NHỮNG KHÓ KHĂN VỀ KINH TẾ
Cần phân biệt sự xáo trộn thật và cái có vẻ như là xáo trộn trong việc phân tích các nguồn gốc khác của việc bất ổn trong hôn nhân. Những khó khăn về kinh tế thường bị đổ tội cho sự hủy hoại mối bất hòa trong hôn nhân. Khi sự nghèo đi vào cữa trước, tình yêu đi ra cữa sau. Câu ấy nghe thật xuôi tai nhưng có thật như vậy không? Tôi đã thấy nhiều hôn nhân trong đó sự căng thẳng về kinh tế ngăn ngừa được sự đổ vỡ. Không phải vì họ không thể cung cấp những chi phí, cũng không phải vì có khả năng kinh tế mà nâng số ly dị lên cao. Cái khó nghèo có thể mang hai người gần lại hơn cũng như dễ làm cho sợi giây hôn nhân của họ tan vỡ hơn. Cuộc sống khó khăn đã kết hợp một số hôn nhân nhưng cũng làm tan vỡ một số khác. Bất cứ một sự không may mắn nào cũng là một thử thách của sự can đảm và sự trung thành của cả hai. Đó là một thử thách về nền tảng mà trên đó hôn nhân đã được xây dựng. Nếu người vợ lấy chồng vì lý do bảo đảm kinh tế, dĩ nhiên sự mất thu nhập cũng làm mất nền tảng mà trên đó hôn nhân được xây cất. Trái lại, nếu họ có cảm giác thuộc về, sự khó khăn sẽ làm mạnh thêm cảm giác đó. Dưới những điều kiện khó khăn, nhiều đụng độ nho nhỏ thường có hại cho sự cảm thông hỗ tương sẽ biến mất. Tai họa thật không có chỗ cho việc quan tâm đến thể diện cá nhân. Mọi ước muốn cho cuộc sống được tốt đẹp hơn, hay mọi sợ hãi mang nhiều mặc cảm đều mất ý nghĩa khi sự sống còn bị đe dọa về mặt thể lý, kinh tế, hay xã hội. Các bà trước đây quan tâm về giải trí, dáng vẻ bên ngoài, và sự giàu sang lại trở thành những người bạn đồng hành thật với chồng mình, và họ sẵn sàng hy sinh sự thoải mái để giúp đỡ chồng, ngay cả dấn thân đi làm để cung ứng sự nâng đỡ về kinh tế. Nhiều cặp dưới những trường hợp như thế đã khám phá ra những tính chất và những đặc nét đáng yêu trong nhau mà họ không bao giờ nhìn thấy trước đây
Tuy nhiên, cũng không thể chối từ những khủng hoảng về kinh tế thường là nền tảng ngay tức khắc cho sự sụp đổ hôn nhân. Nhưng kinh nghiệm dạy cho chúng ta: hãy nhìn xa hơn những xung đột có tính cách tức thời để đi tìm những lý do đằng sau đó. Như chúng ta đã nói trước đây, có thể việc thiết lập nền tảng của hôn nhân như thế không đủ để chịu đựng bất cứ một sự căng thẳng nào, hoặc đã bị xoi mòn bỡi những xung đột trước đến nỗi chỉ một chút nặng nhọc thêm vào cũng đủ làm tan vỡ tất cả. Chúng ta phải xem xét đằng sau bất cứ sự sụp đổ hôn nhân nào, bấy giờ chúng ta sẽ khám phá ra và rất có thể đây là nguyên nhân sâu xa: quá nhấn mạnh đến thể diện, danh tiếng cá nhân. Bằng cách nào khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến thể diện cá nhân? Để hiểu vấn đề nầy, chúng ta phải nhận ra nguồn gốc sâu xa của nhiều bất hòa trong hôn nhân mà xem ra có nền tảng bắt nguồn từ những khủng hoảng về kinh tế.
