.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương 1: Hội chứng tự bế

Chương 2: Phát hiện sớm

Chương 3: Can thiệp sớm, ý hướng cơ bản

Chương 4: Những hình thức tự bế trong các hội chứng khác

Chương 5: Mặt chìm của tảng băng sơn

Chương 6: Cách tổ chức của nội tâm

Chương 7: Nội tâm của trẻ em tự bế

Chương 8: HỘI CHỨNG TỰ BẾ trong lối nhìn của PHÂN TÂM HỌC

Chương 9: VAI TRÒ và VỊ TRÍ của XÚC ĐỘNG trong HỘI CHỨNG TỰ BẾ

Chương 10: Ba chứng nhân

Chương 11: Phương pháp TEACCH

Chương 12: Phương pháp ABA - Chuyển hoá hành vi tiêu cực

Kết luận : Bài học về tiếp xúc và trao đổi

Phụ trương : Những bài học cụ thể trong chương trình TEACCH

Bản đánh giá những cấp độ phát triển

Sách tham khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
PHỤ TRƯƠNG : NHỮNG BÀI HỌC CỤ THỂ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TEACCH

   Nhằm giúp người giáo viên sáng tạo nhiều bài học thích ứng với nhu cầu và điều kiện hiện hữu của mỗi trẻ em, chương này trình bày và giới thiệu những đề mục và bài học, đã được TEACCH nghiên cứu và sắp xếp, theo từng giai đoạn tăng trưởng và phát triển của trẻ em.

    Điều quan trọng không phải là sao chép một cách máy móc, tự động tất cả những bài học. Trong lối nhìn của tôi, TEACCH là « người bạn » có mặt với chúng ta, để giúp chúng ta sáng tạo, hay là « kho nấu » những bữa ăn thích hợp với tì vị của các học sinh.

    Ngoài ra, tôi cố tình trình bày những bài học với nhiều chi tiết, trên phương diện sư phạm. Tôi tin chắc rằng cách làm này cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho những giáo viên đặc trách về những học sinh không thuộc diện tự bế.  Một cách đặc biệt, người cha mẹ còn trẻ và các giáo viên mới vào nghề, sẽ có nhiều ý kiến, để làm việc hoặc vui đùa với con cái và học sinh.

Những đề mục được đề cập trong chương trình TEACCH :

-      1.- Bắt chước (Imitaion),

-      2.- Nhận thức (Perception),

-      3.- Vận động thô (Gross Motor),

-      4.- Vận động tinh (Fine Motor),

-            5.- Phối hợp mắt và tay (Eye-hand Intergration),

-            6.- Kỹ năng hiểu biết (Cognitive Performance),

-            7.- Kỹ năng ngôn ngữ (Verbal performance),

-      8.- Kỹ năng tự lập (Self-Help),

-            9.- Kỹ năng xã hội hóa (Social performance).

1- BẮT CHƯỚC

1.1   Dùng chiếc muỗng nhỏ gõ trên bàn theo   nhịp.

1.2   Lặp lại một số âm thanh một vần.

1.3   Kết hợp một âm thanh với một động tác  hoặc cử điệu. “Bum bum” : nhảy, “phù  phù”: thổi ra.

1.4   Vừa quan sát cử chỉ của người lớn, vừa  phát âm. “Xì xì” khi đưa ngón tay lên  miệng. “Oa oa” khi vỗ tay lên miệng.  Đưa  tay lên miệng và gửi đi một nụ hôn.  Đưa  ngón tay lên má và làm một tiếng  nổ.

1.5   Yêu cầu trẻ em dùng tay hay ngón tay  để trả lời, khi chúng ta hỏi : Mũi của em  đâu? Tóc đâu? Miệng? Mắt? Lỗ tai?

1.6       Vỗ tay (vừa nhìn người lớn vừa làm  theo).

1.7   Đưa tay lên. Đưa tay xuống. Đưa tay ra  ngoài.

1.8   Sử dụng 3 đồ vật, giống như người lớn,  để tạo nên một âm thanh : Rung  chuông, thổi còi, quay chiếc “lúc lắc”.

1.9   Làm theo người lớn : Ngậm miệng, mở  miệng, đưa miệng ra trước, mĩm cười,  dùng lưỡi liếm môi trên, liếm môi dưới.

1.10        Lấy bút màu vẽ tự do lên trang giấy  lớn, không vượt ra ngoài.

1.11        Bắt chước chải tóc với chiếc lược, lấy  găng tay lau mặt, dùng bàn chải răng.

1.12                  Biết cách dùng của năm vật thông thường như : trái banh nho nhỏ, chiếc  xe ô tô, tách trà, bàn chải răng, chiếc  gương soi.

1.13        Bắt chước tiếng động của ba đồ dùng  quen thuộc như : đồng hồ reo, chuông,  xe ô tô, xe lửa…

1.14        Gạch đường ngang trên giấy, từ trái  qua mặt.

1.15        Bắt chước vỗ tay.

1.16        Bắt chước dùng đất sét công nghiệp,  để chơi 2 cách khác nhau, như vo tròn  lại hay là trải ra.

1.17        Bắt chước đụng đến 2 phần thân thể  cùng một lúc như : một tay đụng đầu,  tay kia đụng ngực – mũi và lỗ tai – tóc  và miệng – tai và bụng – đầu và mũi.

1.18        Bắt chước mở và ngậm miệng, đưa  miệng qua mặt và qua trái, mà vẫn giữ  yên, không động đậy đầu và trán.

1.19        Bắt chước : dội banh trên nền nhà,  dùng chiếc muỗng nhỏ gõ vào ly hoặc  tách trà, lăn chiếc banh về một hướng,  trải dài và rộng đất sét ra trên măt bàn,  lấy muỗng khuấy tròn trong chiếc ly, vo  tròn đất sét thành nhiều viên bi, ném  chiếc banh lên cao.

1.20        Bắt chước đặt con búp bê vào  giường, hay vào nôi và lấy giấy làm mền  đắp trên mình, lấy khăn lau mũi cho búp  bê, lấy muỗng đút cơm cho búp bê, lấy  ly cho búp bê uống.

1.21        Bắt chước những tiếng kêu của loài  vật quen thuộc như chó : vâu vâu, mèo :  meo meo, bò mẹ : bọ bờ, bò con : be  be, ruồi : vù vù.

1.22        Bắt chước (vừa hát vừa làm) những  cử điệu : đặt tay lên đầu, lên đầu gối,  đằng sau lưng.

1.23        Nắn đất sét thành hình và gọi tên: một  cái đĩa, một vòng đeo tay, một cây cà rem.

1.24        Bắt chước ba cử động của 3 con vật :  chim bay : tay đưa lên đưa xuống, mèo  nằm ngủ : hai tay chắp lại đưa lên má,  chó đào đất.

1.25        Bắt chước tập thể dục. Dùng một hai  động tác đơn sơ.

1.26        Thực thi 2 động tác tiếp theo nhau :  đóng cửa lại rồi ngồi xuống ghế, đi  quanh bàn một vòng rồi đi ra cửa, đóng  cửa lại rồi vào ngồi bàn.

1.27        Thay đổi mạnh-yếu, nhanh-chậm khi  gõ trống, lau bàn…

2- NHẬN THỨC

2.28 Cất giấu một vật dụng hay là đồ chơi quí của trẻ em dưới một tấm khăn hay màn, khuyến khích trẻ em tìm lại bằng cách rút cất tấm màn.

2.29 Trước mặt trẻ em, sắp đặt ba cái chén hoặc đĩa lật ngữa, cách nhau chừng 15 cm. Yêu cầu trẻ em nhìn theo chiếc kẹo hay trò chơi. Chúng ta xê dịch chiếc kẹo từ trái qua phải một hai lần và xem chừng trẻ em có nhìn theo hay không. Cuối cùng, để chiếc kẹo vào trong một cái chén và hỏi: Chiếc kẹo ở đâu? Quan sát trẻ em có biết trả lời hay không, bằng cách nào. Một cách đặc biệt, cố tình làm vui nhộn, để trẻ em đưa mắt nhìn theo.

2.30 Làm rơi một vật dụng từ mặt bàn xuống sàn nhà, và yêu cầu trẻ em đi tìm và mang đến cho cô : “Ngòi bút của cô đâu rồi? Em đi tìm cho cô đi”.

2.31 Xê dịch một chiếc kẹo hay đồ chơi, từ chỗ này qua chỗ khác, trước mắt trẻ em. Đoạn úp một cái chén lên trên. Sau đó úp thêm hai cái chén khác ở 2 chỗ khác, hai bên cạnh. Hỏi trẻ em : “Cô giấu kẹo ở đâu ?”. Và khuyến khích trẻ em tìm, nếu trẻ làm sai mấy lần đầu.

2.32 Kết hợp một sinh hoạt mà trẻ em yêu thích, như tắm gội, với một âm thanh như tiếng chuông. Sau khi trẻ em đã quen với cách làm này, chúng ta chỉ khởi động tiếng chuông và quan sát phản ứng của trẻ em : trẻ em có nghĩ đến sinh hoạt tắm gội hay không?

2.33 Kết hợp 2 động tác với 2 âm thanh khác nhau. Ví dụ : 1- đưa tay chọc nhột trẻ em và phát âm “cờ líc, cờ líc…”, 2- cầm hai tay trẻ em và cùng giúp trẻ em vỗ 2 tay vào nhau, đồng thời phát ra âm thanh “bốp bốp…”. Sau nhiều lần, khi trẻ em đã quen thuộc, chúng ta chỉ phát âm và quan sát trẻ em hành động như thế nào.

2.34 Đưa ra cho trẻ em thấy chiếc dép thứ nhất và tập trẻ em đi tìm chiếc thứ hai. Cũng như vậy, bảo trẻ em đi tìm cái ly thứ hai. Và lần thứ ba là chiếc xe ô tô. Mấy lần đầu, vật thứ hai có sẵn trước mặt của trẻ em. Dần dần, chúng ta cất giấu các vật thứ hai cùng cặp ở nhiều chỗ khác nhau, ngoài tầm mắt của trẻ em. Khi trẻ em đã có nhiều tiến bộ, chúng ta chỉ dùng ngôn ngữ : “Chiếc dép kia ở đâu? Đi tìm cho cô”.

2.35 Lần đầu, chúng ta dùng 3 cái ly có 3 màu sắc và hình thể hoàn toàn khác nhau, lật sấp lại trước mặt trẻ em. Chúng ta lấy ra một chiếc kẹo và cất giấu dưới một chiếc ly, dưới mắt của trẻ em. Đoạn chúng ta hỏi trẻ em: “Kẹo ở đâu?”.

Lần thứ hai, sau khi trẻ em đã thành công trong lần thứ nhất, chúng ta dùng 3 chiếc tách hoàn toàn giống nhau.

Lần thứ ba, chỉ dùng 2 chiếc tách. Sau khi cất giấu kẹo, chúng ta thay đổi chỗ hai chiếc ly với nhau, trước mắt của trẻ em. Sau đó hỏi : “Kẹo ở đâu?”.

2.36 Trên mỗi tấm giấy cứng hình vuông, có tô sẵn 4 hình vuông nhỏ giống nhau, theo 4 cách khác nhau:

1) 4 hình vuông nhỏ ở 4 góc của hình vuông,

2) 4 hình vuông ở giữa mỗi cạnh và làm thành một hình thoi,

3) 4 hình vuông nhỏ sắp thành một chữ L hoa,

4) 4 hình vuông nhỏ sắp thành một chữ T hoa.

Hãy để một tấm hình có tô sẵn trước mặt trẻ em.

Trao cho trẻ em một hình khối nhỏ, và bảo trẻ em đặt để hình khối trên hình vuông đã được vẽ sẵn. Chúng ta đưa tay chỉ rõ cho trẻ em biết chỗ. Đến ô thứ tư còn lại, chúng ta chờ xem trẻ em có biết làm tiếp hay không.

2.37 Mỗi tấm hình có 2 bản giống nhau. Tấm thứ nhất : Một gạch ngang lớn và đậm nét. Tấm thứ hai : chữ X hoa lớn và đậm nét. Tấm thứ ba : một hình tròn đậm nét. Xếp thành đường ngang ba tấm hình khác nhau, trước mặt trẻ em. Trao cho trẻ em một trong 3 tấm hình còn lại và bảo : Tấm hình này giống tấm nào, thì em để lên trên tấm ấy.

