Kết luận : Bài học về tiếp xúc và trao đổi
Khó khăn và trở ngại, mà trẻ em tự bế phải đối diện trong toàn thể cuộc sống của mình, từ những ngày mới sinh ra, là vấn đề xây dựng quan hệ tiếp xúc và trao đổi với những người cùng chung sống hai bên cạnh, bắt đầu từ cha mẹ sinh ra mình. Và để có khả năng tiếp xúc và trao đổi như vậy, mỗi người trong chúng ta, không loại trừ một ai, cần có cơ may được người khác dạy dỗ. Chúng ta cần phải học rất nhiều điều : diễn tả, khẳng định mình, trình bày nhu cầu và nguyện vọng, dùng sứ điệp ngôi thứ nhất để nói về mình, không tìm cách nói thay, nói thế cho người khác. Thay vì học như vậy, con người ngày nay đang có xu thế dấn bước trên những con đường hận thù, thiên kiến, chiến tranh, bạo động và hủy diệt lẫn nhau. Thay vì xin và cho, để rồi mỗi người có quyền hoặc nhận hoặc từ chối, một cách hồn nhiên, đơn sơ, thành thực và thoải mái, chúng ta tất cả hiện đang có xu thế áp đặt lối nhìn của chúng ta. Chúng ta cưỡng chế kẻ khác phải tuân theo ý định của mình. Phải chăng thực trạng của trẻ em tự bế khắp đó đây đang phản ảnh tình huống hiện tại của toàn diện nhân loại, trong chính xương da và máu thịt của mình ? Hẳn thực, chúng ta đang khổ đau, cũng giống như trẻ em tự bế đang khổ đau ? Kinh nghiệm và công việc với trẻ em tự bế dạy cho tôi bài học, là chúng ta không thể dùng khổ đau để giải quyết vấn đề khổ đau. Một người cha mẹ hay một người giáo viên khổ đau không thể làm nơi nương tựa hay là ngọn hải đăng, cho trẻ em tự bế, mặc dù họ có nhiều thiện chí hay là khả năng chuyên môn đầy mình. Đối với NGUYỄN TRÃI, chỉ có « chí nhân » mới thay được « cường bạo ». Chỉ có « đại nghĩa » mới thắng được « hung tàn ». Chỉ có một « tấm lòng bao la » như Đại Dương, phối hợp với « một lối nhìn cao cả » như Bầu Trời, mới có khả năng làm cho trẻ em mang nhãn hiệu tự bế vùng nổi lên như Thánh Gióng. Từ một em bé 3 tuổi, không biết đi, không biết nói… Ngài đã vùng đứng dậy, sau khi được Mẹ và bà con Đồng Bào xa gần cho ăn, cho mặc, cho ngựa, cho gươm, để đi ra cứu Nước, cứu Nhà, cứu chính mình và cứu anh chị em của mình. Nói tóm lại, những ai « biết Cho và biết Xin, biết Nhận và biết Từ Chối », người ấy mới có khả năng mở ra những Đại Lộ Quan Hệ hài hòa và mênh mông, cho trẻ em tự bế đang có mặt trong lòng Quê Hương và trong lòng mỗi một người. Trong tinh thần và đường hướng ấy, tôi xin phép tác giả Joe DARION cho tôi mượn bài thơ « The Impossible Dream », để kính tặng các bậc cha mẹ đang có một đứa con tự bế, và tất cả những ai đang ngày ngày vui tươi và thinh lặng phục vụ những trẻ em nầy : « Thực hiện một giấc mơ chưa bao giờ được thực hiện, « Can đảm đánh vào lòng tên địch đã muôn đời nổi tiếng là vô địch, « Có khả năng đón nhận và hóa giải mọi nỗi buồn đang trấn áp sức chịu đựng của mỗi người, « Đi đến những biên cương mà các anh hùng hào kiệt chưa bao giờ dám mạo hiểm, « Vượt thắng mọi lỗi lầm đã ăn đời ở kiếp, trong cõi lòng của mỗi người, « Gieo vãi tận muôn phương hạt giống của Tình Yêu đơn thuần và trong trắng, không chờ đợi, không đòi hỏi… « Tiếp tục can trường thực hiện những chương trình, khi hay tay muốn buông xuôi, vì đã rã rời và mệt mỏi, « Ngày ngày vươn mình lên, đón nhận ánh sáng của muôn vì sao, ở ngoài tầm nắm bắt của đôi mắt phàm tục ». Lausanne, Mùa Xuân 2005 Nguyễn Văn Thành
|