HÀNH TRÌNH THEO DẤU CHÂN PHAOLÔ (FOLLOW PAUL’S FOOTSTEPS)
Bernard
Nguyên-Đăng
Viết một chủ đề nóng bỏng, lắm
người muốn viết, không nhất thiết là để được hàng vạn, triệu cái [like] nơi
Youtube. Nhưng, viết một chủ đề về tôn
giáo, đức tin, xảy ra 2000 năm trước, ở một nơi xa tít mù khơi, ít người Việt
muốn, không khả năng, hoặc chưa
hề được đặt chân đến—thật khó.
Viết ít–không trọn ý, thoả lòng.
Viết nhiều–ai có thời giờ đọc; hoặc có mấy ai có cùng sở thích hay đam mê.
Thôi, liều, cứ viết–viết như
Phaolô đã liều mạng ra đi…đến những nơi vô định, đối diện bao nhiêu nghịch cảnh
và gian truân. Viết như chính mình cũng đã liều, lao vào một hành trình với nhiều
thử thách–trước hết là tuổi tác, sức khoẻ và tài chánh. Thứ đến, ra đi để làm
gì? Chẳng phải vì học hành, bằng cấp, nhu
cầu của chức nghiệp, hay công ăn việc làm–không. Thôi,
cứ đi…và đã đi.
Bước vào ngưỡng cửa bảy
mươi, hầu như ai nấy đều an phận tuổi già, sống an nhàn bên gia đình, con và
cháu–nhưng sao, mình lại dấn thân vào một hành trình rất ư dài và nhiều thử
thách, từ thủ đô Hy-Lạp–Athens–đến nhiều nơi Phaolô đã một lần đến, sống, giảng
đạo, quan trọng nhất là đã viết nhiều “Thư”.
Chính những “Thư” đó đã trở thành một phần rất quan trọng trong kinh
thánh tân ước. Có mấy ai tự hỏi–nếu, không có một “Thư” nào mang tên, hoặc nhắc
đến Phaolô; không có Công Vụ Tông Đồ (CVTĐ), liệu kinh thánh tân ước sẽ ra sao?
Nhiều học giả kinh thánh lại đặt vấn nạn nhức nhối hơn nữa–Không có Phaolô, liệu
có một tôn giáo mang tên Kitô giáo chăng?
Mình viết vội, vì trong tâm
hồn hẵn còn nhiều dư âm của hành trình mấy tháng qua. Không hề có tham vọng bén
mãng đến rất nhiều chủ đề chỉ dành cho các học giả, chuyên gia, giáo sư kinh
thánh tân ước–đan cử như: Phaolô: Nhà thần học tiên phong của Kitô Giáo;
Phaolô: Con người lịch sử; hoặc, chủ đề hết sức nóng bỏng và nằm ở một từng mức
cao, vượt xa ngoài tầm của những gì mình muốn viết và chia sẻ: “Phaolô: Người theo đức Giêsu hay là người
sáng lập ra Kitô Giáo?” [1]; hay “Phaolô:
Người Thiết Lập Kitô Giáo-Paul: The Founder of Christianity” [2]
Tác giả David Wenham, đã kê
khai các sách, tài liệu tham khảo dài đến 15 trang trong tác phẩm của ông
"Paul: Follower
of Jesus or Founder of Christianity.” Nghĩa là, muốn am hiểu lý luận
và góc độ nhận định của tác giả về chủ để, độc giả nên đọc qua tất cả sách, tài
liệu tham khảo kê khai trong 15 trang đó, trước khi có khả năng, hoặc thẩm quyền
để đánh giá nội dung và hướng kết luận của tác giả về Phaolô. Đó là một việc
nghiên cứu, công tác khoa học chuẩn mực và lý tưởng.
Đúng 20 năm trước (2002), học
giả kinh thánh tân ước và là trưởng khoa thần học nổi tiếng người Đức, Gerd Ludemann,
đã xuất bản cuốn sách, mang tên “Paul-The Founder of Christianity”,
do nhà xuất bản Prometheus Books tại New
York phát hành. Khởi đầu, ông bàn về con người lịch sử của Phaolô, thân thế và
sự nghiệp–tuần tự theo thời gian (chronology); rồi ông đi ngay vào “Thư” mang
tên của Phaolô gửi giáo đoàn Philemon. Trước khi đi vào trọng tâm của cuốn
sách, ông đưa ra: Phaolô–con người Do Thái, con người từ hai miền Hy-Lạp-Roma
(Greco-Roman), con người Kitô hữu, tông đồ của đức Giêsu, tương quan giữa Phaolô
và đức Giêsu–sau khi trưng dẫn những dữ kiện ắt có và đủ, ông nói về tiêu đề
chính: Phaolô–chính là người thiết lập Kitô giáo. Phần phụ lục (Appendix), ông
đưa ra Thư 2 Thessalonians—cho rằng, đấy là nguỵ tạo, chứ không phải chính Phaolô
viết. Phụ lục kế tiếp–phê bình của Phaolô trong Thư gửi James và Thư thứ 2 của
Phêrô (Criticism of Paul in the Letter of James and in the Second Letter of
Peter”.
Trong “Lời Phi Lộ”, ông viết,
“…dựa vào những
nghiên cứu về Phaolô trong một giai đoạn hơn hai mươi lăm năm. – based on
studies in Paul which streach over a period of more than twenty-five years”
– cho thấy, để viết một cuốn sách, tuy không nhiều trang, không dày lắm, nhưng
phải mất hơn một phần tư thế kỷ để một học giả có thể cô đọng lại thành cuốn
sách chỉ gần 300 trang.
Trước khi xuất bản cuốn sách
nầy, Ludemann đã xuất bản bốn (4) cuốn sách khác về, hoặc liên quan đến Phaolô–
1) Paul: Apostle of the Gentiles: Studies in Chronology (Fortress Press, 1984);
2) Opposition to Paul in Early Christianity (Minneapolis-Portress Press, 1989);
3) Early Christianity According to the Tradition in Acts: A Commentary
(Minneapolis Fortress, 1989); và 4) Heretics: The Other Side of Early
Christianity (Louisville Wesminter John Knox Press,1996). Khi nghiên cứu, viết
và giảng dạy, ông viết: “Khi tôi nghiên cứu về Phaolô, tôi muốn khám phá những gì
ông đã làm, thực hiện, ước muốn, suy nghĩ và cảm nhận–When doing research on
Paul, I want to discover what he really did, wanted, thought and felt.”
Dù sâu
hay cạn, cao hay thấp, ít hay nhiều…mình phải viết…về...
Phaolô
(Paul) là
ai? Câu hỏi hơi thừa và
người nghe cũng chán. Phaolô là ai mà đã thay đổi thế giới qua một tôn giáo mới,
mang tên Kitô Giáo–trong đó có Chính Thống Giáo, Công giáo Roma và Tin Lành–các
giáo phái dựa vào kinh thánh tân ước làm nền tảng. Hàng trăm tác giả và hàng vạn
sách, tài liệu, biên khảo đã viết về Phaolô. Trong khuôn khổ giới hạn, mình chỉ
tóm gọn, rất ngắn và giới hạn trong góc nhìn một người Kitô hữu.
Phaolô là ai mà giáo hội công
giáo Roma đã nâng ông lên ngang hàng
với vị thánh đứng đầu giáo hội–Phêrô (Peter/Pierre)–người đã được chính đức Giêsu tuyển chọn
và phong làm người lãnh đạo tiên phong. Giáo hội lại chọn ngày 30 tháng Sáu để kính nhớ cả hai vị thánh.
Hai tên Phêrô và Phaolô đã nối liền với nhau như một chi thể, tuy hai ông khác
nhau về khá nhiều khía cạnh, ngay cả những ngày ngày đầu tiên, lúc hai người tận
mắt gặp nhau–khác nhau về quan điểm, tầm nhìn và sứ mệnh. Từ nguyên thuỷ, trước
khi giáo hội được hình thành, có hội thánh, có giáo hoàng, có hàng giáo phẩm, Phêrô
và Phaolô đã luôn luôn gắn liền với nhau. Ngay trong các mộ hang ngoại thành Roma thời La Mã, được biết đến
với tên “Catacombs”, đầu thế kỷ thứ hai, các tín hữu đầu tiên cũng chỉ biết
Phêrô và Phaolô. Có những hình vẽ trên mộ, chân dung khiêm tốn, không hào quang
hay trang phục rực rỡ của Phêrô và Phaolô đi liền với nhau.
Phaolô là một người Do Thái,
sinh ra năm thứ [5] tại Tarsus, tỉnh Cilicia, sau thiên Chúa giáng sinh, nằm
trong vương quốc Roma–nay, miền đất ấy thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ (Turkiye), có quốc tịch Roma. Ông mất năm
64/65 (?) tại Roma–cũng trong
thời vương quốc Roma, triều đại vua Nero. Trong thư gửi giáo đoàn Philippi, ông
khẳng định: “Tôi
còn nữa: được cắt bì vào ngày thứ tám, thuộc dân Israel, thuộc chi phái Bengiamin,
người Hebrew của người Hebrew; về luật pháp, một người Pharisiêu; về lòng nhiệt
thành, một kẻ bắt bớ giáo hội; về sự công chính theo luật pháp, không chỗ trách
cứ được-I have more:
circumcisized on the eighth day, of the people of Israel, of the tribe of
Benjamin, a Hebrew of Hebrews; as to the law, a Pharisee; as to zeal, a
persecutor of the church; as to righteousness under the law, blameless.” (3:4-6).
Ông am tường cả tiếng
Hewbrew và Hy-Lạp, theo học trường phái Gamaliel [2] của những người Pharisieu
tại Tarsus/Jerusalem,
chuyên về luật Do Thái (Acts-CVTĐ 22:3). Nhờ được đào tạo có trường lớp, truyền
thống, ông có thể giảng dạy trong các đền thờ Do Thái ở bất cứ nơi nào. Truyền
thống tư tế Do thái thường sinh sống bằng một nghề theo khả năng và sở thích để
nuôi thân và gia đình–Phaolô cũng vậy, để tránh khỏi gánh nặng cho cộng đoàn
tín hữu tân tòng, mới theo đạo, và cũng để minh chứng rằng, ông không phải rao
giảng để kiếm ăn. Tuy nhiên, Phaolô không để việc sinh nhai chiếm trọn thời
gian của sứ mệnh rao giảng tin mừng.
Qua câu
chuyện ông ngã ngựa và nghe tiếng Chúa (Acts 9:1-22) khoảng năm 31-36
(Galatians 1:16), ông thay đổi từ một người chống đối, lên án, trở thành người–ông
cho rằng–một “Tông Đồ” do chính Chúa đã chọn (1 Corinthians 15:8). Không rõ ông
đã được đào tạo, hướng dẫn bao lâu và những nguồn thông tin, dữ liệu nào về đức
Giêsu, nhưng Phaolô đã khẳng định trong Thư gửi giáo đoàn
Galata, “…rằng, phúc âm do
tôi rao giảng không phải là phúc âm của loài người. Vì tôi đã không nhận được
phúc âm từ bất kỳ người nào, tôi cũng không được dạy phúc âm, nhưng tôi đã nhận
được phúc âm qua sự mặc khải của đức Giêsu Kitô–…that the gospel
that was preached by me is not man’s gospel. For I did not receive it from any
man, nor was I taught it, but I received it through a revelation of Jesus
Christ.” (Galatians 1:11-12)
Ông
đã nhận bí tích thanh tẩy và trở thành một người tín hữu (Acts 9:18), tiên
phong rao giảng về đức Giêsu, như một thần học gia, một lý luận gia về một tin
mừng, thiết lập một tôn giáo mới. Tuy là
gốc, phát xuất từ một nguồn kinh điển, truyền thống Do Thái, nhưng, ông đã
thoát ra, vượt ra xa mọi tầm nhìn, từ không gian đến lý luận, hệ thống tín lý;
mặc dầu trong các Thư, ông trích dẫn khá nhiều về cựu ước, luật Môi Sen và truyền thống Do Thái.
