Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Những Nẻo Đường Việt Nam
Chương 15: Trẻ em khuyết tật

TIẾT MỘT: TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT GIA ĐỊNH 

Giáo sư Nguyễn Văn Thành 

Trước năm 1975, giáo sư Nguyễn Văn Thành tốt nghiệp chuyên khoa về tâm lý học ứng dụng tại Đại Học Grenoble, Pháp và là giáo sư của các đại học Huế, Sàigon, Minh Đức và Vạn Hạnh. Sau năm 1982, giáo sư Thành định cư ở Thụy Sĩ. Tại đây, giáo sư Thành làm giáo viên tại trường khuyết tật La Fondation Delafontaine, LeMont-sur-Lausanne.  

Từ năm 1993 và  mỗi năm sau đó, vào mỗi dịp hè, giáo sư Thành thường về Việt Nam giúp huấn luyện giáo viên dạy các trẻ em khuyết tật. Từ ngày hưu trí, năm 2005, Giáo Sư được Ủy Ban Bác Ái Xã Hội của Hội Đồng Giám Muc VN  mời về hằng năm, mở lớp đào tạo trẻ em mắc Hội Chứng Tự Kỷ ở Sàigòn và Hà Nội. Thành phần học viên gồm các cha mẹ, nam nữ tu sĩ, giáo dân và cả các cán bộ công nhân viên...  

Ba tác phẩm chuyên môn của giáo sư Thành đã được xuất bản, dành cho các khóa đào tạo nầy:

      - Trẻ em tự kỷ: Phương thưc giáo dục 2005.

      - Nguy cơ Tự Kỷ: Phương thức lượng gia mức độ phát triển, 2006.

- Phát huy quan hệ xã hội cho các trẻ em tự kỷ, trong chương trình can thiệp sớm, 2007.

NB Những tác phẩm nầy đều có trên các Thông tin vi tính www.chungnhanduckito.net, www.vietcatholic.news.netwww.dunglac.net.

Tôi quen biết giáo sư Thành thuở nhỏ, vì chúng tôi học chung với nhau ở Trung Học (Institut de la Providence, Huế). Sau đó, kẻ Trung người Nam… Mãi trên năm năm trở lại đây, tôi mới bắt liên lạc với giáo sư Thành trên mạng và từ đó chúng tôi trở lại thân quen.

Chuyến về thăm Việt Nam lần nầy, tôi tạm trú tại quận Bình Thạnh là nơi tọa lạc ngôi Trường Chuyên Biệt Gia Định, do cô Võ Thị Khoái – một học viên và cộng tác viên của giáo sư Thành – làm hiệu trưởng. Qua sự giới thiệu của giáo sư Thành, khi rảnh rổi, thỉnh thoảng tôi ghé lại thăm cô Khoái và ngôi Trường Chuyên Biệt Gia Định.

Ngôi trường tình thương

Trường Chuyên Biệt Gia Định chiếm hai dãy nhà khiêm tốn hình chữ L, ở một khu bên trong khuôn viên nhà thờ Bà Chiểu Gia Định. Còn nhà trường rộng lớn của họ đạo Gia Định thì bị quản chế từ sau 1975.

Tôi được cô Khoái dẫn đi thăm mái trường thân yêu của cô, với những lớp học cũ kỹ, bàn ghế có cái xiêu vẹo. Những em học sinh còn bé nhỏ, từ 3 đến 17 tuổi trở xuống, hơi bất thường, so với đa số học sinh khác, do bị khuyết tật. Các em nầy thuộc đủ thành phần trong xã hội, từ con cái của thành phần trí thức: luật sư, kỹ sư, bác sĩ, công thương kỹ nghệ gia, đến giới bình dân lao động chiếm đa số.

Khi tiếp cận, trông thấy dáng điệu các em thật dễ thương và ngây ngô. Có những em lăng xăng hiếu động: chưa có ngôn ngữ, tự đánh bản thân, đập đánh, cấu véo bạn bè và  những người xung quanh khi bực tức bùng nổ…Cô Khoái cũng như các giáo viên, nhờ được huấn luyện đặc biệt nên đã trao đổi với các em bằng tình thương  để xoa dịu và giao tiếp. Dù sao đi nữa, họ cũng phải kiên nhẫn rất nhiều.

Lai lịch Trường Chuyên Biệt Gia Định

Trường Chuyên Biệt Gia Định (trước kia mang tên Trường Thánh Mẫu) là một cơ sở hoạt động xã hội của Họ Đạo Gia Định, thuộc Phòng Giáo Dục Đào Tạo và UBND Quận Bình Thạnh, Saigon, được thành lập từ năm 1991 do Cha Sở Antôn.

