Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Những Nẻo Đường Việt Nam
Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

PHẦN BỐN: TIẾNG SÉT ÁI TÌNH 

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ!” Trong hai tuần lễ cuối cùng ở Saigon, tôi đã gặp lại anh Lâm Võ Hoàng là một “hiến sinh” (oblat) của Đan Viện Biển Đức Thiên Phước. Trong dịp nầy, anh Hoàng đã tặng tôi tập sách nhỏ “Mặt Trời Tình Yêu mà anh là tác giả, thuật lại hành trình dâng hiến của anh trong đời sống “hiến sinh” Biển Đức. 

Đồng thời anh Hoàng cũng tặng lại tôi quyển sách “Từ Ánh Sáng Mặt Trời Tình Yêu”, tập II, do nữ tu Mai Thành tặng anh, vào năm 2005. Điều bất ngờ là trong tám chứng nhân cho “Tình Yêu Thiên Chúa” được kể lại trong tập sách nhỏ đó thì tôi đã “quen” hay “biết” tới sáu vị rồi. Họ vốn là những tân tòng thuộc hoàng tộc hoặc thuộc những danh gia vọng tộc ở cố đô Huế. 

Trước hết là linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích, anh vợ của cụ Phaolô Tôn Thất Bàn là thân sinh của nữ tu Marie Gabriel Tôn Nữ Như Mai. Cụ Tôn Thất Bàn là ông ngoại và nữ tu Như Mai là dì ruột của một người bà con rất gần trong gia đình tôi. Nữ tu đã qua đời vào thượng tuần tháng 10/2006, khi tôi có mặt ở Saigon. Tôi đã đến chia buồn và cầu nguyện tại tu viện của nữ tu Như Mai ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tức Công Lý trước kia). 

Hai vị giáo sư nổi tiếng trong sách đó là linh mục Bữu Dưỡng và giáo sư Bùi Xuân Bào. Tôi không thọ giáo hai vị. Nhưng trước kia ở Huế, tôi đã nghe tiếng cha Bữu Dưỡng rất nhiều. Trong thời gian theo học ở Đại Học Saigon, tôi thường thấy bóng dáng giáo sư Bùi Xuân Bào xuất hiện nhiều lần. 

Ngoài ra còn hai giáo sư khác là các ông Phan Huy Đức Nguyễn Khắc Dương. Riêng giáo sư Phan Huy Đức là huynh trưởng của tôi trong Phong trào Cursillo ở Saigon trước kia. Còn giáo sư Nguyễn Khắc Dương thì tôi chỉ mới biết trong thời gian gần đây thôi, qua những trao đổi trên net. Nhưng cuộc đời “tu sĩ không có tu viện” của giáo sư Dương khiến tôi rất cảm kích. 

CHƯƠNG XXII.-HIẾN SINH LÂM VÕ HOÀNG 

Trước khi gần về lại Canada, vào cuối tháng 11/2006, trong một cuộc gặp gỡ, anh bạn của tôi là người đã chở tôi lên thăm Đan Viện Biển Đức Thiên Phước, cho tôi hay là tại Đan Viện đó có một hiến sinh đã khấn nhiều năm. Mỗi cuối tuần anh ấy đều lên đây tham dự những giờ phụng vụ và Thánh lễ. Đó là anh “Lâm Võ Hoàng”.   

Khi nghe nhắc đến tên “LÂM VÕ HOÀNG”, tôi rất đỗi ngạc nhiên. Tôi tự hỏi không biết có phải đó là một nhân viên cao cấp của Việt Nam Thương Tín trước 1975 không? Hồi đó tôi có biết một anh tên Lâm Võ Hoàng phục vụ ở Việt Nam Thương Tín, vì tôi cũng hoạt động trong giới tài chánh ngân hàng. Điều nghi ngờ của tôi là vào thời điểm đó, tôi không chút mảy may hay biết anh Lâm Võ Hoàng đó là tín hữu Công giáo. 

Sau khi được anh bạn của tôi xác quyết chính là anh Lâm Võ Hoàng đó, tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên. Anh bạn tôi đề nghị khi nào rảnh rổi, anh sẽ chở tôi đến thăm anh Lâm Võ Hoàng tại tư gia của anh ấy.  

Vào một sáng sớm, trên đường đi làm việc, anh bạn tôi đã chở tôi đến thăm anh Lâm Võ Hoàng tại tư gia ở đường Hồ Xuân Hương, Quận 3, Saigon. Đây là một căn nhà ở trung tâm thành phố, nhưng xem ra cũ kỹ, hình như chưa được tân trang từ nhiều năm qua. Trước 1975, anh Lâm Võ Hoàng cư ngụ tại một căn nhà trong cư xá Việt Nam Thương Tín ở đường Thoại Ngọc Hầu (tên đường cũ thời đó). Tôi hay lên đây thăm anh ruột của tôi cũng ở trong cư xá đó. 

