Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Chương 1: Hội chứng tự bế

Chương 2: Phát hiện sớm

Chương 3: Can thiệp sớm, ý hướng cơ bản

Chương 4: Những hình thức tự bế trong các hội chứng khác

Chương 5: Mặt chìm của tảng băng sơn

Chương 6: Cách tổ chức của nội tâm

Chương 7: Nội tâm của trẻ em tự bế

Chương 8: HỘI CHỨNG TỰ BẾ trong lối nhìn của PHÂN TÂM HỌC

Chương 9: VAI TRÒ và VỊ TRÍ của XÚC ĐỘNG trong HỘI CHỨNG TỰ BẾ

Chương 10: Ba chứng nhân

Chương 11: Phương pháp TEACCH

Chương 12: Phương pháp ABA - Chuyển hoá hành vi tiêu cực

Kết luận : Bài học về tiếp xúc và trao đổi

Phụ trương : Những bài học cụ thể trong chương trình TEACCH

Bản đánh giá những cấp độ phát triển

Sách tham khảo

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ
Chương 9: VAI TRÒ và VỊ TRÍ của XÚC ĐỘNG trong HỘI CHỨNG TỰ BẾ

   Các chương vừa qua đã cho chúng ta thấy rõ : Xúc động là một thành tố rất quan trọng và chính yếu, trong đời sống của con người, nhất là trong các sinh hoạt của nội tâm. Một đàng xúc động tạo nên năng lực cần thiết, cho phép con người ngày ngày thực hiện những hoài bảo và mộng mơ của mình. Nhờ xúc động thúc đẩy, chúng ta có khả năng vượt qua mọi trở ngại, trên con đường học tập làm người. Không có xúc động, làm sao con người có khả năng đồng cảm, để nâng đỡ lẫn nhau và hợp tác với nhau, trong mọi chương trình phát huy và xây dựng xã hội?

    Tuy nhiên, khi xúc động không được tư duy soi sáng và hướng dẫn, trong mọi đường đi nẻo về của mình, chính xúc động lại  trở nên một sức mạnh tàn phá hãi hùng, cơ hồ một trận cuồng phong thổi qua và để lại bao nhiêu đổ nát và hoang tàn, trên một xứ sở.

    Hội chứng tự bế cũng tạo nên, trong đời sống của một trẻ em, những hiện tuợng tương tự như thế. Những thí nghiệm của H. LABORIT cho phép chúng ta có một lối nhìn cụ thể về những hành vi bên ngoài của các em. Từ đó, chúng ta có khả năng nghe và hiểu một phần nào « tiếng nói vô thanh » của các em. Và khi biết được các em ĐANG CẦN và XIN chúng ta những gì, chúng ta sẽ sẵn sàng CHO những gì chúng ta đang có. Trường hợp, chúng ta chưa có, chúng ta sẽ tìm cách HỌC và TẬP cho có, để giúp đỡ các em.

Khám phá của Henri LABORIT[2] 

    Để có khả năng nhận thức một cách cụ thể về ý nghĩa, vai trò và ảnh hưởng của các xúc động tê liệt, trong mọi sinh hoạt của con người, tác giả Henri LABORIT, chung quanh những năm 1960, đã sáng chế thí nghiệm sau đây :

    Một số chuột bị giam giữ trong một chuồng sắt gồm có 2 phòng tiếp nối với nhau. Một cánh cửa ở giữa hai phòng có thể mở ra hay đóng lại từ bên ngoài.

    Giai đoạn thí nghiệm thứ nhất : Nhiều con chuột bị giam đói và nhốt lại trong chuồng sắt. Cánh cửa giữa hai phòng được mở ra. Các con chuột di chuyển từ phòng này qua phòng khác, một đàng để khám phá nơi ở của mình, đàng khác để đi tìm của ăn.

    Giai đoạn thí nghiệm thứ hai : Bầy chuột được tập trung lại trong một chuồng duy nhất. Cánh cửa giữa hai phòng bị đóng chặt lại. Một ánh đèn điện được bật sáng lên. Đồng thời, một luồng điện mạnh được nối lại với sàn chuồng. Thí nghiệm này được lặp lui lặp tới nhiều lần.

