Ảnh của Nguyễn Đức Cung
CÁNH CHIM DŨNG LẠC - The Spirit of St. Andrew Dung Lac“Người lớn thì rã rời mệt mỏi, giới trẻ thì nghiêng ngả đổ nhào, nhưng những ai tin tưởng vào Đức Chúa thì họ sẽ mọc cánh như chim phượng hoàng bay cao. Họ đi mà không mỏi, chạy mà không chùn chân.” (Isaia 40:31)
CHIM HẢI ÂU TÊN LÀ LÝ VINH TÂN
Truyện kể về một ông quan rất chịu chơi, tỏ ra tiến bộ hợp thời. Một hôm người ta dẫn đến nộp cho quan một tên ăn trộm vừa bắt được, bị cạo trọc đầu, quần áo tả tơi. Ông quan nhìn tên trộm thì nghĩ ngay: thằng này không đến nỗi tệ, mình có cách cải hóa nó. Thế là ông cho dọn một bữa nhậu và cho nó cùng ăn như đệ tử, chắc thế nào nó cũng cải tà qui chính. Nhậu đến khuya thì ông quan say mèm. Tên trộm thấy cơ may hiếm có, bèn lấy dây trói ông quan lại, cạo trọc đầu, lột bộ áo quan và thay bộ áo rách của mình cho quan mặc, rồi bỏ đi mất. Mãi gần sáng ông quan mới tỉnh dậy. Thấy người có vẻ khang khác, ông soi gương nhìn kỹ thì càng lấy làm lạ: đầu thì trọc, mà quần áo thì rách rưới, đúng cái tướng thằng trộm. Ông chợt lẩm bẩm: Ơ hay, thằng trộm thì còn ở đây, mà mình thì đi đâu mất rồi?!
Câu chuyện dí dỏm trên nói lên phần nào tâm trạng của mình lúc này. Từ ngày đổi đời lao mình vào xã hội mới, bao chuyện cười ra nước mắt! Nhiều lúc dừng chân tự hỏi không biết mình đang là ai và đang đi đâu trong cuộc sống này. Anh hùng tạo thời thế, nhưng nhiều khi thời thế lại đưa đẩy vùi giập anh hùng thấm mệt.
Mình có thể cũng giống như con Chim Hải Âu Tên Là Lý Vinh Tân. Đó là tựa đề một cuốn truyện và cuốn băng hình của Richard Bach rất nổi tiếng với hình ảnh thật gợi cảm. Câu truyện diễn tả cuộc đời của một con chim hải âu có tên là Jonathan Livingston, tạm đọc là Lý Vinh Tân. Một buổi sáng tự nhiên nó cảm thấy buồn nôn. Mặt trời vừa mọc thì một ngày bận rộn khác trở lại với đàn hải âu. Lý Vinh Tân thức giấc vừa lúc những chiếc tầu đánh cá ngoài khơi vào bờ. Những ngư phủ hân hoan thu nhặt những con tôm tươi đem bán lấy tiền, còn những con cá thối được vất xuống bãi. Thế là đàn hải âu hồ hởi tranh giành cắn cấu nhau để lấy phần cho một bữa ăn sáng thịnh soạn.
Cứ thế ngày này qua ngày khác. Một ngày như mọi ngày. Lý Vinh Tân rùng mình tự hỏi đời sống sinh ra chỉ có vậy thôi à? Suốt ngày chỉ còn biết nghĩ đến chuyện tranh nhau mấy con mồi thối, ganh nhau từng tiếng gáy, chèn nhau từng chỗ đứng cao thấp, thì khá thế nào được. Phải có gì hơn thế chứ!
Kể từ hôm đó, Lý Vinh Tân tập bay lên miền núi. Lúc đầu thật khó khăn, té lên té xuống. Bầy hải âu thì chế nhạo mỉa mai, đôi khi hè nhau tấn công. Lý Vinh Tân kiên trì nhắm đích. Rồi một ngày nó đã có thể tung cánh bay cao trên đầu đàn hải âu vẫn tiếp tục tranh bữa ăn sáng sà sà ở bãi biển.
Lý Vinh Tân đã tìm ra ý nghĩa đời sống, đã tìm ra phẩm giá của mình khi nhận ra mình là ai, nên đã có thể bay cao.
CUỘC SỐNG CHỈ CÓ THẾ THÔI SAO?
Cuộc khủng hoảng của con người thời đại được các nhà tâm lý xã hội phân tích và kết luận đó là cuộc khủng hoảng về căn tính (identity crisis): không biết mình là ai nữa! Nói khác hơn, là không nhận ra con người thật của mình, không có một khuôn mẫu nào để mà rèn luyện, không có một lý tưởng nào mà vươn lên. Một lúc nào đó, mình thấy mình như những tên bù nhìn bị bịt mắt dẫn vào những chủ thuyết, trở thành những cái nút bấm tự động phản ứng vô kiều kiện theo bản năng như đàn hải âu, do những tay tài phiệt dẫn dụ. Đã đến lúc mình nhìn ra có cái gì cao hơn, vượt lên khỏi những bon chen vật chất thường ngày, vượt lên khỏi cái hộp đã được tạo sẵn để nhốt giam mình.
Vậy thì giải pháp cho những khủng căn tính của con người ngày nay là làm sao tìm lại được phẩm giá con người thật của mình. Nếu chỉ nghĩ mình là con vật kinh tế hay con khỉ tiến hóa biết mặc quần “din” uống coca và chạy xe hơi, thì cũng chẳng hơn đàn khỉ trong rừng bao xa. Cuộc sống đầy lam lũ vật lộn. Đi làm lụng tối ngày về nhà lại lo ăn và ngủ để lấy sức đi cầy tiếp ngày hôm sau. Rồi già đi lúc nào không biết. Rồi cũng lăn ra chết. Cuộc sống chỉ có thế thôi sao?!