Gặp nhau gần tiếng đồng hồ, anh Hoàng đã chia sẻ với tôi về những Hồng Ân Chúa ban cho anh từ 1975 đến nay. Mặc dù đi học tập cải tạo và khi trở về lại Thành Phố Saigon, nhà cửa mất hết, nhưng anh thấy “tất cả là Hồng Ân”, vì cuối cùng anh đã gặp gỡ Chúa! Đó là tóm tắt những gì anh Lâm Võ Hoàng đã ghi lại trong tập sách tự thuật nho nhỏ “Mặt Trời Tình yêu, tức “Hành Trình Đến Với Đức Tin Công Giáo”, nhằm mục đích “dâng lời cảm tạ Ơn Chúa” (lời của anh Lâm Võ Hoàng). 

Để bắt đầu phần tự thuật, anh Hoàng đã viết: Trên cơ sở xác tín của Thánh Tông Đồ Phaolô: “Đối với tôi, mối lợi tuyệt vời là được biết Chúa Kitô Giêsu, Chúa tôi” (Pl 3, 8), người viết (tức anh Lâm Võ Hoàng) có thể mạnh dạn khẳng định rằng đời tôi sinh ra là để tìm kiếm Ngài và cuối cùng gặp Ngài, trên nẻo đường quanh co, như con hẻm tối tăm, sâu hun hút trong khu xóm lầm lụi ven đô. 

Những nét chính của quyển tự thuật «MẶT TRỜI TÌNH YÊU» nói về «hành trình dâng hiến » của anh Lâm Võ Hoàng, được trình bày như dưới đây. 

TIẾT MỘT: XUẤT HÀNH 

Từ lương dân 

Khi tôi (Lâm Võ Hoàng) tròn năm tuổi, má tôi thường dắt đi chùa Tam Bảo, Rạch Giá để nghe Kinh, lạy Phật, sám hối. Năm 1939, má tôi theo Phật giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Phú Sổ mới thành lập. Tôi có nhiệm vụ hằng ngày đọc sấm giảng bằng thơ lục bát cho má tôi nghe, nhờ đó tôi đón nhận những khái niệm mới về Trời Phật, bố thí, làm lành lánh dữ, cầu xin ban phước… 

Đồng thời tôi cũng trực giác mù mờ về một Đấng Tối Cao vô hình mà tôi gọi là “Ơn Trên của riêng tôi” để cầu xin, như Đức Cao Đài của ba tôi vậy. Về sau lớn lên, tôi mộ mến Phát là bạn học – người duy nhất theo đạo Thiên Chúa trong trường Nam tỉnh lỵ Long Xuyên. Tuy bị chọc phá, xô đẩy dữ dằn, Phát vẫn giữ nụ cười tươi tỉnh, khiến tôi chú ý đến đạo của anh. 

Lúc tôi 15 tuổi, tôi học lớp 8 tại trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Nhân nghỉ hè lên Saigon, ba tôi dẫn đến Hội Thông Thiên Học Việt Nam. Tôi bỗng mê triết giáo mới đó, du nhập từ Âu Mỹ, dựa trên “Phật giáo bí truyền”. 

Vào một sáng Chúa nhật, không còn một xu dính túi, tôi đói quá, sực nhớ nghe nói ở nhà thờ người ta có phát bánh thánh. Tôi bèn tới đó, hòa mình với dòng tín hữu chờ rước Mình Thánh Chúa. Tôi đã vô cùng thất vọng vì đó chỉ là miếng bánh tráng bột mì mỏng tanh tròn cỡ hai ngón tay, bỏ vào miệng là tan ngay! 

Hè năm sau, tôi lại lên Saigon ở với ba tôi là người theo đạo Cao Đài, say mê hầu đàn, nghe cơ bút giảng dạy. Tôi muốn làm vui lòng cha tôi nên đã vâng lời theo đạo Cao Đài, thờ Đấng Chí Tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Mahatát. 

Đến với đạo Chúa 

Năm sau, tôi đậu bằng thành chung, qua Mỹ Tho thi đậu vào lớp đệ nhị (lớp 10) ban tú tài, chương trình Pháp. Mỗi chiều sau giờ học, tôi ra vườn hoa cầu tàu dinh tỉnh trưởng tắm lội, rồi lên ngồi băng đá học bài. Mãi sau đó, tôi chú ý thấy một bà người Pháp thường đến ngồi băng đá kế tôi để đan len. Một hôm, tôi ngẩng đầu chào bà bằng một nụ cười đón nhận. Bà tự giới thiệu là bác sĩ quân y viện thị trấn quân vụ Pháp và than phiền cuộc sống tẻ nhạt xoay quanh tam giác: bệnh viện, nhà thờ và công viên. Bà là một tín hữu Công giáo trí thức. 