2.38 Đặt để trước mặt trẻ em hai dụng cụ phát ra âm thanh như : 1 cái chuông và một chiếc còi. Giai đoạn một : cho phép trẻ em khám phá mỗi dụng cụ tùy ý. Giai đoạn hai : đằng sau một tấm màn che, bạn rung một tiếng chuông và hỏi trẻ em : tiếng gì vậy ? Yêu cầu trẻ làm lại với dụng cụ có sẵn trước mặt, cho đến khi trẻ em hiểu và làm đúng. Giai đoạn ba : dần dần thêm vào 2 hoặc 3 dụng cụ khác. Giai đoạn bốn: Trong giai đoạn ba, chọn những âm thanh hoàn toàn khác nhau. Trong giai đoạn bốn, chọn những âm thanh gần giống nhau, để tập trẻ em biết phân biệt.

2.39 Khoét 3 hình khác nhau trên một nắp hộp lớn: hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn. Giai đoạn một : cho phép trẻ em thử tự do. Giai đoạn hai : trao cho trẻ em chỉ một hình và quan sát cách làm của trẻ em. Giai đoạn ba : đưa cho trẻ em thấy một hình, nhưng vẫn giữ hình ấy trong tay, không đưa cho trẻ em. Chúng ta chỉ yêu cầu trẻ em tìm bằng mắt. Trẻ em thành tựu chỉ khi nào tìm bằng mắt, trước khi bỏ vào đúng chỗ, không dò dẫm, thử làm từ chỗ này qua chỗ khác.

2.40  Sắp xếp 5 hình khối lại với nhau, giống như những bản mẫu đề nghị. Khi bạn trình bày bản mẫu, yêu cầu trẻ em chú ý nhìn xem. Sau đó khuyến khích trẻ em làm, với 5 hình khối của mình : “Bây giờ đến phiên em làm”.

- Hình thư nhất : 3 khối bên trái chồng trên nhau và 2 bên mặt chồng trên nhau và đứng sát 3 khối bên trái.

- Hình thứ hai : 2 bên trái, 2 ở giữa và 1 bên mặt, sát kề nhau.

- Hình thứ ba : 4 hình khối hợp lại thành một hình vuông ở dưới, 1 hình khối ở trên, đúng chính giữa.

2.41  Lấy những tấm giấy bìa cứng và chắc,  cắt ra nhiều loại hình tròn, tam giác và vuông, cùng cỡ và cùng một màu như nhau. Mỗi loại độ 3-5 tấm.

- giai đoạn một, yêu cầu trẻ em xếp vào ba hộp ba loại hình khác nhau, tròn theo tròn, vuông theo vuông…

- giai đoạn hai, gọi tên các hình cho đúng.

- giai đoạn ba, bảo trẻ em : “ Đưa cho cô một hình vuông”…

Tập lui tập tới cho đến khi trẻ em hiểu và làm được.

2.42  Trong bài học này, mỗi hình có nhiều cỡ khác nhau; lớn, nhỏ, vừa.

- Một : Chỉ dùng một loại hình mà thôi, sắp theo 3 cỡ khác nhau.

- Hai : Kết hợp 2 tiêu chuẩn hình và cỡ lại với nhau.

Có thể dùng cách làm lắp ráp hình con lồi vào các hình mẹ lõm.

2.43  Lắp ráp số 1 : Lắp ráp 3 hình con vào 3 hình mẹ. Trẻ em nào biết nhìn, quan sát trước khi làm, sẽ thành công dễ dàng.

2.44  Lắp ráp số 2 : Lắp ráp các loại hình tròn, tam giác, chữ nhật, sáu cạnh…

2.45  Phân chia 8 dụng cụ khác nhau thành 2 loại, bằng cách bỏ vào 2 đĩa khác nhau.

Phân biệt màu sắc Số 1:  Giáo viên bỏ vào đĩa bên trái, một vật dụng màu đỏ và nói : ĐỎ. Sau đó bỏ vào đĩa bên mặt một vật dụng màu khác, và gọi màu ấy.

Ví dụ : XANH. Sau đó từ từ trao cho trẻ em những vật dụng khác. Khi trẻ em làm không đúng, thinh lặng lấy ra lại, để trước mặt trẻ em và nói:  Bên trái, màu đỏ. Bên mặt, màu xanh.

2.46  Phân biệt màu sắc số 2. Trong 8 hình vuông cùng một cỡ giống nhau, 4 màu trắng, 4 màu đen. Đĩa bên trái dành cho màu đen. Đĩa bên mặt dành cho màu trắng. Nếu trẻ em thành tựu cách dễ dàng, thêm vào 4 hình vuông có màu khác. Lần này chỉ để 3 chiếc đĩa trước mặt trẻ em, và bảo : hãy xếp theo màu : đỏ với đỏ… Khi trẻ em làm sai, không đưa ra nhận xét Đúng hoặc Sai. Chỉ thinh lặng rút ra hình đặt sai chỗ và để trước mặt trẻ em : “Hình này màu Xanh, ở với các hình màu Xanh. Em hãy nhìn cho rõ”. Với những em thành tựu quá dễ dàng, thử thêm vào một hình với màu khác, Vàng chẳng hạn. Không thêm chiếc đĩa khác. Hãy quan sát cách làm của trẻ em với hình màu vàng trẻ em bỏ vào đâu?

2.47  Bắt chước phân biệt âm thanh. Gõ xuống mặt bàn hoặc 1 hoặc 2 hoặc 3 lần. Sau mỗi lần gõ, bảo trẻ em : Hãy làm như cô, gõ đi. Nếu trẻ em chưa hiểu, cầm tay hướng dẫn, cho đến khi trẻ em hiểu. Sau khi trẻ em thành tựu, chúng ta tìm cách, không cho trẻ em thấy, chỉ NGHE.

2.48  Phân biệt những con cờ đô-mi-nô, thay vì đếm. Soạn sẵn 2 lần 6 tấm giấy cứng có kẻ từ 1 đến 6 nút tròn, giống như trên con cờ. Trải ngang trước mặt trẻ em chỉ 3 tấm. Ban đầu, chỉ trao cho trẻ em một tấm và bảo trẻ em : Hãy tìm và để lên trên tấm giống như vậy.

2.49  Tập nhận biết và sao chép hình mẫu từ trái sang phải. Hình thứ nhất : Hình vuông lớn, có hai hình tròn nhỏ ở dưới giống như 2 bánh xe ô tô. Hình thứ hai: Hình chữ nhật có chiều dài bằng 2 hình vuông, có 2 hình tròn ở dưới. Hình thứ ba : Hình tam giác có hai hình tròn ở dưới. Khi trẻ em đã hiểu và làm được từng hình một, chúng ta đưa ra một hình mẫu có cả 3 hình, từ trái sang phải. Trong một hộp, có một tấm hình vuông, một tấm hình chữ nhật và một tấm hình tam giác, cùng với 6 hình tròn. Bảo trẻ em nhìn hình mẫu ở trên và làm giống như vậy ở phía dưới. Bắt đầu từ bên trái. Hãy tìm các hình trong hộp.

2.50  Liên kết Hình và Chữ (dùng kiểu chữ đánh máy thông thường cỡ 16, không dùng chữ hoa). Bảo trẻ em : Em đọc đi, chữ gì đây ? Xem hình Nhà, đọc chữ Nhà. Bắt đầu với những hình và chữ như : Nhà, cửa, chén, đĩa, giường, gấu, Cha (ba), Mẹ. Trẻ càng tiến bộ, chúng ta càng thêm hình và chữ luôn luôn đi với nhau.

3- VẬN ĐỘNG THÔ

3.51  Vỗ tay (theo điệu của một bài hát nho nhỏ).

3.52  Ngồi một mình không cần người gíúp. Nếu trẻ còn bé, đặt trẻ em nằm ngửa, tay mặt dang ra trên mặt đất. Cầm tay trái của trẻ em, phía bên trên cùi chỏ và lật nhẹ, để thân mình nằm ở trên cùi chỏ và tay mặt. Tiếp tục kéo lên trên, để trẻ em nâng cùi chỏ và tay mặt lên và lấy tay mặt tựa vào mặt đất và đẩy lên. Dần dần, khi trẻ em đã quen, chỉ đẩy nhẹ, để trẻ em tự mình ngồi dậy, không cần chúng ta giúp đỡ.

3.53   Đưa tay lên khỏi đầu, để nắm lấy một đồ chơi. Khi trẻ em còn bé, treo một vài đồ chơi phía trên nôi.

3.54  Cho và nhận trái banh với người lớn.

3.55  Tập bước lên trên những chướng ngại nho nhỏ, như những tấm ván dày và rộng.

3.56  Đi theo đường quanh co của sợi dây thừng. Sau khi trẻ em đã biết nhìn và đi theo đường dây, thêm những chướng ngại : đi ở dưới bàn, đi trên một chiếc cầu, đi quanh bàn và lách qua một kẽ hẹp.

3.57  Cúi xuống nhặt lên những đồ chơi rải rác trên sàn nhà.

3.58  Lấy giấy màu bọc lại đàng hoàng những chiếc hộp đựng giày và để rải rác trên nền nhà. Bảo trẻ em đi tìm và mang đến. Sau đó, tập cho trẻ em chất lên từng chồng cao, ngang tầm mắt. Bảo trẻ em đưa chân làm rơi xuống. Hãy kết thúc trò chơi, bằng cách sắp xếp lại cho có thứ tự vào một nơi nhất định.

3.59  Đi lên thang lầu, từng cấp một. Chân mặt bước lên trước và chân trái theo sau. Ban đầu, trẻ em cầm tay người lớn. Dần dần, chỉ cầm ngón tay. Sau đó, cầm một đầu sợi dây, đầu kia do người lớn cầm.

3.60  Người lớn và trẻ em cùng ngồi trên nền nhà, mặt đối mặt, cách nhau chừng 2 mét, hai chân mở rộng khoảng 90 độ. Hai bên chuyền qua chuyền lại cho nhau một trái banh. Nếu trẻ em còn nhỏ (dưới 1 tuổi), có một người lớn ngồi đàng sau trẻ em, để giúp đỡ và hướng dẫn.

3.61  Trẻ em ngồi trên mặt đất, cách vách tường độ 1 mét. Ban đầu, người lớn ngồi sau trẻ em. Tập trẻ em lăn trái banh vào tường khá mạnh, để trái banh có thể dội trở lui. Trẻ em chú ý nhìn theo, nhận banh và tiếp tục.

3.62  Tập đi theo một đường được chỉ định. Lấy băng nhựa có màu hay là một sợi dây thừng làm một đường dài và thẳng từ 2-6 mét. Cuối đường, để một đồ chơi mà trẻ em thích. Ban đầu trẻ em cầm tay người lớn để đi từ đầu đến cuối đường. Sau đó trẻ em chỉ cầm một đầu sợi dây và đi theo. Dần dần, trẻ em đi một mình.

3.63  Cũng một con đường như trên từ 5 mét trở lên. Lần này, trẻ em đi ngang một bên, hay là đi lui, vừa đi vừa ngước nhìn đằng sau.

3.64  Trẻ em và người lớn ngồi bên cạnh nhau, cùng nhìn một hướng giống nhau. Hai chân nằm thẳng dài ra trước. Hai tay đụng đầu gối và từ từ cúi xuống đụng vào 10 ngón chân, mà không xếp cong đầu gối lên trên. Ban đầu, nếu trẻ còn nhỏ, một người lớn thứ hai ngồi đằng sau, đưa hai chân kẹp giữ trẻ em, và đồng thời hướng dẫn trẻ em nhìn, làm theo như người lớn bên cạnh.

3.65  Để các đồ chơi của trẻ em vào các ngăn kéo của một cái tủ thấp, vừa tầm trẻ em. Chúng ta kéo mở các ngăn kéo, cho trẻ em thấy đồ chơi bên trong. Sau đó tập trẻ em mở kéo ra và đẩy vào lại nhiều lần. Sau khi dạy trẻ em mở ra và đóng lại các ngăn tủ như vậy, chúng ta không bao giờ để những đồ dùng nguy hiểm vào các ngăn kéo này.

