Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Nhà Văn Hương Vĩnh
Mục Lục

I - Bốn Mươi Năm Nhìn Lại

II - Hoài Niệm Của Một Vị Hồng Y Nghị Phụ Người Canada

III - Công Đồng Vatican II - Hôm Qua Và Hôm Nay

IV - Mười Sáu Văn Kiện Được Công Đồng Vatican II Chuẩn Nhận

V - Công Đồng Chung Và Thượng Hội Đồng Giám Mục

VI - Đức Giáo Hoàng Phaolô II Điều Hướng Và Kiện Toàn Công Đồng Vatican II

VII - Những Thay Đổi Phụng Vụ

VIII - Sự Chuyển Hướng Về Phía Giáo Dân

IX - Quan Niệm Hôn Nhân Thay Đổi Kể Cả Đối Với Những Người Không Công Giáo

X - Tự Do Tôn Giáo - Hiện Đại Hoá Những Quan Hệ Giữa Giáo Hội Và Nhà Nước

XI - Hồi Tưởng Những Năm Lịch Sử Công Đồng Vatican II Của Một Số Chuyên Viên Hoa Kỳ Còn Sống

XII - Một Linh Mục Dòng Tên Chuyên Viên Vẫn Tiếp Tục Khảo Sát Sự Thực Thi Công Đồng Vatican II

XIII - Vai Trò Của Đức Thánh Cha Bênêditô XVI

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Đồng Hành Với Chúa

Những Nẻo Đường Việt Nam

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma nói chuyện về Chúa Giêsu

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên

Đứng dậy! Ta đi nào! Tự Thuật của ĐGH Gioan Phaolô II.

Như Tiếng Chim Ca

Một Phút Minh Triết - One Minute Wisdom

Công Đồng Vatican II qua bốn thập niên
XIII - Vai Trò Của Đức Thánh Cha Bênêditô XVI

Đức Giáo Hoàng Bênêditô XVI là người bị ảnh hường sâu đậm bởi những cuộc thảo luận tại Công Đồng Vatican II, giờ đây Ngài đang ở trong một vị thế điều hướng cách thức mà theo đó Giáo Hội thực thi những giáo huấn của mình. Nhiều năm trước đây Ngài đã cảnh báo rằng Giáo Hội đã trải qua một “tiến trình thoái hóa” với danh nghĩa là “tinh thần Công Đồng”, nhất là Ngài phê phán những cải cách về phụng vụ mà Cộng Đồng đề xướng. Tuy nhiên trong bài thuyết giảng đầu tiên với tư cách là giáo hoàng vào tháng tư năm 2005, Đức Thánh Cha Bênêditô XVI đã tuyên bố không chút nghi ngờ gì về Công Đồng Vatican II và việc am hiểu tường tận Phúc Âm sẽ là “kim chỉ nam” cho triều đại của Ngài.

 Ngài nói: “Càng nhiều năm trôi qua, những tài liệu Công Đồng không mất thời gian tính bao giờ. Quả thật, những giáo huấn của Công Đồng đang chứng tỏ thích ứng một cách đặc biệt với tình cảnh mới của Giáo Hội và xã hội đương thời đang được toàn cầu hóa.” Xét về nhiều phương diện, Đức Thánh Cha Bênêditô XVI biểu hiện hình ảnh trọn vẹn về kinh nghiệm Công Đồng Vatican II trong Giáo Hội, bởi vì:  

-         Với tư cách cố vấn thần học cho Đức Hồng Y người Đức là Joseph Frings ở Cologne, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, lúc bấy giờ là linh mục, đã tham dự tất cả bốn khóa họp của Công Đồng từ 1962-1965 và đã hăng say theo sát công tác khởi đầu cũng như sự thăm dò dũng cảm đưa đến việc đổi mới.

-         Ngài bắt đầu tỏ lộ lo âu trong những khóa họp về sau là Công Đồng cho người ta cảm tưởng Giáo Hội sinh hoạt như một nghị trường và “đức tin có thể bị thay đổi”.

