Một tuần lễ sau Tour Xuyên Việt, chúng tôi đáp máy bay lên Ban Mê Thuột. Từ đó, chúng tôi đi xe đò đến Kontum rồi Pleiku. Lúc trở về, chúng tôi cũng dùng những phương tiện giao thông như thế. Từ xa xưa, miền Cao Nguyên có một sức hấp dẫn đối với du khách. Những địa danh như Ban Mê Thuột, Kontum, Pleiku rất quyến rủ.
TIẾT MỘT
BAN MÊ THUỘT
Tỉnh Đắk Lắk
Thành phố Ban Mê Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk, vùng Tây Nguyên. Phía bắc và đông bắc tỉnh Đắk Lắk giáp Gia Lai, phía đông giáp hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, phía nam giáp Lâm Đồng, phía tây giáp Kam-pu-chia và tỉnh Đắk Nông.
Tỉnh Đắk Lắk nằm ở phía tây nam Trung bộ, đoạn cuối dãy Trường Sơn, trên một vùng cao nguyên, độ cao trung bình 500m so với mặt biển. Địa hình tương đối bằng, có bình nguyên rộng lớn với nhiều đồng cỏ trải dài về phía đông. Phía tây địa hình thấp nghiêng dần về phía Kam-pu-chia, phía nam là miền đồng trũng có nhiều đầm hồ, rộng nhất là hồ Lắk khoảng 600ha. Các đỉnh núi cao đều tập trung ở vùng đông bắc và đông nam.
Tỉnh Đắk Lắk có diện tích canh tác màu mỡ, chủ yếu là đất bazan, thuận lợi cho việc trồng cây nông nghiệp, đặc biệt là cà phê, cao su, tiêu… Tỉnh có diện tích rừng lớn với nhiều loài động, thực vật quí hiếm như voi, hổ, báo, gấu, nai, heo rừng và bò rừng…
Thành phố Ban Mê Thuột
Thành phố Ban Mê Thuột có số dân đông nhất Tây Nguyên, ở trên độ cao 536m, cách Hà Nội 1.410cs, cách thành phố Saigon 360cs. Trong thời gian ở Ban Mê Thuột, chúng tôi có dịp đi Buôn Đôn. Đó là một địa điểm du lịch nổi tiếng cách Ban Mê Thuột 42cs về phía tây bắc, thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Ở đây có truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Du khách đến Buôn Đôn để được cưỡi voi, leo núi, lội suối, bơi sông…
Tỉnh Đắk Nông
Chúng tôi có dịp đi qua Tỉnh Đắk Nông. Tỉnh nầy được tách ra từ tỉnh Đắk Lắk cũ, nằm về phía đông nam Tây Nguyên. Phía bắc và đông bắc tỉnh Đắk Nông giáp tỉnh Đắk Lắt, phía đông và đông nam giáp tỉnh Lâm Đồng, nam giáp tỉnh Bình Phước và phía tây giáp Kam-pu-chia. Đắk Nông là khu vực đầu nguồn của nhiều sông suối nên có nhiều cảnh quan kỳ thú, nhiều thác nước đẹp và có nguồn thủy năng lớn. Tỉnh Đắk Nông có diện tích đất canh tác màu mỡ thích hợp cho việc trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, tiêu…
TIẾT HAI
KON TUM
Tỉnh Kon Tum
Chúng tôi đi xe buýt đến KonTum lúc xế trưa. Đó là một tỉnh biên giới nằm ở cực Bắc Tây Nguyên, cùng với Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng đã làm nên trái tim Tây Nguyên hùng vĩ. Kon Tum có diện tích 9.615csv, với chiều dài biên giới 275cs, tiếp giáp với Hạ Lào và bắc Kam-pu-chia về phía tây, bắc giáp tỉnh Quảng Nam, đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, nam giáp tỉnh Gia Lai.
Phần lớn lãnh thổ Kon Tum nằm ở phía đông dãy Trường Sơn, địa hình thấp dần từ tây sang đông và từ bắc xuống nam. Vùng bắc tỉnh có dãy núi Hoa Cương, cao nhất miền Nam. Đây là nơi bắt nguồn của các sông Tranh, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc, sông Ba.
