.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương 1: Hội chứng tự bế

Chương 2: Phát hiện sớm

Chương 3: Can thiệp sớm, ý hướng cơ bản

Chương 4: Những hình thức tự bế trong các hội chứng khác

Chương 5: Mặt chìm của tảng băng sơn

Chương 6: Cách tổ chức của nội tâm

Chương 7: Nội tâm của trẻ em tự bế

Chương 8: HỘI CHỨNG TỰ BẾ trong lối nhìn của PHÂN TÂM HỌC

Chương 9: VAI TRÒ và VỊ TRÍ của XÚC ĐỘNG trong HỘI CHỨNG TỰ BẾ

Chương 10: Ba chứng nhân

Chương 11: Phương pháp TEACCH

Chương 12: Phương pháp ABA - Chuyển hoá hành vi tiêu cực

Kết luận : Bài học về tiếp xúc và trao đổi

Phụ trương : Những bài học cụ thể trong chương trình TEACCH

Bản đánh giá những cấp độ phát triển

Sách tham khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG 10: BA CHỨNG NHÂN

    Trong gần 20 năm phục vụ trẻ em chậm trí hay là khuyết tật tâm thần, với nhiều thức dạng khác nhau, trong đó có trẻ em tự bế, tôi chỉ làm việc trong vòng tối đa 5 năm, với mỗi em học sinh. Đó là cách làm đã trở thành một qui luật trong các trường học đặc biệt ở Thụy Sĩ. Lợi điểm quan trọng trong cách tổ chức này là trẻ em có thể tiếp xúc với nhiều khuôn mặt khác nhau trong cuộc đời. Lợi điểm quan trọng thứ hai là có nhiều lối nhìn đa năng đa diện về mỗi trẻ em. Và không một ai, trong đó có cả cha mẹ của trẻ em, có thể tự hào rằng mình có một lối nhìn độc nhất có giá trị về một trẻ em. Và nhờ đó, mỗi lối nhìn mới là một cơ may quí hóa giúp cho trẻ em phát triển và tiến bộ.

   Cũng chính vì lý do đó, tôi không có kinh nghiệm và khả năng nói về người trưởng thành tự bế sau 20 tuổi.

   Ở Thụy Sĩ, từ 18 đến 22, người thanh niên tự bế được chuyển qua « những xưởng học nghề ». Sau 22 tuổi, những người có tác phong ổn định, có thể sống tự lập trong các cư xá, và ngày ngày đi làm việc, như bao nhiêu người công nhân khác, dưới sự hướng dẫn của một cán bộ. Từng toán cùng chia sẻ một công việc như quét dọn, làm vườn, giặt ủi… Mỗi toán tùy khả năng, lãnh nhận một hoặc hai số tiền lương tương đương với số lương của một hoặc hai công nhân viên toàn phần. Cuối tháng, cán bộ hướng dẫn phân chia đồng lương một cách đồng đều cho mỗi người, sau khi khấu trừ mọi chi phí cần thiết, có liên hệ đến vấn để di chuyển và ẩm thực buổi trưa.

    Những người tự bế không thể sống tự lập, được chuyển đến các trung tâm nội trú. Ở đây các cán bộ điều hành đi quanh vùng tìm kiếm và lãnh nhận công việc, đem về phân phối cho các loại xưởng khác nhau trong nội trú. Cuối tuần hoặc cuối tháng, tùy điều kiện cụ thể của từng trường hợp, mỗi người có thể về thăm viếng cha mẹ và ở lại hai ngày thứ bảy và chủ nhật, cũng như vào các dịp lễ lớn trong năm.

   Nước Thụy Sĩ tổ chức được như vậy, vì mỗi người khuyết tật lãnh nhận hằng tháng một số tiền trợ cấp an sinh xã hội, từ lúc vào trường đến ngày qua đời.

٭٭٭

   Trong số những người tự bế đã trưởng thành, các tác phẩm nghiên cứu về hội chứng tự bế, thường nhắc đến 3 tác giả đã viết về cuộc đời tự bế của mình.[1]

Người thứ nhất là Donna WILLIAMS.

Người thứ hai là Temple GRANDIN.

