Lời Giới Thiệu
Khi loay hoay tìm câu trả lời trước những vấn nạn trong xã hội, người Kitô hữu thường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong các lĩnh vực về tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, bác ái, công bằng…im lặng hay lên tiếng trước những cảnh bất công? Thái độ im lặng nào là phù hợp và thái độ lên tiếng như thế nào cho đúng đắn? Giữa sự thực thi bác ái và thực thi công bình thì việc nào quan trọng hơn? …
Dựa vào tài liệu: “The Social Agenda a Collection of Magisterial Texts” với lời giới thiệu của chủ tịch Hội Đồng Công Lý và Hòa Bình, ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận. Huynhquảng lược dịch và trình bày tài liệu này dưới dạng hỏi thưa, ngắn ngọn, dễ hiểu với hy vọng duy nhất là giới thiệu cho quí vị một cái nhìn tổng quát nhưng thực tế nhằm cho những ai đang thao thức cho việc xây dựng xã hội, giáo hội trong tinh thần trách nhiệm. Nói tóm lại, tài liệu này không dành cho các nhà nghiên cứu, tra khảo chuyên môn, nhưng nó trả lời cho những ai đang thao thức sống đúng giá trị Tin Mừng giữa lòng xã hội, đồng thời cũng nhắc nhở cho họ thấy bổn phận và quyền làm người của chính họ.
Huynhquảng
Bài 1
I. Giáo Hội là Thầy và là Mẹ
1. Học thuyết về xã hội của Giáo hội Công Giáo là gì?
Học thuyết Xã hội Công giáo là quan điểm của nền thần học đạo đức áp dụng vào các vấn đề xã hội mà Giáo hội đã dựa vào Truyền Thống và Kinh Thánh để lên tiếng về những vấn đề cấp thiết đang diễn ra trong xã hội, nhằm hướng dẫn nhân loại đi đúng con đường về nhà Cha chung. Thông điệp Rerum Novarum của ĐGH Leo XIII vào năm 1891 như là cột móc khởi điểm cho học thuyết này.
2. HTXHCG ra đời trong hoàn cảnh nào?
Học Thuyết Xã Hội Công Giáo ra đời vào thế kỷ 19. Khi con người phải đương đầu với những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội như: nền công nghiệp phát triển, những ý thức hệ mới về hưởng thụ, tự do, chính quyền, nhà nước và nhiều hình thái lao động mới cũng xuất hiện, trong hoàn cảnh ấy, Giáo hội trình bày Học Thuyết Xã Hội Công Giáo một cách chính thống và sống động cho mọi người.
3. Giáo hội có phải là Mẹ và là Thầy dạy của các dân tộc trên thế giới không?
Thưa phải. Giáo hội được Chúa Giêsu thiết lập với vai trò là Mẹ và Thầy của mọi dân tộc. Đấng thiết lập ủy thác trách nhiệm nuôi dưỡng và dạy dỗ không những cho con cái mình mà còn cho mọi dân tộc. Giáo hội phải thực thi công việc này với tất cả trách nhiệm và sự tôn trọng. (cf. Mater et Magistra, # 1 )
4. GH thực hiện công việc này đối với các dân tộc trên thế giới như thế nào?
Giáo hội thực hiện công việc này không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng gương mẫu và hành động trong lãnh vực từ thiện và xây dựng công bằng xã hội. Với trách nhiệm cai quản và bảo vệ Kho tàng Đức tin, Giáo hội lên tiếng để bảo vệ chân lý đức tin; đồng thời cũng lên tiếng để hướng dẫn mọi người nhận ra sự thật, những giá trị luân lý, những nền tảng nhân quyền, đặc biệt là ơn cứu độ.