3.66  Tập trẻ em đứng trên một chân trong vòng 5-6 giây. Ban đầu người lớn làm cho trẻ em thấy : một tay vịn vào ghế, tay kia để dọc theo thân mình. Đồng thời co một chân lên. Khi trẻ em đã hiểu và làm được, chúng ta cất chiếc ghế ra xa và đưa ngón tay trỏ cho trẻ em cầm và co cân lên. Dần dần, trẻ em không còn cầm ngón tay của người lớn.

3.67  Tập đưa chân đẩy mạnh trái banh ra trước. Bên cạnh một vách tường, dùng những hộp giấy cứng làm thành một con đường có lề kín. Bạn ngồi trên một chiếc ghế ở một đầu. Đầu kia trẻ em ngồi. Bạn đưa chân đẩy trái banh về phía trẻ em. Và bảo trẻ em đưa chân đẩy mạnh trái banh về phía bạn.

3.68  Đứng trên đầu ngón chân. Ban đầu bạn làm cho trẻ em thấy. Sau đó, bạn cầm hai tay của trẻ em, nâng lên và bảo trẻ em đứng trên đầu các ngón chân. Khi trẻ em đã hiểu cách làm, bạn chỉ cầm một tay của trẻ em. Dần dần, bạn đưa ngón tay cho trẻ em cầm. Cuối cùng, khuyến khích trẻ em làm một mình.

3.69  Nhảy lên, đưa tay dụng vào một đồ vật. Ban đầu cầm hai cánh tay phía trong, gần sát vai của trẻ em, nâng lên và để xuống cho trẻ em làm quen và tập nhảy lên cao. Sau đó, treo một đồ chơi phía trên và bảo trẻ em nhảy lên cao, đánh mạnh vào đồ chơi.

3.70  Lăn trái bóng tròn để lật đổ những chiếc hộp chồng lên nhau. Ban đầu giữ khoảng cách chừng 3 mét. Lấy băng nhựa làm một lằn ranh không được vượt quá. Dần dần tăng khoảng cách lên.

3.71  Ném những bao cát nhỏ vào trong một cái thùng, từ một lằn ranh nhất định. Trẻ em càng biết làm, chúng ta càng tăng lên dần khoảng cách.

3.72  Bước lên thang lầu, mỗi chân một cấp (khác với 3.59  Lên từng cấp một).

3.73  Vượt qua 5 chướng ngại trên đường đi tới (xem 3.56). Đi theo đường quanh co của một sợi dây. Nhắc lui nhắc tới, để trẻ em đi theo đường dây, vừa đi vừa nhìn. Chướng ngại một : cúi xuống, bò qua dưới một chiếc bàn thấp. Chướng ngại hai : bước qua một chiếc gậy dài chận ngang đường. Chướng ngại ba : bò qua một đường hầm làm bằng những chiếc thùng giấy kiên cố. Chướng ngại bốn : lách mình đi ngang qua một eo hẹp ở giữa hai chiếc tủ. Chướng ngại năm : bước từ một tấm gỗ này qua tấm gỗ khác, mà không « ướt chân », rơi vào suối nước.

3.74  Làm con nhái nhảy 10 bước liên tục mà không té nhào. Ban đầu giải thích cho trẻ em biết nhảy nhái là làm thế nào : khom lưng xuống, co đầu gối lại, chứ không ngồi trệt, và nhảy tới trước. Với các em nhỏ, có người đỡ đằng sau lưng, nhất là khi mới bắt đầu.

3.75  Nhảy với 1 hoặc 2 chân trên một khoảng dài. Lúc đầu tập nhảy tự do, nhảy về hướng nào cũng được. Sau khi trẻ em đã biết cách làm,  1) nhảy theo một đường dài 5 mét được vạch sẵn bằng dây hay là bằng băng nhựa, 2) nhảy hai chân và hai tay dang ngang vai, 3) nhảy với một chân mà thôi, 4) sau 5 mét, thay đổi chân và trở về chỗ cũ, 5) nhảy 2 chân, hai tay đưa lên cao trên đầu.

3.76  Làm những cử điệu vừa bằng tay, vừa bằng chân cùng một lúc. Ban đầu quì xuống, hai tay đụng mặt đất. Trẻ em và người lớn cùng làm với nhau, cùng nhìn về một phía. 1) Dang một tay lên cao trên đầu và bỏ xuống. 2) Đưa một chân thẳng lui đằng sau. 3) Vừa đưa chân mặt ra sau, vừa đưa tay mặt ra trước. 4) Vừa đưa chân trái ra sau, vừa đưa tay trái ra trước. 5) Tay mặt ra trước và chân trái lui sau.  6) Tay trái ra trước và chân mặt lui sau.

3.77  Lăn tròn toàn thân tới trước 3 mét, lăn về phía bên mặt. Sau đó, lăn tròn trở lui, về phía trái.

3.78  Trên một đoạn dài 5 mét có đánh dấu rõ ràng bằng băng nhựa hay bằng cách nào khác tương tự, 1) đi bằng cách đạp chân lên trên băng nhựa, không bước ra ngoài, 2) đi trở lui, ngó đằng sau, 3) đi ngang không tréo chân, 4) đi tới trước, bằng cách đạp chân trái xuống bên mặt, và đạp chân mặt xuống bên trái đường băng nhựa, 5) nhảy hai chân dính vào nhau qua bên mặt rồi qua bên trái và đồng thời tiến tới phía trước, 6) đi ngang bằng cách tréo chân lại với nhau.

3.79  Treo chặt một lốp xe ô tô cao độ 1 mét. Lốp xe không thể quay lui quay tới. Trẻ em đứng gần và ném trái bóng chuyền qua giữa lốp xe. Khi trẻ em đã hiểu phải làm gì, bảo trẻ em lùi xa dần dần.

3.80  Dội trái bóng 5 lần liên tiếp, không làm rơi trái bóng qua chỗ khác.

3.81  Trên một tấm thảm khá dày, trẻ em học lăn tròn theo chiều dọc : ─ người lớn làm trước 1 hoặc 2 lần cho trẻ em thấy, ─ bảo trẻ em quì xuống, đầu sát mặt thảm, cằm dính vào ngực, hai tay úp xuống trên mặt thảm, ─  đưa tay giúp trẻ em lăn tròn về phía trước, ─  từ từ rút tay, để trẻ em làm một mình.

3.82  Làm con voi đi tới : ─  hai chân đứng thẳng, ─  lưng cong về phía trước độ 90 độ, ─  hai tay chấp lại sát đầu và đưa ra trước, ─  vừa đi tới, vừa đưa 2 tay qua mặt và qua trái làm cái vòi. Khi trẻ em đã quen, bảo trẻ em đi theo một đường đã vạch sẵn, độ 10 mét.

3.83  Cầm chiếc muỗng cà-phê có đựng một củ khoai và đi lui đi tới chừng 15 mét mà không làm rơi. Với những trẻ em lớn, có thể bảo ngậm chiếc muỗng có đựng củ khoai và đi.

3.84  Đi vững vàng trên một thân gỗ dài hơn 1 mét, rộng 10 cm, cao 10 cm. Sau khi trẻ em đã quen đi như vậy, lấy gạch lớn nâng khúc gỗ lên, cách mặt đất chừng 30 cm.

3.85  Vượt qua 7 chướng ngại như trong bài 3.73.

3.86  Dùng chiếc vợt đánh vào chiếc banh bằng mút, treo từ trên rơi xuống trước mặt, trong một giỏ lưới.

3.87  Chiếc xe cút-kít. Trẻ em quì xuống, hai tay đụng đất. Người lớn đứng phía sau, cầm 2 chân của trẻ em nâng lên. Trẻ em dùng 2 tay đi tới theo một đường đã vạch sẵn. Khi trẻ em đã quen, chúng ta cố ghì lại đằng sau, để trẻ em cố sức đi tới.

3.88  Cột chặt một sợi dây lớn dài chừng 1 mét vào một cái thùng giấy cứng. Trẻ em đứng một bên kéo thùng giấy về phía mình, cho đến khi vượt quá một đường ranh. Từ từ chúng ta thêm vào thùng những vật nặng, tùy vào sức mạnh của trẻ em.

3.89  Chơi kéo dây. Một đầu dây là người lớn và đầu kia là trẻ em. Trẻ em cố kéo người lớn vượt qua một lằn ranh đã được vẽ sẵn. Ban đầu tạo dễ dàng cho trẻ em. Dần dần chúng ta cố ghì lại, nhưng vẫn không tạo thất bại cho trẻ em.

3.90  Nhảy lên và đồng thời đưa 2 tay đụng vào nhau hay là vỗ vào nhau phía trên đầu. Sau đó, nhảy và đưa 2 chân mở rộng ra. Đoạn nhảy và khép hai chân lại. Khi trẻ em đã biết làm từng động tác, chúng ta bảo trẻ em kết hợp lại với nhau. Nhảy lên đưa 2 tay ra và hai chân mở rộng. Sau đó, nhảy lên khép hai chân lại và để 2 tay dọc theo thân mình. Người lớn cùng làm với trẻ em.

3.91  Nhảy dây. Cột chặt một đầu dây vào một thân cây hay một nơi vững chắc. Giáo viên và trẻ em ở giữa. Chúng ta nhờ một người khác cầm đầu dây kia và quay tròn. Khi nhìn thấy dây đến gần, bảo trẻ em cùng nhảy lên, để cho sợi dây tiếp tục quay tròn. Ban đầu chỉ nhảy một lần. Dần dần nhảy liên tiếp 3-4 lần.

3.92  Trò chơi nhảy lò cò từ ô một lên tới ô mười, rồi nhảy về chỗ cũ.

3.93  Đi trên một khúc gỗ, giống như 3.84. Lần này lấy một đồ vật ở đầu khúc gỗ đem đến bỏ vào một cái thùng ở cuối khúc gỗ. Làm như vậy cho đến khi mọi đồ vật được chuyển hết từ thùng đầu đến thùng cuối.

4-  VẬN ĐỘNG TINH

4.94  Cầm chiếc muỗng và gọi tên muỗng. Ban đầu đặt chiếc muỗng giữa lòng bàn tay của trẻ em. Chúng ta lấy tay siết nhẹ những ngón tay của trẻ em lại, và để lưng các ngón tay của trẻ em quay lên phía trên. Dần dần để trẻ em cầm một mình trong vòng vài giây đồng hồ.

4.95  Dùng một thùng giấy khá dày và chắc, nếu bằng gỗ càng tốt. Khoét một lỗ tròn ở phía trên vừa rộng đủ cho nắm tay của người lớn có thể đút vào, lấy ra. Để vào trong thùng những vật dụng quen thuộc trong nhà. Ban đầu cho phép trẻ em lấy ra bất cứ vật gì. Khi trẻ lấy ra và đưa lên, chúng ta gọi tên của vật dụng, như : Cái muỗng, trái banh nhỏ, chiếc khăn, ngòi viết, cây bút chì… Sau khi trẻ em đã quen lấy ra, chúng ta đưa lên một vật dụng, gọi tên và bảo trẻ em : Cái MUỖNG, hãy tìm ở đáy thùng và lấy ra cho cô một cái muỗng…

496  Tập trẻ em cầm « với hai ngón tay cái và trỏ ». Nhặt lên và bỏ vào hộp những vật dụng như : chìa khóa, nút chai, ngòi bút, hạt nút, hạt đậu phụng, một trái bóng bàn. Ban đầu hướng dẫn trẻ, bằng cách lấy tay nắm chặt 3 ngón tay còn lại của trẻ. Khi trẻ em cầm lên một đồ vật, chúng ta bảo : thả rơi chìa khóa vào trong hộp…

4.97  Tập dùng tay, để chơi với đất sét. 1) Vo tròn thành những con giun dài. 2) Dùng hai ngón tay cái và trỏ để cắt con giun thành những khúc nho nhỏ độ 1 cm và bỏ vào trong một cái chén.

