Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Những Nẻo Đường Việt Nam
Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè là thân mẫu của hai giáo sư Bùi Xuân Bào Bùi Xuân Bàng. Tôi chỉ biết giáo sư Bùi Xuân Bào mà thôi, trong những năm giáo sư giảng dạy ở Đại Học Saigon.

 

Để hiểu rõ cuộc đời “đầy ân sủng” của giáo sư Bùi Xuân Bào, thật cần thiết nên tìm hiểu cuộc đời của hai người thân yêu sau đây của giáo sư: bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè là thân mẫu và nhất là của ông Bùi Xuân Bàng là bào đệ. Chính vì sau cái chết của người em là giáo sư Bàng mà giáo sư Bùi Xuân Bào đã quyết định chịu phép Rửa tội.

 

Trong quyển “Từ Ánh Sáng Mặt Trời Tình Yêu”, tập II, ái nữ Bùi Thị Như Châu đã viết về cuộc đời mẹ mình là bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè, dưới tiêu đề “Từ Trái Tim Người Mẹ Đến Trái Tim Thiên Chúa”. Bài nầy được viết tại Vũng Tàu ngày 31/5/2004, đúng 50 năm sau khi bà Tôn Nữ Ngọc Hòe được hồng ân làm con cái Chúa và đi vào Nước Trời Vĩnh Cữu.

Dưới đây là lược thuật bài viết của ái nữ Bùi Thị Như Châu.

 

TIẾT MỘT

GIÁO SƯ PHAOLÔ BÙI XUÂN BÀNG (1919-1947)

 

Chết vì Đức Tin Công Giáo

 

Giáo sư Bùi Xuân Bàng là con thứ hai trong gia đình, nhưng lại là người được Chúa chọn làm con cái Chúa trước mọi người. Chính giáo sư là ngọn đuốc đầu tiên đem ánh sáng Đức Tin vào trong gia đình Bùi Xuân qua bao nhiêu trăn trở, đau thương, đồng thời cũng là những ân phúc đặc biệt dẫn đưa mỗi người thân yêu của giáo sư đến với Tình Yêu Thiên Chúa.

Chính giáo sư là người hiến thân cho Chúa vì Đức Tin Công Giáo: giáo sư đã bị sát hại trong cuộc chiến chống Pháp vào mùa Chay 1947. Dưới đây là trang nhật ký giáo sư viết về Mẹ mình vào cuối niên học 1937-1938, khi giáo sư đã đỗ Tú Tài ở Trường Quốc Học Khải Định Huế.

 

Nhờ Tình Mẹ, tôi cảm nghiệm được vô biên

 

Trước khi yêu mến Thiên Chúa, tôi đã học yêu mến tha nhân. Tình yêu tha nhân theo tôi cảm nghiệm, phát xuất từ một trực giác tinh tuyền và sâu sắc đến nỗi tôi không thể giải nghĩa được, nếu không có Thiên Chúa.

 

Tình yêu vị tha đó, chính Mẹ tôi đã dạy cho tôi. Không phải là Mẹ tôi đã nói với tôi: “Con ơi, con hãy yêu mến tha nhân”. Mẹ tôi không cho tôi những lời khuyên như thế. Tôi tập yêu mến mọi người là nhờ cảm nghiệm được lòng trìu mến vô biên của Mẹ tôi.

 

Phải, tôi cảm nghiệm VÔ BIÊN không phải nhờ toán học hay ngay cả khi chiêm ngắm bầu trời cao xanh bát ngát, nhưng là nhờ hình ảnh Mẹ tôi hiện ra trong trí nhớ, trong thinh lặng của tâm hồn, khi đêm về tĩnh mịch, Mẹ tôi với những cử chỉ chăm sóc chi ly, chu đáo, với những lời tràn đầy trìu mến, đã gợi ra trong lương tri tôi một ý niệm VÔ BIÊN. Đúng là VÔ BIÊN, không có từ nào khác để mô tả lòng trìu mến của Mẹ tôi.

 

Để sống xứng đáng với Mẹ, tôi đã cố gắng đạt đến trực giác của Tình Yêu qua một cảm quan nhè nhẹ lướt trong tim tôi. Một cái gì giống như một hơi thở, một tia sáng. Tôi đã cố gắng bắt lấy cảm giác và tia sáng đó để hô hấp.

 

Nhờ đó, tôi đã biết yêu tha nhân và cùng một lúc tôi hiểu được Thiên Chúa. Tất cả những cố gắng của tôi và kết quả tôi đạt được, tôi chắc chắn là nhờ ân phúc Thiên Chúa ban cho tôi qua Trái Tim của Mẹ tôi.

Phaolô Bùi Xuân Bàng

 

TIẾT HAI

CUỘC ĐỜI BÀ TÔN NỮ NGỌC HÒE

 

Thuở thiếu thời

 

Ra đời năm 1897 tại thôn An Cựu, ở cố đô Huế, tiểu thư Tôn Nữ Ngọc Hòe là con gái trưởng của Cụ Tôn Thất Tế, một nhà Nho có chức vị lớn dưới triều Nguyễn (vua Thành Thái). Trong nhà còn đặt cho tiểu thư cái tên “se sẻ” (chim sẻ), vì người nhỏ ốm, nhưng lanh lợi, hoạt bát với một trí thông minh đặc biệt, một trí nhớ phi thường.

