|
Bài Viết Của EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
|
CẦU NGUYỆN TRONG THỬ THÁCH
Chấp nhận thử thách, tự nó đã là thái độ của đức tin anh hùng. Nếu cầu nguyện được hiểu là hành vi của đức tin thì chấp nhận thử thách là một lời nguyện tuyệt hảo đi kèm với của lễ hiến dâng là chính bản thân. Đức tin được thanh luyện trong thử thách đòi hỏi một nhân đức anh hùng. Khi ta bền chí đến cùng, ấy là dấu chắc chắn minh chứng cho một tương giao gần gũi với Chúa. Thật vậy, chỉ những ai hợp tác với ơn Chúa mới có thể bền chí đến cùng. |
|
THINH LẶNG NỘI TÂM
Chúng ta đang sống trong thời bùng nổ thông tin. Chúng ta cập nhật tin tức hằng ngày, đọc « tin » rồi « tức ». Đến nỗi, chúng làm cho một số người mất phương hướng, không biết đứng vào đâu cho vững, bởi muôn vàn những sự xấu xa quanh mình. Để rồi, họ không còn tin vào bản thân và đủ tin vào tha nhân. Có thể nói, đó là hình thức « khủng bố » về thông tin. Đã đến lúc, chúng ta cần dành những phút thinh lặng để lượng giá thông tin hầu rút ra những thông điệp giúp cuộc sống có ý nghĩa hơn. |
|
ĐAM MÊ CỦA THÁNH AUGUSTINO
O. Wide đã khẳng định: “Mỗi vị Thánh có một quá khứ, mỗi tội nhân có một tương lai”. Câu nói này được áp dụng triệt để cho cuộc đời của Thánh Augustino, một con người sống với nhiều nỗi đam mê. Có những đam mê đã kéo theo một đời sống lệch lạc và truỵ lạc, cũng có những đam mê giúp ngài sống thật và sống thánh. Tất cả được bộc bạch trong cuốn Tự Thuật, một trước tác của ngài. |
|
ĐẶC TÍNH CỦA NHÂN VỊ
Có những người sống nhiều với khuynh hướng duy xã hội, họ thích lấy lập trường của đám đông làm tiêu chí chọn lựa cho cuộc sống mình. Họ nghĩ rằng đó là cách bản thân hòa mình với mọi người nhưng đó là một sự “hòa tan”. Họ không ý thức rằng bản thân vốn sinh ra trong sự thiện, là một cá thể độc đáo và duy nhất, đồng thời, không ai có thể thay thế tôi đảm nhận cuộc sống này. Chúng ta cần tái khám phá đặc tính của nhân vị để khả dĩ sống hòa nhập mà không hòa tan; duy nhất lại chẳng duy ngã; độc đáo chứ không độc tôn. Quả thật, nét đẹp của một nhân vị luôn đáng được trân trọng bởi vì tôi là tôi chứ không phải là ai khác. Điều này chỉ thực sự được giải thích thấu đáo trong nhãn quan đến từ Thiên Chúa. |
|
TỪ THẦN TƯỢNG ĐẾN ĐỨC GIÊSU
Có thể nói, đây không phải là một cuộc tận diệt cái tôi nhưng là một tiến trình chuyển hóa từ bản thân đến Đức Kitô. Điều này đòi hỏi sự quyết định mang tính triệt để và tuyệt đối của mỗi cá nhân muốn chọn Đức Kitô làm ý nghĩa cuộc sống đời mình. |
|
HIỆN HỮU LÀ MỘT ÂN BAN
Hiện hữu tự nó là một ân ban ; vì thế, mỗi hiện hữu đều mang một ý nghĩa nào đó trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta được tạo dựng nên nhờ và trong Đức Kitô. Thế nên, chúng ta có sống là sống cho và vì Chúa. Có thể nói, Đức Giêsu phải là điểm qui chiếu cho một cuộc sống có ý nghĩa và chính Người là ý nghĩa cuộc đời ta. Cùng với thời gian, ý thức ấy dần nguôi ngoai nên hiện hữu kia đôi khi cũng mờ nhạt cách nào đó. Từng bước, mỗi người lại quay về với căn tính ban đầu của mình trong Thiên Chúa. |
|
SỐNG PHÚT HIỆN TẠI
Có những rào cản lớn khiến chúng ta không thể sống trọn vẹn phút hiện tại, đó là : níu kéo quá khứ, ngưỡng vọng tương lai và ảo tưởng hiện tại. Những viên đá này có thể khiến ta vấp ngã nhưng cũng khả dĩ trở thành bệ dưới chân ta. Điều này tùy thuộc vào thái độ của mỗi người khi đối diện với thực tại cuộc sống. Vì đối với những người tiêu cực, họ thường thấy khó khăn trong những cơ hội, còn những người tích cực, họ luôn khám phá ra những cơ hội trong mọi khó khăn để sống phút hiện tại với tất cả lòng tin cậy mến. |
|
Tác Phẩm ĐỨC GIÊSU - Ý Nghĩa Cuộc Đời
Chúng ta cùng nghe Đức Phanxicô, vị Cha Chung của Giáo Hội, nhận định sâu sắc về con người thời đại: “Trong thế giới ngày nay có rất nhiều dấu chỉ, thường được tỏ lộ gián tiếp hay tiêu cực về sự khao khát Thiên Chúa, về ý nghĩa tối hậu của cuộc đời”. Mà dấu chỉ rõ ràng dễ thấy nhất là việc con người hủy diệt chính sự sống của mình vì không tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống.