4.98  Tập ăn một mình. Trẻ em đã học cầm muỗng ở bài học 4.94. Trong bài học này, trẻ em cầm muỗng để múc gạo hay lúa từ chén này sang qua chén khác.

4.99  Dùng hai ngón tay trỏ và cái để nhặt lên những đồng tiền và bỏ vào một hộp nhỏ có kẽ hở phía trên.

4.100  Dùng hai tay để mở ra một hộp đựng giày, một hộp diêm loại lớn, một hộp sữa có nắp nhựa. Điều cơ bản là trẻ em học mở ra bằng nhiều cách khác nhau, tùy đồ vật.

4.101 Học cho và nhận. Vừa đưa tay vừa nói : cho cô ngòi bút chì…

4.102  Chế tạo một bảng có 3 bóng điện màu xanh, đỏ và vàng, có 3 nút bấm khác nhau cho mỗi bóng đèn, và có một sợi dây điện dài có nút cắm vào công tắc. Ngồi đằng sau trẻ em để hướng dẫn mở và tắt đèn. Soạn trước những ký hiệu trên những tấm giấy cứng : + là mở đèn và – là tắt đèn. Ba hình tròn màu đỏ, xanh và vàng. Đợt một : tập mở và tắt. Đợt hai : mở và tắt mỗi màu đèn. Đợt ba : kết hợp cả hai hiệu lệnh : tắt hoặc mở một trong ba loại đèn.

4.103  Dùng một chai bằng nhựa và những chiếc tất người lớn, để trẻ em học mang tất vào và lấy tất ra. Biết bên nào trái, bên nào mặt.

4.104  Ngồi sau trẻ em để hướng dẫn xếp giấy : hai lần xếp dọc và hai lần xếp ngang, với mỗi tờ giấy.

4.105  Dùng bút màu lớn (loại phớt), để cho trẻ em vẽ xuôi ngược tùy ý thích. Tập vẽ giới hạn trong và trên tờ giấy, không vượt ra ngoài, không vẽ bẩn trên tay chân và áo quần.

4.106  Tập trẻ em chơi thổi bong bóng với nước xà phòng.

4.107  Dùng những chai nhựa, để trẻ em tập mở và đóng nắp chai. Sau đó dùng các loại nắp khác với các đồ dùng khác.

4.108  Tập trẻ em làm nhiều cử động khác nhau với tất cả 5 ngón tay hay là với mỗi ngón tay : xếp lại, mở ra từng ngón tay, lấy tay này vuốt dài ra từng ngón của tay kia, làm chỉ một tay hai là cùng làm hai tay những cử điệu như con rối.

4.109   Tập kéo dây từ trái qua phải hay là từ phải qua trái, để mở ra hoặc đóng lại màn cửa sổ. Có thể dùng những trò chơi kéo dây ra để gây tiếng động hay âm nhạc…

4.110   Bóp mạnh những quả banh bằng mút hoặc bằng cao su.

4.111   Dùng kẹp để kẹp trên bờ miệng của một chiếc hộp. Sau đó lấy ra bỏ vào hộp. Tập dùng hai ngón tay cái và trỏ, để làm những cử động như mở và đóng các cái kẹp áo quần.

4.112  Dùng ngón tay trỏ để lướt theo những đường viền, hay là những đường vẽ sẵn. Thay đổi những loại đường khác nhau, trên những diện tích cứng và mềm khác nhau. Hay là vẽ trên những khay hay hộp trải cát mịn.

4.113   Xếp giấy. Xếp một tờ giấy A 4 thành 4 đường dọc và 4 đường ngang.

4.114   Dùng kéo có mũi tròn, để trẻ em tập cắt tờ giấy theo những đường dọc và ngang, như đã được xếp lại ở 4.113.

4.115   Tập vặn lại và mở ra những đinh ốc và đai ốc (bù loong), theo đúng 3 cỡ to nhỏ khác nhau.

4.116  Xếp một tờ giấy A 4 thành 4 lớp. Dùng kéo cắt nhiều lỗ khác nhau và trải ra thành một hạt tuyết lớn.

4.117   Lấy sợi dây dăng thẳng ra ngang vai trẻ em hay là dùng một nạng phơi quần áo có nhiều dây. Có bao nhiêu khăn, thì có bấy nhiêu kẹp. Khăn để trong một thau. Kẹp để trong một hộp. Bảo trẻ em phơi khăn lên và lấy kẹp kẹp lại. Để giúp trẻ em tự lập, phân chia công việc thành 3 giai đoạn khác nhau, lúc ban đầu : ─ giai đoạn một : dăng dây ra, ─ giai đoạn hai : phơi khăn lên dây, ─ giai đoạn ba : lấy kẹp kẹp từng chiếc khăn lại.

4.118   Lấy đinh rệp ấn mạnh vào một tấm mút dày. Sau khi đã biết dùng đinh rệp, bảo trẻ em ấn đinh theo những đường vẽ hay là theo các loại hình khác nhau.

4.119   Cắt giấy màu thành nhiều đường dài. Tập trẻ em dệt lại  « một trên một dưới », thành những tấm khăn có nhiều ô vuông nhiều màu.

 

5- PHỐI HỢP MẮT và TAY

5.120   Dùng ly bằng giấy hay bằng nhựa xếp lại vào nhau thành 1 chồng dài và lật sấp lại.

5.121  Đặt 4 hộp thành một hàng ngang trước mặt trẻ em. Trong một hộp lớn bên trái có 4 đôi tất đã được xếp tròn lại. Bảo trẻ em lấy một đôi tất bỏ vào mỗi chiếc hộp, đi theo thứ tự 1-2-3-4, từ trái qua phải.

5.122  Dùng những hộp đựng trứng trong các siêu thị, có 6 hoặc 12 chỗ, xếp thành 2 hàng. Lấy viên bi hay là trái bóng bàn trong một hộp bên trái, lần lượt bỏ vào các ô trống, theo thứ tự từ trái qua phải. Sau khi xong hàng trên, xuống hàng dưới theo thứ tự từ bên trái 1-2-3-4…

5.123  Lấy từng chiếc vòng nhựa treo vào một cái trụ thẳng đứng gắn chặt vào một cái đế. Đi theo thứ tự từ trái qua phải.

5.124   Dùng 4 khối vuông xây lên một tháp cao, bằng cách chồng khối này lên khối kia. Yêu cầu trẻ em xem chừng cho chiếc tháp đứng thẳng và vững vàng.

5.125   Dùng một hộp nhựa lớn, có nắp đậy kín. Khoét một ô vuông vừa kích thước của các khối vuông. Trong một đĩa nhựa ở bên trái, có 4 khối vuông giống nhau. Bảo trẻ em lấy từng khối bỏ vào ô vuông và làm rơi xuống dưới đáy hộp.

5.126  Từ từ cắm TỪNG chiếc đũa vào trong hộp đũa. Không cắm hai ba chiếc một lượt. Nếu trẻ em thành tựu cách dễ dàng, yêu cầu trẻ em phân biệt hai đầu đũa khác nhau. Quay đầu vuông xuống dưới.

5.127   Làm gần như trên, cắm bút chì vào trên nắp một hộp có khoét sẵn những lỗ nhỏ vừa kích thước của ngòi bút chì. Yêu cầu trẻ em cắm từ trái qua phải, không nhảy lộn xộn.

5.128   Trên một tờ giấy có vẽ sẵn 3 hình tròn từ trái qua phải. Yêu cầu trẻ em dùng bút chì màu, vẽ 2 hoặc 3 gạch ở trong hình tròn, không vượt ra ngoài. Đi từ trái qua phải.

5.129   Dùng hạt chuổi bằng gỗ hoặc bằng nhựa, cỡ lớn, xỏ vào một trục thẳng đứng, cắm chặt vào một mặt gỗ. Tay trái giữ trục. Tay phải lấy từng hạt chuổi xỏ vào trục.

5.130   Lần này, thay vì dùng một trục đứng thẳng, trẻ em làm việc với một sợi giây xỏ giày. Một đầu dùng để xỏ, đầu kia cột chặt vào một hạt chuổi cố định, để giữ các hạt chuổi lại với nhau.

5.131   Cũng giống như trên, nhưng lần này dùng 2 loại hạt với hai màu khác nhau. Sau hạt đỏ xỏ hạt xanh.

5.132  Dùng 6 chiếc kẹp với 6 màu khác nhau, đã kẹp sẵn vào bờ miệng của một chiếc hộp ở bên trái. Trước mặt trẻ em, trên một tờ giấy, có hình 6 ngôi sao với 6 màu khác nhau, giống như màu của các chiếc kẹp. Yêu cầu lần 1 : lấy một chiếc kẹp – bất kể chiếc nào – ra khỏi bờ miệng chiếc hộp và bỏ vào giữa ngôi sao CÙNG màu. Yêu cầu lần 2 : nhìn màu của ngôi sao bên trái và chọn đúng chiếc kẹp. Đi từ trái sang phải. Dùng nhiều tờ giấy vẽ nhiều ngôi sao theo những thứ tự khác nhau.

5.133   Dùng một cái khay có bờ thành cao. Đổ cát hoặc bột vào khay. Yêu cầu trẻ em dùng ngón tay trỏ bên mặt, vẽ những đường dọc ngang trên bột, tùy ý thích. Dần dần tập trẻ em gạch đường dọc, đường ngang.

5.134  Dùng 3 yếu tố trong loại đồ chơi LEGO và kết ráp lại với nhau. Bạn làm trước và yêu cầu trẻ em làm theo bạn. Chỉ giúp đỡ, hướng dẫn, khi trẻ em không biết phải làm gì.

5.135   Dùng đất sét công nghiệp làm thành 3 vật dụng đơn sơ như : viên bi, một cái đĩa tròn, một cái nhẫn hay là cái vòng đeo tay. Bảo trẻ em nhìn và bắt chước làm theo. Giúp đỡ, hướng dẫn, nếu trẻ em không biết làm gì.

5.136  Lần này đặt trước mặt trẻ em 3 đồ vật làm mẫu : cái đĩa tròn, cái chén và trái banh nhỏ. Chúng ta có thể dùng hình ảnh, thay vì vật dụng cụ thể. Yêu cầu trẻ em lấy đất sét nắn thành 3 hình, giống như các mẫu trước mặt. Đặt sát kề nhau 3 cái đĩa vừa được nắn ra và gọi tên « ĐĨA ». Cũng làm như vậy với các vật khác được nắn ra như : chén, trái banh…

5.137  Kết ráp lại với nhau những thành phần thuộc về một bộ phận, một toàn thể. Trong bài học này, chúng ta làm việc với những hình ảnh do chúng ta vẽ hay là cắt ra từ các loại báo, và dán vào trên một mảnh giấy cứng, hình chữ nhật, lớn bằng ¼ tờ giấy A 4, được cắt ra thành 2 phần theo đường thẳng hay xiên, chiều ngang hoặc chiều dọc. Ban đầu dùng những hình ảnh khá quen thuộc, như chiếc bàn chải đánh răng, cái ly uống nước, trái cam… có sẵn trong môi trường sinh hoạt hằng ngày.

Mỗi hình ảnh gồm có 2 bản. Bản mẫu để trước mặt trẻ em, nguyên vẹn, không được cắt ra thành nhiều phần. Bản thứ 2 được cắt ra thành 2-3 phần, theo đường dọc, ngang hay chéo.

Bảo trẻ em nhìn vào mẫu và ghép lại cho đúng. Dần dần, cất bản mẫu, để trẻ em tìm cách hình dung và ghép lại. Trẻ em càng thành tựu, chúng ta càng thêm độ khó, bằng cách trộn 2 hoặc 3 hình ảnh lại với nhau, để trẻ em có thể quan sát, so sánh và suy nghĩ.

Bài học này rất quan trọng trong vấn đề kích thích và phát huy khả năng hình dung, so sánh và suy tư của trẻ em.

Mỗi giáo viên nên sáng tạo riêng cho lớp học của mình, một bộ hình như vậy, phân chia thành nhiều cấp độ từ dễ đến khó, từ đơn sơ, gồm có 2 phần đến phức tạp, với 3-4 phần.

