Linh mục Đa-Minh Yves Congar và hai linh mục Dòng Tên John Courtney Murray và Henri de Lubac là những thần học gia vào thập niên 1950 đã bị Vatican bắt phải im hơi lặng tiếng nhưng đã nổi bật lên và trở thành những tiếng nói quan trọng trong Công Đồng Vatican II. Cha Congar và Lubac về sau được chọn làm hồng y. Một trong những văn kiện cuối cùng được Công Đồng Vatican II chấp thuận và có lẽ là văn kiện được tranh luận nhiều nhất, đó là “Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo” mà cao điểm là Công giáo trong thế giới hiện đại, xét về những tương quan giữa Giáo Hội và nhà nước. Văn kiện đó đặt nền móng cho Giáo Hội đối phó với những nền dân chủ thế tục, tôn giáo đa nguyên thuộc Tây phương và Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II đã báo động tình trạng bắt bớ Giáo Hội ở những nước Cộng Sản cai trị. Tuyên ngôn “Dignitatis Humanae” mang lại niềm tín nhiệm của Công Đồng mời gọi đối thoại đại kết và đối thoại với những tín hữu không phải Kitô giáo. Trong quá trình soạn thảo, văn kiện nầy được phục hoạt do soạn thảo viên chính của tuyên ngôn là cha John Courtney Murray - một linh mục Dòng Tên vào thập niên 1950 đã bị Vatican cấm không được viết về những tương quan giữa Giáo Hội và nhà nước, nhất là những nỗ lực hòa giải Giáo Hội Công giáo với sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước theo kiểu Hoa Kỳ. Cuối cùng vị linh mục đó đã được mời tham gia “Văn Phòng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô giáo” của Vatican là cơ quan của Tòa Thánh soạn thảo tài liệu. Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo tuyên bố rằng, vì nhân phẩm, mỗi cá nhân có quyền dân sự đối với tự do tôn giáo và thực thi niềm tin tôn giáo ở trong cộng đồng với kẻ khác. Đó là một điểm xuất phát rất rõ nét vì từ nhiều thế kỷ trước, Giáo Hội dạy rằng tự do tôn giáo trọn vẹn chỉ thuộc về Giáo Hội Công giáo như là một định chế bởi vì Giáo Hội chứa đựng sự sung mãn của chân lý thiêng liêng.
Trong bài bình luận sau Công Đồng vào năm 1966 - được phát hành sau khi cha qua đời, cha Murray ghi chú như sau: “Giáo Hội không còn ứng phó với trật tự trần thế theo tiêu chuẩn nước đôi: tự do đối với Giáo Hội khi tín hữu Công giáo là thiểu số, đặc quyền đối với Giáo Hội và bất khoan dung đối với kẻ khác khi tín hữu Công giáo chiếm đa số.”
Cha Murray còn viết: “Tuyên Ngôn đã mở đường cho một sự tín nhiệm mới trong những tương quan đại kết và sự thẳng thắn trong những tương quan giữa Giáo Hội và thế giới.” Tuyên Ngôn công bố: “Quyền tự do tôn giáo được căn cứ trên chính nhân phẩm mỗi cá nhân như được biết đến qua lời mạc khải của Chúa và chính bằng lý trí.” Sự tự do đó phải được nhìn nhận và bảo đảm bởi các quốc gia như là một quyền dân sự bởi vì sự thi hành quyền tự do tôn giáo đòi buộc phải được “chước miễn mọi sự ép buộc từ bên ngoài. Quyền được chước miễn đó tiếp tục hiện hữu ngay cả đối với những ai không sống theo sự bắt buộc phải truy tầm chân lý và bám trụ vào đó.”
Tuyên Ngôn đã được chấp thuận bởi cuộc bỏ phiếu với tì số 2,308 - 70 vào ngày 7-12-1965. Đó là ngày bỏ phiếu sau cùng và cũng là ngày trước khi Công Đồng bế mạc. Công Đồng chỉ chấp thuận sau khi đã “thảo luận một cách sôi nổi” với sự chống đối dữ dội từ nhiều viên chức Vatican và các vị giám mục đến từ những quốc gia mà Giáo Hội Công giáo rất mạnh như Tây-Ban-Nha và Ý-Đại-Lợi, theo như Gregory Baum cho biết. Gregory Baum là một chuyên viên thuộc “Văn Phòng Cồ Võ sự Hợp Nhất Kitô giáo của Công Đồng”. Văn Phòng đã soạn thảo tài liệu tự do tôn giáo vì tầm mức quan trọng đối với vấn đề đại kết. Vào thời điểm đó, Baum còn là linh mục dòng thánh Augustinô. Sau đó Baum hoàn tục và trở thành giáo sư về tôn giáo học ở Đại Học McGill Montreal và nay đã hồi hưu, cho biết: “Giáo Hội Công giáo đã kết án tự do tôn giáo vào thế kỷ 19 và những người phản đối Tuyên Ngôn không muốn công nhận rằng Giáo Hội đã sai lầm.”
