.:: Cong Giao Viet Nam ::.


Trang Chủ Hòa Bình là kết quả của Công Lý và Tình Liên Đới (Is 32,17; Gc 3,18; Srs 39) - Peace As The Fruit Of Justice and Solidarity Quà tặng Tin Mừng
  Tủ Sách - Chủ Đề
  Suy Tư - Chiêm Niệm
  Văn Hóa - Xã Hội
  Y Tế - Giáo Dục
Mục Lục

Chương I : Lắng nghe và yêu thương

Chương II: Làm sao chứng minh cho người đang nói là họ được lắng nghe

Chương III : Giá trị "Thanh tẩy" của lắng nghe

Chương IV : Những cạm bẫy khi lắng nghe

Lời cuối : Một lời xin lỗi và một lời cám ơn

Trắc nghiệm "Biết mình"

Nối kết
Văn Hóa - Văn Học
Tâm Linh - Tôn Giáo
Truyền Thông - Công Giáo
Lắng Nghe, Một Quà Tặng Vô Giá !
Tác giả: Gs. Nguyễn Văn Thành
CHƯƠNG I : LẮNG NGHE VÀ YÊU THƯƠNG

     Sách vở và tài liệu đề cập vấn đề lắng nghe thường nhấn mạnh một số động tác cụ thể có ý nghĩa sau   đây (1):

1.1- Lắng nghe không phải chỉ là nghe. Hẳn thực, trong cuộc sống vô số nhiễu động ngày ngày bao vây chúng ta. Chúng cưỡng bức chúng ta nghe. Nhưng không ai tìm cách lắng nghe những nhiễu loạn ấy. Chúng ta còn tìm cách lánh xa, chạy trốn.

1.2- Để có thể lắng nghe người anh-chị-em, thái độ và tác phong của chúng ta là im lặng ngồi xuống, trân quí họ.

Nói cách khác, chấp nhận ngồi vào bàn với nhau, lắng nghe nhau một cách trân trọng, chúng ta đã bắt đầu coi nhau như anh chị em ruột thịt. cho dù khoảnh khắc ấy chỉ mong manh, thoáng qua, nhạt nhòa.

1.3- Càng yêu thích một người, chúng ta càng dễ dàng lắng nghe họ trao đổi, chia sẽ, trình bày.

1.4- Trái lại, khi quan hệ giữa chúng ta và người ấy bắt đầu giảm sút, suy đồi, đi vào ngõ cụt...khả năng lắng nghe của chúng ta tự khắc bắt đầu biến chất.

Cũng vậy khi một người không gây được thiện cảm nơi chúng ta , vì bất cứ lý do gì, điều họ nói ra có thể là những điều chướng tai, nhức óc cho chúng ta. Về phần chúng ta, trong những hoàn cảnh tương tự, chúng ta dễ dàng bóp méo, xuyên tạc nội dung phát biểu của họ.

1.5- Trước một người có diện mạo thu hút, tự nhiên chúng ta có xu thế lắng nghe họ một cách dễ dàng.

1.6- Khi tâm hồn chúng ta nặng trĩu những lo âu, trầm cảm, bực bội, tức giận... khả năng lắng nghe của chúng ta  mất chất lượng bén nhạy. Thái độ tiếp nhận của chúng ta cũng giảm suy, mai một, mòn mõi đi rất nhiều. Trong những trường hợp trầm trọng, khi khổ đau tràn ngập, cơ hồ trong một biến cố đảo chánh, lật đổ chính phủ; lý trí bị suy sụp, khuynh đảo, mù quáng. Con người chúng ta không còn sáng suốt, minh mẫn. Các giác quan cũng bị tê liệt.

Thay vì lắng nghe, chúng ta trở nên lơ là, lãng trí, "mầt hồn, lạc vía". Theo ngôn ngữ của Thiền-học, chúng ta không còn sống trong hiện tại, ở đây và bây giờ. Chúng ta đánh mất chính mình. Tình trạng "vô chính phủ" trong đời sống tâm linh là hiện tượng rất thường tình xảy ra trong cuộc sống náo nhiệt, động loạn của thế giới ngày hôm nay.

1.7- Khi lắng nghe ai một cách thực sự, chúng ta dễ dàng thiết lập những quan hệ hài hòa, tích cực, xây dựng với người ấy. Ngược lại, vì chúng ta thiếu chăm nom, nuôi dưỡng khả năng nầy, bao nhiêu quan hệ giữa người với người, cho dù tốt đẹp trước đây trong quá khứ gần và xa... có thể gãy đổ tan tành. Cơ hồ một cánh đồng lúa mùa, sau một trận bão lụt tàn phá, hủy hoại.