Và mỗi lần thí nghiệm được khởi động, H. LABORIT quan sát và ghi nhận có 3 loại chuột với 3 loại hành vi khác nhau :

-          Thứ nhất, một số chuột nhào đầu vào cánh cửa tấn công và nhe răng cắn xé, đến độ bị thương tích và máu me chảy ra từ miệng.

-          Thứ hai, một số chuột khác chạy trốn vòng vo và loanh quanh, từ nơi mầy qua nơi nọ, trong suốt thời gian bị điện giật.

-          Thứ ba, một số chuột còn lại nằm nép xuống sát sàn chuồng, im lìm, bất động, co rút lại với nhau, hai mắt nhắm kín.

    Giai đoạn thí nghiệm thứ ba : Thí nghiệm trên đây được lặp lui lặp tới từ 10 đến 20 lần. Sau đó, một giai đoạn thứ ba được tổ chức. Tác giả, trong lần này, chỉ bật đèn sáng và khép kín cánh cửa giữa hai phòng lại. Mặc dù không còn có luồng điện mạnh được dẫn vào sàn chuồng bầy chuột vẫn giữ y nguyên hành vi của mình, như trong các lần thí nghiệm thuộc giai đoạn thư hai trên đây.

     Và sau nhiều lần thí nghiệm với những loại chuột khác nhau, H. LABORIT vẫn ghi nhận 3 loại hành vi được quan sát trên đây. Từ đó, tác giả đã đưa ra kết luận : Trong những tình huống bế tắc, căng thẳng và gây hấn tối đa, khả dĩ tạo nên nguy hiểm, bực tức, lo sợ, loài bò sát, loài có vú và loài người có xu thế bộc lộ ra ngoài 3 loại hành vi hay là 3 phản ứng tự vệ :

-          1) Lăng xăng, loạn động, chạy lung tung, lộn xộn, vô tổ chức và vô trật tự.

-          2) Tấn công đập phá, và khi không làm hại được bên ngoài, thì trở lại hủy hoại chính mình.

-          3) Ù lì, bị động và bất động, tập trung lại với nhau, sát cạnh nhau.

    Tình hình bế tắc, gây hấn và căng thẳng được gọi là Stress, trong tiếng Anh, hay là Burn-out. Stress, trong ý nghĩa ban đầu, là nhấn mạnh lui tới nhiều lần một cách cố tình cố ý, là đè nén, gây áp lực từ trên và từ ngoài. Nói cách chung, trong tình huống bị ức chế và đàn áp, con người không có lối thoát ra, không có cách hay là không biết chọn lựa một con đường thứ hai. Burn-out có nghĩa là bị cháy, bị thiêu rụi, chết lần, chết mòn, thân tàn ma dại. Đó là một loại  trầm cảm  và suy nhược trầm trọng.

    Sống trong một tình huống khủng hoảng tối đa như vậy, như tôi đã có lần nhấn mạnh trước đây, không một ai có thể chủ động, hay là làm chủ thể, có khả năng sáng tạo, quyết định, chọn lựa. Tư duy bị tê liệt, không còn có khả năng đảm nhiệm phần vụ tất yếu của mình là điều hướng và điều hợp những sinh hoạt tâm linh bình thường. Trong lúc ấy, xúc động tràn ngập, như nước vỡ bờ. Mọi sinh hoạt nội tâm, lúc bấy giờ, bị đồng hóa với phản ứng máy móc, tự động. Đó là một loại « phản ứng tự vệ », vì lý do sống còn.

    Sau một thời gian dài, sống trong tình huống căng thẳng tối đa, những phản ứng tự vệ từ từ trở thành một tập quán cố định. Cho nên sau đó, khi tình trạng căng thẳng đã giảm hạ hay là biến mất hoàn toàn, phản ứng tự vệ vẫn tồn tại. Tác giả người Nga Ivan PAVLOV gọi đó là tình trạng « Bị điều kiện hóa ».

