội, từ sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản tại các nước Đông Âu và Nga Sô đến những băng hoại về mặt luân lý mà ngài mệnh danh là “VĂN MINH SỰ CHẾT”, chà đạp lên triệu triệu sinh mạng thai nhi và con người mỗi năm.

Khi viết về cuộc đời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, những khía cạnh trên đây đã được nhiều tác giả nhắc tới. Tuy nhiên Giáo Hội đang đứng trước một thách đố lớn lao xảy ra ngay trong lòng Giáo Hội: đó là “THÁI ĐỘ SỐNG CỦA CÁC MỤC TỬ” trong vai trò dẫn dắt đoàn chiên của Chúa.

Đành rành môi trưòng mục vụ của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã xảy ra trong một thời điểm khác, với một không gian và thời gian đặc thù, nhưng “TINH THẦN CŨNG NHƯ TÂM TÌNH MỤC TỬ” của ngài thì chung cho hết mọi mục tử, vượt qua mọi không gian và thời gian cố định, để trở nên ngọn đèn soi sáng các mục tử khắp nơi, ngõ hầu “chăn dắt những đoàn chiên con và chiên mẹ của Chúa Kitô” theo tâm tình và ý hướng của Chúa.

Khi tham gia những cuộc du thuyền trên đại dương, những chuyện bất trắc thường xảy ra cho du khách, như bị mất tích khi lên bờ du ngoạn, hoặc thất lạc khi đi mua sắm nhưng quên giờ giấc về tàu… Đó cũng là những hình ảnh bi thương thường xảy ra trong con tàu Giáo Hội. Sự kiện một số người lìa bỏ Giáo Hội ra đi một nơi vô định hay bị trễ tàu…trong thời đại nào cũng có. Ca dao Việt-Nam có câu:

“Lênh đênh qua cửa Thần Phù,

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.”

Trách nhiệm các cấp mục tử trong Giáo Hội thật nặng nề biết bao! Các mục tử phải dẫn dắt Giáo Hội để không một ai bị chết chìm hay phải hư mất giữa đại dương trần thế, như lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly: “Con đã canh giữ và không một ai trong họ phải hư mất…” (Gio 17, 12).

Khi nhắc tới khuôn mặt khả kính của Đức Cha Karol Joséf Vojtyla, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Cracovie – tức Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II sau nầy - người ta không thể quên được khuôn mặt khả ái của Đức Cha Phi-líp-phê Nguyễn-Kim-Điền, Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Huế, Việt-Nam, trước đây.

Trong “THƯ MỤC VỤ” ngày 19/10/1985, gởi các linh mục, nam nữ tu sĩ và toàn thể giáo dân Giáo Phận Huế, Đức Tổng Giám Mục Phi-lip-phê Nguyễn-Kim-Điền đã viết:

“Năm 1981, khi nhóm họp Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, tôi đã tuyên bố điều nầy: ‘Trong quá khứ, nhiều Giám Mục đã chết để bênh vực quyền lợi Giáo Hội. Nhưng hiện nay, có Giám Mục nào sẵn sàng chết để bênh vực nhân quyền không?’ Ngày nay tôi được toại nguyện: Thiên Chúa kêu gọi tôi chịu lao tù và chết để bênh vực nhân quyền và công lý.

……

Nhưng khi luật lệ ngược với Thánh Ý Thiên Chúa, vi phạm nhân quyền mà luật căn bản nhất là tự do tín ngưỡng, lúc đó, như tôi đã đăng ký trong biên bản lập tại sở công an tỉnh Bình Trị Thiên ngày 15/10/1984: ‘Như các thánh Tông Đồ khi xưa và các vị Tử Đạo mọi đời, tôi phải tuân phục luật Chúa hơn luật loài người’.

Kết quả của việc đăng ký trên là lao tù và chết chóc. Những kết quả nầy, vị chủ chăn của anh chị em, ngày hôm nay đã sẵn sàng đón nhận. Ngài vui lòng đón nhận những kết quả đó như phần thưởng Chúa ban sau 25 năm Giám Mục, trong đó, 22 năm phục vụ Giáo Phận HUẾ.

