Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

Chương 1: Mấy dặm sơn khê

Chương 2: Hải đảo Phú Quốc

Chương 3: Đà nẵng - Hội an

Chương 4: Thừa Thiên - Huế

Chương 5: Hà nội

Chương 6: Hạ Long

Chương 7: Thành phố Sapa

Chương 8: Lên miền Cao nguyên

Chương 9: Đáo Trường Thành

Chương 10: Bắc Kinh

Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

Chương 12: Nhà Truyền Thống/ Văn Hóa & Đức Tin

Chương 13: Tu hội truyền giáo Vinh Sơn

Chương 14: Đan Viện Biển Đức Thiên Phước

Chương 15: Trẻ em khuyết tật

Chương 16: Những bào thai bị giết

Chương 17: Trung Tâm Trọng Điểm

Chương 18: Nhóm Tiếng Vọng

Chương 19: Khóa Tĩnh Huấn Vũng Tàu

Chương 20: Thánh lễ cầu cho bệnh nhân HIV/AIDS

Chương 21: Những thách đố đối với giáo hội Công giáo VN

Chương 22: Hiến Sinh Lâm Võ Hoàng

Chương 23: Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1978)

Chương 24: Cụ Văn Đình Tôn Thất Bản (1890-1973)

Chương 25: Lm. Thiên Phong Bửu Dưỡng (1907-1987)

Chương 26: Lm. Bửu Đồng (1912-1968) & Bửu Hiệp (1914-1988)

Chương 27: Bà Maria Tôn Nữ Ngọc Hoè (1897-1954)

Chương 28: Giáo sư Bùi Xuân Bào (1916-1991)

Chương 29: Giáo Sư Phan Huy Đức (1913 - +…)

Chương 30: Giáo Sư Nguyễn Khắc Dương (1925…)

Chương 31: Cựu Hoàng Bảo Đại (1913-1997)

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Những Nẻo Đường Việt Nam
Chương 11: Thượng Hải & Hàng Châu

TIẾT MỘT
THẮNG CẢNH 

Hai địa danh nổi tiếng được nhiều du khách biết đến là dòng sông Dương Tử ở Thượng Hải và Tây Hồ ở Hàng Châu. 

Sông Tiền Đường 

Khi đi qua một cây cầu bắc ngang một con sông trong Thành Phố Thượng Hải hay Thẩm Quyến – tôi không nhớ rõ – anh hướng dẫn viên người Hoa đã chỉ một con sông và cho biết đó là “sông Tiền Đường”. Nhìn dòng nước đục ngầu với phố xá mọc đầy hai bên bờ, con sông đó không có vẻ gì là thơ mộng. 

Tuy nhiên, trong lịch sử văn học, thi sĩ Nguyễn Du đã nhắc tới dòng sông định mệnh đó trong thi phẩm “Đoạn Trường Tân Thanh”. Đó là nơi kết thúc cuộc đời oan trái của Vương Thúy Kiều, sau mười lăm năm đoạn trường:

“Ngọn triều non bạc trùng trùng,

 Vời trông còn tưởng cánh hồng lúc gieo”. 

Ngày nay vô số những “Vương Thúy Kiều” mới – ở Trung Quốc cũng như ở Việt Nam và những nơi khác ở Đông Nam Á châu – đã gieo mình xuống một dòng sông định mệnh mênh mông khác, không bờ không bến, không có đầu sông cũng như cuối sông. Đó là dòng sông của xì ke, ma túy, si đa, đĩ điếm… 

Ngày xưa Thúy Kiều đã bán mình chuộc cha, ngày nay những “Thúy Kiều” mới, Việt Nam cũng như Trung Hoa, từ quê lên tỉnh, cũng bán mình – bán trinh – để có tiền giúp đỡ cha mẹ trả nợ nần, xây nhà xây cửa hay buôn bán làm ăn, có khi còn nhằm thỏa mãn tệ nạn nghiện nghiệp của những người cha đáng thương và đáng ghét! Oan trái cuộc đời vẫn triền miên, xưa cũng như nay. 