NGƯỜI ĐÀN ÔNG NHƯ MỘT NGƯỜI CUNG CẤP
Quan niệm hiện hành của các ông cũng như các bà đối với vấn đề kinh tế có một màu sắc đặc biệt. Nhiều bà xem giá trị của họ được đánh giá trong từ ngữ của đồng đô la mà một người đàn ông cần phải chi tiêu cho họ với tư cách là một người vợ hay một người bồ. Chính vì thế, sự khủng hoảng về kinh tế của người chồng được coi như một sự tổn thương không thể chấp nhận được về phương diện xã hội. Bất cứ một người đàn ông nào dám đe dọa tình trạng xã hội của nàng phải chịu nhiều rắc rối bỡi sự giận dữ và thất sủng của nàng. Trên căn bản nầy, những cuộc cãi cọ và tố cáo lẫn nhau bắt đầu. Mặt khác, đàn ông thường coi vị thế của họ liên kết với tiền họ làm ra. Quan niệm rất thông thường là: bất cứ người đàn ông nào không kiếm ra tiền thì được xem là thất bại. Không có công ăn việc làm đối với đàn ông khó chấp nhận hơn là đối với các bà. Mặc cảm thất nghiệp bỡi thiếu khả năng của người đàn ông mất việc làm tăng sự căng thẳng trong việc chiến đấu cho sự bảo vệ thể diện cá nhân trong gia đình và làm rối loạn sự quân bình trong hôn nhân.
Nếu người chồng không thể nâng đỡ gia đình một cách thích hợp, cần phải có can đảm nhiều cũng như cần có một cảm giác sâu xa về phẩm giá đối với cả hai bên để giữ được sự hài hòa trong hôn nhân. Người vợ có khuynh hướng nhìn khuyết điểm của chồng như là một hành động xúc phạm cá nhân, thường cắt nghĩa sự không làm ra tiền là một sự sao nhãng bổn phận đối với vợ và gia đình. Người chồng về phía mình, cảm thấy sự bất lực của mình một cách đau đớn ngay dù ông muốn cố che giấu sự tủi nhục. Nhưng những hành động của ông cho thấy rõ ràng những cố gắng vô ích để đền bù cho sự thất bại bị lên án của ông. Ông có thể phản đối một cách tích cực hay thụ động bằng cách ở trên giường và chối từ bất cứ loại đóng góp nào về phía bên ông; hoặc ông có thể đóng vai bạo chúa đòi hỏi và ra lệnh những phần tử khác trong gia đình. Bà vợ thường không hiểu tại sao ông lại cư xử như vậy, và sự giận dữ của nàng tăng lên khi ông ngày càng ít muốn giúp việc nhà. Nàng nghĩ rằng chàng có bổn phận gánh vác những trách nhiệm trong nhà nếu chàng không đi làm. Nàng không nhận ra rằng quan niệm của chàng về công việc nhà được xem như là của các bà, và vì thế mặc cảm đó càng làm cho chàng cảm thấy xấu hổ. Sự chán nản đó càng đẩy chàng chìm sâu hơn trong sự chống đối và thất vọng.
Nếu các ông được huấn luyện xem công việc nhà không là của các bà, và các bà xem việc nuôi sống gia đình không hoàn toàn là của các ông, bấy giờ sự thất nghiệp của ông chồng khó tạo nên sự khủng hoảng. Đối với những người có nghề nghiệp chuyên môn thì cuộc sống lại là một cái gì khác nữa, vì ở đó vai trò quan trọng của người chồng như là một nghệ sĩ, văn sĩ, ca sĩ, luật sư, nghệ thuật gia, hay khoa học gia ít tùy thuộc trên số tiền họ kiếm được. Trong những lãnh vực như thế, một người có thể có địa vị chuyên môn nhưng vẫn nghèo, và người vợ có thể hảnh diện về chồng ngay cả dẫu nàng nâng đỡ cuộc sống của chàng. Nhưng nếu các bà thuộc nhóm người có quan niệm rằng chỉ những người đàn ông là có bổn phận chính trong việc nuôi sống gia đình, chắc chắn không tránh khỏi việc coi thường những người đàn ông thất nghiệp.