Rừng chiếm trên 50% diện tích toàn tỉnh, trong đó có những khu rừng nguyên sinh với nhiều loại gỗ, lâm đặc sản và chim thú quí hiếm. Ngoài ra Kon Tum còn có vùng đất bazan thích hợp trồng cây công nghiệp như cao su, cà phê, chè, mía, dâu tằm… và đồng cỏ rộng thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Thị xã Kon Tum
Thị xã Kon Tum xây bên bờ sông Đắc Pla, một nhánh của sông Pô Cô, giữa một đồng nhỏ cao 525m. Đây là trung tâm hành chánh cũ của người Pháp ở Tây Nguyên. Các linh mục người Pháp đã đến đây từ năm 1851 để giảng đạo. Thị xã Kon Tum cách thành phố Ban Mê Thuột 246cs, cách Qui Nhơn 215cs và cách Pleiku 49cs.
Nhà thờ gỗ Kon Tum
Địa điểm đầu tiên chúng tôi viếng thăm ở Kon Tum là nhà thờ Chánh Tòa bằng gỗ nổi bật lên giữa thị xã Kon Tum. Đó là một công trình kiến trúc độc đáo mang nghệ thuật tính rất cao, với niên đại gần 100 năm. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1913, do các linh mục người Pháp khởi xướng. Ngôi nhà thờ được xây cất hoàn toàn bằng chất liệu của những loại gỗ tốt nhất được chọn lựa trong vùng, nhất là gỗ “cà chit” có độ bền cao với thời gian, bằng bàn tay tài hoa của những người thợ với công trình nghệ thuật có giá trị cao về mặt văn hoá.
Toàn bộ ngôi nhà thờ từ cột, kèo, rui, mè…đều được làm bằng gỗ nên đạt được sự khít khao tinh tế trong quá trình lắp ghép, mang lại nét độc đáo cho ngôi nhà. Cách trang trí bên trong nhà thờ cũng rất đặc sắc vì vừa mang phong cách của lối kiến trúc phương Tây Roman kết hợp với nền văn hóa truyền thống của núi rừng Tây Nguyên. Giữa tiếng cồng, tiếng chiêng hùng tráng của núi rừng, bỗng đâu vang lên một hồi chuông nhà thờ làm cho không gian như dừng lại, trầm lắng và huyền hoặc, quyện vào tâm hồn du khách, đưa người ta lạc vào một thế giới yên bình. Chính đó là cái hay, cái lạ mà nhà thờ gỗ Kon Tum mang lại cho những ai tìm đến mảnh đất nầy.
Tòa Giám Mục Kon Tum
Chúng tôi cũng được dịp thăm viếng Tòa Giám Mục Kon Tum, một địa điểm du lịch quen thuộc làm nên bản sắc văn hóa riêng của thị xã Kon Tum. Nằm ngay trung tâm thị xã, Tòa Giám Mục tọa lạc ở vị trí thuận lợi. Đây là công trình nghệ thuật độc đáo, được xây dựng trên cái nền của ngôi nhà sàn Tây Nguyên, nhưng mang vài nét điểm xuyết của lối kiến trúc phương Tây nên phóng khoáng và hiện đại, tạo nên một phong cách riêng.
Tòa Giám Mục có khuôn viên rộng và thoáng mát được bao phủ bởi những tán cây cổ thụ xanh um tạo nên dáng vẻ uy nghiêm và trầm mặc… Mang đặc trưng của đạo Chúa ở giữa núi rừng Tây Nguyên, Tòa Giám Mục vẫn giữ được cho mình những dấu ấn độc đáo để bổ sung cho bức tranh tín ngưỡng đa sắc màu thêm phần phong phú.
Chúng tôi cũng có dịp thăm viếng chủng viện Kontum là một tòa nhà cổ kính, từ thời các linh mục Thừa Sai Pháp. Ở đây cũng có một gian phòng dành cho “truyền thống văn hóa tôn giáo”, nhưng so với tòa “nhà truyền thống” ở Đại Chủng Viện Giuse Saigon thi còn khiêm tốn lắm, vì chỉ có những phẩm vật độc đáo thuộc người dân tộc ở Cao Nguyên mà thôi.