Sông Dương Tử ở Thượng Hải 

Sông Dương Tử là con sông mẹ của Trung Hoa, đã nuôi sống nhiều triệu người Hoa. Đó là dòng sông lớn nhất, bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải ở độ cao 3.000 mét, chảy qua núi Vu Sơn đầy sương mù, thu hút hằng ngàn con sông khác, chảy dài 6.400 cây số cho đến khi gặp Thái Bình Dương.  

Dòng nước khổng lồ nầy chứa đến 97,93 tỉ mét khối nước và tàu bè có thể chạy quanh năm trên những vùng phía dưới của dòng sông. Vùng đất mà dòng sông nầy tưới rộng đến 1,8 triệu cây số vuông, chiếm 19% tổng lượng canh tác của cả nước, nuôi sống 400 triệu người. 

Ngày nay, dọc theo dòng Dương Tử, từ nơi bắt nguồn là Thanh Hải đến cửa sông ở Thái Bình Dương tại Thượng Hải, hằng trăm thành phố sầm uất – lớn và nhỏ – là những vùng phát triển của Trung Quốc.  

Tây Hồ ở Hàng Châu 

Nằm ở phía Tây thành phố Hàng Châu, Tây Hồ là biểu tượng của Hàng Châu và là một trong những cảnh đẹp nhất của Trung Quốc. Với diện tích 6 cây số vuông và chu vi 15 cây số, được bao bọc ba phía bởi những ngọn đồi chập chùng, Tây Hồ đã thu hút vô vàn du khách đến thưởng ngoạn qua nhiều thế kỷ. 

Theo truyền thuyết thì Tây Hồ là một viên ngọc rơi từ trên trời xuống. Thực tế đó là một vịnh nhỏ được hình thành do những thay đổi thiên nhiên và bàn tay con người. Mười ngàn năm về trưóc, hồ nầy lớn hơn bây giờ rất nhiều. Sau đó, vì bùn đất tích lũy và cỏ dại mọc lên, chiếc hồ đã bị thu hẹp lại. Cái đẹp của Tây Hồ là ở sức quyến rũ qua mọi mùa trong năm, qua mọi thời khắc trong ngày, qua mọi thời tiết khác nhau trong mùa. 

Ở đây có 10 điểm đẹp nhất đã được đặt tên, trong đó Bình Minh Mùa Xuân là cảnh đẹp hàng đầu. Được xây dựng năm 1089 và kéo dài 2,8 cây số bằng những cây đào, cây liễu và những bãi cỏ trồng dọc theo chiều dài. Với những tiếng chuông lúc bình minh khi trăng vừa lặn ở phía Tây, những cành liễu rũ đong đưa trong gió nhẹ, hồ nước đã hòa quyện với ngoại cảnh xung quanh trong một sự hài hòa tuyệt đối, trông như một bức tranh thủy mặc. 

Một điểm đẹp nữa gọi là Ngắm Cá Ở Hoa Cảng, nằm ở phía Tây cầu số 5 và cầu số 6. Những tòa nhà được xây dựng từ đời nhà Tống bao quanh một bể nước trong có nuôi cá chép vàng. Nơi đây du khách có thể ngắm cá bơi lội trong hồ, ngắm hoa nở trên bờ.  

Với khung cảnh thần tiên như thế nên nguời dân Trung Hoa đã ca tụng Hàng Châu như sau:

Có một thiên đàng trên trời

  Và một Hàng Châu dưới thế”. 

TIẾT HAI

THĂM CƠ SỞ TÔN GIÁO 

Chùa Phật Ngọc 

Khi ở Thượng Hải, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm ngôi Chùa Phật Ngọc. Đây là ngôi chùa sầm uất, khách thập phương vào ra tấp nập để cúng kiến, với nhan khói nghi ngút của người cầu xin vì nghe đồn là chùa nầy rất linh thiêng. Chùa có thờ một tượng Phật rất lớn bằng ngọc thạch. Có lẽ đây là ngôi chùa Quốc Doanh. Tôi quan sát thấy một vị sư trẻ tuổi ở phòng tiếp tân, trông khá ngộ nghỉnh. Sư cắt tóc rất ngắn, chứ không cạo trọc đầu, tuy vẫn mặc áo cà sa. Sư đứng một chân, còn chân kia thì kiễng lên, mình tựa vào bàn, miệng nhóp nhép nhai kẹo cao su (chewinggum). Đó là điều ít thấy nơi một tu sĩ Phật giáo. Không biết đó là nhà sư thật hay một cán bộ tôn giáo. 

