─ nhằm Phát Huy Đời Sống Ý Thức của Trẻ Em Tự Bế
TEACCH là danh hiệu của một phương pháp do 6 chữ đầu của 6 từ được kết ráp lại với nhau.
Từ thứ nhất là Treatment có nghĩa là cách xử lý, đối ứng, giải quyết, trị liệu.
Từ thứ hai là Education, cách nuôi nấng, dạy dỗ.
Từ thứ ba là Autistic, tự bế.
Từ thứ bốn là Child, Children, trẻ em từ 0 đến 12 tuổi.
Từ thứ năm là Communication, trao đổi, tiếp xúc, tạo quan hệ qua lại hai chiều.
Từ thứ sáu là Handicapped, Handicap, khuyết tật.
Nói một cách vắn gọn, TEACCH là phương pháp giáo dục và dạy dỗ dành cho trẻ em tự bế và những người có những rối loạn, trắc trở trong địa hạt diễn tả mình và tạo quan hệ tiếp xúc qua lại với người khác.
Bang Bắc Carolina, thuộc Nước Mỹ đã quyết định chọn TEACCH làm chương trình chính thức cho các trẻ em có những vấn đề trong lãnh vực phát triển. Tác giả soạn thảo phương pháp này là một tập thể bao gồm nhiều bác sĩ, tâm lý gia, giáo sư, chuyên viên thưộc nhiều ngành. Tuy nhiên, TEACCH thường được gắn liền với tên tuổi của tác giả Eric SCHOPLER, người điều khiển đầu tiên của chương trình này.
Theo lối nhìn và cách giải thích của tác giả Theo PEETERS, mục đích của TEACCH là dạy dỗ và giáo dục (Teaching and Educating). Tuy nhiên, để công việc này mang lại những thành quả mong muốn, người giáo viên phải bắt đầu tìm hiểu người học sinh tự bế của mình. Nguyên liệu hiện tại của em là gì ? Em đang có những khó khăn, trắc trở nào, trên tiến trình tăng trưởng và phát triển, từ ngày vừa mới sinh ra ? Em đang cần những gì ? Một cách đặc biệt, em đang yêu cầu chúng ta làm gì cho em ? Hẳn thực, không thể dạy dỗ và giáo dục trẻ em, nếu chúng ta không bắt đầu giải đáp một cách thỏa đáng bao nhiêu câu hỏi trên đây, đang giao thoa và đan chéo chằng chịt vào nhau. Chính vì lý do này, khi áp dụng phương pháp TEACCH, động tác cơ bản đầu tiên của chúng ta là TREATING, có nghĩa là tìm hiểu, khai mở, giải quyết, bằng cách khảo sát 4 loại câu hỏi sau đây :
Câu hỏi số 1 : Trẻ em đang có những khó khăn nào ?
Câu hỏi số 2 : Ý nghĩa của những khó khăn và vấn đề ấy là gì ?
Câu hỏi số 3 : Đường hướng, phương pháp và dụng cụ can thiệp gồm có những gì ? Mục đích cuối cùng là gi ? Mục tiêu cụ thể cần thành đạt nằm trong địa hạt nào ? Ưu tiên số một cần xác định là gì ?
Câu hỏi số 4 : Những động tác cụ thể cần thực thi ngày hôm nay, để biến mục đích và mục tiêu thành hiện thực, bao gồm những bước đi tới nào ?
Trong các chương vừa qua, chúng ta đã khảo sát 3 loại rối loạn chính yếu của trẻ em tự bế :
- Thứ nhất, các em không diễn đạt ra ngoài những gì có mặt trong nội tâm, bằng phương tiện ngôn ngữ được sử dụng trong môi trường xã hội.
- Thứ hai, các em không tiếp xúc và trao đổi với những người chung quanh.
- Thứ ba, các em không vận dụng những khả năng sinh họat của tư duy, như tưởng tượng, hình dung, dự phóng…để thuyên giải những dữ kiện do các giác quan cung ứng, một cách đặc biệt trong các trò chơi giả bộ.
Những rối loạn này, thể theo lối nhìn của S. BARON-COHEN, U. FRITH và Th. PEETERS, phát khởi từ sự vắng mặt của nội tâm, nơi trẻ em tự bế.
Thay vì khẳng định một cách tuyệt đối như vậy, tôi đã xuất trình những nhận xét cụ thể như sau :
-1) Khác với chúng ta, các em tự bế diễn tả mình, với một thứ ngôn ngữ không lời, nhất là xuyên qua 3 loại phản ứng máy móc tự động như lăng xăng, bị động hoặc tấn công, cơ hồ những con chuột của H. LABORIT, bị điện giật, khi bị nhốt trong lồng sắt.