……

Giờ đây, thưa anh chị em thân mến, tôi chỉ xin anh chị em một điều: Đội ơn Thiên Chúa với tôi, và tăng thêm lời cầu nguyện để tôi hoàn toàn trung tín với Thiên Chúa và Giáo Hội cho đến hơi thở cuối cùng.”

Với lời nguyện ước “trung tín cho đến hơi thở cuối cùng”, Thiên Chúa đã ban cho ngài một cái chết đầy quả cảm, một cái chết đã chinh phục lòng thương mến của mọi người – giáo dân cũng như lương dân.

Trong tang lễ của ngài ngày 15 tháng 6 năm 1988, một người ngoại đạo đã thổ lộ những tâm tình thương mến qua những vần thơ dưới đây. Tác giả đã ký tên “TỪ TÂM”, nhưng không rõ đó là tên thật, bút hiệu hay pháp danh.

LÒNG NGƯỜI NGOẠI ĐẠO

Kính gởi

Hương Hồn Đức cố Tổng Giám Mục Phi-lip-phê Nguyễn-Kim-Điền

ngày ngài quá cố 08-06-1988

Con đến Phủ-Cam giữa ngày tang lễ,

Góp nỗi buồn trong muôn vạn niềm đau.

Hàng triệu tín đồ sát cánh bên nhau,

Vạn vật đổi thay, lòng TIN bất diệt.

Cha với con tuy chưa từng quen biết,

Lòng kính yêu Cha vô bến vô bờ.

Sống giữa muôn người con vẫm bơ vơ,

Nhiều lúc tâm tư hướng về tôn giáo.

Nhưng, tổ tiên con tám đời ngoại đạo,

Lẽ nào con trái ý tổ tiên mình.

Con sống sao cho trọn nghĩa trọn tình,

Dù quá gian lao, dù nhiều đau khổ.

Nếu phải chết để đền ơn tri ngộ,

Con tiếc chi chút bèo bọt hình hài.

Con đứng từ xa, cúi mặt trước quan tài,

Tình mến bao la, ngậm ngùi trong thương tiếc.

Con trân trọng kính gởi Cha lời CHÀO VĨNH BIỆT

Đến Giáo Hội Việt-Nam lời chia buồn thắm thiết

Của người con ngoại đạo kính yêu Cha.

Vừng trán thông minh, can đảm hiền hòa,

Thắm đượm tình thương qua nhiều di ảnh.

Ánh mắt long lanh, chứa đầy sức mạnh,

Giản dị trên đầu chiếc nón bài thơ.

Cha mất đi, một chuyện quá bất ngờ,

Đau xót xiết bao “người còn kẻ mất”.

Thể xác Cha nằm yên trong thánh thất,

Linh hồn Cha về cạnh Đức Chúa Trời.

Cha để lại cho đời

Một lòng TIN bất diệt,

Với khuôn mặt trang nghiêm,

Với tinh thần quyết liệt,

Lưu lại ân tình trong hàng triệu con chiên,

Khi nhắc tên Cha “GIÁM MỤC NGUYỄN KIM ĐIỀN”

Thánh đường Phủ-cam

Ngày tang lễ 15-06-1988

 

TỪ TÂM

Khi còn là tổng giám mục Cracovie, Đức Cha Karol Vojtyla đã hỗ trợ “Phong Trào Ốc Đảo” và ngài đã tham dự những trại hè được tổ chức cho giới trẻ thuộc phong trào. Trong cuộc hành hương vào năm 2003 ở Cracovie của Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II, những thành viên ốc đảo đã hát lên như sau:

Chúa đã đến bên bờ biển;

Ngài không kiếm tìm những người khôn ngoan,

những kẻ giàu có,

Ngài chỉ xin con theo Ngài.

Lạy Chúa, Chúa đã nhìn con trong đôi mắt,

Chúa mỉm cười và gọi tên con.

Chiếc thuyền của con, con để lại trên bờ,

Cùng với Chúa con sẽ vượt qua một đại dương khác.