Vì lý do nầy, không gì có thể thay thế tác phong và thái độ lắng nghe, nếu chúng ta có kỳ vọng kiên định xây dựng, vun đắp, khai triển những quan hệ tiếp xúc, trao đổi giữa chúng ta và người khác.

Trong tinh thần nầy, lắng nghe là một của ăn tâm linh nuôi sống con người.  Đó cũng là một quà tặng vô giá mà con người có trách nhiệm dâng hiến cho nhau, để giúp nhau làm thần linh, làm Bụt, làm Thượng đế. Phải chăng đó là con đường mời gọi làm người, trong thời đại đang  mở ra từ năm 2.000?

1.8- Cũng trong chiều hướng nầy, khi tôi lắng nghe ai với trọn con người, tôi đang vươn tới chiều kích làm người. Đồng thời tôi đãi ngộ, cư xử người được tôi lắng nghe như một con người giống tôi, ngang hàng tôi, có quyền làm chủ thể phát biểu, diễn tả, bộc lộ chính mình ra ngoài.

Lề lối giáo dục ngày nay đang nhấn mạnh và phát huy cách thức đãi ngộ ấy. Thậm chí một đứa bé mới sinh ra, khi chưa sử dụng ngôn ngữ "có lời" của môi trường hay là tập thể, đã "mặc khải mình" dưới nhiều hình thức khác nhau như tiếng khóc, nụ cười, liếc nhìn, chân tay vận động...(2). Hơn ai hết, nếu người mẹ không lắng nghe đứa con của mình trong địa hạt nầy, từ những ngày đầu tiên, nó đã bị hụt hững một phần nào trên cơ sở làm người. Không được lắng nghe, ở đây trong quan hệ mẹ con, nó sẽ không học được bài học lắng nghe một cách nhuần nhuyễn, thành thục trong quan hệ giữa người với người sau này.

Bác sĩ tâm thần René Spitz đã đưa ra ví dụ về "nụ cười sinh lý" để minh họa những điều vừa được trình bày (3). Một đứa bé mới lọt lòng mẹ, một tuần hay vài ba ngày sau, đã mĩm cười trong giấc ngủ. Đó là nụ cười sinh lý, một phản ứng tự phát, bộc lộ tình trạng của đứa trẻ được thỏa mãn về mọi mặt như lương thực, y phục, nhiệt độ tiêu hóa, không khí... Theo cách giải thích bình dân của bà mẹ Việt Nam, đứa trẻ mĩm cười với "Bà Mụ, Bà Tiên" đang hiện về dạy dỗ, trao đổi, tiếp xúc.

Phải đợi đến ít nhất ba bốn tháng sau, bà mẹ hay là một thành viên khác trong gia đình có phận sự chăm sóc thường xuyên, liên tục cho đứa bé, mới có khả năng trao đổi nụ cười với em ấy khi tiếp xúc, bồng ẵm, vui đùa, thoa bóp, vuốt ve...Thiếu những quan hệ tiếp xúc liên tục "mặt nhìn mặt", "da chạm da", đứa bé sẽ thiếu nụ cười. Hay là nụ cười của em sẽ xuất hiện rất chậm trễ, sau bảy hoặc tám tháng, như chúng ta có thể quan sát nơi những đứa trẻ trong các cô nhi viện quá đông, quá lớn và thiếu công nhân viên làm "mẹ nuôi".

Nụ cười như hạt lúa đã có mặt từ những ngày đầu tiên trong ruộng đồng da thịt, cơ thể của đứa bé. Nụ cười sinh lý ấy chỉ lớn lên, nở hoa, sinh hạt, trở thành "nụ cười xã hội", để hai mẹ con có khả năng tiếp xúc, trao đổi, cùng nhau sung sướng, hân hoan, hạnh phúc... chỉ khi nào bà mẹ biết chăm sóc, vun trồng, tưới tẩm, nuôi dưõng hạt giống.

Nói một cách ngắn gọn, nếu người mẹ không lắng nghe con, bà không hái được bông hoa "nụ cười xã hội".

Cũng vậy, trong địa hạt ngôn ngữ, nếu bà mẹ không biết lắng nghe con chuyện trò, líu lo, ca hát để hưởng nhận hạnh phúc đang trào dâng trong cõi lòng làm mẹ của mình, đứa bé sẽ chậm nói và có khi không biết nói.