Nhiều
“Thư” do chính ông viết: “Tôi, Phaolô, viết
những lời chào thăm nầy bằng chính tay của tôi–I, Paul, write this greetings with my own
hand.” (1 Corinthian, 16:21) “Hãy
xem những trang thư lớn tôi viết bằng chính tay của tôi-See with what
large letters I am writing to you with my own hand.” (Galatians
6:11); hoặc các cộng sự, môn đồ của ông sao chép lại. Những Thư được chọn, liệt
kê trong tân ước như: Thư Roma, Galata, Corinto 1 & 2, Thessalonica,
Philemon, Epheso. Một số Thư còn nhiều tranh cãi, chưa được công nhận Phaolô là
tác giả: Thư thứ 2 gửi Thessalonica, Colossians, Ephesians, thư gửi Timothy
1&2, và thư gửi Titus.
Ông được biết nhiều qua các
“Thư” và Công Vụ Tông Đồ (CVTĐ-Luca/Luke là tác giả). Tuy nhiên, cuộc đời của
ông thời niên thiếu và trước khi trở thành tông đồ rao giảng về đức Giêsu,
không mấy ai biết. Đã vậy, tài liệu, thông tin từ trong kinh thánh tân ước
không đủ để biết rõ con người và sự nghiệp của Phaolô. Trong thời gian một năm
sáu tháng sống và truyền giáo tại Corintho, ông sinh sống bằng nghề làm lều
(tentmaker) (Acts-CVTĐ 18:3-4). Những hành trình đến các nơi khác, không rõ ông
sinh sống bằng cách nào. Phải chăng, những tín hữu khá giả, giàu có, chăm lo ăn
uống và chỗ cư trú của ông và những người cộng sự. Ngay cái chết của ông tại
Roma, không văn bản, tài liệu, chứng cứ lịch sử nào còn lưu lại. Đôi khi, có những
thông tin trái nghịch nhau về ông, giữa Công Vụ Tông Đồ và các Thư.
Ông am tường về nhiều lãnh vực:
Tora, Kitô học, cánh chung, thần học, giáo hội học (Tora, Kitô học, eschatology,
soteriology, ecclesiology). Một sự khác biệt rất rõ về những tông đồ, môn đệ được
chính Đức Giêsu tuyển chọn, được đào tạo, hướng dẫn–nhưng, họ là những người
dân chài, sống bằng lao động chân tay–trong khi đó, Phaolô, một người chưa hề gặp Đức Giêsu bằng xương bằng thịt, chưa một lần
chung bàn ăn, chưa một lần nghe chúa giảng dạy; nhất là, chưa một lần tận mắt chứng kiến những phép lạ Đức Giêsu đã làm; nhưng, Phaolô đã thể hiện
tính cách, phong cách, kiến thức và kinh nghiệm sống của người được đào tạo, có
bài bảng, lớp lang và một truyền thống Do Thái thuần thục. Đọc Thư ông viết, với
giọng văn, ngôn từ, cách xếp đặt ý tưởng và lý luận, không thể từ chối ông là một
người vô cùng thông minh, lỗi lạc, nhiều kỹ năng và tài năng thiên phú.
Cho đến ngày nay, mọi chân
trời góc biển, nơi nào có bóng dáng người Kitô hữu, nơi ấy, có Phaolô hiện hữu.
Sứ mệnh của Phaolô là gì? Phaolô viết nhiều, rao giảng nhiều về đức Giêsu cho dân
ngoại (không phải Do Thái), hồng ân của Thiên Chúa qua đức Giêsu, tuy là người
chưa một ngày cùng song hành, ngồi bàn và chưa một lần được chính Đức Giêsu tuyển chọn làm tông đồ khi Ngài
còn sống, rao giảng tin mừng tại Galileo, đừng nói chi được giao phó sứ mệnh
rao giảng tin mừng, ơn cứu độ, thiết lập một tôn giáo mà nền tảng và căn nguyên
thần học mang tên duy nhất một người–Đức
Giêsu. Công Vụ Tông Đồ và các Thư chứng
minh, sứ mệnh chính của Phaolô: rao giảng tin mừng cho người [ngoài] Do Thái. Phaolô–một
nhà ngoại giao uyên bác, rành tâm lý và có một sức hấp lực, đặc biệt là khả
năng thích nghi, hội nhập rất cao. Do đó, ông là người tông đồ duy nhất thành
công trong sứ vụ, sứ mệnh, thay đổi toàn miền đất Hy-Lạp, thờ đa thần, trở
thành độc thần–Đức
Giêsu. Cứ nhìn vào Hy-Lạp ngày nay, từ một nước thờ đủ loại thần linh, một nước
có rất nhiều thần thoại, Kitô giáo đã trở thành quốc giáo–98 phần trăm dân số
là tín hữu Kitô giáo [4]
Phaolô đã ra đi rao giảng đến đâu–bao
nhiêu chuyến?
Phaolô có bốn (4) hành trình
lâu và dài, chính thức đi rao giảng tin mừng. Ông đi khá nhiều nơi, suốt từ năm
49 đến năm 64/65, nhưng được chỉ ghi nhớ nhiều qua các Thư gửi cho các giáo
đoàn. Không một thư, tài liệu, văn bản gốc được lưu lại, có thể chứng minh là
do chính tay Phaolô viết, mặc dầu trong vài thư, Phaolô đã viết, “Chính tay tôi
viết.”
Mãi đến ngày nay, các nhà thần
học kinh thánh, chuyên gia, học giả, vẫn còn nghiên cứu và tranh luận về nguồn
tài liệu, văn bản, so sánh và phân tích; nhưng, vẫn chưa tuyệt đối chính xác.
Vì qua ba (3) thế kỷ đầu, nhiều nguồn dữ liệu, được sao chép, chỉnh sửa, thêm bớt,
rải rác khắp nơi. Các nhà nghiên cứu, khoa học, chuyên gia về khảo cổ và kinh
thánh luôn luôn so sánh, phân tích và kiểm nghiệm những điểm tương đồng hay dị
biệt, từ văn phong, văn bản này qua thư kia, về thời điểm, thời gian, địa điểm,
các yếu tố lịch sử và khoa học để đưa đến những kết luận khả thi, hợp lý, đồng
thuận, trước khi khẳng định và đánh giá mọi thông tin, tài liệu và sách liên
quan đến kinh thánh. Những tài liệu, văn bản mới tìm kiếm, khám phá được tại
vùng “Biển Chết” (Dead Sea), được biết với tên “Dead Sea Scrolls”, cũng không
có thêm gì mới về thân thế và sự nghiệp của Phaolô.
Về
hành trình…
1. Hành
trình đầu tiên. Acts-CVTĐ 13-14-Khởi hành bằng thuyền từ Antioch, (Syria) –ngày
nay, thuộc về miền nam Thỗ Nhĩ Kỳ. Dừng lại Cyprus-Salamis. Từ Salamis, nhóm của
Phaolô tiếp tục đến đảo Paphos. Sau đó, họ đến Pamphylia, Perga, Antioch-Pisidian,
Phrygia, Lycaonia-Lystra, Derbe (Acts 14:21), Iconium, Pamphylian-Attalia, và rồi,
quay về lại Antioch.
2. Hành
trình thứ hai- Acts-CVTĐ 16:23-20:38-Trước hành trình thứ [2], Phaolô rời
Antioch đi Jerusalen-năm 49–dự hội nghị với các tông đồ (Council of
Jerusalen)–Giải quyết những tranh luận về việc “cắt bì”, chiều hướng ơn cứu rỗi.
Kết quả đưa đến việc người lương dân có buộc phải gia nhập Do Thái giáo hay
không để được cứu rỗi–không còn là một vấn đề. Rồi quay về lại Antioch.
Từ
đó, Phaolô và cộng sự về lại nơi chôn nhau cắt rốn của ông–Tarsus, rồi đến
Derbe và Lystra—nơi đây, ông đón nhận thêm Timothy-Mẹ gốc Do Thái (Acts
16:3-4). Tiếp đến, họ đến Iconium, thăm lại Antioch-Pasidia, Phrygia, Galatia,
Asia. Từ Galatia, nhóm của Phaolô hướng về miền Tây, Mysia và rồi Troas. Chính nơi đây, Phaolô “mơ”
thấy một người đàn ông kêu nài ông đến Macedonia giúp họ. Thế là họ dùng thuyền
đến Troas, ghé ngang qua đảo Samothrace trước khi đến Neapolis (Kavala ngày nay)–từ đấy, họ hướng về Philippi–tại
đây, Phaolô và người cộng sự Timothy đều bị hành hung và nhốt một ít lâu. Sau
khi ghé qua Amphilolis và Apollonia, họ đến Thessalonica (Thessaloniki), Berea. Phaolô trảy đi xuống thủ đô
Athens, trong khi Silas và Timoty lưu lại.
Phaolô
đến thủ đô trước và chờ Silas và Timothy, sau đó, Phaolô đến Corintho-Silas
Timothy tiếp tục đi đến sau. Sau một thời gian, 18 tháng, Phaolô xuống Caesrea
trước khi băng biển Aegean đến Ephesus, đi Caesarea và xuôi về Jerusalem. Sau
cùng, Phaolô quay về lại Antioch-Syria.
3. Hành
trình thứ ba-Acts-CVTĐ 18:23-20:38–Acts-CVTĐ không trình thuật rõ sự chuyển tiếp
từ hành trình thứ [2] sang thứ [3]. Phaolô lại khởi hành từ Antioch-Syria–đi về
hướng tây, ghé về quê Tarsus trước khi đi xuyên qua nhiều nơi trong miền
Galatia và Phrygia, cũng cố các giáo đoàn, môn đệ và cộng sự. Phaolô đến Ephesus
và lưu lại trong vùng Tiểu Á (Asia Minor) khoảng [2] năm—Ông đi thăm lại nhiều nơi–Derbe,
Lystra, Iconium, Antioch-Pisidia, Phrygia. Sau đó, vượt biển Aegean và trở lại
miền Macedonia-Troas, Assos Neapolis, Philippe, Thessalonnica, Berea, Corinth,
và rồi đi ngược lại về hương bắc trước khi đi Mitylene, Miletus. Sau đó, Phaolô
và những cộng sự ghé Kos, Rhodes và Patara trước khi băng biển Địa Trung Hải đến
Phoenicia, và Tyre. Từ Tyre, Phaolô tiếp tục hành trình đi Ptolemais, Caesarea
và rồi về Jerusalem.
4. Hành
trình cuối cùng-Không nhắc đến trong CVTĐ, nhưng trong Thư gửi cho các giáo đoàn,
(Philippians 3:7-11), các học giả cho rằng, Phaolô đã tiếp tục hành trình thứ
[4], chỉ được nhắc đến trong các Thư, không có trong Acts-CVTĐ. Đan cử như
trong Thư Roma, Phaolô nhắc đến việc đi đến Tây Ban Nha (Spain) “Tôi hy vọng sẽ gặp anh em ghé ngang qua khi
tôi đến Tây Ban Nha, và anh em có thể giúp chuyến đi của tôi nơi ấy–I hope to see you in passing as I go to
Spain, and to be helped on my journey there by you.” (15:24). Giáo Phụ John
của Chrysostom viết, “Sau khi ông đến
Roma, ông trở lại Tây Ban Nha, nhưng, ông có đến đó nữa không trong chuyến thứ
[3], chúng ta không biết.” Ngài Cyril Jerusalem, thế kỷ thứ Tư đã viết, “Phaolô đã thiết tha rao giảng xa xôi như Tây
Ban Nha.” Khởi hành từ Jerusalem, Phaolô
và nhóm của ông đến Antipatris, Caesarea, Sidon, Myra, Cridus, Salmone, Lasea,
Fair Havens (Crete), Malta, Syracuse, Phegium, Pateoli, Appa Forum, Three
Taverns và dừng lại tại Roma.
