Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Những Nẻo Đường Việt Nam
Chương 16: Những bào thai bị giết

Cha Lê Quang Uy là linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, đặc trách Trung Tâm Mục Vụ của Dòng. Ngài được nhiều người biết đến qua các tờ báo điện tử “Ephata”, “Gospelnet”…Qua các phương tiện truyền thông nầy, ngài đã mạnh mẽ lên tiếng chống đối phong trào “phá thai” hiện đang xảy ra một cách dữ dội ở Việt Nam, nhất là trong giới trẻ. 

TIẾT MỘT: GÓC XÓT THƯƠNG 

Cha Lê Quang Uy đã mô tả “Góc Xót Thương” như dưới đây (đăng trong Ephata):  

Địa điểm 

Cứ lên lầu 1 Nhà Hiệp Nhất ở sân sau Đền Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Saigon, đi hết hành lang, ngang qua Văn Phòng Trung Tâm Mục Vụ Dòng Chúa Cứu Thế, người ta sẽ thấy một cái góc vừa quen vừa lạ: đó là “Góc Xót Thương”.  

Trông thấy quen vì gắn trên vách rất nhiều những tấm bảng mica màu xanh dương đậm với nét chữ trắng, nhưng đến gần đọc kỹ từng tấm thì mới thấy lạ, vì nội dung không phải Tạ Ơn Đức Mẹ mặc dù ở đây có đặt tượng Đức Mẹ, cũng không phải Tạ Ơn Chúa cho dẫu ở đây có treo ảnh Lòng Chúa Thương Xót. Tất cả đều là những dòng tên Thánh và họ tên, họa hiếm có ghi thêm “Xin cầu cho linh hồn…” 

Nơi “tập kết” các bào thai bị giết 

Ban đầu, khoảng năm 2005, ở góc hành lang này, chúng tôi có đặt một cái hũ sành lớn làm nơi “tập kết” các bào thai được các anh chị em trong Nhóm Bảo Vệ Sự Sống mỗi buổi chiều mang về từ 4 địa điểm y tế ở Sài-gòn có dịch vụ... phá thai. Dạo ấy, ngày ít được 50, ngày nhiều lên đến hơn 100 bào thai, ai nghe chuyện đã thấy nổi gai ốc, rùng mình. 

Thế rồi một thầy trong Dòng xin được của anh Văn Chương một pho tượng Đức Mẹ Lên Trời, chúng tôi đặt Mẹ đứng ở góc hành lang ấy, lấy keo dán lên lòng bàn tay phải của Mẹ một tượng Chúa Giêsu Hài Đồng bé tý xíu, ngụ ý xin Mẹ lên Trời hãy mang theo các cháu bé nạn nhân nạo phá thai. 

Đã có khá nhiều người biết nơi đây tạm lưu giữ các bào thai đã chết, chuẩn bị đưa đi thiêu ở ngoại thành, họ tìm đến lúc này lúc khác, thắp mấy nén hương, đốt mấy ngọn nến. Chúng tôi trộm nghĩ không khéo đây là những người mẹ đã trót lỡ lầm nay ăn năn ray rứt. Chắc không sai! Vậy là dần dần chúng tôi phải đặt thêm một ít giỏ hoa, một bình cắm nhang và những khay thắp nến. 

Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu 

Cho đến một chiều cuối năm 2005, vợ chồng anh Bình tìm đến đưa cho chúng tôi hai tấm bảng mica ghi tên 4 em bé đã bị phá thai từ hơn 40 năm về trước, trong đó có 2 bào thai là anh và chị lớn của anh Bình, còn 2 bào thai còn lại là hai em bé bị mẹ trút bỏ, vứt lây lất bên vệ đường, rồi đưa đẩy thế nào mà lại xin đi theo hai em bé kia cho... vui! 

Chúng tôi hỏi làm sao lại biết rõ chi tiết như thế, anh chị Bình mới cho biết đầu đuôi câu chuyện là anh linh các cháu bé bị phá thai đã về với người trong gia đình anh chị ra sao. Em bé lớn nhất xin người nhà đặt tên là Phan-xi-cô Hoàng Vĩnh Thu, cô em kế là Ma-ri-a Hoàng Vĩnh Hạnh, còn hai chú “em kết nghĩa” là Giu-se Phúc và Đa-minh Nam. Vĩnh Thu còn căn dặn phải nhớ cắt 2 tấm bảng mica, một cho riêng Phúc, ba em kia chung tấm còn lại, mang tất cả lên đưa cho cha DCCT, nói cha dâng một Thánh Lễ cầu nguyện là xong! 