Trường được ra đời để đáp ứng nhu cầu dân chúng, vì chung quanh khu vực Nhà Thờ là khu xóm lao động nghèo nàn có nhiều trẻ em khuyết tật, nhiều trẻ em thất học, không có điều kiện đến trường, chưa biết chữ, chưa biết đọc biết viết. Buổi đầu tiên chỉ có 8 em, đến nay lên đến trên trăm em.  

Chức năng

 

Trường nhằm những mục đích sau đây:

 - Can thiệp sớm cho những trẻ chậm phát triển trí tuệ (CPTTT) trước tuổi đi học, từ 0 đến 6 tuổi.

 - Giáo dục chuyên biệt để phát triển khả năng trẻ CPTTT, dạy văn hóa cho những trẻ có khả năng.

 - Giúp hội nhập, hòa nhập vào trường lớp bình thường cho những trẻ có khả năng, có điều kiện.

 - Hướng nghiệp, phát triển kỹ năng cuộc sống cho những trẻ CPTTT, từ 15 tuổi trở lên để các em có điều  kiện hội nhập vào cuộc sống cộng đồng.

 

Tổ chức nhân sự

 

Cơ quan chủ quản là Họ Đạo Gia Định. Người chủ trương là LM Mai Thanh Tùng. Ngoài  cô Võ thị Khoái là hiệu trưởng, số giáo viên và công nhân viên là 28 người. Tổng số học sinh là 117 trẻ em từ 3t đến 18t. Dạng trẻ: Hội Chứng Down, Tự Kỷ – khó giao tiếp, bại não nhẹ, chậm phát triển các dạng khác.            

 

Kinh phí hoạt động

 

Kinh phí ban đầu do Xứ Đạo và Giáo dân trong Họ Đạo đóng góp cho 8 năm hoạt động. Số trẻ lúc bây giờ từ 25 đến 40 trẻ em.

 

Kể từ năm 1998 Cha Sở bị tai biến mạch não, kinh phí Xứ Đạo hạn hẹp. Số học sinh tăng đến 90 trẻ. Phụ huynh đóng góp để hoạt động nhà trường được tiếp tục. Hiện tại còn 32 trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn được miễn giảm.

 

Cơ sở là những Phòng Học Giáo Lý của Họ Đạo được sử dụng với 2 chức năng: Chúa Nhật dùng để cho các trẻ em học Giáo Lý; ngày thường trong tuần để phục vụ các trẻ em khuyết tật về tâm thần.

Mục tiêu giáo dục

 

 - Phát triển vận động toàn thân, phát triển vận động tính, kết hợp tay mắt, phát triển các ngón tay, bàn tay…

 - Tâm vận động: giải quyết xung năng của trẻ.

 - Phát triển ngôn ngữ, giao tiếp.

 - Cá nhân xã hội: kỹ năng cuộc sống, phát triển khả năng tự lực.

 - Nghệ thuật: phát triển năng khiếu cho những trẻ có khả năng:  vẽ, đàn, múa…    

 - Kỹ năng học đường cho những trẻ có khả năng nhận thức.

 - Hướng nghiệp: tập làm quen những thao tác để có khả năng học tập một  ngành nghề đơn giản nào đó

 

Các hình thức học tập 

- Sinh hoạt ngoài trời: phát triển thân thể, cơ bắp; thăng  bằng cơ thể.

- Vận động với âm nhạc: hoạt động trị liệu: chơi mà học, học mà chơi.

- Tổ chức học tập tại lớp: giúp trẻ phát triển, tùy nhu cầu và khả năng mỗi trẻ em; thực hiện kế hoạch cá nhân: nhóm, lớp. 

 - Vui chơi phát triển nơi Phòng Tâm Vận Động: tạo điều kiện để trẻ bộc lộ diễn tả xúc động tình cảm, ước muốn, suy nghĩ… qua hình ảnh, tranh vẽ, đất nặn, trò chơi…

 - Đi bộ, tham quan, vui chơi, dã ngoại, tìm hiểu môi trường xung quanh: phát triển giao tiếp xã hội, khám phá thiên nhiên, thế giới sự vật… hội nhập cộng đồng, xã hội hóa.

 - Phát triển năng khiếu: hội họa, làm quen sắc màu, đàn, múa hát, vi tính…

 - Sinh hoạt trong các lớp hướng nghiệp: kỹ năng cuộc sống, tự phục vụ, đi chợ, siêu thị, sử dụng tiền, trao đổi, chọn hàng, làm bếp… dệt sợi, xâu hạt, làm móc khóa…

 

Thuận lợi

 

 - Được sự quan tâm giúp đỡ của Họ Đạo, Linh Mục Chủ Trường, chính quyền địa phương tạo điều kiện họat động.