Nhớ lại kỷ niệm về người bạn tên Phát và lần ăn bánh thánh bất hợp lệ trước đây, tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu Công giáo. Bà khuyên tôi đến nhà thờ Mỹ Tho gặp cha phó xứ Jean Moriceau, Hội Thừa Sai Paris. Lần đầu tiên gặp cha, sau khi thăm hỏi, cha tặng tôi quyển Tân Ước bọc da đỏ và khuyên tôi đem về nhà đọc rồi hãy trở lại. 

TIẾT HAI: BÊN BỜ NẦY SÔNG GIO-ĐAN 

Đọc Tin Mừng và sách giáo lý 

Tin Mừng của Thánh Gioan đã thu hút tôi cách đặc biệt và biến chuyển nhận thức của tôi, như Tố Hữu đã viết: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”. 

Tôi trở lại gặp cha Jean Moriceau và được cha tìm cho tôi một chỗ ở trong trường trung học của các Sư Huynh Công Giáo đối diện với nhà thờ, để tôi được thường xuyên đến đây tìm hiểu nghi lễ đạo và đời sống đạo. Cha còn trao thêm cho tôi một sách giáo lý bằng tiếng Pháp để tôi dễ đọc hơn là các “sách bổn” bằng tiếng Việt bình dân cổ xưa. 

Tiếp cận triết học 

Cuối niên khóa 1950-1951, sau khi đậu tú tài I, tôi ghi danh học lớp 12 (triết) ở trường Chasseloup-Laubat Saigon (nay là trường Lê Quý Đôn). Năm đó chúng tôi may mắn gặp giáo sư chính là bà Collomb, thạc sĩ triết học mới tốt nghiệp trường đại học sư phạm nữ Saint-Cloud nổi tiếng, tính tình cởi mở, hơi chút hiện sinh. 

Ngoài triết học, bà còn tham khảo các Thánh Thư Công giáo vốn có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn học và triết học Tây phương. Bà còn khuyến khích chúng tôi đọc thêm các tiểu thuyết nổi tiếng bị giới Công giáo cho là có vấn đề, để “biết” nhiều mặt gọi là “phản diện” đối với Công giáo. Nhưng những “thông tin” nầy thay vì làm tôi nguội lạnh, trái lại khiến tôi sốt mến hơn trong vấn đề tìm hiểu và manh nha quyết định theo đạo mà phải mười năm sau, tức năm 1961, tôi mới thực hiện được. 

Tiếp xúc với các linh mục 

Tôi hay đến thăm cha Moriceau thường từ Mỹ Tho lên Saigon bằng môtô và tạm trú tại nhà xứ chính tòa. Cha tỏ ra nghiêm khắc với nhà văn lỗi lạc, bị cho là có vấn đề và để điều chỉnh, cha giảng thêm những ý niệm cơ bản về mầu nhiệm, ân sủng, nhập thể…Cha cũng giới thiệu tôi với cha chánh xứ Séminel, cha de Monjour và cha Brouillet (?), giáo sư Đại Chủng Viện để giúp tôi về triết học, nếu cần. 

Thực hành sống đạo 

Lần hồi tôi ý thức rằng những cố gắng tìm hiểu về mặt trí thức sẽ không đi đến đâu, nếu thiếu sự sốt sắng hành đạo. Vì vậy, tôi tập thói quen vào nhà thờ Chính Tòa vào những giờ không có lễ, mỗi khi tan học, để đắm mình vào trong thinh lặng.  

Tôi hay quan sát những tín hữu đọc kinh lần chuỗi, hoặc xưng tội, hay mấy bà thiện nguyện âm thầm quyét dọn, lau chùi chung quanh. Thỉnh thoảng tôi đến quỳ bên bàn thờ hành lang trái, nơi đặt tượng Đức Mẹ Maria có đôi mắt rất sống động, để đọc vài kinh Lạy Cha và Kính Mừng, cùng cầu xin Chúa và Đức Mẹ mọi điều thoáng qua trong trí óc tôi. 

TIẾT BA: QUA SÔNG GIO-ĐAN 

Việt Nam Thương Tín 

Sau khi tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Saigon, khóa cuối cùng bằng Pháp văn năm 1955, tôi thi đậu cán sự Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín do Chính Phủ thành lập trên cơ sở sản nghiệp thương mãi mua lại của Ngân Hàng Đông Dương Pháp. Tôi được rèn luyện bởi ông Tổng Giám Đốc Hoàng Khắc Thành, tốt nghiệp Cao Học Thương Mãi Paris (HEC), nguyên cán bộ cao cấp Ngân Hàng Đông Dương, một chuyên gia ngân hàng tài ba, đạo đức liêm chính và khắc khổ của một người Công giáo tân tòng sùng tín. 