Nghe câu chuyện rồi, chúng tôi đã làm đúng như “di chúc” ấy. Vợ chồng anh Bình bây giờ sốt sắng đạo đức lắm, lại tham gia nhiệt thành vào các nhóm cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa 3 giờ chiều ngày thứ sáu mỗi tuần. Anh chị không ngại ngần chia sẻ sự thật xót xa về tội phá thai trong gia đình mình. Anh chị cũng làm chứng với mọi người một cách xác tín vào Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su. 

Cảnh tượng xảy ra nơi “Góc Xót Thương” 

Và từ dạo ấy, nhiều người biết chuyện đã tìm đến cầu nguyện ở góc hành lang mang tên Góc Xót Thươngnày. Các cha Giải Tội cũng có hướng mục vụ để khuyên các hối nhân sau khi đã giao hòa với Thiên Chúa, lãnh nhận ơn tha thứ và chữa lành, cũng hãy trở về tìm cách giao hòa với chính đứa con tội nghiệp của mình bằng cách đặt tên cho nó để nhìn nhận nó là con của mình. Và rất nhiều tấm bảng khác đã được gửi đến với lời khẩn khoản: “Xin các cha gắn lên tường nơi đây cho chúng con có thể lui tới cầu nguyện...” 

Cuối cùng thì chúng tôi mượn được của các anh chị bên Lớp Kinh Thánh Cầu Nguyện một tấm ảnh lớn về Lòng Thương Xót Chúa, bên dưới ghi:Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”. Chúng tôi treo ảnh lên vách tường, chung quanh gắn các tấm bảng tên các thai nhi. Bên cạnh là bệ tượng Đức Mẹ, dưới chân là một cái khạp lớn để có thể tạm lưu giữ các bào thai đang ngày một tăng lên nhiều hơn, có lúc sau Tết Đinh Hợi vừa qua đã lên đến hơn 600 bào thai một ngày! 

Ngay gần đó là một chiếc bàn, kê thêm mấy chiếc ghế, làm nơi anh em Linh Mục chúng tôi trò chuyện thuyết phục các trường hợp muốn phá thai được các anh chị Nhóm Bảo Vệ Sự Sống đưa về từ các nơi. Các thai phụ đầm đìa nước mắt, cứ ngước nhìn lên là lại thấy ánh mắt Chúa thương xót đăm đăm nhìn mình, và thế là cháu bé đã được cứu vào giây phút cuối! 

Góc Xót Thươngđã hình thành như thế đó... 

TIẾT HAI: THĂM VIẾNG “GÓC XÓT THƯƠNG” VÀ MÁI ẤM  

Tôi đến thăm cha Uy tại văn phòng Mục Vụ của cha vào một buổi xế trưa trong tuần, vào giữa tháng mười 2006. Sau khi trao đổi với cha đôi điều về hiện tình phá thai, cha dẫn tôi ra hành lanh trước văn phòng làm việc của cha. Đó là “Góc Xót Thương” – góc cuối hành lang – nơi mà cha đã cho xây cất một tượng đài Đức Mẹ là Nữ Vương Các Thánh Anh Hài, đặt bên tượng Lòng Thương Xót Chúa, như mô tả trên đây.  

Những túi ny lông 

Mặc dù lúc đó chỉ khoảng một giờ trưa mà đã có năm sáu “túi ny lông” chứa đựng những thai nhi vừa mới bị phá và được các thiện nguyện viên đi nhặt lấy đem về tập trung nơi đây để đưa đi tống táng. Tôi đứng lặng người, ngậm ngùi nhìn các túi ny lông đó trong năm mười phút. Qua trí tưởng tượng, tôi nhìn thấy những nắm thịt bầy nhầy của các thai nhi xấu số đã bị móc ra khỏi tử cung người mẹ và chết thê thảm một cách rất thương tâm. Tôi tự hỏi tại sao con người tàn ác đến thế và chính các bà mẹ là người chủ mưu!  

Mẹ ơi! Xin đừng giết con!!! 