-         Sau khi Công Đồng kết thúc, Ngài cảnh cáo về việc chuyển hướng sai lầm trong việc thực thi và cuối cùng Ngài giúp hình thành một tạp chí thần học để cân bằng điều mà Ngài gọi là sự tiếp cận thần học của “hoạt động chính trị trong giới giáo sĩ”.

-         Trong tư cách là viên chức tối cao về tín lý trong gần 24 năm, Ngài đã hoạt động để kiềm chế những sự lạm dụng và minh định giáo huấn của Giáo Hội trong những lãnh vực bao gồm sự thí nghiệm thần học, những văn bản phụng vụ, sự học hỏi Thánh Kinh, vấn đề tông đồ giáo dân, vai trò của những hội đồng giám mục và cuộc đối thoại liên tôn cũng như đại kết.

 Học giả người Hoa Kỳ là George Weigel cho biết trong tư cách là một chuyên viên thần học trẻ tuổi, linh mục Ratzinger hiểu rõ sự thật chủ yếu về Vatican II là “aggiornamento” tức sự “hiện đại hóa” Giáo Hội Công Giáo phải đặt căn bản trên sự “trở về nguồn”, một sự trở về với nguồn gốc của sự khôn ngoan Kitô giáo và sự Giáo Hội tự hiểu biết chính mình một cách sâu sắc hơn. Weigel phát biểu: “Ngài Ratzinger…hiểu rằng cả hai điều đó phải song hành: “cập nhật hóa mà không hiểu chính mình ‘một cách sâu sắc’ thì chỉ hướng Giáo Hội vào một tổ chức tự nguyện khác dành cho những việc từ thiện mà thôi.” Weigel đã đề cập tới chủ đề về Đức Thánh Cha Bênêditô XVI và Công Đồng Vatican II trong một quyển sách mới nhất của ông là “Sự Chọn Lựa của Thiên Chúa: Đức Thánh Cha Bênêditô và tương lai Giáo Hội Công Giáo”, cho biết Đức tân Giáo Hoàng đã có một ảnh hưởng lớn lao trên việc thực thi Công Đồng dưới triều đại của Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II.  Weigel nói: “Ngày nay, thử thách lớn nhất của Đức Thánh Cha Bênêditô XVI trong tư cách là ‘người thực thi’ Công Đồng Vatican II, sẽ thành công trong việc tìm kiếm được những vị giám mục thể hiện được tầm nhìn của Công Đồng đối với vai trò giám mục như là tông đồ.”  Alberto Melloni - một sử gia về Giáo Hội học người Ý – cho biết Đức Thánh Cha Bênêditô XVI đã mang lại chiều kích lớn lao về thần học cho Vatican II và Ngài vẫn là một “người con của Công Đồng” xét về nhiều phương diện, nhưng với việc Ngài được bầu làm giáo hoàng thì công cuộc thực thi Công Đồng Vatican II đối với Đức Thánh Cha Bênêditô XVI đã trở thành một vấn đề cai quản và không chỉ là một sự tranh luận có tính cách trí thức hay thần học. Học giả Alberto Melloni viết: “Những gì Ngài đã nghĩ và làm tại Công Đồng thì rất quan trọng, nhưng điều đáng kể hơn nhiều ngày nay là điều Ngài sẽ làm trên cương vị Giáo Hoàng, nhất là trong những lãnh vực gay cấn như giám mục đoàn và vấn đề đại kết.”  Trong những  năm trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Hồng Y Ratzinger đã bình luận về di sản của Vatican II khiến nhiều người chú ý rất nhiều, nhất là khi Ngài nói tới phụng vụ. Vào năm 1997, Ngài bày tỏ một cách quyết liệt theo đó việc Đức Thánh Cha Phao-lồ VI cải tổ phụng vụ đã làm “phương hại lớn lao” cho Giáo Hội. Theo Ngài, trong thực tế, không phải những thay đổi không cần thiết, xét về nhiều phương diện, “Sách Lễ Roma mới” là một sự cải tiến. Trong tầm nhìn của Ngài, vấn đề là phụng vụ cũ đã bị phá huỷ và Thánh Lễ mới được xây dựng trên những mảnh vụn của phụng vụ cũ. Đức Hồng Y Ratzinger kêu gọi một “tiến trình phụng vụ mang lại sức sống cho di sản đích thực của Công Đồng Vatican II”. Năm 1999, Ngài cho ra đời một tác phẩm về chủ đế đó, khi Ngài cho rằng phụng vụ tân thời cần dành nhiều chỗ hơn cho sự thinh lặng, những động tác truyền thống của Kitô giáo, âm nhạc thích hợp và những yếu tố khác làm tăng trưởng thái độ cung kính