Theo Baum, lập trường trước đây là “chân lý có hết mọi quyền, còn lầm lạc không có quyền nào.” Khi thực hành như vậy có nghĩa là vì họ theo một tôn giáo lầm lạc nên không có quyền tự do tôn giáo, “nhưng điều đó vô nghĩa. Chân lý là một khái niệm trừu tượng. Dân chúng có quyền lợi của họ.” Baum nhận thấy Tuyên Ngôn đã khiến Vatican duyệt lại những thỏa ước với nhiều quốc gia mà đại đa số theo Công giáo để Công giáo không còn là quốc giáo nữa. Những người phản đối Tuyên Ngôn lý luận rằng khi chấp thuận nguyên tắc tự do tôn giáo, Giáo Hội tự mâu thuẫn với chính mình. Quan điểm đó ngược lại với quan điểm của các thần học gia khác, như linh mục Murray, theo đó giáo huấn của Giáo Hội cần tiến hóa, căn cứ trên những hoàn cảnh đổi thay, một tiến trình được gọi là sự “triển khai giáo lý”.Bài bình luận của cha Murray vào năm 1966 cho thấy việc chống đối sự triển khai giáo lý ở đằng sau hầu hết những sự chống đối. Cha Murray viết: “Ý niệm triển khai, chứ không phải ý niệm tự do tôn giáo, là móc điểm thực tế đối với nhiều người chống lại Tuyên Ngôn cho đến cuối cùng.”
Sau cùng, khi Tuyên Ngôn được chấp thuận, cũng có kèm theo một sự nhìn nhận là trong quá khứ Giáo Hội đã vi phạm tự do tôn giáo. Tuyên Ngôn viết: “Dẫu cho ở trong đời sống dân Chúa…có những thời điểm xuất hiện một hình thức đối xử khó mà đúng với tinh thần Phúc Âm và ngay cả ngược lại với Tin Mừng nữa. Giáo huấn của Giáo Hội luôn luôn vẫn là không ép buộc ai phải tin theo.”Lời thú nhận đó đã được gợi ý bởi Đức Hồng Y Joseph Beran ở Prague, Czechoslovakia, lúc bấy giờ bị đặt dưới quyền thống trị của Cộng Sản. Ghi nhận những vụ thiêu đốt những người ly giáo và những vụ bắt buộc theo Công giáo trong lịch sử quê hương mình, Đức Hồng Y Beran xin Công Đồng chấp thuận Tuyên Ngôn “trong tinh thần đền bù những lỗi lầm trong quá khứ.”
Đức Hồng Y Beran và các nghị phụ đến từ những quốc gia do Cộng Sản chiếm đóng đã liên kết với các giám mục Hoa-Kỳ để trở thành những người ủng hộ Tuyên Ngôn một cách mạnh mẽ. Các giám mục sau bức Màn Sắt nhận thấy cần thiết phải duy trì một số điều giống nhau trong đời sống Giáo Hội ở trên quê hương họ, bởi vì Tuyên Ngôn cổ võ việc thực thi nguyên tắc tự do tôn giáo. Tuyên Ngôn cũng mạnh mẽ kêu gọi Giáo Hội độc lập đối với nhà nước và bảo vệ khỏi bị nhà nước xâm phạm những tôn giáo có tổ chức. Tuyên Ngôn công bố: “Nếu chính quyền dân sự cho mình có quyền kiểm soát hay hạn chế sinh hoạt tôn giáo, phải nói rằng chính quyền đã vượt khỏi giới hạn quyền bính của mình.” Trong số những người ủng hộ Tuyên Ngôn thuộc khối Sô-viết là Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyla của Krakow, Ba-Lan, về sau được bầu làm Giáo Hoàng Gioan Phao-lồ II năm 1978. Ở trong phòng họp Công Đồng năm 1965, vị tổng giám mục 45 tuổi tranh luận rằng không nhà nước nào có quyền khống chế tôn giáo. Theo giáo sư Baum, Đức Tổng Giám Mục Wojtyla tỏ ra “xuất sắc đối với văn kiện. Ngài trở thành vô địch về nhân quyền khắp nơi trên thế giới, không chỉ quyền lợi tôn giáo mà thôi, mà còn căn cứ trên nhân phẩm nữa.”
(Phỏng theo Agostino Bono – Washington – CNS)