 - Đội ngũ giáo viên nhiệt tình, có trình độ, biết sáng tạo, có khả năng chuyên môn về giáo dục đặc biệt. Hiểu biết về tâm lý của trẻ khuyết tật tâm thần.

 - Hoạt động nhà trường đạt nhiều hiệu quả cao, phụ huynh tín nhiệm. Có quá trình 16 năm giúp trẻ phát triển. Cơ sở  được nhà nước cấp phép và có tư cách pháp nhân để hoạt động.

 

Khó khăn

 

 - Do quan điểm xã hội, cái nhìn thiển cận về trẻ em khuyết tật tâm thần, do đánh giá khả năng trẻ em quá thấp nên các em được gọi là “đồ bỏ đi”, đồ điên, đồ khùng. Những trẻ em nầy không giúp ích được gì cho xã hội… nên ít nhận được sự quan tâm của phụ huynh và xã hội.

 

 - Hiện tại Ngành Giáo Dục Đặc Biệt và ngành Y Tế chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về những dạng trẻ em khuyết tật tâm thần nầy nên chẩn đoán chưa được chính xác, còn nhiều hạn chế trong việc phát hiện và can thiệp. Giáo viên có chuyên môn hạn chế, do ngành giáo dục chỉ mới bắt đầu đào tạo.

 

 - Do trẻ hạn chế về khả năng nhận thức tư duy, chưa có ngôn ngữ, có nhiều hành vi, dễ bùng nổ, đánh đấm đá người khác, hay tự hủy hoại thân thể… khó khăn trong giao tiếp (đặc biệt là những trẻ em Tự kỷ = Autism) nên hàng năm nhà trường Gia Định  gặp nhiều khó khăn.

 

 - Một phần vì khó khăn trong phương pháp giao tiếp với trẻ. Mặt khác do kinh phí thù lao còn hạn hẹp cho giáo viên nên năm nào nhà trường cũng có số giáo viên bỏ việc ngang... gây khó khăn cho tổ chức họat động của nhà trường, đặc biệt vào những ngày đầu năm học.

 

TIẾT HAI

CÔ HIỆU TRƯỞNG VÕ THỊ KHOÁI

 

Võ Thị Khoái – biệt hiệu Thy Khánh – trong bài “Kỷ Niệm Khó Quên” phổ biến trên NET trước đây, đã cho biết quá trình học tập của cô về “trẻ em chậm phát triển trí tuệ” như sau:

 

Nguyện vọng cơ bản 

Sau những năm miệt mài khám phá thế giới các em trong ngành giáo dục đặc biệt mà cách nay trên 10 năm chỉ là một ngành học còn mới mẻ, ở vào giai đoạn phôi thai, cha chủ tịch Hội Huynh Đệ Việt Nam tại Pháp đã cho tôi cơ hội tìm hiểu về “trẻ em chậm phát triển trí tuệ tại đất nước Pháp” trong chuyến đi 10 tháng từ tháng 9 năm 1996 đến tháng 7 năm 1997.

Đây là nơi học tập đầu tiên tôi được tiếp nhận để có kinh nghiệm thực tế trong việc tìm hiểu cách tiếp cận, phương pháp giảng dạy và khám phá hoạt động học tập của “trẻ em chậm phát triển trí tuệ trên đất Pháp” tại Trung Tâm La Dauphinelle Colombes. Đó là Trung Tâm Y Tế – Giáo Dục cách Paris 15km và tôi đã học tập 3 tháng ở đó.

Trung Tâm La Dauphinelle

Trung Tâm nầy tọa lạc tại số 88 Rue Maréchal Joffre Colombes, Paris. Đây là trung tâm dành cho trẻ em khuyết tật về tâm thần do tổ chức xã hội – Hội Bạn Phụ Huynh – thành lập trong một khu phố thương mại gần Trung Tâm Thành Phố Paris.

Điều tôi tâm đắc tại trung tâm nầy không phải chỉ các phương pháp giảng dạy mà còn các hoạt động học tập dành cho trẻ em. Vừa được rèn luyện  để học tập văn hoá đến mức có thể trẻ em dù chậm phát triển, khuyết tật đến đâu... vẫn được tham gia vào mọi hoạt động kỹ năng sống của người bình thường, không phân biệt đối xử.

Về lãnh vực chuyên môn giáo dục đặc biệt, các em được các nhà giáo dục, những chuyên gia hướng dẫn cách giao tiếp, phát triển ngôn ngữ, trị liệu bằng nước, kỹ năng tự lực, hội họa, âm nhạc,  tâm vận động, để tự khai phóng về mặt cá nhân và xã hội.