...File kèm
|
|
Tác Phẩm NHÂN CÁCH ĐỜI TU
Những suy tư trong tập sách này như một kết quả đánh dấu 20 năm kể từ ngày Tông huấn Vita Consecrata ra đời. Thật thú vị ! Đây cũng là dịp Đức Phanxicô công bố: Năm 2015 - Năm về Đời Sống Thánh Hiến. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của toàn Giáo hội đến với những người sống đời thánh hiến. Những ưu ái ấy như là một nhắc nhở mỗi tu sĩ luôn dấn thân triệt để hầu làm vinh danh Chúa và đáp lại nguyện vọng của mọi người.
...File kèm
|
|
PHÁ THAI VỚI LƯƠNG TÂM NGƯỜI MẸ
Với thống kê gần đây nhất, Việt Nam là 1 trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, trong đó 20% là ở tuổi vị thành niên. Trong hơn 180.000 ca phá thai năm 2015 thì có hơn 5.500 ca là trẻ vị thành niên. |
|
BA BƯỚC THỰC HÀNH LÒNG THƯƠNG XÓT
Thực hành lòng thương xót là việc chúng ta cần làm trong suốt cuộc đời. Vì đây là một trong những mối phúc mà Chúa Giêsu mời gọi người môn đệ, sống: Phúc thay ai biết xót thương người vì họ sẽ được Chúa xót thương. Nhưng không phải ai cũng có khả năng thể hiện lòng xót thương cách thiết thực đối với mọi người. Vì thế, trong bài viết ngắn này, xin đề nghị 3 bước thực hành lòng thương xót: cảm xúc, thấu cảm và hành động. Lòng thương xót thực sự phải hội đủ 3 yếu tố này. Làm sao có được hành động chứng tỏ lòng thương xót thực sự nếu không thấu cảm tình cảnh của tha nhân ? Và làm sao thấu cảm được tình cảnh của tha nhân nếu không biết trân trọng những thông điệp mà cảm xúc ban đầu đem lại ? |
|
PHẢI CHĂNG LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG TÔI ĐÃ CHẾT ?
Triết gia J.P. Sartre đã khẳng định: “Tha nhân là hỏa ngục”. Dường như lời phát biểu này được thốt ra trên môi miệng của một người đang trong cơn bấn loạn và mất bình an. Ông đã phóng chiếu cái nhìn nội tâm lên ánh mắt của tha nhân để rồi ông chỉ nhận ra tha nhân coi mình như một sự vật chẳng hơn chẳng kém. Có thể nói, tư tưởng này phần nào đã dẫn lối cho những chủ trương sống phóng túng và bất cần sự hiện hữu của tha nhân. Và như thế, tha nhân đang phải đối diện trong tình trạng dở sống dở chết chẳng làm tôi mủi lòng. Phải chăng lòng thương xót trong tôi đã chết ? |
|
TRONG ĐAU KHỔ, THIÊN CHÚA Ở ĐÂU ?