Đức Hồng Y cũng đã làm dấy lên một cuộc tranh luận vào năm 1990 khi Ngài cho biết là đồng ý với những luận cứ thần học về vấn đề xoay bàn thờ về vị trí như trước Công Đồng Vatican II trong đó linh mục khi dâng Thánh Lễ thì xây lưng về phía cộng đoàn. Ngài cũng cho biết có lẽ quá trễ để đảo ngược những sự đổi thay đó mà không làm cho giáo dân trở nên bối rối hơn bao giờ hết và một sự trở về toàn diện đối với việc dâng Thánh lễ bằng La ngữ thì ngày nay không thể xảy ra được và có lẽ không phải là điều đáng mong ước. Vì những lời phát biểu của Ngài trong quá khứ, nhiều tín hữu trông chờ Đức Thánh Cha Bênêditô sẽ có những thay đổi ngoạn mục trong nghi lễ giáo hoàng, như dẹp bỏ những yếu tố có tính cách đa văn hóa thường rất nổi bật dưới triều đại của Đức Thánh Cha Gioan Phao-lồ II. Cho đến bây giờ, điều đó đã không xảy ra. Vào những Ngày Giới Trẻ Thế Giới vừa qua ở Đức quốc chẳng hạn, Thánh Lễ giáo hoàng được sinh động bằng những hồi trống của người dân Phi châu, đàn xita và kèn của người Nam Mỹ. Trong buổi kinh chiều có cả những nghệ sĩ múa hát nữa. Ngoài vấn đề phụng vụ, Đức Thánh Cha Bênêditô XVI luôn quan tâm đến ý nghĩa thần học và giáo hội học đằng sau phụng vụ. Vào năm 1962 khi Công Đồng bắt đầu thảo luận gay cấn về nguồn gốc mạc khải, vị linh mục trẻ tuổi Ratzinger đã trở thành một diễn viên cốt cán. Việc thào luận về mạc khải đặt ra vấn đề là làm sao Thánh Kinh Thánh Truyền liện hệ với nhau và cả hai đã liên hệ đến quyền tuyên huấn (magisterium) - quyền giáo huấn của Giáo Hội - như thế nào. Đó là một cuộc thào luận của các chuyên viên, nhưng đã có tác động lớn lao trên cách thế theo đó Giáo Hội tự hiểu biết chính mình.  Trong tầm nhìn của Cha Ratzinger lúc bấy giờ, có một chiều hướng nguy hiểm trong việc giải thích Thánh Kinh như là kho tàng trọn vẹn chứa đựng đức tin, một đường hướng trao ban một quyền bính lớn lao cho những nhà chú giải Thánh Kinh và quyền bính rất ít hay không có gì cả cho quyền tuyên huấn và cho truyền thống Giáo Hội. Ngài cho biết các nhà chú giải Thánh Kinh thường bất đồng ý kiến và điều đó làm cho đức tin bị tổn thương hơn đối với sự kiện những giả thuyết và những quan điểm luôn luôn thay đổi.