Ứng dụng vào thực tế: các em tham gia làm bánh, nấu ăn, chăm sóc cây cảnh, phát triển mầm sống, phát triển vận động, tính khéo léo đôi tay, đan mây tre, xâu hạt, làm gỗ, tạc tượng, điêu khắc...

Giờ học tập gia đình tại lớp: với sự giúp đỡ của các thầy cô, các em làm cơm, dọn bàn, làm bếp, đi ăn nhà hàng...

Hàng tuần các em có giờ đi tắm hồ bơi nơi xa, để phát triển thể lực và đồng thời cũng để học cách ứng xử, thao tác bơi, cách chuẩn bị trước khi xuống bể bơi.

Đối với các trẻ em sắp đến tuổi trưởng thành, các em được gửi đến học nghề, học việc  tại các xưởng hay công ty, nơi sẽ đón tiếp các em làm việc khi đến tuổi trưởng thành.

Trung Tâm Saint Quihouet

Sau 3 tháng học tập ở Paris, tôi được dịp lên vùng Côtes d’Armor, Bretagne, trong những tuần lễ kế tiếp để được học tập tại Trung Tâm Saint Quihouet, tọa lạc tại số 22940 Plaintel. Tôi đã có thêm cái nhìn về ý tưởng, việc làm, cách tổ chức quản lý đời sống cho 150  người khuyết tật tâm thần từ 15 tuổi trở lên.

Tôi cũng tham quan cách thức làm việc của các nhân viên  các xưởng giặt ủi, làm bánh, làm báo, nhà ăn tập thể  quán cà phê (tại CAT là Trung tâm giúp đỡ tạo việc làm cho người khuyết tật), vườn ươm  cây cảnh…trại chăm sóc chăn nuôi ngựa, phục vụ du khách…bộ môn cưỡi ngựa trị liệu… Tôi đã cảm kích thật sự khả năng làm việc của những người chậm phát triển trí tuệ nơi đây.

Nhân viên phục vụ lái xe chuyên chở di chuyển trong khuôn viên St Quihouet là những người chậm phát triển tâm thần nhẹ, những công nhân cắt cỏ, chăm sóc cây cảnh, làm cỏ, trồng cây, nhân viên phục vụ bếp núc, phân phối thức ăn, thu phiếu ăn tại nhà cơm… tất cả đều  là nguời chậm phát triển trí tuệ, dĩ nhiên có nhân viên phụ trách hướng dẫn công việc.

Được biết, hàng ngày có hàng ngàn chiếc bánh nướng thơm phức được xuất lò từ những trang thiết bị máy móc tối tân tự động. Những chiếc bánh tròn vuông… đủ loại vừa ra lò, chờ nguội để đóng hộp, tiếp theo là  lưu trữ bảo quản trong kho đông lạnh, chờ ngày xuất xưởng sang các trung tâm phân phối bánh ngọt vùng St Brieuc. Thật thích thú!

Bộ phận giặt ủi tại St Quihouet đã  phục vụ những bộ quần áo cho công nhân. Khăn ăn, nắp bàn cho các nhà hàng trong vùng do chính các em trong Trung Tâm nầy thực hiện mỗi ngày trên 1.500kg.

Trở lại St Quihouet lần thứ hai

Qua sự giới thiệu của Vị Chủ Tịch  Huynh Đệ Việt Nam với Bà Chủ Tịch Côtes d’Armor, sau 5 năm, tôi được may mắn  trở lại Trung Tâm này. Điều ngạc nhiên của tôi  là các trẻ em Autistes – Tự kỷ – có nhiều tiến bộ đáng kể.

Em J. Matthieu  trước đây đập bàn tức giận trong tiết học làm bếp, quăng ném cả đĩa đùi gà đút lò trong giờ ăn, bây giờ  trong trang phục giày ống  tạp đề, đẩy xe cút kít chuyển tải rơm, đưa ngựa ra ngoài, dọn sạch chuồng ngựa, sau đó chuyển rơm sạch khác vào chuồng và dẫn ngựa vào…

Sau giờ làm việc chăm sóc ngựa, Matthieu  ngồi xem sách báo tại quán cà phê khu vực nhà trường. Matthieu đã biết đối thoại với tôi trong thời gian chờ được phần thưởng vui chơi trên lưng ngựa, với  hoạt động cưỡi ngựa. Khả năng nhận thức của em có nhiều phát triển đáng kể…

Theo hiệu lệnh của giáo dục viên, trong tư thế được ngồi trên lưng ngựa, Matthieu  dùng tay chuyền banh từ phía trước ra sau, đưa banh lên đầu, chụp banh… trong lúc  ngựa chạy liên tục theo vòng tròn đường kính khoảng 4m.