 

Tự học tại nhà

 

Hồi đó con gái không được đến trường nên tiểu thư được cụ thân sinh dạy đọc và viết. Nhờ cái vốn nhỏ ban đầu đó, tiểu thư mê đọc báo, đọc truyện. Thân phụ truyền một người lính cỡi ngựa đi từ tỉnh nầy đến tỉnh kia để mượn truyện cho tiểu thư đọc: Tây Du Ký, Thủy Hử, Ngũ Hổ bình Tây, Ngũ hổ bình Nam, Chung Vô Diệm, Tiết Nhân Quý…Tiểu thư chỉ đọc một lần rồi nhớ vanh vách nên sau nầy kể lại cho các con nghe một cách hấp dẫn.

 

Ngoài ra tiểu thư còn thuộc lòng Kim Vân Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc, Nhị Độ Mai và sau nầy khi ru con thường ngâm những câu thơ đó. Tiểu thư không những thích thơ, thuộc thơ và còn làm thơ nữa. Tiểu thư đã viết một tập hồi ký bằng thơ lục bát về cuộc đời làm vợ, làm dâu và làm mẹ.

 

Ngoài thơ văn, tiểu thư còn được dạy về công dung ngôn hạnh, nội trợ, có tài khéo tay làm bánh mứt đủ loại và tỉa đủ thứ hoa bằng đu đủ, trông như hoa thật!

 

Lập gia đình

 

Năm 20 tuổi, tiểu thư kết hôn với cậu Bùi Xuân Trữ, sinh viên trường Quốc Tử Giám, là trưởng nam của Cụ Bùi Xuân Huyến, Tổng Đốc tỉnh Bình Định và Phú Yên.

 

Sau khi bà Tôn Nữ Ngọc Hòe về làm dâu chỉ mấy năm thì Cụ Bùi Xuân Huyến lâm trọng bệnh và từ trần lúc 55 tuổi. Lúc bấy giờ gia đình chồng đã nghèo, dần dần kiệt quệ và tất cả gánh nặng đổ dồn trên hai vợ chồng bà Ngọc Hòe. Bao nhiêu tiền bạc tư trang của song thân cho làm của hồi môn, bà đều bán hết để phụng dưỡng mẹ chồng và nuôi nấng các em chồng.

 

Bà phải lăn xả làm việc, một mình chụm lửa rơm ba bếp, qua những chuỗi ngày vất vả làm việc và hy sinh. Đến khi chồng thi đậu có chức phận, dù ở xa, bà luôn gởi tiền phụng dưỡng mẹ chồng và các em chồng ăn học đến khi thành gia thất. Bà rất đảm đang, ươm tơ dệt vải, buôn tảo bán tần để lo cho gia đình mình và đại gia đình chồng. Tết đến, bà làm đủ các loại bánh mứt và tỉa hoa thủy tiên canh chừng làm sao để nở đúng ngày mồng một Tết.

 

TIẾT BA

NHỜ CON MẸ ĐÃ GẶP CHÚA

 

Thế Chiến Thứ Hai

 

Đầu năm 1945, quân Nhật chiếm đóng Đông Dương, quân Pháp rút lui. Khi quả bom nguyên tử của Đồng Minh giáng xuống hai thành phố HiroshimaNagasaki, Nhật Hoàng của Nhật Bản đã đầu hàng vô điều kiện. Giấc mơ Đại Đông Á của Nhật tan vỡ. Một năm sau, quân đội Pháp trở lại, mở đầu cho một cuộc chiến kéo dài qua ba thập niên.

 

Lúc bấy giờ giáo sư Bùi Xuân Bàng bị “mất tích” ở Quảng Bình, khiến bà Ngọc Hòe càng thêm bệnh hoạn héo hắt vì có trực giác về điềm chẳng lành.

 

Vạn tuế Chúa Giêsu Kitô!

 

Quả thật, giáo sư Bàng đã bị bắt vì là người trí thức Công giáo và đã bị tàn sát sau khi tuyên xưng đức tin: “VẠN TUẾ CHÚA GIÊSU KITÔ!”

 

Vốn là người trở lại đạo Công giáo đầu tiên trong gia đình, lại là người con thông minh sâu sắc, vừa có đức tin trong sáng mãnh liệt, giáo sư Bùi Xuân Bàng đã mang lại cho gia đình sức ấm và ánh sáng Tin Mừng.

 

Dồi dào tình cảm và rất gần gũi với thân mẫu, giáo sư đã âm thầm nói về Chúa, giảng giải Tin Mừng và nói gương các Thánh cho thân mẫu nghe, qua những đêm dài giữa “Mẹ từ tử hiếu”. Như đã trình bày, tình mẫu tử bao la của người Mẹ đã giúp giáo sư cảm nghiệm được Tình Yêu Thiên Chúa, ngược lại Đức Tin mạnh mẽ của giáo sư cũng dẫn đưa thân mẫu vào khung trời Tình Yêu cứu độ của Chúa Giêsu Kitô.

