Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng

Gs. Nguyễn Văn Thành
Mục Lục

Chương I : Lắng nghe và yêu thương

Chương II: Làm sao chứng minh cho người đang nói là họ được lắng nghe

Chương III : Giá trị "Thanh tẩy" của lắng nghe

Chương IV : Những cạm bẫy khi lắng nghe

Lời cuối : Một lời xin lỗi và một lời cám ơn

Trắc nghiệm "Biết mình"

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !

Lòng Tự Tin - Hành trang cho ngàn năm thứ ba

Khung trời mở rộng bằng con đường thuyên giải

Bản câu hỏi về tính tình

Phát Huy Quan Hệ Xã Hội Trong Vấn Đề Giáo Dục Trẻ Em Tự Kỷ

Trong Đức Kitô

Nguy cơ Tự Kỷ (nơi trẻ em từ 0 đến 7 tuổi)

Trẻ Em Tự Bế (Autistic Children) - Phương thức giáo dục và dạy dỗ

Quan hệ mẹ con : Bài học đầu tiên của cuộc sống

Phương Pháp Tâm Vận Động

Trẻ Em Chậm Phát Triển

Đồng Cảm Để Đồng Hành

Lắng Nghe Chúa Thánh Thần

Đối Thoại Một quê hương Tình Người

Nguyễn Trãi, Vạn Xuân và Đại Việt

Con Đường Bao Dung

Huyền Sử Việt Nam

Tư Duy và Hành Động

Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !
Chương III : Giá trị "Thanh tẩy" của lắng nghe

     "Thanh tẩy" là một thuật ngữ tiếng Việt thuộc ngành tâm lý, y khoa và xã hội, nhằm chuyển dịch một từ gốc Hy-lạp: Catharsis, có nghĩa là trị liệu, thanh luyện, chuyển biến.

Từ tương đương, được dùng trong Kitô giáo là tái sinh, đổi mới, cải thiện hay là metanoya trong tiếng Hi Lạp.

Sỡ dĩ tôn giáo và khoa học nhân văn đang mượn qua, trả lại những thuật ngữ của nhau, vì cả hai đều phục vụ con người. Tôn giáo sẽ xa lìa con người, nếu tôn giáo không lắng nghe khoa học để đổi mới lối nhìn và nhất là phương pháp làm việc của mình. Ngược lại khoa học đang có những thái độ "phản động" muốn chối từ ảnh hưởng của tôn giáo; cơ hồ những đứa con "vị thành niên", bỏ nhà ra đi, muốn sống tự lập. Nhưng tự lập phải chăng là chối bỏ mọi quan hệ đối với bậc sinh thành của mình? Họ không lắng nghe đầy đủ tiếng nói của thời đại? Nhưng không vì vậy mà tôi không có trách nhiệm đổi mới, "cải tử hoàn sinh" hay là thanh luyện cho họ!

Chối từ tinh thần khoa học hay là chối từ vai trò của tôn giáo; chối từ nào cũng là chối từ chính mình. Cả hai đều vong thân, vong bản.

Nói ra những quan hệ chằng chịt ấy, tôi muốn nhấn mạnh một điều. được lắng nghe là nhu cầu thiết yếu của con người thuộc thời đại ngày nay. Đã đến lúc lãnh đạo có nghĩa là lắng nghe người dân. Truyền đạo là lắng nghe người tín đồ. Không có Thượng đế, Bụt, thần nào thường xuyên hiện ra lắng nghe con người. Chính chúng ta đại diện các Ngài để lắng nghe con người đang khổ đau. Chúng ta là những người nối tiếp sự nghiệp lắng nghe của các vị ấy.

Được lắng nghe là một hồng ân để làm mới lại từng ngày tâm hồn và cuộc đời. Nhưng chính chúng ta là HỒNG ÂN ấy. Nhờ sự có mặt của chúng ta, người anh chị em được lắng nghe, mỗi khi họ cần đến.

Lắng nghe là bài học khai tâm cần được dạy dỗ trong môi trường gia đình và học đường.

Lắng nghe là bài giáo lý trước mọi bài giáo lý khác.

Lắng nghe là bài học công dân trước mọi bài học công dân khác...

Hơn ai hết tác giả D. Goleman đã có công bắt mạch nhu cầu ấy của con người trong thời đại hôm nay (11). Theo tác giả nầy, vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, khi khoa học kỹ thuật được phát triển trong mọi ngành nghề, vấn đề được nhiều người lưu tâm là thương số trí tuệ I.Q. Bao nhiêu trắc nghiệm tâm lý được phát minh và chế tạo, nhằm phát hiện chỉ số thông minh của mỗi người. Theo cách nhận định và tiên liệu của các nhà tâm lý thời ấy, một nguời càng có I.Q cao, từ chỉ số 120 - 130 trở lên, người ấy càng có cơ may trở nên những thành phần ưu tú trong xã hội.

Đành rằng mỗi loại trắc nghiệm cố gắng đo lường một thành tố khác nhau có liên hệ với một khả năng tổng quát hay là với một địa hạt hạn hẹp và đặc thù. Nhưng trong bất kỳ trắc nghiệm nào, trí thông minh thường được đồng hóa với lý trí hay là khả năng suy luận bén nhạy.

Cùng chia sẽ một xu thế tư tưởng và hành động, nhiều nhà doanh nghiệp đã sử dụng trắc nghiệm để tuyển chọn công nhân viên, nhất là những thành viên quản trị, lãnh đạo.

Vào cuối thế kỷ 20, ngọn gió đã xoay chiều. Bao nhiêu vấn đề phức tạp nảy sinh ra trong mọi địa hạt. Khủng hoảng đe dọa mọi ngành nghề. Những doanh nghiệp lớn cần được tổ chức lại để đối phó với vấn đề cạnh tranh, thâm hụt ngân quĩ. Hình thức lãnh đạo từ trên rót xuống những mệnh lệnh hoặc chỉ thị, những lề lối kiểm soát một chiều bằng đe dọa, sa thải… không còn tác dụng hữu hiệu, nghĩa là không kích thích được tinh thần trách nhiệm tự phê, tự kiểm trong mỗi người cộng sự viên.

Người dân trong một nước, người thợ trong một xí nghiệp, người giáo viên trong một trường... họ không phải là những con số vô danh, vô tình. Họ là những con người có một bộ óc để hiểu biết và có một quả tim để thương yêu. Cho nên, cho dù ở một vị trí thuộc hạ nhỏ nhất, trong các bậc thang khác nhau, họ có quyền hiểu biết, thương yêu và được tôn trọng.

Để hiểu được chừng ấy "chân lý" và sống chân lý ấy, thương số trí tuệ cho dù có chỉ số rất cao từ 150 trở lên, chưa phải là "điều kiện đủ". Theo tác giả D. Goleman, người lãnh đạo trong thế giới hôm nay phải có một "Trí thông minh coi trọng tình cảm". Thêm vào đó người lãnh đạo phải vun trồng, tưới tẩm và chăm bón một một quan niệm lãnh đạo hữu cơ. Hẳn thực, mọi mệnh lệnh phát xuất từ đầu não. Nhưng tim phổi và từng mỗi bộ phận lớn nhỏ đều đóng góp phần lãnh đạo của mình cho đầu não. Tai họa nào sẽ xảy ra, nếu đầu não chối từ tiếng nói đóng góp của tay chân? Và toàn bộ cơ thể sẽ còn lành mạnh hay không, nếu một thành phần rất nhỏ đang bị thương tổn trầm trọng?

Trong tinh thần và ý nghĩa đó, lãnh đạo là đồng cảm, tạo điều kiện để mỗi người không trừ sót một ai có quyền chia sẽ cùng một nỗi niềm ưu tư và hy vọng, trên con đường làm người. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy trở lại với quan niệm "Trí thông minh coi trọng tình cảm" của D. Goleman. Theo tác giả nầy, con người lãnh đạo ngày mai phải là những người có năm tư cách làm người sau đây:

3.1- Tư cách thứ nhất là khả năng đồng cảm với anh chị em trong mọi tiếp xúc và trao đổi.

Dựa vào những dấu hiệu của ngôn ngữ không lời như liếc nhìn, nét mặt, điệu bộ... chúng ta đọc được tình cảm và nhu cầu của họ. Trái lại, chỉ căn cứ trên ngôn ngữ có lời, chưa hẵn chúng ta thâu đạt những kết quả ấy một cách dễ dàng và tự nhiên.

Cách đây không xa, chừng 10 năm về trước khả năng đồng cảm được gọi là Trực Giác. Và vào thời ấy, trực giác được định nghĩa là một lối hiểu biết tự nhiên, bẩm sinh, không thể học tập hoặc tôi luyện một cách khoa học. Cho nên ngoài lãnh vực nghệ thuật và phát minh, trực giác không phải là một đề tài được nghiên cứu một cách sâu rộng. Nhất là trong địa hạt lãnh đạo.

