Nội tâm – The Mind trong tiếng Anh – không phải là một môi trường sinh hoạt hoàn toàn bít kín của tâm thần hay là tâm trí, không có những liên hệ và ràng buộc với bên ngoài.
Trước hết, xuyên qua CỬA VÀO (Input), bao gồm 5 giác quan, nhất là Thị, Thính và Xúc, nội tâm tiếp thu những tin tức, những sự kiện khách quan, thuộc môi trường sinh thái bên ngoài. Nội tâm tiếp thu một cách năng động, bằng 3 cơ chế : Tổng quát hóa, Chọn lọc và Chủ quan hóa.
Hẳn thực, trên bình diện cơ thể chẳng hạn, nếu không ăn, không thở, làm sao con người có thể lớn lên và phát triển ? Cũng vậy, trên bình diện tâm linh, không có những đóng góp phát xuất từ môi trường gia đình, xã hội, Đất Nước, địa cầu, làm sao chúng ta có thể trở thành con người có tư duy, hiểu biết và đồng thời có khả năng vận dụng những xúc động, ngõ hầu cưu mang trời, đất và toàn thể vũ trụ, trong cõi lòng bé nhỏ của mình ?
- Sống ở đây, tôi có thể hình dung, tưởng tượng, mơ tưởng những điều khác, ở nơi khác.
- Khảo sát một số sự kiện hạn hẹp, có mặt trong tầm nhìn ở đây và bây giờ, tôi có thể rút ra những qui luật thường hằng và bất biến, có hiệu lực cho nhiều nơi và nhiều thời khác.
Nói một cách vắn gọn, nhờ biết tưởng tượng, suy diễn, nhớ lại, dự phóng, con người có khả năng TƯ DUY (Thinking), để khám phá ý nghĩa cho cuộc đời, khẳng định bản sắc của mình. Từ đó, tôi biết tôi là ai, tôi đi về đâu, tôi có những năng động và bị động ở đâu, thế nào ?
Một cách đặc biệt, khi có ý thức về mình như vậy, tự khắc tôi có khả năng khảo sát những chương trình hành động, những ý định hay là những dự phóng về lâu, về dài. Đồng thời tôi biết rõ động cơ nào thúc đẩy tôi can trường đi tới. Giá trị nào làm kim chỉ nam, để giúp tôi vượt qua mọi trở ngại.
Khi nói đến những động cơ, những chướng ngại, những giá trị, tôi đang dấn bước vào địa hạt xúc động, với bao nhiêu loại nhu cầu khác nhau. Nhu cầu nào là chính đáng, cơ bản ? Nhu cầu nào là phụ thuộc và giả tạo ? Nhu cầu nào là ưu tiên số một ?
Không có tư duy soi sáng, xác định ý hướng đi tới, tôi sẽ bị xúc động tràn ngập, khống chế.
Và trái lại, nếu không có xúc động thúc đẩy, khích lệ, tôi sẽ ù lì, bị động, nằm im lìm một chỗ, chờ quả sung từ trời rơi vào miệng.
Tư duy là người cầm cương. Xúc động là con ngựa kéo xe. Người cầm cương giỏi, biết con ngựa của mình cần gì. Con ngựa khôn và khéo, không bao giờ cưỡng lại tay cầm cương dịu dàng của người lái xe.
Xuyên qua lăng kính ấy, nội tâm không phải chỉ là tư duy. Nội tâm cũng không phải là xúc động thuần đơn. Những chủ nghĩa Duy Tâm, Duy Hành hay là Duy Cảm đều là những chủ nghĩa xa vời, lý thuyết, không phản ảnh và phục vụ đời sống cụ thể của con người có máu, có xương, có thịt.
Tư duy và xúc động, trong một lối nhìn toàn diện như vậy, giao thoa và kết hợp chặt chẽ vào nhau và cùng nhau có phần vụ CHUNG là THUYÊN GIẢI, chuyển hóa, sáng tạo ý nghĩa cho cuộc đời, từ những tin tức được tiếp thu từ ngoài. Lối nói được dùng trong địa hạt vi tính ngày hôm nay, là PROCES-SING, có nghĩa là biến chế và chuyển hóa. Tuy nhiên, thuyên giải mà thôi chưa đủ. Nội Tâm cần có tư duy để soi sáng. Nhưng đồng thời, Nội Tâm cần có xúc động để thúc đẩy con người THỰC HIỆN những giá trị hay là thỏa mãn những nhu cầu chính đáng và cơ bản có mặt trong cuộc sống làm người, thể theo những kế hoạch được dự trù với những bước đi lên có hệ thống.
Ngược lại, trong những tình huống nguy hiểm và khẩn trương, nội tâm cần xúc động, để bảo vệ sự sống còn, bằng cách khởi động những phản ứng vừa tấn công, vừa rút lui, chạy trốn (Fight and Flight). Một cách chạy trốn thường được quan sát và ghi nhận trong địa hạt tự bế, là nhắm mắt không thấy, bịt tai không nghe, sống ù lì và bị động như gỗ đá. Theo lối nói của Phân tâm Học, đó là phản ứng tự vệ thuộc đời sống vô thức, khi tư duy bị tràn ngập và tê liệt.
Sau hai thành tố Cửa Vào và Biến Chế, thành tố thứ ba của nội tâm là CỬA RA (Output), bao gồm hai phần vụ, là DIỄN TẢ hay là bộc lộ ra ngoài tình trạng của nội tâm, và TẠO QUAN HỆ hai chiều qua lại với kẻ khác, nhất là bằng cách yêu cầu họ đáp ứng những nhu cầu hiện tại của mình.
Nói một cách đầy đủ hơn, tạo quan hệ với ai là đảm nhiệm, một cách thành tâm và sáng suốt, 4 động tác : XIN, CHO, ĐÓN NHẬN và TỪ CHỐI.
Xin không phải là đòi hỏi hay là tịch thu. Cho không phải là bố thí, ban phát từ trên những đặc ân, đặc quyền. Tôi từ chối, vì tôi không có hay là không muốn. Từ chối như vậy là một cách khẳng định và diễn tả chủ quyền và bản sắc của mình. Nhận không phải là cướp giật hay là cưỡng đoạt trên tay của người khác. Nhận một cái gì từ tay ai là đón lấy một tấm lòng của người ấy, trong tấm lòng làm người của tôi.
Nói tóm lại, trong một quan hệ tích cực và hài hòa, tôi khẳng định chính mình, với sứ điệp ngôi thứ nhất « TÔI », thay vì nói thay, nói thế, theo kiểu « cả vú lấp miệng em ». Đồng thời, tôi tạo mọi điều kiện, tùy vào khả năng hiện hữu của tôi, để người đối diện cũng có khả năng khẳng định bản sắc của mình, giống như tôi, ngang hàng tôi. « Tôi thắng, Người thắng, chúng ta cùng thắng với nhau, nhờ nhau », phải chăng đó là đáp số cơ bản độc nhất, ắt có cho mọi phương trình « làm người », trong bất cứ tình huống nào, với bất cứ biến cố nào.