 

Giáo sư được các cha Dòng Chúa Cứu Thế mời làm hiệu trưởng một trường trung học ở Quảng Bình. Vì thời cuộc loạn ly, mẹ con xa nhau, biệt tin và giáo sư Bàng đã bị sát hại như đã nói trên. Bệnh suyễn của bà Ngọc Hòe ngày càng nghiêm trọng, các anh chị ở xa, bà Bùi Thị Như Châu là con gái út duy nhất ở bên cạnh thân mẫu để chăm sóc.

 

Nhận lãnh bí tích Rửa tội

 

Khi biết bệnh của bà không chữa trị được nữa, người con trai lớn là giáo sư Bùi Xuân Bào đang sửa soạn lấy bằng Tiến Sĩ Văn Chương tại Đại Học Sorbonne, Paris, đã vội trở về báo hiếu. Gặp lại Mẹ, biết bao xúc động! Giáo sư đã vội đưa Mẹ vào một bệnh viện Pháp có đủ thầy, đủ thuốc.

 

Nhưng sinh lực không còn, bệnh nặng dần và ơn Chúa cũng triển nở trong tâm hồn. Bà nhớ lại những gì giáo sư Bàng đã thỏ thẻ với bà trước đây về tình yêu và cuộc đời của Chúa Giêsu, từ hang đá Bê-lem đến Núi Sọ, chết và sống lại vì yêu con người vô điều kiện.

 

Bà cảm thấy cái đau đớn của mình không thế tách rời khỏi cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và đây là lúc bà gặp được Ngài, trở nên một với Ngài. Trong tâm tình và ý nghĩ đó, bà thấy khỏe hơn và vui lên, liền cho giáo sư Bào biết là bà muốn được Rửa tội, để được làm con Chúa. Phải chăng đây là hồng ân nhưng không Chúa ban và cũng là hậu quả dây chuyền của những hy sinh đau khổ kéo dài xuyên suốt cuộc sống, được nâng đỡ soi chiếu bởi đức tin của người con yêu quý là Bùi Xuân Bàng ra đi trong đau thương khói lửa!

 

Qua hôm sau, trên giường bệnh, bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hòe mặc bộ đồ trắng mới tinh, chiếc áo phin trắng còn thơm mùi băng phiến cất trong rương được đem từ nhà tới. Vì cấp bách, mẹ đỡ đầu của bà không ai khác hơn là hiền thê của giáo sư Bùi Xuân Bào, dâu cả của bà. Trên chiếc ghế lớn của bệnh viện, bà ngồi chuẩn bị đón ơn Thánh Tẩy. Cha Lefas, Giám Hiệu Trường Thiên Hữu và là tuyên úy của bệnh viện, đã ban cho tân tòng phép Rửa tội và Thêm Sức cùng một lúc với tên Thánh là Maria.

 

Về cõi vĩnh hằng

 

Từ đó, ngày nào bà cũng xin được rước Chúa vào lòng. Biết rõ đây là một ơn trọng đại, bà dặn mỗi ngày phải mặc áo mới trắng tinh. Ngày 31/5/1954, bà từ trần lúc 11 giờ đêm. Cha Lefas trực đêm đứng bên cạnh. Sau đó xe cứu thương đưa xác bà về nhà.

 

Ngày tang lễ, tiếng chuông nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê ở Huế, quen gọi là nhà thờ “Nhà Nước”, rung lên từng hồi. Đoàn người dài dằng dặc nối đuôi nhau, trong đó có các linh mục và tu sĩ nữa…tiễn đưa bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hòe về nhà Cha vĩnh cữu.

 

Hiến Dâng

Lúc đó, cô con gái lớn của bà là chị Như Kha, tức nữ tu Mai Thành, đang ở Tập Viện Dòng Đức Bà tại Pháp, đã viết bài thơ “HIẾN DÂNG” tặng ngày vĩnh việt của người Mẹ thân yêu bước vào nhà Chúa, trong đó có những câu cảm động như sau:

……

Hôm nay lạc dưới trời mơ,

Hình dung bóng Mẹ, lệ mờ mắt con.

……

Nhớ chiều gió lướt song thưa,

Mẹ ngồi may áo, tay đưa chỉ hồng.

Chỉ tuôn quyện cả tình nồng,

Tình in vào áo, dệt dòng phân ly.

……

Đời con là chút trầm hương,

Bốc lên cùng gió, muôn phương ngập trời.

Sáng nay nắng điểm hồng tươi,

Cùng me con nở nụ cười hiến dâng.

Cùng me gẩy khúc nhạc cầm,

Nhạc hy sinh đó, thế trần biết chăng?

Cùng con Mẹ cũng “HIẾN DÂNG”.

Clamart, Hè 1953

Con của mẹ - Như Kha



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!