DÒNG CHIM TIÊN
Trong Đại Hội cho giới trẻ thế giới ở Ba-Lan năm 1991, Đức Gioan-Phaolô II đã nhắc lại lời Kinh Thánh từ thư thánh Phaolô:
”Chúng con đã lãnh nhận tinh thần con cái.” Là con cái của Thiên Chúa, là hoàng tử, công chúa của nước Trời, mang trong mình chính bản chất Chúa, hình ảnh Chúa.”
”Hỡi các bạn trẻ, chúng con đừng sợ nên thánh. Chúng con hãy bay lên thật cao, hãy trở nên những người nhắm mục tiêu xứng đáng với con cái Chúa. Hãy ca ngợi Chúa bằng cuộc sống của chúng con.”
Đối với người Việt, Đức Giáo Chủ Công Giáo như đang vẽ ra trước mắt hình ảnh những con chim Việt, xác tín về căn tính nguồn gốc của mình để có hùng khí theo Mẹ Tiên chim Âu bay về núi:
Trứng Rồng lại nở ra rồng
Liu điu lại nở ra dòng liu điu.
Trứng Rồng lại nở ra rồng
Chim Tiên lại đẻ ra dòng chim tiên.
Thiên Chúa là Đấng Vô Hình, nhưng Kinh Thánh đã vẽ ra bằng hình ảnh chim bồ câu thanh thoát bay bổng, hay như nguồn lửa thiêng. Kinh Thánh cũng nói: Con người được tạo dựng giống hình ảnh Chúa, là con của Chúa Trời Đất. Nhiều người sẽ giật mình nhận ra rằng hình ảnh chim Tiên đang vút cao và hình ảnh con rồng đang phun lửa đầy dũng lực của Việt Tộc sao mà giống hình ảnh Kinh Thánh thế: nét dũng lực của rồng phun lửa trong lửa thiêng ngày lễ Hiện Xuống và nét thảnh thơi của chim tiên bồ câu đậu trên đầu Đức Giêsu tại dòng sông Gio-đan.
Hình ảnh biểu hiệu (logo) của Mạng Lưới Dũng Lạc là con chim Tiên đang vút cánh bay cao, muốn diễn tả một phần ý nghĩa trên: dũng mạnh của lửa thiêng và an lạc của chim tiên.
TIN VUI CỦA MẸ: CON NGƯỜI CÓ THỂ MỌC CÁNH BAY ĐƯỢC
Người Công Giáo chia sẻ một niềm tin rất đặc biệt: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, lễ mừng vào ngày 15 tháng 8 hằng năm. Niềm tin này đúng là để vinh thăng con người nữa: ai cũng có sức vươn lên vô hạn được như vậy, nhờ vào tình thương ơn cứu độ của Chúa Giêsu:
“Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” (1Cor 15:22)
Ngược lại, con người cũng có thể tự hủy, đầy đọa nhau, làm cho nhau thành những con vượn cổ sơ, và đôi khi thua cả loài vật.
Tin rằng mình thuộc dòng giống nào thì sẽ trở thành như vậy. Người Nhật tin rằng họ là con cháu của Nữ Thần Mặt Trời, nên trên lá cờ cũng như trong lòng họ, mặt trời luôn chiếu sáng. Người Do Thái tin rằng họ là dân được Đức Giavê tuyển chọn, nên họ đã phát sinh ra biết bao nhân tài cho nhân loại, và trở thành một dân tộc hùng mạnh đáng cho thế giới nể vì. Đó là sức mạnh của niềm tin như cái nhìn của ngôn sứ Isaia từ những hiện trạng vô vọng:
“Người lớn thì nghiêng ngả đổ nhào. Giới trẻ thì mỏi mệt rời rã. Nhưng những ai tin tưởng vào Chúa, thì họ sẽ được canh tân mang sinh lực mới, họ sẽ mọc cánh như chim phượng hoàng bay cao. Họ chạy mà không mỏi, họ đi mà không mệt” (Isaia 40:31)
Đức Maria đã tin vào Thiên Chúa và nhận ra mình là ai nên đã được mọc cánh bay cao như chim phượng hay chim Tiên. Phúc cho Mẹ vì Mẹ đã tin vào Lời Chúa như lời khen tặng của bà chị họ:
“Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1:45)
Và chính Mẹ cũng đã khẳng định mà chúc tụng tạ ơn Chúa: “Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1:48)
Đàn hải âu vẫn tiếp tục bon chen ở bãi biển. Nhiều người đang vật lộn giành giật. Cuộc sống mình lúc này có nhìn thấy gì cao hơn để vươn lên không, hay vẫn tiếp tục lết lê, mội ngày như mọi ngày? Có thể một lúc nào mình dừng chân soi gương chìn lại chính mình như ông quan mà không nhận ra mình là ai nữa:
Giật mình lạ lẫm thân gầy
Ơ hay có phải ta đây không kìa?
Mình phải nhận ra niềm tin về mình và về cuộc đời mình chứ, như chim Lý Vinh Tân. Mình là con của Chúa mà, được tạo dựng giống hình ảnh Chúa, có thể bay lên được. Mẹ Maria, trong hình ảnh chim Tiên bay lên Trời đang cất tiếng gọi đàn: Phúc cho con vì con cũng tin như mẹ, con cũng có thể mọc cánh theo mẹ bay lên.
Mời vào Tin Vui Thời Điểm trên Mạng Lưới Dũng Lạc dunglac.org
Trần Cao Tường, Lm.