5. Có
những tài liệu, bài viết, nghiên
cứu, lại thêm hành trình thứ [5] của Phaolô [5] – còn nhiều tranh cãi. Nghĩa
là, khi Công Vụ Tông Đồ khoá sổ, kết thúc– sứ mệnh và công cuộc rao giảng tin mừng
của Phaolô và các môn đệ, cộng sự nào có ngưng lại. Vì nhiều tác giả, nghiên cứu
và chuyên gia về kinh thánh tân ước dõi theo nhiều dấu tích, sự kiện, văn kiện
và thông tin–trực tiếp hoặc gián tiếp, trình thuật một hành trình khá dài, cho
rằng, Phaolô đã từ Roma trôi giạt xuống tận mãi Fair Havens (Crete). Từ đó, ông
đi Nicopolis và đến Tây Ban Nha (Spain), London (Anh) và quay về lại Roma. Không
ai buộc độc giả phải tin vào những luận cứ, suy đoán, suy diễn như vậy; tuy
nhiên, chủ đề nầy giúp người đọc, những ai còn đam mê nghiên cứu và khảo sát,
tiếp tục hành trình…
Tổng cộng, Phaolô đã đi hơn
20,000 kilomet và đã rao giảng tin mừng trên [8] nước (theo địa lý ngày nay) –Thổ
Nhĩ Kỳ, Hy-Lạp, Lebanon, Israel, Ý, Malta, Cyprus và Tây Ban Nha.
Thư Của Phaolô
Hầu hết các học giả tin rằng, chính Phaolô đã
viết bảy (7) Thư: Galatians (viết khoảng năm 48), Romans (năm 55-57), 1
Corinthians (năm 53-54), 2 Corinthians (năm 55-56), Philemon (năm 57-59/62),
Philippians (năm 57-59/62) và 1 Thessalonians (năm 49-51).
Ba (3) Thư: 1 Timothy; 2 Timothy; và Titus
không phải ông là tác giả, nhưng lại mang tên ông. Thêm vào đó, ba (3) thư
khác: 2 Thesslonians; Ephesians; và Colossians hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về
ai là tác giả; mặc dầu đã liệt kê vào kinh thánh tân ước. Vài học giả còn đi
sâu hơn nữa, cho rằng, có những thư Phaolô viết, cùng sự trợ giúp, hợp tác với
một bí thư, phụ tá, hay chuyên viên sao chép (amanuensis)– ảnh hưởng về văn
phong và có khi cả đến nội dung thần học.
Nhiều học giả như Origen, Tertullian và
Hippolytus và nhiều người khác đặt vấn đề tác giả của thư “Hebrews”. Từ thế kỷ
16 về sau, khá nhiều sự phản bác về Phaolô là tác giả của Hebrews, vì văn
phong, nội dung và tư tưởng thần học trong Thư khác hẳn, không thể hiện chính Phaolô
là tác giả; và không hề thấy xuất hiện tên, hay lời chào đầu thư Phaolô thường
viết, “Tôi, Phaolô–I, Paul…”
Những nơi mình đã đặt chân đến
Viết về Phaolô, tất nhiên phải
đọc, xem, nghiên cứu khá nhiều–nghiên cứu thật kỹ trước khi lao mình vào viết,
đặc biệt là viết về những nơi mình chưa hề đến, không có bà con bằng hữu nào
trú ngụ để hướng dẫn hoặc cho mình tá túc. Tuy nhiên, mình sẽ không đi sâu vào
những góc cạnh như: lịch sử, chính trị, văn hoá, ngôn ngữ, xã hội, tâm lý, đạo
đức, kinh tế và tôn giáo...trong thời đại của Phaolô, nơi ông sinh ra, những
nơi ông đi rao giảng, hoặc bị tù đày và bị hành quyết tại Rôma.
Mình viết qua góc nhìn của một
người say mến Phaolô–như chính Phaolô đã say mến đức Kitô. Viết, những gì mình am
hiểu, mục kiến, tai nghe, mắt thấy, trải nghiệm, kinh nghiệm và tất nhiên, những
cảm nhận riêng tư. Viết như vậy, dễ cho mình, ai viết cũng được; và viết một
cách vô tư, chủ quan–tất nhiên, sẽ có nhiều điểm khiếm diện; vì mình chỉ nhận
diện được trong tầm nhìn của đôi mắt phàm, trong một góc độ giới hạn, một thời
gian ngắn ngủi và không gian cô đọng, rung cảm riêng tư, trong những chuyến đi–đi
bộ, đi xe, đi một mình, song hành và gặp gỡ với những người từ nhiều phương trời,
nhưng cùng một mục đích–theo dấu chân Phaolô.
1. Athens
Chọn thủ đô Athens của Hy-Lạp là điểm khởi đầu có nhiều lý do thích
thú và chính đáng–Phaolô đã đặt chân lên thủ đô và mong thuyết phục được lòng
tin của dân có ăn học, quan quyền và những giới giàu sang (xem Acts-Công Vụ
Tông Đồ (CVTĐ)-17.16). Đấy là lý do chính. Thế nhưng, lý do khác không kém phần
quan trọng riêng đối với mình. Ngày xửa ngày xưa, vì theo học ban triết và văn
chương, lại mê triết hơn các thứ đam mê khác của tuổi mới lớn–đã vậy, Athens là
cái nôi văn minh của Âu châu, 3, 4 ngàn năm trước công nguyên. Giờ, mình không có tham vọng biết thêm nhiều vào lứa tuổi
mà quỹ trí nhớ đã hao mòn hay cạn kiệt, không mong gì vun xới hoặc làm cho
phong phú thêm lên; nhưng, các tổ phụ triết học như Socrates, Plano, Aristotle
và Diogenes mãi mãi là những ngọn đuốc soi đường hành trình của cuộc đời mình;
do đó, giấc mơ được đặt chân lên những địa danh, như “Plato Academy”, những con đường, môi trường sống, những
nơi các triết gia tổ phụ đã hít thở khí trời, dấn thân cho đời, mãi mãi rừng rực
trong mình.
Năm 51, Phaolô một mình đến
Athens bằng thuyền và dừng lại tại làng Falio, gần Kifissos, thuở ấy là cảng
chính cho tàu bè từ khắp nơi giao thương, mua bán, du nhập. Ông không bỏ phí thời
giờ nào, tiếp tục rao giảng—từ ngoài đường, phố chợ, đến các đền thờ người Do
Thái–trong khi chờ đợi Silas và Timothy đến từ Macedonia.
Acropolis–một địa danh nổi tiếng trong lịch sử
nhân loại, không ai mà không biết Acropolis khi nói về thủ đô Athens. Nổi tiếng
vì kiến trúc, đền đài, nhưng với Phaolô, không thành công mấy trong sứ mệnh rao
giảng về Đức Giêsu cho những người
mà ông nghĩ họ có thể lắng nghe và tin theo. Ngược lại, chả mấy ai muốn, thích nghe
ông hết. Nhưng, Phaolô không bi quan như bao nhiêu người khác. Tuột xuống khỏi
đồi Acropolis, Phaolô tiếp tục rao giảng tại ngọn đồi bên cạnh, mang tên “Mars
Hill”. Hiện nay, một tấm bảng bằng đồng, tiếng Hy-Lạp, khắc ghi dấu chân Phaolô
trên đồi nầy. Tại đây, mình ngồi giửa khá đông người, có cả những cặp tình
nhân, níu kéo mặt trời chiều, cho đến khi phố xá bên dưới lên đèn, rồi dần dần rực sáng như một
thung lũng kim cương. Một mình, tâm hồn thanh thản, không vướng bận chuyện trần
thế, chuyện cơm gạo áo tiền–mình mường tượng, tưởng chừng như Phaolô đang đứng
gần kề, mình lắng nghe những gì
Phaolô đã thuyết giảng. Mường tượng chung quanh mình là những cư dân của thủ đô
Athens của 2000 năm trước đang lắng tai nghe. Mình nghe như chính Phaolô đang
nói, đang thỏ thẻ với riêng mình–chào thăm người khách lạ; chào thăm một
người ái mộ; chào thăm một người lữ hành, người anh em, khởi đầu hành trình theo vết chân xưa của
Phaolô.
Mình cũng đã cuốc bộ đến
"Plato Academy Park"; viện giáo dục của Plato gần 3000 năm trước—đại học đầu
tiên của nhân loại. Đi
quanh, ngồi một mình, hay trà trộn vào những nhóm du khách, nghe lóm những người
hướng dẫn, giáo sư, chuyên gia nói về Plato với những chi tiết rất thú vị. Thế
là hài lòng rồi–ít ra, cũng được một lần trong đời chính mình được ngồi vào viện,
lớp học của tổ phụ Plato. Nầy, không phải là một học viện hay lớp học như 3000
năm trước, giờ chỉ còn những móng cùng nền–nền tảng triết học vẫn còn đó, chứ
không phải móng nền của những đền đài của thời xa xưa ấy–đã đổ nát hoang tàn hết
rồi.
Gặp
Louis Hua
Tại nhà nghỉ, mình thấy một
anh người Á châu, khuôn mặt đăm chiêu, ngồi đọc nơi máy vi tính, thỉnh thoảng,
nhìn sang cuốn sách bên cạnh. Mình nghĩ, có lẽ anh ta là doanh nhân, đang lo
công việc. Hôm khác, đánh bạo, mình hỏi, “Anh
đi nghỉ mát hay công việc? Anh đáp, “Tôi
đang đi hành hương, đến các nơi Phaolô đã đến, đã rao giảng tin mừng.” Khá
ngạc nhiên! Một người Hoa, lại say mê kinh thánh đến độ bỏ hết mọi sự để rong
ruổi khắp nơi, theo Phaolô. Anh không chỉ đến những nơi tại Hy-Lạp, nhưng ngay
cả Êphesus bên Thổ Nhỉ Kỳ và Rôma.
2. Korinthos (Corinth/Corintho)
Thân xác
còn ở Athens, nhưng tâm trí đã lang thang trên miền đất Korinthos rồi.
Korinthos ngày nay khiêm tốn
hơn thời của Phaolô nhiều, chỉ còn khoảng 50 ngàn dân, so với 7-800,000 dân thuở
2000 năm trước. Phố ngày nay được biết là Korinthos mới, vì đã có Korinthos cổ,
cách đó khoảng 3.5 đến 4 cây số về hướng tây-nam. Không biết ngoài những di
tích, kiến trúc, còn tồn đọng lại bao nhiêu, nhà cửa của dân cư thời ấy nay
đâu, không còn dấu vết gì. Thử nghĩ, nếu với dân số 700-800 ngàn, ắt hẳn, nhà cửa,
phố xá rất ư sầm uất, không chỉ riêng gì một chút di tích cổ như hiện nay.
Nổi bật nhất mà mọi người trên
thế giới biết về cổ thành Corintho chính là bảy (7) cột đá của đền thờ thần
Apollo còn đứng đó. Từ cổng vào, bên phải là một hồ tắm, đục từ một tảng đá—để
biết dân Corintho thuở xưa kiên nhẫn, lắm tài và nhiều kỹ năng–chưa
nói đến có thừa những huyền thoại, truyền thuyết nghe mê hồn. Nếu không am tường
thần thoại Hy-Lạp,
thì có hướng dẫn viên hay không, vẫn mù tịt. Vì các thần ông, thần bà, thần
nam, thần nữ, ngay cả thần con nít, cũng có những quan hệ, móc nối qua lại chèo
chéo. Nên chi, có nghe hướng dẫn viên thao thao bất tuyệt những chuyện ông bà
thần họ thuộc lòng từ thuở còn nằm trong nôi, mít ta đây nghe như vịt nghe sấm.
Vào bên trong, nhiều gian hàng quán đã đổ nát, chỉ còn những tảng đá chồng lên
nhau, cố gắng mường tượng họ chứa được những gì, bao nhiêu–mỗi
ngăn cở một căn phòng ngủ.