Tôi ngồi suy tư năm mười phút, bỗng chốc sống lại trong tôi những tâm tình bộc phát mà trong một phút xúc động vào mùa đông năm 2005, tôi đã sáng tác thành bài thơ “MẸ ƠI! XIN ĐỪNG GIẾT CON!!!” khi những tin tức phá thai ở Việt Nam đưa tới một cách dồn dập: 

Mẹ ơi!

Con là hòn máu đỏ lòm của Mẹ:

Một thai nhi tuy chưa cử động nói năng,

nhưng có đủ cơ phận con người…
 

Con vốn kết tinh bởi khí huyết mẹ cha

Trong một phút ân ái đậm đà:

Trong vòng lễ giáo hay vụng trộm,

Nhưng kết quả đâu có khác…
 

Con là mầm sống còn trong trứng nước.

Khi trọn tháng ngày sinh nở,

Con sẽ là một em bé mũm mĩm thiên thần!

 

Mẹ ơi!

Mẹ nỡ lòng nào lại muốn giết con??? 

…… 

Con hoàn toàn là hòn máu vô tội,

Con chưa thốt một lời khiến đau lòng Mẹ.

Con chưa xúc phạm đến Mẹ một lần!

Sao Mẹ nhẫn tâm muốn giết hại con!!!

 

Những oan trái cuộc đời của Mẹ

Trút xuống thân phận mỏng dòn

Và vô phương tự vệ của con.

Mẹ muốn bảo tồn hư danh của Mẹ

Bằng cách cất lấy mạng sống con đi!

 

Một phút lỡ lầm của Mẹ

đánh đổi bằng chính sinh mạng của con???

Những khó khăn trong cuộc sống thường nhật của Mẹ

được khỏa lấp bằng cái chết oan nghiệt của con???

 

Mẹ ơi!

Con đâu có tội tình gì

Mà phải phanh thây nát đầu,

Tay chân tả tơi…như bị xâu xé bởi mãnh thú??? 

…… 

Mãnh thú còn biết bảo vệ con thú nhỏ,

Mẹ làm người có lương tâm đạo lý,

Sao Mẹ nhẫn tâm đến độ ghê tởm:

Cho phép bác sĩ bầm dập thân con!!!

 

Khi con tan xương thịt nát,

Mẹ lê bước đến những phần mộ vô danh

Ở Nghĩa Trang Đồng Nhi Pleiku,

Hoặc Nghĩa Địa Các Thánh Anh Hài ở Huế…

 

Với nhang khói và hoa tàn trong tay

Mẹ khóc than trong ân hận,

Khi thể xác con trở thành cát bụi hư không,

Do chính bàn tay tàn ác của Mẹ!!! 

…… 

Nếu Mẹ có ăn năn thì sự đã rồi!

Mẹ có ân hận suốt đời,

Tiếng nói lương tâm của Mẹ

Cũng sẽ không bao giờ im bặt!!!

 

Còn con đã đi vào cõi vĩnh viễn hư không

Của những cô hồn vất vưởng,

Để làm chứng tá

Cho những tội ác tày trời của Mẹ!!! 

(Thai nhi bất hạnh của Mẹ)

 

Đi thăm mái ấm 

Khoảng ba giờ chiều hôm đó, nhân tiện cha Uy đi thăm mái ấm dành cho các thiếu nữ từ chối phá thai. Họ được đưa tới đây để các nam nữ tu sĩ cùng các giáo dân thiện nguyện giúp đỡ trước khi sinh nở, cũng như sau khi sinh xong. Cha Uy thỉnh thoảng đến đây thăm viếng và dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho họ. 

Đa số các thiếu nữ đó còn trẻ, khoảng ba mươi tuổi trở xuống. Có thiếu nữ còn non trẻ như đang lứa tuổi học sinh. Ở đây họ cũng được dạy nghề như may vá để rồi sau nầy may ra kiếm được việc làm nuôi thân và nuôi con. 

Nhìn các cháu nhỏ mới sinh được vài tháng hay lên mấy tuổi, biết nói năng đi đứng và vui đùa, tôi cảm thấy vui lây. Nhưng đó chỉ là một số nhỏ, rất nhỏ, không biết được mấy phần ngàn, phần vạn, so với số khổng lồ thai nhi đã bị phá, nghĩ thật đau lòng! Việt Nam là một trong ba quốc gia có tỷ lệ phá thai lớn nhất thế giới, bên cạnh Trung Hoa và Ấn Độ. 