Trái lại, ngày hôm nay, trực giác và đồng cảm hòa nhập vào nhau. Cả hai đang lập thành một hình thức thông minh coi trọng tinh cảm. Hẳn thực , khi tôi sử dụng ngôn ngữ có lời, để tiếp xúc với một người, ngôn ngữ luôn luôn là khoảng cách giữa tôi và người ấy. Khoảng cách nầy có thể mở ra đến vô tận hay là xích lại gần tùy vào mức độ hiểu biết giữa tôi và người đối diện. Và dù tôi cố gắng xích lại gần, khoảng cách không bao giờ có thể tan biến. Chính vì lý do nầy, theo Hoàng Tử Bé của văn hào Saint- Exupéry, lời nói luôn luôn là nguồn gốc của bao nhiêu ngộ nhận, hiểu lầm.

Ngược lại, khi tôi sử dụng ngôn ngữ không lời, một cách đơn phương tôi chọn lựa tìm cách lại gần người anh chị em. Tôi đồng hành và chia sẽ. Tôi cùng đứng trên mãnh đất quan điểm của họ. Tôi bước đều theo vận tốc suy luận của họ. Tôi cố gắng cảm nhận như họ. Thấy như họ thấy. Một cách nào đó trở thành như họ được chừng nào hay chừng đó, về mặt quan điểm, kiến giải.

Trước khi đến với họ, tôi không đưa ra những điều kiện tiên quyết. Và sau khi đến với họ, tôi không "chấp nhất" nghĩa là bám chặt vào một đắc thủ, một thành tựu cố định. Điều cốt yếu là cùng đi, đồng cảm, đồng hành, chia sẽ. Điểm đến là cả một vùng trời bao la và bát ngát vượt quá tất cả những gì tôi đã nhận và cho trong quá trình đồng hành ấy.

Trên đây, tôi đã nói đến những quan hệ và đóng góp qua lại giữa khoa học và tôn giáo. Và đây là cơ hội khoa học phải lắng nghe tôn giáo, để hiểu được một phần nào tận đìểm, điểm đến khi hai người đồng cảm với nhau.

Về mặt khoa học, St. Covey chỉ dùng được ngôn ngữ hình tượng. Theo tác giả nầy, khi hai người đồng cảm, kết quả là tương tức và tương sinh. Một cộng với một không phải chỉ thành hai, nhưng là vô lượng vô biên (12). Theo cách giải thích của thánh Phaolô, khi tôi đồng cảm với một người "tôi làm Do Thái với người Do Thái. Tôi làm Hy Lạp với người Hy Lạp. Tôi làm nô lệ với người nô lệ".

 Từ cách giải thích của Thánh Phaolô tôi có thể suy diễn ra: Tôi làm Thượng-đế với Thượng-đế. Tôi giúp mỗi người sáng tạo đời mình. Tôi trở thành người Vô Biên, không biên cương nào có thể dung nạp. Tôi ngột thở trong những lằn ranh do con người chế tạo ra và ngôn ngữ ấn định. Không còn một điều kiện hẹp hòi nào có thể trói buộc tôi, khi tôi đồng cảm với người anh chị em.

Đồng cảm trong tinh thần và đường hướng ấy là Tình Yêu không điều kiện. Khi yêu như vậy, theo B.N. Kaufman (13), tôi không đưa ra một điều kiện nào cả. Đồng thời, tôi không chờ đợi người khác trả lui điều gì. Nhờ làm việc với những trẻ em khuyết tâm thần trong vòng 20 năm, tôi mới chứng nghiệm phần nào lời phát biểu của hai ông bà Kaufman. Tôi đã vận dụng mọi khả năng thuộc tim và óc của tôi để phục vụ những trẻ em này. Khi có một tin tức thuộc những ngành nghề khoa học nói về các trẻ em này, tôi tìm mọi cách để tiếp cận, ứng dụng. Ngày đêm tôi đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu. Tuy nhiên, mỗi ngày đứng lớp với những trẻ em này, điều tôi tìm kiếm là vui thích, sung sướng với các em. Tìm mỗi cơ hội và phương tiện nhỏ nhặt để tạo vui thích và vui sướng cho các em. Từng mỗi công việc phải được chuẩn bị một cách khoa học. Tuy nhiên mỗi trẻ em có vận tốc tiếp thu và tiến bộ của riêng mình. Tôi không ép buộc, không nôn nóng bởi vì tôi biết rõ: cho dù có ép buộc với bao nhiêu phương tiện tân kỳ và tổn phí, tôi "không thể mổ bụng gà để tìm trứng gà". Kết quả là con gà chết. Và trứng gà cũng không tốn tại.

Nói cách khác, đồng cảm với ai là nuôi dưỡng người ấy về mặt tâm linh. Họ sinh ra với bản chất thế nào thì tôi tạo điều kiện cho họ trở thành như vậy. Trang tử đã dạy chúng ta: "Chân ngỗng thì dài. Nếu chặt bớt đi, nó chết. Còn chân vịt thì ngắn. Nếu chúng ta kéo dài ra, nó khổ, nó đau!". Tất cả những tác phẩm của J. Gray bàn về quan hệ nam nữ, nhất là trong đời sống vợ chồng, cũng đề cao, dưới nhiều phương diện khác nhau,vai trò của đồng cảm (14). Theo tác giả nầy, người nam cần được coi trọng về mặt khả năng, người nữ có nhu cầu được hiểu biết và chấp nhận về mặt tình cảm. Trong thực tế, thay vì diễn tả rõ ràng "điều mình ước vọng" một cách thành tâm và bình tĩnh; ông cũng như bà, nàng cũng như chàng có xu thế phê phán, tố cáo, hờn trách nhau. Và bao nhiêu xung đột và tranh chấp đều xuất phát từ thái độ ấy.

Cho nên, "học lại" một lối nhìn yêu thương và hiểu biết, "nghe lại" với vành tai đồng cảm và tiếp xúc phải chăng đó là những chìa khóa vàng có thể mở ra một thời đại đặt nền móng trên Tình Thương?

3.2- Tư cách làm người thứ hai là thức tỉnh về đời sống tình cảm và xúc động

Hôm ấy vào mùa an cư, có người đến thăm giáo đoàn của Bụt. Sau một vòng thăm viếng quan sát, người khách hỏi Bụt (15):

"Ở đây Ngài và quí Thầy thực tập và hành đạo như thế nào?"

Bụt trả lời:

"Chúng tôi ăn uống, đi đứng, nằm ngồi ..."

"Và ở ngoài đời chúng tôi cũng làm như thế", người kia hỏi lại.

"Nhưng ở đây, Bụt giải thích, khi ăn chúng tôi biết chúng tôi đang ăn. Khi đi, chúng tôi biết chúng tôi đang đi. Khi nghỉ, chúng tôi biết chúng tôi nghỉ ngơi".

Lời lẽ của Bụt rất đơn sơ giản dị. Duy một từ "Biết" đã thâu tóm tất cả bí quyết hành đạo và sống đạo mà Bụt chia sẻ với những người đến thọ giáo. Theo lề lối giải thích ngày nay trong các thiền viện biết như vậy là sống trong chánh niệm. Lời nói thông thường là thức tỉnh hay là có ý thức.

Trong lãnh vực tâm lý trị liệu, các chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức cũng nói bấy nhiêu điều. Nhưng họ lưu tâm một cách đặc biệt đến đời sống tình cảm, nhất là trong quan hệ tiếp xúc giữa người với người.

Thông thường, ở mọi thời, từ thượng cổ đến ngày nay cũng như ở mọi nơi từ Đông sang Tây, đời sống tình cảm luôn luôn là một vòng mê cung rườm rà, rắc rối và phiền toái. “Cá trong lờ thì đỏ dừ con mắt, cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô“. Hẳn thực, khi đã vào trong vòng mê cung ấy, chúng ta không dễ dàng tìm được lối đi ra.

Ngày xưa Aristote, triết gia người Hy Lạp đã loay hoay với những cơn tức giận của mình (16). Không biết tức giận thì chúng ta không biết khẳng định cái gì là giá trị chân chính cần được chúng ta bênh vực và đòi hỏi người khác phải tôn trọng. Tuy nhiên phải giận khi nào cho đúng lúc? Phải giận với ai cho đúng người? Phải giận ở đâu cho hợp lý? Phải giận đến độ nào cho đúng mức? Phải ăn nói làm sao để diễn tả lòng giận cho hợp tình, hợp nghĩa và hợp đạo?

Khi bàn về khả năng thức tỉnh trong đời sống tình cảm và xúc động, chúng ta đang đối diện hai vấn đề rất lớn:

Một là sự có mặt và ảnh hưởng lớn lao của đời sống tình cảm trong suốt tiến trình làm người.

Hai là thể thức diễn tả và chia sẽ những nhu cầu tình cảm cho người khác.

Bao lâu chưa có đồng hành, đối thoại ở nơi đây, những chương trình, dự định, kế hoạch đối thoại về những vấn đề khác đều là vọng động, vô tưởng, láo khoét, bịa đặt.