Có thể nói, chứng lý mạnh nhất mà những người chủ trương vô thần dựa vào đó để phủ nhận hiện hữu của Thiên Chúa, là đau khổ và sự dữ. Họ dựa vào hai phẩm tính của Thiên Chúa: Toàn năng và yêu thương, mà “lên án tử” cho Ngài. Thật vậy, một Thiên Chúa toàn năng không thể để cho đau khổ và sự dữ tồn tại trên trần gian. Lại nữa, một Thiên Chúa yêu thương không thể dửng dưng với số phận nghiệt ngã của con người…Những luận chứng như thế càng làm con người xa rời Đạo giáo và không giúp con người lớn lên và được giải thoát. Chúng ta không đi sâu vào những cuộc tranh luận về mặt trí thức vì như thế không dẫn đến đức tin. Nhưng chính khi chấp nhận đảm nhiệm cuộc sống mình cách tích cực và tinh thần đức tin, chúng ta dễ dàng khám phá ra trong từng khoảnh khắc sướng khổ của phận người có sự hiện diện sống động và tràn đầy của Thiên Chúa. |
|
TỔN THƯƠNG TUỔI THƠ
Trong tác phẩm Chỉ có một điều cần thôi, cha Henry M.Nouwen đã khẳng định rằng: “Tất cả chúng ta đều là những người mang thương tích. Ai đả thương ta ? Đó là những người ta thương và những người thương ta” (tr.155). Điều này thật chuẩn xác và được áp dụng đúng đắn trong việc giải thích về tổn thương tuổi thơ của mỗi người chúng ta; trong đó, cha mẹ hay những người thân cận là những người đã vô tình làm tổn thương chúng ta. Những hệ lụy ấy làm tổn hại và lệch lạc nhân cách của chúng ta trong tuổi trưởng thành. Để khám phá ra nguyên nhân gây nên vết thương ấy là một công việc dài hơi của các nhà tâm lý trị liệu, từ đó, giúp đương sự đối diện với vấn đề của mình và làm hòa với “đứa trẻ bị tổn thương”... |
|
LÒNG THƯƠNG XÓT Ư? TÔI CHẲNG CẦN!
Cuộc sống của tôi vốn tự do, tôi có quyền định đoạt tất cả; những gì tôi chọn, ấy là điều tốt nhất và đem lại cuộc sống hạnh phúc cho tôi. Tự do lớn nhất của tôi là khước từ một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Thiên Chúa ấy bắt tôi nên tội rồi vờ vịt đến với tôi như một kẻ ban phát. Chính ông ấy làm tổn thương lòng tự ái của tôi. Chẳng lẽ tôi có tự do lại không được quyền quyết định cho số phận của mình ? Tôi có thể sống mà chẳng cần Thiên Chúa. Và tôi có thể thành người mà không cần dựa vào một ai khác: Tôi là tôi. Nếu có ai hỏi về căn tính của tôi, tôi sẽ trả lời: Tôi là chính tôi mà không là một ai khác, một nhân vị độc đáo, một hữu thể tự lập và là một siêu nhân. |
|
SÁNG TẠO ĐỜI MÌNH TRONG ÁNH SÁNG CỦA ĐỨC KITÔ
Mỗi người chỉ có một đời để sống nhưng không phải ai cũng ý thức điều này để khả dĩ sống trọn một đời. Có những người cho rằng sống một cuộc sống đơn điệu thì chẳng đáng sống, thế mà họ không biết cách để sáng tạo đời mình. Chỉ có một cuộc sống chấp nhận vượt qua những gì là bình thường để “phá cách”, “làm mới” trong ý nghĩa sâu xa của cuộc đời: mới đáng sống. Bất cứ bước đột phá nào đều phải trả giá bằng thời gian tôi luyện trong âm thầm và bóng tối để có thể phát huy hết nét độc đáo của một nhân vị mà Chúa đã đặt để nơi mỗi người. Qua đó, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của cuộc sáng tạo này mà nỗ lực vượt qua những rào cản vì thử thách là tố chất tạo nên nghị lực, giúp chúng ta tự do sáng tạo nên cuộc đời mình. |
|
CHẤP NHẬN CHÍNH MÌNH