Kết quả sau chuyến học tập

Đó là tôi đã gặp gỡ những con người nhiệt tình, tận tâm hướng dẫn chia sẻ, giải quyết một số vấn đề thắc mắc của  tôi trong công việc mà đất nước tôi còn rất mới mẻ.  Các nuớc Âu Châu đã có kinh nghiệm về Trẻ Chậm Trí Tuệ hơn 50 năm rồi…!

Tôi tự hỏi: «Làm sao tổ chức công việc học tập  cho các trẻ em chậm trí tuệ đạt hiệu quả cao, trong môi trường sống của  trẻ em Việt Nam?» Tôi đã rút ra một vài kinh nghiệm quý báu đối với một giáo viên dạy trẻ em chậm phát triển trí tuệ và cách ứng xử cùng tiếp cận với các em đó.

Khi đã có cơ hội thu thập những kiến thức kinh nghiệm thực tế của  ngành giáo dục đặc biệt từ đất nước bạn, tôi phải làm thế nào để truyền đạt những kiến thức hiểu biết đó ngõ hầu giúp các bạn đồng nghiệp tại quê nhà, những bậc phụ huynh có con em khuyết tật, cho có hiệu quả? Tôi phải khuôn đúc hay chọn lọc những điều kiện, môi trường  học tập, những  hoạt động, những kiến thức mới… để ứng dụng? 

Môi trường học tập về ngành giáo dục đặc biệt đã giúp bản thân tôi không ngỡ ngàng khi tiếp xúc thực tế với các trẻ chậm phát triển trí tuệ qua kiến thức và kinh nghiệm. Bản thân tôi luôn mơ ước thu thập nhiều kinh nghiệm, mong mỏi thu nhận nhiều kiến thức mới và mong muốn khám phá cách tổ chức, hoạt động học tập để giúp cho từng dạng trẻ, từng  dạng tật.

Thực tế

Tôi không để hoang phí  thời gian, kiến thức mà tôi đã cố gắng đầu tư cho ngành giáo dục đặc biệt trong 16 năm qua, với chủ trương «chia sẻ là một lối học, cho đi là niềm hạnh phúc… »

Trong tinh thần muốn san sẻ kinh nghiệm học tập cho các bạn đồng nghiệp khác, để công việc chăm sóc trẻ em có hiệu quả thiết thực hơn cũng như một khi tôi đã được học tập, được đào tạo thì phần nào đó tôi cần  phải có trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho những đồng bạn khác có nhu cầu. Chính vì cái nhìn ấy  mà 10 năm qua, dù tôi không có bằng cấp … để giảng  dạy cho sinh viên bậc đại học, thế nhưng tôi không từ chối lời mời gọi  tham gia công tác chia sẻ kinh nghiệm  cho biết bao  học viên,  sinh viên  Khoa Xã Hội Học – và ngành giáo dục đặc biệt...

Mặt khác, nhà trường chúng tôi cũng mở rộng cửa để giúp đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm trực tiếp cho các học viên từ các  trung tâm giáo dục, các trường chuyên biệt dành cho trẻ em chậm phát triển trí tuệ ở Saigon và các tỉnh thành khác đến cơ sở  tiếp cận trẻ em tại nhà trường chúng tôi.

Gần đây, trong 4 năm qua, tôi đã tham gia Ủy Ban Bác Ái Xã Hội – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong việc tổ chức khóa đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về lãnh vực trẻ chậm phát triển trí tuệ cho những nữ tu, giáo viên vùng sâu vùng xa trực tiếp với trẻ em, thuộc 26 giáo  phận về tập huấn tại Hội Trường Phaolô Nguyễn Văn Bình Saigòn, lớp học khác tại Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. 

Hiện tại, bản thân tôi đang tham gia chương trình đào tạo giáo viên can thiệp sớm đối với trẻ chậm phát  triển cho  tỉnh Daklak vùng Cao Nguyên, nơi có nhiều sắc tộc thiểu số. Mỗi tháng tôi rời đơn vị chính để giúp Daklak một tuần. Đó là công việc tôi  đảm trách trong thời hạn 2 năm…

Ước mơ

Hiện tại tôi vẫn còn ước mơ khám phá thêm nhiều lãnh vực khác như Âm nhạc trị liệu, Tâm lý trị liệu, Tâm vận động… ngõ hầu có điều kiện nâng cao kiến thức chuyên môn về lãnh vực giáo dục đặc biệt, để công việc tôi đã làm, đang làm… mang lại nhiều kết quả thiết thực hơn nữa cho chính các trẻ em khuyết tật và cho đồng bạn…Tôi tin chắc niềm mơ ước sâu xa của tôi sẽ thành hiện thực… trong một ngày không xa. 