Công việc của cha Uy cũng như của các nam nữ tu sĩ trẻ tuổi cùng nhóm thiện nguyện giáo dân chỉ như muối bỏ biển. Nhưng với thiện chí, cha Uy và quý thầy, quý Sơ cùng các giáo dân thiện nguyện cố gắng làm một cái gì đó, còn hơn không. 

TIẾT BA: SỰ GHÊ RỢN CỦA VIỆC PHÁ THAI 

Báo điện tử Ephata số 95 có đăng lại bài của Tú Anh - Nguyễn Quyên, Báo An Ninh Thế Giới, cuối tháng 7/2002: “Lời kêu cứu của những đứa trẻ không ra đời: Bể trầm luân, ai khóc?”, mô tả cảnh những thiếu nữ đi phá thai ở Hà Nội như sau: 

Phòng nằm sau khi nạo thai 

Nhận được tin nhắn, tôi vội vào bệnh viện Phụ Sản Hà Nội ngay. Cô em họ (đang là sinh viên, có thai với bạn trai, đã không thể vượt qua rào cản của dư luận, một mình đẻ con) đã nhập viện để nạo thai. Hai phòng chờ chật chội với những khuôn mặt non choẹt, ngơ ngác và sợ hãi. Cô nào cũng mặc một chiếc váy hoa đỏ trùm kín tới gót chân nên rất khó nhận ra. 

Nhìn lướt qua các ô cửa, tôi bước vào một phòng rộng có mười giường bệnh. Mỗi giường có một cô gái trẻ nằm thiêm thiếp như chết và bên cạnh là một cậu trai cũng ngơ ngác và sợ sệt không biết làm gì khác, ngoài việc cúi gằm mặt xuống. Khuôn mặt các cô tái ngắt không còn sinh khí, vệt máu còn dây ra cả chiếu. Tôi rùng mình. Đó là phòng nghỉ của những người đã nạo thai xong. 

Một chàng trai cỡ 17 tuổi cúi xuống bạn: “Về đi, ai trông thấy thì chết!” Tiếng cô gái thều thào, đứt quảng: “Em nghỉ tí đã!” Sau 20 phút từ khi bạn nạo thai, cậu ta xốc nách cô gái dìu nhau ra khỏi viện, hầu như không có một sự chăm sóc y tế nào đối với những cô gái đã xong việc và chuyển tới nằm nghỉ ở đây. Khoảng 10 phút sau, lại tiếng bánh xe cáng nghiến rền rĩ, một cô vừa nạo xong được bác sĩ chuyển đến. 

Cảnh tượng nạo thai 

Nhìn khắp không thấy cô em gái, tôi chạy tiếp phòng khác. Khuôn mặt em tôi tái mét như không còn hạt máu, ngồi rúm ró trong một góc phòng. Cái thai đã được 4 tháng, bác sĩ dọa rằng: to lắm, phải để đẻ thôi, chứ không làm cô-vắc được đâu. Hầu hết các cô gái có thai to đều bị đe dọa một câu như thế. 

Bác sĩ biết, những cô gái nầy phải tìm đến đây thì không lời đe dọa nào có tác động bằng lời đe dọa ấy. Và tất nhiên lời đe dọa nào cũng có mục đích cả, nhất là lời đe dọa ấy lại từ miệng của những người sẽ giúp đỡ mình. 

Trong số khoảng 2 triệu ca nạo thai mỗi năm thì số các cô gái chưa chồng đi nạo thai chiếm đến 90%. Bác sĩ bơm thuốc thẳng vào tử cung để ép quá trình sinh đẻ đến thật nhanh. Thành bụng co ép, đẩy cái thai ra ngoài.  

Có cô gái 16 tuổi, lần đầu mang thai, sau khi dùng thuốc khoảng 2 tiếng là lên bàn… đẻ ngay. Như vậy liều thuốc dùng phải cực mạnh và đặc biệt hại trực tiếp đến tử cung của người phụ nữ. Chính điều nầy khiến nhiều người phải vô sinh. 

Làm mẹ một giây! 

