THỜI ĐIỂM TÀU TITANIC KINH TẾ THẾ GIỚI XÔ PHẢI TIỀM LONG DINOSAUR
Khoảng mấy chục năm nay, nhiều nước Á Châu lọt được vào quĩ đạo trật tự mới của tư bản mà tiến bộ về kinh thế vượt bậc thành những con rồng nhỏ sung sức hung hăng vẫy vùng ở vòng đai Thái Bình Dương. Nam Hàn trước đây cũng ba cọc ba đồng ngang hàng với nước mình mà đã trở thành cường quốc kinh tế đứng có hạng trên thế giới. Vào thời buổi khủng hoảng kinh tế, cả một băng rồng con gặp tai nạn rụng hết răng và chết đuối, cần con rồng lớn Dinosaur là IMF (International Money Fund, Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế) giơ bàn tay lông lá ra vớt lên. Quĩ này sẵn sàng tung ra 57 tỉ đô la để vớt Nam Hàn, 40 tỉ cho Nam Dương để mong không bị bức tử, 17 tỉ cho Thái được đứng vững mà tổ chức đường dây du lịch. Còn ông thủ tướng Mã Lai thì hung hăng la lối tay rồng lớn Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế chơi gác quá! Vì tay rồng lớn này chẳng nghĩa hiệp gì cho đành. Vớt phải có điều kiện. Mà điều kiện thì rồng lớn đã nói toạc móng heo ra rồi, không úp mở gì cả, là các chú rồng con phải đóng cửa mọi công ty và ngân hàng nhỏ, để cho đuôi rồng lớn tha hồ mà vẫy, như hiện tượng các hãng sở bên Mỹ cũng đang phải tự giải thể mà hợp lại thành những đường giây lớn dẹp tan đối thủ. Con rồng này là ai mà quyền năng vậy? Nước Mỹ giầu có thế mà cũng còn phải nợ quĩ này cả bao nhiêu tỉ. Người ta tha hồ mà suy luận về một đường dây tư bản siêu chính phủ, ngoáy đuôi vào mọi biến chuyển chính trị từ cả một thế kỷ qua, từ chiến tranh nóng đến chiến tranh lạnh. McNamara sau khi nghỉ làm tổng trưởng quốc phòng Mỹ thì đi làm giám đốc Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế đỡ vậy. Từ vụ rồng lớn IMF cứu vớt các con rồng nhỏ, người ta liên tưởng tới chuyện con rồng lớn đã từng cứu người Nhật từ đống gạch vụn của thế chiến thứ hai bằng chính sách viện trợ Marshall. Xe Toyota hay máy Sony có thể chỉ là cái tên Nhật của chú rồng lớn dưới nhãn hiệu có vẻ hãnh diện Đại Đông Á. Rồi đây người ta còn thấy bàn tay lông lá của con rồng khổng lồ này làm nhiều trò ảo thuật ngoạn mục khác nữa nơi thị trường kinh tế vốn được mệnh danh là Trật Tự Mới Vòng Đai Thái Thái Bình Dương. Có thể đây cũng chỉ là một kiểu "chỉnh lý nội bộ" khi thấy những con rồng nhỏ nghĩ rằng mình đã đủ lông đủ cánh mà bắt đầu mọc ngà mọc sừng không chịu đi vào trật tự mới nữa. Thế là cho đắm tàu để biết điều mà đi vào trật tự! TÀU TITANIC Vào cuối năm 1997 sang đầu năm 1998, phim Titanic được trình chiếu khắp nơi và thu hút rất đông người. Phim diễn lại cuộc đắm tàu Titanic năm 1912 với truyện tình mùi mẫm giữa nàng Rose 17 tuổi vừa đẹp vừa sang và chàng nghệ sĩ Jack Dawson hào hoa mà nhà nghèo. Con tàu này được dựng rất tốn công tốn của, lớn nhất thế giới vào thời điểm đó, dài bằng ba sân banh, cao 12 tầng, và chứa được 