Phố được chia ra nhiều khu–chính
là đền thờ Apollo, khu sinh hoạt, khu mua sắm, quảng trường (forum), sảnh đường
(stoa), trường đua, đền, tượng đài những anh hùng, đền thờ, cửa hàng, trung tâm, bồn tắm,
hồ tắm, viện bảo tàng, sân khấu…quan trọng nhất là giữa quảng trường, có một
nơi được xây như là một khán đài, cao khoảng [2] mét, có tên: “Bema”–có nghĩa “diễn
đàn để mọi người nói” (speakers’ platform), hoặc quan chức công bố việc liên
quan đến quần chúng. Tại đây, tương truyền rằng, Phaolô đã đứng nơi nầy để rao
giảng tin mừng. Và cũng chính nời nầy, Phaolô bị những nhóm người chống đối,
lôi ông đến để cáo buộc tội tuyên truyền về một tôn giáo mới. Vì liên quan mật
thiết đến Phaolô, thời Byzantine, đã có một thánh đường xây ngay tại Bema.
Theo dữ liệu kinh thánh-Công
Vụ Tông Đồ-Khoảng năm 51-52, Phaolô đã đến và sống tại đây 18 tháng (CVTĐ 18;
18.11). Ông đã rao giảng nhiều tại phố chợ, nơi tập trung của giới trung lưu,
thế quyền, giới ăn học, làm ăn, doanh nhân. Biết vậy, không một dữ liệu, di
tích gì cho biết Phaolô sống ở đâu, nơi nào, nhà ai. Chẳng hạn tại Philippi,
ông được tín hữu đầu tiên, Lydia, mời đến nhà bà. Phải chăng ông đã tá túc và cùng kiếm sống với
cặp vợ chồng Akylas (Aquila) và Priscilla–hai người gốc Do Thái, ông quen thân
và cũng làm nghề làm lều (tentmakers) như ông. Họ có một chút ít hiểu biết về Đức Giêsu–sau nầy, ông bà đã trở nên
thành viên của nhóm 70 môn đồ đắc lực của Phaolô, cùng tham gia, song hành với
Phaolô trong công cuộc truyền giáo. (Romans 16:3)
Sau 2000 năm, nhưng những di
tích lịch sử vẫn còn nằm trong lòng đất. Như hí trường (Theatre), toạ lạc ngay
bên phố cổ, chỉ cách một con đường, nhưng vẫn chưa được trùng tu, bảo quản và cho
phép du khách, chuyên gia vào thăm hoặc nghiên cứu, đừng nói chi bao nhiêu di
tích lịch sử khác. Đan cử là một quán bán hàng lưu niệm và cũng là nhà của một
nghệ nhân chuyên vẽ, tái tạo các bình, lu sành cổ, xây ngay trên một phần của cổ
thành.
Không riêng gì Korinthos,
nhưng hầu hết các thành phố cổ của Hy-Lạp, nhà cửa xây ngay lên trên những di
tích cổ của 2, 3 ngàn năm trước. Khi những công trình công cộng, metro, đường hầm,
đụng vào chỗ nào cũng gặp di tích cổ.
Mình hỏi cô hướng dẫn du
khách nơi trạm "Tourist Information"– “Người Hy-Lạp nghĩ gì về quá trình lịch sử và văn minh của mấy ngàn năm
trên miền đất của tổ tiên cô?”
Cô vui cười đáp, "Những gì của 2000, 3000 năm trước, thuộc về
quá khứ, người Hy-Lạp ngày nay không quan tâm gì về những gì mấy ngàn năm trước
đây."
"Thế, người Hy-Lạp biết gì và nghĩ thế nào về Phaolô?" Mình hỏi.
"À, Phaolô, người nói về tình yêu chứ gì? Đằng kia, có một tấm bia đá khắc
ghi những gì ông rao giảng về tình yêu." Thế là mình dần mò đi. Quả vậy,
đến một đền thờ chính thống giáo nhỏ, ngay trước cửa, bên trái, một tấm đá lớn
khắc ghi một đoạn của Phaolô gửi giáo đoàn Korinthos, (1 Cor. 13, 4-7)-một bên
bằng tiếng Hy-Lạp và bên kia bằng tiếng Anh:
“Yêu
là kiên nhẫn và tử tế; yêu không có ghen tuông hay kiêu hãnh; không ta đây hay
thô lỗ; không cố chấp; không cau có hay ganh tị; không vui mừng về những khiếm khuyết-lỗi lầm, nhưng mừng vui với sự
thật. Tình yêu gánh chịu tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất
cả. Tình yêu không bao giờ tàn lụi…Thế nên, đức tin, hy vọng và tình yêu, trong
cả ba, cao vời nhất chính là Tình-Yêu.”
“Love
is patient and kind; love does not envy or boast; it is not arrogant or rude.
It does not insist on its own way; it is not irritable or resentful; it does
not rejoice at wrongdoing, but rejoice with the truth. Love bears all things,
believes all things, hopes all things, endures all things. Love never ends…So
now faith, hope, and love abide, these three; but the greatest of these is LOVE”
Mình nghe và đọc nhiều về “Chúa là tình yêu–God is Love” (1 John
4:7-21); hoặc “Hãy yêu thương nhau–Love
One Another” (1 John 3:11-16), nhưng không hiểu, hay chưa am hiểu một cách
cụ thể “tình yêu” ấy ra sao. Càng đọc những gì về Phaolô, dường như, thần học của
ông dần dần hiện rõ nét tinh tế. Không biết ai có thể thêm, hoặc bớt định nghĩa
về “tình yêu” của Phaolô. Với Phaolô, tình yêu còn cao vời, vượt xa khỏi cả hy
vọng và đức tin–một thần học tuyệt vời! [12]
Chính vì thế, giáo hội tại
Hy-Lạp và nhiều nơi,
không gọi đây là thông điệp tình yêu, nhưng là thánh ca tình yêu (Hymn to
Love). Không một thánh lễ hôn phối nào lại có thể thiếu vắng thông điệp và
thánh ca tình yêu của Phaolô.
Đi thăm, quan sát một ngày,
chưa đủ–mình tháp tùng một bạn trẻ người Pháp, trở lại cổ thành, họ không tính
tiền vào cửa. Hỏi ra, thì mới biết, cuối tuần không cần phải mua vé vào–lại một
ngày say mê, xem từng viên đá, từng chữ khắc ghi trên các tảng đá lớn nhỏ, cả
những tảng đá nằm lăn lóc dưới đất. Thời ấy, có những nơi khắc, tạc, sử dụng tiếng
Latin, vài nơi lại sử dụng tiếng Hy-Lạp.
Bên cạnh cổ thành, một bảo tàng viện xây năm 1932, tuy nhỏ, nhưng trưng bày khá
nhiều tác phẩm điêu khắc đẹp tuyệt vời–tính theo tỷ lệ diện tích, thì viện bảo tàng
nầy có nhiều tác phẩm điêu khắc hơn bảo tàng viện tại thủ đô Athens.
Từ cổ thành, nhìn về hướng
Nam, cách khoảng hơn một cây số nhìn thẳng, là ngọn đồi Acrocorinth–575 mét
cao–với đồn luỹ xây dựng bằng đá kiên cố, lớn nhất và lâu đời nhất vùng
Peloponnese. Trên đỉnh đồi còn nhiều di tích, đền Aphrodite, cả giáo đường Kitô
giáo và đền hồi giáo cổ–một di tích lịch sử không thể bỏ qua nếu đã đến
Korinthos. Ít ai có khả năng cút bộ từ cổ
thành lên đến đồi Acrocorinth. Nhìn thấy gần; chỉ đi bộ từ cổng, leo lên đến đỉnh
đồi, dốc đá nghiên, quanh co, rất trơn trợt, đã hụt hơi–hụt hơi thật–không phải vì trời mưa hay đá ướt, nhưng vì hàng mấy
ngàn năm, hàng triệu triệu người lên xuống, đá mòn nhẵn nhuội như đánh bóng. Lúc xuống, vẫn phải hết sức thận trọng. Từ
trên bốn góc thành–đông, tây, nam, bắc–nơi đỉnh đồi, nhìn xa ra vịnh phía
bắc, hay phố Korinthos mới về phía đông, hoặc nhìn xuống bên cạnh chân đồi–phố
cổ chỉ là một khu di tích rất nhỏ, khiêm tốn so với quá trình lịch sử tấp nập
người người của thời 2000 năm trước, lúc Phaolô đến giảng đạo–thuở ấy, nhà cửa,
dân cư có thể lan rộng vài chục cây số về hai hướng đông-tây, vì phía bắc là vịnh,
và phía nam là núi cao–chỉ có khoảng đất bằng phẳng kéo dài từ đông sang tây.
Qua Thư của Phaolô gửi giáo
đoàn Corintho chứng minh một quan hệ mật thiết và tình cảm Phaolô dành riêng
cho con người và miền đất nầy. Không chỉ tại Corintho, nhưng hầu hết những nơi
nào có dấu chân của Phaolô đặt đến, người dân Hy-Lạp đã kiến tạo, xây dựng nhiều giáo đường,
đền thánh to lớn, nguy nga và tiếp tục duy trì sự tôn kính gần hai ngàn năm
qua. Đặc biệt là tại Corintho, tín hữu đã xây dựng một thánh đường rất lớn để
ghi ơn, ghi công, kính nhớ đến Phaolô.
Thánh
lễ của cộng đồng người Phi
(từ Chicago)
Sau khoảng 30 phút lang
thang chụp hình từ cổng cổ thành vào, thấy một người đang khoát áo “alba” trắng,
dường như một linh mục đang chuẩn bị thánh lễ.
Mình tiến nhanh lại, thì ra, một nhóm người, mình đoán là người Phi.
Không hề biết trước, không bao giờ nghĩ đến; nhưng, giờ đây, một thánh lễ nơi đất
thánh, tâm hồn mình như chắp cánh. Thánh lễ ngoài trời, không mái, không vách,
không trống kèn, không ban nhạc, ca đoàn, nhưng, với những giọng ca của thế hệ
65-80 thật sốt sắng. Bài giảng của vị chủ tế ngắn gọn, súc tích, tăng thêm ý
nghĩa sâu đậm cho những tín hữu hành hương.
Thánh lễ kết thúc, một đôi nam nữ nhắc lại lời giao ước hôn nhân [50]
năm… “Anh/Em…xin sẽ giữ lòng chung thuỷ…khi vui cũng như khi buồn, khi mạnh khoẻ
cũng như lúc ốm đau, khi giàu sang cũng như lúc cơ hàn…sẽ mãi mãi yêu thương và
tôn trọng anh/em suốt đời anh/em”. Tuy mình đang làm công tác phó nhòm, nhưng
sao, không cầm được nước mắt. Còn nơi nào sánh cho bằng, từ bao nhiêu ngàn dặm,
Chicago đến Corinto, để dâng thánh lễ, nhắc lại giao ước khi hai người còn
trong tuổi thanh xuân–nơi được Phaolô nhắn gửi, lý giải về ý nghĩa và giá trị của
tình yêu. Thánh lễ kết thúc, linh mục chụp hình chung với mình và một tín hữu đến
từ Brasil, trao đổi thông tin và giữ liên lạc.
Trong khi thánh lễ của nhóm
người Phi đang diễn tiến, mình nghe xa xa phía sau lại có tiếng hát, quay lại
nhìn, thì ra, một thánh lễ khác của một cộng đồng người Âu châu. Khi mình đến,
thánh lễ gần xong. Mọi người lấy làm lạ thấy một người Á châu tham dự. Kết thúc
thánh lễ, linh mục chủ tế hỏi thăm mình–ngài ngạc nhiên khi biết về gốc gác,
lai lịch của mình. Ngoài linh mục ra không ai biết tiếng Anh, ngài dịch lại, họ
từ một cộng đoàn nhỏ tại Ý. Ai nấy đều lấy làm vui, gặp một người tín hữu da
vàng tại nơi đất thánh.
Đấy, mới biết được sự khác
biệt rất nhiều giữa đi hành hương, thăm viếng, khảo cứu một di tích lịch sử,
thánh địa–đi theo đoàn, theo tour–hoặc đi riêng một mình. Một mình, hoàn
toàn không hề bị ràng buộc bởi bất cứ ai, những gì–từ thời gian, không gian, đến những gì muốn xem, muốn thấy, muốn nghe, muốn tham gia, muốn
quan sát, hoặc muốn dấn thân vào–tất
nhiên, một mình phải tự chuẩn bị tất cả– và
chính sự chuẩn bị trước của riêng mình, hành trình sẽ mang lại nhiều niềm vui và
đạt kết quả mong muốn.