Không ngày nào ông không la mắng tôi, nhiều khi chỉ vì những sơ suất nhỏ nhặt. Nhưng tôi coi đấy là một cái lợi, vì sau quở trách là một lời êm dịu và một bài học để tránh lỗi lầm. Một lần nọ, sau một hiểu lầm oan ức, ông không ngần ngại đến tận bàn tôi, trước mặt nhân viên, chân thành xin lỗi tôi. Được biết tôi muốn tìm đến đức tin Công giáo, ông thưòng mời tôi đến nhà dùng cơm tối, mỗi khi có khách là những đan sĩ Dòng Biển Đức Thiên An Huế. Vì còn non nớt về phần đạo nên tôi chỉ lắng nghe những trao đổi thâm thúy, trên một bình diện mới của đời sống chiêm niệm trong cô tịch và thinh lặng, để cầu nguyện và lao động tự túc. 

Pax Romana 

Kế đó ông giới thiệu tôi tham gia hoạt động trong Nhóm Trí Thức Công Giáo Pax Romana (Hòa Bình Roma) mà Trưởng nhóm là bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Viện trưởng Viện Pasteur Saigon và linh mục tuyên úy là cha Pacifique Nguyễn Bình An, Dòng Các Anh Em Hèn Mọn.  

Ngoài ra còn có một linh mục đồng Tuyên Úy là cha Vincent Nguyễn Huy Lịch, Dòng Đa Minh, Chi Lyon. Nhờ cha, nhóm chúng tôi được sử dụng cơ sở Tu Viện Mai Khôi làm trụ sở, để hội họp, tĩnh tâm và tham dự Thánh lễ chung hằng tuần mà chủ tế thường là những linh mục lỗi lạc ghé qua Saigon, hoặc Đức cố Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình hay cha Trần Ngọc Thụ, Bí Thư Khâm Mạng Tòa Thánh và sau năm 1975 là thư ký riêng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cùng là cáo thỉnh viên của hồ sơ phong Hiển Thánh cho 117 Á Thánh Tử Đạo Việt Nam. 

Học đạo 

Tại tu viện Mai Khôi, hai cha Tuyên Úy đã tổ chức lớp đêm về Tín Lý và Kinh Thánh thâm sâu cho chúng tôi. Tuy tôi đang còn trong giai đoạn tìm hiểu, chưa được “rửa tội”, nhưng trong sinh hoạt nhóm, không hề có chút phân biệt đối xử. Các cha sẵn sàng trả lời các câu hỏi ngớ ngẩn của tôi. Nhờ thế, từ khi rửa tội đến nay, tôi không bao giờ nghi ngờ, chỉ có những điều chưa hiểu thấu đáo mà thôi. 

Một lần họp mặt hằng tháng ở nhà một anh chị em mà các cuộc trao đổi bằng tiếng Pháp vì có nhiều tham dự viên là người Pháp, tôi đã trình bày đề tài “Tiếng gọi nên thánh”, vì tôi “điếc không sợ súng”. Với tất cả táo bạo của một “dự tòng”, tôi không sợ đối đầu với cha bác học Claude Larre, Dòng Tên, về “Ân sủng” mà tôi cho là “hỗ trợ cho sự tự do”, chớ không phải là “điều kiện cơ bản để tự do vươn lên tới Thiên Chúa”. 

Phản ứng về phía gia đình 

Đã đến lúc tôi không thể chần chờ xin ba má tôi “chúc phúc” cho tôi chính thức đón nhận Đức Tin Công Giáo qua phép Thánh Tẩy, vì bấy lâu nay tôi sợ Ba Má tôi buồn “thấy đứa con đành đoạn ra đi”. Tôi cố gắng trình bày và đảm bảo sẽ không có gì thay đổi trong đạo hiếu, vì điều đó vẫn có trong đạo mới của tôi 

Vượt quá mong đợi, Ba tôi trầm tĩnh phán quyết: “Mày đã lớn rồi và toàn quyền hành động theo ý muốn và lương tâm của mình. Chỉ có điều mầy phải đeo đuổi tới cùng điều mày cho là tốt và đúng. Còn nếu bỏ nửa chừng thì không khỏi người ta chê cười mày và trước mặt những người đàng hoàng, mày sẽ không còn được kính trọng nữa”. 

Còn má tôi thì buồn phiền ra mặt. Bà ngồi xây qua chỗ khác để khỏi dòm thấy tôi và than thở: “Trong mười đứa con, tao chỉ trông cậy một mình mày. Bây giờ rõ ra, ba mày và tao sẽ lâm cảnh hương tàn khói lạnh”. Tôi ôm vai má tôi và thủ thỉ bên tai: “Ba má sẽ thấy con ăn ở như thế nào với mẹ cha. Ngay từ bây giờ, mỗi ngày con đều cầu nguyện Thiên Chúa cho Ba Má và ông bà tổ tiên, cho tới lúc chết. Hôm nay Thiên Chúa của con cũng là Thiên Chúa của Ba Má, chắc chắn sẽ vui lòng và cám ơn Ba Má đã trao con của Ba Má cho Ngài và Ngài sẽ nhớ ơn đó vào ngày Ba Má được Ngài đưa lên Thiên Đàng hưởng phúc trường sinh cùng với ông bà, tổ tiên mình”. 

