.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương 1: Hội chứng tự bế

Chương 2: Phát hiện sớm

Chương 3: Can thiệp sớm, ý hướng cơ bản

Chương 4: Những hình thức tự bế trong các hội chứng khác

Chương 5: Mặt chìm của tảng băng sơn

Chương 6: Cách tổ chức của nội tâm

Chương 7: Nội tâm của trẻ em tự bế

Chương 8: HỘI CHỨNG TỰ BẾ trong lối nhìn của PHÂN TÂM HỌC

Chương 9: VAI TRÒ và VỊ TRÍ của XÚC ĐỘNG trong HỘI CHỨNG TỰ BẾ

Chương 10: Ba chứng nhân

Chương 11: Phương pháp TEACCH

Chương 12: Phương pháp ABA - Chuyển hoá hành vi tiêu cực

Kết luận : Bài học về tiếp xúc và trao đổi

Phụ trương : Những bài học cụ thể trong chương trình TEACCH

Bản đánh giá những cấp độ phát triển

Sách tham khảo

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG 2: PHÁT HIỆN SỚM

    Những mô tả lâm sàng của bác sĩ Leo KANNER, mà chúng ta vừa khảo sát trong chương 1, chỉ xuất hiện một cách khá rõ ràng và đầy đủ, sau khi trẻ em đã bước vào lứa tuổi 3-4 năm. Tuy nhiên, theo một số bác sĩ chuyên trách về trẻ em, hội chứng tự bế đã có thể có mặt, từ lúc đứa bé mới sinh ra. Do đó, càng phát hiện sớm những  « NGUY CƠ TỰ BẾ », chúng ta càng có cơ may « CAN THIỆP SỚM », bằng cách nâng đỡ, hướng dẫn, chia sẻ, đồng cảm, nghĩa là « CÓ MẶT » với cha mẹ, cùng với họ tạo điều kiện thuận lợi, để cho đứa con có nhiều cơ may phát triển, nhất là trong lãnh vực trao đổi và tiếp xúc, thiết lập quan hệ gắn bó.

1.- Trong lục cá nguyệt đầu tiên, từ 0 đến 6 tháng, chúng ta cần phát hiện trong hành vi của trẻ em, những dấu hiệu sau đây :

-          Thiếu những cử chỉ trao đổi vui mừng với bà mẹ, khi được mẹ lại gần, nhìn ngắm, vuốt ve, bồng bế.

-          Không tỏ ra những thái độ lưu tâm, thích thú, khi có người đến gần chăm sóc.

-          Có thái độ lạnh lùng, lãnh đạm, quá bình lặng, đối với lời nói và khuôn mặt của người mẹ và người thân, trong gia đình.

-          Có những cử điệu tránh né, ngoảnh mặt qua nơi khác, khi hai mẹ con ở vị thế nhìn thẳng vào nhau.

-          Suốt ngày quá im lìm, ít cử động,

-          Khi thì « quá ngoan ngùy, dễ nuôi », khi khác lại « không bao giờ yên nguôi, khó được dỗ dành ».

-          Trên bình diện « tâm vận động », có những phản ứng thiếu thích nghi, như quá bám chặt vào người mẹ, không thể nằm yên một mình, sau khi đã bú sữa và được tắm gội.

-          Khi mẹ lại gần bên nôi để bồng bế, đứa con không có cử chỉ đợi chờ, không có phản ứng mở hai tay đón nhận hai cánh tay của bà mẹ.

-          Trương lực cơ (tình trạng của các bắp thịt) hoặc quá cứng đờ, hoặc quá mềm lụi, mặc dù không có thương động ở não bộ.

-          Giấc ngủ rối loạn.

-          Thiếu phản xạ bú mút.

-          Thiếu bi bô phát âm.

-          Chung quanh 4-6 tháng, không có nụ cười xã hội (vui mừng nở nụ cười, khi có người lại gần, vui đùa, bồng bế). Theo bác sĩ René SPITZ, đây là một trong những tiêu điểm đánh dấu tiến trình tăng trưởng và phát triển  hài hòa của trẻ em.

2.- Trong lục cá nguyệt thứ hai, từ 6 tháng đến 1 năm, ba dấu hiệu quan trọng cần được lưu tâm phát hiện, một cách nhạy bén :

-          Không có những cử chỉ tỏ ra vui mừng và thích thú, khi có mẹ hay là người thân tiến lại gần, sau một giấc ngủ.