Trông cảnh tượng đó, tôi lại nghĩ tới đạo Công Giáo ở Trung Quốc với hai Giáo Hội: một Quốc Doanh, một Hầm Trú. Đối với Giáo Hội Quốc Doanh, những thánh đường chắc cũng sầm uất và tấp nập không kém ngôi chùa trên đây, vì được Nhà Nước yểm trợ. Còn đối với Giáo Hội Hầm Trú, những nơi thờ phưọng chắc thật tiêu điều hoang sơ. 

Ngôi thánh đường bỏ hoang 

Một linh mục dòng Tên, khi còn là thầy dòng, đã có dịp thăm viếng một ngôi thánh đường hoang phế ở Quảng Đông vào những tháng cuối năm 1981 và đã thuật lại như dưới đây, với câu hỏi đầy nghẹn ngào: “Nhà thờ đã bỏ hoang mấy chục năm nay, Mình Thánh Chúa không còn, sao cụ già vẫn quét lá, nhổ cỏ? 

Linh mục thuật lại: Ông Phêrô Li-Houng – một giáo lý viên, trước kia vào thời Cách Mạng Văn Hóa, đã bị Vệ Binh Đỏ còng tay, khoác áo trắng điệu đi khắp đường phố – dẫn tôi (tức tu sĩ dòng Tên đó) với một thầy dòng Tên khác, người Hong Kong, đến thăm một ngôi nhà thờ do các cha Thừa Sai dòng Maryknoll xây cách đây mấy chục năm về trước. Trời ở miền Nam Trung Quốc vào mùa hè rất trong. Bầu trời xanh mướt, cao thăm thẳm. Chúng tôi đến một ngôi nhà thờ vào xế trưa. Chung quanh êm ả, không có tiếng động cơ. Ngôi nhà thờ đứng thầm lặng. Đẹp, nhưng có vẻ buồn. Nhà thờ đã bỏ hoang từ lâu vì nơi đây không có dân cư.  

Đó là nhà thờ được xây cho trại cùi. Từ ngày cách mạng nắm chính quyền, không ai săn sóc bệnh nhân nữa. Họ phải tản mác đi ăn xin khắp nơi, vì thế, trải qua mấy chục năm, ngôi nhà thờ trở nên hoang phế. Bây giờ, chỉ còn lác đác vài căn nhà lá rải rác đó đây. Trong nhà thờ không còn một chiếc ghế nào. Bàn thờ không còn dấu tích gì nữa. Các cánh cửa sổ đã long. Vôi trên tường đã tróc. 

Tôi đứng trong cung lòng nhà thờ mà thấy lòng nghẹn ngào. Một nỗi buồn nào đó không thể nói được. Nó u uẩn, nhẹ nhàng nhưng ray rứt. Xót xa nhưng vẫn có niềm tin. Một thứ niềm tin chìm lắng. Một thứ niềm tin tuy không còn tưng bừng, nhưng không thể tắt, vẫn còn, có thực. Tôi cứ đi thơ thẩn trong lòng cung thánh để cái thinh lặng bình an thấm vào hồn. Một thứ êm ả mà tôi đã mất từ lâu.  

Sau khi thơ thẩn trong nhà thờ, tôi ra ngồi dưới bụi tre nhìn những vết vôi tróc lở bên tường nhà thờ. Ông thầy bạn cùng đi với tôi trong chuyến hành hương cắt nghĩa cho tôi biết hai khẩu hiệu kẻ chữ đỏ dọc hông nhà thờ là lời của Mao Trạch Đông. Hai dòng chữ nầy đã bạc phếch, bụi mờ. 