-2) Các em chia sẻ cho chúng ta những nhu cầu của mình, bằng những phương tiện mà chúng ta không hiểu rõ, từ gốc độ suy luận thông thường của chúng ta.
-3) Theo như cách giải thích của D. WILLIAMS, sau khi đã kinh qua một cuộc đời tự bế, trẻ em tự bế vẫn có những hình tượng riêng biệt. Nhưng các em không thể cung ứng cho chúng ta những chìa khóa thuyên giải, để tiếp cận và tìm hiểu các em, nhất là khi các em vòng vo lạc loài trong những mộng tưởng xa xưa, cổ đại (ancient fantasy), có liên hệ mật thiết với những biến cố sinh ra, đi ra khỏi lòng mẹ, với những cảm nghiệm kinh hoàng như bị cuốn hút, bị thúc đẩy, bị kéo lôi, trên suốt con đường dài ngang qua một hang động đầy bóng tối và đe dọa.
Khi diễn tả như vậy, tôi vừa đồng ý với 3 tác giả trên đây, khi họ đề xuất « giả thuyết về nội tâm » (theory of mind), để giải thích những rối loạn và khó khăn của trẻ tự bế, trong những giai đoạn tăng trưởng và phát triển.
Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng, nội tâm – the Mind trong tiếng Anh – không phải chỉ là tư duy thuần đơn (thinking), nhưng còn là những xúc động, những cảm nghiệm (feelings). Ngoài ra như tôi đã cố tình nhấn mạnh, nội tâm đã bắt đầu xuất hiện, khi trẻ em mở mắt để nhìn, mở tai để nghe, vận dụng những giác quan để tiếp thu tin tức từ bên ngoài (sensing). Thêm vào đó, cửa ra của nội tâm là hành vi (behavior, behaving). Hiện thời, đa số những hành vi của trẻ em tự bế đang còn là những phản ứng bốc đồng, máy móc, tự động và vô thức. Nhưng mục đích tối thượng và cuối cùng, mà chúng ta nhắm tới khi làm việc với trẻ em, là giúp các em từ từ trở nên ý thức, có khả năng quyết định và chọn lựa giữa hai hoặc ba con đường khác nhau.
Trong tinh thần và lăng kính ấy, ý thức có nghĩa là BIẾT :
- Tôi biết tôi là ai ?
- Tôi biết tôi làm gì ?
- Tôi biết tôi hướng đến những giá trị nào ?
- Tôi biết tôi cần gì ?
- Tôi biết tôi có những quan hệ nào, với những người sống hai bên cạnh tôi ?
Cái biết ấy có liên hệ trực tiếp với tất cả 4 thành tố của nội tâm, là giác quan, tư duy, xúc động và quan hệ.
Một phen nắm vững được nội dung và tinh thần, như vừa được trình bày, chúng ta có thể vận dụng mọi phương pháp giáo dục và dạy dỗ, nhằm phục vụ trẻ em tự bế, bắt đầu từ phương pháp TEACCH, ABA hay một phương pháp nào khác.
Một cách cụ thể, khi tiếp cận một phương pháp dành cho trẻ em tự bế, chúng ta cần nêu lên những câu hỏi then chốt sau đây :
- 1) Với phương pháp này, trẻ em có học phát huy và vận dụng những giác quan của mình hay không ? Bằng cách nào ?
- 2) Trong địa hạt tư duy, với những bài học nào, trẻ em tự bế vận dụng trí nhớ, trí tưởng tượng, khả năng phỏng đoán, khả năng chọn lựa, khả năng tổng quát hóa, khả năng trình bày ra ngoài ?
- 3) Trong địa hạt xúc động, trẻ em trình bày ý thích và nhu cầu bằng cách làm nào ? Đồ chơi sinh hoạt nào làm cho trẻ em vui tươi, hăng say, năng động ? Trẻ em đang có những xúc động tê liệt nào, khi nào, vì lý do nào ? Cách thức hóa giải là gì ? Trẻ em đang cần những gi ?
- 4) Trong địa hạt quan hệ tiếp xúc, trẻ em học XIN thế nào ? CHO làm sao, CHO gì ? Trẻ em học nói KHÔNG, từ chối, bằng cách nào? Một cách đặc biệt, trong vấn đề ăn uống, vệ sinh… trẻ em trình bày NHU CẦU ra ngoài cho người khác, với những phương tiện cụ thể nào?