Cái gì xảy ra giữa hai mẹ con trong hai năm đầu đời, cũng đang xảy ra trong quan hệ giữa người với người. Người mẹ không chờ đợi, đòi hỏi đứa con phải cười phải nói. Bà chỉ đơn phương lắng nghe như bà ăn, bà thở. Nhờ vậy, con bà sẽ cười, sẽ nói, theo nhu cầu và tốc độ của mình.

Trong quan hệ giữa người với người, cũng có những định luật tương tự: khi trong môi trường, cộng đoàn, quê hương và nhân loại có những tâm hồn biết lắng nghe không chờ đợi, đòi hỏi, đặt điều kiện, phê phán, tố cáo... tự khắc ở phía bên kia, đằng trưóc của quan hệ, sẽ có người trở thành người. Bà mẹ vun trồng trong bốn, năm tháng mới có thể gặt hái đóa hoa nụ cười trên khuôn mặt của đứa con. Có lẽ chúng ta phải vun trồng mảnh đất lắng nghe một cách liên tục trong vòng 100 năm, "bách tuế" mới gặt hái được "Đức Bụt", hay là "Một con người Công Chính" đang tái lâm trên quê hương, đất nước. Nếu chính bản thân tôi không làm bà mẹ lắng nghe, tôi thắp hương chờ đợi ai? Trên cơ sở nào, tôi đòi hỏi kẻ khác, phía bên kia phải làm... đang khi đó chính tôi đang ù lì, bị động?

1.9- Thái độ hay tác phong lắng nghe đòi hỏi chính chúng ta hãy im lặng nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng để người đối diện có thể nói ra tất cả những điều họ cần bộc lộ, chia sẽ.

Thế nhưng im lặng trong nhiều trường hợp có liên hệ đến đời sống xã hội, có thể mang sắc thái và ý nghĩa tiêu cực như "khinh thị, không coi trọng, tự cao, đóng kín cửa lòng...". Phải chăng nhiều bà vợ đã than trách chồng mình "tránh né, thiếu trao đổi, trốn mình trong bốn bức tường im lặng cao ngạo hay là lãnh đạm"? Nhằm giải tỏa một số vấn đề căng thẳng trong quan hệ vợ chồng, người nữ thường được yêu cầu "nâng cao chất lượng lắng nghe và giảm hạ liều lượng phát biểu. Vượt qua ba ý tưởng, những câu nói của các bà đã bắt đầu bị sàng lọc , xuyên tạc, bóp méo, biến chất". Bà mẹ nào cũng đã hiểu rõ: khi dọn cho ai ăn quá nhiều, người ấy sẽ "trúng thực".

Cũng trong chiều hướng tạo hòa khí và phát huy quan hệ tốt đẹp, người chồng được yêu cầu "có mặt, đóng góp, tham dự". Im lặng chỉ biến thành vàng, khi họ biết lưu tâm, đặt trọng tâm vào người phát biểu.

Im lặng chỉ trở thành lắng nghe; và lắng nghe chỉ mang bộ mặt và tâm hồn im lặng khi chúng ta đón nhận và chấp nhận người trước mặt. Chúng ta trân trọng, tìm hiểu, ghi nhận từng lời họ nói ra. Còn hơn thế nữa, chính con người toàn diện của họ trở thành quan trọng cho chúng ta.

1.10- Theo cách giải thích của tâm lý ngày nay, lắng nghe ai thực sự là "đi vào bên trong nội tâm" của người ấy, chia sẽ, đồng hành, đồng cảm với họ. Sở hữu hóa nghĩa là biến thành của mình "cái khung qui chiếu" của họ. Thuật ngữ nầy có vẽ kiểu cách, phiền toái, phức tạp. Nhưng thực chất và ý nghĩa của nó rất đơn giản. Khám phá khung qui chiếu của một người là lắng nghe họ một cách rất chăm chú và cố quyết trả lời cho chính mình những câu hỏi sau đây:

- Trong những điều họ phát biểu, cái gì là sự kiện hoàn toàn khách quan? Cả họ lẫn tôi có thể kiểm chứng.

- Khi họ phát biểu, họ trình bày cho tôi những cảm xúc và xúc động nào? Họ đau nhói ở đâu? Họ phập phồng, ngột ngạt ở chỗ nào? Họ khó chịu, bực bội, khó thở, tăng nhiệt độ thế nào?

