Mấy năm trước đây, đài VTV1
chiếu lại bộ phim truyền hình nhiều tập “Bản Tin Sớm”. Nhân vật chính trong
phim là Gary Hopson, một người thường xuyên theo dõi tin tức hằng ngày qua tờ
báo “Chicago”. Khi đọc tin tức, anh thường chú ý tới những người đang gặp nạn.
Mỗi khi thấy có người bị nạn, anh luôn băn khoăn tự hỏi xem mình phải làm gì để
giúp đỡ nạn nhân. Và lập tức, bất kể khó
khăn, anh lên đường tìm giúp người bị nạn. Chắc hẳn cũng có người nghe câu trả
lời tội nghiệp của hai bà già đạo đức từ thiện kia, khi được hỏi : “Cảm tưởng của
hai bà thế nào sau khi tham gia công tác cứu trợ bão lụt” thì đã trả lời cách
đơn sơ hồn nhiên : “Tôi mong có nhiều cơ
hội (bão lụt) như thế này để có thể tham gia cứu trợ !”
Tâm hồn người thanh niên
dũng cảm và quảng đại Gary Hopson chắc không phải như vậy đâu. Anh ta nào mong
cho có người bị nạn, nhưng khi có ai chẳng may bị nạn nơi “Bản tin sớm” của tờ báo Chicago là anh chạy ngay tới nơi anh có
thể tới. Anh ấy có những nét giống với tâm hồn của Đức Giê-su, mỗi khi nhìn
thấy những cảnh khổ ở đời, Đức Giê-su không sao cầm được lòng. Ngài chạnh lòng thương. Bài Tin Mừng CN tuần trước
nói Ngài chạnh lòng thương thì dạy dỗ nhiều điều, và bài Tin Mừng hôm nay, Ngài
chạnh lòng thương Ngài hoá bánh ít thành bánh đa, cá măng nhỏ xíu trở thành cá
tai tượng lo lớn để cho mấy ngàn người ăn no.
Ta có lẽ không thấy lòng của
Chúa qua phép lạ này, bởi Ngài đâu vất vả gì, khi búng một cái, bánh tuôn ra
như thác đổ, lấy rổ mà hứng đem phát cho dân. Nhưng ta thấy lòng của Chúa qua
phép lạ này dưới 4 điểm sau đây mà ta có thể học hỏi và áp dụng:
1) BÀI HỌC THỨ NHẤT mà Người muốn dạy ta, đó là ‘lòng cảm thương phải biến thành việc làm cụ
thể’. Lòng cảm thương là một tình cảm tốt. Nhưng cảm thương suông thì chưa
đủ. Thiếu việc làm cụ thể, lòng cảm thương nhiều khi trở thành hình thức, giả
dối. Thánh Giacobê trong lá thư của mình đã nói: (2,15) “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của
ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm
và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào
có ích lợi gì?” khi thánh nhân muốn chứng minh cho dân biết ‘đức tin không việc làm là đức tin chết’.
Lòng cảm thương thường ai
cũng có. Nhưng số người thực sự ra tay hành động vì lòng cảm thương lại rất
hiếm. Ta nại rất nhiều lý do : thái độ ngại ngùng, hoàn cảnh phức tạp, thiếu
thốn phương tiện. Bài Tin Mừng hôm nay nại đến phương tiện thiếu thốn. Chính
Philip, thổ địa của vùng này là người được Chúa hỏi đến đã trả lời ngay: “Làm sao kiếm được của ăn cho từng ấy người
nơi vắng vẻ này”. (chẳng có Làng Nướng, mà cũng không có Siêu thị
Maximart). ‘Lại nữa có dùng đến 200 đồng
(tương đương gần 7 tháng lương, tức gần 60 triệu VN đồng) mà chạy đi mua nơi
xa, thì cũng chẳng đủ cho mỗi người cắn một miếng bánh ít’. Cũng may, trong
số các tông đồ còn có Anrê.
2) BÀI HỌC THỨ HAI mà Chúa muốn dạy ta, đó là ‘hãy cộng tác vào công trình của Chúa’.
Chúa có thể làm được mọi sự. Nhưng Người muốn ta cộng tác vào chương trình của
Người. Người có thể biến đá thành bánh. Hoặc hơn thế nữa, biến không thành có
và có tràn trề hả hê. Nhưng Chúa Giêsu vẫn
đón nhận 5 chiếc bánh kiều mạch và 2 con cá muối khô của một em bé, mà Anrê có
công phát hiện: "Ở đây có một em bé
có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào
đâu!" Thấm đó, Anrê ạ. Sự đóng góp của con người tuy nhỏ bé, nhưng rất
cần thiết. Đó chính là khởi điểm để Chúa làm việc. Đừng khoán trắng cho Chúa
mọi việc. Hãy đóng góp phần của mình. Tục ngữ Pháp có câu : “Hãy tự giúp mình,
rồi Trời sẽ giúp bạn”. Việt-Nam ta thì ai cũng rõ: ‘mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’.
Anre có công phát hiện,
nhưng cậu bé mới thật là có tấm lòng lớn. Giả như cậu bé khư khư cất giữ thật
kỹ cái bánh con cá ít ỏi kia, thì sự gì sẽ xảy ra. Nothing. Không gì hết. Nhưng lòng cậu bé thật lớn, thế là phép lạ
diễn ra.