Cú sét trên đường Thống Nhất 

Một hôm tan giờ làm việc buổi sáng, tôi đang lái xe cố qua ngã tư Thống Nhất – Pellerin (nay là Lê Duẩn – Pasteur), xe chen chúc bóp còi inh ỏi, bỗng mắt tôi mờ đi, không thấy gì. Trong đầu tôi bừng lên một vừng chói lòa đau buốt khôn tả làm tôi cảm nhận rõ rệt: tôi không thể sống nếu chưa lãnh nhận bí tích rửa tội 

Tay chân run rẩy, mắt thấy trở lại, tôi chạy nhanh đến tu viện Mai Khôi, bấm chuông xin gặp cha Bề Trên Pineau. Cha bước ra, lộ vẻ ngạc nhiên do sắc mặt hớt hơ hớt hãi của tôi. Cha dịu dàng hỏi: “Có gì đó?” Tôi thuật lại cuộc khủng hoảng bất chợt vừa qua và xin được rửa tội vào ngày mai. Cha cười tươi và nói: “Hay quá! Đồng ý sẽ cho rửa tội vào năm sau. Chiều nay hãy trở lại đây để bàn thêm”. 

Nhận phép Thánh Tẩy 

Suốt năm sau đó, vào mỗi chiều tối, sau giờ dạy triết cho các sinh viên, cha chuẩn bị cho tôi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, bằng cách trả lời chính xác mọi câu hỏi và thắc mắc của tôi. Cha ấn định ngày trọng đại đó vào trưa Chúa nhật thứ tư mùa chay, gọi là “laetare” (mừng vui lên) năm 1961. Nhưng không phải rửa tội trong nhà thờ mà ở dưới mái che của dãy nhà gần cửa hông tu viện, do cha Moriceau đi mô-tô từ Di Linh xuống ban bí tích Thánh Tẩy cho tôi. 

Nghi thức rửa tội được chứng kiến bởi Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, cha Trọng (Giám Đốc Công Giáo Tiến Hành), cha Nguyễn Văn Lập (Viện Trưởng Viện Đại Học Đà Lạt), hai cha Tuyên Úy và các anh chị em trong Pax Romana, trong đó anh Hoàng Khắc Thành là người đỡ đầu tôi, bấy giờ là Bộ Trưởng Kinh Tế và cha Pineau là Thầy đích thực của tôi. Ngài đã nhận xét: “Đúng là một kẻ gieo và một kẻ gặt”, vì ngài không rửa tội cho tôi. 

Sáng thứ hai hôm sau, thiên hướng sâu xa và đích thực của tôi đã thúc đẩy tôi lấy vé máy bay ra Huế để tĩnh tâm một tháng trong Đan Viện Biển Đức Thiên An là cộng đoàn đã tức khắc chấp nhận tôi. 

TIẾT BỐN: GIAN NAN VÀO ĐẤT HỨA 

Đan Viện Biển Đức Thiên An 

Sau đại lễ Phục Sinh, một hôm tôi ngỏ lời với cha Dom Romain – vị sáng lập và Bề Trên tiên khởi của Đan Viện Biển Đức Thiên An – xin được gia nhập Dòng Biển Đức. Cha nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Chuyện đó chưa được, vì anh còn nhiều việc hữu ích phục vụ cho đất nước tại ngân hàng”.  

Hai hôm sau, trong buổi đi dạo hằng ngày trên đồi Thiên An, dưới bóng mát rừng thông, cha đề nghị tôi liên kết với Dòng trong tư cách “hiến sinh” của Đan Viện và tôi đã tuyên hứa trước cha Dom Anselme, với sự tham dự của cha Dom Romain và cha Dom Urbain, tập sư – một người Do thái “trở lại”. Qua năm sau, cha sẽ là vị đồng hành thiêng liêng của tôi trong kỳ tĩnh tâm tới. 

Đức tin của cha Dom Urbain thật phi thường, mãnh liệt và nghiêm nhặt, nhưng đầy thông cảm với kẻ khác. Cha có lòng sùng kính đặc biệt và sâu sắc đối với Đức Trinh Nữ Maria. Trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân, cha đã trải qua cái chết thê thảm, xứng với cái chết trên thập giá của Người Anh huyết tộc của cha là Chúa Kitô.  

Một năm quân trường 

Vào năm 1965, sau khi tĩnh tâm hàng năm lần thứ năm ở Đan viện Biển Đức Thiên An trở về, tôi nhận được lệnh tổng động viên nhập ngũ khóa 20 bis sinh viên sĩ quan Trường Bộ Binh Thủ Đức. Năm sau tôi ra trường với cấp bậc chuẩn úy trừ bị 

Trong khi chờ đợi ra chiến trường, nghị định của thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, thủ tướng chính phủ quân nhân, biệt phái tôi làm Thứ Trưởng Bộ Thương Mãi, phụ trách ngoại thương. Sau biến cố Tết Mậu Thân, tôi được biệt phái trở về Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín, trong chức vụ Phó Tổng Giám Đốc, phụ trách kế hoạch và phát triển…cho tới khi chế độ quốc gia bị sụp đổ ngày 30/4/1975. 