- Từ địa hạt xúc động có liên hệ đến cơ thể và các hiện tượng sinh lý hóa, tôi bước qua lãnh vực tình cảm, để lắng nghe họ kêu tên và đặt tên cho tâm tình mình như thế nào? Họ buồn, họ sợ, họ bực bội, bất mãn, tức giận, tuyệt vọng... Đó là thời tiết, khí hậu tạo nên nắng mưa trong tâm hồn họ.

- Sau đó tôi vươn lên bình diện kiến giải, lối nhìn, tin tưởng, quan niệm để tìm hiểu:

Qua những điều họ nói, họ có ý kiến gì về chính mình, về người khác, về cuộc sống...

Những ý kiến ấy mới xuất hiện hay là đã đóng lớp rêu rong từ bao nhiêu đời, từ những ngày thơ ấu? Đó là những thành kiến, những kiến lập họ tiếp thu từ người khác, ở nơi khác, nhưng chưa bao giờ khảo sát lại hay là cập nhật hóa một cách nghiêm chỉnh!

Nói cách khác, cái gi là dư luận, tiếng đồn? Cái gì là xác tín đặt cơ sở trên lý luận vững chãi? Cái gì là năng động do họ sáng tạo? Cái gì là bị động do người khác áp đặt cho họ? Và người khác ấy là ai, mang tên tuổi gì?

Sau hết, ý kiến của họ là một kết luận dựa trên cơ sở khách quan vững vàng, đã được kiểm chứng? Hay ngược lại, đó còn là một giả thuyết mong manh tạm bợ? Phải chăng đó chỉ là một lời phán quyết hoàn toàn đơn phương, độc lộ, thiếu nền tảng?

- Cuối cùng, khi lắng nghe người đối diện phát biểu về người khác, bất kể là người thân hay kẻ xa lạ, tôi phải có phản xạ: lập tức tìm hiểu họ có những loại quan hệ nào với tha nhân: Hài hòa tích cực, hay là căng thẳng, xung đột? Họ đang nuôi dưỡng lập trường nào trong bốn lập trường tâm lý (4).

Một : Tao thắng mầy thua,

Hai : Tao thua mầy thắng,

Ba   : Tao thua mầy thua,

Bốn : Tôi thắng, bạn thắng, chúng ta cùng thắng.

Nói tóm lại "khung qui chiếu" bao gồm năm bình diện khác nhau: sự kiện khách quan, cảm xúc, tâm tình, kiến giải và quan hệ.

Để có thể khai mở và quán triệt bao nhiêu dữ kiện và tin tức cần thiết như vậy, động cơ thúc đẩy thái độ và hành vi lắng nghe của chúng ta là tìm hiểu, hiểu biết còn gọi là Học Hỏi, Tập Luyện. Nhờ đó chúng ta có thể đóng góp, xây dựng cuộc đời cho người khác.

Đi một buổi chợ còn học được một mớ khôn! Huống hồ, nếu chúng ta biết lắng nghe một cách thích thú và có tính khoa học, chúng ta sẽ trở nên khôn ngoan và giàu có trên bước đường làm người. Với người thân cũng như kẻ xa lạ. Với người nhỏ cũng như với cụ già. Với những người thượng trí cũng như những ai đơn sơ, mộc mạc...chúng ta  là những người Cho. Bởi chúng ta đã học tập, tôi luyện khả năng Nhận của mình.

1.11- Nhận và cho, trong ý nghĩa vừa được trình bày và quảng khai, phải chăng là bản chất đích thực của tất cả những ai sinh ra làm người trong trời đất nầy? Và khi lắng nghe - cho dù người ấy nói hay hoặc nói dở, nói đúng hoặc nói sai, họ đẹp hay xấu, cao thượng hoặc tầm thường - chúng ta làm công việc rỉ tai, gây ý thức cho họ nhận ra rằng: cuộc đời đang cho họ rất nhiều. Đến phiên họ, nếu họ tìm một người để cho; tìm một điều để cho; tìm một cơ hội để cho... lập tức họ trở nên giàu có. Họ đang làm một bà mẹ với hai bàn tay êm ái. Với nụ cười xinh đẹp. Với một liếc nhìn bao la, rộng lượng. Với một lời nói ấm áp, khích lệ. Với một tia ánh sáng nho nhỏ trong đôi mắt...

Khi lắng nghe với một thái độ nhậncho như vậy, chúng ta đâu cần phải "đồng ý" hay là "không đồng ý". Một tên tuổi khác của lắng nghe với tinh thần cho và nhận là Thương Yêu.