Hai vấn đề rất lớn ấy đang còn là những cánh đồng bỏ hoang, trong địa hạt giáo dục, chưa được cha mẹ, thầy cô, các vị lãnh đạo tinh thần lưu tâm một cách can đảm, nghiêm chỉnh và đúng tầm.

Báo chí, truyền thanh, truyền hình đang gióng lên những tiếng còi báo động về tỷ lệ ly dị, về nạn cao bồi du đảng đang hoành hành trong lớp con em mới lớn lên. Có người tưởng rằng: thời thế sẽ qua đi. Đâu sẽ vào đấy.

Thế nhưng, dồn nén, vùi dập một vấn đề cho khuất mắt khuất lòng, đâu phải là phương thức giải quyết hữu hiệu. Bị dồn nén ở một địa hạt được khoanh vùng, có giới hạn rõ rệt, vấn đề sẽ tràn lan, lây tỏa khắp mọi nơi.

Tiến trình dồn nén, ức chế, theo J. Gray bao gồm bốn giai đoạn (17):

Giai đoạn một là đối kháng, chống cự

Một ý kiến được đưa ra. Tôi không đồng ý. Thay vì tìm cách để phát biểu, diễn tả ý định đối kháng đang có mặt trong tâm tưởng, tôi im lặng, bỏ qua. Mầm mống dồn nén đã có mặt như hạt cỏ lùng, trong đồng ruộng tâm hồn của tôi.

 Giai đoạn hai là bực bội giận hờn

Ngày nầy qua ngày khác, tôi tiếp tục im lặng. Đến một lúc nào đó, tức nước vỡ bờ. Nhưng lại một lần nữa, thay vì vỡ bờ, bùng nổ; tôi chọn lựa bỏ qua một lần thứ hai. Nhưng cơn tức không biến tan. Nó vẫn tồn tại, âm ỉ và thiêu đốt nội tâm.

Giai đoạn ba là khước từ, cắt đứt quan hệ

Sức lực tâm linh cho dù mãnh liệt đến độ nào cũng dần dần bị hao mòn sa sút, khi nội tâm tôi đang trải qua nhưng quan hệ xung đột. Và đến một lúc nào đó, tôi hết sức chịu đựng. Tôi đành phải cắt đứt tất cả, khước từ quan hệ và bỏ ra đi, xa mặt, xa lòng. Nhưng lại một lần thứ ba, tôi không có khả năng cắt đứt.

Xác thân ở lại, nhưng tâm trí ở nơi khác. Nhiều khi một cơn bệnh xảy ra lúc nầy. Kẻ khác gắn nhãn hiệu "tôi mất trí". Nhưng thực ra, bệnh hoạn là một lối thỏa hiệp: "Vừa ở lại, vừa ra đi!".

Giai đoạn cuối cùng là Dồn nén, còn gọi là vô thức

Tôi không còn làm chủ đời sống xúc động và tình cảm của tôi. Tôi không còn tiếp xúc với con người đích thực của tôi. Với những cơ chế như trá ngụy, cải trang, dời chỗ, tôi dùng bộ mặt nầy để diễn tả bộ mặt khác. Lời nói "tôi dùng" không hoàn toàn thích hợp. Bởi vì tôi đâu còn là tôi. Tôi bị hóa trang làm một ai khác mà tôi không biết.

Khi sống trong thức tỉnh hay là ý thức tôi "biết", như trên đây tôi đã giải thích. Bây giờ sống trong dồn nén, tôi mê muội, tôi không còn biết. Tôi ở trong chế độ vô thức. Cho nên bao nhiêu sinh lực đều tàn héo. Tôi không còn nuôi dưỡng mộng mơ và hoài bão của ngày còn trẻ trung.

Tuy nhiên, trong đời sống làm người, "không có gì là sự đã rồi". Tiến trình đang chạy tới. Nếu có những vành tai biết lắng nghe đồng cảm, biết lắng nghe vô điều kiện, tiến trình có thể quay ngược trở lui.

Chính vì lý do nầy, trước đây tôi đã nêu ý kiến, lắng nghe phải là bài học làm người trước tất cả mọi bài học làm người khác. Nhờ được lắng nghe trong gia đình, lối xóm, cộng đoàn... tôi được tái tạo và tái sinh. Tôi được trị liệu!

Thế nhưng theo y khoa và tâm lý ngày nay, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hẳn thực, nếu mỗi người được lắng nghe  một cách vô điều kiện từ ngày lọt lòng mẹ, đâu còn có hiểm họa dồn nén như một tù ngục giam hãm con người. Tù ngục nầy vô hình, nhưng có mặt khắp muôn nơi, khi có người đang mạ lị, trách móc, phê phán, tố cáo lẫn nhau. Trái lại khi con người biết ngồi lại, lắng nghe nhau, tạo điều kiện cho nhau diễn tả những xúc động và tình cảm của mình, thời đại Văn Minh Tình Thương đã bắt đầu ló rạng.

Bài học về thể thức diễn tả chính mình cần được khảo sát chi li trong một tác phẩm rộng lớn hơn. Trong khuôn khổ của chương sách nầy, tôi chỉ xin giới thiệu kỹ thuật XYZ của Haim Ginott. Kỹ thuật nầy yêu cầu chúng ta phát huy ba kỹ năng (18) :

Kỹ năng X là phân biệt một cách chính xác đâu là sự kiện khách quan, bằng cách trả lời câu hỏi "Bạn đã làm gì ?".

Kỹ năng Y là phân biệt rõ ràng đâu là tình cảm chủ quan của tôi và đâu là xu thế phê phán, tố cáo người khác. Kỹ năng nầy đi liền với phương thức sử dụng sứ điệp ngôi thứ nhất: "Tôi cảm thấy mình...".

Kỹ năng Z là diễn tả một cách rõ ràng đơn sơ ý muốn của mình đối với người trước mặt mình.

Ví dụ:

Phần X : Ngày qua anh về nhà lúc 6 giờ chiều thay vì 5 giờ như thường lệ. Em đã xin anh cho biết lý do. Anh im lặng không trả lời.

Phần Y : Em vừa buồn vừa tức giận.

Phần Z : Bây giờ em xin anh trả lời cho em về câu hỏi về chậm.

Trong thực tế của tiếp xúc trao đổi hằng ngày, chúng ta có xu thế lẫn lộn ý kiến và sự kiện, xúc cảm và lối nhìn, lời yêu cầu và nguyên tắc hành động. Cho nên, điều cần nói không được nói. Và những người nghe không nắm bắt được điều chúng ta mong muốn.

Ví dụ:

Phần X : Chuyện đi về là thuộc quyền của anh. Nhưng cơm nước dọn ra mà phải ngồi chờ từ giờ nầy, qua giờ khác. Mọi cái đều tanh hôi nguội lạnh.

Phần Y : Em hỏi, anh không nói. Anh khinh em, không coi em ra gì. Hay là anh đang có bồ bịch gì với ai...

Phần Z : Em không cần điều tra làm gì cho mệt. Nhưng anh còn coi em là vợ nữa không?

Sau khi nghe xong lời phát biểu nầy, người chồng không thể nào hiểu được:

- Chính ông ta đã làm gì ?

- Tình cảm của vợ là gì ?

- Vợ yêu cầu mình làm gì cụ thể ?

Và kỳ thực, nếu chúng ta trao đổi như vậy, ngôn ngữ là một nơi phát sinh nhiều ngộ nhận và xung đột.

3.3- Tư cách làm người thứ ba là khả năng hóa giải tình cảm và xúc động

Đối với đời sống tình cảm, chúng ta cần có hai kỹ năng khác nhau. Thứ nhất là thức tỉnh hay là ý thức về sự có mặt của xúc động trong nội tâm. Từ đó chúng ta gọi tên hay là đặt tên, bằng cách diễn tả ra ngoài những nhu cầu và ước nguyện của chúng ta cho người khác. Không biết mình một cách tường tận thấu suốt, chúng ta sẽ dễ dàng có thái độ "lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia". Khi giận, thay vì diễn tả cơn tức giận của mình bằng lời nói, chúng ta mất ăn, mất ngủ. Khi buồn thay vì xác định rõ rệt tôi đã đánh mất điều gì, hay là không thành tựu ở đâu, chúng ta có xu thế trách móc người nầy, đỗ lỗi cho người khác. Nói cách chung, chúng ta lo nhưng không biết mình lo. Chúng ta sợ nhưng không biết mình sợ. Chúng ta thiếu khả năng tiếp xúc với con người hiện thực của mình.

Tuy nhiên, tiếp xúc để lắng nghe chính mình mới là giai đoạn thứ nhất. Một kỹ năng thứ hai, chúng ta cần học tập, tôi luyện, phát huy là Hóa giải. Đời sống tình cảm và xúc động thường được so sánh như một dòng sông luôn luôn thay đổi, lưu nhuận, luân chuyển. Bị ứ đọng, bế tắc hay nằm ù lì tại chỗ, những xúc động của chúng ta  sẽ làm ô nhiễm toàn thể đời sống nội tâm và dần dần xói mòn sức khoẻ tâm trí.