VÕ THỊ KHOÁI

Trường Chuyên Biệt Gia Định

280 Bùi Hữu Nghĩa, P. 2 Q. Bình Thạnh, Saigon

Đ.T. (84-8) 803-0056

Cell: 0982-129-697

Email: truonggiadinh@hotmail.com

 

TIẾT BA: SAO LẠI LÀ «ĐỒ BỎ ĐI»?!

Dưới đây là chứng từ của một em bé bị «Hội Chứng Down» tại ngôi trường Chuyên Biệt Gia Định – dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ, do Thy Khánh ghi lại dưới đây:

Thái độ đóng kín

Cầm tay đứa cháu nội 5 tuổi đưa đến trường trao cho cô giáo, bác giáo Đ. – một nhà giáo nay đã về hưu – than thở: Đồ bỏ đi” đó cô ơi!

Đến một môi trường lạ chưa hề tiếp xúc lần nào, V.H – một em bé hội chứng Down xinh xắn, mủm mỉm – chẳng nói, chẳng nhìn, luôn dùng hai bàn tay che kín khuôn mặt. Mặc cho cô giáo gọi tên, hỏi chuyện, V.H luôn giữ thái độ “đóng kín”!

Quan tâm săn sóc

Ngày qua ngày, được sự vỗ về âu yếm, được thương yêu, được  sự quan tâm chăm sóc, được san sẻ vui chơi, cùng hát, cùng múa với cô với bạn bè, cùng nhau đi công viên, vườn thú, tham gia nhiều sinh hoạt… tìm hiểu môi trường xung quanh với bạn bè… bản tính rụt rè, nhút nhát của V.H dần dần rút lui. V.H bắt đầu làm quen với cô, với bạn, biết gọi tên cô với từng từ một: « TrangTrang... »

Nhà V.H đối diện ngôi trường, các cô giáo thường lui tới hỏi chuyện, có điều kiện  giao tiếp với V.H. Sự thân thiện, gần gũi mỗi ngày một tiến xa hơn. 

Dạy về kỹ năng cuộc sống

Sống trong môi trường giáo dục đặc biệt, tại ngôi trường mà V.H thương mến. Được cô giáo dạy cho từng kỹ năng cuộc sống: dạy ăn, tập uống… giao tiếp, hướng dẫn, bày trò  chơi, dạy hát múa, đi chợ, đi siêu thị, chọn hàng, chọn lựa thức ăn, cùng nấu, cùng làm bếp, cùng dọn bàn ăn, cùng sắp xếp bày bàn… cùng thưởng thức những món ăn do chính V.H cùng các bạn biến chế… V.H rất khéo léo trong vần đề giao tiếp và kỹ năng cuộc sống. V.H biết bưng nước mời cô: “uống đi! nước…”

Về nhà V.H cũng bắt chước làm cô giáo:  cũng nói, cũng ra lệnh, sao chép y hệt cử chỉ điệu bộ, lời nói của cô. Bắt chước là đặc điểm của các trẻ em “Hội chứng Down” này.

Thao tác nghề nghiệp

Cạnh nhà V. H. là cửa tiệm uốn tóc, làm móng tay. Nhờ khả năng giao tiếp tốt của V.H., thêm tính tình vui vẻ, cởi mở… Chú Hùng, cô Phương tiệm uốn tóc luôn mở rộng cửa tiếp đón V.H. – một cô “Thợ Nhí” tương lai trong tiệm uốn tóc!  Rời nhà trường, tại gia đình, môi trường thứ hai V.H. tiếp xúc thường xuyên là tiệm uốn tóc này.

Đến trường lớp, V.H. bắt ghế, đề nghị cô giáo ngồi để V.H. chải tóc, gội đầu, sơn móng tay, tô son môi, kẻ lông mày cho các cô: “thao tác nghề nghiệp” nhuần nhuyễn, thuần thục không khác gì các cô thợ điêu luyện rành nghề nơi tiệm uốn tóc.

Tập dượt múa hát

Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của V.H. cách nay 14 năm: không một ai chụp được một tấm ảnh nào của V.H. Đang chơi, khi thấy có người cầm máy ảnh, hai bàn tay V.H. bắt đầu “đậy mặt”, đầu cúi gầm xuống….!