٭٭٭

    Nhằm mục đích tạo ra một lối nhìn phản tỉnh, gây ý thức cho người giáo viên, trong lãnh vực giáo dục và sư phạm, tôi xin mạo muội trình bày một vài suy tư nối dài về công cuộc thí nghiệm trên đây :

1.- Trong những hành vi của trẻ em tự bế, mà chúng ta khảo sát qua các chương trước đây, phải chăng chúng ta cũng có thể phát hiện 3 loại phản ứng tự vệ, mà H. LABORIT đã mô tả :

-  Phản ứng lăng xăng, loạn động và hiếu động (Agitation, hyperactivity).

-  Phản ứng bị động và bất động hay là lệ thuộc hoàn toàn (Passivity, dependance).

-  Phản ứng tấn công người khác, gây ra bạo động hay là hủy hoại chính mình (Agressiveness, violence, auto-punition). Đây có thể là những cơn giận hờn, tức tối bùng nổ, thét la ầm ĩ, không hẳn bắt nguồn trực tiếp từ những hiện tượng bên ngoài không mấy quan trọng, nhưng được gợi nhớ lại hay là phát khởi từ một sự việc đã xảy ra trong quá khứ, nhưng bây giờ đã chìm vào quên lãng, vô thức.

Cơn giận dữ của em B được nói tới trước đây, khi mẹ mặc chiếc áo màu xanh cỏ non, là một minh họa đáng được chúng ta lưu tâm.

Sự cố Em La chạy trốn khỏi lớp học, băng qua những con đường tấp nập. để tìm lại một niềm vui, bất kể những hiểm nguy tai nạn có thể xảy ra, đó cũng là một ví dụ cho phép chúng ta liên tưởng đến những con chuột chay vòng quanh, trong chuồng sắt.

2.- Trước những phản ứng tự vệ của bất cứ người nào, trong cuộc sống thường ngày, và nhất là trước những rối loạn của trẻ em tự bế, trong địa hạt tiếp xúc , trao đổi, khoa điều trị Phân Tâm Học có thể soi sáng và khai mở cho chúng ta những đường hướng giải quyết như thế nào ?

Theo nguyên tắc, con đường chính qui, trong địa hạt trị liệu của Phân Tâm Học, là « chuyển biến Vô Thức thành Ý Thức », xuyên qua phương tiện tiếp xúc, trao đổi bằng lời nói giữa bác sĩ tâm thần và người thân chủ của mình. Thế nhưng với trẻ em tự bế, có khả năng ngôn ngữ rất hạn chế hay là thiếu vắng hoàn toàn, làm sao chúng ta có thể giúp đỡ các em « chuyển biến vô thức thành ý thức » ?  Chuyển biến phản ứng máy móc, tự động, trong địa hạt xúc động, thành khả năng tư duy sáng tạo và ý thức sáng suốt về mình ?

Với những bệnh nhân người lớn có khả năng ngôn ng bình thường, con đường trị liệu này thường phải kéo dài hằng chục năm, có nghĩa là không bao giờ kết thúc. Cho nên phương tiện trị liệu Phân Tâm Học bằng lời nói không thích hợp và hữu hiệu với một lớp học đặc biệt dành cho trẻ em tự bế.

3.- Thay vào đó, người giáo viên có thể học tập sử dụng những phương pháp và cách làm sau đây :

-          Đằng sau những xúc động như lo sợ, kinh hoàng, bực tức, bất an… luôn luôn ẩn núp những nhu cầu chính đáng, cơ bản, cần được chúng ta khám phá, lắng nghe, coi trọng và tìm cách đáp ứng. Hẳn thực, những phản ứng tự vệ chỉ là bề mặt của một tảng băng sơn to lớn ở mặt chìm, làm bằng những loại « nhu cầu sống còn », những ý chí hoàn toàn vô thức « tôi muốn sống », còn mang tên là « Xung Năng hướng đến Sự Sống » (Life Drive), trong Phân Tâm Học.