Thương yêu gồm có hai hơi thở ra vào là Từ và Bi. Từ là mang lại niềm hân hoan, phấn khởi. Bi là đồng cảm, chia sẽ những đắng cay, chua xót trong cuộc đời. Đó là ý nghĩa sâu xa, mục đích cuối cùng, và cũng là giá trị chúng ta thực thi và đeo đuổi, mỗi lần chúng ta lắng nghe một người anh chị em.

 

***

Trong bản tóm lược sau đây, tôi liệt kê lại những ý nghĩa chủ chốt của tác phong lắng nghe:

Động tác thứ nhất: Khi lắng nghe, tôi giữ im lặng.

Động tác thứ hai: Tôi giữ im lặng là vì tôi đặt trọng tâm vào người đang nói và chia sẽ. Không những điều họ nói, chính con người họ là một giá trị quan trọng đối với tôi.

Động tác thứ ba: Khi lắng nghe, tôi không nhắm bày tỏ ý kiến đồng ý hay không đồng ý. Tôi học tập, tìm hiểu khung qui chiếu của người phát biểu. Đặc biệt tôi phân định cách rành mạch rõ ràng đâu là sự kiện, đâu là tình cảm xúc động, đâu là kiến giải, đâu là lời phê phán.

Động tác thứ bốn: Khi lắng nghe và tìm hiểu như vậy tôi giúp người phát biểu ý thức về bản chất đích thực và sâu xa của họ là Chothương yêu, vì họ đang được yêu.

Động tác thứ năm: Để đánh giá chất lượng của tác phong lắng nghe, tôi dựa vào ba tiêu chuẩn: Mộtsống trong hiện tại, chú ý lưu tâm. Haihọc tập, tìm hiểu. Ba vui thích hứng thú thay vì nhàm chán, bực bội.

Động tác thứ sáu: Để có thể duy trì chất lượng của lắng nghe, mục đích cuối cùng mà tôi đeo đuổi là thương yêu. Thiếu động cơ thương yêu thúc đẩy, tôi giả vờ lắng nghe. Tôi không còn sống trung thực. Tôi đi vào con đường phê phán nhị nguyên.

 

***

1.12- Lắng nghe với sáu động tác vừa được liệt kê, không phải là một công việc dễ dàng và tự nhiên. Một đàng tôi phải thường xuyên tôi luyện. Đàng khác, tôi phải đánh giá một cách khoa học và sáng suốt đề phòng bốn cạm bẫy, mỗi lần lắng nghe:

Cạm bẫy thứ nhất: Tôi cắt ngang, giành nói. Tôi vi phạm qui luật im lặng.

Cạm bẫy thứ hai: Tôi kết luận quá sớm. Tôi chưa nắm vững toàn bộ khung qui chiếu của người phát biểu. Lối nhìn của tôi còn quá phiến diện. Cho nên người đối diện cảm thấy  mình bị hiểu sai, không được thõa mãn.

Cạm bẫy thứ ba: Tôi mơ mộng, nghĩ đến chuyện đã qua hay là chuyện chưa tới. Tôi không sống trong hiện tại.

Cạm bẫy thứ bốn: Thay vì im lặng, học hỏi, tìm hiểu đến nơi đến chốn, tôi lèo lái câu chuyện qua một hướng khác: tôi đề nghị lề lối giải quyết, tôi phóng ngoại, giải thích, tôi phê phán, khen chê lên mặt mô phạm, tôi bùng nổ, giận hờn, bực bội, la lối...

Nói tóm lại, vì tôi thiếu kỹ năng lắng nghe, tôi không biết giữ im lặng một cách thanh thản, hồn nhiên, dễ dàng và khéo léo. Từ đó, người phát biểu không có khả năng "mặc khải mình" như lòng họ chờ đợi, khao khát. Cũng vì vậy, họ chưa nhận ra bản chất đích thực sâu xa của mình là làm sứ giả của Tình Thương trong cuộc đời nầy.

Trái lại, khi cảm thấy mình được lắng nghe, nghĩa là được tiếp nhận và yêu thương, họ đã bắt đầu mở rộng con mắt tâm linh, ý thức được sứ mệnh làm người của mình là "Cho".

Tôi cho chỉ vì tôi đã nhận lãnh.

Tác giả Gs. Nguyễn Văn Thành

Nguyện xin THIÊN CHÚA chúc phúc và trả công bội hậu cho hết thảy những ai đang nỗ lực "chắp cánh" cho Quê hương và GHVN bay lên!