Tập dượt múa hát thành thạo nhưng đã bao lần khi thi văn nghệ trong ngành giáo dục, khi có dịp tham gia trình diễn văn nghệ Lễ Hội… có đông đảo khán thính giả tham dự, thì bấy nhiêu lần V.H cứ đứng im như bức tượng đá, đầu cúi sâu với hai bàn tay che  mặt, mặc cho cô giáo mời gọi, mặc cho các bạn thúc đẩy…

Giúp việc gia đình

Sau 14 năm trong ngôi trường Chuyên Biệt Gia Định – môi trường giáo dục đặc biệt, giờ thì V.H. đã khác hẳn trước đây một trời một vực. Không những đối với cái nhìn của ông nội và những người thân trong gia đình, mà cái nhìn của những người chung quanh về một trẻ em mang “Hội chứng Down” đã khác hẳn.

V.H. thật rành rẽ công việc gia đình: quét nhà, rửa chén bát, tự tắm gội, tự trang phục, xếp gấp quần áo… cho cả gia đình, thậm chí phân biệt rõ quần áo của từng thành viên trong gia đình: ông bà, cha mẹ, anh chị em, cô chú… để riêng mỗi nơi.

Phục vụ nhà thờ

Mỗi chiều V.H. là cô thiếu nữ ngoan đạo phát sách hát, sách Nhật Tụng cho các bạn cùng trang lứa trong buổi Kinh Chiều nơi Thánh Đường đối diện Nhà V.H. Nơi ngôi Thánh Đường trang nghiêm, V.H. thường  để ngón tay trỏ lên môi ra dấu hiệu “im lặng” khi thấy có bạn trẻ nào đó ồn ào hay nói chuyện riêng, bên cạnh V.H. trong ngôi Thánh Đường.

Diễn viên văn nghệ

V.H. đã là một trong những “diễn viên” múa hát thật xuất sắc trước công chúng. Nét vui tươi duyên dáng trong từng cử điệu, động tác đã thay thế sự nhút nhát bất động… không nhìn, không muốn giao tiếp của V.H. khi xưa. Kim Ngân, Bảo Ngọc, Cường, Giáng Hương … đều rất hãnh diện vui sướng cùng nhau múa hát với V. H. trong đội văn nghệ.

Biết bao thành quả gặt hái về  cho đội văn nghệ nhóm của V.H. tại nhà trường trong những Hội thi dành cho trẻ em khuyết tật hàng năm như “Búp Mai vàng”, những “Ước mơ xanh”, “Hội thi tiếng hát từ mái trường“ cùng tham gia với những học sinh các trường bình thường khác…

Với thành tích và tài năng sẵn có, đội văn nghệ nhóm V.H. được mời đi biểu diễn phục vụ nhiều nơi, trong những lễ hội hàng năm dành cho những trẻ em kém may mắn… và cũng đã bao lần đội văn nghệ xuất hiện nhiều lần trên màn ảnh truyền hình...

Nhân viên giao tiếp tại quán cà phê

V.H. hiện tại đã là một nhân viên với khả năng giao tiếp tốt, phục vụ, bưng bê tại Quán Cà phê Hoa Anh Đào dành cho những trẻ em chậm phát triển trí tuệ. Mỗi tháng V.H. nhận được phong bì với đồng lương háng tháng.  

Chắc chắn bản thân V.H. cũng như các thành viên trong gia đình V.H. rất tự hào và hãnh diện. Tự hào hãnh diện là phải, vì em cũng là một con người như bao con người bình thường khác, cũng có tài, cũng có giá trị làm người…

Ai dám bảo trẻ em chậm phát triển “ bất tài” hay là “đồ bỏ đi”?! 

TIẾT BỐN: HỘI CHỨNG TỰ KỶ

 

Giáo sư Nguyễn Văn Thành trình bày một lối nhìn khoa học và toàn diện về “Hội Chứng Tự Kỷ” như sau:

 

1.-Năm dấu hiệu cổ điển của Hội Chứng Tự Kỷ

Đó là những dấu hiệu cổ điển, cần được phát hiện và xác định, một cách cụ thể và khách quan, khi chúng ta cưu mang trong tâm tưởng, những «nghi vấn» về Hội Chứng Tự Kỷ đang thành hình và xuất diện, nơi một trẻ em, trong khoảng thời gian từ 0 đến 7 tuổi.

 - Dấu hiệu thứ nhất là đời sống bít kín : Trẻ em không có những quan hệ tác động qua lại với những người khác, cùng có mặt trong môi trường sinh sống, thậm chí với bà mẹ đã sinh ra mình.