5.138   Dùng kẹp gắp nước đá, để gắp lại và nhả ra những khối vuông, những viên sỏi. Bảo trẻ em dùng cách làm này, để sắp thành hàng những viên sỏi hoặc hình khối vào các hộp đựng trứng gà, theo thứ tự từ trái sang phải.

5.139  Dùng bút phớt nối 2 điểm lại với nhau, theo chiều ngang, từ trái qua phải. Ban đầu, chuẩn bị những tờ giấy có 2 điểm thật đậm và rõ ràng trên mỗi hàng, cách xa nhau chừng 2 cm. Càng biết làm, trẻ em càng tập nối 2 điểm mỗi lúc một xa nhau hơn.

5.140   Nối lại những điểm làm thành vòng tròn, đi theo đường ngược chiều với kim đồng hồ. Sau đó nối lại những điểm, làm nên một khuôn mặt hay là một chiếc xe ô tô…

5.141   Dùng kéo cắt giấy theo đường gạch sẵn dài 2 cm.

5.142   Dùng kéo cắt những tấm hình đã có sẵn trong các tập tô hình. Bắt đầu với những hình chỉ có những đường dọc và ngang. Sau đó, tập cắt những đường cong.

5.143   Gắn 3 đinh ốc (đinh bù loong) vào một thanh gỗ mỏng và nhẹ. Đầu đinh ốc trồi lên khỏi mặt gỗ chừng 2 cm. Lấy một đai ốc vặn vào đinh ốc, cho trẻ em thấy cách làm. Sau đó, đặt trước mặt trẻ em đinh ốc thứ hai. Giúp trẻ em đưa hai ngón tay cái và trỏ kẹp lấy đinh ốc, đem lên vặn vào một đinh ốc thứ hai. Cuối cùng bảo trẻ em làm với đai ốc thứ ba. Lặp đi lặp lại bài học này nhiều lần, cho đến khi trẻ em có thể làm một mình, không cần người giúp đỡ.

5.144   Lần này dùng 3 đinh ốc, với 3 cỡ khác nhau. Tấm gỗ dài độ 30 cm, rộng 10 cm và dày 2 cm. Để 3 đinh ốc trước mặt trẻ em và yêu cầu trẻ em nhìn kỹ. Chính bạn chọn một đinh ốc và thử vặn vào đinh ốc thứ nhất, rồi qua thử với đinh ốc thứ hai. Thử dần dần theo thứ tự cho đến khi vừa. Khi đinh ốc không vừa, bạn nói rõ cho trẻ em biết : « Không vừa, không đúng ». Khi vừa, bạn nói rõ : « Đúng ở đây, vừa ở đây ». Sau khi bạn làm xong với đai ốc thứ hai, chờ xem trẻ em có lập tức thử làm với đinh ốc thứ ba không.

5.145  Lấy một tấm giấy bìa cứng và khá dày. Khoét 6 lỗ theo hình tròn, cách chu vi của tờ giấy chừng 1 cm. Giữa các lỗ, có khoảng cách bằng nhau. Các lỗ có cỡ lớn giống như các lỗ dây giày. Cầm đầu sợi dây xỏ từ dưới lên trên. Đoạn từ trên, cầm mũi dây kéo lên trên, cho đến cuối dây rồi thả xuống phía ngoài. Xỏ từ lỗ này qua lỗ kế tiếp, theo chiều nghịch với chiều quay của kim đồng hồ.

5.146   Soạn sẵn mỗi chữ hoa khá lớn trên một tờ giấy. Thay vì gạch đường thẳng, chúng ta chỉ dùng 5 điểm đen khá đậm cho mỗi chữ. Trao cho trẻ em một tờ giấy có một chữ hoa và một cây bút phớt. Bảo trẻ em từ từ nối hai điểm đen lại với nhau, theo đường chỉ của mũi tên, từ trên nối xuống với điểm dưới, từ trái nối với điểm bên mặt. Sau khi trẻ em biết làm, chúng ta từ từ thu nhỏ các chữ lại.

5.147  Vẽ hình tròn và hình vuông bằng cách nối các điểm đen lại với nhau. Các điểm gần nhau lúc ban đầu. Các điểm xa nhau, khi trẻ em đã biết làm.

5.148   Vẽ đường chéo và đường chữ thập, bằng cách nối các điểm lại với nhau, như các bài học trên đây.

5.149   Khoét những hình tròn, hình vuông, hình tam giác… trong những tấm bìa cứng và dày. Dạy trẻ em dựa theo khung mà vẽ các hình.

Sau khi vẽ theo khung, các em chuyển qua vẽ theo mẫu có sẵn trước mặt.

Dần dần bảo trẻ em vẽ thuộc lòng, không cần mẫu trước mặt.

5.150   Theo phương pháp trên, vẽ các hình khác như : Cây, chiếc xe cam nhông, nhà.

5.151  Tập viết tên của mình. Dùng chữ hoa. Đợt một : nối lại những điểm đen. Đợt hai : sao lại mẫu có sẵn trước mặt. Đợt ba : chép thuộc lòng.

5.152   Trên một tấm hình, quan sát cái gì còn thiếu ? Hãy điền vào cho đủ. Hình một : đưa bé thiếu một tay. Hình hai : chiếc xe ô tô không có bánh trước. Hình ba : cái nhà (muốn thêm cửa lớn hay cửa nhỏ, cây cối chung quanh… tùy trẻ em. Sáng tạo thêm những tấm hình khác, như khuôn mặt, con chó, con mèo…

5.153  Tập vẽ hình tam giác, một cây có hình tròn ở trên và hình chữ nhật dài và hẹp ở dưới. Tập theo thư tự : nối các điểm, vẽ theo mẫu hay là vẽ thuộc lòng.

5.154   Dùng đinh rệp hay đinh ấn, để làm nên những hình khác nhau. Tập trẻ em biết cầm đúng những đinh rệp ở phía đầu. Tập ấn xuống trên một tấm mút hay tấm thảm nhỏ và cứng.

Soạn trước những tấm hình. Dùng 12 đinh rệp cho mỗi hình, phân phối một cách đều đặn những khoảng cách. Hình một : cái nhà có mái, có vách, có cửa lớn. Hình hai : khuôn mặt tròn có hai mắt, mũi và miệng. Hình ba : một thân cây có lá, thân và rễ.

5.155   Tập viết ba số đầu tiên : số 1, 2 và 3, theo ba cách. Cách thứ nhất là nối các điểm. Cách thứ hai : viết theo mẫu. Cách thứ ba : viết thuộc lòng.

5.156   Vẽ những con đường đi có hai gạch song song với nhau. Đường thẳng ngang. Đường cong. Đường đi lên. Đường đi xuống. Đường vòng vo. Đường có góc. Đường đi tới rồi đi lui… Đường đi từ nhà đến trường. Gợi ý cho trẻ em tưởng tượng.

5.157  Vẽ hình người (sơ đồ thân thể). Vẽ đầu và mặt, tay, hình, chân… Ban đầu có thể dùng mẫu để trước mặt. Sau đó chỉ gợi ý, để trẻ em vẽ theo ý của mình.

5.158  Vẽ nhiều « loại khác nhau » : trái cây, áo, quần, đồ chơi, máy bay, tàu thủy, chim… Mỗi loại có nhiều thứ. Tập cho trẻ em xếp loại.

6- KỸ NĂNG TƯ DUY

6.159     Biết mình tên gì. Biết nhìn, khi có người gọi tên.

6.160    Biết đưa tay chỉ điều mình muốn, không cần có người hỏi hay là biết diễn tả nhu cầu, sở thích với ngôn ngữ không lời. Để trẻ em có thể học bài học quan trọng này, chúng ta bắt đầu liệt kê, ngày này qua ngày khác, những điều trẻ em yêu thích thực sự. Để những đồ vật ấy ở ngoài tầm nắm bắt của trẻ em. Vừa khi thấy trẻ em nhìn lên, muốn lấy, chúng ta chớp cơ hội, để bảo trẻ em  « vừa nhìn vừa đưa tay chỉ vật dụng mà em đang mong muốn ». Lợi dụng mọi cơ hội trong ngày, để tập trẻ em diễn tả nguyện vọng của mình. Ví dụ, tại bàn cơm, yêu cầu trẻ em chỉ đĩa cơm hay làm một cử chỉ nào khác, chúng ta mới xới cơm và gắp đồ ăn cho em. Khi trẻ em muốn uống, tập cho em biết cầm cái ly lên. Nói cách chung, chỉ thỏa mãn, khi trẻ em diễn tả ý muốn, bằng cách này hay cách khác. Chúng ta không bói đoán.

6.161    Phát huy khả năng hiểu biết những yêu cầu bằng ngôn ngữ của kẻ khác. Để trên bàn, trước mặt trẻ em những đồ chơi và đồ dùng quen thuộc như : cái ly, cái chén, con gấu, cái mũ… Cô giáo hướng về trẻ em gọi tên và yêu cầu, bằng cách đưa tay ra và nói : « H ơi, đem cho cô con gấu ». Sau khi cô giáo lặp lại 3 lần, mà bé H vẫn không động chuyển, người trợ tá của cô giáo cầm tay của H dẫn đến bàn, lấy con gấu và cùng với H mang tới cho cô giáo. Cô giáo đón nhận và nói : « Cô cám ơn H ». Sau đó cô trợ tá và bé H đi về chỗ. Tập như vậy với 2 đồ vật khác. Lặp đi lặp lại nhiều lần, trong nhiều ngày, cho đến khi bé H hiểu và làm đúng một mình, không còn cần cô trợ tá.

6.162     Hiểu và làm theo lời yêu cầu : « Hãy ngồi xuống ». Cô giáo đứng trước bé T và cô trợ tá. Cô giáo yêu cầu : « Ngồi xuống ». Vừa nói cô giáo vừa ngồi xuống, cô trợ tá cũng ngồi xuống. Nếu bé T vẫn đứng, cô trợ tá đưa tay kéo bé T ngồi xuống. Lặp lui lặp tới như vậy, cho đến khi bé T hiểu và biết làm một mình.

6.163    Hiểu và làm 2 yêu cầu : « Đi tới, dừng lại ». Trong bài học này, cũng nhờ đến cô trợ tá. Kèm theo lời nói, cô giáo dùng thêm cử điệu, để cho trẻ em hiểu rõ thế nào là đi tới, dừng lại.

6.164    Nhận biết mình trong tấm gương lớn có thể phản chiếu từ đầu đến chân. Trong bài học 6.159, trẻ em đã học biết tên của mình là G. Ở đây, chúng ta đem trẻ em đến đứng trước tấm gương lớn, để giúp trẻ em thấy hình ảnh của mình và từ đó học phân biệt hình ảnh khác với thực tế. Bắt đầu bảo trẻ em làm nhiều cử động : Tay của G đâu ? Đưa tay lên cao đi. Mặt của G đâu ? Em cười đi…Giúp trẻ em soi mình vào tấm gương như vậy nhiều lần, mỗi lần, trong vài ba phút, hơn là tập hằng giờ. Song song với bài học này, dùng máy ảnh chụp hình của G và phóng lớn ra. Thoảng hoạt cho phép G nhìn lại những tấm hình kỷ niệm. Ở đây G đi tắm biển ở VT. Ở đây, ngày lễ sinh nhật của G. Mẹ của em đã đến trường mừng sinh nhật của em. Em còn nhớ không ?

6.165    Cô đang cần vật gì đây ? Tìm trong các dụng cụ ở giữa bàn, có con gấu giống như vậy không ? Ban đầu chỉ bày ra 3 vật tối đa. Dần dần tăng lên.

6.166      Trong bài trên chỉ dùng vật dụng thực sự hoàn toàn giống nhau. Trong bài này, dùng hai vật dụng tương tự, khác màu, khác cỡ lớn nhỏ. Cuối cùng dùng hình ảnh.

6.167    Trong bài này, không còn dùng vật dụng cụ thể hay là dùng hình ảnh để giải thích điều cô mong muốn. Cô chỉ dùng ngôn ngữ mà thôi.

