Trong môi trường văn hóa Âu Mỹ, chung quanh vấn đề Tự Bế, câu hỏi thường được đặt ra là : Tại vì đâu, do nguyên nhân nào hội chứng tự bế đã có mặt, trong cuộc đời của một em bé, ở vào giai đoạn tăng trưởng và phát triển ?
Nhằm trả lời, hai trường phái đã xuất hiện, với hai lối nhìn đang tranh chấp và xung đột lẫn nhau. Một bên là phái DUY TRÍ (cognitivism). Bên kia là thuyết DUY CẢM (affectivism).
Đối với lập trường thứ nhất, tư duy của trẻ em tự bế bị rối loạn, thậm chí không bao giờ được thành hình trong nội tâm. Nói khác đi, tư duy là đầu dây mối nhợ gây ra mọi rối loạn, trong tiến trình phát triển của một trẻ em tự bế.
Ngược lại, đối với lập trường thứ hai, trong đó có những nhà Phân Tâm Học quá khích, chính đời sống xúc động bị rối loạn. Xúc động là nguyên nhân chính yếu phát sinh hội chứng tự bế.
Để có một lối nhìn toàn diện, chúng ta hãy bắt đầu khảo sát Thuyết Cấu Trúc và Khoa Học về Não Bộ.
A.- Thuyết Cấu Trúc
Cấu trúc là cách tổ chức sinh hoạt của mỗi thực thể hay là hữu thể có mặt trong vũ trụ. Mỗi thực thể là một cấu trúc bao gồm nhiều thành tố có quan hệ qua lại hai chiều với nhau. Nhưng mỗi thành tố lại là một cấu trúc bao gồm nhiều thành tố nhỏ hơn. Đất Nước Việt Nam chẳng hạn, là một cấu trúc bao gồm ba miền Bắc, Trung, Nam. Mỗi miền lại là một cấu trúc bao gồm nhiều tỉnh lỵ. Nhưng chính Nước Việt Nam cũng là một thành tố của một cấu trúc to lớn và rộng rãi hơn, như Châu Á hay là Địa Cầu.
Giữa hai thành tố A và B, trong cùng một cấu trúc, có những quan hệ nhân quả qua lại hai chiều. A vừa là nhân của B, trên một phương diện đặc thù. Nhưng trên một bình diện khác, B lại là nhân của A.
Nội tâm, mà chúng ta đã khảo sát trong các chương vừa qua, cũng là một cấu trúc tổ chức bao gồm ít nhất hai thành tố chính yếu là Tư Duy và Xúc Động. Tư duy điều hướng đời sống xúc động, cơ hồ người cầm cương điều khiển con ngựa kéo xe. Nhưng không có con ngựa kéo xe, cổ xe và người lái xe sẽ không thể di chuyển từ địa điểm này qua địa điểm khác. Cũng vậy, không có xúc động làm động cơ thúc đẩy con người thực hiện, những dự định và chương trình do tư duy vạch ra, chỉ là những hào nhoáng, những mộng mơ không bao trở thành hiện thực.
B.- Khoa Học về Não Bộ
Trong 20 năm gần đây, xuất hiện những phương pháp nghiên cứu rất tối tân và tinh vi, như các máy chụp hình não bộ ở nhiều tầng lớp và góc độ khác nhau, máy đo lường tiếng dội hay là máy ghi điện não đồ… Nhờ các dụng cụ này, khoa học về não bộ đã cung cấp cho chúng ta những tin tức mới lạ về cách tổ chức và các sinh hoạt của các cơ phận khác nhau trong đầu óc của con người.
Hệ thần kinh trung ương hay là não bộ gồm có 3 phần hay là 3 tầng tổ chức khác nhau :
- Tầng thứ nhất là THÂN NÃO, ở chóp đỉnh của Tủy Sống. Loài bò sát và côn trùng chỉ có tầng này.
- Tầng thứ hai là Hệ Viền, một vòng bao quanh thân não và nằm sâu, ở chính giữa đầu óc. Tầng này gồm có Đồi Thị, Hạnh Nhân và Hải Mã, là 3 tổ chức quan trọng. Tầng này xuất hiện nơi loài động vật có vú.
- Tầng thứ ba là Tân Võ Não, với nhiều loại Thùy khác nhau như Thùy Trán, Thùy Thái Dương, Thùy Đỉnh và Thùy Chẩm. Tầng này chỉ có mặt nơi loài khỉ và loài người.
Khi một tin tức ở vùng ngoại vi của cơ thể được 5 giác quan ghi nhận, tin tức ấy theo đường của hệ thần kinh, được gửi về não bộ.