Có những lúc trời yên bể lặng, chúng ta thấy đời sao đẹp thế ! Mọi sự tưởng chừng như dễ chấp nhận đối với ta. Nhưng đến những lúc biển gào sóng thét, chúng ta thấy đời sao bất công ! Mọi sự giờ đây trở nên bế tắc và không thể nào chấp nhận nổi. Cảm nhận ấy là lẽ thường trong cuộc đời. Tuy nhiên, dù hoàn cảnh có thế nào đi nữa, chúng ta phải đảm nhận và chấp nhận cuộc đời mình. Vì ai chối bỏ cuộc sống của mình, họ chối bỏ chính hiện hữu của mình và như thế, sống như thể chết vậy ! Chúng ta không chấp nhận đầu hàng cuộc sống này, cần tập chấp nhận chính mình. Chúng ta không phải một sớm một chiều mà dễ dàng chấp nhận chính mình đâu ! Đây là bài học làm người mà chúng ta phải sống và trả giá suốt đời. Quả thật, trước tiên, chúng ta cần chấp nhận hiện hữu của mình; rồi có cả một quá khứ cần được chúng ta đón nhận; có cả những thất bại và tương quan tha nhân cần được chúng ta chấp nhận và có cả một đời người để được chúng ta vui nhận. Vì mỗi ngày có một niềm vui và mỗi cuộc đời là một nguồn vui. |
|
HỦY HOẠI CHÍNH MÌNH
Có thể nói, hủy hoại chính mình là một hình thức giết người. Nhưng thay vì giết chết người khác, chúng ta lại hủy diệt chính mình. Người ta không hẳn tự sát bằng dao, thuốc độc hay một hình thức nào khác mà có những cái chết từ từ khiến chủ thể cũng không ý thức rằng chính mình lại hại mình. Cũng có những hình thức hủy hoại chính mình được hiểu như việc bản thân tự cản trở chính mình sống cho những lý tưởng cao đẹp giúp chủ thể trưởng thành hơn mỗi ngày. Chính vì những cản trở vô hình ấy mà chúng ta không thể tiếp xúc bằng các giác quan nên lắm kẻ phải chết vì thiếu hiểu biết. Những cản trở ấy có thể là: trí tưởng tượng, tư tưởng, cảm xúc, lời nói và việc làm. Chúng ta cần tái khám phá “nội lực” của những cản trở này hầu đề ra một chiến thuật dài lâu nhằm chuyển hướng tích cực giúp mỗi người vui sống và tiến bước trên đường hoàn thiện bản thân. |
|
HIỆP THÔNG VỚI CHÍNH MÌNH
Có thể nói, từ khởi thủy, do tội lỗi, con người đánh mất đi sự hiệp thông với mọi tương quan. Thật vậy, khi sa phạm tội, con người khước từ tình yêu Thiên Chúa, tự đánh mất tương giao thân tình với Ngài, Đấng vốn là tình yêu hiệp thông với mọi chiều kích hiện hữu. Thế nên, khi tự tách lìa khỏi tình yêu Chúa, đất bỗng trở nên gai góc (bất hòa điệu với thiên nhiên), con người trở nên thù địch, đổ lỗi cho nhau (bất hòa đồng với tha nhân) và bản thân trở nên xa lạ với chính mình (bất hòa hợp với chính mình). Mà trong giới hạn bài viết, chúng ta chỉ bàn đến sự bất hòa hợp hay bất hiệp thông với chính mình. |
|
NẠN NHÂN CỦA CHÍNH MÌNH
Chúng ta vẫn
thường nghe nói: tôi là nạn nhân của một chế độ hà khắc nào đó, hay tôi là nạn
nhân của một cuộc ly dị bất ngờ, hoặc nữa, tôi là nạn nhân của một sự hiểu lầm
đáng tiếc…Nhưng chúng ta ít khi nhìn nhận: Tôi là nạn nhân của chính mình.
Thật vậy, chúng ta dễ đổ lỗi cho một chế độ, hoàn cảnh gia đình hay người khác
mà bỏ qua một điều hệ trọng là việc nhìn nhận sự thiếu sót nơi bản thân mình.
Chính khi không ý thức đủ về tính trầm trọng của vấn đề mà bản thân lại trở
thành nạn nhân của chính mình. Đó cũng là một trong những trớ trêu của cuộc sống
như lời người xưa cảnh báo: Gậy ông đập lưng ông.
|
|
[1]
1
2 3
4 [3/4] |