6.168    Học xếp loại. Ở bên trái, trong một hộp, trộn lẫn vào nhau 4 cây bút chì, 4 trái banh nhỏ và 4 chữ vần A, B, C và D. Trước mặt trẻ em có 3 đĩa. Ban đầu, trong đĩa số 1 bên trái, chúng ta để sẵn một cây bút chì, trong đĩa số 2 trái banh nhỏ, trong đĩa số 3 mẫu tự C. Chúng ta bảo trẻ em : « Em xếp các vật lại với nhau, theo loại : bút chì với bút chì ».

6.169    Xác định vị trí (Đi tìm và mang đến). Trong lớp học vật nào cũng có một chỗ nhất định. Bảo trẻ em : « Em cất con gấu ở đâu ? Đi tìm và mang đến cho cô ». Khởi đầu với những dụng cụ được trưng bày ở ngoài. Sau đó, đi tìm những vật ở trong các tủ, các hộp.

6.170     Trước đây, trẻ em đã học cho. Trong bài này, trẻ em học làm việc với bạn bè. Học cho, cho ai, người ấy tên gì. Bảo trẻ em : « Em hãy đem ngòi bút này cho bạn N. Em đem trái banh này cho bạn S… ». Chúng ta lợi dụng cơ hội này để dạy các em khác trả lời : « Cám ơn ».

6.171     Hiểu một số động tác (dùng động từ) : chạy, ngồi, nằm, lau, mở, đóng. Có hai cách làm bổ túc cho nhau. Thứ nhất là yêu cầu trẻ em làm những động tác cụ thể hằng ngày. Thứ hai là dùng những hình ảnh, để tập trẻ em nhận biết những động tác quen thuộc : Mẹ nấu cơm. Mẹ ủi áo quần. Ba làm vườn… Chúng ta có thể dùng máy ảnh, để ghi lại những sinh hoạt khác nhau ở trường học.

6.172     Xếp loại. Xem lại 6.168. Trong bài học xếp loại này, những hình thức cụ thể, bên ngoài có thể thay đổi, nhưng có một tên gọi giống nhau, như bàn, ghế, cây, nhà…

6.173     Phân biệt những gì thuộc loại « đồ ăn », những gì thuộc « đồ uống ». Tìm những hình ảnh trong các loại báo, hay là quảng cáo… và cắt ra.

6.174     Hiểu và làm những yêu cầu gồm có hai động tác đi theo nhau : đi tìm cái ly và để trên bàn.

6.175     Xem lại 6.168 và 6.172. Trong bài này, trẻ em học xếp loại theo « phần vụ hay là chức năng », vật này dùng để làm gì ? Đồ ăn gồm có những thứ… Đồ uống… Đồ chơi… đồ mặc.

6.176     Xếp loại các hình tròn, vuông, tam giác, chữ nhật có 4 tiêu chuẩn khác nhau : lớn-nhỏ, dày mỏng, màu sắc, hình thể. Với bài học khá phức tạp này, trẻ em đi vào lãnh vực tư duy trừu tượng.

6.177     Phân biệt và kêu tên 3 con vật quen thuộc : mèo, chó, bò.

6.178     Dùng hình khối xây lên một tháp cao. Thứ nhất, trẻ em một mình tự do xây, cao bao nhiêu cũng được. Thứ hai, cùng làm với cô giáo. Cô dùng màu gì thì trẻ em dùng màu ấy.

6.179     Xếp từng hai đồ vật cùng đi với nhau, như muỗng và nĩa, giày và tất, bàn chải và kem đánh răng…

6.180     Xếp lại với nhau những đồ dùng cùng thuộc một chức năng giống nhau, như đồ dùng để đi tắm, đồ dùng để đi chợ.

6.181     Xếp lại với nhau những vật dụng trên bàn cơm, những đồ để mặc.

6.182     Xem 6.178. Em hãy đưa cho cô hình khối màu vàng, hình khối màu đỏ. Đem cho cô chiếc mủ đỏ, mủ xanh… Với những bài học này, trẻ em vừa củng cố những kỹ năng đã học, vừa nới rộng khả năng ghi nhận ngôn ngữ.

6.183     Với những vật dụng quen thuộc, thêm vào những vị trí : Ở trên, ở dưới, trong, trước, sau, bên cạnh… ». – Hãy đi tìm cho cô bút chì trên bàn viết.  – Đi lấy cái ly trong tủ và mang tới cho cô. Bắt đầu với những nơi quen thuộc, trong lớp học. Sau đó chúng ta nới rộng ra qua các chỗ ngoài lớp học.

6.184     Tìm ra một vật KHÔNG thuộc cùng loại. Ví dụ : quả chuối, quả cam, quả ổi, cây bút chì.

6.185     Xếp 3 hình ảnh về 3 sinh hoạt, theo thứ tự thời gian. Xếp từ bên trái qua bên phải. Ví dụ : Xe tắc xi (đến trường), phòng ăn (cơm trưa), cầu tuột (giờ chơi).

6.186     Ghép lại các phần của thân thể vào đúng chỗ.

6.187     Xếp các loại đồ ăn theo hai tiêu chuẩn : đồ mặn và đồ ngọt.

6.188     Kể một câu chuyện đơn sơ. Xem 6. 185. Sau đó đưa ra 3 hình ảnh và yêu cầu trẻ em xếp lại theo thứ tự thời gian. Với trẻ em biết nói, yêu cầu giải thích cách xếp đặt.

6.189      Phân biệt 3 loại câu hỏi : ai ? cái gì ? ở đâu ? Ví dụ, soạn sẵn 3 hình ảnh như con người, bò, trái banh, và để trước mặt trẻ em. Chúng ta đặt câu hỏi : Ai kêu « bọ » ? Ai lái xe ? Cái gì lăn tròn ? Em chơi banh ở đâu ?

6.190     Kết hợp hai yếu tố hoàn toàn khác nhau. Một bên là các hình tròn, vuông và tam giác. Bên kia là cái nhà, bé gái, một cây lớn. Bảo trẻ em : Em hãy vẽ một vòng tròn chung quanh bé gái, chung quanh nhà có vườn vuông…

 

7-  KỸ NĂNG NGÔN NGỮ

7.191 Tập trẻ em thổi nước xà phòng, để làm ra những bong bóng.

7.192  Nhìn hình một số con vật quen thuộc, như mèo, chó… và bắt chước tiếng kêu.

7.193  Sau khi trẻ em đã biết phát ra một số âm thanh như « kờ, mờ, bờ… », chúng ta hướng dẫn trẻ em phát ra các âm tương tự, với những nguyên âm khác : từ mờ chuyển qua ma, mi…

7.194 Tập trẻ em phát ra những nguyên âm : Ô có ý tiếc, A có ý lấy làm lạ… Khi trẻ em đột xuất phát âm trong một số trường hợp, chúng ta tìm cách họa lại và củng cố.

7.195  Phát âm những từ có ý nghĩa đầu tiên, như má, ba, bò, mèo, bé.

7.196  Tiếng chào hỏi, khi tiếp xúc :  « Ạ ». Vừa phát ra âm thanh, vừa làm điệu bộ chào, cất mủ. Từ giả ra về, vẫy tay và làm dấu « chào, hôn ».

7.197  Phát âm tên của mình. Đem trẻ tới đứng trước tấm gương, cô giáo hỏi : « Ai trong đó ? ». Tập trẻ em trả lời bằng tên riêng của mình.

7.198  Bắt chước những âm thanh trong môi trường chung quanh, như xe ô tô : rầm rầm. Máy bay : ồ ồ. Ruồi : vù vù. Chó : vâu vâu. Mèo : meo meo.

7.199  Những động từ thông thường : ăn, uống, chơi, ngủ…

7.200  Nhìn hình và gọi tên những người trong gia đình, (sau khi trao đổi với cha mẹ).

7.201  Tập hát những bài hát nho nhỏ, như « vòi voi vọi vói voi, cái vòi đi trước… ».

7.202 Tập trẻ em xin ăn « thêm », uống « thêm ».

7.203  Diễn tả nhu cầu và ước muốn.

Nhu cầu là những gì cần được người lớn đáp ứng, giúp đỡ, như đi vệ sinh, đói, khát… Khi trẻ em ước muốn, trái lại, người lớn chỉ tạo điều kiện, giúp trẻ em tự mình thực hiện, được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Người lớn không bói đoán, không làm thay, làm thế những gì trẻ em đã có thể tự làm một mình. Tập trẻ em diễn tả ra ngoài. Tập trẻ em XIN, thay vì đòi hỏi. Tập đưa tay làm dấu, thay vì khóc la, dậm chân hay là đánh đập… Chúng ta tìm cách dạy những điều này, càng sớm càng tốt.

Khi trẻ em « chậm nói », cung cấp những đồ vật cụ thể hay là hình ảnh, để trẻ em diễn tả. Ví dụ, cầm ly : tôi khát. Cầm đĩa : tôi đói. Cầm hình cầu tuột : tôi muốn đi ra chơi ngoài sân. Đó là những « câu nói » với một từ, một hình ảnh.

7.204  Tập trẻ em biết chọn lựa. Khi trẻ em đói, muốn ăn, chúng ta đưa ra quả táo và trái chuối, cho trẻ em thấy. Sau đó, đặt câu hỏi : Em muốn cái gì trong hai ? Em chọn gì ? Trẻ em không được tự ý lấy cho mình. Trẻ em phải diễn tả hay là dùng một ký hiệu, để XIN.

7.205  Nhận biết áo, quần, mủ… của bạn nào trong lớp.

Cách làm thứ nhất : lấy mủ của tất cả các học sinh trong lớp, để trên bàn và hỏi : « Mủ này của ai ? ».

Cách làm thư hai : Hỏi từng em : « Mủ của em đâu, chỉ cho cô biết ?  Mủ của bạn A đâu ?

Cách làm thứ ba : Trao cho em D bốn chiếc mủ và bảo : Mủ của bạn nào, đem phát cho bạn ấy.

7.206 Hiểu câu hỏi và trả lời « Dạ », « Không ».

Hỏi về những gì trẻ em đã biết rõ : Có phải đây là cái ly không ? Thay đổi câu hỏi, để trẻ em có thể trả lời « không » : Cầm cái ly và hỏi : Có phải đây là cây bút chì không ? Trường hợp trẻ em chưa có ngôn ngữ, dùng những cử điệu hay là ký hiệu đã được ấn định với trẻ em : Cầm lên tấm giấy « trắng » : Phải, dạ, đúng. Tấm giấy « đen » : Không.

7.207  Biết tên của các con loài vật, như gà, vịt, chó, mèo... Dùng 4 hình ảnh, để trước mặt trẻ em. Gà đâu ? Tìm cho cô.

7.208  Biết tên của các đồ dùng hằng ngày. « Đi lấy cho cô…. ».

7.209  Đặt câu hỏi đơn sơ : Ai ? làm chi ?

Dùng từng cặp hình ảnh : con mèo + ngủ, con chó + nhảy,  mẹ + ở nhà, ba + đi làm. Nếu trẻ em chưa nói, nhưng đã hiểu, chúng ta đưa ra một câu có hai vế, như các ví dụ trên đây, và yêu cầu trẻ em tìm 2 hình và ghép lại hay là để bên cạnh nhau.

7.210   Phân biệt lớn và nhỏ.

7.211  Phân biệt đàn ông – đàn bà, trai – gái.

7.212  Hiểu rõ ở trên – ở dưới.

7.213  Tập chọn lựa : em muốn cái này hay cái kia ?

7.214  Trả lời những câu hỏi thông dụng : Mua gì ?  Đi bằng cách nào ? Chỗ nào ? Chúng ta dùng tranh ảnh cắt ra từ các báo chí, để nói chuyện với trẻ em.

7.215  Nói, trình bày ý của người này cho người khác.

Mẹ : con ra vườn mời ba vào ăn.

Ba : khi bé V đến gần mình, đặt câu hỏi : Mẹ bảo con ra nói gì với ba ?

Để tạo điều kiện cho người kia đặt đúng câu hỏi, người thứ nhất trao cho trẻ em một mẫu giấy, tóm tắt điều mình muốn nói, để trẻ em cầm theo.

7.216   Biết số lượng Nhiều-Ít.

7.217  Hình gì đây ? – Tròn, vuông, tam giác.

7.218  Dùng làm gì ?

Cuốn sách – để đọc. Cái muỗng – để ăn. Cây bút – để viết. Đặt câu hỏi với tất cả những vật dụng đã quen thuộc.