Bà cụ quét lá, nhổ cỏ 

Tôi ngồi một lúc thì thấy một bà già, lưng còng, gầy ốm, cầm chiếc chổi rơm đi rất chậm từ phía bên kia hông nhà thờ. Tôi thấy bà quét từng chiếc lá rơi, thỉnh thoảng bà cúi nhổ những cọng cỏ lẻ loi mọc đây đó. Một tư tưởng đã đến với tôi. Hai khẩu hiệu của Mao Trạch Đông đã bạc màu, đã bị thời gian phủ bụi bạc phếch, mà chẳng ai sơn lại. Còn niềm tin trong tâm hồn bà già kia, sao năm tháng không thể xóa mờ.  

Rồi từ từ, tư tưởng thành xúc động, tôi thấy nghẹn ngào. Nhà thờ đã bỏ hoang mấy chục năm nay, Mình Thánh Chúa không còn, vì sao cụ già vẫn quét lá, nhổ cỏ? Nhà thờ đã trở thành hoang phế, chẳng còn ai lui tới, cụ già kia nhặt cỏ làm gì? Để cho ai xem? Ngồi nhìn hình ảnh cụ già còng lưng, nhặt từng chiếc lá bên ngôi nhà thờ hoang, trên khu đồi vắng, tôi không cầm được nước mắt. Tôi thấy Chúa vẫn ở đây. Giáo Hội vẫn hiện diện ở đây. Đức tin vẫn ở đây và chẳng có thế lực trần gian nào có thể tiêu diệt được.  

Lau chân cột nhà thờ 

Khi bà cụ đi khuất vòng ra phía bên kia rồi, tôi ngồi nán lại thêm ít phút nữa để hình ảnh cảm động như những lời kinh ấy thấm sâu vào hồn, rồi tôi lau nưóc mắt, muốn vào trong nhà thờ chụp mấy tấm hình. Nhưng khi bước vào gian cuối thì tôi bật khóc, không thể kìm hãm được nữa. Bà cụ lấy giẻ đang lau một chân cột nhà thờ. Hình ảnh đó mạnh quá làm tôi xây xẩm. Nước mắt tôi ứa ra và tôi bước ra khỏi nhà thờ. Ông Li-Houng đang từ phía cuối đường đi tới. Tôi vội lau nước mắt, cố hít mấy hơi thật dài để lấy lại bình tĩnh. Giơ máy ảnh, tôi chụp vu vơ để tránh đôi mắt mình vẫn còn đỏ. 

Thánh Lễ tuyệt vời 

Tôi biết, ngày nào đó, tôi có được dâng Thánh Lễ mở tay thì Thánh Lễ của tôi cũng chẳng thể sốt mến được như Thánh Lễ bà cụ dâng lên Chúa ở ngôi nhà thờ ấy. Bà chẳng bao giờ truyền phép Mình Thánh Chúa, nhưng Thánh Lễ của bà là Thánh Lễ đức tin với tình yêu vô giá. Tôi không biết bà đã ở đấy từ bao giờ, tôi không biết bà đã mấy chục năm rồi không có Thánh Lễ, nhưng lòng Chúa vẫn ấm. 

Đã mấy chục năm rồi, ngôi nhà thờ ấy không có tiếng đàn, nhưng mỗi bước chân của bà cụ nhặt lá, nhổ cỏ bên hông nhà thờ là một thứ âm nhạc chẳng có nhạc sĩ nào viết nỗi. Nhà thờ đã bỏ hoang, không còn tượng Chúa, chẳng còn gì nữa, sao bà cụ vẫn lau từng chân cột nhà thờ để làm gì? Ơn cứu độ đang đến từ những miền đất âm thầm, lặng lẽ đó để cầu nguyện cho Giáo Hội, cho tôi, cho anh chị….Chúa Giêsu đã một lần nói với môn đệ: “Cha đã đem lửa xuống thế gian. Cha ước mong lửa ấy cháy lên”. 

TIẾT BA

PHÉP MẦU KINH TẾ 

Thành phố hành tinh 

Ở Bắc Kinh, ảnh hưởng của Mao Trạch Đông còn mạnh mẽ trên dân chúng Trung Hoa. Trái lại ở Thượng Hải và Hàng Châu – nói chung ở các tỉnh miền Nam – hình ảnh Mao Trạch Đông bị lu mờ và Đặng Tiểu Bình được người dân kính trọng ghi ơn vì đã giúp họ phát triển vượt bực về mặt kinh tế. 