Khi hiểu được tình cảm tự bản chất là một tiến trình, chúng ta sẽ từ từ tôi luyện cho mình khả năng xác định vị trí hiện tại và những hình thức diễn biến trong tương lai. Hiện tại tôi ở đâu? Đang bắt đầu hay là đã đi vào giai đoạn kết thúc? Nếu còn ở giữa môt đoạn đuờng, tôi nên dừng lại, tiếp xúc hay là chuyển hướng, dựa vào tình hình mà tôi đang đánh giá.

Để minh họa một cách cụ thể "Hóa giải là gì", tôi đưa ra ví dụ tôi đang tiếp xúc một người. Những vấp váp, đụng chạm, bùng nổ... có thể xảy ra, nếu tôi có thái độ nhắm mắt đưa chân, gặp đâu hay đó. Tôi chỉ là một khúc gỗ trôi dạt trên dòng sông, tùy vào sức thúc đẩy  của những con nước lên xuống... tôi không làm chủ được gì hết.

Đàng nầy, tôi là một con người. Tôi biết rõ: sỡ dĩ người kia cần tiếp xúc là vì họ cần tôi nuôi dưỡng con người tâm linh của họ.

Nắm vững chỉ bấy nhiêu dữ kiện, tôi đã có thể tiên liệu con đường phải đi như thế nào.

Phải chăng tôi tố cáo, chưởi bới, phê phán la mắng, nạt nộ, hống hách khi phát biểu? Tôi chỉ cần thức tỉnh: bao nhiêu cách làm trịch thượng ấy không có chất lượng nuôi dưỡng tâm linh cho người trước mặt.

Phải chăng tôi bực bội, mất bình tĩnh khi người ấy diễn tả một đôi lời phê bình chỉ trích? Nếu tôi "biết" lắng nghe là cho phép người đối diện phát biểu diễn tả để tìm lại con người đích thực của mình... tôi sẽ bình tĩnh, hồn nhiên đón nhận người ấy, thay vì dừng lại, vướng mắc ở một vài lời nói tự phát, bộc trực.

Thêm vào đó, nếu có thêm chút ít kiến thức về tâm lý tình cảm, tôi sẽ thấy rằng: người phát biểu cũng giống như người vào tiệm tìm mua áo quần. Người ấy cầm chiếc áo nầy, thử chiếc áo khác. Soi gương bên nầy, ngắm nghía bên kia. Rút cuộc, sau bao nhiêu lần cầm lên, bỏ xuống, có lẽ người ấy sẽ không mua gì hết. Khi diễn tả tình cảm, chúng ta cũng làm những điều tương tự: chúng ta đang thử xem có vừa "khẩu vị" của mình không. Thế thôi.

Hiểu được mình như vậy, chúng ta sẽ thương người.

Biết mình như vậy chúng ta sẽ bao dung, cởi mở đón nhận.

Ý thức được tình cảm là những dòng sông với những đợt thủy triều lên xuống trong nội tâm của mình, tôi sẽ giúp đỡ người khác khai thông đời sống xúc động của họ.

Chính vì những lý do nầy, khi chúng ta lắng nghe tình cảm của ai, chúng ta mang đến cho họ môt bầu trời trong xanh, một cõi lòng mênh mông vô tận:

"Hãy lắng nghe im lặng và mênh mông,

"Như người Mẹ hân hoan mở rộng lòng,

"Sẵn sàng cho suốt một đời hiện diện

"Sống vì con trọn lời kinh dâng hiến

"Hãy lắng nghe bao la và vô tận

"Suốt ngày đêm giăng hai tay đón nhận

"Những khuôn mặt quen thân và xa lạ

"Nối kết lại làm Bầu Trời cao cả!"

Về vấn đề hóa giải tình cảm và xúc động, còn có rất nhiều điều quan trọng cần được giới thiệu, trình bày, phổ biến rộng rãi, nhất là cho giới trẻ.

Ở đây tôi chỉ mượn lại kỹ thuật "đổi khung hay là thay khổ" do phương pháp "Chương Trình Sinh Hoạt Thần Ngữ" đề nghị (19).

Bất kỳ tác phong hoặc tình cảm nào cũng có lý do tích cực và chính đáng của nó, để xuất hiện. Lối nói thông thường là phần vụ. Khám phá được phần vụ tích cực của một xúc động chúng ta đã có khả năng hóa giải hay là chuyển biến nó, theo ý thích của chúng ta.

Tôi giận hờn là vì tôi muốn khẳng định một giá trị quan trọng cho đời tôi, mà kẻ khác không hay là chưa tôn trọng. Ví dụ "Đúng giờ" là một điều thiết yếu đối với tôi. Tôi tức giận vì kẻ khác có thái độ co giãn, không tôn trọng chương trình đã được ấn định.

Biết rõ về phần vụ hay là chức năng của tức giân, tôi sẽ khảo sát thêm:

Một, điều quan trọng đối với tôi phải chăng là giá trị được cả một tập thể chia sẽ ?

Hai, trong tập thể phải chăng tôi là người có trách nhiệm về ngày giờ ?

Ba, trong một trường hợp cụ thể, ưu tiên một là đúng giờ hay là một giá trị nào quan trọng hơn ?

Bốn, trong một chương trình, cao điểm cần có mặt của mọi người là gì ? Chỗ nào? Khii nào?

Sau khi khảo sát đầy đủ mọi yếu tố, tôi sẽ phân biệt hai thời điểm khác nhau trong chương trình: Thời điểm họp mặt và thời điểm chủ yếu. Giữa hai trụ điểm, tôi tiên liệu một thời gian đầy đủ cho người "luôn luôn đến chậm". Nếu họ vẫn tiếp tục đến chậm, tôi rút kinh nghiệm đừng xem họ là thành phần cốt cán phải có mặt. Trường hợp họ phải có mặt, tôi xách xe đi tìm. Tôi chủ động. Tôi làm chủ tình thế.

Từ ví dụ nầy, tôi có thể áp dụng phương thức hóa giải cho những xúc động và tình cảm khác.

Tôi buồn là vì tôi đã mất mát hay là vì không thành đạt điều gì. Phần vụ của nỗi buồn là bảo tôi hãy đánh giá lại điều mất và điều còn; điều được và điều chưa được. Trong một cuộc sống quân bình và lành mạnh, điều còn, người còn sống có giá trị hơn điều và người đã mất. Thêm vào đó, điều tôi chưa được hay là không được bảo tôi hãy xét lại mục tiêu: điều tôi muốn có thích hợp với thực tế của tôi không?

Tôi sợ có nghĩa là tôi mắt an toàn. Tôi cần ai hay là điều gì để bênh vực tôi.

Tôi lo có nghĩa vì tôi đang vọng động về tương lai. Hay là một kinh nghiệm quá khứ đang ám ảnh tôi. Trong thực tế, tôi cần làm hai điều: tôi đã tiên liệu những gì tôi có thể làm không? Tôi chủ động thay vì ngồi chờ. Điều thứ hai là sống trong giây phút hiện tại. Le Présent trong tiếng Pháp có hai nghĩa là quà tặng và hiện tại. Phải chăng hiện tại là món quà cao quí và thiết thực, tôi cần tận hưởng, sung sướng, hạnh phúc thay vì đứng núi nầy trông núi nọ? Phải chăng quá khứ đã qua rồi; tương lai thì chưa tới! Hiện tại là phúc lợi đang có trong lòng bàn tay!

Tôi bất mãn, khi tôi chưa hài lòng. Đây là lúc tôi cần đánh giá cuộc đời: Cái gì cần sửa sai? Cái gì cần bổ túc? Và cái gì cần kiện toàn. Không có thất bại cho những ai biết làm người. Trái lại, như văn hào Paolo Cuelho thường nhắc nhở, nếu tôi nuôi ẵm hoài bão làm người, mọi cái xảy đến cho tôi - trong đó có thất bại - đều là những bài học, những đóng góp gần xa. Theo thánh Phaolô, thậm chí tội lỗi cũng là cơ hội để phước hạnh có thể tràn ngập tâm hồn.

Khi chúng ta sống được tinh thần và kỹ năng hóa giải cuộc đời như vậy, tình cảm và xúc động không còn là chướng ngại vật, làm tê liệt mọi sức sống và niềm mơ! Không còn là những vòng mê cung làm chồn chân những ai cưu mang Đại Dương trong tâm hồn và sáng rực ánh lửa của mặt trời trong đôi mắt. Trái lại, tình cảm và xúc động trở thành những người bạn thân thương. Họ đứng chờ ở khắp mọi nẽo đường của cuộc sống, với những sứ điệp oai hùng và diệu vợi, giống như lời sấm mà thi sĩ Trụ Vũ đã la hét lên, giữa bầu trời còn tang thương và tối tăm của đất nước:

"Bởi vì mắt thấy trời xanh

"Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.