Thánh
lễ tại nhà thờ Kính thánh Phaolô-Korinthos
Hôm nay, Chủ nhật, anh bạn
người Cuba, nhưng thông thạo [6] thứ tiếng–thạo thật chứ không xạo, không phải khoe để lấy kỷ lục–đến nỗi, bà chủ nhà gọi anh
ta là “Anh chàng Hy-Lạp”, mời mình cùng đi lễ. Anh ta khen mãi…nhà thờ đẹp–đẹp thật!
Anh nào biết đấy chính là nhà thờ kính thánh Phaolô, mình ước muốn đến viếng và
tham dự thánh lễ. Thánh Phaolô không những được tôn làm quan thầy của nước Hy-Lạp,
nhưng cách riêng, ngài cũng là quan thầy cho miền xứ Corintho; bởi vì thánh
nhân không những đã đến Corintho [3] lần, nhưng ngài còn lưu lại, sống cùng, sống
với, và sống cho Corintho–xa hơn nữa, chính Phaolô đã thiết lập giáo hội đầu
tiên (first metropolis) tại đây. Đã vậy, dân Corintho rất hãnh diện về các
“Thư” của Phalo viết cho giáo đoàn Corintho, đã được giáo hội trên toàn thế giới–Roma,
Chính thống hay tin lành–đều chọn làm rường cột cho thần học Kitô giáo (top
text of Christian teachings)
Nhà thờ toạ lạc tại trung
tâm thành phố, giữa một khu đất rộng rãi, khang trang, cây cối, phong cảnh đẹp,
được thiết lập nhà thờ chính toà cho cả miền (metropolitan church). Hầu hết
giáo dân tham dự là giới lớn tuổi, trên 50. Thì ra, lễ dành cho giới trẻ vào buổi
chiều. Nếu ai đã sống đạo công giáo thời trước Công Đồng II (1963), ắt còn nhớ,
từ trang phục của linh mục đến cách thiết kế bàn thờ–xây vào bên trong cung
thánh. Giáo phái Chính Thống còn giữ nguyên với truyền thống mười mấy thế kỷ,
không hề thay đổi.
Trước thánh lễ, linh mục đi
xông hương các tượng–khá nhiều tượng
trong nhà thờ, nên chi, nhà thờ xông lên nghi ngút không những khói hương, mùi
hương tràn ngập thánh đường. Không có những đối đáp qua lại giữa chủ thế và
giáo dân; nhưng, hầu hết là qua ca đoàn, toàn nam giới. Ca đoàn hát khá nhiều,
theo từng nghi thức.
Một sự khác biệt hiển nhiên
giữa giáo hội công giáo Roma và Chính Thống là nghi thức thánh lễ và truyền
phép. Cung thánh, nơi linh mục cử hành “bí tích” thánh thể, quả thật là “bí mật”. Không một ai, giáo dân nào được xem thấy những
gì linh mục cử hành. Đây là một chủ đề cần được nghiên cứu sâu và biên khảo
công phu–phân tích sự khác biệt giửa
hai giáo phái–Công giáo Roma và Chính
thống. Ngay cả việc sử dụng “ảnh” và “tượng” cũng hoàn thoàn khác nhau, trong
lý luận triết học và thần học. Một sự khác biệt hiển nhiên nữa là phụng vụ
thánh thể, rước lễ. Chính thống giáo giữ nguyên truyền thống “bánh không men”
và mọi người lên cung thánh nhận bánh–khoảng 2 lóng tay–không chỉ cho riêng
mình, nhưng còn mang xuống, mang về cho những ai không tham dự thánh lễ được.
Gặp lại
Louis
Louis rời thủ đô Athens trước
mình, nghe nói đi Ý–mấy hôm sau, không hẹn, nhưng lại gặp Louis tại Corinth, tá
túc cùng phòng tại một
nhà nghỉ. Louis không chỉ am tường về kinh thánh, nhưng giỏi cả nấu ăn. Anh bỏ
tiền đi chợ, nấu ăn, nấu ngon và mời mọi người cùng ăn. Nơi anh, toả ra một tâm
hồn người Kitô hữu chính hiệu như những gì Phaolô đã rao giảng. Gặp gỡ Louis và
học hỏi được nơi con người Kitô hữu và đam mê của anh về kinh thánh, nhất là về
Phaolô, khích lệ và lên tinh thần cho mình. Bao năm rồi, từ khi say đắm trong
việc nghiên cứu và học hỏi về “con người lịch sử của Đức Giêsu”, về Phaolô, mình chưa may mắn
được quen biết hay gặp gỡ một người Việt nào cùng chí hướng, gần hay xa, bất luận
tuổi tác hay giống tính, để chia sẻ và hàn huyên.
Gặp cặp
vợ chồng người Pháp
Sau khi thăm viếng di tích cổ
Corintho, trong lúc đang đón
xe bus, gặp hai ông bà– ông trắng, bà đen. Họ cùng đón xe về lại phố Corintho. Hỏi ra, biết mình là dân An-Nam, ông
bà xổ một tràng tiếng tây. “Xin lỗi, tôi
có học tiếng Pháp, nhưng hơn một nửa thế kỷ, không sử dụng, tiếng Tây của tôi sờn
sét hết rồi, tôi chỉ còn nhớ một vài bài hát” –mình tuôn ra ngay…
“Le
Seigneur nous a aimés”
https://www.youtube.com/watch?v=qzM0g4tevoE
Paroles
de Le Seigneur nous a aimés
Dominique
Fauchard
ALBUM
Le Seigneur
nous a aimés comme l'on n'a jamais aimé.
Il nous guide chaque jour comme une étoile dans la nuit.
Quand nous partageons le pain, il nous donne son Amour:
C'est le pain de l'amitié, le pain de Dieu.
C'est mon Corps, prenez et mangez!
C'est mon Sang, prenez et buvez!
Car je suis la Vie et je suis l'Amour.[*]
O Seigneur, emporte-nous dans ton Amour!
*Xem thư của Phaolô (1 Cor 13:4-7) và của John (1John 4:8)
(Bài hát khá dài, với nhiều phiên khúc. Ai thích hát, hoặc muốn
biết trọn lời ca, bản nhạc, xin xem phần tham khảo nơi cuối bài)
Chỉ vừa nghe vài chữ đầu,
ông bà vào đồng ca ngay. Bà lại lịch sự khen, “Tôi hiểu từng lời anh hát.” Tạ ơn Chúa!
Thế rồi ông hỏi, “Thế anh
nghĩ gì về sự hiện diện của Pháp tại quê hương anh?” –chủ yếu là thời thuộc địa,
đô hộ của Pháp. Mình đáp lại bằng một phong cách ngoại giao, ông hài lòng.
Sau đó, ông bà hỏi tiếp, “Anh đến thăm Corinth với mục đích gì?” Mình
đáp, “Tôi theo dấu chân Phaolô.” Ông bà trố mắt lên, “Chúng tôi cũng thế.” Rồi trao đổi nhau emails để giữ liên lạc. Ông
bà mời mình ghé thăm gia đình khi nào đến Pháp.
3. Meteora
Đã đến Hy-Lạp mà không đến “Meteora”
để thăm viếng các dòng tu được xây dựng vào các thế kỷ thứ 13-16, trên các đỉnh
núi đá cao vút giữa trời, quả là một sự mất mác. Meteora–tiếng Hy-Lạp
có nghĩa là “trên không-in the air”–nằm ngay phía bắc thành phố Kalabata khoảng
2 cây số–tây bắc vùng thảo nguyên Thessaly. Mình gặp một người Ấn-độ, ngoài 75 tuổi, theo đạo Hindu–như
bao nhiêu vạn triệu người khác trên khắp thế giới, ông không đến thăm nơi nầy vì
đức tin tôn giáo. Liên Hiệp Quốc (UNESCO) [8A] công nhận Meteora là “di sản văn
hoá thế giới”, cũng không vì yếu tố tôn giáo, nhưng giá trị văn hoá. Một ngạc
nhiên khác, mình gặp lại một sinh viên người Đức, mới tuần trước cùng trọ tại một
nhà nghỉ tại Corintho,
nay, cùng trọ một nhà tại Meteora. Anh đi từ Đức đến các thành phố Hy-Lạp bằng xe gắn máy (motocycle).
Các dòng tu có tên chung bằng
tiếng Anh: “Monastory”, không phải “Convent”- Chính Thống Giáo là một quốc giáo
của Hy-Lạp, do đó, các dòng
tu tại đây được sự bảo trợ của không những chính quyền, nhưng nhất là giới quý
tộc và những người giàu sang phú quý thuở xưa. Hiện nay, du khách chỉ được vào
thăm một phần rất nhỏ của tu viện, lắm nơi không cho chụp hình. Duy có một nơi chưng
bày nhiều di tích về trang phục cho linh mục, các vật dụng dùng trong các bí
tích, nghi thức tôn giáo, ảnh tượng, thánh giá, đặc biệt là nhiều văn bản viết
tay, được bảo quan qua bao thế kỷ–Cho
phép chụp hình, quay phim. Thử mường tượng–những
văn bản viết, sao chép bằng tay, tiếng Hy-Lạp
ấy, lại là các bản tin mừng (Mathêu, Marco, Luca và Gioan, hoặc Thư của Phaolô,
quả là một hạnh phúc biết bao cho những ai khao khát đi tìm, khảo sát, nghiên cứu
về lịch sử và truyền thống Kitô giáo.
Sáu (6) tu viện đang còn hoạt
động [8B]: 1) The Great Meteoron, 2) Agia Trida, 3) Agios Kiolaos và 4) Varlaam
thuộc về nam tu sĩ – 5) Agios
Stephanos và 6) Roussanou thuộc về nữ tu sĩ. Hiện nay, không còn nhiều người đi
tu như thời trước, do đó, tất cả các tu viện đã trở thành những nơi du lịch,
thu hút du khách trên toàn thế giới nhiều hơn là người muốn đi tu. Có những tuyến
du lịch chỉ trong vòng [1] ngày, khởi hành từ thư đô Athens, cách Meteora mấy
trăm cây số. Đi du lịch như vậy, người Việt hay sử dụng từ “cữi ngựa xem hoa”,
thật đúng nghĩa. Muốn đi thăm [6] tu viện, ít nhất, phải cần 2 hoặc 3 ngày. Vì
đến thăm một nơi có những di tích lịch sử, tôn giáo, văn hoá; thiết tưởng, cũng
cần hội nhập, tiếp cận với người địa phương, quan sát, tìm hiểu về đời sống,
văn hoá, phong tục tập quán và nhất là con người bản xứ; chưa nói những ai mê
chụp hình. Muốn có hình đẹp, cần phải cần ánh sáng tự nhiên–ánh sang lúc bình
minh lên, hoàn toàn khác hẳn với lúc chiều tàn, tàn rất mau–nhìn thật kỹ có thể
thấy được mặt trời xuống dần, xuống nhanh sau rặng núi hướng tây. Mỗi phút, mỗi
giây, ánh sáng thay đổi, giá trị và vẽ đẹp của hình ảnh cũng thay đổi theo–không
nói đến việc sử dụng khoa học kỹ thuật photoshop.