Trong thập niên trở lại đây, Thành Phố Thượng Hải được các kiến trúc sư Hoa Kỳ xây cất, không bị ràng buộc bởi luật lệ, đã trở thành hình dạng của một “thành phố hành tinh”. Phi trường Thượng Hải và Bắc Kinh đã qua mặt phi trường Nữu Ước.  

Những nhà giàu mới với những villa sang trọng mọc lên như nấm. Họ làm chủ những hộp đêm nở rộ khắp đô thị. Đó là thành quả cuộc cách mạng của Đặng Tiểu Bình, một cuộc cách mạng ngược lại với Mao Trạch Đông.  Nhưng những thành phố lớn và các khu kỹ nghệ vùng ngoại ô được xây cất trong vòng trên dưới 10 năm nay tượng trưng cho sự giàu có và quyền thế của một Trung Hoa mới, được toàn cầu hóa, đã bị chính giới trí thức Trung Hoa than phiền là “thiếu văn hoá”. 

Khoảng cách giàu nghèo 

Hiện nay sự cách biệt giữa giai cấp tư sản và công nông được nhân gấp năm lần so với năm 1945, khi Mao Trạch Đông khởi đầu cuộc cách mạng vô sản. Hơn 150 triệu người Hoa sống dưới lợi tức một mỹ kim một ngày. Hai trăm triệu người đã bỏ miền quê lên các thành phố ô nhiễm nhất thế giới để tìm việc làm với cuộc sống khó khăn chật vật, đầy thất vọng chán chường. Những công nhân tạm bợ đó không có bảo hiểm, vô gia cư và công việc không được đảm bảo. Nạn gái điếm và dịch AIDS gia tăng.  

Hơn bốn triệu người biểu tình với hơn 87,000 vụ trong năm 2006 vừa qua mà nguyên nhân chính là chống lại việc chiếm đất bất hợp pháp để xây cất hãng xưởng, xa lộ và cư xá. Tiền bồi thường không đủ vì bị cán bộ tham nhũng ăn chận hầu hết. Gần đây, nông dân phẫn nộ đã bắt nhốt các cán bộ tham nhũng để tiếng nói của họ được nghe. 

Hệ thống giáo dục và nền y tế công cộng càng ngày càng xuống dốc. Nền đạo lý sa sút, thêm vào đó là nạn tham nhũng vì ngân sách quốc gia và các ngân sách hàng tỉnh bị thiếu hụt. Ở thành thị, công nhân nghèo nàn cũng không vinh quang hơn nông dân tại thôn quê. Ở Thượng Hải, đằng sau những cao ốc hành tinh là những toà nhà cũ kỹ, nơi tạm trú của những người nghèo, đã bị đuổi ra khỏi thôn xóm của họ. Trong các tòa nhà cũ kỹ đó, thang máy không chạy, nước phải được xách từng thùng lên lầu. 

Chống lại việc toàn cầu hóa 

Những bất công nói trên đưa đến khuynh hướng chống lại việc toàn cầu hóa theo kiểu Trung Hoa hiện nay. Đó là một chính sách không có phương pháp sâu sắc giải quyết nạn nghèo đói và bất bình đẳng, ngoài những lời hứa mập mờ là sự giàu có của tư nhân cuối cùng sẽ đem lại lợi ích cho mọi người. 

Thành phần sinh viên, rường cột của cách mạng ở Trung Hoa, trái lại dửng dưng với chính trị. Đa số sinh viên không biết đến người hùng vô danh, tay cầm túi ny lông, đứng trước đoàn xe tăng của quân đội nhân dân ở Quảng Trường Thiên An Môn năm 1989. Giai cấp trung lưu ở Trung Hoa cũng dửng dưng một phần vì sợ mất quyền lợi nhưng phần lớn vì bận làm tiền và tiêu tiền! 