5. Tại sao Giáo hội lại dùng HTXHCG để nhắc nhở các tín hữu?
Chúng ta tuyên xưng rằng: Nước Trời được bắt nguồn từ Giáo hội của Chúa Giêsu mà không phải từ thế giới này. Vì thế, HTXHCG nhắc nhở Kitô hữu không nên bị lầm lẫn trước những hình thái về sự phát triển văn minh, kỹ thuật, khoa học của con người. Dù sự phát triển này có vượt bậc và nhanh chóng đến đâu thì chúng cũng không có giá trị vĩnh hằng; và chúng cũng không bao giờ phản ảnh đủ mầu nhiệm vĩnh cửu sâu thẳm trong Đức Kitô. Của cải vật chất trong thế giới này chỉ có giá trị tạm thời và chỉ là phương tiện để con người hoàn thành ơn gọi của mình bằng việc cổ vũ cho hòa bình, công bình, giúp đỡ đồng loại cả vật chất lẫn tinh thần.
6. Giáo hội có phải là một thực thể tách rời không liên hệ đến xã hội không?
Thưa không, Giáo hội sống trong thế giới và là thành phần của thế giới nên Giáo hội có trách nhiệm liên đới với thế giới. Giáo hội chia sẻ mọi ưu tư, vui mừng và hy vọng với thế giới. Âu lo của thế giới cũng là âu lo của Gíao hội; vui mừng của thế giới cũng là vui mừng của Giáo hội.
7. HTXHCG có phải là “thuyết thứ ba” giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội không?
HTXHCG không phải là “thuyết thứ ba” giữa Chủ nghĩa Tư bản và Chủ nghĩa Xã hội và cũng không phải là một ý thức hệ. Nhưng HTXHCG, dựa vào Truyền thống và Đức tin, là kết quả từ những suy tư cẩn trọng về những vấn nạn của thế giới con người. Dưới ánh sáng Tin Mừng, HTXHCG minh giải những thực tại trong thế giới nhằm giúp con người cư xử với nhau theo giá trị vĩnh cửu. Vì thế, HTXHCG không phải là một ý thức hệ, nhưng là một nền thần học luân lý cho mọi người.
8. Rao giảng Tin Mừng có phải là nhiệm vụ bắt buộc của Giáo hội không?
Giáo hội lãnh nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng từ Chúa Giêsu. Đây là nhiệm vụ bắt buộc và là sứ mạng không thể thoái thác. Đến lượt chúng ta là Kitô hữu, chúng ta cũng được sai đi, vì thế chúng ta phải thực hiện sứ mạng này một cách nghiêm túc và trách nhiệm.
9. Rao giảng Tin Mừng trong thời đại mới có bao hàm rao giảng về HTXHCG không?
ĐGH Joan Phaolô II trong thông điệp Centesimus Annus số 5 đã minh bạch: “Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, việc rao giảng Tin Mừng trong thời đại mới phải rao giảng những điểm quan trọng của Học thuyết Xã hội của Giáo hội…chúng ta cần phải lập lại rằng những vấn đề xã hội không thể giải quyết ngoài bối cảnh Tin Mừng được”. Vì thế, khi thực hiện sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Giáo hội không ngần ngại rao giảng HTXHCG. Vì học thuyết này, không nhằm mục đích nào khác hơn là hướng dẫn con người cư xử với nhau dựa theo đức công bình. Hơn nữa, học thuyết này như là nền tảng cho việc xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình khi con người không thể tránh gặp phải những vấn đề trong đời sống xã hội và kinh tế. Khi thực hiện như thế, Giáo hội chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng bằng cách rao giảng chân lý về Đức Kitô, về con người, về Giáo hội và áp dụng chân lý ấy vào những hoàn cảnh thực tế.
10. HTXHCG có vai trò như thế nào trong thế giới ngày nay?
HTXH như là một phương tiện hữu hiệu để Giáo hội thực hiện mục đích của mình: Rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc. Đứng trước những vấn nạn của xã hội hôm nay, Giáo hội càng ý thức hơn và rao truyền rộng rãi hơn những giáo huấn của mình. Giáo hội giới thiệu với thế giới những nguyên tắc căn bản cho việc nhận định, quyết định và hướng dẫn hành động trong xã hội. Điều này góp phần rất lớn trong việc nhận thức vấn đề đúng đắn và tìm giải pháp phù hợp cho những vấn nạn nảy sinh trong xã hội.