7.219   Đang làm gì ?

7.220   Đếm và hiểu số lượng từ 1 đến 5. 

Đưa cho cô 3 khối vuông. Một, hai, sau hai là ? đưa cho cô 4 ngòi bút. Một, hai, ba, sau ba là ?

7.221  Gọi đúng tên 4 màu : đỏ, vàng, xanh lá cây, xanh dương.

Trước mỗi khối vuông, đặt câu hỏi : Màu gì đây ?

7.222   Kể chuyện số 1.

Sau khi cùng coi một đoạn phim, hỏi trẻ em : Con vịt làm gì ? Có ai chơi với nó ?

7.223   Kể chuyện số 2.

Xem hình trong một cuốn sách. Hỏi : Đứa bé trong bức tranh này mặc áo màu gì ? Nó cảm thấy thế nào ? Vui hay buồn ? Có con vật nào trong hình không ?

7.224   Ngày qua - hôm nay - ngày mai.

Trình bày chương trình sinh hoạt trong tuần, trên một tấm giấy lớn, với những hình ảnh. Mỗi buổi sáng, trước bảng chương trình, giải thích những sinh hoạt trong ngày : Hôm nay đi tắm. Ban trưa, ăn…. Sau đó hỏi lại trẻ em : Hôm nay làm gì ? Trưa nay, ăn gì ? Sau khi đã quen với « hôm nay », cùng với trẻ em, nhớ lại « ngày qua » : ngày qua làm gì ? Ngày qua, ăn gì ? Để nhớ lại như vậy, nhìn bảng chương trình. Sau cùng là thấy trước « ngày mai ».

7.225  Tên những ngày trong tuần lễ.

Kết hợp với bài học 7.224. Hôm nay là ngày… chúng ta làm… chúng ta ăn… Ngày qua….Ngày mai…

8- KỸ NĂNG TỰ LẬP

8.226  Cầm tay và ăn một mình những món ăn mà trẻ em thích.

Nếu cần, lấy bánh tráng ướt bọc lại như bánh cuốn, để trẻ em dễ cầm. Trong các bài học thuộc mục thứ 8 này, chúng ta cần xác định ưu tiên MỘT là gì ? Tự lập hay là sạch sẽ ?

8.227  Cầm ly nhựa bằng cả 2 tay mà uống.

Giai đoạn 1 : đứng ở đằng sau trẻ em, chính bạn đưa 2 tay cầm ly và đưa lên miệng của trẻ em.

Giai đoạn 2 : cả bạn và trẻ em cầm ly, tay trẻ em ở phía trong, chạm với ly, tay của bạn bọc ở ngoài.

Giai đoạn 3 : bạn nới lỏng tay của bạn, để đo lường khả năng trẻ em giữ chặt ly có đầy đủ hay không.

Giai đoạn 4 : khi trẻ em biết giữ chặt, bạn chỉ hướng dẫn, từ cùi chỏ của trẻ em.

Giai đoạn 5 : Để trẻ em giữ ly một mình, bạn chỉ hướng dẫn bằng ngôn ngữ và xem chừng bằng mắt. Năm giai đoạn hướng dẫn này có thể được áp dụng cho những cách làm, trong các bài học khác.

8.228  Cầm muỗng ăn một mình.

Trước tiên, dạy trẻ em cầm và giữ cẩn thận chiếc muỗng trong tay, để lấy đồ ăn. Trong những lúc ban đầu, dùng những loại đồ ăn mà trẻ em yêu thích, như kem, bột khoai tây. Hướng dẫn trẻ em múc đồ ăn và đưa lên miệng. Tay bạn cầm tay trẻ em ở khớp xương và từ từ lên dần cho tới cùi chỏ. Tay bạn nới lỏng dần dần. Không còn giúp, từ khi trẻ em biết ăn một mình.

Để gần trẻ em một dấu hiệu. Và giải thích cho trẻ em biết rằng khi đặt tay vào đó có nghĩa là không còn muốn ăn nữa. Chúng ta tôn trọng lời từ chối của trẻ em. Tôn trọng nghĩa là không ép buộc, nài nỉ hay là « lập tức trở lui », đút lại cho trẻ em ăn, vì lo sợ trẻ em đói.

8.229  Từ khi trẻ em biết ăn bằng muỗng một mình, không còn cho phép dùng tay.

Nếu trẻ dùng tay, tức khắc cầm đĩa đẩy ra xa đằng trước. Không nhượng bộ ở điểm này, vì sợ trẻ em đói. Cách làm của chúng ta « không trước sau như một » sẽ làm cho trẻ em rối loạn, mất tự tin, không hội nhập những qui luật.

8.230  Khi trẻ em đã biết cầm ly mà uống (xem 8.227), bạn chỉ rót từ ¼ đến ½ ly.

Thoảng hoạt trẻ em làm đổ nước ra ngoài, vì vô ý, chúng ta không quá quan trọng hóa vấn đề. Thái độ căng thẳng, lo âu của người lớn là một cách tạo căng thẳng và lo âu cho trẻ em. Cho nên kết quả sẽ đi ngược lại với điều mong muốn.

Trong lãnh vực sư phạm và giáo dục, chúng ta làm việc « có ý định, chương trình và kế hoạch qui mô, tổ chức ». Tuy nhiên, tình trạng « SIÊU ý định, SIÊU ý chí » diễn tả một tâm trạng bất an. Cho nên trẻ em tự bế « bị lây », vì tâm trạng mất an toàn và quá lo âu, nơi chúng ta.

8.231 Thay áo quần, cất chiếc tất khỏi chân.

Ban đầu, dùng một chai nhựa với chiếc tất cỡ lớn của đàn ông, tập mang vào và lấy ra. Sau đó, áp dụng trên chân của mình.

8.232  Tập dùng nĩa để ăn.

Ban đầu tập dùng nĩa nhựa mổ lấy những thức ăn như cà rốt luộc, thịt… đem lên miệng và ngậm lại, đoạn rút nĩa ra khỏi miệng và đặt sấp xuống trên đĩa.

8.233  Biết phân biệt đồ ăn và những vật khác không ăn được, như hình khối, những hòn sỏi…

Vào lúc ban sáng độ 10 giờ hay là ban chiều khoảng 15 giờ, trước khi về nhà, chúng ta đặt ra trước mặt trẻ em, ba hoặc bốn vật như trên. Bảo trẻ em : Hãy ăn đi. Nếu trẻ em đưa tay lấy một vật không ăn được, chúng ta lập tức đặt câu hỏi : hình khối, có ăn được không ? Với cách làm này, mỗi ngày 2 lần, chúng ta tập cho các em còn nhỏ dại biết phân biệt vật nào ăn được và vật nào không. Chúng ta dùng những đồ vật lớn, để tránh khi trẻ em bỏ vào miệng, không có gì nguy hiểm.

8.234  Học mặc áo quần.

Trước khi dạy mặc theo thứ tự trước sau, chúng ta dạy trẻ em biết mặc từng thứ một, bắt đầu từ các thứ đơn sơ như mai ô, quần lót, áo sơ mi, quần đùi và sau hết là quần dài.

Ví dụ : mặc áo sơ mi.

1)        xỏ tay mặt vào tay áo bên mặt.

2)        dùng tay trái kéo áo ra sau và đem qua trái.

3)        Xỏ tay trái vào tay trái của chiếc áo.

8.235  Mặc quần dài.

1) phân biệt phía trước và phía sau,

2) ngồi xuống trên ghế, xỏ chân mặt vào ống quần bên mặt,

3) xỏ chân trái vào ống quần bên trái,

4) cầm lưng quần với cả hai tay và đứng lên.

       5) kéo quần lên ngang bụng.

Cứ tập lui tập tới nhiều lần từng mỗi giai đoạn. Tạm hoãn vấn đề gài nút hay là kéo phẹc mơ tuya, trong một bài học khác.

8.236  Tập đi vệ sinh.

Đây là vấn đề có liên hệ đến thể diện và giá trị của trẻ em. Cho nên, chính chúng ta hãy biết kính trọng trẻ em, thậm chí khi có những rủi ro xảy ra.

Chỉ thay áo quần cho trẻ em, tại phòng vệ sinh hay phòng tắm.

Không tỏ vẻ khinh dễ hay là vui đùa vào những lúc này, nhất là khi cô giáo lo cho những trẻ em trai, và thầy giáo lo cho trẻ em nữ, vì trách nhiệm.

Không chê trách, trừng phạt hay là la lối…

Cách làm :

1) Mỗi giờ nhắc trẻ em ngồi bô 5 phút. Không bao giờ quên trẻ em trong phòng vệ sinh.

      2) Ban đầu ghi nhận những rủi ro xảy ra vào lúc nào, để đề phòng cho những lần sau.

      3) Cần đặt trẻ em còn bé ngồi bô, trước mỗi bữa ăn, trước khi đi chơi ra ngoài hay là trước và sau giờ nghỉ trưa.

8.237  Lau mặt và thân mình với chiếc găng tay.

Chúng ta lợi dụng lúc tắm gội cho trẻ em, để dạy trẻ em mang găng tay, lau bằng xa phòng, những nơi kín đáo.

8.238  Tập mở và gài nút số 1.

Chế tạo một tấm bìa cứng có hai vạt áo, một bên có 4 lỗ, bên kia có 4 hạt nút tròn, cỡ lớn.

Bảo trẻ em đẩy hạt nút qua lỗ khuy, và tay kia kéo ra phía bên kia.

Tập nhiều lần, với nhiều cỡ nút khác nhau.

8.239  Mở và gài nút số 2.

Sau khi tập và thành tựu trên những dụng cụ được chế tạo, trẻ em cần ứng dụng với áo quần trên thân thể của mình, nhất là vào các dịp đi tắm hồ bơi.

Với những trẻ em còn vụng về, có một buổi để thực tập chung trong lớp học.

8.240  Tập rót nước, từ chai hoặc bình vào trong các ly, tách lớn hoặc nhỏ khác nhau.

Kẻ ngoài ly những mức khác nhau, để tập trẻ em biết dừng lại, biết vừa rót vừa theo dõi, xem chừng.

8.241  Sử dụng bàn chải đánh răng.

Ban đầu cô giáo và trẻ em cùng làm trước tấm gương.

Tập trẻ em dùng bàn chải đẩy lui đẩy tới, đi lên đi xuống, theo hình tròn.

8.242  Tập mặc áo quần từ đầu đến cuối.

Trên tủ áo quần có yết sẵn tấm hình ghi thứ tự mặc gì trước, mặc gì sau. Xem lại những bài 8.234 và 8.235

8.243  Cho phép trẻ em chọn đồ điểm tâm. Lợi dụng cơ hội này để dạy trẻ em cắt bánh mì, trải mứt công-phi-tuya. Nếu không làm được mỗi ngày, chúng ta chọn 2 buổi, để trẻ em tập làm bánh nướng, soạn điểm tâm cho cả lớp học.

8.244  Học tắm gội một mình.

  -  học điều hợp độ nóng và biết phân biệt vòi nước nóng, vòi nước lạnh.

  -  tập mở nước, bắt đầu  từ vòi xanh, nước lạnh.

  -  tập đóng nước, bắt đầu tư vòi màu đỏ. nuớc nóng.

Tuy nhiên, với một số trẻ em có thêm vấn đề chậm phát triển nặng, đây là những bài học khó thành tựu một cách nhuần nhuyễn. Sự có mặt của người lớn bên cạnh, luôn luôn là điều cần thiết cho trẻ em.

9- QUAN HỆ XÃ HỘI

9.245  Tiếp xúc về mặt xúc giác.

Nhiều trẻ em quá nhạy cảm trong địa hạt xúc giác. Các em không chịu đựng được bồng ẵm hay là những đụng chạm thông thường, trong các sinh hoạt tâm vận động. Sau đây là những cách làm đề nghị :

-      Dùng âm thanh và tiếng động như « hốp là, hồ hít… », khi chúng ta cầm tay hay thân mình, để nâng trẻ em lên cao và đặt xuống. Âm thanh chuyển hóa trọng tâm của chú ý qua một vị trí khác.