Người thứ ba là Sean BARRON.

    Tác phẩm của D. WILLIAMS là « Nobody nowhere » (Không ai không một nơi nào cả). Khi nói đến những hành vi tự hủy của mình, tác giả này đã giải thích : Tôi muốn thay hình đổi dạng, để đồng hóa hoàn toàn với người bạn tên là Carol, mỗi lần soi mặt vào tấm gương. Tuy nhiên, vừa ngoảnh qua chỗ khác, tôi đã lập tức thấy rằng tôi không thể nào là Carol. Tôi không là ai cả. Tôi không « có mặt » (giống như Carol) ở nơi nào cả.

    Khi nói về khả năng dùng hình tượng hay biểu tượng, D. WILLIAMS muốn điểu chỉnh một thành kiến : « Nói rằng tôi không thể đạt đến tư duy hình tượng là không chính xác. Nói đúng hơn, kẻ khác không hiểu được những hình tượng tôi dùng, trong hành động và cử điệu. Tôi không tìm ra được cách nào, để mang đến cho họ những chìa khóa thuyên giải ». Chẳng hạn, khi D. WILLIAMS đan chéo hai ngón tay cái lại với nhau, tác giả muốn khẳng định rằng : mình đang làm chủ bản thân và không một ai có thể xâm lấn mình, cho dù đang ở bất cứ nơi đâu.

     Hồi còn nhỏ, D. WILLIAMS thường liệng qua cánh cửa sổ bao nhiêu đồ chơi và đồ dùng của mình. Nhìn lại quang cảnh này, tác giả đã đưa ra nhận xét : Tôi thường xuyên bị giằng co, xâu xé giữa hai ý muốn. Một bên là đi ra với thế giới bên ngoài. Và bên kia là tìm nơi nương tựa trong thế giới riêng tư, để bảo tồn cảm nghiệm về đời sống hiện thực của mình. Ở giữa tình huống ấy, liệng đồ vật qua những song sắt của cửa sổ, là một cách gởi mình ra vùng tự do.

     Một chia sẻ quan trọng nổi bật nhất của D. WILLIAMS là vấn đề tiếp xúc, nhất là trong địa hạt xúc giác. Phải chăng đó là sứ điệp trung tâm và trọng tâm của tác phẩm « Nobody nowhere » ? Hẳn thực khi phải tiếp xúc với ai hay là khi có ai « ĐỤNG » đến mình bằng lời nói hay là bằng xúc giác, D.WILLIAMS cảm thấy mình tan biến, không còn hiện hữu. Do đó, trẻ tự bế « không tiếp xúc và không nói », phải chăng là để tự vệ chính mình, hay là để có thể sống còn, tồn tại ? Chính vì lý do này, bản dịch bằng tiếng Pháp mang tựa đề « Si on me touche, je n’existe plus ». Hẳn thực, trong lối nhìn của một trẻ tự bế, « khi ai  CHẠM  vào tôi, tôi sẽ biến tan thành mây khói ».[2]

Vậy cha mẹ và người giáo viên phải tìm cách « chạm » thế nào, để cho các em THÍCH nói và tiếp xúc, trên con đường trở thành người ?

٭٭٭

Chứng nhân thứ hai là Temple GRANDIN.

     Bà đã viết hai cuốn sách. Cuốn thứ nhất mang tựa đề « Emergence : Labeled autistic », xuất bản năm 1986, có ý nghĩa tương đương là : Điểm nổi bật lên từ một người mang nhãn hiệu là tự bế. Bản dịch bằng tiếng Pháp là :  « Ma vie d’autiste »      (cuộc đời tự bế của tôi).

     Tác phẩm thứ hai là « Penser en images » (Tư duy bằng hình ảnh). Qua cuốn sách này, tác giả muốn khẳng định rằng : Nhờ kẻ khác tôn trọng tính khác biệt nơi bà, chính con người của bà đã không ngừng chuyển hóa, « vùng đứng lên, nổi bật lên » (emergence). Là một kỹ sư chuyên trách về súc vật, bà thường cảm nghiệm thực sự được an toàn, khi bà dùng máy ép súc vật, để từ từ ép mình ở giữa… cơ hồ một đứa bé cảm thấy mình được an toàn, che chở, trong vòng tay ôm của bà mẹ. Giọng hò của mẹ bên nôi con cũng là cách tạo ra một bầu khí an toàn, ấp ủ đứa con, cơ hồ nó được trở về vị trí nằm trong bào thai, có làn da mẹ bao phủ chung quanh, che chở tứ bề.