 - Dấu hiệu thứ hai nằm trong lãnh vực ngôn ngữ : Ngôn ngữ thiếu vắng hoàn toàn, từ những giai đoạn bi bô, bập bẹ, hay là có những rối loạn trong thể thức sử dụng các loại đại danh từ khác nhau như «mày» và  «tôi»…

 - Dấu hiệu thứ ba là những phản ứng «bùng nổ», trong lãnh vực xúc động, kèm theo những hành vi tự hủy, làm hại chính mình, hay là những tác phong bạo động đối với kẻ khác.

 - Dấu hiệu thứ bốn là những hành vi «lặp đi lặp lại», một cách tự động, cơ hồ một chiếc máy ghi và phát âm.

 - Dấu hiệu thứ năm là những sở thích kỳ dị, lạ thường, như nhún nhảy, quay tròn, đưa 5 ngón tay ve vẫy trước mắt, say mê nhìn ngắm những hạt bụi, những tia nắng xuyên qua một kẽ hở, hay là sắp xếp đồ chơi thành hàng…Thêm vào đó, vài trẻ em có những cơn động kinh nhẹ hay nặng, với những hiện tượng như sùi bọt mép, mất ý thức, tiểu tiện trong quần và cắn răng vào luỡi.

2.- Những trọng điểm cần nhấn mạnh

Mỗi khi liệt kê và trình bày năm triệu chứng trên đây, tôi luôn luôn cố tình nhấn mạnh thêm những trọng điểm sau đây: 

 a)  Vừa khi chúng ta khám phá và xác định một dấu hiệu đang thành hình và xuất hiện nơi trẻ em, công việc cần thực thi tức khắc, không trì hoãn là Can Thiệp Sớm, nhằm chận đứng hoặc giới hạn ảnh hưởng lan tỏa của dấu hiệu nầy, trong nhiều lãnh vực phát triển khác.

 b)  Bao lâu tất cả 5 dấu hiệu chưa được hội tụ một cách đầy đủ, khách quan và chính xác, cũng như khi trẻ em còn ở trong lứa tuổi tăng trưởng và phát triển – từ 0 đến 7 năm –  thái độ «khoa học» của chúng ta là khiêm cung và dè dặt. Chúng ta không sử dụng một cách vội vàng nhãn hiệu «Hội Chứng Tự Kỷ», bao lâu hệ thần kinh trung ương chưa hoàn tất tiến trình myêlin-hóa các đường dây liên lạc của mình. Thay vào đó, lối nói «có nguy cơ Tự Kỷ» được đề nghị và cần được trở nên thông dụng, trong những trao đổi thông tin giữa các bác sĩ và chuyên viên, cũng như giữa giáo viên và phụ huynh của học sinh.

 c)  Ngoài ra, đối với cha mẹ đến tham vấn, những nhận định của chúng ta về nguy cơ Tự Kỷ nơi đứa con của họ, có thể gây ra nhiều ấn tượng hoang mang, khắc khoải, lo sợ và mặc cảm tội lỗi… nếu chúng ta không trình bày những tin tức khoa học đơn sơ và cụ thể, cũng như đề nghị thêm những  lời hướng dẫn, hay là những cách làm thuộc khả năng và ở trong tầm hoạt động thường ngày của họ.

 d)  Một cách đặc biệt, khi câu hỏi về Nguyên Nhân của Hội Chứng Tự Kỷ được nêu lên, chúng ta cần khẳng định, một cách rõ ràng và dứt khoát là vấn đề đang ở trong vòng nghiên cứu khoa học. Một trong những yếu tố càng ngày càng được đề xuất, trong lãnh vực y khoa, là những rối loạn, trắc trở, trong tiến trình tăng trưởng và phát triển của Hệ Thần Kinh Trung Ương, còn mang tên là Não Bộ.

Ngoài ra, một số tác giả đã đưa ra giả thuyết về những quan hệ lạnh nhạt, vô cảm của cha mẹ. Lối giải thích nầy, thường được nêu lên vào những năm 1950, đã gây tổn thương một cách trầm trọng cho bao nhiêu tầng lớp cha mẹ. May thay, đường hướng tiếp cận vấn đề như vậy, dần dần mất hiệu năng và  tàn lụi, trong các công trình nghiên cứu ngày nay.

Nhằm phát huy tinh thần và lối nhìn Khoa Học vừa được đề xuất, bài chia sẻ nầy sẽ lần lượt giới thiệu những tin tức bổ sung, đổi mới và có khả năng soi sáng, cho những ai luôn luôn ở trên đường tìm kiếm.

Giáo sư Nguyễn Văn Thành

Lausanne Thụy Sĩ

Email: vanthanh37@bluewin.ch



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!