-          Các cử chỉ và điệu bộ không thích ứng một cách tự nhiên, với những hoàn cảnh bên ngoài.

Ngoài ra, ba dấu hiệu sau đây có tính khẩn trương và báo động : đứa bé cần được bác sĩ chuyên môn khám nghiệm và theo dõi.

-          Nhìn sửng sốt như bị thu hút, trước những loại kích thích bên ngoài như ánh sáng, vật thể quay tròn, đưa những ngón tay lên ngang tầm đôi mắt và ve vẩy.

-          Một đàng trẻ em tỏ ra lãnh đạm, xa cách, đối với những vật thể quen thuộc như những đồ dùng và đồ chơi. Đàng khác trẻ em tỏ ra chú tâm, một cách đặc biệt, vào những vật thể lạ thường như máy móc, những kẽ hở, những hạt bụi, những lỗ rách, trong một tấm màn, tấm nệm.

-          Chung quanh 8-9 tháng, không có phản ứng lo sợ, khóc la, trước người lạ mặt. Hiện tượng lo sợ này, theo René SPITZ, là điểm mốc thứ hai, cho phép chúng ta khẳng định rằng nội tâm của trẻ em đã bắt đầu thành hình và phát triển. Hẳn thực, sở dĩ trẻ em có phản ứng lo sợ, trước người lạ mặt, vì các em ĐÃ HỘI NHẬP – nghĩa là thu nhận vào bên trong nội tâm và có khả năng phân biệt, hình dung – hình ảnh người mẹ của mình. Cho nên, khi đứng trước người lạ mặt, trẻ em nhận thức được rằng : MẸ ĐANG VẮNG MẶT. Và chính sự vắng mặt ấy tạo nên phản ứng lo sợ, trong địa hạt xúc động. Hai thành tố Ý THỨC và XÚC ĐỘNG đang được thành hình như vậy, cho phép chúng ta khẳng định rằng từ đây, NỘI TÂM – the Mind trong tiếng Anh – đã có mặt và hoạt động. Nhờ vậy, một sự kiện khách quan, bên ngoài có thể khởi động MỘT TIẾN TRÌNH ở bên trong. Trẻ em không còn là xác thể thuần đơn – the body –, nhưng là một con người – a person, a human being – có một sinh hoạt nội tâm, có một đời sống ở bên trong.

     Điểm mốc thứ ba đánh dấu rõ nét tiến trình phát triển của trẻ em, sẽ xuất hiện, khi trẻ em biết chắc chắn rằng : Mẹ ra đi, vắng mặt bây giờ. Nhưng mẹ SẼ TRỞ VỀ với mình, như mẹ đã chuẩn bị và báo trước cho mình biết. Khi có khả năng TIN vào lời nói của mẹ như vậy, nghĩa là có quan hệ gắn bó và tiếp xúc với mẹ, Trẻ em CÓ THỂ RA ĐI một cách an tâm, an toàn và tự tin. Tuy dù mẹ không có mặt, lời mẹ vẫn « BAO BỌC » đứa bé, cơ hồ cái bào thai đã che chở, khi trẻ em còn ở trong lòng mẹ.

Sau này, đến tuổi vào trường, trẻ em sẽ từ từ tiếp thu và hội nhập các cấu trúc của thực tế. Nhờ vào các cấu trúc ấy, trẻ em sẽ có khả năng tự lập, nghĩa là BIẾT mình phải làm gì, đi theo thứ tự nào, đi từ đâu, đến chỗ nào, khi nào tiếp tục, khi nào dừng lại, khi nào thay đổi lộ trình…Khi đứng trước những khó khăn, phải cư xử, đối ứng thế nào ? Không hội nhập, nghĩa là cưu mang trong nội tâm, những cấu trúc, những qui luật như vậy, trẻ em sẽ không bao giờ TỰ LẬP và TỰ TIN, tìm ra cho mình con đường đi tới.

 

Không nắm vững những điểm mốc trên đây, người cha mẹ và giáo viên sẽ không biết làm gì, nói gì, dạy gì, « can thiệp làm sao », khi trẻ em bắt đầu có một vài dấu hiệu hay là một vài nguy cơ tự bế.

3.- Trong năm thứ hai, từ 2 đến 3 tuổi, hai yếu tố cần được khảo sát và phát hiện một cách kỹ càng và chu đáo, trong nhiều điều kiện và tình huống khác nhau :

Yếu tố thứ nhất là hiện tượng « Chú ý đồng qui », mà tôi đã nhấn mạnh lui tới trước đây.