Làm xong, cô em tôi cũng được đẩy về phòng nghỉ. Trong nỗi đau đớn tột cùng, nó không còn biết mình vừa làm gì. Linh cảm người mẹ trỗi dậy, nó thốt lên gần như không ra hơi: “Trai hay gái?” rồi thiếp đi. Đấy, giây khắc thốt lên ba từ ngắn ngủi nầy, nó trở thành người mẹ. Điều nầy ngay cả khi trên bàn đẻ nó cũng không có được, vì thuốc và bác sĩ đã “sinh” hộ nó rồi. 

Sau khi nạo thai 

Những cô gái đến bệnh viện đa số được bạn trai, người cùng gây ra hậu quả đưa đi. Có những cô vì bạn trai đã “chạy mất” nên đành phải đi một mình. Nạo xong, nghỉ được vài chục phút là vội vã đưa nhau về.  

Nếu ở thành phố thì giấu kín bố mẹ, còn là sinh viên thì tấp vào một nhà trọ nào đó. Hiển nhiên, những cô gái đó không bao giờ, dù nhỏ tuổi nhất, lại được chăm sóc y tế hay sức khỏe sau khi nạo thai. Hầu hết các cô phải gắng gượng đi lại, lao động như bình thường. Do đẻ ép trái với tự nhiên và do dùng một liều thuốc quá lớn, cộng với tâm lý cực kỳ nặng nề, nên mỗi ca nạo thai tổn hao sinh lực sản phụ gấp năm lần một ca đẻ bình thường. 

Có một ngàn cách để giữ người đàn ông lại, nhưng chỉ có một cách khiến họ thật sự yêu mình. Đó là yêu họ bằng một tình yêu chân thành nhất. Mà tình yêu chân thành thì nhạo báng và rũ bỏ mọi mưu mô. 

Tuy nhiên, khi đã 4, 5 tháng tuổi, lúc đó thai nhi đã mang hình hài con người. Có thể thai nhi 4 tháng tuổi chưa đủ hình vóc của một con người, nhưng về mặt tinh thần của đứa trẻ ấy, của thai nhi ấy đã tồn tại từ khi người mẹ bắt đầu mang thai. Tinh thần đó là một tinh thần còn ẩn khuất và nó sẽ xuất hiện giữa thế giới con người khi đứa bé chào đời. Chính vì vậy, những đứa trẻ đó phải được sống cuộc sống mà tự nhiên đã ban cho nó. 

TIẾT BỐN: NGHĨA TRANG CỦA HƠN 30.000 LINH HỒN BỊ CHỐI BỎ 

Ephata (số 322) có trích lại bài viết của Hoàng Văn Minh, báo Lao Động, ngày 25/06/2007, mô tả “Nghĩa Trang của hơn 30.000 linh hồn bị chối bỏ” như dưới đây:   

Tại làng Ngọc Hồ, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, có một nghĩa trang chôn cất hơn 30.000 đứa trẻ chưa kịp nên hình hài đã bị cha mẹ chối bỏ, tước đoạt sự sống. Đó là kết quả sau hơn 15 năm âm thầm đi gom các hài nhi về chôn cất của hai người đàn ông có một thân phận bình thường. Họ gọi công việc của mình bằng một cái tên đầy ẩn dụ và đau xót: Phần việc cuối cùng của những người Bảo Vệ Sự Sống!

 Lẩn thẩn với những linh hồn bé bỏng...

         Nghĩa trang đương nhiên là buồn, nhưng hình như nghĩa trang ở làng Ngọc Hồ là nghĩa trang buồn và cô quạnh nhất. Tôi mồ hôi đầm đìa vì nắng nóng, nhưng vẫn cảm được sự gợn lạnh của một cõi âm hình như đã lâu vắng mùi nhang khói. Bởi vậy, người bạn đồng hành đã không cầm được những tiếng thở dài và nước mắt khi nhìn thấy cỏ mọc um tùm giữa hàng trăm ngôi mộ nằm san sát nhau, cùng một kiểu và diện tích giống nhau. 

         Mới nhìn thoáng qua, cứ ngỡ những linh hồn bé bỏng đang yên nghỉ ở đây đã tìm thấy được sự công bằng, nhưng đó mới chỉ là sự công bằng về diện tích và kiểu dáng. Bởi trên những khoảnh đất hiếm hoi ở giữa những ngôi mộ, không hiểu sao nơi lại rực rỡ sắc hoa, nơi lại ngút ngàn cỏ dại và chỉ lác đác một vài ngôi mộ, dù có nguội lạnh ngả nghiêng, nhưng vẫn có được cái bát nhang như thường thấy. 