Những thay đổi trong quan niệm về người đàn ông như là một nguồn cung cấp duy nhất dẫn đến những khó khăn mới trong chiều hướng khác. Nhiều ông giận dữ vì các bà ước muốn đi làm bên ngoài để kiếm tiền. Họ coi điều đó là một sỉ nhục nếu để bà vợ đi làm. Thật ra, đó chỉ là một sự tranh chấp cho quyền tối thượng và thể diện của họ. Khắc phục một trở ngại như thế thì không dễ đối với một người đàn bà muốn đóng góp một chút gì cho xã hội và cho gia đình. Chiến tranh hoặc nhường nhịn cả hai đều không mang lại lợi ích gì. Chiến tranh có thể dẫn đến sự sụp đổ của những ràng buộc hôn nhân. Ngay cả khi nàng thắng, chàng sẽ tiếp tục hận thù sự thành công của nàng, và trong vài trường hợp chàng có thể trở nên thất vọng trong việc cạnh tranh với nàng đến nỗi sự thích nghi cuộc sống của chàng cũng bị tổn thương. Nhưng nếu đầu hàng, sự đầu hàng của nàng có thể đưa đến một sự giận dữ và sẽ đưa nàng đến một đời sống trống rỗng và bất hạnh, hoặc đưa đến một sự độc lập xem ra vô vị không cần thiết.
Cuộc đụng độ giữa hai người phối ngẫu không làm cản trở một sự đồng ý có thể đạt được trong thế quân bình hoàn toàn mãn nguyện. Nhiều bà có khả năng và ước muốn đi làm, đã tự nguyện tước bỏ điều đó vì họ nhận thấy thật là phiền toái và rắc rối biết bao cho sự hạnh phúc của hôn nhân họ nếu họ ra đi làm. Tuy nhiên, một sự quyết định như thế không thể được xem như là đầu hàng. Điều đó được làm một cách hữu ý trong sự ý thức hoàn toàn về những lợi ích đạt được. Nhưng nếu người đàn bà thật lòng thích thú một công việc nào đó và nhất định làm, sự nhân nhượng trước những đe dọa hoặc khủng bố sẽ không giải quyết vấn đề. Nàng nên tìm cách giữ hôn nhân của nàng phù hợp với sự phát triển một nghề nghiệp. Điều nầy đòi hỏi khả năng thuyết phục được sự chấp nhận của người chồng. Cãi cọ và nước mắt, đe dọa và tố cáo chỉ gây hận thù mà thôi. Đàn bà can đảm dấn thân vào một nghề nghiệp có thể khéo léo và mạnh đủ để thuyết phục người chồng rằng chàng không mất gì cả ngay cả ưu thế của người đàn ông, nếu nàng tìm được lãnh vực riêng của nàng để hoạt động.
Không kể sự xung khắc được tạo nên bỡi sự không cung cấp của người chồng hay bỡi ước muốn trở nên người cung cấp duy nhất, những nguyên tắc trên đây có giá trị và cần phải được giữ lấy nếu không muốn tai họa xảy đến. Trước nhất, người vợ phải nhận ra khủng hoảng của người chồng và giúp chàng giải quyết vấn đề. Chàng cần sự khích lệ ngay cả khi chàng cố gắng đóng vai bạo chúa. Người chồng ngăn cản người vợ không cho đi làm cho thấy sự thất vọng của chàng cũng như cho thấy rằng chàng lo sợ sẽ không thể giữ được thế thượng tôn. Cho chàng thấy chàng sai biết bao trong việc đòi hỏi quá mức của chàng là giúp chàng nhận thức được sự hy sinh và tận hiến quá nhiều của nàng. Bất cứ khi nào những vấn đề về thể diện, mất tin tưởng, hoặc thiếu sự trung thành nổi lên, hãy nhớ rằng những tranh cãi hay lý luận chẳng mang lại lợi ích gì. Sự nhục mạ không thể tránh được nếu mình đi mạ lỵ người khác. Bày tỏ tình cảm chân thành hay chứng tỏ tình yêu sẽ làm tăng cường cảm giác thuộc về và chuẩn bị cho một sự thõa thuận giữa hai ngưòi với nhau. Trong bầu khí tin tưởng chân thành, những vấn đề mâu thuẫn nhất cũng có thể được giải quyết một cách tốt đẹp. Dĩ nhiên, một người vợ không tin rằng người chồng sẽ đồng ý, cũng không tin rằng bà có thể làm cho người chồng bà hiểu được quan điểm của bà, chỉ chuẩn bị cho sự giao chiến và sự thất vọng mà thôi.
Lm. Lê văn Quảng.