"Bởi vì mắt thấy biển khơi

"Cho nên mắt cũng xa vời đại dương". 

3.4- Tư cách làm người thứ bốn là khích lệ và động viên bản thân và cuộc đời

Trong hai phần vừa qua, một cách gián tiếp chúng ta đã bàn đến khả năng động viên như một tư cách làm người. Hẳn thực, khi đồng cảm với ai dù duới hình thức nào, tôi đã tạo điều kiện cho người anh chị em ấy ý thức về mình và phát huy chất lượng làm người. Và khi giúp đỡ kẻ khác làm người, tự khắc tôi làm người. Vì lý do nầy, trước đây tôi đã có dịp nhấn mạnh ảnh hưởng qua lại giữa hai tác động nhậncho. Càng cho, tôi càng nhận. Và càng nhận, tôi càng có trách nhiệm phải cho. Tôi không thể làm người một mình. Khi làm người, tôi làm người với kẻ khác. Nhờ kẻ khác. Và cho kẻ khác. Cũng vậy giữa học và dạy cũng có những quan hệ hai chiều tương tự. Khi tôi sẵn sàng học, tự khắc ông thầy xuất hiện. Và khi tôi đã học đến nơi đến chốn, chẳng hạn học lắng nghe, tự khắc kỹ năng nhuần nhuyễn của tôi là yếu tố thuận lợi cho kẻ khác học làm người.

Trong vấn đề hóa giải tình cảm và xúc động, chúng ta cũng gặp lại những liên hệ tương tức và tương sinh như thế. Hữu xạ tự nhiên hương. Hẳn thực khi con người bé mọn của tôi là một hương thơm, tự khắc hưong thơm ấy lan tỏa và thấm nhuần cho kẻ khác. Theo đạo Bụt, tôi chỉ cần sống trong chánh niệm, thì toàn thể đại dương chánh niệm đã có mặt. Có người trước tôi, sau tôi và đâu đó cùng với tôi đã, đang và sẽ tiếp nối công trình thức tỉnh hay là giải thoát của Đức Bụt. Cho nên tôi không có chi để sợ. Thời mạt pháp hay là pháp nạn không thể xảy ra, nếu chính tôi đang đốt cháy ngọn đuốc chánh niệm trong cuộc đời.

Kitô giáo cũng cung ứng cho con người những sứ điệp tương tự. Nếu mọi người lắng nghe Giáo huấn của Thánh Phaolô, ở đây và bây giờ họ đã và đang là cung đền của Chúa Thánh Linh. Và Ngài ở đâu thì ở đó là quê hương của An Bình và Phúc Lạc. Cho nên để khai trương thời đại làm Giáo Chủ của mình, Đức Gioan-Phaolô II đã nhắc đi nhắc tới sứ điệp của Chúa Kitô: "Anh em đừng sợ. Thầy có mặt". Nói đúng hơn, chính chúng ta hãy có mặt để kéo dài và mở rộng quê hương an bình cho mọi người, bất phân chủng tộc, màu da, chánh kiến...trên quả đất này.

Nhắc lại hai sứ điệp của hai tôn giáo lớn đã đánh dấu đậm nét hai nền văn hóa Đông và Tây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: làm người chúng ta có trách nhiệm củng cố và động viên anh chị em hai bên cạnh. Họ đang hoang mang khắc khoải. Ngày ngày những phương tiện truyền thông xã hội đang nhai đi nhai lại những của ăn chia rẽ, hận thù. Giới trẻ đang bị đầu độc bằng những phim ảnh bạo động, chết chóc... Còn chúng ta, chỉ đứng trên bình diện làm người, chúng ta đang làm gì, đang là ai để động viên mình tiến tới. Để động viên anh chị em hai bên cạnh đứng lên, đi hết đoạn đường làm người, với tất cả hăng say và nhiệt lực của con người hãnh diện làm người. Đường chúng ta đi không thể kết thúc bằng nghĩa địa. Chết đối với những ai biết làm người, không phải là "Chấm hết". Cuối đời con sâu phải chăng là đầu đời con bướm?

Trên đây, khi có dịp nói qua về phương diện lãnh đạo, tôi đã cùng với tác giả D.Goleman bắt mạch nhu cầu của con người trong thời đại mới, từ năm 2000.

Lãnh đạo theo mẫu thức Kim tự tháp không đáp ứng những khát vọng và đòi hỏi của con người trong thế giới ngày hôm nay. Điều khiển bằng cách từ trên rót xuống, kiểm soát bằng những hệ thống công an mặt chìm mặt nổi, chỉ đẻ ra một thế hệ bị động hoặc phản động. Một thế hệ lưu manh, côn đồ, đạo tặc chuyên môn về buôn lậu ở ngoài vòng pháp luật. Một thế hệ áp bức bóc lột vô lương tâm, sống bên cạnh những bà già đơn côi, những trẻ em bị cuộc sống ép buộc làm bụi đời. Những bà mẹ thiếu đồng lương tối thiểu, không có an sinh xã hội.

Đó là hoa trái đắng cay của thế giới hậu cộng sản. Nhưng đó cũng là kết quả của một xã hội tự do và tư bản quá khích. Ở bên này cũng như ở bên kia, mấy ai có thể làm người, bên cạnh những "đầu trâu mặt ngựa" với những mặt nạ đạo đức giả như vậy?

Liệu một hình thức lãnh đạo hữu cơ có thể được cưu mang và ra đời trong lòng nhân loại không? Hai yếu tố tạo nên bản chất của mô hình lãnh đạo này. Ở đây quan hệ không những đi xuống mà còn đi lên. Bên cạnh chiều dọc còn có chiều ngang. Đời sống gồm có bề mặt nhưng cũng coi trọng nội tâm. Đành rằng phải có lý. Nhưng Lý lắng nghe Tình. Và Tình chỉ phục vụ Lý, thay vì thọc gậy bánh xe hay là tạo nên những mạng lưới gia đình trị, thần tượng hóa cá nhân. Nói tóm lại, đồng cảm có mặt trong quan hệ giữa người với người. Mọi người đều chia sẻ vai trò và trách nhiệm lãnh đạo.

Yếu tố thứ hai của lãnh đạo không phải là điều khiển, lèo lái, chỉ huy áp đặt. Nhưng là tạo điều kiện để những thành viên lắng nghe nhau, nuôi dưỡng nhau. Quê hương, cộng đoàn, tập thể, xã hội không phải là một thùng than hay một thùng đá. Trong đó viên đá trên đè bẹp viên đá dưới. Mạnh ai nấy sống. Trái lại, trong một hộp hoa hay trái, có sự tôn trọng lẫn nhau. Hoa nầy ở với hoa kia. Quả nầy bên cạnh quả khác. Mọi thành viên có một không gian, một chỗ đứng, một "địa vị". Ai ai cũng biết nhau. Lắng nghe nhau. Không ai là vô danh tiểu tốt. Không ai là người ngoài, đứng bên lề... đứng chầu rìa hai bên.

Trong một cơ cấu tổ chức như vậy, người lãnh đạo cao cấp tất nhiên phải có, như đầu não của một cơ thể. Nhưng lãnh đạo hữu cơ là người biết lắng nghe, có mặt, động viên người nầy để nuôi dưỡng người kia. Tâm lý sư phạm ngày nay sử dụng lối nói "làm trung gian, bắc cầu" để nối kết, tạo gặp gỡ. Đó là vai trò của người giáo viên. Phải chăng đó cũng là "dịch vụ" của người lãnh đạo. Dịch vụ phải được hiểu là thể thức phục vụ người khác.

Nói tóm lại, người lãnh đạo theo mẫu thức hữu cơ là người động viên thúc đẩy kẻ khác làm người với nhau, nhờ nhau và cho nhau. Cơ hồ đầu máy của một chiếc xe ô tô. Đầu máy cần bốn bánh xe, xăng nhớt, tay lái... thế nào, thì người lãnh đạo cũng cần anh chị em mình như vậy.

Theo D. Goleman, để có thể động viên hay là lãnh đạo, trong một tinh thần như thế, mỗi người cần hội tụ những điều kiện hoặc kỹ năng sau đây:

Một: Bén nhạy:

Như một người lính canh phòng trong đêm tối; họ sẵn sàng thấy, sẵn sàng "ngửi", sẵn sàng nghe.

Hai: Lối nhìn tích cực:

Họ khám phá được những năng động để tạo sức bật, ở giữa một đại dương bị động.

Ba: Có mặt:

Họ thức tỉnh về mình, về người, về thời thế.

Bốn: Thực tế:

Họ nắm vững và liệt kê đầy đủ những năng động có mặt, đồng thời không nhắm mắt trước bao nhiêu bị động. Từ đó, người thực tế sẽ tổ chức và sắp đặt làm sao để yếu tố năng động vượt qua được yếu tố bị động. Đó là tài khéo léo về mặt tổ chức, xếp đặt , sử dụng người.