2200 hành khách. Ngày 10 tháng 4 năm 1912, tàu Titanic khởi hành chuyến đầu tiên từ bến Southampton của vương quốc Anh đang dẫn đầu thế giới về hàng hải thời đó. Và để tỏ nét hãnh diện hơn, tàu ghé nước Pháp chơi ở cảng Cherbourg và nước Ái Nhĩ Lan ở cảng Queenstown, rồi lên đường vượt Đại Tây Dương để đi Nữu Ước. Chuyến đầu tiên mà cũng là chuyến cuối cùng. Đúng là con tầu định mệnh! Câu chuyện được chính bà Rose là nhân chứng còn sống sót kể lại khi bà đã 101 tuổi vào năm 1996. Đêm 14 tháng 4 năm ấy là một đêm không trăng sao, biển cũng thật lặng. Bên ngoài trời lạnh tới độ đông nước, nhưng bên trong tàu Titanic là cả một thiên đường vui chơi đầm ấm, nhất là ở khu vực hạng nhất. Mọi người hân hoan và hãnh diện được có mặt trên chuyến tàu lịch sử đầy kiêu hãnh của loài người này, vì tàu được đóng với một kỹ thuật cao độ khiến không thể nào chìm được. Vào khoảng 9g30 tối, mọi sinh hoạt trên tàu vẫn bình thường, mặc dù hai nhân viên nhận tin là Jack Phillips và Harold Bride cho biết có nhiều băng sơn nhỏ trôi lềnh bềnh. Một số tàu khác cũng cho biết như vậy, nhưng điều đó ăn thua gì với con tàu vĩ đại này. Tàu Mesaba báo tin khẩn cấp rằng có băng sơn lớn ngay trên hướng tàu Titanic. Vào lúc 11g30 gần nửa đêm thì Frederick Fleet trên đài kiểm báo bỗng trông thấy một khối băng sơn sừng sững ngay trước mặt, liền hốt hoảng báo tin cho thuyền trưởng Smith. Nhưng mọi sự đã quá muộn. Mọi nỗ lực bẻ tay lái đã không hiệu quả gì nữa. Mười phút sau, khối băng sơn đã đụng mạnh vào thành tàu, rạch ra một khe dài cả 60 thước. Thế là nước bắt đầu ùa vào. Điều bất hạnh nhất lại cũng nằm ở niềm kiêu hãnh quá lố. Vì nghĩ rằng tàu không thể nào chìm được nên trên tàu chỉ có 20 chiếc thuyền phao, không cách nào cứu nổi trên 2 ngàn người. Thế là thuyền trưởng ra lệnh chỉ có đàn bà và trẻ em được xuống thuyền mà thôi. Con số này vào khoảng 700 người. Con tàu bắt đầu chìm dần. Cảnh hốt hoảng la hét hỗn loạn xảy ra thật rùng rợn. Nhưng một cảnh cảm động là dàn nhạc vẫn tiếp tục chơi để tạo sự bình tĩnh cho những người còn lại. Đám người này mang tinh thần trách nhiệm và tự trọng, không hốt hoảng tìm cách chạy thoát theo bản năng sinh tồn. Theo những nhân chứng kể lại, Bà Straus nhất định không chịu xuống thuyền phao. Bà nói: "Tôi không thể nào xa cách chồng tôi. Chúng tôi đã sống với nhau, thì chúng tôi cũng sẽ cùng chết với nhau". Các ống khói tàu đã bắt đầu sập xuống. Sau hai tiếng đồng hồ uống sặc nước biển, con tàu bị bể bụng gẫy ra làm hai dựng đứng lên rồi lao xuống vực thẳm thành ngôi mộ khổng lồ chôn sống 1500 người. Sau nhiều năm dò kiếm tốn công tốn của, ngôi mộ khổng lồ này đã được tìm thấy năm 1986 dưới đáy Đại Tây Dương. Nhóm người của tiến sĩ Robert Ballard với sự hợp tác của nhóm người Pháp của Jean Louis Michel đã tìm cách khám phá được chính xác mọi chi tiết như vốn được