         Anh Trương Văn Năng – một trong hai chủ nhân của nghĩa trang – chỉ lý giải được vế sau của sự thắc mắc: "Những ngôi mộ có bát nhang là do một trong những em nằm dưới đó đã được bố mẹ tìm đến nhìn nhận. Rằm và mồng một hàng tháng, họ thường đến đây thắp nhang và dọn dẹp mộ phần cho con cái. Hôm nay mấy anh lên không đúng dịp, chờ nán lại thêm mấy hôm nữa, đến cuối tháng sẽ gặp được rất nhiều người". Nhưng "làm sao họ lại biết người nằm dưới mộ là con họ?" – tôi hỏi.  

Anh Năng trả lời: "do để tiết kiệm đất cho lâu dài nên mỗi ngôi mộ chúng tôi chôn chung khoảng 6, 7 em, mỗi em được bỏ trong một cái om nhỏ như cái ấm đất. Còn chuyện các ông bố, bà mẹ sau bao nhiêu lâu vẫn tìm được đúng mộ của con mình là do khi nhặt và chôn cất, mỗi hài nhi đều được chúng tôi làm hồ sơ rất kỹ về ngày và địa điểm nhặt xác, nguồn gốc nếu có... Những thông tin đó chúng tôi lưu giữ vào những cuốn sổ riêng, còn những con số trên mộ chỉ là những thông tin về ngày chôn cất..." 

         Rồi anh thở dài: "Các em không may bị cha mẹ chối bỏ sự sống nhưng vẫn còn may là được họ nghĩ lại để tìm đến. Tuy nhiên số đó rất ít. Phần lớn các em ở đây vẫn mang phận mồ côi. Ai ở gần những hàng xóm có người thân thì thỉnh thoảng còn hưởng nhờ chút khói nhang, hoa quả..." 

         Anh Năng dẫn chúng tôi đến một khu nghĩa trang khác trong khuôn viên ngọn đồi, nơi có những ngôi mộ vừa mới chôn chưa kịp "xây nhà", vẫn còn nguyên mùi đất, và cả những ngôi mộ vừa mới đào xong chưa có xác. Anh nói: "Đây là 3 ngôi mộ vừa chôn tuần trước, còn đây là những ngôi mộ tui đào sẵn cho những ngày sắp tới. Hôm nay nếu không hẹn với các anh, tôi đã về Huế để nhận các em về". 

         Việc cuối cùng của những người "Bảo Vệ Sự Sống" 

         Để có được một nghĩa trang bề thế và đầy ý nghĩa như bây giờ, hơn 15 năm nay, hai anh Trương Văn NăngTống Viết Hiếu, ở thôn Ngọc Hồ của xã Hương Hồ, thành viên của nhóm "bảo vệ sự sống", thuộc Hội Bác Ái địa phận Huế, đã âm thầm đi lại như con thoi giữa Hương Hồ – Huế (khoảng 15km) để gom về từng cái xác. Nhóm "Bảo Vệ Sự Sống" có rất nhiều người tham gia với nhiều phần việc khác nhau, như gặp và động viên những bà mẹ trẻ lỡ dại tiếp tục giữ, sinh và nuôi. 

         Bà mẹ nào sinh con ra nhưng không nuôi được với nhiều lý do khác nhau thì hội nhận và giao cho các cơ sở khác thuộc Hội Bác Ái nuôi. Thiết lập quan hệ với các bệnh viện, những y bác sĩ chuyên về nạo phá thai, để xin những thai nhi bất hạnh đem về chôn cất... "Tui và anh Hiếu chỉ phụ trách việc nhận thai nhi ở những địa điểm cố định để đem về đây chôn, còn việc tiếp nhận thai nhi từ các cơ sở nạo phá thai thì đã có một nhóm khác lo liệu. Nói cách khác, phần việc của chúng tôi là phần việc cuối cùng của những người bảo vệ sự sống" – anh Năng nói, ánh mắt đầy chua xót. 