-          Trẻ em đưa ngón tay trỏ chỉ đồ vật mà mình mong muốn. Đồng thời trẻ em nhìn vào mẹ, để hướng mắt mẹ nhìn theo ngón tay của mình, từ vị trí đang đứng trong hiện tại, thay vì đến cầm tay mẹ, kéo mẹ đi đến tận nơi của đồ vật mà mình thích có trong tay, ví dụ như trò chơi, của ăn, mở cửa đi ra ngoài.

-          Trẻ em có khả năng đứng tại chỗ nhìn theo hướng mà mẹ đang đưa ngón tay chỉ cho mình, thay vì nhìn đăm đăm vào mặt mẹ.

Nơi trẻ em có khả năng tiếp xúc và trao đổi, hiện tượng này đã xuất hiện vào lứa tuổi từ 9 đến 18 tháng.

Yếu tố thứ hai là trò chơi giả bộ hay là trò chơi hình tượng.

    Trẻ em sử dụng một đồ vật thông thường, có sẵn trong tầm tay, để tượng trưng một vật dụng khác không có mặt. Ví dụ các em dùng lá cây làm đĩa cơm và các loại hoa làm cá thịt. Các em đưa tất cả lên miệng, giả bộ ăn, nhưng không ăn thực sự.

Nơi một trẻ em phát triển bình thường, khả năng này đã xuất hiện lúc 3 tuổi.

Vào lứa tuổi từ 2-3 năm, những rối loạn về ngôn ngữ, nơi trẻ tự bế, càng ngày càng trở nên rõ ràng, dễ phát hiện, với những dấu hiệu mà tôi đã liệt kê trên đây.

     Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng : ngôn ngữ là phương tiện tiếp xúc, trao đổi và chia sẻ. Cho nên, trước khi trẻ em tiếp xúc bằng ngôn ngữ CÓ LỜI, ngôn ngữ KHÔNG LỜI đã có mặt, vừa khi đứa bé đi ra khỏi lòng mẹ. Trẻ em khóc, trẻ em nhìn, trẻ em há miệng to, khi bà mẹ đưa ra chiếc thìa có đồ ăn, trong tầm nhìn của đứa con, khi khác trẻ em ngoảnh mặt qua nơi khác, vì không muốn ăn… đó là bao nhiêu cơ hội, để người lớn, nhất là người mẹ và người giáo viên, có thể lợi dụng, vận dụng, chớp thời cơ, để tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ, vun đắp những quan hệ qua lại hai chiều.

Tại phòng mạch của mình, bác sĩ phân tâm D. WINNICOTT đã ghi nhận nhiều cách trả lời khác nhau của các bà mẹ, khi đứa con của mình khóc la :

-          Nhiều bà mẹ tức khắc trả lời, quá sớm, khi chưa rõ đứa con cần gì, đằng sau tiếng khóc.

-          Nhiều bà mẹ trả lời quá chậm, khi đứa con đã không còn có sức để khóc la, thét gào.

-          Nhiều bà mẹ tức khắc cho con bú, khi đứa con đang khó chịu vì tã ướt. Cách trả lời của bà không thích ứng với nhu cầu hiện tại của đứa con.

-          Nhiều bà mẹ trả lời vì thói quen, định kiến và nguyên tắc, trong bất cứ hoàn cảnh nào :  « Nó khóc vì đói bụng. Thằng bé này rất háu ăn ».

-          Nhiều bà mẹ chỉ thinh lặng, bồng con lên dỗ dành, với một tâm trạng bực bội, lo âu, khắc khoải trong nội tâm.

Trong số các bà mẹ, và sau này trong số chúng ta là những giáo viên…có bao nhiêu người biết nêu lên câu hỏi, và biết kiếm tìm câu trả lời ? Bao nhiêu người đặt trọng tâm vào trẻ em :

-          Trẻ em đang có những xúc động nào ?

-          Trẻ em đang cần gì ?

-          Trẻ em yêu cầu chúng ta làm gì ?

Lý do thường được chúng ta nêu lên, để chối từ những công việc cơ bản ấy, là : « Chúng nó biết gì mà trả lời ».

    Kỳ thực, các em cho dù khuyết tật hay tự bế, đến độ nào chăng nữa, đang nói với chúng ta, bằng ngôn ngữ không lời. Vấn đề chính yếu là chúng ta có tìm cách HỌC lắng nghe, tìm hiểu, tôn trọng các em hay không ?

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!