Lm Peter Phan đình Cho chú
giải phép lạ bánh hoá nhiều khá hay. Ông nói: “Phép lạ không phải nằm ở chỗ
bánh ít hoá bánh đa, cá măng thành cá tượng. Mà phép lạ nằm nơi em bé. Em bé
dám đưa bánh ra, còn người lớn, nhất là mấy bà, khư khư giữ kỹ”. Lm Cho lý
luận: “Khi đi xa, đi lâu, mà đi cả nhà, thế nào người mẹ trong gia đình cũng
giắt lưng ít miếng đồ ăn, thức uống, để chồng kêu đói, cũng có ngay, con than
khát cũng có liền. Chắc chắn không trăm phần trăm thì cũng bảy chục tám chín
mươi các bà mẹ đi nghe lời Chúa hôm đó thế nào cũng có của ăn giắt lưng dằn
bụng. Nhưng đã không ai đưa ra, mà chỉ có một em bé dâng cả 5 ổ bánh con và 2
con cá nhỏ”. Dâng hết. Và đó là phép lạ. Phép lạ diễn ra ngay.
Có thể chúng ta người lớn,
người trẻ hết bé rồi, hổ thẹn mắc cỡ vì phần ta có chẳng là gì để dâng Chúa.
Hối tiếc hổ thẹn như vậy là đúng, nhưng hãy bắt chước cậu bé. Chúng ta không có
lý do gì để từ chối dâng cho Ngài những gì mình có. Dù ít, bao giờ cũng thành
nhiều trong tay Chúa Giêsu. Hãy cộng tác với Ngài, đó là bài học thứ hai.
3) BÀI HỌC THỨ BA mà Chúa muốn dạy ta, đó là hãy ‘biết tiết kiệm’. Đói khát và thừa mứa.
Thiếu thốn và phung phí. Đó là hai trạng thái trái ngược hiện nay trên thế
giới. Khi dư giả người ta dễ phung phí. Mấy ngàn người vừa trải qua cơn đói,
nay đã vứt bừa bãi những mẩu bánh dư thừa. Đức Giê-su sai các môn đệ đi thu lượm
những mẩu bánh thừa. Thu được đúng 12 thúng. Mỗi tông đồ một thúng.
Tiết kiệm là trân trọng
những của cải Chúa ban. Tiết kiệm là ý thức của cải là của mọi người. Nếu tôi
phí phạm, anh em tôi sẽ thiếu thốn. Nếu tôi dè xẻn, anh em tôi sẽ có ăn. Tiết
kiệm để chia sẻ chứ không phải tiết kiệm để cất kỹ. Tiết kiệm vì công bình, chứ
không phải công lao gì đâu. Tiết kiệm vì lợi ích của toàn thể nhân loại. Đó là
luật là mệnh lệnh. Thế giới còn những người đói nghèo không phải là vì thiếu
tài nguyên, nhưng vì phân phối chưa đồng đều, vì những người giầu có tiêu xài
phí phạm.
Người trẻ thường phí phạm
hơn người lớn tuổi. Hãy biết tiết kiệm như bài học thứ ba Chúa dạy ta hôm nay
qua phép lạ bánh hoá nhiều.
4)
BÀI HỌC THỨ BỐN mà
Người muốn dậy ta, đó là phải ‘tìm lương
thực thiêng liêng’. Vật chất là cần thiết cho đời sống hiện tại. Nhưng vật
chất không phải là tất cả. Quá nô lệ vào vật chất, tâm hồn con người sẽ không
vươn lên được. Lương thực cho thân xác là một giải quyết cấp thời. Về lâu về
dài, muốn con người phát triển, cần phải giải quyết các nạn đói khác. Đó là ‘nạn đói văn hoá’. Đó là nạn ‘đói đạo đức’. Đạo đức học đường, đạo đức
chức nghiệp. Và trên hết, đó là nạn ‘đói
lương thực thiêng liêng’. Nhu cầu tâm linh của con người ngày càng lớn
rộng. Cơn đói khát tâm linh càng lúc càng mãnh liệt. Tìm đáp ứng nhu cầu tâm
linh là một việc làm thiết thực. Nâng cao đời sống tâm linh là đưa con người
tới phát triển toàn diện. Chúa bỏ trốn, không chịu để được tôn làm vua, vì
Người muốn những kẻ tìm Người tỉnh ngộ, vượt thoát khỏi vòng nô lệ vật chất,
vươn lên những giá trị tâm linh.
Với những bài học kèm theo
việc hoá bánh ra nhiều, Đức Giê-su muốn đào tạo trái tim chúng ta. Người muốn
trái tim ta hãy mở ra để cảm thương anh em đồng loại. Người muốn lòng cảm
thương ấy đi đến cùng bằng những việc làm
cụ thể, bằng sự cộng tác quảng đại,
bằng sự tiết kiệm để xẻ chia. Người
muốn trái tim ta và trái tim người ta giúp vươn lên khao khát những chân trời cao thượng của đời sống tâm linh. Qua
phép lạ bánh hoá nhiều, Chúa muốn làm phép lạ biến ta nên những con người phát
triển toàn diện xứng đáng là những người con của Thiên Chúa. Người muốn nuôi
dưỡng không chỉ thân xác nhưng nhất là linh hồn ta. Lạy Chúa, xin nâng tâm hồn
con lên tới Chúa. Amen.
Anphong Nguyễn Công Minh,
ofm
(theo gợi ý của Tgm Ngô
Quang Kiệt)