Sau khi vượt qua tầng thân não, tất cả mọi tin tức được tập trung về Trung Tâm Đồi Thị (Thalamus). Cơ quan này có phần vụ là phân biệt và phân phối hai loại tin tức : Tin tức khẩn trương và tin tức bình thường. Tin tức khẩn trương có liên hệ đến vấn đề sống còn của con người. Loại tin tức này được tức khắc chuyển đến Hạnh Nhân, bằng con đường trực tiếp và ngắn nhất. Cùng lúc ấy, một tín hiệu được đưa ra, cơ hồ tiếng còi hụ của xe công an hay là của sở cứu thương, để vô hiệu hóa những tin tức khác và làm tê liệt mọi đường dây liên lạc khác.
Hạnh Nhân (Amygdala) thuộc não bộ Hệ Viền là trung tâm điều hướng đời sống xúc động, có liên hệ đến vấn đề sống còn, trong một tình hình nguy biến. Sau khi tham khảo một cách cấp tốc cơ quan nằm sát bên cạnh, mang tên là hải mã (hippocampus) nơi tập trung mọi hoài niệm xưa cũ, hạnh nhân phát đi một mệnh lệnh tối thượng cho các vùng ngoại vi của cơ thể, qua đường dây của hệ thần kinh. Đồng thời, hạnh nhân cũng huy động những cơ quan và phương tiện khác, để nhả ra trong máu chất Adrenalin và các hóa chất liên hệ, nhằm chuẩn bị toàn diện cơ thể ở thế sẵn sàng : hoặc là để tấn công (fight), hay là để chạy trốn (flight). Một cách chạy trốn khác là nằm im lìm, bất động, hòa nhập và ngụy trang hay là tan biến vào môi trường chung quanh, cơ hồ con kỳ nhông đổi màu theo hoa lá và bùn đất.
Tình hình nguy ngập có thể đã chấm dứt, sau vài ba phút, nhưng các hóa chất trong máu, phải đợi hằng giờ, để được bài tiết ra ngoài, theo đường tiêu hóa.
Trong trường hợp thứ hai, khi tin tức từ ngoại vi được gửi về, chỉ có tính bình thường, thông lệ… Đồi Thị sẽ dùng con đường dài. Tin tức lúc bấy giờ được đưa lên các vùng của tân vỏ não. Sau khi tham cứu mọi cơ quan có liên hệ đến tin tức, chính Thùy Trán sẽ lấy quyết định cuối cùng và truyền ra mệnh lệnh hoạt động, để ngoại vi chấp hành. Đó là CON ĐƯỜNG TƯ DUY, con đường dài và chậm, so với con đường rút ngắn và cấp tốc của phản ứng Xúc Động.
٭٭٭
Nói tóm lại, khi xúc động tràn ngập, như nước vỡ bờ, vì tình thế khẩn trương, tư duy bị tê liệt hoàn toàn, không còn hoạt động. Hẳn thực, khi bị khổ đau khống chế, vì bất cứ lý do gì, người giáo viên hay là người mẹ, có tai nhưng không còn nghe, có mắt nhưng không còn thấy, có kỹ năng đầy mình, nhưng không còn sáng suốt, thức tỉnh, để sáng tạo. Họ chỉ phản ứng. Họ có thể trở nên bạo động, một cách vô thức. Và người học sinh có thể trở nên nạn nhân của họ.
Vậy Tư Duy hay là Xúc Động ?
Thành tố nào trong hai sinh hoạt của nội tâm, đóng vai trò thượng thắng trong hội chứng tự bế ?
Cha Ông chúng ta đã trả lời, qua câu ca dao và tục ngữ : « Lúc bình thường, nhất sĩ nhì nông. Hết gạo chạy rong, nhất nông nhì sĩ ».
Cũng vậy, trong lối nhìn tổng hơp của tôi, hai câu hỏi « Tại sao và cách nào ? (Why và HOW), đan chéo và giao thoa chằng chịt vào nhau. Để trả lời câu hỏi thứ nhất, chúng ta cần khảo sát câu hỏi thứ hai. Và để tìm giải đáp cho câu hỏi thứ hai, chúng ta cần xác định mục đích tối hậu, mục tiêu và ưu tiên số một trong hiện tại là những gì, trong mỗi hành động giáo dục và sư phạm ?
Chính vì lý do đó, sau này, trong các chương bàn về sư phạm, thể thức can thiệp, tôi sẽ đề cập sự cần thiết của nhiều loại bài học cùng một lúc, trong các lớp dành cho trẻ em tự bế :
- Loại bài học thứ nhất về thực tế : Tất cả những gì cần biết về môi trường sinh sống hằng ngày.
- Loại bài học thứ hai về xúc động và khả năng hình tượng trong các trò chơi giả bộ.
- Loại bài học thứ ba về tâm vận động và khả năng diễn tả niềm vui thích, hứng thú qua toàn bộ và toàn diện của sơ đồ thân thể.
- Loại bài học thứ bốn về quan hệ tiếp xúc và trao đổi hay là khả năng xã hội hóa, như đi chợ, nấu ăn, trả tiền, hầu bàn trong các tiệm ăn.
- Loại bài học thứ năm về trình diễn văn nghệ, vũ, nhạc họa…