4. Thessaloniki (Thessolonica)
Cổ thành–buổi sáng đầu tiên,
vừa bước ra khỏi nhà nghỉ chừng hơn một trăm mét, mình nhận diện ngay di tích
thành cổ, khoảng một mét bề ngang. Dõi theo bờ thành, đưa mình lên khu cao nhất–một
dãy thành đồ sộ hiện ra. Dọc theo thành, có một ngôi giáo đường chính thống
giáo—tôn giáo chính của Hy-Lạp,
chiếm 98 phần trăm dân số–nên đâu đâu cũng chỉ thấy nhà thờ có cùng một lối kiến
trúc cổ điển giống nhau. Từ lan cang của nhà thờ nhìn xuống phố, ra biển,
Thessalonica quả là thành phố khá đẹp, có biển (vịnh), có phố xá nhộn nhịp, sau
lưng là núi, không phải núi đồi khô trọc, nhưng đầy cây cao, xanh tươi, nhà nhà
san sát kín cả triền đồi. Như đã nói, những thành phố lớn của Hy-Lạp ngày nay,
luôn bên dưới là một thành phố cổ 2- 3000 năm trước. Hiện nay vẫn còn nhiều
công trình khai quật những di tích cổ xưa chôn vùi bên dưới, lắm di tích còn hiện
rõ những thành, nhất là những cột bằng đá hoa cương (marble) cao vút.
Nơi đây, có nhiều giáo đường
chính thống giáo cổ, xây dựng từ thời thế kỷ thứ 5, 6; tuy đã nhiều lần bị cháy
do thiên tai, động đất, hoặc do chính các cuộc xâm lăng, chiến tranh tôn giáo-Hồi
Giáo–Kitô Giáo, ngay cả thời đệ nhị
thế chiến, quân fascit tiêu huỷ gần hết các đền thờ, giáo đường và giết không
biết bao nhiêu linh mục, tu sĩ chính thống. Có đến Hy-Lạp, có giao tiếp và lắng
nghe những người dân địa phương chia sẻ, nhất là những người có họ hàng, tổ
tiên trong hàng tư tế, linh mục, tu sĩ, đã bị tù đày, hành hạ, tiêu diệt trong
thời Hitler, mới cảm nhận được nỗi đớn đau, thống khổ–một quá khứ đầy máu và nước mắt của họ–đứt ruột! Đa số những giáo đường, đền thờ đã và đang được trùng
tu, xây dựng lại nguyên nét cổ kính như ngày xưa. Trong một dịp khác, chúng ta
sẽ tìm hiểu thêm từ “Chính Thống Giáo-Orthodox Church”. Tại sao gọi là Chính Thống
Giáo? Thế, những giáo phái Kitô Giáo khác như công giáo La-Mã (Roman Catholic), tin lành
(Protestants), sẽ là tà giáo hoặc nguỵ giáo chăng?
Gặp
linh mục chánh xứ đền thánh Phaolô
Đứng bên giáo đường St. Nikolas
Church [9A] nhìn qua phía lưng đồi bên trái, nơi đó, Giáo đường kính thánh Phaolô
[9.B] nỗi bật hẳn giữa hàng ngàn căn nhà san sát bên nhau. Đến nơi, mặt trời đã
lặn. Thấy một tu sĩ trong bộ áo dòng, mình chào thăm, “Phải ngài là linh mục không?”
Ngài đáp, “Vâng, tôi là linh mục chánh xứ.”
Sau khi giới thiệu về hành trình theo dấu chân Phaolô của mình, linh mục vui vẻ
chia sẻ, “Đấy, bên kia, nhà thờ thánh
Nikolas, chính nơi ấy, thánh Phaolô đã một lần rao giảng tin mừng.”
Người Hy-Lạp tin và một niềm
tin sâu thẳm về sứ mệnh rao giảng tin mừng của Phaolô trên quê hương họ, cho dân tộc của họ–dựa theo công vụ tông đồ: “Và trong giấc mơ, Phaolô thấy một người, ông
đứng đó van nài, ‘Hãy đến Macedonia và giúp chúng tôi’. Sau khi mơ thấy vậy, họ
lập tức đến Macedonia, kết luận rằng, Chúa đã gọi chúng tôi đến rao giảng tin mừng
cho họ. And
a vision appeared to Paul in the nights: a man of Macedonia was standing there,
urging him and saying, ‘Come over to Macedonia and help us’. And when Paul had
seen the vision, immediately we sought to go on into Macedonia, concluding that
God had called us to preach the gospel to them.” (Acts 16:9-10). Chính
linh mục chánh xứ đã nhắc lại đoạn nầy một cách tự tin và hãnh diện. Quả vậy, trong kinh thánh tân ước, không một
miền xứ, đất nước nào được Phaolô quan tâm, nghĩ đến và viết nhiều thư nhắn gửi,
tâm tình và khuyên răn–thể hiện một chiều sâu thần học Kitô giáo, phương châm sống
đạo–đặc biệt nói về tình yêu. Một hình thức sống đạo, thói quen hay tập quán–hầu
như rất nhiều tín hữu Hy-Lạp làm dấu thánh giá khi đi ngang qua giáo đường, nhà
thờ, dầu đi bộ hay đi xe.
Chuông chiều đổ vang, mình hỏi,
“Thưa cha, phải là giờ lễ không?” “Mời vào.” Linh mục đáp. Thế là thêm một
thánh lễ theo truyền thống Chính thống, trong giáo đường kính thánh Phaolô.
Đến đền
thờ nơi Phaolô đã một lần giảng đạo [9A]
Ngày đầu tiên, khi mình vừa
đến Thessaloniki, sau khi đi dần mò theo cổ thành đã ghé vào, chụp hình ngôi
nhà thờ cổ, nhưng vắng vẻ, không thấy bóng dáng người, cửa đóng khoá. Hôm sau, khi nghe linh mục chánh xứ đền thánh
Phaolô mách cho biết, mình trở lại. Hôm nay, thứ Bảy, các cửa nhà thở toang mở,
thì ra, đang chuẩn bị cho nghi thức rửa tội cho một em bé.
Chung quanh nhà thờ, một chiếc
xe van chở toán quay phim-chụp hình, nhiều xe nhà và mọi người ăn diện trang trọng
như đi dự đám cưới. Mình vừa giương máy lên chụp hình, một linh mục lên tiếng,
“No Photo!” Từ nầy mình nghe hơi nhiều, quen thuộc. Nhưng, mình luôn sống với
châm ngôn, “Won’t take no for an answer” nghĩa là, “không thể khuất phục vì việc
từ chối”. Mình lại gần, ghé vào tai linh mục, “Thưa cha, tôi đang nghiên cứu về hành trình của Phaolô, tôi cần hình ảnh
cho công tác viết lách. Hàng triệu người không đến đây được, sứ mệnh của tôi
là…” Vị linh mục làm thinh, bỏ đi. Thế là mình lao vào chụp, quay video,
không chừa một góc cạnh nào–với châm ngôn–thừa hơn thiếu sót.
Bước vào gian khá hẹp, khoảng
hơn 2 mét nhân 2 mét, mình chụp hình mọi phía, mọi hướng, rồi quỳ sập người xuống
nơi chính thánh Phaolô đã một lần đứng rao giảng tin mừng, trán vừa chạm đến tảng
đá lạnh, người mình bổng
nhiên bừng nóng lên như cơn sốt, nước mắt trào ra, một cảm xúc như chưa bao giờ
có.
Tiếp theo, nghi thức rửa tội
do ba (3) linh mục đồng cử hành và một linh mục phụ giúp. Nghi thức rất ư dài,
vừa đọc lời Chúa, vừa đọc kinh, hát, theo tuần tự. Người cha ẳm đứa bé. Cháu được
xức dầu từng nơi, từ trên đỉnh đầu, hai bên thái dương, trên trán, môi-miệng và
rồi toàn thân. Vị chủ tế nhúng em bé vào trong bồn nước ba (3) lần, mỗi lần lại
đọc kinh, hát. Sau hết, trao em bé cho người cha, với tấm khăn lông lớn có sẵn,
lau sạch dầu, và em được mặc một bộ áo mới, con người mới, sau khi nhận được bí
tích thanh tẩy, giữa sự chứng giám của cha mẹ, người đỡ đầu và gia đình. Nghi
thức rửa tội, tuy đơn sơ, nhưng kéo dài gần một tiếng đồng hồ, với giàn đèn và
nhóm chuyên gia–một (1) nhiếp ảnh, và (4) điện ảnh/video ghi lại không thiếu một
tác động, cử chỉ, góc độ nào.
Phaolô
đã đến Thessalonica trong chuyến hành trình …(xem Acts-CVTĐ 17)
5. Philippi
Thành
phố Kavala [10]-Xe bus
từ từ đổ dốc, đường quanh co, ngoằn ngoèo, bên phải là biển/vịnh, bên trái là rừng
thông, dưới thung lũng là phố xá, trông đẹp như bức tranh. Thời của Phaolô,
Kavala có tên “Neapoli”, có nghĩa “phố mới”. Mình nghĩ thầm…phải chi, được có
nhiều thời giờ, thăm viếng, khám phá thêm cái đẹp quá hấp dẫn của Kavala.
Chính Phaolô đã đến đây vào mùa đông năm 49 từ Troas–đây là lần
đầu tiên Phaolô đặt chân trên lục địa Âu châu trong sứ mệnh rao giảng tin mừng
và từ đây, ông cùng Silas, Timothy và Luke–tác giả Công Vụ Tông Đồ, đi đến
Philippi, khoảng 13 km về hướng tây-bắc, một miền đất thuộc địa của đế quốc
Rôma thời ấy.
Thành phố cổ Philippi ngày
nay không còn là một địa danh với dân cư đông đúc, phồn thịnh như ngày xưa. Nơi
đây chỉ là một di tích lịch sử, nằm trong làng nhỏ mang tên Filippoi.
Sau khi chụp hình và thâu
video toàn quần thể cổ thành, mình ghé vào viện bảo tàng nằm kế bên cạnh–sát chân đồi; nhưng, không có đủ thì giờ
để vào thăm, đành cho ưu tiên hàng đầu---leo lên đỉnh đồi–nơi đã là một trụ sở hành chánh của vùng–thời Phaolô. Không biết khởi hành từ đâu, con đường nào. Mình hỏi nhân
viên của viện bảo tàng, ông chỉ một cách miển cưỡng–“Về hướng đó.” Về hướng ông
chỉ, không thấy một con đường nào, ngay cả con đường mòn cũng không. Mình chỉ
biết nhắm hướng để đi như một thời sống đời hướng đạo. Tuy nhiên, thấy vậy,
nhưng không phải vậy; vì dốc đồi nghiên gần 45 độ, gai nhiều, đá trơn, đá vỡ, không
dễ tìm ra chỗ đặt chân xuống–lỡ tay
trượt tế là lăn nhào xuống núi ngay, toi mạng. Mình quyết tâm. Đã đến đây, gần
hết hành trình rồi, không thể ra về nhưng không biết trên đỉnh đồi có gì, không
nhìn thấy được toàn quang cảnh của vùng Philippi–không thể được. Cố gắng hết sức,
không phải chỉ sự cố gắng như một em “Sói Con” trong ngành hướng đạo, nhưng, gắng
sức–một sống một còn, vì những giới hạn của sức khoẻ, cơ thể. Từng bước, từng nổ lực (đúng theo nghĩa đen)–sau
cùng, đã đến đích–Tạ ơn Chúa!
Cũng leo lên đồi như tại Corintho; nhưng, không có chông gai và hiểm
nguy như tại Philippi. Vì thỉnh thoảng, lại thấy xương như của chó sói, da rắn…làm
mình rợn da gà! Nếu, bị bất cứ một con
hoag thú nào tấn công, cắn, ắt không có đường nào kêu cứu. Giữa lưng đồi hoang,
bỏ hoang mấy ngàn năm, không hề có con đường mòn lên đỉnh đồi–ai nào nghĩ ra sẽ có người dám liều mạng
một mình trèo ngang hông lên núi. Leo lên đã khó, tìm ra lối xuống cũng không dễ,
vì hoàn toàn không một dấu hiệu nào có người lên xống đồi nầy, không có đường
mòn, phải tự tìm lối xuống.