 Trong khi Công Đồng thảo luận về vấn đề nầy, cha Ratzinger soạn thảo một bài thuyết trình dựa trên lịch sử để chứng tỏ, như Ngài đã viết sau nầy, là “mạc khải…thì rộng lớn hơn ngay cả đối với những lời ghi trong Thánh Kinh” và Giáo Hội cũng như Thánh Truyền, theo bản chất, cả hai đều bao gồm trong mạc khải.  Nhiều luận cứ nầy cuối cùng đã chiếm ưu thế tại Công Đồng. Về sau nầy Đức Thánh Cha Bênêditô XVI đã gọi Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Chúa là một trong những văn bản sáng giá của Công Đồng và là một văn bản mà Giáo Hội chưa am tường thấu đáo.

 Theo một quan điểm tổng quát hơn, điều đã làm cho vị giáo hoàng sau nầy cảm thấy bất an nhiều nhất đối với hậu quả tai hại của Công Đồng là cảm tưởng cho rằng mọi việc trong Giáo Hội đều được đem ra duyệt xét lại hết và đường hướng chính trị của trần thế có thể trao lại cho Giáo Hội đề lấy quyết định. Ngài đã cảnh báo sự dấy lên của niềm phẫn uất chống lại khuynh hướng Roma và quan điểm về một thứ “giáo quyền của nhân dân” hay “Giáo Hội từ bên dưới” mà trong đó nhân dân xác quyết về định nghĩa “Giáo Hội”. Ngài cũng tỏ ra lo âu về sự tín nhiệm mới mà Công Đồng Vatican II đã truyền đạt nơi các thần học gia đã khiến cho họ cảm thấy mình không còn phụ thuộc các giám mục nữa. Những sự quan tâm đó được phản ảnh trong nhiều văn kiện được phổ biến trong thời gian Đức Hồng Y Ratzinger đảm trách Thánh Bộ Tín Lý và Đức Tin. Đáng chú ý nhất là vào năm 1984 khi Thánh Bộ cảnh cáo việc sử dụng những khái niệm Mác-xít trong thần học giải phóng. Vào năm 1990 Thánh Bộ kêu gọi những thần học gia bất đồng ý kiến với những giáo huấn của Giáo Hội đừng sử dụng những phương tiện truyền thông để phổ biến quan điểm của mình hay làm áp lực để thay đổi. Và năm 1992 Thánh Bộ tuyên bố các thần học gia không được nhấn mạnh thái quá đến quyền tự trị của các giáo hội địa phương và thu hẹp sự hiệp thông các giáo sĩ vào thực tế có tính cách xã hội.  Vatican II đã mở cửa cho vấn đề đại kết và việc đối thoại liên tôn và Thánh Bộ Tín Lý của Đức Hồng Y Ratzinger đã đưa ra những tiêu chuẩn quan trọng cho cả hai lãnh vực. Vào năm 2000, Thánh Bộ Tín Lý đã ban hành tài liệu “Dominus Jesus” (Chúa Giêsu), nói về sự được cứu rỗi chỉ qua Chúa Giêsu mà thôi và một tài liệu thứ hai về các “Giáo Hội Anh Em”. Cả hai taì liệu đều bị chỉ trích bởi những thành viên tham gia công cuộc đối thoại của Giáo Hội.