Những ngày thử thách 

Suốt mười năm thành công tích cực trong nghề nghiệp, điều đó chứng minh lời cha Dom Romain rất sáng suốt: ngài đã không cho tôi đi tu. Quan hệ của tôi với Đan Viện Thiên An, thậm chí với Giáo Hội nữa, đã trở nên lỏng lẻo, như con thuyền đứt neo. Trạng thái tâm linh của tôi còn tệ hơn lúc tôi chưa trở lại. Rất may là Chúa không bỏ tôi. 

Nhờ thói quen chiêm ngắm, cầu nguyện riêng tư và học tập trong những lần tĩnh tâm dài hạn tại Đan Viện Thiên An trước đây, tôi tự tạo cho mình một hình thức “quan hệ kết hợp” đặc thù với Chúa, bằng một cuộc đối thoại thầm lặng liên lỉ, theo cách riêng của tôi: kể lể, thú nhận, van xin đủ điều, trong mọi hoàn cảnh. Đôi khi giữa lúc làm việc, hội họp, tôi cũng tranh thủ đọc vài “Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh, Tin Kính” hoặc “lần một chuỗi Mân Côi”, bằng những ngón tay. 

Từ đó, tôi xác tín rằng, mặc dù xanh xao vàng vọt, đức tin tôi cơ bản vẫn nguyên vẹn, không chút hồ nghi hoặc bác bỏ nào hết. Do đó nhiệm vụ tôi là giữ đừng mặc cảm, trái lại đón nhận mọi điều tốt xấu, trong bình an tin tưởng, cậy trông, như là “những Hồng Ân” từ tay Chúa. Mặt khác, tôi vẫn nhận thức rõ ràng từ trước đến giờ, Chúa luôn ban cho tôi nhiều điều lành, may mắn và hạnh phúc. Nếu một mai, không báo trước, Chúa đòi đền bù lại những gì đã nhận, tôi phải luôn trong tư thế sẵn sàng hoàn trả lại đủ số cho Chúa, không trễ nãi, không than van, không kèn cựa. 

Đi cải tạo 

Mười ngày sau khi thành lập chánh quyền cách mạng, tôi nhận được lệnh đi cải tạo, theo diện sĩ quan ngụy của chế độ ngụy. Với tâm hồn bình an, trí óc thanh thản, túi hầu như trống rỗng (vì không được rút tiền trong tài khoản), tôi trình diện đúng hẹn và lên đường đi “học tập”, như học sinh ngày tựu trường, không chút bận lòng về tương lai, nhưng hoàn toàn phó thác trong tay Chúa.  

Thậm chí tôi còn coi trại tập trung cải tạo là một “trường chuyên môn”do Chúa gởi tôi đến học bổ túc những chương trình còn thiếu sót trong việc đào tạo trước đây. Đó là: đói, rét, lao động cực nhọc, thiếu thốn mọi thứ, lòng lân tuất, chia sẻ, nhường nhịn với mọi anh em đồng cảnh ngộ. Từ đó, tôi quyết tâm vui vẻ học tập tốt, chấp hành nội qui tốt, mặt khác cố gắng sống trong hoàn cảnh bó chặt mà vẫn giữ tư thế một trí thức Công giáo có nhiều nghĩa vụ hơn quyền lợi và biết nhường nhịn hơn là đòi hỏi.  

Vả chăng, thời gian trước đây, vị trí xã hội đã bảo đảm đầy đủ cho tôi sống sung túc thì nay đến thời tôi phải sống chia sẻ, như “lá rách đùm lá tả tơi”, với những anh em đau ốm, yếu đuối, thiếu thốn, bơ vơ. Thái độ sống nầy giúp tôi không rơi vào tình trạng tự dày vò, sốt ruột chờ đợi ngày vô định được thả ra, như nhiều anh em tóc râu bạc phếu trước tuổi. 

Thời gian trăng mật với Chúa 

Tất nhiên điều kiện sống khép kín trong trại giam đã tạo thuận lợi cho đời sống thiêng liêng của tôi, luôn gắn chặt với Chúa đến nỗi tôi coi đó là thời gian “trăng mật”, đầy hứng khởi của “tôi trong Chúa” và của “Chúa trong tôi”. Để diễn tả điều đó, tôi chỉ có thể mượn lời Thánh Vịnh 63: 

Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,

ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.

Linh hồn con đã khát khao Ngài.

……

Bởi ân sủng Ngài quý hơn mạng sống,

miệng lưỡi nầy xin ca ngợi tán dương.

……

Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ,

suốt năm canh thầm thĩ với Ngài.

Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,

nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.

Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,

giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì. 

Hoặc Thánh Vịnh của I-sai-a (Is 26, 9), ngắn gọn hơn và đầy đủ ý nghĩa: 

Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa,

trong thâm tâm, những kiếm tìm khắc khoải. 