(Người ta còn nhớ, vào năm 1989, khi đoàn xe tăng Trung Cộng tiến vào quảng trường Thiên An Môn để đàn áp hàng triệu dân chúng biểu tình đòi tự do dân chủ thì xuất hiện một người đơn thương độc mã đứng ra chặn đường. Người đó tên là Wang Weilin, một sinh viên 19 tuổi, quê tỉnh Hồ Nam. Sau đó anh đã trốn thoát khỏi Trung Quốc và hiện sinh sống ở Đài Loan.) 

Thái độ của giới trí thức  

Các nhà trí thức tiến bộ ở Trung Hoa nói chung ủng hộ việc cải tổ kinh tế thị trường, nhưng kết tội chính sách không hiện đại hóa quốc gia về mặt chính trị: đem luật pháp và những quyền trong hiến pháp đến cho mọi người dân. Thần tượng của họ là Frederick Hayek, lý thuyết gia kinh tế của bà Margaret Thatcher, cựu thủ tướng Anh Quốc và Milton Friedman, linh hồn của chính sách kinh tế Reagan. 

Nhóm “tân tả phái” người Hoa đã chỉ trích phép mầu kinh tế của Trung Quốc trong 25 năm qua, một phép mầu đã bắt dân Trung Hoa trả một giá quá đắt cho vấn đề môi sinh, văn hóa và xã hội: phá hủy hệ thống an sinh xã hội và bất bình đẳng sinh ra từ sự can thiệp quá nhiều của chính quyền vào cơ chế kinh tế thị trường tự do. Nhóm “tân tả phái” hy vọng chính quyền sẽ có trách nhiệm nhiều hơn với giai cấp công nông để Trung Hoa sẽ không rơi vào con đường khủng hoảng toàn cầu hóa tư bản như đã xảy ra cho các nước Đông Á và châu Mỹ La-tinh vào thập niên 1990.  

Đại diên nhóm nầy là Wang Hui ở Bắc Kinh. Ông cho rằng có hai sự cải tổ kinh tế thị trường của Nhà Nước Trung Hoa: một kinh tế thị trường phát triển từ hệ thống liên hệ xã hội địa phương và một kinh tế thị trường do chính quyền làm chủ sau khi tịch thu các công ty tư nhân. Chính cuộc cải tổ loại sau nầy đã dẫn đến vòng lẩn quẩn, gây ra nạn tham nhũng, thất nghiệp, rối loạn xã hội, đưa đến sự can thiệp của chính quyền và từ đó chính quyền càng có cớ để trở nên độc tài hơn. 

TIẾT BỐN

NHỮNG TOURS DU LỊCH Ở VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC 

Tính cách đa dạng 

Hiện tại ở Saigon, theo những người ở trong ngành du lịch cho biết, có trên mấy trăm công ty du lịch lớn nhỏ. Hầu hết các khách sạn lớn hay trung bình đều có tổ chức du lịch, nhưng phần nhiều chỉ ở trong nước. Người ta chỉ cần xin được một giấy phép là có thể hành nghề du lịch. Nhưng trong thực tế, chỉ có một số rất nhỏ những công ty du lịch đứng đắn, hoạt động lâu năm, cung cấp các dịch vụ đáp ứng những tiêu chuẩn của ngành du lịch mà thôi. Số công ty nầy không nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Do đó, người ta thường chọn lựa một vài công ty du lịch được tín nhiệm, hoạt động lâu năm và lớn nhất ở Saigon để đi Tours, tuy phí tổn tương đối cao hơn so với các công ty khác, nhưng dịch vụ được du khách lấy làm vừa ý, từ phương tiện di chuyển đến khách sạn, nhà hàng và những địa điểm tham quan. Vì vậy tôi đã chọn một công ty loại nầy để đi các Tours Phú Quốc, Xuyên Việt và Trung Quốc. Những người tôi quen ở Saigon đều cho biết đó là công ty du lịch tốt nhất. 