Phaolô
rửa tội Lydia [11]
Xuống đồi, chưa được một
phút xả hơi, lại phải vội vã nhanh chân đến đền thánh Lydia, nơi bà được chính Phaolô
rửa tội bên bờ suối, cách cổ thành khoảng hơn nửa cây số, và được mệnh danh là
người tín hữu Kitô giáo đầu tiên của Âu Châu. (xem Acts-CVTĐ 16, 15)
Đền thánh Lydia không lớn lắm,
nhưng ghi lại đầy đủ những dấu tích lịch sử–từ
dưới sàn nhà đến vách tường và trên trần nhà. Giửa đền thờ là một bồn dành cho
nghi thức rửa tội. Công Vụ Tông Đồ không ghi lại hoặc nhắc đến bao nhiêu người
khác, ngoài Lydia, được chính thánh Phaolô hoặc những người cộng sự, những người
đứng đầu của giáo hội Philippi thuở ấy rửa tội. Philippi là cộng đoàn đầu tiên
tại Hy-Lạp, nhưng không nghe nhắc đến nhiều, mãi đến năm bảy năm sau, khi Phaolô
đang bị giam cầm tại Roma, mới có thư gửi cho giáo đoàn. Trong thư, Phaolô thể
hiện như một di chúc, những lời nhắn gửi cuối cùng với tâm tình tri ân, trối
trăn, chia tay, và giã từ. “Rốt lại, hỡi anh
em, phàm điều chi chơn thật, điều chi đáng tôn kính, điều chi công bình, điều
chi thanh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có
nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến. Những gì anh em đã học, đã
nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi---hãy thực hành những điều này, thì Đức Chúa
Trời bình an sẽ ở cùng anh em---Finally, brothers,
whatever is true, whatever is honorable, whatever is just, whatever is pure, whatever
is lovely, whatever is commendable, if there is any excellence, if there is
anything worthy of praise, think about these things. What you have learned and
received and heard and seen in me---practice these things, and the God of peace
will be with you.”
(Philippians 4:8-9)
Phaolô
đã đến Philippi trong chuyến hành trình thứ [2] (xem Acts-CVTĐ 16)
6. Rôma
Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô-Ngoại
thành-[14]
Thật đúng nghĩa với danh
xưng, vì một công trình kiến trúc đồ sộ, trang nghiêm và tuyệt vời, không khác
gì những vương cung thánh đường lớn tại Roma, ngoại trừ Vương Cung Thánh Đường
Thánh Phêrô-Vatican. Nếu chỉ đi theo đoàn, tour, và chỉ nghe được những người
hướng dẫn đoàn tóm lược về những gì theo kiến thức nghề nghiệp của họ, hoặc đi
hành hương những đền đài tôn giáo nhưng không chuẩn bị, nghiên cứu trước, ắt hẳn
sẽ mất mác rất nhiều. Vì để am hiểu thật sâu từng chi tiết, kiến trúc, hình ảnh,
tượng, điêu khắc trong mọi đền đài, cần phải có rất nhiều thời gian, đi chậm,
quan sát, nhìn sự vật từ nhiều góc độ, góc cạnh khác nhau. Không chỉ thấy
(see), xem (watch) quan sát (observe), nhưng phải biết chiêm ngắm, chiêm ngưỡng–không chỉ bằng đôi mắt, nhưng bằng sự
rung cảm trong tâm hồn và trái tim say mến. Để rồi, khi xa lìa các đền đài,
giáo đường, mỗi người tự tạo cho mình một gia sản, tư liệu, thư viện, kiến thức
phong phú và tràn đầy ý nghĩa để sống, chứ không chỉ có mặt, có hình, để cho
người khác biết mình đã đến nơi nầy, nơi kia, viếng chỗ nầy, chỗ nọ. Kinh nghiệm
sống, trải nghiệm, không cho, không chia phần, không trao tặng, hoặc thừa kế lại
cho bất cứ ai. Ngay cả hai người cùng song hành, cùng đi hành hương, cùng nhìn
về một sự vật, sự kiện, nhưng, không một ai có thể đắc thủ, cảm nhận và kinh
nghiệm tương tự, đừng nói chi giống nhau.
Trước khi đến, bước vào đền
thánh, mình hoàn toàn không có một cảm giác gì về một nơi thánh, mộ thánh và hấp
lực, sức mạnh lôi cuốn mình, cho đến khi mình rời hẳn đền thánh, ra nơi hàng
cây có ghế ngồi ngay phía trước, nhìn vào, mình cảm thấy tâm hồn đầy ắp không
biết bao nhiêu cảm xúc còn giao động, đan xen vào nhau. Phải chăng, vì lần đầu
tiên trong đời mình vô tình được tham dự thánh lễ ngay tại đền thánh Phaolô, với
[19] vị giám mục và [5] linh mục đồng tế. Cuối lễ, lại được vị giám mục chủ tế
bắt tay và hai giám mục chụp hình lưu niệm với mình. Mình không hề biết trước,
cũng không mong gì ngoài việc viếng thăm đền thánh với tính cách cá nhân, riêng
tư.
Đền thánh Phaolô-nơi ngài bị giam và
hành quyết-Tre Fontane Abbey [15]
Đền Thánh Phaolô (ngoại
thành) là nơi được bết đến là mộ của thánh Phaolô, và thành đền thánh Phaolô tại
“Tre Fontane Abbey”, nơi Phaolô bị giam cầm và hành quyết–cách đền thánh Phaolô ngoại thành khoảng 2 cây số. Nơi đây vắng vẻ,
không thấy bóng dáng tín hữu hành hương, du khách hoặc những sinh hoạt nhộn nhịp,
không có bãi đậu xe lớn, không có quán lưu niệm, không nhà hàng ăn uống–toạ lạc trong một khu thanh vắng, với
dòng tu và nơi chiêm niệm về những đau khổ, ngục tù và cái chết đau thương của Phaolô–bị
chặt đầu–theo truyền thuyết của giáo hội. Những người đến đây, không phải là để
tìm xem những kiến trúc nguy nga, tráng lệ, rực rỡ, huy hoàng, nhưng để nguyện
cầu trong thinh lặng, hướng lòng về với đức tin và siêu nhiên.
Trên đường về, tâm hồn mình
lâng lâng, như thì thầm cùng Phaolô–con nay đã được đặt chân lên những nơi
thánh nhân đã một lần sống, một lần đi qua, rao giảng, và đã một lần chết–chết
vì niềm tin mãnh liệt, chết cho người mình yêu-Đức Giêsu. Con vui sướng, toại nguyện và
có thể thốt lên như Simeon ngày xưa, “Lạy
Chúa, giờ đây, con sẵn sàng ra đi, vì mắt con đã xem thấy tỏ tường, tay con đã
sờ vào, chân con đã chạm trên những hành trình của Phaolô–ôi, tuyệt vời thay!”
Đan viện Citô-có tượng thánh Bênađô
(Bernard) [16]
Vừa đến nơi, chuông từ trong
đan viện “Tre Fontane Abbey/Three Fountains Abbey” –dòng Citô (Citeaux) vang
lên, từng hồi, như chào đón, mời gọi mình. Ngạc nhiên, ngay trước đền thờ kính
thánh Phaolô bị hành quyết, bên trái, một tượng thánh Bênađô (Bernard) đứng
giang rộng đôi tay–như đón chào, như
mời gọi, như đón con về–người Kitô hữu
cùng mang tên của ngài. Lòng mình ấm
lại, không như cái “ấm” ngoài da mùa hè của Roma.
Thánh Bênado cũng thuộc dòng
Citô, và ngài sáng lập ra nhiều dòng nam–nữ
tại Clairvaux, nên được biết là Bernard xứ Claivaux (1090-20 tháng 8, 1153-tên
Latin: Bernardus Claraevallensis) [17],
nơi đó, ngài là một Đan Viện phụ, được nhiều giáo hoàng thời thánh chiến kính
phục, thường hay tư vấn riêng. Ngày nay, dòng Citô trông coi, quản lý khu đền
thánh ngĩa trang dưới đất, ngoài thành Roma.
Dòng Thánh Phaolô thành Chartres
(Sisters of Saint Paul de Chartres) [18]
Ước muốn rất lâu được đặt
chân đến nhà tổng quản, nơi có Mẹ Bề Trên Tổng Quyền đang sống, cũng là nơi hai
chị của mình một thời sống và học tại Roma, đã toại nguyện. Ý định chỉ muốn biết
toà nhà ấy thế nào, toạ lạc tại đâu, cũng hài lòng rồi. Nhưng, Mẹ Bề Trên đón
tiếp mình với hết sức yêu thương và đặc biệt. Mẹ không hề tỏ vẽ ngạc nhiên hay ngần
ngại–mặc dầu mình không gọi trước, chẳng báo trước, đừng nói chi xin phép Mẹ để
thăm dòng. Hai Chị của mình cũng không hề hay biết cậu em mình hiện đang có mặt
tại nhà tổng quản. Mình được mời ăn trưa, ngồi bên cạnh Mẹ–cùng bàn, có hai Soeur
người Việt. Sau cơm trưa, Mẹ đưa đi thăm cơ sở–từ nhà nguyện với kiến trúc hết
sức tân kỳ–từ trong ra ngoài, đến phòng tổng hội, nơi chỉ dùng bầu bề trên tổng
quyền, các điêu khắc, bích chương, đến khu trưng bày biểu tượng của các miền, xứ,
đất nước có cơ sở truyền giáo và công tác xã hội của dòng–đặc biệt là một mô hình về lịch sử hội dòng, từ một miền quê nghèo
bên Pháp, do một nghệ nhân người đông Âu tặng. Một điều làm mình rất đỗi ngạc
nhiên là, Mẹ đã giao công tác cho hai Soeur Việt–gọi taxi, tháp tùng mình đến đền
thánh Phaolô, nơi ngài bị giam và hành quyết.
Phaolô
đã đến Rôma trong chuyến hành trình… (xem
Acts-CVTĐ)
Hành trình mấy tháng đặt
chân lên [8] miền đất nước, thủ đô–tất
nhiên, nhiều nơi chưa hề có dấu chân Phaolô; nhưng, mình chỉ cô đọng những gì
chia sẻ trong bài viết ngắn nầy, chú trọng vào hầu hết những gì liên quan trực
tiếp hoặc gián tiếp đến Phaolô, ngoại trừ Meteora. Tựu chung, đi đâu, tại Âu
châu, vẫn tìm thấy dấu vết của thời đế quốc La Mã/Roma—liên quan rất mật thiết
với thời đại của Đức Giêsu và của Phaolô. Ngay tại một nước rất nhỏ,
Luxembourg, lớn hơn Vatican, nhưng vẫn còn nhiều cổ thành của 2000 năm trước.
Cũng như tại Trier, Đức, nơi chôn nhau cắt rốn của triết gia Karl Marx, vẫn thấy
cổ thành La Mã ngay nơi phố chính.
Thư Phaolô–Một
Sự Sống
Rồi từ đây, “Thư” của Phaolô
không còn là những gì chỉ giới hạn trong các nghi thức tôn giáo, thánh lễ hay
những bài giáo huấn của giáo sĩ và những ai có trách nhiệm duy trì truyền thống
của giáo hội. Thư của Phaolô không còn gói gọn trong những bài đọc, bài giảng,
hoặc những gì được trích, chọn chiết ra từ các Thư của Phaolô. Thư của Phaolô
cũng không còn là tinh hoa, ý tưởng, huấn dụ hay kho tàng thần học của một tông đồ nhiệt thành–nhiệt thành
cho đến chết. Nhưng, Thư của Phaolô là một sự sống–với hơi thở, nhịp
tim–một hành trình sống với
biết bao thử thách, gian lao, gian khổ, gian truân, hiểm nguy; với lòng dũng cảm,
can đảm, quyết tâm và trên hết mọi sự: đó, chính là một đức tin–đức tin có thể
dời non chuyển núi–trong đó, là một sự tổng hợp, hiệp lực, đồng tâm của biết
bao nhiêu linh hồn, thân xác, cuộc đời, hợp lại trong cùng một đức tin mãnh liệt
như không có gì lay chuyển được họ–Phaolô, các môn đệ và những tín hữu đầu
tiên:
“Và tôi tin chắc rằng không gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của
Thiên Chúa. Không phải sự chết hay sự sống, không phải thiên thần hay ác quỷ,
không phải nỗi sợ hãi của chúng ta cho ngày hôm nay, không phải lo lắng của
chúng ta cho ngày mai–ngay cả quyền lực
của địa ngục cũng không thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa. Trên trời
hay dưới đất, không một quyền lực nào, không một tạo vật nào có thể tách rời
chúng ta khỏi tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải nơi đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta”–“And I am convinced that nothing can ever separate us from God’s
love. Neither death nor life, neither angels nor demons, neither our fears for
today nor our worries about tomorrow-not even the powers of hell can separate
us from God’s love. No power in the sky above or in the earth below–indeed, nothing in all creation will ever be
able to separate us from the love of God that is revealed in Christ Jesus our
Lord.” (Romans 8:31-39)
Lời cuối…
Để viết trọn những gì tai
nghe, mắt thấy, chạm vào, trải nghiệm và cảm nhận, từ góc độ con người, văn hoá
(ngôn ngữ, phong tục truyền thống, thực phẩm, tôn giáo, đức tin, nghệ thuật, mỹ
thuật, v.v.), chưa nói đến vấn đề chính trị–tác động thế nào đến tôn giáo, ắt
phải mất ít nhất vài năm và dăm ba trăm trang–đấy là một công việc cần khá nhiều
thời gian. Những gì mình đón nhận được một cách nhưng không, dường như là một hồng
ân, một sự quan phòng và tình yêu thương của nhiều người dành riêng cho mình.