Và Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II đã nói với họ: theo một nghĩa nào đó, bài hát của những ốc đảo đã đưa ngài ra khỏi quê hương, cho tới tận Roma. Nội dung thâm sâu của bài hát đã nâng đỡ ngài, ngay cả khi phải đối diện với sự quyết định của mật nghị các Đức Hồng Y. Và rồi, suốt chiều dài triều đại giáo hoàng của ngài, không bao giờ ngài tách lìa khỏi bài hát đó.

Chúa đã ban cho Đức Tổng Giám Mục Karol Vojtyla được toại nguyện trong việc thể hiện lý tưởng ngài đã chọn lựa, cũng như Đức Tổng Giám Mục Phi-lip-phê Nguyễn Kim Điền được hoàn tất hành trình ngài đã dấn thân.

Trong tâm tình kính mến Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II và ước mong nhiều mục tử ngày nay sẽ theo bước chân ngài, chúng tôi chuyển dịch tác phẩm “LEVEZ-VOUS! ALLONS!” (ĐỨNG DẬY! TA ĐI NÀO!). Ngoài ra chúng tôi cũng mong muốn chia sẽ dịch phẩm nầy với toàn thể Cộng Đồng Dân Chúa, vì như Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II đã minh định: ơn gọi của mọi tín hữu được nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy là “trở nên hoàn thiện như Cha trên Trời là Đấng Hoàn Thiện”.

Sách gồm có SÁU CHƯƠNG, ngoài “LỜI GIỚI THIỆU” và phần “DẪN NHẬP”.

Những đoạn Phúc Âm trưng dẫn trong tài liệu nầy được trích từ quyển “KINH THÁNH TRỌN BỘ - CỰU ƯỚC VÀ TÂN ƯỚC” do Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Saigon thực hiện năm 1998.

Tiến trình phong thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II đã bắt đầu vào tháng 5 năm 2005 khi Giáo Phận Roma kêu gọi các tín hữu Công Giáo đứng ra làm chứng xem Đức Thánh Cha có xứng đáng nên thánh không.

Phải có một phép lạ xảy ra sau khi Đức Thánh Cha băng hà để có thể tiến hành phong chân phước cho Ngài. Và cần thiết phải có một phép lạ nữa sau khi phong chân phước để có thể phong thánh cho Ngài.

Toà thánh đã chắc chắn phép lạ đầu tiên trong tiến trình phong chân phước cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đó là việc khỏi bệnh mà giới y khoa không giải thích được của một nữ tu người Pháp bị bệnh Parkinson như ngài.

Trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Rai của Ý và hãng tin Reuters của Đức, Đức ông Slowomir Oder, người đứng đầu ủy ban điều tra phong thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho biết rằng tiến trình điều tra sơ khởi bắt đầu vào tháng 10 năm 2005, về việc lành bịnh của một nữ tu ẩn danh ở Pháp.

Ngài nói rằng nữ tu người Pháp này bị suy yếu giống như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong giai đoạn cuối đời của ngài và đã được lành bệnh một cách lạ lùng khi cầu nguyện với Đức Thánh Cha sau khi ngài qua đời. Đức Ông Slowomir Oder nói rằng những điều tra viên của Tòa Thánh sẽ bắt đầu nghiên cứu chính thức và chi tiết hơn về sự lành bệnh lạ lùng nầy.

Mùa Xuân Bính Tuất – 2006

HƯƠNG VĨNH dịch

(CÒN TIẾP)

Hương Vĩnh Đỗ Tân Hưng chuyển ngữ 

MỤC LỤC

Lời Dịch Giả

Lời Giới Thiệu  -  Dẫn Nhập

Chương I.- Ơn Gọi

Chương II.- Hoạt động Giám Mục

Chương III.- Cam kết khoa học và mục vụ

Chương IV.- Tình phụ tử của Giám Mục

Chương V.- Tập thể tính Giám Mục

Chương VI.- Thiên Chúa và lòng can đảm

Tác giả Nhà Văn Hương Vĩnh


Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!