-          Một cách cụ thể, khi trẻ em tự bế đang lăng xăng, loạn động, đứng ngồi không yên, chạy lui chạy tới, nhún tới nhún lui, quay tròn như chong chóng… các em đang muốn nói với chúng ta, xuyên qua hành vi của mình : 1- Tôi CẦN an toàn, tôi CẦN tự do, 2- Xin HÃY tạo an toàn cho lòng tôi lắng dịu, xin HÃY dịu dàng, nâng đỡ, che chở, bảo vệ tôi, ĐỪNG chèn ép, cưỡng bức tôi, 3- Những XÚC ĐỘNG chính yếu đang khống chế tâm hồn tôi là sợ hãi, phân vân, lo lắng, buồn bực.

-          Khi trẻ em tự bế tấn công kẻ khác hay là tự hủy hoại, các em đang nói với chúng ta rằng : 1- Tôi đang CẦN được nhìn nhận, hay là nhận biết, 2- Xin HÃY bênh vực quyền lợi và vị trí của tôi. Xin HÃY kính trọng tôi, nghe tôi, lưu tâm đến tôi. HÃY tỏ ra cho tôi biết tôi là người quan trọng, có chỗ đứng xứng đáng trong cõi lòng và thái độ của thầy, của cô, của cha, của mẹ. ĐỪNG áp chế, trừng phạt tôi, 3- XÚC ĐỘNG đang nung đốt tôi là bạo động, vì lo sợ.

-          Khi trẻ em tự bế chỉ nằm dài, tỏ ra mệt mỏi, bất động, lấy tay che mặt , lấy chăn mền trùm đầu, hồi hộp thở ra thở vào… trẻ em đang thỏ thẻ với chúng ta : 1- Tất cả là mây mù dày đặc ở đằng trước, tôi không biết đi đâu, tôi không muốn làm gì cả, tôi không hiểu gì hết, tôi không thèm chơi hay là lại gần ai cả. Tôi CẦN được nâng niu, chiều chuộng, được cư xử  một cách dịu dàng, tế nhị, 2- HÃY đến với tôi, ngồi với tôi, không nói gì hết, từ từ xích lại gần kề tôi, mang hơi ấm đến cho tôi. ĐỪNG quá vồn vã, vội vàng,  3-XÚC ĐỘNG đang tràn ngập lòng tôi là hoảng hốt, kinh hoàng, run sợ, tê tái.

Nếu bậc cha mẹ và người giáo viên, nghe được và hiểu được tiếng nói vô thanh của trẻ tự bế như vậy, ngay từ những ngày đầu tiên, có lẽ chúng ta đã không bao giờ đi tìm bóng, tìm gió, tìm vị thuốc thần diệu, tìm một nhà phù thủy làm ảo thuật, có thể chữa lành hội chứng tự bế. Trái lại, chính chúng ta là NƠI NƯƠNG TỰA vững chắc cho trẻ em, bằng việc làm, thái độ, bằng sự có mặt và lưu tâm, bằng tấm lòng bao la và cương nghị.

4.- Trong tinh thần vừa được đề xuất, chúng ta hãy tổ chức cho trẻ em một số bài học về xúc động, và trò chơi giả bộ :

- Trẻ em vừa chơi vừa học, học bằng vui đùa.

- Chúng ta tập cho trẻ em biết thế nào là sợ, nhưng đừng bao giờ đe dọa, trừng phạt.

- Chúng ta giả bộ giận và dạy trẻ em cũng làm bộ giận như chúng ta. Nhưng chúng ta không bao giờ giận hờn, la nạt, mắng chửi.

    Một cách cụ thể, chúng ta hãy mang vào những mặt nạ như cọp, gấu, để cho trẻ em giả bộ chạy trốn, lo sợ, ẩn núp. Đồng thời, chúng ta dạy cho trẻ em biết giả bộ tấn công, đối phó, đương đầu bằng điệu bộ hay là ngôn ngữ. Trong lúc vui thú, hăng say, trẻ em rất dễ quên làm giả bộ. Cho nên, chúng ta hãy thường xuyên nhắc lại : « hãy chơi giả bộ mà thôi », khi trẻ em « tác hành » (Acting out), một cách máy móc tự động, nghĩa là từ yếu tố kích nhảy vọt qua hành vi, không đi qua con đường quyết định sáng suốt và cân nhắc của tư duy.