Tiền bạc không mua được học
vấn, bằng cấp; và
địa vị không đánh đổi được một hành trình có một không hai trong đời–nhớ đời. Để
được một hành trình an bình, an toàn,
và mang lại nhiều hoa quả như ý, mong muốn, tất nhiên kiến thức cần phải có…Anh ngữ vững, khả năng thích nghi, hội nhập, nghệ thuật giao tế và trên hết mọi sự, chính là ơn
trên mà người ta thường gọi là may mắn–những gì ngoài tầm tay của mình. Hành
trình, ra đi–đi như Phaolô–xa khỏi môi trường mình sinh sống, tiện nghi, tất cả
đều ngoài sự chủ động của mình–mình hoàn toàn trở nên bị động. Chuẩn bị, chuẩn bị,
chuẩn bị và chuẩn bị. Thêm vào đó, lòng tự tin, tài ứng xử, tính chủ động, khả năng tiên liệu,
phòng xa, là những yếu tố ắt
có và cần thiết.
Tổ phụ triết học Socrates đã
nói, “An unexamined life is not worth living” [25]. Dịch theo lối nôm
na–Kiếp sống vô nghĩa-không đáng sống. Trong quan niệm ấy, mình đã và đang tự tạo một đời sống, một ngày sống,
từng phút giây sống trọn ý nghĩa. Bằng cấp cao, nhà cửa rộng, xe êm ái…không
mang lại cho mình ý nghĩa sống, đừng nói chi những phút giây hạnh phúc. Hành
trang vào đời đã sẵn, mình mong dành thời gian ngắn ngũi còn lại để không phải chinh
phục thế giới–nhưng chính mình; để khám phá những nơi, những gì mình mong muốn
biết, đã đọc trong sách vở, xem qua phim ảnh. Giờ, bằng đặt chân, chạm đến, hội
nhập vào và vun xới cho mình một kinh nghiệm sống thật, sống cùng và sống với mọi
công dân hoàn vũ, chính nơi môi trường sống của từng miền, mỗi miền, mang một sắc
thái văn hoá khác biệt, trong một cộng đồng thế giới cần sự tương tác, cảm
thông, hợp tác, hoà bình và yêu thương hơn là tranh chấp và chiến tranh.
Mark Twain, một văn hào người
Mỹ đã nói, “Đi, không cần biết đi đâu. Ra đi, bạn sẽ học hỏi được nhiều.” Quả vậy,
ra đi, không bao giờ đo lường được những gì mình gặt hái và không bao giờ đong
đầy được ước mơ học hỏi, phong phú hoá kiến thức và hành trang sống.
Thanksgiving
2022
BNĐ
Bên dưới, có kèm theo nhiều tài liệu tham khảo và
video những nơi mình đến, do những cơ sở, hội đoàn, tổ chức, chuyên gia hoặc cá
nhân nghiên cứu, biên soạn, thực hiện, đặc biệt là video có tên: “The Basilica of St.
Paul Outside the Walls”-Catholic Faith
Net (CFN)-do một nhóm linh mục, tu sĩ, chuyên gia sử giáo hội
thực hiện–trình bày một cách chuyên nghiệp, súc tích và hấp dẫn hơn. Đây cũng
là cách đi thăm viếng các đền, giáo đường, công trình kiến trúc, di tich lịch sử,
v.v.
Lưu ý–Mỗi thể loại phim ảnh, tài liệu, sách vở, luôn mang hoặc dựa vào
tính triết lý, giá trị, truyền thống, thần học mang tính chủ quan, theo đường
hướng của tôn giáo, giáo hội, giáo phái, hoặc cá nhân–do đó, người xem, đọc,
cũng cần có một kiến thức rộng, thoáng và cởi mở. Không câu nệ, phân biệt, đách giá, phê bình
hoặc xét đoán, khi chính mình chưa hoặc không có một kiến thức hay kinh nghiệm
vượt lên trên, xa hơn, sâu sắc hơn những gì trong các thông tin, tài liệu hoặc
phim ảnh.
Tên của các địa danh, thành phố, vùng miền trong
kinh thánh đã thay đổi qua nhiều thời đại. Ngày nay, đã có một số cách gọi khác
xưa, nhất là cách viết và phiên âm, phát âm trong tiếng Việt cũng như tiếng
Anh, Pháp, theo nhiều cách của từng giáo phái. Đan cử như: Côrintô, Corinth,
Corinthos, Korinthos.
*Lời riêng: Tác giả được lớn lên, giáo dục, đào tạo
và sống đời đức tin từ thuở mới có trí nhớ, do đó, thuật ngữ bị ảnh hưởng sâu đậm
nét công giáo Roma, nên có thể không đồng, không cùng khá nhiều danh xưng của
các anh chị em trong các giáo phái hoặc tôn giáo khác, xin cảm thông. Mong góp
ý và chia sẻ—chúng ta cùng tiếp tục hành trình…
**Hành trình theo dấu chân Phaolô bên trời tây, từ
Hy-Lạp đến Roma, chưa đủ. Mình vừa dấn thân vào hành trình tiếp theo, từ nơi
chôn nhau cắt rốn của Phaolô (Tarsus), đến nơi khai sinh Kitô giáo (Antioch/Antakya),
rồi xuôi về tây, qua các thành phố, làng, hang, nơi ông đã sống, giảng đạo—cùng
với Gioan, Phêrô, đức Maria và nhiều tông đồ khác— và thành lập nhiều giáo hội
thời sơ khai, trước khi có “kinh thánh”. Mình đã đến cổ thành Perge, Ephesus và
sau cùng, Troy, nơi Phaolô dùng thuyền sang Hy-Lạp, khởi đầu hành trình rao giảng
tin mừng (năm 49)—đang ghi lại hành trình thứ hai, “Hành Trình Tìm Về
Cội Nguồn Kitô Giáo Theo Dấu Chân Phaolô—A Journey Headhome to Christianity Birthplace
in Paul's Footsteps.”
ÍÎ
Tham Khảo Kinh Thánh
I. Công
Vụ Tông Đồ-Nên đọc toàn văn bản.
1. Đến
Philippi và Lydia được rửa tội- Acts 16. 12, 15-16
2. Đến
Thessalonica- Acts 17.1
3. Phaolô
tại Athens- Acts 17. 16
4. Phaolô
tại Corinth-Acts 18; 18.11
5. Phaolô
tại Ephesus-Acts 19
6. Phaolô
bị bắt-Acts 20. 27
II. Thư
Phaolô Gửi Giáo Đoàn-Nên đọc hết các thư (đọc đi, đọc lại…)
1. Philippi
2. Thessalonica
3. Corinth
(1 & 2)
4. Rôma
Tham Khảo
1. Wenham, David “Paul-Follower of Jesus or Founder of Christianity?”,
1995, Wm. B. Eedmans-Lighting Source; NEW STIFF WRAP edition
2. Ludemann, Gerd “Paul-The Founder of Christianity”, 2002,
Prometheus Books-New York
3. Who is Apostle Paul?
https://en.wikipedia.org/wiki/Paul_the_Apostle
Acts
of the Apostles, 5
Paul
the Apostle in Acts 22:3; Acts 5:34.
4. Apostle Paul’s mission
https://www.pbs.org/wgbh/pages/frontline/shows/religion/first/ missions.html
https://rts.edu/resources/the-goal-of-pauls-mission/
5. Paul’s Epistles
https://en.wikipedia.org/wiki/Pauline_epistles#:~: text=Most%20scholars%20believe%20that%20Paul, Second%20Timothy%2C%20and%20Titus).
https://www.churchofjesuschrist.org/study/scriptures/bd/pauline- epistles?lang=eng
https://www.oca.org/orthodoxy/the-orthodox-faith/doctrine-scripture/new-testament/letters-of-saint-paul
https://crossexamined.org/paul-write-thirteen-letters-attributed/
6. Paul’s 5th Journey
7. Athens
https://en.wikipedia.org/wiki/Athens
Culture and Religion
https://culturalatlas.sbs.com.au/greek-culture/greek-culture-religion
8. Mars
Hill
https://www.gotquestions.org/Mars-Hill.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Areopagus_sermon
9. Corinth
https://en.wikipedia.org/wiki/Corinth
10. Meteora
https://en.wikipedia.org/wiki/Meteora
11. Meteora-UNESCO
https://whc.unesco.org/en/list/455/
12. Monasteries in Meteora
https://visitmeteora.travel/meteora-monasteries/
13. Thessalonica
https://en.wikipedia.org/wiki/Thessaloniki
14. St. Nicholas Orphanos Church
https://en.wikipedia.org/wiki/Church_of_Saint_Nicholas_Orphanos
15. Church of St. Paul-Church of Aghios Pavlos
https://orthodox-world.org/en/i/17833/Greece/Thessaloniki/Agios-Pavlos/Church/Saint-Paul-Orthodox-Church
https://saloniki.guide/en/Attraction-Church_of_St_Paul-p2099-r189473-
Thessaloniki
16. Kavala
https://en.wikipedia.org/wiki/Kavala
17. Philippi
https://en.wikipedia.org/wiki/Philippi
18. Lydia
https://en.wikipedia.org/wiki/Lydia_of_Thyatira
19. God is Love [1 John 4:7-21]
https://www.biblegateway.com/passage/?search=1%20John%204%3A7-21&version=ESV
20. Le Seigneur Nous a aime –Lyrics
https://www.conducteurdelouange.com/chants/consulter/192
21. Le Seigneur Nous a aime-video
https://www.youtube.com/watch?v=qzM0g4tevoE
22. Basilica of Saint Paul (ngoại thành)
The Basilica of St. Paul Outside
the Walls
Catholic Faith Net (CFN)
https://www.youtube.com/watch?v=Z8WG358bocc [video-42:15]
https://en.wikipedia.org/wiki/Basilica_of_Saint_Paul_Outside_the_Walls
Saint
Peter’s Basilica and St. Paul’s Outside the Walls
https://www.youtube.com/watch?v=GJdSnxeGKMY&t=1033s
23. St. Paul Church at Tre Fontane
https://en.wikipedia.org/wiki/San_Paolo_alle_Tre_Fontane
24. Tre Fontane Abbey
https://en.wikipedia.org/wiki/Tre_Fontane_Abbey
25. Saint Bernard of Clairvaux
https://en.wikipedia.org/wiki/Bernard_of_Clairvaux
26. Sisters of Saint Paul de Chartres
https://en.wikipedia.org/wiki/Sisters_of_Saint_Paul_of_Chartres
https://stpaulrome.com/
27. Socrates, “An unexamined life…”
https://socratesjourney.org/socrates-and-the-unexamined-life/
https://www.the-philosophy.com/unexamined-life-worth-living-socrates
Tác giả:
Bernard Nguyên-Đăng
|