Hướng dẫn viên 

Nói chung, các hướng dẫn viên thuộc các Tours du lịch ở trong nước tỏ ra lịch sự, tận tình phục vụ du khách cùng chỉ dẫn cho họ khỏi bị mua lầm hàng hóa hay phải trả giá cao. Đồng thời họ cũng lưu ý du khách để khỏi bị dụ dỗ bởi giới xe ôm hay xe xích lô đòi hỏi giá cao và nhất là tránh bị đưa vào những nơi nguy hiểm, được giới nầy giàn cảnh mua vui để moi sạch túi tiền du khách. 

Tôi không quên sự thân tình của các anh chị hướng dẫn viên ở trong nước, ngoài những cử chỉ thân mật đượm tình người, thỉnh thoảng lại còn dí dỏm kể lại những câu chuyện vui để làm cho du khách thêm hứng thú. Tôi nhớ câu chuyện anh đạp xích lô nói tiếng Anh với hai du khách người Mỹ, do chị hướng dẫn viên tuyến du lịch “Đà Nẳng Hội An và Thừa Thiên - Huế” kể lại. Để ra giá cho hai du khách đó, anh nói: “One you one dollar. Two you two dollars. You OK I go. You not OK you go!” với ngụ ý: một người một đô-la, hai người hai đô-la, có bằng lòng thì đi, không bằng lòng thì thôi! 

Tuy nhiên anh hướng dẫn viên người Việt đi theo du khách trong Tour Trung Quốc mà tôi tham gia – đối với các Tours đi những nước khác, tôi không rõ – không giống những hưóng dẫn viên các Tours nội địa.    

Theo thông lệ, khi tổ chức Tour du lịch ở một quốc gia khác thì công ty du lịch trong nước đã ký kết với một công ty du lịch tại địa phương để công ty nầy đảm nhận việc cung cấp các dịch vụ du lịch tại đó do chính các hướng dẫn viên của họ phụ trách. Nhiệm vụ của anh hướng dẫn viên người Việt là để “giám sát”, tức xem xét công ty du lịch địa phương có thi hành đúng đắn chương trình như đã ký kết hay không.  

Qua chuyến du lịch vừa qua ở Trung Quốc, du khách nhận thấy anh hướng dẫn viên người Việt hình như đã ăn ý với các hướng dẫn viên người Hoa, do đó du khách đã bị hướng dẫn sai lạc.   

Có ba hướng dẫn viên người Hoa ở ba tuyến du lịch khác nhau: Bắc Kinh – Thượng Hải – Thẩm Quyến và Quảng Châu. Ngoài những địa điểm tham quan, tại ba nơi nầy, theo chương trình ấn định, du khách được hướng dẫn đi thăm các cửa hàng sau đây để mua sắm. Ở Bắc Kinh, du khách được hướng dẫn đi mua thuốc Bắc tại tiệm “Đổng Nhân Đường” và một “cửa hàng Cẩm Thạch”. Ở Thượng Hải, đi mua sắm ở một “cửa hàng Ngọc Trai”. Ở Hàng Châu, đi mua trà ở “Trà Viên Long Tỉnh”. Ở Thẩm Quyến đi mua sắm ở một “cửa hàng Thủy Tinh”. Sau cùng, ở Quảng Châu, đi mua thuốc bắc tại một “cửa tiệm thuốc Bắc” rất lớn.  

Trước khi đi đến những của hàng nầy, trên xe buýt du lịch, các hướng dẫn viên người Hoa đều trịnh trọng cho biết là hàng hóa ở những nơi đó được bán với giá nhất định nên không có việc trả giá, vì đã được chính phủ ấn định giá cả. Để du khách tin tưởng hơn, anh hướng dẫn viên người Việt lại tiếp lời và cũng quả quyết như thế! 

Khi vào các cửa tiệm đó, nhất là ở những nơi bán “ngọc thạch” và “hạt trai” rất cao giá, các hướng dẫn viên người Hoa cũng như anh hướng dẫn viên người Việt đều theo sát gót du khách để khuyến khích họ nên mua theo giá được ấn định và không có việc trả giá. Khi chấm dứt chuyến đi Tour, về lại Saigon, vào trong các cửa tiệm ngọc thạch và hạt trai, du khách mới biết mình đã bị dối gạt đối với những món trang sức đã mua, có khi đến vài trăm Mỹ kim một món. Đối với các loại trà hay thuốc Bắc cũng đều bị mua lầm giá như thế, mỗi thứ quá giá từ vài chục Mỹ kim trở lên. 

