28/03/2006
Ga 5:1-3a.5-16
Sáng nay cuộc họp các linh mục Việt nam tại giáo phận Galveston-Houston hân hạnh đón tiếp ba linh mục từ miền đầm lầy U minh, Long xuyên. Cuối buổi họp, một trong ba linh mục đã chia sẻ về công cuộc truyền giáo tại miền đất xa xôi hẻo lánh đó trên quê hương. Bắt đầu là những ngày lo âu, xa lạ, sợ hãi. Sau ba chục năm, các linh mục đã trở thành quen thuộcvới mọi người và chiếm được một vị thế lớn cho Giáo hội nơi miền dân ngoại. Tất cả chương trình đều được gài thêm chữ tình thương : cấp gạo tình thương, mẫu giáo tình thương, Anh văn tình thương v.v. Ðạo Chúa đã đem lại một sức sống mới và nối kết mọi người với nhau, kể cả các thừa sai. Ánh sáng tình thương đã bừng lên nơi một miền đất bao năm sống trong tăm tối và khốn cùng.
Ánh sáng tình thương đó có phát xuất từ bước chân “Ðức Giêsu lên Giêrusalem” (Ga 5:1) hôm nay. Người đi giữa những khổ đau của nhân loại (x. Ga 5:3a). Không hiểu tại sao Người lại chọn một người “đau ốm đã ba mươi tám năm” (Ga 5:5) để ra tay cứu độ ? Người đã lắng nghe những bất lực thể xác và tinh thần của anh suốt những năm nằm chờ ở bờ hồ Bếtdatha. Không một người giúp anh, dù từ hành lang tới bờ hồ chỉ có vài bước ! Anh không thể tự cứu mình trong dòng nước Bếtdatha.
Cơ may đã tới. Không phải chỉ đi vài bước, nhưng còn vác chõng nghênh ngang trước mặt mọi người (x. Ga 5:9). Chỉ vì thương, Người đã muốn cho anh thấy Người là ai. Vậy mà anh vẫn không thấy, mặc dù đã thoát khỏi nỗi khốn cùng của kiếp người, cho đến khi Người vòng trở lại để gặp anh trong đền thờ. Người vạch mặt chỉ tên căn nguyên sâu xa của mọi khổ đau và sự chết là tội lỗi (x. Ga 5:14). Còn nguyên ủy sự sống là Ðức Giêsu Kitô. Người như dòng nước từ cửa đông đền thờ, chảy đến đâu thì chữa lành và có sự sống đến đấy (x. Ed 47:1.11). Nhận ra Ðức Giêsu, nhưng anh không tạ ơn như những người khác, mà “đi nói với người Do thái : Ðức Giêsu là người đã chữa anh khỏi bệnh.” (Ga 5:15) Một Con Người đầy quyền lực đã xuất hiện. Một đối thủ vô cùng lợi hại đang thách thức tất cả hệ thống tổ chức tôn giáo và xã hôi.
Người trở thành một thách đố lớn lao, vì đã thi thố quyền lực cứu độ vào ngày sabát. Trong bối cảnh đó, Người xuất hiện như một lời phản kháng các luật lệ phi lý trói buộc con người. Như thế, khi chữa bệnh cho người đau ốm, Chúa đã giải thoát anh khỏi ba xiềng xích một lúc : bệnh tật, tội lỗi, luật lệ. Thể xác anh đã hoàn toàn khỏe mạnh, đến nỗi vác chõng đi trước mắt những người nắm giữ luật lệ truyền thống thời đo. Nếu sống đúng theo lời Chúa dặn, anh sẽ mãi mãi bình an và sẽ có một tương lai huy hoàng trong niềm tin vào Ðức Giêsu.
Niềm tin là sức mạnh giải thoát, vì dựa trên quyền lực Ðức Giêsu, Ðấng làm chủ cả thời gian lẫn không gian. Chính Người đã tạo nên thời gian. Ngày nào cũng là ngày Chúa dựng nên để thi thố tình thương. Người Do thái không thể lấy lề luật phi lý cột tay chân không cho Người cứu vớt những người anh em đau khổ. Không gian của người là cả vũ trụ. Thời gian của người là vĩnh cửu. Tuy phi thời gian và không gian, nhưng Người như bị trói buộc vì tình thương đối với con người khốn cùng. Người lấy đau khổ của anh em làm của mình, nên đã vượt qua mọi hàng rào luật lệ và truyền thống để đến với con người. Biết rất rõ những con mắt “cú vọ” của người Do thái, nhưng Người vẫn không sợ, vì Người coi sự sống của người anh em quan trọng hơn của mình.
Lạy Chúa, bao lần bước chân Người đã đi qua đời con. Nhưng sao con vẫn còn bị tội lỗi trói buộc. Chúa đã chết cho con được sống. Xin mau giải thoát con, lạy Chúa !
lm Giuse đỗ vân lực, op