Năm: Lối nhìn xa và rộng:

Họ có những viễn tượng bao la và rộng rãi. Sống ở đây, họ đã tiên liệu nắng mưa cho những thế hệ sắp tới. Cho nên họ không bao giờ bị đánh du kích. Đây là một hình thức có mặt và thức tỉnh.

   Nhờ nhìn rộng, nhìn xa, họ có phương pháp khoa học lên kế hoạch, xác định mục tiêu từ dài đến ngắn hạn.

Sáu: Sống trong hiện tại:

Tuy dù cưu mang những viễn tượng xa xôi, họ sống không xa lìa hiện tại. Mỗi ngày họ rỉ rả "cháo nóng húp quanh". Cho nên họ không ngụp lặn, chới với trong những ảo ảnh, ảo tưởng. Họ thành tựu những bước đi cụ thể hàng ngày. Họ biết "góp gió thành bão"

Bảy: Đánh giá:

Bởi vì họ lắng nghe, bén nhạy cho nên họ mềm dẻo linh động, biết đánh giá và kiểm chứng thực hư, biết tiếp thu một tin tức, một nhận xét, một lời phê bình. Khi đánh giá, họ khảo sát ba bình diện:

   - Công việc hằng ngày có được thực hiện hay không, thế nào, kết quả?

   - Lối nhìn còn thích hợp hay không? Cần sửa sai, bổ túc và kiện toàn thể nào?

   - Quan hệ hàng dọc và hàng ngang: ai cần được họ lắng nghe và nuôi dưỡng trong toàn thể cơ cấu tổ chức, liên hệ đến kế hoạch?

Nói tóm lại, để có thể động viên và tạo niềm tin cho người khác, thứ nhất tôi phải có tư cách làm người và tôn trọng những con người đang hợp tác. Tôn trọng ở đây có nghĩa là lắng nghe, đồng cảm, nuôi dưỡng.

Thứ hai, tôi phải là con người có khả lực, biết làm việc một cách hữu hiệu với những kỹ năng khoa học. Đồng thời tôi cũng có những khả năng trên bình diện tiếp xúc và trao đổi.

Tắt một lời, tư cách bên trong nội tâm và kỹ năng khoa học trong công việc , đó là đồng tiền hai mặt tôi cần xem xét mỗi ngày để có thể động viên người anh chị em, trên khắp mọi nẻo đường của Đất Nước.

***

Tóm lược:

Để động viên ai, chúng ta gây ý thức cho họ thấy rõ ba điều:

- Con người họ là một giá trị,

- Cuộc đời có ý nghĩa, đáng sống,

- Sự có mặt của họ ở đây và bây giờ không phải là một ngẫu nhiên. Sự có mặt ấy là một sứ điệp, một hồng ân cho mình và cho người khác.

Giới trẻ ngày nay đang cần những vị bồ tát Trì Địa, Thường Bắt Kinh, ngày ngày rỉ tai cho họ câu chú niệm của Tự Lực văn đoàn "Anh phải sống". Vâng! Em phải sống! Đừng buông tay trong thác lũ của cuộc đời. Sống để cho Tình Yêu trở thành bất diệt.  

3.5- Tư cách làm người thứ năm là xây dựng và phát huy quan  hệ giữa người với người

Quan hệ là gì?

Trong tác phẩm lừng danh của Saint-Exupéry, con cáo đã trả lời cho "Cậu bé Hoàng Tử" (20) :

- Ngày ngày chúng ta đến đúng hẹn, để có mặt với nhau.

- Trước giờ hẹn, chúng ta nôn nóng. Chúng ta trang điểm tâm hồn.

- Sau giờ hẹn, chúng ta hồi tưởng, nhớ mong.

- Trong lúc hẹn, chúng ta từ từ xích lại gần nhau. Chúng ta tạo nên quan hệ, càng lúc càng gần. Càng lúc càng thinh lặng để đồng cảm.

- Nhờ quan hệ, chúng ta trở nên độc nhất vô nhị cho nhau. Giữa một vườn hồng, tôi chỉ thương, chỉ nhớ một bông hồng duy nhất; bởi vì tôi đã thiết lập quan hệ với bông hồng ấy.

- Nhờ có quan hệ giữa chúng ta, cuộc đời vô nghĩa trở thành có nghĩa. Những điều vô vị trước đây , bây giờ trở thành có ý vị.

Con cáo chỉ thèm gà. Đồng lúa vàng chỉ tạo nên nhàm chán, không có ích lợi gì. Sau khi quen thân với cậu bé hoàng tử có mái tóc óng vàng... bỗng nhiên cánh đồng lúa vàng trở nên cần thiết, quan trọng và thiết thân.

Con cáo rất sợ những người thợ săn. Nghe tiếng chân của họ, con cáo đã vội vàng chạy trốn, chui vào lòng đất. Từ ngày biết chờ đợi bước chân của cậu bé hoàng tử, con cáo không còn run sợ, kinh hoàng... Những bước chân nầy nhắc nhớ những bước chân kia.

Qua những trao đổi trên đây giữa con cáo và cậu bé hoàng tử, chúng ta nhận thấy rõ ràng: Nhờ quan hệ, chúng ta trồng tỉa những ý nghĩa trong cuộc đời bằng cách:

" ... biến không thành có,

"Hóa bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ,

"Chuyển luân rác, nuôi sống những cánh đồng,

"Giữa sa mạc, làm tuôn chảy dòng sông

"Trong chết chóc, vun trồng hạt mầm sống

"Đường chúng ta là Thứ Tha và Hy Vọng".

***

Mỗi lần bàn về quan hệ giữa người với người trong bất kỳ địa hạt nào, tâm lý ngày nay luôn luôn khảo sát ba bình diện khác nhau:

3.5.1- Bình diện thứ nhất là lối nhìn, kiến giải

Khi bắt đầu thiết lập quan hệ với một người khác, dù ý thức hay vô thức chúng ta đang xây dựng trong tâm tưởng một lối nhìn về người ấy:

Người ấy khác tôi và tôi phải tôn trọng quyền khác biệt ấy. Nếu tôi bắt đầu đặt vấn đề, cảm thấy căng thẳng bực bội về tính khác biệt ấy; chất lượng của quan hệ đang trên đường suy sụp, tàn lụi. Một trong những dấu hiệu về hiểm họa xung đột ấy là tôi muốn người ấy thay đổi theo cách thức và ý muốn của tôi. Họ trở thành đối tượng, đồ vật trong kiến giải của tôi.

Dấu hiệu thứ hai là tôi muốn làm vui lòng người ấy từ A đến Z, bằng cách chối từ, không coi trọng những nhu cầu và ước vọng của tôi. Một cách nào đó, tôi làm con kỳ nhông, uốn mình theo màu sắc của người đối diện.

Tôi tìm cách làm đối tượng được thương và đồng thời tôi khước từ làm chủ thể trước mặt một chủ thể.

Dấu hiệu thứ ba: Tôi tố cáo, phê bình chỉ trích và mạ lị người trước mặt tôi. Đành rằng tôi có quyền đưa ra những nhận định đóng góp xây dựng về tác phong của người ấy. Tuy nhiên, dù sao chăng nữa, con người họ là một giá trị cần được tôi trân trọng.

Dấu hiệu thứ bốn: tôi muốn bao che cứu vãn người khác. Dấu hiệu nầy rất giống dấu hiệu thứ hai về mặt nội dung. Theo S. Karpman, khi bao che và cứu vãn, tôi vừa làm, vừa bực tức về chính mình. Con người của tôi bị chẻ làm hai, tôi thiếu nhất quán. Tôi nhận giúp đỡ một người. Nhưng một tiếng nói trong tôi cứ eo xèo, nhễ nhãi: "Tại sao cứ mầy làm. Còn có bao nhiêu người khác. Tôi lo cho người khác. Nhưng ai lo cho tôi?" Trong mọi công việc, nhất là trong những loại "Phúc đức, bác ái, từ bi..." tôi cảm thấy bị ép buộc phải làm. Nhưng tôi lại bực bội, càu nhàu, tiêu cực, than trách vì người khác không làm như tôi.

Hiện tượng nầy rất thường xảy ra trong quan hệ vợ chồng. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, bà vợ nào lúc về nhà, cũng cảm thấy phải nấu cơm, phải tắm giặt cho con cái, phải lau chùi nhà cửa... Nếu không làm, bà tự trách mình, bà không an tâm. Nhưng khi làm, bà bực bội, càu nhàu: "Tại sao cứ phải tôi!".

Về phía người chồng, cũng có những tâm trạng tương tự: "Tôi làm, thì bà chê bên nầy, bên kia. Có khi bà làm lại tất cả từ đầu chí cuối. Nếu tôi nghĩ ngơi không làm, bà lại nói xuôi nói ngược, không cho tôi nghĩ ngơi. Vậy tôi phải xử sự thế nào đây?