Đa số du khách là Việt kiều, đã ở nước ngoài lâu năm, không quen trả giá. Khi được các hướng dẫn viên cho biết hàng hóa được bán theo giá cả nhất định, miễn trả giá, vì đã được Nhà Nước ấn định như thế nên cứ yên tâm mà mua. Đó là những điều rất đau buồn trong Tour du lịch ở Trung Quốc. Mong du khách, nhất là Việt kiều, nên lưu ý để khỏi bị mua lầm giá. 

Một điểm cần lưu ý nữa: ở Trung Quốc, ngoài “nhân dân tệ” (RMB) là tiền địa phương, người ta nhận mọi thứ ngoại tệ, từ Mỹ Kim, Gia Kim, Euro…ngoại trừ tiền Việt-Nam. Vì vậy tốt nhất là du khách nên đổi tiền Việt Nam ra “nhân dân tệ” (RMB) ngay ở Saigon, trước khi đi Trung Quốc. 

Du khách 

Trong các dịch vụ du lịch được tổ chức ở Việt-Nam, có thể nói là nhằm phục vụ Việt kiều, vì họ chiếm đa số. Những du khách người Việt trong nước thuộc hai thành phần: những người có bà con là Việt kiều hay một thiểu số doanh gia hoặc những công tư chức cao cấp, có tiền dư dả. Nói chung là những người có nhiều tiền mới đi Tours được.  

Như vậy, những công ty du lịch ở Saigon phần lớn sống nhờ Việt kiều. Mỗi khi về tới Saigon, ngay ngày hôm sau hay những ngày kế tiếp, Việt kiều đều nhận được những tài liệu quảng cáo du lịch của một hai công ty lớn – hình như đó là những công ty quốc doanh – được gởi tới tận địa chỉ tạm trú.  

Mô hình du lịch “bốn S” 

Trong một chuyến đi Tour, một anh hướng dẫn viên đã trao đổi ý kiến với tôi: xét về tiềm năng du lịch, Thái Lan thua xa Việt Nam vì nước ta có nhiều bãi biển tuyệt đẹp, nhưng không thu hút nhiều du khách ngoại quốc như Thái Lan. Ngành du lịch nước nầy thành công lớn vì dựa trên mô hình “bốn S”. Đó là “Sun, Sea, SandSex”, tạm dịch là “nắng ấm, biển xanh, cát trắng và người đẹp”. 

Theo anh hướng dẫn viên, vì truyền thống lễ giáo của Việt Nam từ xưa đến nay, việc cung cấp “người đẹp” – nói rõ ra là vấn đề “mãi dâm” – bị cấm đoán một cách công khai, tuy nhiên vẫn lén lút dưới nhiều hình thức. Điều nầy khiến ngành du lịch Việt Nam khó thu hút du khách ngoại quốc như ở Thái Lan.  

Tôi thiết nghĩ ý kiến của anh hướng dẫn viên đó chỉ đúng một phần mà thôi. Ngành du lịch được phát triển phải hội đủ nhiều yếu tố khác nữa như hạ tầng cơ sở kiến trúc tốt đẹp, an ninh nội địa được đảm bảo, dịch vụ thích nghi, thực phẩm hợp khẩu vị…chứ không đơn thuần chỉ bốn yếu tố “Sun, Sea, Sand và Sex” như anh hướng dẫn viên đã nêu ra.  

Hơn nữa, nếu thêm yếu tố cung cấp “người đẹp” để hấp dẫn du khách ngoại quốc, nhiều khi “lợi bất cập hại” như Thái Lan hiện nay đang gặp phải. Đó là nạn mua bán thiếu nữ trong và ngoài nước để cung cấp cho du khách. Một số đáng kể thiếu nữ Việt Nam đã, đang và sẽ là nạn nhân của sự mua bán vô nhân đạo nầy. Vì thế một phong trào chống đối mạnh mẽ đã dấy lên bên trong cũng như bên ngoài Thái Lan.



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!