 Khi tuyên bố Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội cần thiết cho sự cứu rỗi, “Dominus Jesus” đã làm cho một số độc giả có cảm tưởng như văn bản mang tính cách loại trừ, cho dù Vatican đã đoan quyết đó chỉ là một lối diễn tả của đức tin Công Giáo mà thôi. Văn kiện về các “Giáo Hội Anh Em” đã giải bày từ ngữ đó chỉ được sử dụng để diễn tả những giáo hội còn duy trì một giám mục đoàn và Bí Tích Thánh Thể có hiệu lực, như các Giáo Hội Chính Thống Giáo; điều đó bị chỉ trích kịch liệt bởi các nhà lãnh đạo Anh Giáo và Tin lành.  Cả hai văn kiện hoàn toàn dựa trên những giáo huấn của Công Đồng Vatican II để bênh đỡ những luận cứ liên hệ đến hai văn kiện đó. “Dominus Jesus” đã trích dẫn những văn bản Công Đồng hơn 50 lần, kể cả xác quyết về sự “trung gian duy nhất” của Chúa Kitô trong sự cứu rỗi. Khi công bố văn kiện, Đức Hồng Y Ratzinger cho biết ý kiến là Giáo Hội không bao giờ nhấn mạnh chân lý của sứ điệp mình “hoàn toàn khác biệt” với điều mà Vatican II đã xác định.  Trong quyển sách “Giáo Hội, Vấn Đề Đại Kết và Chính Trị” phát hành năm 1987, Đức Hồng Y Ratzinger trình bày rằng để hiểu rõ giáo huấn của Công Đồng về vấn đề đối thoại, người ta phải am tường “giáo huấn nòng cốt” về Giáo Hội như là một cộng đồng hiệp thông. Ngài thối thúc mọi người đọc kỹ hơn cách diễn đạt những văn bản của Vatican II để đối lại ý kiến của một nhóm người chỉ có thể “hội họp nhau, đọc Phúc Âm và nói: ‘Giờ đây chúng ta là Giáo Hội’”.  Ngài cũng tranh luận rằng Công Đồng đã triển khai “giám mục đoàn” như là một thực thể có tính cách thần học, nhưng điều đó đã bị ngộ nhận như một hình thức phân chia quyền bính. Đặc biệt, Ngài đặt thành vấn đề “quyền giáo huấn của các hội nghị giám mục” và vào năm 1985, Ngài tuyên bố là các hội nghị đó “không có căn bản thần học”. Năm 1998 một văn kiện giáo hoàng mà Đức Hồng Y đã giúp soạn thảo nhấn mạnh đến giới hạn quyền bính thuộc các hội nghị các giám mục và Ngài cho rằng những vấn nạn thuộc tín lý không bao giờ được quyết định bằng một cuộc đầu phiếu với đa số. Sự đa dạng về những công tác mục vụ thuộc giáo dân trong Giáo Hội cũng được Đức Hồng Y Ratzinger xem xét cẩn thận. Bộ Tín Lý đã giúp điều hướng việc soạn thảo một văn kiện vào năm 1997. Văn kiện đó hoàn toàn dựa vào những văn bản của Vatican II đã ca ngợi sự dấn thân của giáo dân trong công việc của Giáo Hội nhưng cảnh cáo việc nhầm lẫn vai trò giáo dân với những thừa tác viên được tấn phong. Trong nhiều trường hợp, Đức Hồng Y Ratzinger đã nhấn mạnh là nhiệm vụ trước tiên của giáo dân được dự kiến bởi Vatican II là phúc âm hóa và thánh hóa thế giới. Cả hằng trăm lần khi nói hay viết về Công Đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Bênêditô luôn ủng hộ uy quyền của những giáo huấn Công Đồng nhưng Ngài cũng tuyên bố chính những giáo huấn đó đòi hỏi một sự học hỏi nghiên cứu thấu đáo, một cái nhìn thận trọng để phân biệt và trên tất cả là một sự hiểu biết thích đáng về Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội.  Một cách tổng quát, Đức Thánh Cha Bênêditô XVI đã nhìn Công Đồng qua sự kiện Giáo Hội ảnh hưởng thế gìới chứ không phải thế giới ảnh hưởng Giáo Hội.  Thị kiến đó được phản ảnh rõ rệt trong văn kiện của bộ Tín Lý vào năm 2003 về “người Công Giáo và chính trị”. Văn kiện cho biết những cử tri và những người làm luật phải để đức tin của mình soi chiếu những vấn đề liến quan đến chính trị. Văn bản chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới Tân Tiến.  Ngoài những cải tổ trong nội bộ Giáo Hội do Vatican II, Đức Thánh Cha Bênêditô đã nhấn mạnh mục đích rộng lớn hơn của Công Đồng là mang đức tin ra khỏi phạm vi riêng tư và phục hồi đức tin như là một động lực đối với lịch sử.