    Tuy nhiên, chúng ta hãy không ngừng theo dõi và đo lường ngưỡng chịu đựng của trẻ em. Khi trẻ em lại gần kề ngưỡng khổ đau, chúng ta hãy biết lùi xa, hay là cất đi khỏi mặt những loại mặt nạ kinh hoàng, dễ sợ.

    Tiếp theo sau, tập cho trẻ em dần dần mang mặt nạ vào mình và thấy mình đang thành cọp, thành beo, thành gấu, thành khỉ, trước một tấm gương soi khá lớn và rộng, có khả năng phản chiếu toàn diện thân mình của trẻ em.

5.- Một loại bài học khác là XÂY DỰNG và PHÁ HỦY.

    Chúng ta sử dụng những tảng chất mút có bọc vải cứng và chắc ở ngoài, làm thành những khối vuông, tròn, tam giác, hình chủ nhật, có nhiều tầm cỡ to nhỏ khác nhau và có nhiều màu sắc khác nhau.

    Một tuần, ít nhất 2 lần, chúng ta tổ chức những lớp học, để trẻ em thay phiên nhau xây lên những bức tường hay tòa nhà đồ sộ. Sau đó, cho phép, kêu mời, khuyến khích trẻ em tha hồ phá hủy và xây lại.

Dần dần, chúng ta khuyến khích hai hay ba em cùng xây với nhau.

Và trẻ em chỉ có phép phá hủy, sau khi XIN chúng ta « tôi muốn », bằng lời nói hay cử điệu.

     Có những em ban đầu không dám phá hủy. Có những em không bao giờ hoàn tất, vì các em có xung năng phá hoại quá lớn đang tạo áp lực.

    Với bài học này, trẻ em học xây, học phá, học xây lại, học dừng lại đứng nhìn công trình của mình, học chờ đợi, học xin, học chấp nhận những qui luật, học cùng làm với bạn bè.

    Song song với bài học xây và phá này, trẻ em từ từ phải học XIN khi cần hoặc muốn hay là từ chối, nói « không » một cách bình tĩnh, thay vì la thét, giận hờn.

6.- Khi trẻ em bùng nổ, bị tràn ngập hay là đánh đập, làm hại bạn bè, làm những điều không có phép làm, chúng ta hãy tổ chức một vị trí cố định, để trẻ em vào đó một mình với một người lớn. Bao lâu trẻ em chưa trở lại tình trạng ổn định, trẻ em ấy không có phép trở ra với các em khác. Đây không phải là phòng học thu gọn. Giáo viên và trẻ em vào đó, không phải để chơi với nhau hay để học, hoặc làm một công việc khác. Chúng ta có thể gọi đó là phòng « thư giản », chỉ có một con nộm to tướng, để trẻ em có thể tấn công tự do, theo ý thích, trong bao lâu cũng được. Cũng có thể gọi đó là phòng « ổn định ». Điều quan trọng là không bao giờ biến phòng ổn định thành một HÌNH PHẠT. Giáo viên phải đi theo và có mặt với trẻ em. Sau vài ba phút, chúng ta đặt câu hỏi : Em đã ổn định chưa ? Em có muốn trở về với các bạn khác không ? Nếu muốn hãy xin (theo cách thức đã được ấn định).

7.- Một cách tổ chức khác có thể giải tỏa những trẻ em lăng xăng và loạn động. Một sân chơi lớn có trang bị nhiều loại trò chơi như cầu tuột, xích đu, ngựa gỗ… và có hàng rào phòng vệ bao quanh, trẻ em không thể nào vượt qua. Khi trẻ em quá lăng xăng, các em có phép đi ra ngoài. Và khi trở lại lớp, các em biết rằng : đây là nơi để học. Nhờ cách tổ chức này, giáo viên cảm thấy an toàn và an tâm, để làm việc với các em khác.

8.- Sư phạm « cắm neo và nhổ neo »

NEO là phương tiện giữ chặt tàu và thuyền vào một vị trí nhất định, không bị trôi dạt và bấp bênh, vô định, bị sóng gió cuốn đi.