-      Cách làm thứ hai là hát và đu đưa nhè nhẹ, qua lại thân mình của trẻ em. Khi trẻ em đã hết sợ hãi và co quắp lại, chúng ta nâng lên cao một hai lần. Và cứ như vậy, chúng ta làm nhiều lần, để cho trẻ em quen dần.

9.246  Dùng một con búp bê, để tiếp xúc, vuốt ve, va chạm.

Đặt cho búp bê một tên : Xuân chẳng hạn. Chúng ta đến gần bé L và nói : Bé Xuân này muốn làm quen với chị L, có được không ? Bé Xuân rất thương chị L, muốn cầm tay chị L, muốn vuốt đầu, vuốt tóc chị L. Chị L thương bé Xuân, cho phép bé Xuân đến gần chơi với chị nhe.

Sau đó, búp bê yêu cầu chị L cầm tay mình, vuốt tóc, vuốt má mình và bồng mình lên.

9.247  Trò chơi cúc cù.

Người lớn ngồi trước mặt em Nam. Dùng một tấm khăn tắm khá lớn, che đầu và mặt mình lại. Đằng sau tấm khăn, chúng ta hỏi : Bé Nam ở đâu rồi ? Sau đó, từ từ lấy tấm khăn lên khỏi hai mắt và nói : Cúc cù. Vừa nói vừa đưa tay lên vuốt đầu của bé Nam.

Làm nhiều lần cho đến khi bé Nam hiểu trò chơi và chờ đợi được vuốt đầu.

Sau đó, trao tấm khăn tắm cho bé Nam và bảo : Em Nam bây giờ chơi cúc cù với cô đi.

9.248  Trò chơi cưỡi ngựa gỗ.

Người lớn ngồi sau lưng trẻ em và đẩy ngựa nhảy tới nhảy lui. Ban đầu đẩy nhè nhẹ. Vừa làm, vừa phát âm « hốp hốp ». Càng lúc càng gia tăng tốc độ cho đến khi trẻ em tỏ ra thoải mái, bình tĩnh. Nếu trẻ em tỏ vẽ căng thẳng, co quắp,  chúng ta giảm tốc độ.

Sau đó, người lớn xuống khỏi ngựa và đứng bên cạnh, yêu cầu trẻ em chơi một mình.

9.249  Tập trẻ em hôn bạn bè và người lớn.

Cô giáo đến ngồi bên cạnh bé Liên với con búp bê. Xem 9.246.

Sau khi bé Liên đã cho phép búp bê hôn mình và đã hôn búp bê, cô giáo bảo bé Liên : Bây giờ cô làm con búp bê. Cô muốn Liên cũng hôn cô như đã hôn con búp bê. Nếu bé Liên từ chối, cô giả bộ khóc, để xem phản ứng của bé. Nếu bé Liên vẫn còn lo sợ, ngại ngùng, cô giáo ngưng lại, chờ thử lần khác.

Sau khi bé Liên chấp nhận hôn và được hôn, bảo bé Liên chào hôn bạn bè lúc ban sáng, khi gặp lại nhau. Và khi có cha mẹ, anh chị em đến thăm bé Liên tại trường, bảo bé đến chào hôn mẹ, hôn ba, hôn chị em…

Nhiều người sẽ có nhận xét là chúng ta bắt chước kiểu Âu Tây. Chúng ta hãy mỉm miệng cười và trả lời : cái gì có lợi ích thực sự cho một trẻ em tự bế, tôi sẵn sàng bắt chước kẻ khác, không chút ngại ngùng, mặc cảm.

9.250  Trao qua và gửi lại một chiếc xe ô tô, hay một quả banh.

Cô giáo và trẻ em ngồi xuống sàn nhà. Cô đẩy chiếc xe tới cho trẻ em. Và yêu cầu trẻ em đẩy xe lại cho cô.

Có thể dùng 2 sợi dây, mỗi ngươi cầm một sợi và kéo chiếc xe về phía mình.

Mỗi lần ra đường, thay vì cầm tay kéo trẻ em, chúng ta cũng có thể dùng một chiếc vòng nhỏ, để giữ trẻ em bên cạnh mình, nhất là ở những nơi đông người, có xe gộ qua lại. Cô giáo cầm một bên. Trẻ em cầm phía kia. Chúng ta cũng có thể dùng sợi dây.

9.251  Giúp đỡ kẻ khác.

Nếu ở bàn ăn, học sinh dùng khăn giấy, để lau miệng, sau bữa ăn, yêu cầu một trẻ em đi nhặt từng chiếc khăn rơi, bỏ vào giỏ rác một cách tiêm tất. Và khi trẻ em làm được điều ấy ở trường, yêu cầu cha mẹ ở nhà cũng trao những việc như vậy cho con mình, vào những ngày nghỉ.

9.252  Chơi trốn tìm.

Ở nhà hoặc ở trường, trẻ em có thể học chơi trốn tìm với cha mẹ và cô giáo.

Mẹ và con có thể cùng đi trốn với nhau và người cha đi tìm.

Ở những khu vườn công cộng, chúng ta cũng có thể tổ chức trò chơi này, nếu có những người khác phụ giúp chúng ta.

9.253  Bắt chước cô và mẹ.

Khi mẹ tắm cho con, trao cho con một con búp bê nhựa và một găng tay. Khi mẹ gội đầu cho con, hãy bảo con : con cũng hãy gội đầu cho búp bê của con, giống như mẹ đang làm cho con.

9.254  Biết chờ tới phiên của mình.

Cùng ngồi chơi với trẻ em ở bàn hay là trên mặt đất. Hai thầy trò cùng xây một tháp cao, với những khối vuông hay là với những tảng gạch lớn làm bằng chất mút nhẹ, có bọc vải cứng. Thầy đặt một tảng. Trò đặt tảng khác lên trên. Sau hai ba lần, cả trò lẫn thầy đứng nhìn công trình xây cất của mình.

Yêu cầu trẻ em giữ đúng phiên của mình : « Không phải phiên em. Bây giờ là phiên của thầy.

Chúng ta cũng có thể tổ chức trò chơi xây cất này với 2 hoặc 3 trẻ em.

9.255     Chơi múa rối.

Thầy cầm trong tay con rối, đi lại gần em Huy, giả giọng và nói :

-      Mình chào Huy (đưa tay con rối cho Huy bắt).

-      Huy đang ở đâu đây ?

-      Bạn bên cạnh Huy tên gì vậy ?

-      Mẹ của Huy bây giờ ở đâu ?

Nếu trẻ em trả lời được, chờ cho trẻ em nói hết câu. Sau chừng vài câu, trao con rối vào tay của trẻ em và bảo : Bây giờ Huy chơi làm con rối và thầy trả lời.

Nếu trẻ em chỉ LÀM, không nói, chúng ta phản ảnh điều trẻ em đang làm :

-      Huy đang vuốt ve mặt mình. Huy dễ thương quá. Hãy vuốt tóc mình đi.

-      Bạn Huy này thật kỳ khôi. Cứ chọc nhột mình. Ơ, Ơ, nhột quá.

-      Huy đang dọa tôi, tôi sợ quá. Thôi thôi, đừng dọa tôi, tôi muốn chơi với Huy. Huy dễ thương mà.

9.256  Trò chơi giả bộ.

Thầy đi chung quanh bé Việt, hai tay giả bộ đưa lên lái xe.

Miệng phát âm :  « Vrum, vrum, vrum », mời khách lên xe.

Vrum, vrum… mời khách xuống xe.

Sau đó, thầy bảo Việt : Bây giờ Việt lái xe. Làm đi.

Giúp bé Việt lái xe đi quanh

Chúng ta sáng tạo những trò chơi ngắn như vậy, với những gì xảy ra trong ngày, và yêu cầu trẻ em làm theo với vài ba điệu bộ và phát ra vài âm thanh.

9.257 Tập lau bàn.

Cùng lau bàn với cô, như cô, bên cạnh cô.

9.258 Trò chơi CHO và NHẬN.

Soạn sẵn một hộp kẹo và yêu cầu chị em trong nhà giúp mình.

-              Cô cho ai, người ấy nhớ nói  « cám ơn ».

-              Đến phiên cô phụ tá cho… Nhắc Em Ty : em cám ơn đi.

-              Sau cùng trao cho bé Hoài một hộp có độ 4-5 cái kẹo và bảo bé Hoài đi cho bạn bè.

-              Những người lớn có mặt vừa nhận kẹo, vừa cám ơn.

9.259  Soạn bàn ghế.

Cô giáo sắp 5 chiếc ghế đủ cho 5 em học sinh trong lớp.

Trước khi soạn bàn cơm. Hỏi trẻ Vân : Chỗ này ai ngồi ? Chỗ ngồi của em đâu ? Chỗ cô ngồi đâu ?

Sau đó đưa cho bé Vân một cái đĩa : đĩa này để ở chỗ của Vân. Đĩa này ở chỗ của B. Đĩa này ở chỗ của C.

Và cứ như vậy, trẻ em đi theo thứ tự ngược lại với kim đồng hồ.

9.260  Công việc nội trợ.

- Mỗi tuần, thay khăn lau tay trong các phòng,

 - Mỗi tuần, phát giấy vệ sinh, trong các phòng vệ sinh,

    -  Sắp xếp vào tủ chén, đĩa, đũa…

Công việc này dành cho các em lớn, đã có thể biết làm việc một mình, biết di chuyển từ phòng này qua phòng khác.

9.261 Giả bộ số 2.

Xem lại 9.256.

Trao cho trẻ em con búp bê, để giả bộ đút cơm, tắm gội, đặt vào giường.

Ở cấp 2 này, trò chơi kèo dài hơn 5 phút.

9.262  Tìm ra nhu cầu.

  -  Cô giả bộ lạnh, run… Cô đang cần gì ? Trên bàn có 3 dụng cụ. Em đến tìm cho cô vật dụng mà cô cần.

  -  Cô giả bộ sổ mũi. Cô đang cần gì ?

  -  Tóc cô rối bời. Cô cần gì ?

  -  Trời đang mưa, cô phải đi ra ngoài. Cô cần gì ?

Với mỗi nhu cầu, soạn sẵn 3 vật dụng quen thuộc, để trẻ em suy nghĩ và chọn lựa.

9.263  Ngồi vẽ một mình, vẽ theo những hình mẫu có sẵn trước mặt, như cái nhà, con người ta…

9.264  Vẽ theo lời chỉ dẫn được viết ra sẵn.

Thay vào những tấm hình, trẻ em phải đọc và hiểu những điều mà trẻ em đã học trước đây :

-      Vẽ cái nhà,

-      Vẽ chiếc ô tô,

-      Vẽ một cây có lá xanh, có thân đen, có rễ vàng.

Càng ngày càng thêm những câu chỉ dẫn.

9.265  Của ai ?

Trên một dãy 3, 4 hộp, có hình và tên của 3, 4 trẻ 3m, trong lớp học.

Bảo trẻ em : Đồ dùng thuộc về ai, hãy sắp xếp vào chỗ của người ấy.

Để sẵn 4 chiếc mũ, 4 đôi dép, 4 cặp học sinh, 4 đồ chơi riêng của 4 em, từ nhà mang tới.

9.266  Tập gọi điện thoại.

Tập gọi điện thoại về nhà cho cha mẹ. Hay là tập gọi điện thoại từ 2 nơi trong trường, để nói chuyện đôi ba câu với nhau.

9.267  Tuân hành những giai đoạn 1, 2, 3… được viết ra và đã học.

Khi một công việc có nhiều giai đoạn,

-      Ở cấp một : Mỗi giai đoạn được trình bày bằng một vật dụng cụ thể,

-      Ở cấp hai :  Mỗi công việc được trình bày bằng một hình ảnh.

-      Ở cấp ba : Mỗi giai đoạn được viết ra bằng một câu. Ví dụ :

1)        Không nói chuyện,

2)        Dùng 4 khối vuông xây một tháp,

3)        Xong rồi, bỏ khối vuông vào lại trong hộp,

4)        Cất hộp vào tủ,

5)        Uống một ly sô cô la có sẵn trên bàn của cô ngồi.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!