    Cũng vậy, khi có ai có khả năng làm công việc phản ảnh, để cho mình từ từ ý thức về mình, với bao nhiêu năng động và bị động, chúng ta cũng cảm thấy an toàn để phát triển và vươn lên, trên mặt làm người. Phản ảnh khác với phê phán, tố cáo, trách móc. Phản ảnh là làm tấm gương soi, trong đó chủ thể càng ngày càng thấy mình rõ hơn. Khi thực thi công việc phản ảnh, chúng ta làm nổi bật nhiều tầng lớp khác nhau. Tầng thứ nhất là ngôn ngữ có lời hay không lời, như hành vi, vận động…Tầng thứ hai là quan điểm, ý kiến, lập trường. Tầng thứ ba là xúc động. Tầng thứ bốn là nhu cầu cơ bản cần được thỏa mãn, để sống còn, hiện hữu. Tầng sau cùng là quan hệ, Ví dụ : bạn có thể cho gì, trong điều kiện hiện tại ? Khi cho như vậy, bạn cảm thấy mình trở nên giàu có, trên bình diện nào ?

   Temple GRANDIN đã thú nhận với một người bạn : « Tôi muốn nói được với chính mình là tôi đã làm được một công việc có giá trị trong cuộc đời. Tôi cố gắng làm cho đời tôi có một ý nghĩa ». Mặc dù tôi là người mang nhãn hiệu « tự bế » với tất cả những sức nặng ghì lại và dìm xuống, tôi vẫn có thể có khả năng « vùng đứng lên, nổi lên trên ».

٭٭٭

Chúng nhân thứ ba là Sean BARRON.

    Cuốn sách  « Moi, l’enfant autiste » (Tôi là một đứa con tự bế), được bà mẹ viết về đứa con trai của mình.  Đứa con này đã có lần tạo ra cho bà bao nhiêu tình huống thất vọng, mất an bình nội tâm và mất khả năng tự chủ.

    Đối với Sean BARRON, hành vi lặp đi lặp lại (stereotype) là một thể thức tạo cho mình những kích thích mạnh, cơ hồ rượu đế, xì ke, ma túy. Đồng thời, đó cũng là một phương tiện đươc sử dụng, để chiến đấu với những cơn lo hãi tràn ngập, khống chế, trước câu hỏi thường xuyên lui tới ám ảnh « Tôi là ai ? ».

   Chung quanh 15 tuổi, Sean BARRON mới khám phá được vai trò của ngôn ngữ, trong vấn đề diễn tả mình và tiếp xúc với kẻ khác. Hẳn thực, một hôm hai mẹ con cùng xem một cuốn phim trình bày cuộc đời của một trẻ em tự bế, Sean đã hỏi mẹ :

-          Mẹ ơi, thế thì con cũng mắc chứng tự bế, phải không mẹ ?

-          Vâng, con ơi, đúng như vậy, bà mẹ đã bình tĩnh trả lời.

   Sau lần trao đổi ấy, giữa mẹ và con, một mảng trong bức « vạn lý trường thành » đã đổ xuống. Một cánh cửa bắt đầu mở rộng. Và từ hôm ấy, Sean BARRON đã ý thức rằng : mình có khả năng ngôn ngữ như mọi người. Và nhất là VỚI mọi người.

   Ngôn ngữ không còn là một hiểm họa, một « trái bom nguyên tử » giữa người với người. Nhưng đó là chiếc cầu trao đổi qua lại hai chiều.


 


[1] RIBAS D.  – Controverses sur l’autisme et témoignages  - Puf, Paris 2004, p.41-83.

[2] WILLIAMS D.  -  Si on me touche, je n’existe plus  -   R. Laffont, Paris 1992, Collection « J’ai lu ».

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!