Nhà thờ Pleichuet
Chúng tôi đến viếng nhà thờ Pleichuet – nhà thờ đặc biệt của người Thượng – lúc xế chiều. Nhà thờ nầy tuy ở trong địa hạt Pleiku (tỉnh Gia Lai), nhưng đối với Giáo Hội, lại thuộc giáo phận Kon Tum. Được biết nhà thờ Pleichuet, ngôi nhà thờ đầu tiên dành cho giáo dân Jrai, nằm cạnh Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế tại Giáo phận Kon Tum. Giáo xứ Pleichuet này được trao cho các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế coi sóc.
Dòng Chúa Cứu Thế có 14 tu sĩ và linh mục đang phục vụ tại 5 cộng đoàn trong Giáo hạt Pleiku, đặc biệt chuyên trách cho người Jrai. Mới đây có thêm trung tâm truyền giáo cho người Bahnar là Kret Krot thuộc huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Dòng Chúa Cứu Thế đến Giáo phận Kon Tum năm 1969 theo lời mời của Đức Cha Paul Seitz Kim, đến nay đã gần 40 năm có mặt trên Giáo phận Kon Tum.
Nhà thờ Pleichuet được xây cất theo mô hình Nhà Rông của các người Thượng, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế quản nhiệm. Đó là kiểu nhà đặc biệt chỉ có ở những buôn làng bắc Tây Nguyên, đặc biệt ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Mỗi buôn, làng dựng một ngôi nhà sàn lớn được trang trí đẹp ở giữa buôn, làng gọi là Nhà Rông. Đó là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng: lễ tết, hội làng, đám cưới, lễ cầu nguyện và là nơi hội họp của cả buôn làng gồm già, trẻ, trai, gái…
Kiến trúc nhà thờ kiểu Nhà Rông nầy có những nét đặc biệt, về dáng dấp và cách trang trí hoa văn. Đó là ngôi nhà to lớn nhất, gấp ba, gấp bốn nhà thường, có mái nhọn xuôi dốc và được dựng trên những cột cây to, khoảng tám cột bằng cây đại thụ, thẳng chắc, mái nhọn lợp bằng lá gianh, vàng óng. Những vi kèo trong nhà thờ Pleichuet được trang trí những hình ảnh tôn giáo. Nổi bật ở giữa nhà thờ Nhà Rông nầy là bàn thờ có đặt Mình Thánh Chúa. Lòng nhà thờ trống trơn, không ghế ngồi, không bàn quì. Vào đây, mọi người ngồi hay quì trên sàn nhà.
TIẾT BA
PLEIKU
Thành phố Pleiku
Chúng tôi đến thành phố Pleiku lúc chiều tối. Đây là tỉnh lỵ của Gia Lai. Thành phố Pleiku nằm trên ngã ba giao lộ của quốc lộ 19, quốc lộ 14, quốc lộ 25, cách cảng Qui Nhơn 180cs đường bộ, cách thành phố Saigon 541cs. Sân bay Pleiku khá lớn.
Tỉnh Gia Lai
Gia Lai là một tỉnh miền núi, nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao 600-800m so với mặt biển. Phía bắc Gia Lai giáp tỉnh Kon Tum, phía nam giáp tỉnh Đắk Lắt, phía tây giáp Kam-pu-chia với 90cs đường biên giới quốc gia, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Gia Lai là đầu nguồn của nhiều con sông đổ về miền duyên hải và Kam-pu-chia như sông Ba, sông Sê San và các con suối khác. Vùng đất Gia Lai có nhiều hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng mang đậm nét hoang sơ nguyên thủy của núi rừng Tây Nguyên.
Sau ba ngày thăm viếng miền Cao Nguyên, trên đường trở về Thành Phố Saigon, ngồi trên máy bay, lòng tôi vẫn còn mang nặng những tâm tư u hoài nơi chốn rừng núi:
“Dưới làng tiếng sáo tiếng cồng,
Trên nầy núi vắng, gió thông bốn bề.”
(Thơ của Thiền Sư Ryòkan, Bụt Sĩ Lưu Văn Vịnh phóng ngữ)