Đọc Lời Chúa 

Để sự kiếm tìm nầy được hoàn hảo, tôi nguyện hứa sẽ lén đọc xuyên suốt toàn bộ quyển Kinh Thánh Giê-ru-sa-lem, khổ bỏ túi. Như một phép lạ, sách đó luôn thoát khỏi mọi kiểm tra lục soát tỉ mỉ chuyên nghiệp của quản giáo các trại mà tôi lần lượt được chuyển đến. Tôi luôn cầu xin Chúa cho tôi đọc xong hết, rồi mới cho tôi được phóng thích, vì tôi tự biết chắc chắn một khi ra khỏi trại, tôi sẽ không có thì giờ hay tâm trí để đọc tiếp nữa. 

Quả thật tôi được phóng thích cuối năm 1979, hai tháng sau khi đọc tới câu cuối cùng là lời chúc phúc trong Sách Khải Huyền: “Chúc mọi người được đầy ân sủng của Chúa Giêsu” (Kh 22, 21). Tôi được phóng thích sau 52 tháng cải tạo không có vấn đề. 

Tuy nhiên mấy tháng trước đó, căn nhà tôi sở hữu được nhà nước “quản lý”, rồi cấp cho một cán bộ. Đối với tôi, đây không phải là một tin dữ, vì tôi thiết nghĩ: “cả thành trì sụp đổ, tiếc chi một miếng ngói?” Và tôi chỉ có lời nguyện của Gióp (G 1, 21) trên môi: 

Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ,

tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.

ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi:

Xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA! 

Sau khi cải tạo 

Tôi bình thản trở về tá túc với em trai kế tôi ở Quận 3 Saigon, với toàn bộ tài sản là hai bộ đồ tù, mang một màu khói sậm coi cũng “thời trang”, nếu được ủi kỹ và một lon sữa bột Guigoz, rất tiện gọn cho nấu nướng dã chiến, mọi nơi, mọi lúc cùng với mọi thứ thu nhặt được khi đi lao động. 

Chúa đã cho tôi một cơ may phi thường là tìm được chỗ làm chuyên viên kinh tế tại một cơ quan uy tín của thành phố là Ban Khoa Học và Kỹ Thuật ở Saigon, chỉ một tuần rời khỏi trại cải tạo. May mắn khác là các anh chị em bạn hữu và đồng sự ngân hàng ở nước ngoài, hay tin tôi đã trở về, với hai bàn tay trắng, đã tự động gởi trợ giúp, mãi từ đó cho đến nay, mặc dù tôi chưa hề dám mở miệng xin ai. Để tỏ lòng biết ơn, tôi quyết tâm sống xứng đáng với lòng hảo hiệp và hy sinh của họ. 

Sau chín năm tận tụy phục vụ tại Ban Khoa Học và Kỹ Thuật, tôi đã xin thôi việc để chân thành đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới kinh tế - hành chánh của đất nước. Tôi viết báo tự do cho nhiều báo lớn, trở thành thông tín viên thường trực của RFI (đài phát thanh quốc tế Pháp). Cuối cùng được mời tham gia Tổ Tư Vấn cải cách kinh tế, hành chành của cựu Thủ Tướng Chính Phủ Võ Văn Kiệt, từ năm 1993 đến cuối năm 1996. 

Rõ ràng, tôi không sao tạ ơn đầy đủ, như ý nguyện, Thiên Chúa Quan Phòng đã dẫn dắt cuộc đời tôi, “vì tình thương của Chúa trải muôn ngàn đời”. Nếu Ngài đã truất sạch toàn bộ tài sản của tôi, Ngài cũng đã đền bù lại gấp mười lần, vượt quá thân phận của tôi. 

TIẾT NĂM: BẾN ĐỔ CUỐI CÙNG 

Đan Viện Biển Đức Thiên Phước 

Sau khi được phóng thích khỏi trại cải tạo, cuối năm 1979, tôi không gặp khó khăn nào trong việc nối lại sinh hoạt lễ nghi phụng tự tôn giáo tại Tu Viện Đa Minh Mai Khôi, cho dù không còn gặp lại những cha thân quen người Pháp.  

Trái lại, việc lui tới Đan Viện Thiên An ở Huế là cả một vấn đề đối với tôi, vì tôi đang bị quản chế và còn phải đi làm. Mặt khác, Đan Viện Thiên Phước được thành lập năm 1972, do nhóm đan sĩ trẻ tuổi của Thiên An vào Saigon rồi lánh cư tại Thủ Đức, vì sau biến cố Tết Mậu Thân, Đan Viện Thiên An bị dội bom, cộng đoàn tan tác nhiều nơi. Sau 1975, Đan Viện Thiên Phước gặp vô vàn khó khăn về kinh tế và chính trị như mọi người khác lúc bấy giờ nên tôi không nỡ quấy rầy, làm thành gánh nặng không cần thiết. 