٭٭٭
Trong khuôn khổ của chương này, tôi chỉ trình bày một vài đường nét của Phương Pháp TEACCH, mà tôi đánh giá là rất tích cực và xây dựng, thích ứng với nhu cầu của trẻ em tự bế. Một cách đặc biệt, tôi chỉ nêu ra những trọng điểm sau đây:
- Điểm thứ nhất : Vai trò của vật dụng cụ thể và hình ảnh. Kèm theo lời nói, TEACCH yêu cầu người giáo viên luôn luôn dùng một vật dụng cụ thể hay là một hình ảnh rõ ràng, đơn sơ, dễ hiểu, để giúp trẻ em tự bế hiểu rõ điều cần làm, hình dung điều đã xảy ra, liên kết lại với nhau nhiều biến cố thành một ý nghĩa.
- Điểm thứ hai : Tổ chức thời gian một cách có thứ tự rõ ràng. Và niêm yết chương trình, để trẻ em qui chiếu, tiên liệu, dự phóng, chuẩn bị… Nhờ cách làm này, trẻ em sẽ giảm hạ những băn khoăn, lo lắng của mình.
- Điểm thứ ba : Tổ chức phòng học. Mỗi trẻ em có một chỗ làm việc cố định, biệt lập, không bị những trẻ em khác quấy rầy. Công việc cần làm, được xếp đặt ở bên trái. Việc đang làm ở trước mặt. Công việc đã hoàn tất ở bên phải.
- Điểm thứ bốn : Những sinh hoạt ngoại lệ, bất thường đều được báo trước và chuẩn bị một cách chu đáo.
- Điểm thứ năm : Những gì trẻ em học tại bàn làm việc, có thể được đem ra áp dụng trong toàn trường. Những gì trẻ em đã làm được tại trường, cha mẹ được thông báo, để cùng làm. Cô giáo cũng cần thường xuyên tham khảo cha mẹ về những gì trẻ em làm được trong khuôn khổ gia đình, để tiếp nối, vận dụng tại trường.
- Điểm thứ sáu : Những bài học phức tạp, cần được khảo sát, phân chiết thành nhiều động tác đơn sơ. Nhóm giáo viên cần tổ chức những buổi họp định kỳ, để cùng nhau sáng tạo những bài học chung, với những bước đi tới có thứ tự.
- Điểm thứ bảy : Thay vì áp đặt những bài học từ trên, từ ngoài, hãy khởi đầu từ những gì trẻ em đang thực hiện, để nối dài, mở rộng, củng cố, tăng cường. “Pacing and leading”, cùng bước để hướng dẫn và “follow the child”, đi theo trẻ em, thay vì lôi kéo, ép buộc…đó là những ý hướng sư phạm luôn luôn có giá trị cho trẻ em tự bế. Những gì tôi đã bàn tới về vùng học tập, ngưỡng, giai đoạn thức tỉnh trầm lặng, neo tâm lý… cần được lắng nghe và ngày ngày áp dụng với trẻ em. Nói một cách vắn gọn, những gì trẻ em tiếp thu một cách vui tươi, hứng thú, sẽ từ từ được hội nhập và trở thành vật tư xây cất, tạo nên bản sắc đích thực của trẻ em (Real Self). Trái lại, những gì bị áp đặt từ ngoài, trẻ em sẽ lặp đi lặp lại như keo, như vẹt. Những bài học như vậy chỉ làm nên một thứ bản sắc giả tạo (False Self), một chiếc máy ghi âm vô tâm và vô hiệu.
- Điểm thứ tám : Tạo phương tiện cụ thể, ở mỗi vị trí sinh hoạt như phòng học, phòng ăn, phòng chơi, phòng nghỉ trưa… để trẻ em có thể TỪ CHỐI, nói KHÔNG, “tôi không muốn”, một cách dễ dàng và bình tĩnh, thay vì bùng nổ, la hét, đánh đập bạn bè hay là đập đầu vào vách tường... Nói tóm lại, cho phép trẻ em từ chối. Nghe trẻ em từ chối. Hiểu được cách từ chối của trẻ em tự bế… Phải chăng đó là tinh thần và thái độ TRỊ LIỆU hằng ngày của chúng ta ?
Trên những trang sau đây, một số hình ảnh sẽ minh họa một phần nào, những cách làm, do phương pháp TEACCH đề nghị và gợi ý.