Trong quan hệ giữa người với người, chúng ta thường có cảm tưởng "phải làm cho người khác hạnh phúc". Đó là một ảo tưởng rất lớn lao. Tôi chỉ tạo điều kiện thuận lợi, với tất cả khả năng và cố gắng của tôi. Chính người khác, trong đó có cả cha mẹ, vợ chồng, con cái, chính họ mới có thể làm cho họ hạnh phúc. Chính họ là chủ thể, là tác giả của đời họ. Chính họ là NHÂN. Tôi chỉ là DUYÊN.

Khi tiếp xúc, trao đổi với người khác, nếu thực sự tôi hạnh phúc, thanh thản, an bình, đầy sinh lực, quan hệ giữa tôi và người ấy đã hài hòa, tốt đẹp 50% về phía tôi. Tôi sẽ nhìn người với đôi mắt đồng cảm. Tôi sẽ lắng nghe được tiếng gọi tình thương trong cõi lòng của người đối diện. Thậm chí khi họ khổ đau và khổ đau tràn trề, lây lất trong ngôn ngữ phê phán, tố cáo, hằn học...tôi cũng nhận ra được tiếng gọi cầu cứu S.O.S. "Hãy thương tôi. Hãy nuôi dưỡng chăm sóc tôi. Tôi đói tình người. Tôi khát lòng hiểu biết".

Và khi tôi ghi nhận được sứ điệp tình thương ấy, tôi biết tôi sẽ trả lời với một ngôn ngữ nào: ngôn ngữ tình thương, ngôn ngữ hiểu biết. Kẻ khác, bất kể với bộ mặt nào đều là cơ hội thuận lợi cho phép tôi diễn tả bản chất đích thực của tôi: Tôi là sứ điệp, là sứ giả của Tình-thương từ ngày tôi có mặt trong cõi đời nầy. Hẳn thực, tôi đang cho. Nhưng nào tôi có hay: chính trong giờ phút hiện tại nầy, trời đất trăng sao, cỏ cây... đang trao cho tôi bao nhiêu quà tặng quí giá. Tôi chỉ là hạt nước. Nhưng hạt nước ấy đang cưu mang Đại-dương trong lòng mình.

3.5.2- Bình diện thứ hai là động cơ thúc đẩy

Khi hai người khác nhau tìm lại với nhau, duy có một động cơ thúc đẩy họ thiết lập, phát huy và nuôi dưỡng quan hệ hai chiều qua lại là "Chúng ta cần nhau. Chúng ta bổ túc nhau. Chúng ta nuôi dưỡng nhau về mặt làm người". Nhờ vậy, họ mở lòng đón nhận nhau, học hỏi và tìm hiểu nhau. Cuộc sống ngày qua ngày lặp lại và tiếp diễn không ngừng. Nhờ quan hệ, cuộc sống ấy luôn luôn được đổi mới, tái dựng và thanh luyện.

Nếu con người đánh mất đi mục đích tối hậu ấy là củng cố, bổ túc và kiện toàn cho nhau, mọi quan hệ cho dù trước đây rất hài hòa, tốt đẹp và sung mãn, đang bắt đầu trở thành tranh chấp, xung đột. Từ thái độ chia sẻ, đồng hành, chúng ta sẽ từ từ bị ngụp lặn trong những phân biệt nhị nguyên: phe nầy thắng, phe kia thua; phe nầy tốt, phe kia xấu; phe nầy có lý, phe kia vô lý; phe nầy đúng, phe kia sai... Và khi chọn lựa theo phe nầy, tự khắc chúng ta loại thải phe bên kia.

Để có thể nuôi dưỡng cho nhau, theo J. Gray, chúng ta hãy khám phá nhu cầu cơ bản của nhau (21):

Chẳng hạn, bản chất của người phụ nữ là cho, phục vụ. Càng có khả năng cho, họ càng sung mãn, hạnh phúc, vì họ thể hiện được bản chất đích thực của mình. Trái lại, khi họ sử dụng những ngôn từ tranh chấp, đòi hỏi, tấn công... đó là những hiện tượng bên ngoài, bề mặt đang bộc lộ cho chúng ta một tâm hồn bất an, căng thẳng, cô đơn, mất lòng tin vào mình và vào người khác.

Nếu dừng lại ở bề mặt ngôn từ, để giải thích, tranh biện, lý luận...chúng ta chỉ làm công việc "đàn gảy tai trâu". Thể theo ngôn ngữ hình tượng, chúng ta vặn sai đài, sai kênh. Chúng ta chọn sai số.

Nếu có kỹ năng bén nhạy về tâm lý của người phụ nữ chúng ta hãy đi tìm tần số tình cảm và xúc động:

"Em có đìều gì bực bội?

"Em thấy trong mình thế nào?

"Em có gì bất ổn?

"Chúng ta cùng ngồi lại chia sẻ với nhau đi!".

Thay vì chỉ im lặng, lắng nghe đồng cảm, chúng ta - nhất là phái nam - có xu thế làm người "vệ sĩ" nhảy vào can thiệp, đề nghị cách giải quyết đưa ra lời khuyên bảo.

Nói tóm lại, đối với người phụ nữ có vấn đề, lắng nghe và đặt câu hỏi để cho họ tha hồ diễn tả, bộc lộ tình cảm tiêu cực của mình, đó là phương thuốc trị liệu có thể hàn gắn mọi vết thương lòng. Họ muốn diễn tả tâm tình. Họ cần có người lắng nghe, đồng cảm.

Đối với người đàn ông, trái lại, vết thương làm họ đau nhức và tê tái đến cùng độ là lòng tự ái bị đụng chạm. Câu nói có thể làm cho họ choáng váng và khủng hoảng đến cùng độ là “Anh làm gì cũng hỏng bét hết“...“Mầy không còn dùng được vào bất cứ việc gì!".

Sau một ngày căng thẳng tại sở làm, họ cần chơi thể thao. Họ rủ nhau chơi bài, đánh đô-mi-nô... Lề lối giải quyết ấy được tâm lý ngày nay đặt tên là giảm hạ kích thước. Tiếng Anh là Chunk size. Họ thắng khi chơi đô-mi-nô, hay là họ hòa đồng với bạn bè ở trong môi trường thể thao, giải trí... họ có thể tìm lại được lòng tin: tôi có thể thành tựu trong cuộc đời. Bạn bè vẫn thương tôi, vẫn quí tôi, vẫn nâng đỡ tôi. Dù có thua, điều cốt yếu là tôi làm cho bạn bè hạnh phúc. Và những ván cờ đô-mi-nô đã chứng minh điều ấy cho họ một cách cụ thể.

Vậy qua những dữ kiện khách quan ấy, mà ai ai cũng có thể chứng nghiệm và kiểm tra, chúng ta khám phá được gì? Nói đúng hơn người đàn ông - trong mọi địa hạt, tôn giáo cũng như nghề nghiệp, gia đình cũng như xã hội - họ cần gì?

Tâm lý đã trả lời: Người đàn ông cần biết, thấy và nghe "mình đã thành tựu, mình có khả năng, mình hữu dụng". Trong lãnh vực gia đình, người chồng hãnh diện vì "đã làm cho bà vợ hạnh phúc sung sướng, đã nuôi dạy con khôn lớn...".

Câu hỏi thứ hai: họ muốn gì?

Và câu trả lời: họ muốn được người khác khen, cho dù họ làm bộ khiêm tốn bên ngoài.

Tuy nhiên "khen" ở đây phải hiểu theo đúng nghĩa của nó là đánh giá một cách tích cực và hiện thực. Tiếng Pháp là Apprécier correctement. Ý nghĩa thứ hai của khen là "Valider". Các từ điển ở Việt Nam thường dịch là "hợp thức hóa". Theo tôi, Valider có nghĩa là coi trọng một người; nhận họ là một giá trị đích thực bằng cách khám phá một cách cụ thể họ có khả năng làm gì, trong địa hạt nào.

Vậy khen ai một cách đúng đắn - thay vì nịnh bợ, vuốt đuôi, tung hô một cách láo khoét, giả tạo - là khám phá được và nói ra một cách chính thức điểm tích cực của một người. Khen như vậy, theo R. Feuerstein, là một kỹ năng khoa học, bao gồm mấy động tác cụ thể sau đây (22):

Một: Tôi nêu lên sự kiện khách quan.

Ví dụ: "hôm qua, trong bài thuyết trình, bạn nói ngắn gọn chỉ 10 phút.

Bạn nêu lên ba ý tưởng ai ai cũng nắm bắt dễ dàng: một, hai, ba...

Hai: Tôi nêu lên lối nhìn tích cực.

Theo tôi nhận xét, trong khi bạn nói, ai ai cũng chăm chú nghe và sau đó mọi người đều hài lòng, thích thú. Họ cảm phục và bạn đã chinh phục họ.

Ba: Tôi cho biết tình cảm.

Phần tôi, tôi sung sướng đã học được với bạn ba điều... Tôi cám ơn bạn đã chuẩn bị chu đáo bài nói chuyện.