Bàn tay sắp đặt của Chúa 

Một hôm vào tháng 5/1995, người cha đỡ đầu của tôi là ông Hoàng Khắc Thành, từ Paris gởi về tôi một món tiền nhờ trao lại cha Bề Trên Thiên An là Stéphane (lúc đó đang ở Đan Viện Thiên Phước), để mua một xe đạp cho con đỡ đầu của ông ở Huế. Tôi vội lên xe gắn máy đi tìm. Vì chưa đến đó lần nào nên tôi lạc đường, đến Đan Viện Thiên Bình ở Long Thành và may mắn gặp lại cha Christophe mà tôi quen biết trước đây ở Thiên An.  

Nhờ cha chỉ đường nên chiều hôm đó, dưới trời mưa tầm tã, tôi đến Đan Viện Thiên Phước, vào giờ kinh chiều (5 đến 6 giờ). Tôi đấm thình thịch vào cửa tôn và gặp hai vị đã quen biết trước kia ở Thiên An và bây giờ đều là Bề Trên Đan Viện. Đó là cha Stéphane (Thiên An) và cha Bêđa (Thiên Phước). 

Trở lại đời sống hiến sinh 

Trong khi tâm tình, kể lể mừng vui gặp lại sau 30 năm, từ nhà nguyện bên cạnh nhà khách, tiếng đọc kinh và tiếng hát ngợi ca trầm bổng dâng lên, như xoáy thẳng tim tôi, khơi dậy những kỷ niệm sâu sắc êm đềm của những ngày sống trong tình huynh đệ với cộng đoàn Thiên An và trong vòng tay ôm ấp của Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ Maria và các Thánh, cũng như những nỗi niềm buồn tủi xa cách rời bỏ Đan Viện suốt 30 năm đó, tôi nuốt lệ thưa với hai cha: 

Thời gian qua, lỗi của con là đứt liên lạc tiếp xúc, chớ không mất hiệp thông, vì con vẫn luôn cầu nguyện cho cha Bề Trên Thiên An là cha đức tin của con, theo tuyên hứa hiến sinh. Hôm nay bàn tay Chúa dẫn dắt con bước vào ngôi nhà mới nầy của Ngài mà Ngài muốn từ nay cũng là ngôi nhà mới của con. Con xin hứa cùng hai cha là đến chết con mới rời nơi nầy là bến đỗ cuối cùng của con. 

Xin hai cha cầu nguyện cho con, để từ nay con được sống an bình, hoan lạc và ổn định thiêng liêng trong Nhà Cha nầy, ở bậc hiến sinh mà để tỏ lòng trung tín, suốt 30 năm qua, con luôn mang theo bên mình áo vải được ban cấp trước đây để mặc vào ngày trở về trình diện Chúa”. 

Sau khi trao tiền, tôi từ giã hai cha, tâm hồn nhẹ nhàng, trái tim phấn khởi, đầu óc cương quyết. Một tuần sau, tôi trở lại làm thủ tục chuyển định sở – vì lý do thuận tiện hiển nhiên – từ Thiên An vào Thiên Phước. Với đề xuất được chấp nhận, kế hoạch sinh hoạt của tôi tại Thiên Phước là mỗi cuối tuần và ngày lễ trọng, tôi sẽ lên Đan Viện tham gia phụng tự chung với cộng đoàn từ trưa hôm trước đến chiều hôm sau. Trong tuần, mỗi ngày, tôi sẽ đọc kinh sáng, kinh chiều và tham dự Thánh lễ tại giáo xứ Mai Khôi. 

Một tuần sau, trong Thánh Lễ, cha Bề Trên Bêđa mặc áo dòng hiến sinh kiểu mới cho tôi, giống như áo dòng thường của tập sinh. Từ đó, tôi hội nhập hoàn toàn vào cộng đoàn và tham dự mọi giờ kinh phụng vụ và phụng tự của cộng đoàn cũng như nhận phần lao động mà Cha bố trí. 

Người của riêng Ta 

Ngày 8/12/2003, trong Thánh Lễ trọng thể kính Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, trong giờ kinh sáng, tôi bỗng giật mình nghe đọc sách I-sai-a: “Ta đã gọi ngươi bằng đích danh ngươi là: người của riêng Ta”.  

Tất cả hành trình đến với Đức Tin Công Giáo của tôi chỉ để được nghe xác nhận sự chiếm hữu yêu thương của Đức Chúa là Thiên Chúa của tôi, Đấng Sáng Tạo tôi, Đấng Cứu Độ tôi và Đấng là Gia Nghiệp của tôi. Tóm lại, đó là Đấng, từ tấm bé, đã đóng dấu ấn: “ưu quyền trên trán tôi và thực tế đã không ngừng trở thành Ơn Trên của riêng tôi”, từ đó đến nay! Amen! 

Địa chỉ của hiến sinh Lâm Võ Hoàng

39 Hồ Xuân Hương, Quận 3, Saigon

Việt Nam

Đ.T. 084.8.930.5576

Email: lamvohoang@yahoo.com



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!