Neo tâm lý là tất cả những phương tiện (người, vật, một cử chỉ, một bài hát…) có khả năng làm cho trẻ em lập tức chuyển hóa, trở về tình trạng ổn định, năng động, vui tươi, hứng khởi… Nhờ chiếc neo đó, trẻ em thoát ra khỏi những xúc động tê liệt, gây rối loạn. Sau đây là một ví dụ : Ca là một trẻ em dễ khóc, dễ bùng nổ, tức giận và đánh đập bạn bè hai bên cạnh. Năm đầu tiên, Ca vào lớp học của tôi, với một nhãn hiệu « rối loạn tác phong ». Ở lớp học, Ca khóc nhè rất dễ dàng. Và trong những lúc ấy, Ca đánh đập bạn bè ngồi hai bên cạnh mình. Trong gia đình, Ca cũng thường khóc la và đánh mẹ.

Một hôm, để tìm một cuốn sách, tôi leo lên một cái ghế thấp. Tình cờ tôi trượt té và la lên một tiếng nửa chơi nửa thật, diễn tả nỗi lo sợ của mình. Lập tức, lúc ấy Ca đang khóc lè nhè, rên rĩ, bỗng trở nên vui tươi và cười một cách thích thú. Thế rồi, suốt ngày hôm ấy, khác với mọi khi, Ca đã tham gia vào các sinh hoạt của lớp học, một cách năng động và tự tin. Chớp lấy kinh nghiệm cụ thể ấy, tôi đã giả bộ té ngã và la ói lên, một cách sợ sệt, mỗi lần Ca tỏ ra buồn phiền, bực bội, vì bất cứ lý do gì.

Nhờ cây neo ấy, tôi đã giúp Ca ổn định tác phong của mình và chấp nhận vui chơi, học hành với bạn bè trong lớp.

9.- Hướng đến 3 chiều kích

Khám phá được những cây neo như vậy, với trẻ em tự bế, chúng ta có thể chuyển hóa các em từ tình trạng phản ứng tự động, vô thức, để đi qua tình trạng năng động, hợp tác và ý thức.

Để làm công việc khám phá ấy, chúng ta cần nhìn trẻ em với 3 chiều kích khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau :

-          1) Trẻ em là ai ? Đâu là năng động ? Đâu là bị động ? (Who).

-          2) Trẻ em cần đi đến đâu ? Tại sao ? (Where, why, how).

-          3) Trẻ em hôm nay cần thực thi những động tác cụ thể nào, để thể hiện hay là cụ thể hóa chiều kích 2 là mục đích, mục tiêu và ưu tiên số 1? (what next).

٭٭٭

Nói tóm lại, trẻ em tự bế không có đủ ngôn ngữ như chúng ta, để diễn tả ra ngoài bao nhiêu tình huống bế tắc, sôi sục, kinh hoàng và tê liệt ở bên trong nội tâm. Tuy nhiên, qua tay chân, bộ điệu, các em đang bộc lộ mình ra ngoài. Đó là một loại ngôn ngữ không lời. Dựa vào đó, chúng ta tìm hiểu, tạo quan hệ, sáng tạo những hoạt động và những bài học cụ thể, để trẻ em có thể PHÓNG NGOẠI, nghĩa là giải tỏa, cho ra ngoài tất cả những gì bị giam giữ và sôi sục ở bên trong nội tâm.

Thêm vào đó, chúng ta dùng điểm tựa và đòn bẩy, là những xúc động vui thích và hứng khởi, để giúp trẻ em trở nên chủ động, chủ thể, có khả năng từng bước đi tới, với những bước nho nhỏ, nhưng vững vàng.

ĐI là điều quan trọng.

Và chúng ta CÙNG ĐI với trẻ em.


 

[1] Didier HAUVETTE  -  Le pouvoir des Émotions  -  Ed. d'Organisation, Paris 2004. 

[2] Henri LABORIT  -  La Nouvelle Grille  -  Ed. Galimard 1999  (première édition 1974).



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!