Nếu được khen như vậy, người trước mặt sẽ được nuôi dưỡng về mặt tự tin. Khả năng của họ sẽ được củng cố. Và trong những lần nói chuyện sau nầy, họ còn tiến bộ hơn.

Qua những nhận xét trên đây về tâm lý người nam cũng như về nhu cầu cơ bản của của người nữ, tôi muốn gây ý thức rằng: lắng nghe nàng nói và tìm cách khen chàng thuộc về tư cách làm người. Tôi còn muốn thêm: đó là những tác phong "bác ái và từ bi" khả dĩ mang lại hoan hỉ và hạnh phúc cho người khác, và làm vơi đi bao nỗi khổ đang trấn ngự trong tâm hồn của họ. Đó là một lối "hành đạo" thiết thực trong cuộc sống thường ngày, thuộc thời đại Nghìn Năm Thứ Ba.

Nếu quan hệ giữa người với người thực hiện đuợc những kết quả như vừa được đề xuất, quan hệ ấy đã đi vào chiều kích mà St. Covey đã đặt tên là "tương tức và tương sinh".

Hẳn thực, như trên đây tôi đã đưa ra nhận xét, nếu trong quan hệ giao tiếp, một người trong hai đã biết sống hạnh phúc, bao nhiêu vấn đề đã được giải quyết 50%. Bây giờ nếu cả hai người có quan hệ với nhau đều hạnh phúc, con đường họ đi sẽ là "Thứ Tha và Hy Vọng". Nới đến Thứ Tha, lập tức tôi nghĩ đến hình ảnh của Đại dương: Trong lòng biển mặn của Đại dương, mọi ô nhiễm sẽ được thanh luyện. Đại dương cũng là điểm hẹn của tất cả mọi dòng sông, dòng nước trên địa cầu. Đại dương đồng thời cũng là nơi xuất phát của mọi đám mây tưới mát mặt đất và mang sự sống cho mọi sinh vật, trong đó có loài người.

Hy vọng, trái lại, là điểm hội tụ của mọi hoài bão và mộng mơ. Tôi hình dung nơi đó không một đứa trẻ nào sẽ mồ côi. Không một người vợ nào sẽ góa bụa, đơn côi. Không một người chồng nào sẽ bị coi thường chán chê. Không ai còn lang thang, không biết đêm nay mình về đâu. Nơi đó, cho dù vụng về, ngây ngô đến độ nào, giống như cô Ravie, mặt mũi mỹ miều nhưng ngơ ngác, trong các máng cỏ ở miền nam nước Pháp... tôi vẫn có chỗ đứng, vẫn có việc làm, vẫn có phần cơm. Không ai bị bỏ rơi, cho ra rìa. Mọi người được chấp nhận và đón nhận. Người nầy làm "nơi nương tựa" cho người kia.

    3.5.3 Bình diện thứ ba là tác phong,

    ngôn ngữ

Trong những nhận định trước đây về quan hệ giữa người với người, tính khác biệt thường được nhắc lui nhắc tới, như một điều kiện cơ bản. Quan hệ không còn hài hòa, tốt đẹp, tương kính và tương nhượng, nếu điều kiện khác biệt bị coi thường. Nói khác đi, khi hai người đồng hành, đồng cảm, điều ấy không có nghĩa là hai người hòa nhập, tan loãng, đồng hóa, trở  thành một. Trong mối quan hệ hòa nhập, còn gọi là hòa sinh - tiếng Pháp là symbiose - người nầy trở thành chi thể của người kia. Người nầy buồn, người kia mất ăn mất ngủ. Người nầy căng thẳng, người kia bất an, Người nầy trầm cảm, người kia mất hết sinh lực. Cho nên họ mất khả năng nuôi dưỡng, củng cố nhau.

Trong vai trò của người lắng nghe, đồng cảm, khi tôi bị cuốn hút trong loại quan hệ hòa sinh với người kia, nhất là khi họ bị khổ đau tràn ngập, tôi sẽ đánh mất khả năng tái sinh và thanh luyện người ấy. Nói cách khác tôi không còn lắng nghe, không biết đồng cảm. Lúc bấy giờ, thay vì tương sinh cho nhau, tôi và người sẽ trở thành hai đối phương trong một quan hệ tranh chấp và tranh cãi. Và dấu hiệu đầu tiên khai trương cuộc đấu khẩu qua lại nầy là tôi có phản ứng tự vệ, khi người kia tấn công, phê bình.

Phản ứng tự vệ có mặt, khi tôi bắt đầu giải thích, tự bào chữa, sử dụng lý lẽ để chứng minh người kia nói sai.

Tôi còn nghe rõ mồn một bên tai lời la mắng của cha mẹ Việt nam: "Mầy câm mồm đi có dược không? Tao nói gì ra, mầy lập tức cãi lại. Đồ con mất dạy!".

E. Berne đã có những nhận xét rất tinh vi và thích hợp: khi người Cha Mẹ phê phán, độc tài hiện hình thì nhân vật Trẻ Em phản động cũng xuất đầu lộ diện (23).

Thực ra Cha Mẹ độc tài chỉ là bề mặt. Chiều sâu là con người Trẻ Em trong Cha Mẹ, đang khổ đau, lo sợ không biết diễn tả con người đích thực của mình.

Và nhân vật Trẻ Em phản động cũng là Trẻ Em khổ đau.

Hai nhân vật đang hòa sinh, hòa nhập. Họ đang luẩn quẩn trong vòng khổ đau với nhau.

Để thoát ra khỏi vòng luân hồi khổ đau ấy, như trên đây tôi đã đề nghị, một người trong hai phải sáng suốt can đảm cắt đứt vòng luân hồi khổ đau. Nhận thấy người kia khổ đau, tôi tự khắc chuyển hướng: trở thành người lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ.

Tại sao tôi phải là người đi bước đầu? Và không phải là người kia?

"Làm ả ngửng mặt lên!". Câu tục ngữ nầy muốn trả lời rằng: vì tôi là người thức tỉnh. Tôi "Biết" tôi là người có quyền sống hạnh phúc.Cho nên tôi chọn lựa trở thành người hạnh phúc. Từ đó và nhờ đó, tôi có khả năng nuôi dưỡng lại người kia!

Về mặt kỹ thuật, có ba quy luật rất đơn sơ:

Quy luật thứ nhất: Khi tôi cần điều gì, tôi nói rõ ra nhu cầu của tôi.

Ví dụ 1: "Em thấy trong mình bực bội. Em muốn nói ra cho nhẹ lòng. Anh đừng nói chi hết. Hãy lắng nghe em! Em xin Anh món quà thinh lặng ấy!".

Ví dụ 2: "Suốt ngày qua, Anh làm gì cũng dở dở dang dang. Anh muốn được em khen, để lên tinh thần. Em biết khen chứ!".

Quy luật thứ hai: Khi thấy kẻ khác cần một điều gì, tôi đề nghị. Với người chưa thân cận đủ, tôi xin phép.

Ví dụ 1: "Hôm nay, Em thấy Anh quá xuống tinh thần, mặt mũi bơ phờ. Em muốn khen Anh".

Ví dụ 2: "Em có vẻ tư lự, mệt nhọc sau khi được tin ba em đau nặng. Em nói cho Anh nghe về ba đi!".

Quy luật thứ ba: Khi tôi chưa rõ, tôi hỏi.

Ví dụ 1: "Hình như Anh có vẻ xuống tinh thần. Anh cần Em khen không?".

Ví dụ 2: "Em có chuyện buồn lo, muốn được anh lắng nghe phải không?".

Nói tóm lại, chỉ có một "quy luật mẹ" đẻ ra mọi quy luật khác: Muốn xây dựng quan hệ tôi phải trao đổi. Khi trao đổi rõ ràng, tôi phát huy quan hệ. 

***

Hôm ấy, sau một mùa hè quá lao lực, tôi ngã bệnh. Trong một cơn hôn mê vì nhiệt độ lên cao, tôi được đi thăm viếng Thiên đàng và Hỏa ngục.

Tại thiên đàng, tôi được đưa vào một phòng cơm nho nhỏ có năm người ăn. Chỉ có một người có phép cầm muỗng để đút cơm và lương thực cho kẻ khác. Sau độ hơn một giờ, mọi người đã ăn xong, vui vẻ đi ra, chuyện trò thân mật.

Tại hỏa ngục, tôi cũng chứng kiến một quang cảnh tương tự. Lương thực ở đây cũng có đầy đủ chất lượng và số lượng như giống như ở thiên đàng. Lối tổ chức cũng rập khuôn. Thế nhưng sau hơn một giờ, vừa ra khỏi phòng, khuất mặt vị giám thị, bốn người xúm lại đánh người đã cầm muỗng. Sau trận ẩu đả, có người than đói, người khác nôn oẹ vì bị trúng thực.

Xin quý bạn và quý độc giả hãy thử hình dung bữa cơm ở Thiên đàng và ở Hỏa ngục đã xảy ra như thế nào? Yếu tố nào đã tạo nên sự khác biệt giữa hai nơi?



Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!