         Hiện trung bình mỗi tháng, hai anh Năng và Hiếu tiếp nhận, chôn cất khoảng từ 120 – 140 hài nhi. Đó là một con số kinh hoàng đối với một địa phương nổi tiếng là lành và gia giáo như ở Huế. Tuy nhiên, theo anh Năng thì "con số đó vẫn chưa phản ánh được hết thực chất của việc nạo phá thai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, bởi chắc đã và sẽ còn rất nhiều vụ phá thai mà chúng tôi không thể nào biết được. Một điều tôi không thể nào hiểu được là tại sao càng ngày, đời sống kinh tế của người dân càng khấm khá thì tỉ lệ nạo phá thai lại càng tăng đến chóng mặt. Đặc biệt, ngày trước cứ 10 người nạo phá thai thì có đến 8 – 9 là người sống ở thành phố, còn bây giờ, cứ 10 người thì lại có đến 3 – 4 sống ở nông thôn". 

         Tôi băn khoăn không biết những thai nhi không được đưa vế đây có được ai đó quan tâm để chôn cất tử tế hay không? Anh Năng chùng giọng: “Có lẽ là không, bởi hiện ở Thừa Thiên – Huế chỉ duy nhất chúng tôi làm việc nầy.” Về việc những thai nhi bị chối bỏ, nếu không được chôn cất thì sao, anh Năng không trả lời thẳng mà chỉ gần xa, nhưng đủ để tôi rung mình và bất chợt nhớ tới những thai nhi được dùng để vỗ béo súc vật như trong truyện ngắn “Tướng về hưu” xôn xao một dạo… 

         Nhóm Bảo Vệ Sự Sống        

         Nhóm "Bảo Vệ Sự Sống" được hình thành và hoạt động từ năm 1992, và sau này trở thành một mô hình kiểu mẫu cho nhiều địa phương khác làm theo như Nha Trang, Đà Nẵng...  

         Lúc đầu, tôi cứ đinh ninh là các anh được trả tiền để làm việc này, nhưng hoá ra không phải. "Nhiều năm nay, chúng tôi làm việc này một cách tự nguyện. Chỉ có tiền cho việc mua áo quan và xây mộ là Hội Bác Ái cho, còn lại mọi chi phí đi lại, chúng tôi phải tự lo. Tuy vậy, chúng tôi lấy điều đó làm vui bởi đã làm được việc gì đấy có ý nghĩa để các em được an ủi phần nào. Hiện thu nhập chính của gia đình tôi là làm ruộng và trồng rừng, còn anh Hiếu là đi dạy thêm tiếng Anh cho người ta. Làm công việc này mà nghĩ đến tiền bạc là thất đức lắm. Vả lại nếu có tiền thì thiên hạ người ta tranh nhau làm hết rồi, đâu tới lượt mình" – anh Năng nói.  

         Điều bất ngờ là anh Năng có 6 người con, nhưng tất cả 4 người con lớn của anh hiện đang theo học đại học và phổ thông ở Huế đều rất ủng hộ và đang "theo nghề" của anh. "Có những lúc bận quá không về Huế nhận xác được, rứa là các cháu nhân dịp đi học về ghé qua nhận và mang về giúp tôi. Cũng may là đứa nào cũng thấy bình thường và vui vì được làm công việc này. Như rứa là sau này tôi có người nối nghiệp rồi" – anh kể và đầy tự hào về các con mình. 

         Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra tại nghĩa trang. Anh Năng vừa tranh thủ làm vệ sinh một ngôi mộ phủ đầy cỏ dại vừa thầm thì, hình như không phải với tôi: "Bao năm nay ở đây chỉ toàn nghe tiếng khóc và thở dài, phải lâu lắm rồi mới có nhiều tiếng người cười nói". Anh khoe: "Mỗi lần có chuyện buồn bực, chuyện khó khăn, tôi đều lên đây tâm sự với các em và sau đó thấy lòng rất nhẹ nhõm. Ở đời, chỉ có đối diện với người đã khuất, đặc biệt với những hài nhi như các em, người ta mới dám rũ bỏ và nói thật lòng mình". 

Chia tay anh, tôi và người bạn đồng hành nán lại chút xíu để thử "tâm sự với các em". Bởi là lần đầu tiên rơi vào cảnh ngộ này nên cho đến chập choạng tối vẫn không biết nên tâm sự những gì và bắt đầu từ đâu? Đành rời nghĩa trang và tự an ủi mình bằng một niềm vui nho nhỏ: "Mình được sinh ra trên cõi đời này đã là một niềm hạnh phúc vô bờ bến!"



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!