tả lại do những người sống sót. TIN VUI NÀO TỪ DẤU CHỈ TITANIC? Đúng là tàu Titanic xô phải tiềm long. Mà cũng có thể là một diễn tả của cuộc đắm tàu của con người vào ngàn năm mới như kiểu con tàu Titanic từ lục địa cũ Âu Châu sang tân thế giới. Tin Vui tuần này cũng cho thấy một cuộc đắm tầu khác: đám cưới Cana bị mất mặt với họ hàng quan viên tám họ vì hết rượu, vì tổ chức "bông sô lủng". Bình thường thì đám cưới nào mà chẳng tính toán cẩn thận. Yêu nhau và lập gia đình thì ai mà chẳng xếp đặt tính toán kỹ lưỡng để xây được nhà hạnh phúc. Vậy mà vẫn hụt, vẫn vỡ, vẫn bị đắm tàu. May mà Đức Giêsu và mẹ Ngài cũng được mời có mặt tại đó. Trong lúc mọi người chưa biết phải giải quyết ra sao thì Đức Maria đã can thiệp: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (Ga 2:5) Thế là những gì lãng nhách vô vị như nước lã đã trở thành rượu ngon, những gì đã phai nhạt nhàm chán trở thành thắm tươi tình nồng. Trên mạng lưới điện toán, một lời bình phẩm thật sâu sắc: "Đêm 14 tháng 4 năm 1912, vào lúc 11g40, chiếc tàu lớn nhất thế giới do tay loài người làm ra đã xô vào băng sơn ngay giữa Đại Tây Dương. Hai giờ bốn mươi phút sau, tàu chìm hoàn toàn. Thế giới Tây Phương cũng từ chuyện đó mà thay đổi mãi mãi. Đầu óc con người thay đổi. Lòng tự mãn tàn lụi. Cơ cấu và đẳng cấp xã hội thay đổi. Kỹ thuật trở thành mối hoài nghi. Con tàu Titanic đã bắt đầu cả chuỗi những biến cố mà kết luận chưa thể thấy được." PHÚT TỊNH TÂM Ai mà chả cảm thấy cuộc sống mình có những lúc thực sự đắm tầu. Mọi tính toán coi như vô ích khi đụng chạm đến thực tế. Mọi tự mãn của con người vào cuối thế kỷ này có nhiều điều bất ổn. Đó là lúc một số người muốn giơ chân đạp Thiên Chúa như những tòa nhà "chọc" trời, tự xô vào tiềm long. Hình ảnh những phút cuối cùng trên tầu Titanic thật hãi hùng nhưng cũng thật cảm động. Mọi người hướng về Đấng Toàn Năng với niềm tin phó thác tuyệt đối, và mọi người cùng với tiếng vĩ cầm như chuyển được nhịp tim và tiếng lòng hát lên bài ca bất hủ đã từng được chuyển sang lời Việt, nhạc của Brun: Tin Cậy Mến. 1. Chúa sinh nên muôn vàn loài, lòng con kính tin. Mắt con chưa xem được Ngài, lòng con hằng vững tin. Ôi Chúa sinh nên lòng con. Con quyết tuân theo luật Ngài. Cúi xin cho con ngày ngày, càng thêm lòng kính tin. 2. Chúa ơi con mong tìm Ngài, lòng con khát khao. Khấn luôn luôn trên đường đời, hằng cậy một Chúa thôi. Theo Chúa uy nghi Toàn Năng, tâm trí con luôn vững vàng. Cúi xin cho con ngày ngày, càng thêm lòng ước trông. 3. Chúa thương con muôn vàn trùng, lòng con mến yêu. Trái tim con không hề ngừng, một điệu đàn biết ơn. Cây giá nêu cao tình thương, Ôi Chúa yêu thương con nhiều. Cúi xin cho con ngày ngày, càng thêm lòng mến yêu. Mời vào Tin Vui Thời Điểm trên Mạng Lưới Dũng Lạc www.dunglac.org Trần Cao Tường, Lm.
Tác giả:
Tin Vui Thời Điểm, Lm. Trần Cao Tường
|