 Để hiểu rõ Vatican II một cách nghiêm chỉnh, Ngài nói người ta phải bắt đầu với câu đầu tiên của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội: “Đức Kitô là ánh sáng muôn dân.” Ngài còn nói thêm là vấn đề ở chỗ Giáo Hội bắt đầu bằng cách nói về Đức Kitô chứ không phải về chính mình.  Theo hảng thông tấn Zenit, ngày 22-12-2005, tại Vatican City, Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI đã ngỏ ý cuộc khủng hoảng nổi lên trong Giáo Hội tiếp theo sau Công Đồng Vatican II không phài do các văn kiện Công Đồng, nhưng đúng hơn do sự giải thích các văn kiện đó.  Đức Thánh Cha đã phân tích cặn kẽ di sản trao lại do cuộc hội họp vào những năm 1962-1965 của các giám mục trên thế giới, khi Ngài gặp gỡ các cộng sự viên ngày hôm đó tại Giáo Triều Roma để bày tỏ những lời chúc mầng Giáng Sinh của Ngài.  Đức Thánh Cha đã lớn tiếng hỏi: “Điều gì tốt và điều gì khiếm khuyết hay bị hiểu lấm?” trong vấn đề thực thi những văn kiện Công Đồng.

 Theo Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, việc tiếp nhận những sứ điệp của Công Đồng xảy ra tùy theo hai cách giải thích “đối chọi nhau hay thảo luận với nhau.”  Cách giải thích thứ nhất – đối chọi nhau – được Đức Thánh Cha gọi là “khoa chú giải không liên tục và gián đoạn giữa Giáo Hội tiền Công Đồng và hậu Công Đồng.”  Đức Thánh Cha cho biết, theo quan điểm đó, điều gì quan trọng đối với Công Đồng không phải là những văn bản mà là tinh thần đổi mới mang vào Giáo Hội. Theo Ngài nhận xét, quan điểm đó “thường thích sử dụng thị hiếu của giới truyền thông và cũng là một thành phần của nền thần học tân thời.” 

Theo Đức Thánh Cha Bênêđitô, cách giải thích thứ hai – thảo luận với nhau – là “khoa chú giải về cải tiến” được đề nghị bởi các Đức Giáo Hoàng đã khai mạc và bế mạc Công Đồng – các Đức Thánh Cha Gioan XXIII và Phaolô VI – và đã mang lại những thành quả “một cách âm thầm nhưng trông thấy rõ rệt.” Theo quan điểm đó, mục tiêu của Công Đồng và của bất cứ cải cách nào trong Giáo Hội là “truyền đạt giáo lý nguyên tuyền và toàn vẹn, không giảm bớt hay bóp méo”, ý thức rằng “bổn phận chúng ta không những phải lo bảo vệ kho tàng quý báu đó, như thể chúng ta quan tâm không những về thời xa xưa mà còn dấn thân bằng một ý muốn cương quyết và không sợ sệt cho công tác mà thời đại chúng ta đòi hỏi.”  Lặp lại lời Đức Thánh Cha Gioan XXIII, Ngài nói: “Một là kho tàng Đức Tin, tức những chân lý chứa đựng trong giáo lý đáng tôn kính của chúng ta và hai là cách thức những chân lý đó được diễn đạt, tuy nhiên vẫn bảo toàn cũng một ý nghĩa và sự sung mãn.” Đức Thánh Cha Bêneđitô XVI vạch rõ: theo cách thức đó, Công Đồng đã trình bày một “định nghĩa mới về tương quan giữa đức tin của Giáo Hội và một số yếu tố thiết yếu của tư duy hiện đại.” Ngài còn nhấn mạnh: “Giáo Hội, cả trước hay sau Công Đồng, là một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, đang lữ hành qua thời gian.” Ngài còn nói thêm: “Ngày nay chúng ta nhìn lại Công Đồng Vatican II với lòng biết ơn. Nếu chúng ta đọc và lãnh hội, nhờ được hướng dẫn bởi môt khoa chú giải thích hợp, điều đó có thể sẽ gia tăng tiềm lực lớn lao đối với sự đổi mới cần thiết trong Giáo Hội.”

 (Phỏng theo John Thavis – Vatican City – CNS)



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!